Phương thức hoằng pháp của thiền sư Minh Châu Hương Hải

phuong thuc hoang phap

PHƯƠNG THỨC HOẰNG PHÁP CỦA THIỀN SƯ MINH CHÂU HƯƠNG HẢI

Thích Trí Phước

 

Tóm tắt: Thiền sư Minh Châu Hương Hải, hay Thiền sư Hương Hải (1628 - 1715) là một trong những bậc long tượng chốn già lam, vị danh Tăng nối truyền mạng mạch Phật pháp. Thiền sư Minh Châu Hương Hải có công trong việc phục hưng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, tạo ra bước ngoặt cho Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII. Thiền sư Hương Hải, với hoài bão truyền đăng tục diệm và phụng sự nhân sinh, đã nỗ lực xây dựng nền Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bài viết này tìm hiểu về phương thức hoằng pháp của Thiền sư Minh Châu Hương Hải nhằm góp phần làm sáng rõ bức tranh về những cống hiến lớn lao của Thiền sư.

Từ khóa: phương thức hoằng pháp, Thiền sư Minh Châu Hương Hải, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII.

NỘI DUNG

1. Tiếp biến tư tưởng thiền Lâm Tế, Tào Động và kế thừa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử để Việt hóa hình thức tu học

Thiền sư Hương Hải dù thuộc thiền phái Lâm Tế dòng Trí Bảng Đột Không nhưng đã kế thừa và tiếp biến phương pháp hành trì và tư tưởng của tông Lâm Tế và Tào Động để hoằng pháp và khôi phục Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đây là lý do tại sao thiền Việt Nam nói chung, thiền mà Hương Hải thực hành nói riêng luôn mang sắc thái đặc trưng, riêng biệt, không bị ảnh hưởng nhiều thiền Trung Quốc.(1)

Cụ thể, đối chiếu hành trạng Thiền sư Hương Hải với phần sơ lược về thiền phái Lâm Tế và Tào Động trong sách Thiền học Việt Nam của Thích Phước Đạt (Thích Phước Đạt, 2022, tr.259-273), người viết đưa ra nhận định, Thiền sư kế thừa năm hình thái và chủ trương của Tào Động, trong đó nổi bật là hình thái Thiên trung Chí với tinh thần nhập thế tích cực; mặt khác, Thiền sư loại bỏ một số yếu tố của tông Lâm Tế như: bổng (đánh), hiểu biết trên văn tự không có giá trị trong Tứ liệu giản, chiếu dụng là phương thức tiếp đãi qua động tác đánh (hét) đối với người tham thiền, xem nhẹ việc nghiên tầm học hỏi trong tam huyền tam yếu.

Trên cơ sở ấy, Thiền sư Hương Hải kế thừa phương thức hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là kết hợp cả Thiền - Tịnh - Mật trong sự nghiệp hoằng pháp.

Trong thực tế, rất hiếm tài liệu về việc Thiền sư Hương Hải khôi phục thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì thế, người viết căn cứ vào hành trạng và những tác phẩm của ngài hiện còn trên văn bản để làm rõ tinh thần tiếp biến này nói riêng, những hoạt động hoằng pháp của Thiền sư Hương Hải nói chung.

Cụ thể, khi còn ở Đàng Trong, Thiền sư trì chú bắt ấn, hai lần lập đàn 7 ngày 7 đêm tụng kinh trì chú hóa giải bệnh và tiếp đến ở Đàng Ngoài 17 năm chuyên tâm tu ngày ba thời Chuẩn Đề, điều này cho thấy Thiền sư Hương Hải có tu theo pháp Chuẩn Đề của Mật tông.

Khi Thiền sư còn tu hành ở đảo Tiêm Bút La, trong thực hành thiền định không đề cập về cách đánh, hét và không sử dụng thiền ngữ của dòng Lâm Tế Trung Hoa chủ yếu dùng phương pháp thiền Phật giáo Việt Nam, đó là thiền mà vẫn “không loại bỏ việc học và tụng niệm các kinh điển Phật giáo” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.67).

Việc lập ra “Thiền Tĩnh Viện” đem lại thành công lớn là quy tụ được nhiều giai tầng trong xã hội lúc bấy giờ, tạo nên một trung tâm Phật giáo lớn nhất Đàng Trong có sức ảnh hưởng ra cả nước.

Tư tưởng dung hòa Tịnh Độ tông và Thiền tông của Thiền sư Hương Hải còn dựa trên việc Thiền sư chú giải kinh. Cụ thể, Giải Kim cương kinh lý nghĩa có nói: “Lời Vĩnh Minh rằng một pháp Bát-nhã này làm chủ trong chư thiện pháp” (Lê Mạnh Thát, 2000: 188), tức là Thiền sư có nghiên cứu về ngài Vĩnh Minh Diên Thọ - chủ trương xóa kiến chấp sai lầm như cuồng Thiền, Tịnh độ thì xem thường và phủ nhận lợi ích của Thiền. Trong Sự lý dung thông có câu: “Chuyển vô minh, bối trần hiệp giác/ Vui về bề diệu dược Liên bang.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.396).

Với cách nhìn nhận cõi Cực lạc (Liên bang) là phương thuốc diệu kỳ, Thiền sư đã dịch giải nhiều kinh về Tịnh độ, gồm: Giải Di Đà kinh, Giải Vô lượng thọ kinh, Giải quán Vô lượng thọ kinh quốc ngữSoạn khoa cúng Cửu phẩm. Điều này cho thấy Thiền sư Hương Hải còn xiển dương pháp môn Tịnh độ. Ngài không dừng lại ở đó mà còn chuyển tư tưởng Tịnh độ ấy theo hướng Việt hóa như “đạo tràng ở chùa Nguyệt Đường… có dựng một đài Cửu phẩm Liên Hoa có thể xoay được theo mô hình Tam tổ Huyền Quang đã dựng ở chùa Côn Sơn Kiếp Bạc trước đó vài trăm năm” (Thích Phước Đạt và Thích Hạnh Tuệ, 2021, tr.262). Đối chiếu hai d liệu trên, suy ra Soạn khoa cúng Cửu phẩm được soạn theo tư tưởng Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, đồng nghĩa tư tưởng Tịnh độ ấy được Việt hóa theo tư tưởng Trúc Lâm nhà Trần. 

Trong thực tế, pháp môn Tịnh độ gần gũi, không phân biệt giai cấp, lãnh thổ, địa vị, già trẻ đều có cơ hội thoát vòng sanh tử, lại dễ tu dễ chứng, thích hợp mọi hoàn cảnh. Pháp môn này tương đồng với bản sắc văn hóa Việt như “thương người như thể thương thân” và “lá lành đùm lá rách”. Kết hợp những điều trên, Thiền sư tiếp biến pháp môn tịnh độ mang đậm bản sắc người Việt trên con đường hoằng pháp của mình.

Như vậy, giai đoạn từ 1667 đến 1682, trước khi Thiền sư Hương Hải bị chúa Nguyễn hiểu lầm, nền Phật giáo Trúc Lâm được Thiền khôi phục và phát triển hưng thịnh ở Đàng Trong. Sau đó, Thiền sư Hương Hải ra Bắc thì Phật giáo Đàng Trong chuyển hướng tiếp biến tư tưởng “Cư trần lạc đạo” thành tư tưởng “Cư Nho mộ Thích”, nghĩa là điều hành đất nước, tổ chức cuộc sống, ăn ở theo Nho giáo nhưng tâm linh thì theo Phật giáo, như văn bia Ngự kiến thiên mụ tự của Nguyễn Phúc Chu có nói lên tinh thần này (Phan Thạnh, 2019, tr.960, 963-964). 

2. Dung hợp Nho - Phật - Lão và sử dụng chữ Nôm

Điểm nổi bật trong phương thức hoằng pháp của Thiền sư Hương Hải là dung hợp Nho - Phật - Lão, trong đó Phật giáo là chủ đạo. Đây cũng chính là tinh thần nhập thế tích cực của các nhà sư thời Trần, thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh nhưng không loại trừ Nho, Lão mà xem Nho, Lão là phương tiện để hoằng truyền Phật giáo.

Tinh thần dung hợp Nho - Phật - Lão của Thiền thể hiện rõ rệt khi ngài ở Đàng Ngoài. Là người xuất thân từ Nho học, xuất gia khi đã hiểu rõ thế sự nên Thiền sư Hương Hải nhập thế với chủ trương “Tam giáo nhất thể”, trong đó xem “Nho giáo không bằng Phật giáo và như một phương tiện bộ phận để truyền bá Phật giáo” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.62). Điều này, một mặt thể hiện tư tưởng của Hương Hải phóng khoáng, không rập khuôn và thấu hiểu thời cuộc, mặt khác còn cho thấy đây là tư tưởng xuyên suốt “trước sau như một của những người Phật giáo Việt Nam từ Mâu Tử, Khương Tăng Hội, Đạo Cao, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trung Ngạn… cho đến những người sống sau Hương Hải như Ngô Thời Nhiệm, Toàn Nhật” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.62). Vì vậy, trên bước đường hành đạo, Thiền sư tùy thuận vẽ bản đồ, tiếp xúc với các vua, chúa, quan, dân… Dù được sự kính phục hay bị hiểu nhầm, nghi kỵ, Thiền sư đều xem như nhân duyên để hành đạo.

Dung hợp Phật - Đạo - Nho và sáng tạo chữ Nôm cũng là đặc trưng khác biệt của Phật giáo Việt Nam:Phật giáo Việt Nam tổng hợp chặt chẽ với Nho và Đạo; kết hợp chặt chẽ đạo và đời; sử dụng chữ Hán sáng tạo thành chữ Nôm; tiếp biến Nho giáo Trung Hoa thành Nho giáo Việt Nam đậm truyền thống yêu nước(Trần Ngọc Thêm, 1996, tr.489, 519, 524). Thiền sư Hương Hải cũng tiếp nối tinh thần ấy:Máy càn khôn một bầu thế giới/ Vốn chưa từng thành hoại hư không/ Rừng Nho bể Thích dung thông/ Linh đài vằng vặc, vừng hồng sáng thanh.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.401-402).

Theo Hương Hải, cho dù ở bất cứ đâu, sống trong Nho, hay là trong biển Phật pháp thì giác tánh thanh tịnh sáng suốt luôn hiện hữu, bởi vì pháp giới rộng lớn này vẫn vậy, không hề đổi thay. Tư tưởng này trước đó cũng được bắt gặp ở Trần Thái Tông, “Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo, kẻ rõ rồi cùng ngộ một chữ tâm” (Lê Mạnh Thát, 2004, tr.353). 

Hương Hải nhận thấy cốt tủy của Nho, Phật, Lão là những cách thức để con người đi đến sự an lạc, hạnh phúc và giải thoát, vì vậy cho dù tên gọi có khác, nhưng diệu dụng thì cùng một: “Trong nơi danh giáo có ba/ Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân/ Đạo thì dưỡng khí an thần/ Thuốc trừ tà bệnh chuyên cần luyện đan/ Thích độ nhân miễn tam đồ khổ/ Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương/ Nho dùng tam cương ngũ thường/ Đạo gìn ngũ khí giữ giàng ba nguyên/ Thích giáo nhân tam quy ngũ giới/ Thể một đường xe phải dùng ba.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.391-392).

Hương Hải cũng kế thừa và phát triển tư tưởng của Trần Thái Tông: “Nho điển thi nhân bố đức/ Đạo kinh ái vật hiếu sinh/ Phật duy giới sát thị trì/ Nhữ ý tuân hành vật phạm.” (Viện Văn học, 1998, tr.93). Dù thi ân bố đức (Nho), yêu vật thương sinh (Đạo), giữ giới không sát sinh (Phật), thì tất cả đều đưa con người bước lên con đường đạo đức.

Bên cạnh đó, Hương Hải còn kế thừa quan điểm trong bài tựa Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông, thể hiện mối tương quan Phật - Nho - Lão: “Ba giáo xưa nay cùng một thể/ Theo thời sao lẽ có nghiêng bên…/ Nguồn Nho bát ngát lên thêm rộng/ Biển Phật mênh mông xuống sâu lần.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.125).

Dù vậy, Hương Hải vẫn khẳng định Nho (và Lão) đều là phương tiện phụng sự cho Phật, và đó là lý do dù được đào tạo tinh thông Nho học, đã ra quan trường, Hương Hải vẫn từ bỏ để xuất gia theo Phật-đà:Luận chưng thánh tổ Nho gia;/Trong đời trị thế người là nhân sư/ Sao bằng Đâu Suất vị cư/ Lão quân tiên chủ đại từ dược phương/ Phật là vạn pháp trung vương/ Làm thầy ba cõi đạo trường nhân thiên.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.392-393).

Đến đây cho thấy rõ Phật giáo luôn dung hòa, không bác bỏ hay đối kháng với Nho, Lão. Phật giáo biết đặt Nho, Lão ở một vị trí thích hợp, bổ túc những khiếm khuyết, làm phương tiện hoằng pháp hữu hiệu đem đến một đạo Phật toàn diện về cả hai mặt xuất thế và nhập thế. Đó là một Nho giáo đưa ra những quy tắc, chuẩn mực đạo đức giúp an bang trị thế, sắp xếp một xã hội thái bình; và một đạo Phật đem đến niềm vui hạnh phúc tuyệt đối ngay bên trong mỗi người.

Lê Mạnh Thát nhận định: “Quan điểm của Minh Châu Hương Hải về quan hệ Nho - Phật không phải là quan điểm mới lạ vào thời ông. Nó đã xuất hiện và được thử thách qua lịch sử.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.67). Chính vì thế, tinh thần dung hợp tam giáo được Thiền sư Hương Hải kế thừa đã thể hiện được hình thức tu học và sinh hoạt Thiền theo tinh thần Việt.

3. Tinh thần nhập thế tích cực

 Thiền sư Minh Châu - Hương Hải kế thừa và phát huy chủ trương “đem đạo Phật vào trong đời” theo tư tưởng của các Thiền sư thời nhà Trần là tinh thần nhập thế tích cực. Ngài tận dụng tinh hoa ấy rất thành công trong công cuộc hoằng pháp của mình với nhiều hình thức.

Trước hết, muốn nhập thế thì phải tu, được nhắc đến trong giai thoại vua Lê Bảo Thái hỏi đạo và Thiền sư dạy rằng: Phản văn tự kỷ mỗi thường quan/ Thẩm sát tư duy tử tế khan/ Mạc giáo mộng trung tầm tri thức/ Tương lai diện thượng đỗ sư nhan.” (Thích Đồng Bổn, 2014, tr.582).

Nghĩa là, phải quán xét chính mình trong từng sát-na, không được xem thường và chớ rong ruổi trong trần cảnh, về sau sẽ thấy ngọc quý ngay mình. Tuy rằng, theo Lê Mạnh Thát, bài thơ trên không phải của Thiền sư Hương Hải, nhưng xét kỹ về hành trạng của Thiền sư thì ngài đã sống đúng với tinh thần chỉ dạy ấy: “Ngài thường chủ trương vô tâm và tùy thuận nối theo dòng tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ đời Trần” (Lê Văn Siêu, 2013, tr.231).

Theo Hương Hải, sau khi tu tập thành tựu mới có thể tùy duyên nhập thế độ sinh. Vì vậy, Thiền sư Hương Hải tu hành ở đảo đạt chứng đắc sau rồi khi đủ duyên mới tùy thuận vào đất liền độ sinh: “Bể từ rạt sạch nguồn mê/ Máy thiêng mở khép đề huề độ sinh.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.395).

Với Thiền sư Hương Hải, chỉ biển trí tuệ, từ bi mới tẩy sạch bể khổ chúng sinh. Cho nên, khi vào được biển ấy rồi thì thỏa sức sử dụng phương tiện cứu khổ ban vui. “Phật rằng hết thảy chư pháp đều cũng dùng sự tu hành cho được thành chính đẳng chính giác. Thiền gia dầu bỏ, ắt lỗi ý kinh, khác nào chưa đến ngạn mà đã bỏ thuyền. Há mình chẳng chìm trong nơi khổ hải. Hết thảy chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay chẳng khỏi pháp tính tam muội. Dầu khi mặc áo, ăn cơm, đàm thuyết đối đãi lục căn, thường hành nhậm vận thi vi, thật những là pháp tính diệu dụng. Chẳng biết phản bản hoàn nguyên, vậy bèn tùy danh chấp tướng, tình mê vọng khởi, tạo chủng chủng nghiệp. Dầu hay biết được nhất niệm hồi quang, liễu phàm tâm, chứng được thánh tâm, chuyển thế pháp đều nên Phật pháp.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.247-248).    

Thiền sư Hương Hải đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình là, tu hành không chỉ tụng kinh trì chú hay hành thiền mà phải biết hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày như đi đứng nằm ngồi, uống ăn ngủ nghỉ, tất cả mọi sinh hoạt đều phải biết mượn chúng để hiển tánh. “Dầu người hằng thanh tịnh, chẳng còn cầu ngoài, nhậm vận tùy duyên, một pháp chẳng có chỗ được, khi đi đứng nằm ngồi, cùng hợp lẽ đạo, thật gọi là trang nghiêm tịnh độ… Tại thế tính hằng ly thế. Cư trần, lòng vốn viễn trần, ắt rằng thật là cứu cánh pháp.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.221, 228). Tương tự, “Mặc dầu vân thủy nước mây/ Đầu đà thượng hạnh làm thầy độ sinh/ Đạo viên minh ngại chi chân tục/ Miễn lòng rồi tri túc thì nên/ Năm mươi lăm phẩm dưới trên/ Luyện tam muội hỏa chí bền kim cương.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.398-399).

Tinh thần tùy duyên tùy tục được Thiền sư tùy thuận hóa độ, tùy theo hoàn cảnh lúc bấy giờ mà có pháp tu thích hợp. Ngài chọn tu khổ hạnh tiết chế trong sinh hoạt hàng ngày, sống biết đủ và không chấp nhặt, luôn quán chiếu thế gian để thuận theo nhằm mục đích điều phục tâm, tích cực đi vào đời và làm gương cho tín đồ noi theo. 

Đối với Thiền sư Hương Hải, tùy duyên tùy tục cũng nhằm nhập thế tích cực hướng theo bản sắc Việt, mà cụ thể là dùng đạo để đi vào đời: “Dốc làm chí cả trượng phu/ Đạo nên trung hiếu, ân thù vẹn hai/ Trong khi khó nhọc mựa nài/ Sức dùng hà dám Như Lai viên thành.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.404).

Theo Thiền sư, bậc đại nhân ngoài việc thực hành tu tập hướng đến giác ngộ giải thoát, điều tuyên quyết cần phải có là hiếu và trung, tức hiếu kính với cha mẹ, tận trung với đất nước.

Thiền sư Minh Châu Hương Hải xả được tự kỷ, sống thiểu dục tri túc, hướng đến cứu độ chúng sinh với tâm hạnh Bồ-tát. “Bồ Tát chẳng vì tự kỷ, cầu khoái lạc. Bèn vì cứu hộ chư chúng sinh, phải cầm kiệm chưng nơi mình, cho người được xa xỉ, lợi ích hết thảy chúng sinh, bèn hợp tam luân thể không, vậy mới phải như thị bố thí.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.235-236).

Theo Thiền sư Hương Hải, để hoằng pháp cần các cấp độ phương tiện từ thấp đến cao như sau: “Bồ-tát là quyền độ chúng sinh, hằng bố thí pháp, dầu còn chấp trước, có chỗ mong cầu, bằng người vào trong nhà tối, muôn vật ắt chẳng chỗ thấy. Dầu có giáo hóa chúng sinh, chúng sinh khôn hay biết đường thấy tính. Dầu Bồ-tát liễu đạt pháp không, lòng chẳng chấp trước, hằng bố thí pháp, chẳng chỗ mong cầu, bằng người có nhãn mục, ở nơi tuệ nhật sáng soi, thấy chủng chủng sắc, bèn chẳng chấp tướng. Dầu có giáo hóa chúng sinh, tùy căn thuyết pháp, tự lợi, lợi tha, khai kim cương nhãn, nhiên bát-nhã đăng, mở bảo chúng sinh biết lòng thấy tính. Vậy mới phải Bồ-tát đạo nhãn.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.237).

Thiền sư chọn pháp thí là hạnh thù thắng trong bố thí - đây là hạnh đầu tiên thuộc sáu hạnh tu của Bồ-tát, với bốn cấp độ bố thí dành cho các căn cơ từ thấp đến cao, nhằm hướng đến tu tập đạt đến giải thoát rốt ráo. Theo Thiền sư Hương Hải, hoằng pháp với tinh thần Bồ-tát cần phát hạnh nguyện: “Phát nguyện là trong kinh giáo dạy khiến hạnh nguyện cụ túc hòa hay. Tuy có công hạnh mà chẳng có chí nguyện thì hạnh ắt chẳng định. Dầu có chí nguyện mà chẳng có công hạnh, nguyện ắt hư vong vậy. Phải nên hạnh nguyện tương ưng hài hòa, bèn hợp chẳng lỗi mới nên phát nguyện vậy.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.185).

Thiền sư Minh Châu Hương Hải thuộc truyền thừa phái Tào Khê của Lục tổ Huệ Năng, chuyên tu đốn ngộ: “Hãy nhìn sáu Tổ năm tôn/ Thiền hà muôn phái một dòng Tào Khê.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.395), nhưng vẫn kết hợp tu tập tiệm giáo theo xu hướng tùy thuận chúng sinh mà dùng phương pháp thích hợp hóa đ: “Ấy lời khuyên dặn người thiền tử/ Lý hiểu tường sự giữ tiệm tu/ Hằng rèn giới hạnh công phu/ Lên đường tinh tấn nhẫn phù yên tâm/Ngày càng chuyển nhập chuyển thâm/ Nguồn nhân bể quả chớ lầm tóc tơ.” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.403-404).

Theo Thiền sư Hương Hải, để hoằng pháp trước hết cần tu tập giác ngộ, sau đó đưa ra phương tiện độ sinh. Vì vậy, trên con đường hoằng pháp, thiền giáo được song hành. Có nghĩa là vừa kết hợp thiền, vừa kết hợp cả tụng kinh và dịch giải kinh sách: Trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc hầu như không bao giờ gặp một vị Tổ nào vừa là Thiền sư vừa là dịch giả” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.67). Tuy nhiên, Đại Việt có các Thiền sư vừa tu thiền vừa dịch giải trước tác như vua Trần Thái Tông công phu tỏ lý Thiền và viết chỗ ngộ với tên Thiền tông chỉ nam; Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dịch giảng các kinh, luật, luận sang chữ Nôm cùng sáng tác Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca; Nhị tổ Pháp Loa với việc luận giảng nhiều kinh cùng hình thức tổ chức Giáo hội thành công; và tác phẩm Vịnh Vân Yên tự phú của ngài Huyền Quang.

Thiền sư Hương Hải cũng tiếp nối tinh thần trên trong sự nghiệp hoằng pháp. Ngài đã dùng thiền giáo song hành: “Thiền gia dầu bỏ, ắt lỗi ý kinh. Khác nào chưa đến ngạn mà đã bỏ thuyền, há mình chẳng chìm trong nơi khổ hải?” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.247-248).

Từ đó, nơi bối cảnh xã hội thế kỷ XVII, dân tình khổ sở, tri thức và căn cơ thấp, Sư đã chọn dịch giải các kinh điển sang chữ Nôm và trước tác thơ văn bằng tiếng Việt, nhằm giúp số đông quần chúng có thể gần gũi, dễ tiếp cận giáo lý Phật-đà, bởi lời văn của Thiền sư rất dễ hiểu, không dùng những từ hoa mỹ, hay chuyên môn trong Phật giáo, mà dùng những từ rất bình dị.

Bên cạnh đó, kết hợp với ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt sử dụng chữ Nôm - thể hiện hình thức tu học thuần Việt, mượn chữ Trung Quốc Việt hóa thành chữ Việt, đặc biệt người Trung Hoa không hiểu kiểu chữ này. Đây là bước bức phá mới thể hiện tinh thần dân tộc luôn hướng đến độc lập tự chủ. Và Sư kế thừa rõ nhất với cách dịch giải trước tác của Sơ tổ Trúc Lâm và học Nhị tổ Pháp Loa cách tổ chức Giáo hội. Ngoài ra, sự bổ túc lẫn nhau của hai tư tưởng là Đốn ngộ Tiệm tu và Thiền giáo song hành đã thể hiện rõ tính chất Việt hóa trong chúng.

Theo Lê Mạnh Thát: “Những người cầm bút Phật giáo Việt Nam có những cách dùng từ và giải thích từ không hoàn toàn đồng nhất với Phật giáo Trung Quốc” (Phan Thạnh, 2019, tr.963), mà mang tinh thần Việt hóa cao.

4. Đào tạo Tăng tài

Ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, số đệ tử theo học Thiền sư Hương Hải khá đông.

Sau sự kiện chúa Nguyễn nghi ngờ, Thiền sư cùng 50 vị đệ tử ra Bắc. Họ là những vị vừa có đức vừa có tài. Những đệ tử của ngài là những tăng sĩ tinh ba, tiếp tục sự nghiệp của Thiền sư Hương Hải hoằng truyền Chánh pháp, phổ độ quần sanh. Trong số họ có thể kể đến Thiền sư Như Đức ở chùa Lân Động, huyện Đông Triều, nay là Quảng Ninh, là vị giới luật tinh nghiêm, gần xa đều kính mộ. Thiền sư Như Đức thể hiện thần thông qua cách chữa bệnh, giải nghiệp cho dân, cho đến chiêu cảm các loài vật trong việc cúng thí thức ăn trong ngày giỗ tổ Điều ngự Giác Hoàng (Nguyễn Khắc Thuần, 2009, tr.307-308).

Theo Lê Mạnh Thát, căn cứ vào bài kệ truyền thừa của dòng Trí Bảng Đột Không, chữ “Chân” có 70 vị như Chân Lý Hiển Mật, Chân Tạng Mật Hạnh, Chân Chiếu Hoa Mỹ, Chân Tông Quảng Trí, Chân Quý Phổ Ứng, Chân Truyền Quang Tán, Chân Tịch Phổ Hạnh, Chân Thành Bồ Đề, Chân Thường, Chân Cảnh, Chân Thước, Chân Ý, Chân Thị, Chân Thuần, Chân Đẳng, Chân Bình, Chân Pháp, Chân Quản, Chân Trí, Chân Bảo, Chân Thưởng, Chân Đông, Chân Dung, Chân Quả, Chân Viên, Chân Kinh, Chân Tịnh, Chân Quang…; chữ “Như” có Tăng thống Như Nguyệt Hoa Quang, Như Tông, Như Túc, Như Khoản, Như Nhật, Như Đài, Như Bảo, Như Sơn, Như Thừa, Như Cống, Như Thiên, Như Hiền, Như Nhẫn, tăng thống Như Toàn, Như Biện, Như Đề, Như Viên, Như Kiên, Như Phái, Như Mật, Như Cảnh, Như Hải, Như Khanh, Như Nghiệm; chữ “Tính” có Tăng thống Tính Thanh, Tính Liễn, Tính Kế Đạm Hạnh, Tính Khả, Tính Lâm, Tính Duệ, Tính Thước, Tính Tường, Tính Mẫn, Tính Nhu, Tính Định, Tính Mỗ, Tính Ánh, Tính Trác, Tính Đức, Tính Trí, Tính Lãng, Tính Năng, Tính Tiếp, Tính Phụng, Tính Xán, Tính Tuyên, Tính Hằng thuộc chữ “Tính”; chữ “Hải” có Tăng phó Hải Bồi, Tăng phó Hải Triều, Hải Đường, Hải Nhã, Hải Đồng, Hải Diên, Hải Lịch, Hải Khoát, Hải Liên, Hải Trung... (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.21).

Tất cả những vị trên đều thuộc thế hệ truyền thừa của Thiền sư Hương Hải lúc ở Bắc. Trong đó, đại diện cho hàng long tượng Phật giáo có Như Nguyệt Hoa Quang. Kế thừa địa hạt sáng tác có Tăng chính Như Sơn, người sáng tác bộ Ngự chế thiền điển thống yếu kế đăng lục. In lại sử sách có Tính Lãng với Thánh đăng ngữ lục, với lời tựa do Tính Quảng Điều Điều viết… Chiếu Kiên thì góp vào in Giải tâm kinh ngũ chỉ năm 1834 (Minh Mạng thứ 14). (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.22).

Tại Đàng Trong, khi Thiền sư Hương Hải không còn ở đó, nhưng mạch ngầm của thiền phái này vẫn chảy tiếp tục ở phía Nam này: “Vào cuối thế kỷ XVII, tại vùng đất Đồng Tháp, đã sớm hình thành một ngôi chùa do Tăng sĩ từ miền Trung vào dựng nên. Đó là một tu sĩ của phái Lâm Tế, cầu đạo với một Thiền sư thuộc thế hệ truyền thừa đời thứ 32, có thể là Khoáng Viên Bổn Quả, hoặc Minh Châu Hương Hải. Khả năng cầu đạo với thiền phái Trúc Lâm có nhiều khả năng diễn ra hơn trên thực tế vì nội dung bài vị(2) khá độc đáo và đặc biệt của Thiền sư Tánh Nhẫn, cần thiết không ghi rõ hành trạng của mình.” (Trần Hồng Liên, 2003, tr.135).

Lời kết

Đặc thù của Thiền học Việt Nam là tính dung hòa giữa các hệ tư tưởng với nhau như Thiền và Tịnh, đốn và tiệm, Nho - Phật - Đạo, hòa vào tín ngưỡng dân gian để hướng đến nhập thế, đặc biệt tư tưởng Nho giáo phục vụ cho việc quản lý đất nước và là công cụ hữu dụng trong các hoạt động đi vào đời hoằng pháp. Từ đó tạo nên giá trị đặc trưng cho Phật giáo Việt Nam.

Minh Châu Hương Hải là vị Thiền sư đầy nhiệt huyết với thời đại, con người, và ôm ấp hoài bão lớn đối với đạo pháp dân tộc. Những cống hiến của Thiền sư thể hiện rõ nét qua hành trạng và sự nghiệp ngài. Cụ thể, những sự kiện trong những tài liệu hiện còn đến nay, cùng với nội dung trong các tác phẩm của ngài, đã bộc tả rõ quá trình kế thừa và phục hưng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ở đó vận dụng và kết hợp các tư tưởng tam giáo, Thiền - Tịnh, đốn ngộ tiệm tu, Thiền giáo song hành của các bậc tiền nhân đi trước trong Phật giáo Việt Nam theo hướng Việt hóa và định hướng về thiền định. Đặc biệt, Thiền sư đưa ra cụ thể những phương pháp tu tập được trích trong giáo lý của Phật-đà. Cho đến nay, các phương thức hoằng pháp của tThiền sư Minh Châu Hương Hải vẫn còn có giá trị đối với hàng hậu học trên con đường hoằng truyền Chánh pháp và làm lợi lạc quần sinh.

 

CHÚ THÍCH

(1)  Lê Mạnh Thát trong công trình nghiên cứu về Hương Hải cũng khẳng định điều này. (Lê Mạnh Thát, 2000, tr.67).

(2)  Ghi rằng: “Tế thượng chánh tông, tam thập tam thế, húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu, đường thượng Tổ sư, giác linh chi vị” (Tổ trụ trì tên húy là Tánh Nhẫn, pháp danh Thiện Châu, thuộc dòng Tế thượng chánh tông đời thứ 33). (Trần Hồng Liên, 2003, tr.129).

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1.        Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB.Tổng Hợp, TP.Hồ Chí Minh.

2.        Lê Mạnh Thát (2004), Toàn Tập Trần Thái Tông, NXB.Tổng Hợp, TP.Hồ Chí Minh.

3.        Lê Văn Siêu (2013), Việt Nam Văn minh sử cương - văn minh đời Hồng Đức đến đời Nguyễn, NXB.Thanh Niên, TP.Hồ Chí Minh.

4.        Nguyễn Khắc Thuần (Bản dịch, hiệu đính và chú thích) (2009), Lê Quý Đôn tuyển tập - tập 5: Kiến Văn Tiểu Lục - phần 2, NXB.Giáo Dục Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh.

5.        Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử Lluận, NXB.Phương Đông, TP.Hồ Chí Minh.

6.        Nguyễn Minh Quý (2005), “Thân thế và sự nghiệp Hương Hải Thiền sư qua tấm bia Tổ sư bi ký”, trong Thông báo Hán Nôm học, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.545-548.

7.        Phan Thạnh (2019), “Dấu ấn tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII” trong Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa, NXB.Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, tr.960, 963-964.

8.        Thích Đồng Bổn (Chủ biên, 2014), Phật giáo thời Hậu Lê, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

9.        Thích Phước Đạt và Thích Hạnh Tuệ (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Thị Bạch Ly (Biên tập), NXB.Khoa Học Xã Hội, TP.Hồ Chí Minh. 

10.    Thích Phước Đạt và Thích Hạnh Tuệ (2022), Thiền học Việt Nam, Trần Thi Ca (Biên tập), NXB.Phụ Nữ Việt Nam, Hà Nội. 

11.    Thích Viên Đức (2011), Kinh Chuẩn Đề đà ra ni [online], viewed 28/5/2022, from:<http://www.daibi.vn/2011/03/kinh-chuan-de-da-ra-ni/ >.

12.    Trần Hồng Liên, “chùa Bửu Lâm trong bối cảnh chùa Nam bộ” trong Nguyễn Hữu Ý (chủ biên), Di tích chủa cổ Bửu Lâm, (2003), NXB.Trẻ, TP.HCM, tr.129, 135.

13.    Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (cái nhìn hệ thống - loại hình) [online], NXB. TP.Hồ Chí Minh, viewed 29/5/2022, from:<https://downloadsachmienphi.com>.

14.    Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện nghiên cứu Hán Nôm, Bia Văn miếu Hưng Yên [online], viewed 28/5/2022, from:<http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=563>.

15.    Viện Văn học (1998), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác