Lý tưởng Bồ-tát trong Lục Độ Tập Kinh

ly tuong bo tat

LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT TRONG LỤC ĐỘ TẬP KINH

Thích Thiện Tâm

         

Tác giả

Thiền sư Khương Tăng Hội (?- 280) người gốc nước Khương Cư (vùng Sogdiane), thuộc giai cấp Bà-la-môn. Cha mẹ ngài sinh sống ở Thiên Trúc, sau đó đến trú tại vùng đất Giao Châu làm nghề buôn bán. Một số tài liệu thì cho rằng chỉ có cha ngài là gốc Khương Cư, đến Giao Châu buôn bán và sau đó cưới vợ là một cô gái người Việt và sinh ra ngài. Giả thuyết này cũng đã được lý giải, dựa vào việc Khương Tăng Hội thứ nhất sử sụng thành thạo tiếng Việt, thứ hai thể hiện rõ tư tưởng của dân tộc Việt qua tác phẩm Lục độ tập kinh.

Khi ngài lên mười tuổi, cha mẹ ngài qua đời. Sử sách không ghi lại rằng sau đó ngài được ai nuôi dưỡng, chỉ biết sau khi thọ tang cha mẹ xong thì ngài xuất gia tu học tại xứ Giao Châu. Điều này cũng được Giáo sư Lê Mạnh Thát nói rõ trong Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam: “Khương Tăng Hội tổ tiên người Khương Cư, mấy đời ở Thiên Trúc, cha nhân buôn bán, dời đến Giao Chỉ. Hội năm hơn 10 tuổi, song thân đều mất, khi chịu tang xong, bèn xuất gia, siêng năng hết mực”[1]. Thiền sư Khương Tăng Hội thọ giới với hội đồng thập sư chứng minh, tuy nhiên không có tài liệu nào nói rõ những vị Tăng ấy bao gồm những ai. Dựa vào lời tựa của An ban thủ ý kinh, Giáo sư Lê Mạnh Thát nhận định rằng một trong ba vị thầy mà Khương Tăng Hội nhắc đến là Mâu Tử. Trong Tổng tập văn học Việt Nam, Giáo sư Lê Mệnh Thát cho rằng “Mâu Tử có thể sống tiếp tới những năm 220 đến 230 và góp phần mình vào việc đào tạo những lớp người kế thừa mới, trong đó có Khương Tăng Hội và Đạo Hinh”[2].

Thiền sư Khương Tăng Hội là người rất am tường Nho, Phật, Lão; ngoài ra ngài còn rất giỏi Phạn văn (Sanskrit), Hán ngữ và hẳn nhiên bao gồm cả tiếng Việt. “Ngài đến thành Kiến Nghiệp (Nam kinh) nhằm năm thứ hai niên hiệu Xích Ô nhà Ngô 247, cất một túp lều ở đó tu trì và mở trường giảng dạy. Ngô Tôn Quyền thấy ngài thi thố nhiều phép lạ lấy làm tín phục, xây dựng ngôi chùa Kiến Sơ thỉnh ngài ở. Từ đây Phật giáo thịnh hành miền Giang Tả”[3]. Như vậy, Thiền sư Khương Tăng Hội không chỉ hoằng pháp ở Việt Nam mà còn ở Trung Hoa. Thiền sư đã đến Kiến Nghiệp và được Tôn Quyền xây chùa mời làm trú trì. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Đông nên có tên gọi là Kiến Sơ, và nơi Khương Tăng Hội ở gọi là làng Phật Đà. Trong suốt thời gian hành đạo ở Giao Châu và Trung Hoa, Thiền sư đã trước tác và phiên dịch, chú giải rất nhiều kinh điển. Hầu hết các tác phẩm của ngài đều được trước tác và dịch thuật tại nước ta chứ không phải tại Trung Hoa như nhiều người đã nghĩ. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã nhận định: “Nhiều người cho rằng ông đã trước tác và dịch thuật tại đây, nhưng kỳ thực một phần quan trọng của công việc này đã được ông làm từ Giao Chỉ”[4].

Sự nghiệp dịch thuật của Thiền sư Khương Tăng Hội vô cùng phong phú và đa dạng. Ngài đã để lại khá nhiều dịch phẩm, trong đó phải kể đến những dịch phẩm nổi bật như: An ban thủ ý kinh, Pháp cảnh kinh, Đạo thọ kinh, Lục độ yếu mục kinh, Nê hoàn phạm bối, Đạo hành Bát-nhã, Lục độ tập kinh, Bát thiên tụng Bát-nhã kinh… Một số trong những dịch phẩm này hiện đã bị thất truyền.

Lý tưởng Bồ-tát trong Lục độ tập kinh

Lục độ tập kinh được Khương Tăng Hội dịch vào năm Thái Nguyên thứ nhất (251) đời Tôn Quyền. Đây là tác phẩm mang đậm tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Tác giả Nguyễn Lang cho rằng: “Lục đtập kinh là một tác phẩm rất đặc biệt. Xét văn thể và nội dung, ta biết chắc chắn đây không phải là một tác phẩm dịch từ Phạn ngữ mà là một tác phẩm sưu khảo biên tập trong đó có nhiều đoạn lược dịch từ nhiều kinh điển và có những đoạn hoàn toàn do Tăng Hội viết, ví như đoạn nói về thiền.”[5] Thiền sư Khương Tăng Hội đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, biên tập từ rất nhiều kinh điển khác nhau để cho ra đời một tác phẩm mang những tư tưởng thiền học sâu sắc. Xét về mặt ngôn ngữ, Lục độ tập kinh còn là tác phẩm lưu giữ được những tư liệu quan trọng về ngữ pháp Tiếng việt cổ, góp phần to lớn trong việc nghiên cứu và khôi phục lại tiếng nói của dân tộc cách đây hơn hai nghìn năm.

Lục đtập kinh bao gồm 91 mẩu truyện, được chia thành 8 quyển với 6 chương như sau:

1.      Quyển 1 đến 3 (từ truyện 1 - 26): chương Bố thí độ.

2.      Quyển 4 (từ truyện 27 - 41): chương Trì giới độ.

3.      Quyển 5 (từ truyện 42 - 54): chương Nhẫn nhục độ.

4.      Quyển 6 (từ truyện 55 - 73): chương Tinh tấn độ.

5.      Quyển 7 (từ truyện 74 - 82): chương Thiền định độ.

6.      Quyển 8 (từ truyện 83 - 91): chương Minh độ (Trí tuệ độ).

Đúng như với tựa đề của tác phẩm, Lục độ tập kinh trình bày và giảng giải sáu hạnh vượt bờ của Bồ-tát, đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. “Lục độ tập kinh còn là nơi tập đại thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước…, làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam”[6]. Lý tưởng Bồ-tát được thể hiện vô cùng mộc mạc gần gũi thông qua các mẩu truyện, truyền thuyết hay các điển tích, điển cố, nhằm nêu cao tinh thần dân tộc, tinh thần nhân lễ nghĩa trí tín, giúp người hành giả thấy rõ hơn con đường thực thi lý tưởng Bồ-tát đạo.

Trước khi trình bày lý tưởng Bồ-tát trong Lục đtập kinh, ở đây người viết xin giải thích qua một số thuật ngữ để có thể hiểu rõ vấn đề hơn trong quá trình phân tích tác phẩm.

 Bồ-tát hay còn gọi là Bồ-đề Tát-đỏa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là giác hữu tình hay vị đã giác ngộ, sau đó trở lại giác ngộ những chúng sinh khác. Nói cách khác, Bồ-tát là người giác ngộ nỗi khổ của tất cả chúng sinh, từ đó cảm thương phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó. Mỗi hành động, mỗi lời nói hay mỗi ý niệm Bố-tát luôn đem lòng từ bi, vị tha của mình hướng đến chúng sinh, tất cả chỉ vì lợi ích của nhân loại. Theo Phật giáo Ðại thừa, Bồ-tát là hành giả sau khi hành trì các ba-la-mật-đa (paramitā) và chứng đắc Phật quả, nhưng do hạnh nguyện muốn cứu độ chúng sinh nên đã thị hiện dưới nhiều hiện thân khác nhau để cứu giúp nhân loại thoát khổ, thực hành hạnh nguyện “tự độ và độ tha” mà không nhập Niết-bàn (nirvana).

Lục độ gọi đủ là Lục độ Bồ-tát hay Lục độ ba-la-mật. Chữ độ có nghĩa là cứu vớt hay cứu thoát. Lục độ là sáu phương pháp hành trì giúp cho hành giả tự cứu độ mình và cứu giúp người (tự độ và độ tha). Lục độ bao gồm: “Bố thí để thành tựu công đức, trì giới để thành tựu phạm hạnh, nhẫn nhục để thành tựu vô sân, tinh tấn để thành tựu ý chí, thiền định để thành tựu đại định, trí tuệ để thành tựu Phật quả.”[7] Trong Lục độ tập kinh, sáu phương pháp tu tập này được thể hiện một cách chân thật và gần gũi thông qua những mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật khi thực hành Bồ-tát hạnh.

Hành giả Bồ-tát phải tích cực hành Bồ-tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh. Khi tụng một thời kinh thì trên cúng dường chư Phật, dưới cầu cho pháp âm tỏa khắp pháp giới làm lợi ích chúng sinh. Ngồi thiền dù chỉ năm phút cũng cầu giác ngộ bổn tánh. Niệm Phật dù chỉ mười câu cũng không quên hồi hướng công đức cho chúng sinh...

Ở bài viết này, người viết chỉ trình bày một vài mẩu chuyện liên quan đến sáu pháp ba-la-mật được trích ra từ Lục độ tập kinh nhằm làm sáng tỏ vấn đề lý tưởng Bồ-tát đạo ở trong tác phẩm này.

Mẩu chuyện số 3, quyển 1, chương Bố thí độ đã thuật lại chuyện tiền thân của Bồ-tát lúc làm một vị thương nhân đã dùng thân mạng của mình để làm thức ăn cho loài cá lớn dưới biển, nhằm cứu lấy các loài cá bé nhỏ. Sau khi hết kiếp của loài vua cá Chiên, ngài chuyển thân trở thành vị thái tử có trí tuệ của bậc Thánh, giàu lòng từ bi đối với dân chúng, không tham cầu trong việc ăn uống, cũng như các tiền thân trước vị thái tử nguyện bỏ thân mình để cho mọi người được vượt qua nỗi khổ của thế gian.

Trong kinh Tăng chi Đức Phật có dạy rằng:Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp.”[8] Ở đây nếu chúng ta đem đối chiếu điều này với câu chuyện trên thì rõ ràng Bồ-tát đang thực hành phương pháp bố thí tài, chính xác hơn là phương thức nội thí, tức là đem thân thể hay thân mạng mình ra bố thí. Đây là một hạnh nguyện rất khó thực hiện, chỉ những bậc có tâm nguyện rộng lớn mới có thể làm được.

Mẩu chuyện số 32, quyển 4 thuật lại chuyện tiền thân của Bồ-tát lúc làm một người phàm phu, học rộng kinh Phật, hành trì giới Phật, lại có tài thông hiểu được tiếng kêu của các loài cầm thú. Bởi hoàn cảnh khốn cùng nên Bồ-tát phải đi làm người gánh thuê. Một lần trong lúc ăn cơm cùng chủ bên bờ sông, bỗng có tiếng quạ kêu. Người chủ lo sợ còn Bồ-tát thì mỉm cười. Lấy làm ngạc nhiên người chủ hỏi nguyên do vì sao, Bồ-tát thuật lại lời của quạ kêu rằng hãy giết người chủ để đoạt lấy bạch châu quý giá. Nhưng vì hạnh nguyện nương theo Phật pháp, tin sâu nhân quả, mở rộng lòng từ đối với mọi loài, giữ giới trong sạch nên Bồ-tát không nghe theo lời quạ giết chủ để cướp châu. Người chủ cảm phục và thốt lên rằng, “Lành thay! Chỉ có lời Phật là chân lý[9]

Trong kinh Phạm võng có dạy rằng: “Giới như vầng nhật nguyệt sáng, cũng như chuỗi báu ngọc châu, chúng Bồ-tát như vi trần, do giới này mà thành Phật”[10]. Trong mẩu chuyện trên, mặc dù với thân phận chỉ là một người phàm phu nghèo khổ nhưng Bồ-tát từ lâu đã kính tin Tam bảo, thông suốt kinh Phật. Chúng ta thấy ở nơi Bồ-tát luôn hiện hữu một trí tuệ siêu việt, nhờ trí tuệ này mà ngài có thể nhiếp tâm thanh tịnh. Rõ ràng, nếu như không có trí tuệ thì Bồ-tát không nghe được tiếng quạ kêu, không thấy được nhân quả kiếp trước: “Ta kiếp trước vì ưa lấy của, nay chịu tai ương, bị nghèo khốn hèn, làm thuê cho ông, nếu nay phạm nữa, gieo tội vô lượng, chẳng phải đệ tử Phật”[11]. Nếu tâm không định thì Bồ-tát đã dao động bởi những lời xúi dục kia: “Bầy quạ kêu lên, lái buôn lòng sợ, tự nhiên dựng tóc, Bồ-tát cười”[12]. Và nếu không nhất tâm giữ giới trong sạch thì ngài đã giết người chủ của mình để cướp châu báu. Tinh thần trì giới của Bồ-tát thật không thể nghĩ bàn, một lòng một dạ giữ gìn giới pháp của Phật: “Ta thà giữ đạo, nghèo hèn mà chết, chứ không vô đạo, giàu sang mà sống"[13].

Mẩu chyện số 47, quyển thứ 5 thuật lại chuyện tiền thân Bồ-tát làm thân con vượn minh triết, có lòng thương xót cứu giúp chúng sinh. Một lần leo cây hái trái, vượn thấy có người rớt xuống núi, đang khóc lóc kêu cứu thảm thiết. Nghe thế, vượn động lòng thương, bèn tìm cách cõng người ấy đến nơi an toàn, không những thế vượn còn tận tình chỉ đường thoát nạn cho người đó. Ngược lại, người ấy lại lấy oán báo ân, dùng đá đập đầu vượn hòng lấy thịt mà ăn. Vượn kinh hoàng leo lên cây, lòng không chút oán hờn mà còn cảm thấy tội nghiệp cho người ấy hơn và tự phát nguyện kiếp sau gặp được Phật, thực hành hạnh Bồ-tát để độ đời.

câu chuyện kể trên, vượn là hiện thân của B-tát, tuy mang thân thú vật nhưng lại sống đời sống phạm hạnh lợi tha chẳng khác nào bậc Bồ-tát. Ở đây cho thấy rằng dù hiện thân là gì thì hạnh nguyện và trí tuệ cao thượng của Bồ-tát không bao giờ mất đi. Trong câu chuyện này vượn có sự nhận thức sáng suốt “minh triết hơn người, thường đem lòng thương cứu giúp chúng sinh”[14]. Với chí nguyện thành Phật, vì lòng lợi tha đối với chúng sinh nên không ngại khó khăn nguy hiểm đến tính mạng của mình, tìm cách làm sao giúp người thoát chết. Lại một lần nữa, ở đây Bồ-tát đang thực hành hạnh bố thí ba-la-mật, xả thân mình để giúp người. Nếu như cái tâm ác của người kia không khởi lên thì chúng ta cũng không thể thấy được sự chịu đựng nhẫn nhục của bậc Bồ-tát. Dù đau đớn, Bồ-tát cũng không hề oán hờn, không tìm cách trả thù kẻ ác mà chỉ cảm thấy xót xa cho kẻ ác.

 Qua hành động nhẫn nhục của vượn với con người đã cho thấy tình thương của Bồ-tát, và đặc biệt khi muốn được đời sau tiếp tục độ người:“Sức ta không thể độ được thì nguyện kiếp sau thường gặp chư Phật, tin nhận đạo giáo, thực thành để được độ, đời đời không có niệm ác như người này vậy"[15]. Qua điều này chúng ta thấy rằng Bồ-tát có một sức nhẫn nhục cao độ, vượt ra khỏi sự sân si, nhiếp tâm để đạt được thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.

Mẩu chuyện số 55, quyển thứ 6 thuật lại chuyện tiền thân của Bồ-tát lúc làm người phàm nghe được tên hiệu, tướng tốt của Phật mà sinh tâm nhớ tưởng, mong cầu được xem đọc kinh điển để hành trì cho đến khi thành Phật nhằm cứu độ chúng sinh.

Bấy giờ Phật đã nhập diệt, không còn chúng Tỷ-kheo nên không còn cơ hội được nghe pháp Phật. Một người hàng xóm có tâm tánh tham lam nói với Bồ-tát rằng mình biết được ba giới của Phật. Nghe xong, Bồ-tát vui mừng khôn xiết, đảnh lễ để xin được ban pháp. Tuy nhiên, người hàng xóm kia nói với Bồ-tát muốn được nghe giáo lý tinh yếu của Đấng Vô Thượng Chính Chân Tối Chính Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư thì phải lấy kim chích hết vào lỗ chân lông, lòng không hối hận. Bồ-tát liền mua kim tự đâm vào thân mình, máu chảy như suối, vui vẻ mà nghe pháp. Vua trời Đế Thích xót thương, cảm phục trước ý chí kiên định của Bồ-tát, hóa phép khiến mỗi lỗ chân lông đều có một cây kim. Người hàng xóm biết Bồ-tát là bậc chí cao, tận tình dạy giới pháp. Bồ-tát vui vẻ cúi đầu tiếp nhận, khí lực phát khởi, trời người quỷ rồng đều ca ngợi. Cuối cùng thì ngài cũng đạt đến Phật quả cứu vớt chúng sinh.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Bồ-tát đã thể hiện được hạnh tinh tấn tham cầu học Phật của mình. Chưa một lần được diện kiến Phật, chỉ nghe đến danh hiệu và công đức cao quý của Phật, mà Bồ-tát đã khởi lòng mong cầu và nhớ tưởng “Ta làm sao được xem đọc kinh điển của bậc Thầy trời người chấp hành cho đến khi thành Phật, để chữa bệnh chúng sinh, khiến quay về với gốc tịnh đây"[16]. Như vậy cho thấy Bồ-tát là người có trí tuệ siêu việt khi nhận ra chỉ có giáo pháp của Phật mới đưa đến sự giải thoát, nên dù chịu bao nhiêu đau đớn từ hàng ngàn mũi kim đâm vào, ngài vẫn nhẫn nhục và hoan hỷ đón nhận một cách tự nguyện chỉ để được nghe pháp Phật.

Khi sắp nhập Niết-bàn, Đức Phật đã dạy lời cuối cùng về hạnh tinh tấn cho các Tỷ-kheo như sau: “Này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn không phóng dật, sống an trú chánh niệm và hộ trì giới luật, tự nhiếp thúc ý chí, khéo bảo hộ tự tâm. Những ai tinh tấn trong Pháp Luật của Ta sẽ diệt trừ sinh tử, chấm dứt khổ đau”[17]. Có thể thấy, Bồ-tát không những tinh tấn cầu pháp mà còn kết hợp thực hành năm pháp còn lại, nhẫn nhục chịu đau đớn cho dù mất đi thân mạng cũng không hề hối tiếc: “Nghe Phật mà chết, tôi cũng vui làm, huống gì chích mình mà vẫn còn sống sao?"[18].

Không chỉ dừng lại ở các mẫu chuyện được trình bày ở trên mà tất cả các mẫu chuyện trong Lục đtập kinh đều cho chúng ta thấy tinh thần B-tát hạnh, đó là đề cao lòng từ bi và tinh thần yêu nước, luôn vì chúng sinh của một vị B-tát. Vị B-tát ấy mang trong mình hạnh nguyện cứu khổ, đi vào cuộc đời với tinh thần tự nguyện. Dù biết Ta-bà (Sabha) là cảnh khổ “ngũ trược ác thế”, nhưng với lòng bi mẫn sẵn có, các hành giả thực hành hạnh nguyện Bồ-tát vẫn lăn xả vào cuộc đời vừa tu tập, vừa độ sinh.

Đối với hành giả tu học theo Phật, hành B-tát đạo chính là truyền thống và nền tảng của con đường Bồ-tát. Đạo lý này xuất phát từ tâm từ bi hỷ xã rộng lớn đối với tất cả chúng sinh. Để có thể thực hành Bồ-tát đạo một cách trọn vẹn, trước hết, hành giả cần phát khởi Bồ-đề tâm mạnh mẽ, kiên cố, tiếp đến là thực hành các thiện hạnh, hướng đến sự giác ngộ giải thoát.

Tài liệu tham khảo:

1)        Thích Minh Châu (1996), Kinh Tăng chi bộ I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh.

2)      Thích Minh Châu (2003), Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

3)        Thích Minh Châu (2012), Kinh Pháp cú, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

4)        Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

5)         Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, NXB.TP.HCM.

6)   Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập I, Tu thư Đại học Vạn Hạnh.

7)        Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh (ấn hành).

8)        Thích Trí Tịnh (2019), Kinh Phạm võng Bồ-tát giới, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

 

 


 

[1] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam I, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.258.

[2] Sđd., tr.30.

[3] Thích Thanh Từ (1992), Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh (ấn hành), tr.10.

[4] Nguyễn Lang (2019), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, tr.55.

[5] Sđd., tr.57.

[6] Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, tr.130-281.

[7] Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.67.

[8] Thích Minh Châu (1996), kinh Tăng chi bộ I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, tr.168.

[10] Thích Trí Tịnh (2019), Kinh Phạm võng Bồ-tát giới, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.16.

[11] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam I, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, tr.646.

[12] Sđd., tr.646.

[13] Sđd., tr.646.

[15] Sđd., tr.696.

[16] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam I, NXB.Thành Phố Hồ Chí Minh, tr.722.

[17] Thích Minh Châu (2003), Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.83.

[18] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam I, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.722-723.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác