Phật viện Đồng Dương xưa và nay

phat vien dong duong

PHẬT VIỆN ĐỒNG DƯƠNG XƯA VÀ NAY

Thích Nữ Minh Đạt

 

1.    Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Phật viện Đồng Dương

            Trước hết, để khảo sát sự hình thành và phát triển của Phật viện Đồng Dương thì việc tìm hiểu sự hình thành nước Chămpa là một điều cần thiết. Ở đây chúng ta có thể tóm tắt sự hình thành nhà nước Chămpa qua các giai đoạn sau:

            Nhà nước đầu tiên được sử Trung Hoa ghi lại mang tên là Lâm Ấp, ra đời vào năm 192, sau nhiều lần chống lại sự đô hộ của phong kiến Trung Hoa. Kinh đô đầu tiên được đặt tại Simhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam) kéo dài từ năm 192 đến khoảng năm 750. Đến giữa thế kỷ VIII, người Chăm đã chuyển kinh đô về Virapura (Ninh Thuận). Tên nước được sử Trung Hoa ghi lại là Hoàn Vương, kéo dài từ khoảng năm 750 đến năm 850. Georges Maspero rút ra từ Tân Đường thư: “Sau những năm Chí Đức (756-757), người ta đổi tên nước thành Hoàn Vương [2, tr.175]. Như vậy, cái tên Lâm Ấp không còn dùng từ năm 758, thay vào đó là tên gọi Hoàn Vương. Nhưng trong thời gian dùng tên Hoàn Vương để gọi xứ Chămpa của sử Trung Hoa thì “Prithivindravarmankhoe rằng đã làm chủ ‘toàn bộ đất Chăm’, Indravarman I nói ‘làm chủ tuyệt đối toàn cõi Chămpa’. [2, tr.167]. Và tên Hoàn Vương cũng không hề được khắc trong các đền thờ xứ Chămpa. Sử sách Trung Hoa sau này giải thích: tên Hoàn Vương có thể là một tước về nghi thức, nên người Chăm đã lấy tên Chiêm Thành để đặt tên cho vùng đất Chămpa [2, tr.167]. Theo Tân Đường thư quyển 7 thì vào niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 4 đời vua Đường Huệ Tông (809): “Ngày Bính Thân tháng 8, Hoàn Vương cướp An Nam, đô hộ là Trương Chu đánh bại [7]. Vì vậy trong Đại Việt sử ký toàn thư chua Hoàn Vương tức là vua Chiêm Thành [1, tr. 107].

            Cũng theo sử liệu Trung Hoa, Phật giáo Chămpa vào giai đoạn sau thế kỷ VII rất được tôn sùng: “Nghĩa Tịnh (I-Tsing) đã kể về Chămpa thời đó thuộc danh sách các quốc gia kính mến học thuyết Phật Thích Ca [6, tr.227]. Năm 605, Tùy Dạng Đế Dương Quảng sai Lưu Phương sang đánh Lâm Ấp vì nghe nơi ấy có nhiều của báu lạ. Sau chiến thắng, họ mang về rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 1.350 pho kinh Phật [6, tr.227].

            Nửa cuối thế kỷ IX, với sự trỗi dậy của một vương triều địa phương ở phương Bắc, người Chăm lại chuyển đô từ phía Nam ra phía Bắc và đặt tên là Indrapura (ở Đồng Dương, Quảng Nam). Thủ đô Indrapura được bia ký Đồng Dương II khắc năm 875 ca ngợi là “tòa thành được trang hoàng bằng tất cả sự giàu sang [3, tr.19]. Cùng với đó, bản thân vua Indravarman II và các vua kế tiếp của vương triều đều mang đậm dấu ấn Phật giáo. Nội dung các văn bia nói nhiều về nổi khổ đau, sự luân hồi, Niết-bàn và Tăng đoàn Phật giáo. Với sự ra đời của vương triều Indrapura và dưới sự cai trị của vua Indravarman II, “Phật giáo gần như trở thành tôn giáo chính của vương triều [3, tr.19]. Phật giáo không chỉ nằm trong các danh tự trên văn bia mà đã có cơ sở vật chất nguy nga:Một tu viện Phật giáo lớn đã được xây dựng ở ngay thủ đô Indrapura [3, tr.19]. Tu viện Phật giáo đó được xây dựng với sự ủng hộ nhiệt tình về vật chất từ vua Indravarman II. Bia ký Đồng Dương I đã khắc rõ ràng: “Tất cả những cánh đồng này đức vua dâng cho Lokesa. Giờ đây vua Sri Indravarman đã dâng những cánh đồng này cùng với hoa lợi, các nô lệ nam nữ, các vật dụng khác như vàng, bạc, đồng, sắt... cho Sri Laksmindra - Lokesvara, để Tăng đoàn sử dụng và để tuyên truyền Đạo Pháp (Dharma) [4, tr.80].

            Như vậy, từ cuối thế kỷ thứ IX, tại miền Trung Việt Nam đã tồn tại một nước Chămpa giàu sang thịnh vượng. Phật giáo được ghi nhận với sự tôn sùng và ủng hộ nhiệt tình của vua chúa. Họ đã dâng cúng ruộng vườn, đất đai, hoa màu và các vật phẩm quý giá để Tăng đoàn sử dụng, vừa dùng trang trải đời sống thường nhật vừa dùng để hoằng dương Phật pháp. Với sự nhiệt tình ủng hộ Phật giáo và xem Phật giáo như tôn giáo chính của nhà nước, vua Indravarman II đã xây dựng Phật viện quy mô để thờ vị Bồ-tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara. Nhờ vậy, một tu viện Phật giáo trong thủ đô phồn hoa Indrapuratại đã được hình thành và trở thành trung tâm đào tạo Tăng tài lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ IX.

Phật viện Đồng Dương hiện nay tọa lạc tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo sách Quảng Nam, những vấn đề lịch sử do Nguyễn Sinh Duy chú thích thì tên gọi Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng (plaine sacrée), và chữ “dương trong Đồng Dương là biến dạng do phát âm giọng của người miền Nam (déformation méridionale) từ “dàng xuất xứ từ “yan của Chàm ngữ. Henri Parmentier trong Thống kê miêu tả đền tháp Chàm ở Trung Kỳ (Inventaire descriptif des mont ments Cams de l'Annam - Paris 1918, volume II - 3, tr.583) cũng có cùng quan điểm [5, tr.409]. Qua việc phân tích nghĩa và âm đọc, những học giả trên thống nhất tên gọi Đồng Dương đã có từ người Chăm. Ngày nay, trước cổng vào Phật viện Đồng Dương có nhà thờ tổ tộc Trà Đồng Dương và nhà thờ tiền hiền làng Đồng Dương. Như vậy, trải qua gần 12 thế kỷ, tên gọi Đồng Dương vẫn còn được sử dụng làm địa danh cho khu vực này.

2.    Diện mạo Phật viện Đồng Dương qua lần khai quật đầu thế kỷ XX và hiện tại

- Diện mạo Phật viện Đồng Dương qua lần khai quật năm 1902

            Với việc phát hiện và khai quật tòa thành Đồng Dương, lần đầu tiên chúng ta được biết cụ thể về một thủ đô, về vị vua đầu tiên trị vì của vương triều Indrapura, về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị văn hóa, và về một Phật viện đầu tiên của nhà nước Chămpa. Cho đến nay, những gì liên quan đến tòa thành này đã được những nhà khảo cổ người Pháp lần lượt khai quật và công bố đã giúp cho người đương thời có cái nhìn khách quan về giá trị của khu di tích trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam nói chung, trong dòng chảy của lịch sử Chămpa nói riêng.

Năm 1901, sau khi phát hiện ra khu di tích Đồng Dương, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot đã công bố và trưng bày 229 hiện vật được phát hiện trong khu di tích này. Nổi bật nhất trong số đó là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét được các nhà khoa học nhận định là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất. Đến năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier đã tiến hành khai quật trên quy mô lớn tại Phật viện Đồng Dương. Nhờ cuộc khai quật này H.Parmentier đã phát hiện ra cả một quần thể kiến trúc lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Chămpa và của khu vực Đông Nam Á [4, tr.81].

Theo mô tả của H.Pramentier, toàn bộ khu đền thờ chính hay Phật viện Đồng Dương nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326 m, rộng 155 m, xung quanh có tường gạch bao bọc và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông dài khoảng 1.300 m. Từ khu đền thờ chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật.

Dựa trên những khảo tả và nghiên cứu của H.Pramentier, PGS.Ngô Văn Doanh đã phác họa toàn cảnh Phật viện Đồng Dương qua những dấu tích và hiện vật còn sót lại. Ông phân ra ba khu vực, được mô tả khá chi tiết trong tác phẩm Phật viện Đồng Dương - Một phong cách nghệ thuật của Chămpa. Ở đây người viết chỉ nêu những công trình chính trong mỗi khu theo sự sắp xếp của nhà khảo cổ học đã công bố trước đây.

-                      Khu vực 1 (khu Tây):

Theo hình vẽ, phía trên chính là khu đầu tiên nhìn từ trái qua phải. Trong hình đồ do H.Pramentier phác vẽ đã có chú thích rõ từng tháp và từng khu vực.

Tháp chính (tương đương chú thích số 1) là ngôi đền thuộc loại tháp giản lược, kích thước lớn hơn thông thường, có mặt bằng tương tự hình chữ nhật. Nền có cấu trúc là nền kép, nối liền với những tầng nền của các tháp bên cạnh và để tạo nền bên dưới cho tháp trung tâm (chú thích số 2). Tháp có hai tầng nền, tầng dưới hay tầng nền chung cho cả nhóm tháp (hầu như đều giống nhau, chỉ khác ở cách đẽo gọt); tầng nền trên (nền thật) được xây trên tầng nền dưới có cấu trúc phức tạp hơn. Tầng nền này bị cắt đột ngột và lùi về đằng sau ở trước cửa giả phía Tây. Tam cấp Đông có ba bậc nằm giữa hai thành bậc bằng đá. Thân chính có bốn trụ ốp trang trí hoa văn xung quanh rất đẹp. Các thân sau của cửa giả chiếm vị trí của ba trụ đỡ khác.

Bốn tháp nằm bốn hướng: Tháp Nam có mặt bằng bên trong là một hình vuông hơi dài theo hướng Đông-Tây; tháp Bắc có mặt bằng gần như hình chữ nhật; tháp Tây Nam có gian điện trông dài hơn là rộng và đỡ lấy một vòm mái thông thường; tháp Tây Bắc có gian điện nhỏ như hình vuông. Nhìn chung, qua mô tả chúng ta thấy bốn tháp đều có những điểm chung như: có tầng nền, các cột ốp, chân cột, các cửa giả và tiền sảnh. Tuy nhiên, ở mỗi tháp có sự khác nhau về trang trí họa tiết và bố trí giữa các cột, cửa giả, bậc cấp...

Tháp Trung tâm là loại tháp bốn cửa, chỉ có ba cửa là có bậc, phía Bắc không có. Gian điện vuông thông ra các cửa thật có khung bằng đá nhưng không có cối cửa. Trước các cửa có những thềm cửa với những trụ bát giác bằng đá. Nền tháp chia ra từng bậc, có đến ba hay bốn bậc được cắt gọt tinh tế. Các vách cột của thân chính càng lên cao càng nhô ra, do đó các cột  ốp cũng rộng về phía trên hơn. Có bốn hoặc năm cột, chân cột được trang trí rất tinh tế. Thẳng trước mỗi cột ốp là một hình áp một thân, có băng trang trí. Bộ diềm lặp lại ở kiểu chân và kết thúc bởi mặt phẳng. Cửa Tây hầu như đầy đủ, cửa chia làm hai thân. Thân sau cũng lặp lại kiểu kết hợp chân và diềm thu nhỏ. Bên trên thân chính dựng hai tầng, là hai hình thu nhỏ của thân chính này, và một bộ phận chóp đã mất [3, tr.30-37].

Tường khu I: Khu chính làm thành một hình vuông, hướng Đông-Tây, có tường trang trí vây quanh. Ở mặt Đông, tường bị ngắt bởi một tòa nhà ra vào lớn, trước nhà có cột trụ. Kiểu trang trí bên ngoài tường được hoàn chỉnh bởi một dãy các trụ trang trí đặt ở phía trước.

Thềm cửa I: Khu I chỉ mở ra hướng Đông bằng một tòa nhà đặc biệt. Lối đi được tạo nên bởi một hành lang trung tâm xây cao hơn mặt đất và chỉ có hai bậc tam cấp đối diện mới băng qua hành lang đó. Bên phải và trái của thềm cửa I có hai cột trụ lớn.

Trong khu I còn chứa nhiều tòa điện thờ như điện thờ Bắc Tây-Bắc, miếu thờ tựa lưng vào tường; tháp bốn cửa Nam Tây-Nam, tháp bốn cửa Bắc và tòa nhà Nam, nhà Bắc.

- Khu vực II (khu giữa):

Khi khai quật vào năm 1902, khu này chỉ còn lại những dấu tích của hai bức tường Nam và Bắc ở hai bên; và chiếc cổng ra vào thông sang khu III ở phía Đông và gian nhà dài ở trung tâm bên trong. Cả hai bức tường Nam và Bắc không có dấu khớp với bức tường khu I, chỉ có kiểu tường thì có nhiều nét giống khu I. Cổng khu II về cơ bản giống cổng khu I, chỉ khác là không có vài ngôi miếu phụ ở đằng sau, bên trong các cửa không có khung bằng đá và cối cửa, các khoang ngang chứa những tượng Dvarapala. Gian nhà chỉ còn dấu tích của những bức tường và trụ bao quanh. Theo H.Parmentier thì gian nhà này là gian tạm trú đơn giản và là một lối đi, được lợp ngói để tránh mưa nắng [3, tr.37-38].

            - Khu vực III (khu Đông):

Khu này bao gồm hai bức tường Nam và Bắc bị cắt ở khoảng giữa bởi hai chiếc tháp cổng mở ra hai khoảng sân hai bên. Hai đầu của hai bức tường gập vuông lại vào phía trong để ôm lấy một khoảng sân rộng dài. Trong sân là tòa nhà cột - công trình khiến trúc lớn duy nhất của khu III. Tường phía Đông có một thềm cửa giữa hai hàng trụ, nhưng công cuộc khai quật không tiến hành quá thềm cửa của khu vực III. Các bức tường của khu vực III cũng được trang trí bên trong giống vách Đông của bức tường khu vực II. Bên trong các bức tường có các hàng trụ, những trụ này giống với các trụ khu vực I.

Trong hai tháp cổng, chỉ cổng phía Nam là được khai lộ. Cổng này rất dài theo hướng Bắc Nam, hai đầu mở ra hai cửa dài.

Thềm cửa ra vào phía Đông tuy xây dựng vụng về nhưng các khối cấu thành lại lớn và quan trọng hơn so với các cổng của khu vực I và II.

Gian nhà III gồm: một gian dọc dài, có hai dãy cột, mỗi dãy 8 cột; một gian hẹp, giống như hành lang, chạy vòng quanh bốn mặt, nằm giữa hàng cột lớn của gian chính và hàng cột khác nhỏ hơn. Do đó, các nhà khảo cổ tin rằng nó là gian nhà rường, lợp ngói (bởi vì xung quanh phát hiện nhiều viên ngói dài và đầu ngói có hình tam giác). Trên phần chân, xây một cái bệ giống ở tháp chính. Trên cái bệ này có một pho tượng Phật ngồi chân buông thỏng, bàn tay đặt trên đầu gối, đầu hơi nghiêng, mắt thăm thẳm. Pho tượng được mặc một chiếc áo dài rộng có những nếp gấp bằng và song song, trên vai có thêm vạt nhỏ. Nhiều người cho rằng khu nhà này là nơi sinh hoạt của chư Tăng.

- Diện mạo Phật viện Đồng Dương hiện tại

Kể từ lần khai quật vào năm 1902 cho đến nay (2021) chưa có thêm một cuộc khai quật tiếp theo. Hiện trạng của Phật viện Đồng Dương đã bị biến đổi rất nhiều. Nhiều công trình được H.Pramentier ghi nhận vào năm 1902 đã không còn. Qua khảo sát thực tế, khu vực II và III gần như biến mất hoàn toàn, xung quanh chỉ thấy toàn cây dại. Nếu căn cứ theo bản vẽ của H.Pramentier thì hiện tại khu II và khu III đang nằm trên phần đất dân cư và trục đường quốc lộ 14E. Khu vực I, hiện tại cũng chỉ còn lại tháp Trung tâm (nhiều chỗ ghi tháp Sáng). Trên thực tế phần tháp này cũng đã bị hư hoại rất nhiều. Xung quanh đều không còn bất cứ tháp nào, chỉ còn lại ¼ của thân tháp. Nếu nhìn theo hướng Bắc thì tháp chỉ còn bệ đá của cánh cửa phía Tây và mặt sau của tháp Trung tâm. Phần phía trước và phía Đông đã không còn dấu vết.

            Những họa tiết, hoa văn còn lưu lại cho chúng ta thấy chúng được khắc trực tiếp vào gạch, không phải được ráp từ những mảnh riêng lẻ. Mặc dù công trình đã tồn tại hơn 13 thế kỷ, trải qua bao biến thiên của thời đại, của thiên tai, nhưng kiến trúc vẫn còn giữ lại những đường nét tinh xảo. Nếu không được tận mắt nhìn thấy, khó mà tưởng tượng ra vẻ đẹp của một kiệt tác tuyệt hảo về điêu khắc.

                        Phía dưới hai thân chính, móng đã bị sụp đổ một phần. Hiện tại các chân bị sụp đã được sắp gạch dưới chân, nhưng giữa gạch và đế tháp không dính líu gì nhau. Dường như người ta chỉ sắp gạch để lấp khoảng trống mà thôi, hoàn toàn không có tác dụng chống đỡ cho phần trên. Hơn nữa, gạch được bổ sung vào là loại gạch mới, màu sắc còn đỏ tươi, loại gạch cũng không trùng mẫu với các viên gạch ở khu vực này. Mặt bằng của tháp không cân xứng, phía trước thì cao hơn rất nhiều so với phía sau. Rải rác đây đó là những tảng đá không xác định được mục đích và giá trị. Phía sau tháp khoảng 5m có một tảng đá lớn được đặt nằm ngang, phía dưới có hai tảng đá nâng đỡ. Phía trước cách tháp hiện tại khoảng 15m có một tảng đá hình chữ nhật, bên trong rỗng.           

            Chống đỡ cả tòa tháp là những tảng đá nguyên khối được cắt gọt tỉ mỉ, phù hợp với bố cục; xung quanh là những viên gạch được xếp đặt ngay ngắn. Ở khoảng giữa có một tảng đá nối hai thân chính. Từ dưới nhìn lên, chúng ta thấy bên trong giữa hai thân chính càng lên cao càng thu hẹp dần cho đến mặt trong của nóc tháp. Dù được xếp bằng những viên gạch đặc ruột (ngày nay thường gọi gạch thẻ) nhưng được bố trí rất cẩn thận. Nhìn vào như những bậc thang đưa con người lên cõi xa tít.          

                        Ngoài tòa tháp trơ vơ (được những trụ sắt chống đỡ tránh đổ nát) giữa không gian mênh mông của núi rừng, toàn cảnh khu di tích chỉ còn lại là một rừng cỏ dại mọc trên mặt đất nhấp nhô, gập gềnh. Bên trước con đường đất đi vào là bảng giới thiệu sơ lược về khu di tích. Nếu không có tấm bảng này, chẳng ai biết đây là khu di tích cấp Quốc gia.

Kết luận

            Phật viện Đồng Dương trong quá khứ đã khoác lên mình vẻ nguy nga, đồ sộ về kiến trúc và vẻ đẹp tuyệt vời về nghệ thuật điêu khắc. Việc nghiên cứu mô hình kiến trúc, điêu khắc, tượng, hoa văn, v.v. tại Phật viện Đồng Dương của các nhà khoa học đã cung cấp cho hậu thế kiến thức về lịch sử, văn hóa Chămpa cũng như vị thế của nó trong dòng chảy chung của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nơi được mệnh danh là “Phật viện Phật giáo đầu tiên của Đông Nam Á” đã được xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” vào năm 2019, nhưng hiện tại chỉ là một phế tích hoang tàn. Cứ theo đà này, trong thời gian không xa, Phật viện Đồng Dương chỉ còn là cái tên trên sách vở.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Cao Huy Giu dịch (2013), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB.Thời Đại, Hà Nội.

2.      Georges Maspero (2020), Vương quốc Chămpa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dịch, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

3.      Ngô Văn Doanh (2015), Phật viện Đồng Dương - Một phong cách nghệ thuật của Chămpa, NXB.Văn Hóa-Văn Nghệ TP. HCM.

4.      Ngô Văn Doanh (2019), Tháp cổ Chămpa, NXB.Văn Hóa-Văn Nghệ, TP.HCM.

5.      Nguyễn Sinh Duy (2013), Quảng Nam, những vấn đề lịch sử, NXB.Văn Học, Hà Nội.

6.      Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

7.      https://zh.m.wikisource.org/wiki/%E6%96%B0%E5%94%90%E6%9B%B8/%E5%8D%B7007.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác