Lục thành tựu trong kinh Hoa nghiêm

luc thanh tuu

LỤC THÀNH TỰU TRONG KINH HOA NGHIÊM

Chân Hiền Tâm

Toàn bộ những gì ghi ở bài viết này đều được lấy ra từ bộ Hoa nghiêm thám huyền ký của Tổ Hiền Thủ.

Hoa nghiêm thám huyền ký y vào bộ Hoa nghiêm 60 quyển, thuộc Đại tạng kinh 9, số 278, do Phật-đà Bạt-đà-la thời Đông Tấn dịch từ Phạn sang Hán, mà giải thích.

Phạm vi bài này sẽ nói về tín, nghe, thời, xứ và chủ thành tựu. Chúng thành tựu sẽ được nói ở số báo sau.        

Đại phương quảng hoa nghiêm, phẩm Thế gian tịnh nhãn ghi: Như thị (đúng như) tôi nghe, một thời Phật ở đạo tràng Tịch diệt, thuộc nước Ma-kiệt-đà, mới thành chánh giác. Đất kim cang này đầy đủ nghiêm tịnh, v.v. Như Lai ở trên bảo tòa sư tử này, nơi tất cả pháp, thành tối chánh giác, liễu pháp ba đời bình đẳng trí thân, nhập vào khắp tất cả thân ở thế gian, diệu âm vang khắp tất cả thế giới không thể cùng tận, giống như hư không, v.v. Đang cùng ở với các Đại Bồ-tát số nhiều như vi trần trong các thế giới Phật, tên chư vị là Phổ Hiền Bồ-tát, Phổ Đức Trí Quang Bồ-tát, v.v. Lại có chúng Lực sĩ Kim Cang số nhiều như vi trần trong các thế giới Phật, tên chư vị là Kiên Cố Quang Diệu Lực Sĩ, Nhật Quang Diệu Lực Sĩ, v.v. Lại có các Địa thần, số nhiều như vi trần trong các thế giới Phật, tên chư vị là Tịnh Hoa Quang Thần, Thiện Tư Quang Minh Thần, v.v.  

Theo đó thì thấy

Như thị là tín thành tựu. Tôi nghe là nghe thành tựu. Một thời là thời thành tựu. Phật Như Lai là chủ thành tựu. Đạo tràng tịch diệt thuộc nước Ma-kiệt-đà là xứ thành tựu. Bồ-tát, chúng Lực sĩ Kim Cang, các Địa thần, v.v. là chúng thành tựu.

LÝ DO AN LẬP SÁU THÀNH TỰU

- Phật dạy an lập

Khi Phật sắp nhập Niết-bàn, ngài A-nan thưa, “Khi Như Lai nhập diệt rồi, đầu các kinh nên để lời gì?”. Phật trả lời, “Đầu các kinh nên để sáu câu “Như thị tôi nghe…. Hoặc như trong kinh Đại bi, khi A-nan thỉnh Phật: “Làm sao kết tập pháp nhãn?”, Ngài trả lời: “Sau khi ta diệt độ, các Đại đức Tỳ-kheo có thể sẽ hỏi như vậy: “Thế Tôn giảng nói các kinh như Đại-a-ba-đà-na, v.v. ở đâu?”. Ông nên đáp: “Như thị tôi nghe, một thời Phật tại nước Ma-già-đà, dưới cây bồ-đề, vừa thành chánh giác, thuyết pháp… hoặc giữa hai cây sa-la thuyết pháp…”. Cứ như thế có hơn hai mươi chỗ thuyết kinh, Phật tự dạy lại cho A-nan kết tập. Nên dạy lập sáu nghĩa đó.

-   đoạn nghi

Như Tam tạng Chân Đế nói: “Theo Vi tế luật, khi kết tập pháp tạng A-nan phải lên tòa cao. Thân ông đầy đủ tướng hảo như thân Phật, nhưng khi xuống tòa thân ông lại như cũ. Hội chúng thấy điềm này sinh ba điều nghi: Thứ nhất, nghi Phật Đại sư từ bi, từ Niết-bàn trở lại vì đại chúng thuyết pháp. Thứ hai, nghi Phật tiên từ phương khác đến. Thứ ba, nghi A-nan chuyển thân thành Phật. Nay vì trừ ba cái nghi đó mà lập sáu thành tựu”. Cho nên A-nan tự xưng: “Pháp như vậy tôi được nghe từ Phật” là để biết không phải là Phật từ Niết-bàn trở lại thuyết pháp, cũng không phải là Phật từ phương khác đến, cũng không phải là tự thân A-nan thành Phật, chỉ do pháp lực khiến ngài giống Phật.

-   Vì để đời vị lai sinh lòng tin

Như luận Đại trí độ nói: “Đầu các kinh đều để thời, phương, chủ, v.v. vì muốn người sinh tín tâm”.

-   Vì lìa lỗi thêm bớt

Luận Phật địa nói: “Nên biết, nói ‘Như thị tôi nghe’ này là ý muốn tránh cái lỗi thêm bớt khác với lời Phật”. Nghĩa là, đúng như pháp tôi đã nghe từ Phật, không phải do người khác truyền lại. Hiển thị người nghe có khả năng hiểu được những gì đã nghe, hoàn toàn lìa lỗi thêm bớt sai khác. Không phải như ngu phu không thể kham nổi những gì đã nghe, cũng không thể lìa lỗi thêm bớt sai khác. Lúc kết tập pháp, người truyền Phật giáo, y theo giáo của Như Lai, đầu tiên nói lời này là vì muốn chúng sinh cung kính tin nhận. Nói “Đúng như pháp tôi nghe từ Phật” thì văn nghĩa nhất định không thể thêm bớt. Cho nên người nghe nên nghe nghiêm chỉnh, nghe rồi như lý tư duy, chuyên cần tu học.

-   Vì muốn dừng các tranh luận

Nếu tự chế tác thì tranh luận sẽ khởi. Nghe Phật nói thì không như vậy. Đây là nói theo luận Đại trí độ.

-   Vì để phân biệt với ngoại đạo

Kinh luận ngoại đạo, có khi nói do vách đá lỡ sạt mà được, có khi nói từ chim xanh ngậm đến, v.v. khó mà tin nhận. Đây hiển hết mọi ngóc ngách để rõ pháp không nói xằng bậy, khiến người tin nhận.

Do sáu lý do trên mà an lập lục thành tựu.

TÍN THÀNH TỰU

Theo luận Đại trí độ thì “như” là thuận, “thị” là tin, cũng là ấn vậy, là ấn thuận tin nhận, nên nói “như thị”. Đúng như vậy mà nêu hết toàn bộ văn nghĩa là chỉ ra pháp mình đã được nghe, nên nói “như thị”.

Tam tạng Trường Nhĩ y vào Tam bảo giải thích từ “như thị” như sau:

- Phật: Như những gì Phật nói, thị (đúng) những gì ta nghe. Như những gì ta nghe, thị (đúng) những gì Phật nói.

- Pháp: Như những gì ta nghe, thị (đúng) giáo xứng với lý. Như giáo xứng với lý, thị (đúng) những gì ta truyền lại.

- Tăng: Như những gì ta nghe, thị (đúng) những gì Bồ-tát đồng nghe, như những gì Bồ-tát đồng nghe, thị (đúng) những gì ta truyền lại.

Luận Phật địa nói: “Người truyền giáo của Phật nói: “Như thị (đúng như) việc xưa ta đã từng nghe”. Như thị, nói tổng quát, y nơi bốn nghĩa mà chuyển, là y nơi thí dụ, nơi lời dạy bảo, nơi hỏi đáp và nơi hứa khả”. 

NGHE THÀNH TỰU

Nói tôi nghe, thì tôi là ngũ uẩn không thật. Nó chính là loại giả ngã được nói trong bốn thứ ngã là chân ngã, tự tại ngã, giả ngã và chấp ngã. Chân ngã, là các thứ thường, lạc, ngã, tịnh trong chân như, lấy chân như làm tánh. Tự tại ngã, là tám loại tự tại ngã, lấy trí làm tánh. Giả ngã, là ngũ uẩn không thật, chỉ là sở hiện của thức, dường như có chủ tể, lấy đó làm tánh. Chấp ngã, lấy sở chấp phân biệt và câu sinh làm tánh. Trong bốn loại ngã đó, giả ngã có đủ hai thứ đầu.

Sao không xưng vô ngã mà lại xưng ngã? Vì muốn hiển đích thân nghe, vì tiện lời, vì thuận theo thế gian, vì hiển vô ngã, v.v. đều như luận Đại trí độ nói.

Người truyền pháp vì sao không xưng tên mà nói tôi? Xưng tên thì bị cái lỗi là trùng tên, dễ lạm dụng.

Nói tôi, không phải cũng chung sao? Đã xưng là tôi thì nhất định thuộc mình, tức đã phân biệt với người.

Vì sao không nói tai nghe mà nói tôi nghe? Vì tổng thì thu biệt. Tai nghe âm thanh, ý hiểu văn nghĩa, v.v. hòa hợp không hai, đều từ cái nghe cái nói của tự mình. Theo luận Tát-bà-đa thì căn nghe. Theo luận Thành thật thì thức nghe. Theo luận Đại trí độ thì do hòa hợp mà nghe, là không và vô tác. Kinh Niết-bàn nói: “Có bốn nhân duyên hòa hợp nên nghe. Một là nhĩ căn chẳng hoại. Hai là âm thanh ở trong vùng có thể nghe. Ba là khoảng giữa không có chướng ngại. Bốn là muốn nghe. Vì thế mà được nghe”. Cho nên, cái nghe này không nghe mà nghe.

Nói đủ thì có đến mười duyên: Bản thức làm căn bản y, chủng tử nhĩ thức làm nhân duyên y, mạt-na làm nhiễm ô y, ý thức làm phân biệt y, tự loại nhĩ thức làm đẳng vô gián y, nhĩ căn không hoại làm đồng cảnh căn, tác ý muốn nghe, có cảnh làm sở duyên để duyên, khoảng giữa không chướng ngại, trong vùng có thể nghe. Cho nên, cái nghe này không có tự tánh, không nghe mà nghe. 

-   Tôi nghe, là A-nan hay người nào khác?

Khi thuyết kinh này, hàng Nhị thừa như đui như điếc, lẽ nào “Tôi nghe” lại do A-nan xưng?

Đây có hai ý.

1. Nếu A-nan tự xưng, cũng không lỗi. Vì theo kinh A-xà-thế vương sám hối, A-nan có ba hạng:

- A-nan-đà, đây gọi là Khánh Hỷ, trì tạng pháp của Thanh văn. Đối với tạng pháp của hai thừa cao hơn thì tùy lực, tùy phần.

- A-nan-đà Bạt-đà-la, đây gọi là Khánh Hỷ Hiền, trì tạng pháp Trung thừa. Đối với tạng pháp Đại thừa cao hơn thì tùy lực tùy phần. Đối với tạng pháp Tiểu thừa thấp hơn thì đã sẵn phần thọ trì.

- A-nan-đà-sa-già-la, đây gọi là Khánh Hỷ Hải, Bồ-tát trì pháp tạng Đại thừa, đối với tạng pháp của hai thừa thấp hơn, đã sẵn phần thọ trì.

Theo văn kinh đó thì A-nan Khánh Hỷ Hải là Đại Bồ-tát có thể trì đại pháp, cũng không trái lý.

Theo Viên giáo thì người truyền pháp đều từ Hải ấn tam-muội của Phật Lô-xá-na hiện ra, chính là Phật.

2. Không phải do A-nan truyền, cũng không trái lý. Luận Đại trí độ nói: “Một là hiển thị giáo. Hai là bí mật giáo. Kinh Đại phẩm là hiển thị giáo nên phó chúc cho A-nan. Kinh Pháp hoa là bí mật giáo nên phó chúc cho Hỷ Vương, v.v...”. Kinh Niết-bàn cũng nói: “Kinh nào A-nan chưa nghe thì Bồ-tát Hoằng Quảng phải vì chúng mà lưu thông”. Y cứ đó thì Bồ-tát Hoằng Quảng sẽ xưng là “Như thị tôi nghe…”. Theo luận Đại trí độ thì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi xưng là “Tôi nghe…”. Vì luận đó nói Văn-thù-sư-lợi cùng với A-nan ở nơi thanh tịnh khác, kết tập Đại thừa tạng. Trong kinh Văn-thù-sư-lợi bát Niết-bàn, 400 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, Văn-thù-sư-lợi vẫn còn tại thế, nên biết ông là người truyền pháp này.

- Đích thân nghe hay do truyền lại?

Nếu tôi nghe là A-nan, vậy A-nan là người đích thân nghe Phật thuyết hay nghe thuyết lại từ người khác? Tích truyền về việc này không đồng.

1. Theo Tiểu thừa, có hai thuyết.

- Tương truyền A-nan sinh vào đêm Phật thành đạo, hai mươi tuổi mới làm đệ tử Phật. Vì thế, hai mươi năm trở về sau A-nan mới đích thân nghe Phật nói, còn hai mươi năm trở về trước thì nghe truyền lại. Kinh Chuyển pháp luân nói: “Khi A-nan kết tập kinh tạng tự nói kệ rằng: “Khi Phật mới thuyết pháp/ Lúc đó tôi không thấy/ Chỉ nghe truyền lại rằng/ Phật đến Ba-la-nại/ Vì chúng năm Tỷ-kheo/ Chuyển pháp luân Tứ đế”. Như vậy, hai mươi năm trở về trước A-nan không đích thân nghe.

- Tương truyền đều là A-nan đích thân nghe. Luận Tát-bà-đa ghi: “A-nan khi làm thị giả của Phật đã thỉnh nguyện rằng, “Nguyện Phật vì con mà thuyết lại những kinh điển đã thuyết trong hai mươi năm qua”. Luận Tỳ-ni-mẫu cũng nói đồng với đây. Nên biết, tất cả đều là đích thân nghe.

2. Theo Đại thừa, đều là đích thân nghe, có hai ý.

- Phật vì A-nan mà thuyết lại. Như kinh Thắng Man, v.v. là Phật trở về bản xứ, rồi vì A-nan lặp lại. Kinh Đại bi Phật cũng nói như thế. Cho nên là đích thân nghe.

- A-nan thường nghe. Kinh Niết-bàn nói: “A-nan là người đa văn. Dù có mặt hay không có mặt, vẫn có thể hiểu rõ nghĩa thường và vô thường”. Lại nói: “A-nan được tam-muội giác ý nên chỗ Phật thuyết kinh dù gần hay xa vẫn thường nghe”.

          THỜI THÀNH TỰU

          Một thời, theo luận Phật địa, là một sát-na hoặc nhiều sát-na tương tục. Song chỉ nhắm vào chỗ rốt ráo của nói và nghe mà giả lập tên chung là “một thời”. Với Tiểu thừa là thật thời. Với Đại thừa là giả nói. Theo Lương nhiếp luận thì "một thời" có ba nghĩa là bình đẳng, hòa hợp và chuyển pháp luân. Nói bình đẳng thời, vì không có chìm nổi điên đảo. Nói hòa hợp thời vì khiến cái nghe và năng nghe đang nghe. Nói chuyển pháp luân thời vì đang thuyết và đang thọ nhận.

-   Kinh Hoa nghiêm được thuyết vào lúc nào? 

Pháp sư Bồ-đề Lưu-chi nói: “Trong 8 hội Hoa nghiêm, 5 hội trước là Phật thành đạo nói trong tuần đầu. Từ hội VI về sau nói trong tuần thứ hai. Vì phần đầu kinh Thập địa nói tuần thứ hai”. Cũng có người nói: “Hội VIII thuyết vào hậu thời. Vì trong kinh có năm trăm Thanh văn như Thu Tử, v.v. đều được độ ở hậu thời”.

Theo Hoa nghiêm thám huyền ký thì "Những phán quyết đó e không thuận với kinh. Vì tuần đầu nhất định không thuyết pháp. Luận Thập địa nói: ‘Vì sao không thuyết trong tuần đầu? Vì tư duy hạnh và nhân duyên hạnh’. Đã nói tư duy thì rõ ràng không phải là thuyết pháp. Lời nói trên, dù có vớt vát, cũng chỉ có thể nói là không thuyết Thập địa, không thể nói không thuyết các pháp khác. Nếu vậy cũng không thể nói là tư duy. Chưa kể phần sau của luận lại giải thích: ‘Vì hiển pháp lạc của mình nên không thuyết’, thì biết tuần đầu nhất định không thuyết pháp. Lại, hội VIII cũng không thuyết vào hậu thời. Vì trong một bộ kinh sao có thể trước chỉ thuyết một nửa, giữa nói phần kinh khác, sau mới tiếp tục? Lẽ nào cho Phật không có lực Đà-la-ni, không thể trong nhất niệm có thể thuyết tất cả pháp. Thu Tử ở Kỳ Viên đều là chín đời tương nhập. Văn sau nói kệ: “Tất cả kiếp quá khứ/ Trụ vị lai hiện tại/ Tất cả kiếp vị lai/ Trụ lại thời quá khứ”. Cũng nói: “Ở trong nhất niệm/ Kiến lập tất cả/ Phật sự ba đời”, v.v. Các văn như thế mọi chỗ đều có. Há có thể vì việc Thu Tử được độ ở Kỳ Viên mà cho là không phải. Thì biết, kinh này nhất định là thuyết trong tuần thứ hai".

-   Thuyết trong tuần thứ hai, với ba nghĩa.  

1. Nhiếp hết 8 hội mà đồng thời thuyết.

2. Nhiếp hết 8 hội mà có trước sau. Vì trong vô lượng kiếp không gì là không tận. Vì là thời giải thoát không thể nghĩ bàn.  

3. Nhiếp trùng trùng vô lượng niệm kiếp, như lưới Nhân-đà-la lớp lớp thu nhiếp.

Nhiếp hết 8 hội mà đồng thời thuyết thì sao lại có trước sau? Vì như in ấn văn tự. Đọc thì có trước sau nhưng in vào giấy thì đồng thời. Nếu như thế thì sao trùng hội thành được? Trùng hội cũng đồng thời, vì vô ngại, như ánh sáng các đèn hòa nhập nhau.

-   Thuyết trong tuần thứ hai, tùy căn khí mà có sai khác.

- Theo kinh Phổ diệu, tuần thứ hai Phật ở tại vườn Lộc Uyển vì năm đệ tử ba lần chuyển pháp Tứ đế. Đây thuộc Tiểu thừa.

- Theo kinh Mật Tích lực sĩ, tuần thứ hai tại vườn Lộc Uyển, Phật vì vô lượng đại chúng chuyển pháp luân, có người được đạo A-la-hán, có người được đạo Bích chi Phật và Bồ-tát. Đây thuộc Tam thừa.

- Theo kinh Hoa nghiêm, tuần thứ hai ở dưới thọ vương vì chúng Bồ-tát hải hội chuyển vô tận pháp luân. Đây thuộc Nhất thừa.

- Đồng thời mà có sai khác hiển thị việc gì?

- Ứng vào pháp là muốn hiển thị gốc và ngọn đồng thời.

- Ứng vào người là muốn hiển tùy cơ cảm mà có sai khác, đây thuộc phần giáo ngọn. Do thấy nghe có khác mà dẫn đến việc không đồng. Hạng có căn khí thuộc phần giáo gốc thì cố định, nên chỉ trong tuần thứ hai.

Luận Thập địa nói: “Thời, xứ, v.v là hiệu lượng hiển thị cho sự thù thắng. Vì pháp này thù thắng nên được nói vào thời đầu và tại thắng xứ”. Nói vào thời đầu là muốn hiển thị pháp gốc thù thắng. Phần giáo ngọn cũng đồng với gốc, là muốn hiển thị ngọn không lìa gốc. Hiển thị gốc không phải ngọn, vì với phần giáo ngọn thì thời không cố định, còn với pháp gốc thì thời cố định trong tuần thứ hai, hoàn toàn không thay đổi, không như phần giáo ngọn.

XỨ THÀNH TỰU

Xứ, nói chung là nước Ma-kiệt-đà, nói riêng là đạo tràng tịch diệt. Luận Đại trí độ nói: “Đắc A-nậu Bồ-đề nơi tụ lạc Trắc-âu-lâu-tần-loa, bên sông Ni-liên-thiền, nước Ma-già-đà…”. Đây gọi là Bất Hại Quốc. Vì trong nước này những ai phạm tội chỉ bị đuổi đi, không có tử hình. Hình ảnh đó nói lên tướng từ tế của đại pháp. Có khi gọi là nước Thiện Thắng. Có khi gọi là Ma-già, là tên của một vì sao, đây gọi là Bất Ác, là sao chủ của tháng 12. Ma-già-đà, thì Ma-già là Bất Ác, Đà là Xứ, nên nói là Bất Ác Xứ, cũng gọi là nước Tinh Xứ.

Đạo tràng có bốn nghĩa là sự xứ, hạnh, lý và thông tất cả pháp. Sự xứ, như Câu-xá luận nói: “Ở giữa châu Diêm-phù, từ trên đất kim cang khởi lên tòa kim cang san bằng đất và các bờ cao của châu Diêm-phù. Tất cả Bồ-tát ở nơi đó đang tu tập chánh định kim cang. Vì sao? Vì không chỗ y chỉ nào khác có thể chịu được loại chánh định này”. Hạnh, như kinh nói “bố thí là đạo tràng”, v.v. Lý, như kinh Duy-ma nói tất cả pháp là đạo tràng, vì biết tất cả pháp là không. Thông tất cả pháp là tất cả nhân, pháp, v.v. y đó đều được đạo xứ, gọi là đạo tràng.

Tịch diệt cũng có bốn nghĩa là chướng diệt, chứng diệt, hiển đức diệt và ích vật thành diệt.  

Xứ nói trong kinh này thuộc tịnh độ hay nhiễm giới? Nếu thuộc tịnh độ thì không nói đến Ma-kiệt-đà và Diêm-phù-đề. Nếu thuộc nhiễm giới thì văn sau không nói đến Liên hoa tạng thế giới hải. Nhưng trong kinh đều nói đủ thì biết kinh này tịnh độ và nhiễm giới dung hợp tương nhiếp vô ngại, tùy duyên mà hiển thị theo tứ cú: hoặc chỉ có Sa-bà vì gốc theo ngọn; hoặc chỉ có Hoa tạng vì ngọn theo gốc; hoặc cả hai cùng hiện vì y nơi Hoa tạng mà có Sa-bà, nhiễm tịnh tương phân, ngọn y vào gốc; oặc cả hai đều dứt vì thành tựu quả hải bất khả thuyết.

Hoa tạng giới, với nhiễm tịnh viên dung như lưới châu vô tận của trời Đế Thích, là chỗ thập Phật thuyết pháp. Y báo chánh báo dung hợp đầy đủ tam thế gian. Chỗ này chỉ có Nhất thừa Biệt giáo thuyết. Kinh này đáng ra chỉ có phần này. Song vì gốc và ngọn không lìa nhau nên còn nhiếp thêm hai phần sau: Một, là mười sáu đại quốc thuộc tam giới, là chỗ hóa thân thuyết pháp, là chung cho cả giáo Tiểu và Tam thừa. Hai, là các tịnh độ vi diệu ngoài tam giới, là chỗ báo thân (với mười tám thứ viên mãn trong thọ dụng độ) thuyết pháp, như nói trong các kinh Phật địa, v.v. Tịnh độ vi diệu này không nhiếp thuộc tam giới mà cũng không lìa tam giới, vì khắp tất cả xứ, là chung cho cả giáo Tam thừa và Nhất thừa.

Ở mặt biểu thị pháp, nương vào thắng xứ là muốn hiển thị pháp được nói đây thù thắng. Pháp thù thắng có ba: Một, dưới cây này được Bồ-đề mà không thuyết pháp, là muốn hiển thị sở thuyết như sở đắc, không theo căn cơ sai biệt mà dời đổi như những gì được thuyết ở vườn Lộc Uyển. Hai, y vào Liên hoa tạng giới viên dung, là muốn hiển thị tính viên mãn thù thắng của pháp được khai mở. Ba, y vào xứ trùng trùng như lưới châu trời Đế Thích, là muốn hiển thị pháp được nói cũng trùng trùng vô tận, như nói ở phẩm Bất tư nghị giải thoát, v.v.

Trong phần xứ này, có nêu thêm đất kim cang, cây bồ-đề và tòa sư tử. Đất kim cang là muốn hiển thị nền tảng sở y của hạnh. Cây bồ-đề là hạnh đức kiên lập. Tòa sư tử là hạnh dụng nhiếp hóa làm lợi ích cho chúng hữu tình. Theo tính duyên khởi, mỗi thứ đều dung nhiếp tất cả pháp. Theo văn kinh, mỗi thứ có mười môn để phân biệt. Như đất kim cang có mười câu hiển mười loại nghiêm tịnh: hoa báu nghiêm tịnh, bảo luân nghiêm tịnh, diệu sắc, tràng phan, hương man, lưới báu, mưa báu, hoa cây, Phật lực, kỳ đặc nghiêm tịnh. Mười thứ này dùng hiển thị các nghĩa như vi diệu, khai mở, ra quả, hàng phục, đầy đủ công đức, v.v. Vô lượng, vô biên diệu nghĩa hàm chứa trong đó.

CHỦ THÀNH TỰU

Chủ thành tựu chính là Phật Như Lai, là nói về Trí chánh giác thế gian viên mãn.

Phật là giác. Có hai nghĩa:

1. Bản giác và thủy giác.

Bản, giác sở tri. Thủy, giác phiền não.

2. Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

Kẻ đã giác gọi là giác giả, cũng gọi là Bà-già-bà. Theo luận Đại trí độ, Bà-già-bà có bốn nghĩa, có đức, khéo phân biệt, có thanh danh và thường phá dâm, nộ, si. Theo Phật địa luận, Bà-già-bà có sáu nghĩa, tự tại, sí thạnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường và tôn quý. Tam tạng Chân Đế dẫn Chân thật luận giải thích Bà-già-bà có đến mười nghĩa: giác thắng, thiên cổ, v.v.

Như Lai, luận Địa trì nói: “Ngôn ngữ nói ra không trái với Như nên gọi là Như Lai”. Luận Chuyển pháp luân nói: “Đệ nhất nghĩa đế gọi là Như. Chánh giác gọi là Lai. Chánh giác đệ nhất nghĩa đế gọi là Như Lai”. Kinh nói: “Nương sáu ba-la-mật, Lai (đến) thành chánh giác, nên gọi là Như Lai”. Luận nói: “Nương đạo Như thật, Lai thành chánh giác, nên gọi là Như Lai”.

Đã xuất chướng được gọi là Như Lai. Vậy khi còn tại triền có thể gọi là Như Khứ không? Cũng có nghĩa đó nên kinh nói: “Pháp thân lưu chuyển trong năm đường gọi là chúng sinh”. Đã nói lưu chuyển thì phải biết là có Khứ (đi). Mà cũng không Khứ (đi), vì tuy ở tại triền mà bất động.

Hỏi: Nếu xuất chướng mà bất động thì nên không có Lai (đến).

Đáp: Tịnh pháp thuận với chân, từ chân mà khởi nên phải có Lai. Nhiễm pháp trái với lý, là vọng pháp, nên không thể có Khứ, cũng không có Lai. Vì thủy giác đồng bản giác. Thủy giác đã không có tướng dị cho nên không Lai. Kinh nói: “Như Lai không từ đâu đến cũng không đi về đâu, nên nói Như Lai”.

Tất cả pháp là pháp nhị đế (sở giác). Tối chánh giác là diệu trí (năng giác). Bồ-tát cũng có chánh giác nhưng là từng phần, chưa được tận cùng, nên không được gọi là “tối”. Phật thành tựu đến chỗ tận cùng nên gọi là Tối chánh giác.    

-   Phật trong 8 hội này là thân nào?

Có người giải thích đó là hóa thân Phật, vì thị hiện tám tướng thành đạo dưới cây Bồ-đề là hóa thân Phật, chẳng lìa thăng thiên là trùng hóa, vì tên khác của Thích-ca Mâu-ni là Lô-xá-na, không phải báo thân nào khác. Có người giải thích Phật nói kinh này là thật báo thân, vì là thân pháp giới Lô-xá-na, vì cư trú ở tịnh độ Liên hoa tạng. Trong hội VII, đầu tiên là tán thán Phật với đủ hai mười mốt loại công đức thù thắng, chính là thật báo. Chỉ vì không lìa hóa thân, nên nói luôn dưới cây bồ-đề, không phải là hóa thân.

Thám huyền ký thì giải thích: Căn cứ văn kinh sau, Phật đây là thân của thập Phật thông cả tam thế gian. Vì thuyết cho hàng Bồ-tát chưa đăng địa là Thập tín và Tam hiền, nên sở kiến đó không phải là thật báo thân. Nhưng cư trú ở Liên hoa tạng thì không thể hạn cuộc trong hóa thân. Thân quốc độ, v.v. không phải là hai thân đó mà nhiếp cả hai thân đó. Tánh dung thông nên đầy đủ chủ bạn như lưới châu trời Đế Thích. Cho nên, Phật trong 8 hội này là thân thập Phật trùm khắp pháp giới.

-   Trong việc thuyết pháp, Phật có bao nhiêu thân?

Có bốn thân. Đó là đồng với thân A-la-hán, hóa thân Phật, báo thân Phật và thập thân Phật. Thân A-la-hán thị hiện thuyết pháp Tiểu thừa. Hóa thân Phật thị hiện thuyết pháp Tam thừa, thuyết rộng cho hàng địa tiền, thuyết lược cho hàng đăng địa. Báo thân Phật thị hiện thuyết pháp Tam thừa, thuyết lược cho hàng địa tiền, thuyết rộng cho hàng đăng địa. Thập thân Phật hiển thị pháp Nhất thừa, đồng nói sáu vị, vì pháp được nói ở đây là pháp vô tận đầy đủ chủ bạn. Phật đây đồng với thập thân vô tận này.

-   Xét ở mặt sai khác thì thế nào?

Một thân Thích-ca, do ứng với căn cơ sai biệt của chúng sinh mà thành nhiều loại.

- Hoặc đồng là phàm không phải thánh, như thấy thân voi đen chân dài, thân thần cây, v.v. Đây thuộc địa vị trời, người.

- Hoặc đồng là thánh không phải phàm, như đồng thân A-la-hán.

- Hoặc vừa phàm vừa thánh, vì thân thật báo do cha mẹ sinh, từ tứ đại làm thành, nên đồng với phàm thân. Đầy đủ ngũ phần pháp thân, các lậu hoặc hết, nên là thánh.

- Hoặc không phải phàm không phải thánh, vì nhiếp thuộc tam thân của Đại thừa, vì không đồng với thánh A-la-hán của Tiểu thừa.

- Hoặc là hóa thân, không phải pháp và báo thân, vì đủ tám tướng ở Diêm-phù-đề, vì ở đỉnh trời Sắc giới lập riêng thật báo kia, như nói trong kinh Phạm võng, v.v. Đây thuộc Sơ giáo.

- Hoặc là báo thân, không phải hóa và pháp thân, vì thân này đầy đủ 21 thứ công đức thù thắng, là thọ dụng thân, như nói trong kinh Phật địa. Đây thuộc Chung giáo.

- Hoặc là pháp thân, không phải là báo và hóa thân, vì sắc là như, kinh nói: “Thân hiện nay của ta chính là pháp thân”. Đây  thuộc Đốn giáo.

- Hoặc đủ cả pháp, báo và hóa thân, như ba phần trước vừa nói.

- Hoặc không phải pháp, báo và hóa thân, vì là thập Phật, vì thông cả tam thế gian, vì đầy đủ chủ bạn, như văn sau của kinh đã nói. Đây thuộc Viên giáo.

Cho nên, thân Thích-ca này viên dung, vô ngại, rất khó nghĩ bàn.

-   Xét ở mặt dung nhiếp thì sao?

Có hai:

- Nhiếp hết thảy tam thế gian.

- Chánh báo là lỗ lông, y báo là trong hạt bụi, mỗi thứ trùng trùng nhiếp đủ tam thế gian cùng với tất cả pháp, như lưới châu trời Đế-thích hiện.

Phần chủ thành tựu xong.

Bài sau sẽ nói về chúng thành tựu.

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác