Sự ảnh hưởng của Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ đối với pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam
su anh huong
SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA NGÀI VĨNH MINH DIÊN THỌ ĐỐI
VỚI PHÁP TU
TỊNH ĐỘ Ở VIỆT NAM
Thuyết Duy tâm Tịnh độ
Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là người có ảnh hưởng
lớn đến Phật giáo Việt Nam. Với chủ trương Thiền-Tịnh đồng tu, ngài đã tuyên
dương học thuyết Duy tâm Tịnh độ. Nhiều học giả cho rằng tư tưởng mới mẻ này đã
khiến cho ngài Vĩnh Minh trở thành một trong những Tổ sư có tinh thần hòa hợp
tôn giáo trong lịch sử Trung Hoa.
Đại sư Vĩnh Minh đã có quan niệm như thế nào khi
đưa ra pháp Thiền-Tịnh song tu? Bài kệ nổi tiếng sau phần nào nói lên được ý chỉ
của ông:
“Có Thiền, không Tịnh độ
Mười người, chín người lạc,
Khi ấm cảnh hiện ra
Liền phải đi theo nó.
Không Thiền, có Tịnh độ
Vạn người tu đồng thành,
Thấy được Đức Di Đà
Lo gì không khai ngộ.
Có Thiền, có Tịnh độ
Giống như hổ thêm sừng,
Hiện tại làm thầy người
Tương lai làm Phật, Tổ.
Không Thiền, không Tịnh Độ
Đời đời nằm giường sắt,
Kiếp kiếp ôm trụ đồng
Chẳng có nơi nương tựa”.
Như vậy, ngài Vĩnh Minh cho rằng chỉ có
Thiền-Tịnh song tu mới là con đường tối thắng đưa hành giả đến thành tựu viên
mãn. Ngài là người từ cửa Thiền bước sang Tịnh độ
cho nên những trải nghiệm, việc nhìn nhận căn cơ thời đại đã thúc đẩy ngài hướng
đến con đường Duy tâm Tịnh độ.
Vì sao gọi là Duy tâm Tịnh độ? Hiểu một cách đơn
giản, tâm chúng ta chính là cõi Phật, ngoài tâm này ra thì không có Tịnh độ.
Chúng sinh và Phật tuy đồng tâm nhưng không đồng tướng. Đồng tâm vì đều có Phật
tánh (còn gọi là tự tánh). Không đồng tướng vì chúng sanh chưa khai mở tự tâm
nên hiện tướng nghiệp báo phàm phu, còn Phật là bậc đã tỉnh giác, thấu rõ chân
tâm nên có pháp thân vô tướng, bao trùm. Trong chân tâm không có chấp trước, cấu
nhiễm, chỉ rỗng không và thanh tịnh. Tuy nhiên, chúng sinh do điên đảo vọng
tưởng nên không thể thấu tột bản tâm thanh tịnh.
Trước thời ngài Vĩnh Minh, việc hành thiền phổ
biến, nhưng về sau con đường ấy không còn hợp với thời thế, cần phải có một pháp
trợ duyên. Đại sư cho rằng không có gì sánh được với tha lực của Phật. Do vậy
ngài kết hợp Thiền-Tịnh với nhau nhằm giúp hành giả có lối tu an toàn hơn và sớm
tìm được cõi Tịnh nơi tâm.
Bổ trợ học thuyết Duy tâm Tịnh độ là khái niệm
Tự tánh Di Đà. Tự tánh Di Đà trong Duy tâm Tịnh độ có nghĩa là tự tánh sống lâu
vô lượng, phát quang vô lượng. Nếu niệm niệm không rời tự tánh Di Đà thì vượt
thẳng đến Tây phương, nơi ấy chính là chân tâm Tịnh độ.
Đường lối mới đã thổi một làn gió mát đến chốn
Thiền lâm, và ngay sau đó các bậc cao tăng như Thiên Y Nghĩa Hoài, Huệ Lâm Tông
Bổn đã hưởng ứng mạnh mẽ.
Càng về sau tông chỉ này càng trở nên đặc sắc đối với Phật giáo Trung Quốc, và
Việt Nam cũng đã đón nhận một cách nồng nhiệt.
Ảnh hưởng của Đại sư Vĩnh Minh đối với pháp
tu Tịnh độ ở Việt Nam
Tiếp nhận tư tưởng của Đại sư Vĩnh Minh, các
hành giả Việt Nam cũng dần dần có sự chuyển hướng sang Thiền-Tịnh song tu. Dường
như xuyên suốt chiều dài lịch Phật giáo Việt Nam, thời đại nào cũng có người
thực hành Duy tâm Tịnh độ. Xin nêu ra một số nhân vật tiêu biểu:
- Nhà Lý (1009 - 1225)
Thời Lý có thiền phái Thảo Đường chủ trương tham
thiền, quán tâm và niệm Phật, lấy vãng sinh Tịnh Độ làm cứu cánh. Ngài Thảo
Đường (997 - ?) luôn khuyến khích hàng
hậu nhân nên song hành Thiền-Tịnh bằng bài kệ:
“Sáu chữ bánh xe quay,
Tĩnh niệm tự dắt tay,
Di Đà không xa cách,
Người biết nên tự cường
Tám vạn bốn ngàn tướng,
Chẳng ra ngoài tâm vương,
Sao còn nhọc chỉ chỏ,
Mới hay Cực lạc hương”.
Bên cạnh đó, một số hành giả thiền phái Vô Ngôn
Thông cũng nhờ công phu niệm Phật mà đạt được định. Nhân vật phải kể đến là
Thiền sư Tịnh Lực (1112 - 1175), người đã đạt được Niệm Phật tam muội. Âm thanh
niệm Phật của ngài được cho vang xa như Phạm âm, làm thức tỉnh núi rừng, khai
ngộ pháp giới.
Thời kỳ này trào lưu Tịnh độ đang trên đà phát triển.
- Nhà Trần (1225 - 1400)
Thiền sư Hiện Quang (?
- 1221) và Đạo Viên (? - ?) là những nhân vật khởi đầu cho đường lối
Thiền-Tịnh trong giai đoạn chuyển tiếp qua thời Trần. Càng về sau quan niệm Duy
tâm Tịnh độ không chỉ tồn tại nơi phương thức tu tập mà còn được thể hiện qua
các tác phẩm. Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông
(1218-1277) đã chính thức đề cập đến học thuyết này với đề mục “Niệm Phật luận”
và “Lục thời sám hối khoa nghi”. Đối với bậc thượng trí, tác giả khuyên nên thực
hành Thiền-Tịnh để nhận rõ tâm này chính là Phật.
Quan niệm này đề cao cõi Tịnh hiện tiền trước mắt chứ không tồn tại ở một thế
giới xa xăm nào đó.
Cách lý giải Tịnh độ dưới cái nhìn của Thiền còn được thể hiện qua“Thân báu
Di Đà ở nội tâm/ Đông Tây Nam Bắc
pháp thân trùm”
của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) và “Di
Đà là tánh sáng soi/ Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”
của Trần Nhân Tông (1258-1308).
- Nhà Lê - Mạc (1428 - 1592)
Khuynh hướng Thiền-Tịnh vào thời kỳ này vẫn ngấm
ngầm trong đời sống xã hội. Thậm chí trong các khoa cử, học thuyết Duy tâm Tịnh
độ cũng được chính quyền quan tâm, đề ra trong các câu hỏi nhằm khảo vấn trình
độ Phật học của các sĩ tử. Điển hình như Lê Ích Mộc (1459 - ?) đã trả lời câu
hỏi số 17 trong kỳ thi tiến sĩ: “Tâm tịnh tức là Phật ra đời, sao chẳng
thường là tự tánh Di Đà. Tâm tịnh tức là Cực lạc trước mắt, sao chẳng Duy tâm
Tịnh độ”.
Hoặc ở câu 20, ông cũng trả lời tương tự: “A Di Đà Phật, đây gọi là tánh
giác, cũng gọi là bản lai”.
Qua đây cho thấy pháp tu Thiền-Tịnh không đơn
thuần như các thời kỳ trước chỉ tồn tại trong đời sống tín ngưỡng, lễ nghi, nghệ
thuật mà đã xuất hiện cả nơi phương diện học thuật, khoa bảng.
-
Thời Chúa Nguyễn - Đàng Trong
(1558 - 1777)
Sau một thời gian bất ổn, cuối cùng Phật giáo đã
trở nên khởi sắc. Tư tưởng chủ đạo ở thời kỳ này vẫn là thực tập Thiền-Tịnh song
tu từ ngài Diên Thọ. Xu hướng này có thể nhìn thấy nơi ý thơ của Đào Duy Từ
(1572 - 1634):
“Đêm khuya dắng dõi kệ Di Đà…
Mựa rảng đạo xa hòa nhọc kiếm
Bồ-đề kết quả ở lòng ta”.
Duy tâm Tịnh độ còn được biết qua chủ trương “Lý
sự viên dung” trong tác phẩm Bồ-đề yếu nghĩa của Thiền sư Viên Văn Chuyết
Công (1590-1644).
Thiền sư Thạch Liêm (1633
- 1704) đã thuyết minh “Tự tánh Di Đà”
trong Tự tánh Di Ðà thuyết:
Thấy được Phật A Di Đà chính là đã thấy được tự tánh của chính mình.
Phương pháp lý-sự dung thông của Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628 - 1715) cũng
nhấn mạnh rằng thấy được tự tánh của chính mình chính là ngộ đạo: “Mỗi tâm
đều thành Phật, không tâm nào chẳng phải tâm Phật, chốn chốn đều thành đạo,
không một hạt bụi nào chẳng phải cõi Phật”.
Nổi bật nhất vào thời kỳ này là Thiền sư Chân
Nguyên Tuệ Đăng (1647 - 1726). Vai trò Thiền-Tịnh được ngài xiển dương mạnh mẽ.
Bên cạnh việc viết luận, kiến thiết các công trình Tịnh độ, Thiền sư cũng bày tỏ
quan điểm Duy tâm Tịnh độ bằng sự trải nghiệm uyên thâm của mình. Đối với ngài,
Thiền-Tịnh là hai mặt của một thực thể. Trong Thiền tông bản hạnh, ngài
viết:
“Tông là nguyên tự tánh ta
Vốn vô nhất vật lặng hòa hư linh…
Thánh phàm vô khiếm vô dư
Bất sanh bất diệt như như Di Đà”.
Hoặc trong Kiến tánh thành Phật lục, ngài
viết:
“Di Đà tự tánh vốn như như;
Rỗng lặng sáng tròn rực thái hư…
Tịnh độ rành rành ngay trước mắt
Chẳng nhọc khảy tay đến Tây thiên”.
Tiếp nối ngọn đuốc Thiền-Tịnh của ngài Chân
Nguyên là Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696 - 1733). Ngoài ra chúng ta cũng
không thể bỏ qua Thiền sư Minh Giác Kỳ Phương (1682
- 1744), đệ tử của Tổ Nguyên Thiều. Quan điểm Duy tâm Tịnh Độ được thể
hiện rõ trong tập Kiết hạ an cư thị chúng: “Một câu Di Đà không niệm
khác, thì phút giây chẳng nhọc đến Tây phương. Cho nên Di Đà là chính mình, sao
lại hướng ngoại nhọc tìm mầu nhiệm…”.
Còn Thiền sư Thật Kiến Liễu Triệt (1702 - 1764) thì khuyến người nhất hướng
Lạc bang thông qua ý tưởng:
“Anh làm sãi tâm vô nhất vật
Gởi cho em sáu chữ Di Đà…
Phải liều mình chẳng ngại khổ thân
Cầu cho tới Tây phương Cực lạc”.
Nhìn chung, xu hướng chủ đạo vào thời kỳ này vẫn
là Thiền-Tịnh song tu. Các quan điểm trên rõ ràng đang xiển dương học thuyết Duy
tâm Tịnh độ của Đại sư Vĩnh Minh.
- Nhà Nguyễn (1802 - 1945)
Điển hình của thuyết Duy tâm Tịnh Độ vào giai
đoạn này đầu tiên có Thiền sư Thanh Phước Chu Toàn (1836 - 1899). Tự tánh Di Đà
theo quan điểm ngài được thể hiện qua ý thơ:
“Phàm phu tự tính vốn không ngộ
Không biết trong thân có Tịnh độ
Nguyện Đông nguyện Tây rồi tự ngộ
Cõi Phật cầu siêu chung một lộ”.
Vào thời kỳ này phát khởi phong trào Chấn hưng
Phật giáo, và có một số cư sĩ cũng đã đề cao phương pháp Duy tâm Tịnh độ, điển
hình là Cư sĩ Trần Trọng Kim (1883 - 1953). Ông cho rằng chỉ có
con đường Thiền-Tịnh mới có thể phát triển cơ đồ Phật giáo nước nhà.
- Giai đoạn 1945 đến thế kỷ XXI
Cư
sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973) là người luôn chí hướng hoằng dương
phương pháp Tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh độ. Điều đó được thể hiện qua nhiều bài
phát biểu của ông. Gần đây nhất, chúng ta có một chủ trương mới lạ trong dòng
thiền Tiếp Hiện của Thiền sư Nhất Hạnh
(1926 - 2022). Ngài không những xiển dương Thiền học khắp thế giới mà cũng chủ
trương pháp Tịnh độ thực tại: “Hiện tại sống chánh niệm, Tịnh độ đã thật
rồi…”.
Đồng thời quan điểm Tịnh Độ hiện đại của ngài không khác gì người xưa:
“Tịnh Độ vốn sẵn nơi chân tâm
Di Đà hiện ra từ tự tánh
Chiếu sáng ba đời khắp mười phương
Mà vẫn không rời nơi hiện cảnh”.
Bài viết đã điểm qua một số hành giả đã tiếp
nhận và thực tập pháp Duy tâm Tịnh độ của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Điểm cần
lưu ý ở đây là, nơi mỗi đường lối của vị hành giả, không có ai tiếp nhận nguyên
bản tư tưởng của ngài Vĩnh Minh. Chủ trương ấy như một tiền đề gợi ý để phát
minh ra nhiều phương thức tu tập mới thích hợp với tông môn của mình. Nhưng dù
vậy chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng phương pháp kết hợp Thiền-Tịnh của Đại
sư Vĩnh Minh thực sự đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam.
Nguyễn Văn Quý, “Vài nét về Tịnh Độ tông và tư tưởng Tịnh độ Trong Phật
giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, (Hà Nội), số 2 (140) (2015),
tr.19 - 38, tr.33.
Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Văn Học, Hà
Nội, tr.476-479.
HT. Thích Thanh Từ (giảng giải) (2000), Kiến Tánh Thành Phật, Nxb.
Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr.29 - 30
Thích Thái Hòa (2013), Đi Vào Bản Nguyện Tịnh Độ, NXB Văn hóa -
Văn Nghệ, TP.HCM, tr.77