Mùa xuân: thắp lên những hy vọng
Mùa xuân
Mùa xuân: thắp lên những hy vọng
Khi nhân loại cần vaccine
Nhà xuất bản lâu đời của Mỹ là Merriam-Webster đã lựa chọn từ "vaccine" là từ
khóa của năm 2021, năm của các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng nhằm chống
lại đại dịch Covid-19. Trên trang web của Merriam-Webster, lượt tìm kiếm
“vaccine” đã tăng 601% so với năm 2020, thời điểm nước Mỹ bắt đầu triển khai
chiến dịch tiêm vaccine vào tháng 12. So với năm 2019, số lượt tìm kiếm từ này
đã tăng tới 1.048%. Có ai ngờ chỉ hai năm, dịch đã lan đến tất cả các quốc gia,
làm chết hơn 5 triệu người và gây nhiễm cho gần 280 triệu trường hợp. Ngay ở
Việt Nam cũng hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 30 nghìn người chết.
Những biện pháp phong tỏa đã bắt đầu được thiết lập lại ở một số nơi trên thế
giới vì biến thể Omicron. Pháp và Anh có ngày lên đến 100 nghìn ca nhiễm. Ở nước
ta dù phải nới lỏng vì còn một nỗi sợ cũng lớn không kém: sự trì trệ kinh tế.
Trong những tháng chống dịch, hàng chục triệu người thất nghiệp, quán xá phải
đóng cửa và chi phí quá sức chịu đựng, khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa luôn;
những ngành dịch vụ như du lịch, hàng không tê liệt hay hoạt động cầm chừng. Hai
năm trôi qua như một cơn ác mộng kể từ sau ngày virus Corona khởi phát tại Vũ
Hán, nhân loại đã trải qua nỗi kinh hoàng chưa từng thấy khi chứng kiến bao tang
thương xảy ra quanh mình, bao người ra đi không trở về nơi mình sống. Hàng nghìn
trẻ em bỗng dưng mồ côi trong thành phố chúng ta. Hình ảnh cuộc tháo chạy của
hàng triệu con người trên mọi phương tiện, chủ yếu là xe máy, từ Sài Gòn hay
Bình Dương, Đồng Nai về miền Trung, miền Bắc hay miền Tây vẫn sẽ là một nỗi ám
ảnh khôn nguôi trong tâm thức nhiều người khi ước mơ đổi đời tan vỡ. Nhà văn
Trương Văn Dân trong một bài viết đã bày tỏ ý kiến: “Chỉ còn gần hai tuần nữa là
đến lễ Giáng sinh. Tôi sẽ nói với cháu Olivia là tuy con virus Corona đang gây
họa lên toàn thế giới nhưng trước hay sau gì thì con người cũng tìm ra được
vaccine để tự bảo vệ mình. Thế giới rồi cũng sẽ hồi sinh. Nhưng vấn đề không chỉ
là virus Corona! Để cuộc sống của con người tốt đẹp cũng cần chống lại những
loài virus khác, như tham lam, đố kỵ, hay ngu dốt… mà từ mấy nghìn năm nay chưa
ai tìm ra loại vaccine nào!”
Vaccine nào cho lương tâm
Cách đây nhiều năm, chúng tôi đã từng viết “Khoảng cách giữa hai mùa Đông - Xuân
phải chăng cũng là khoảng cách từ lời nói đến việc làm của chúng ta. Chúng ta ý
thức hạnh phúc của mình chỉ có được khi lương tâm thanh thản và hành động vì mục
đích lợi tha. Nhưng tiếc thay trong bối cảnh luật pháp còn nhiều bất cập, người
thực thi luật pháp có nơi có lúc chưa nghiêm nên có những kẻ lách luật hay bất
chấp luật pháp chỉ vì động cơ đen tối là tư lợi. Bao nhiêu bài báo viết về tình
trạng thực phẩm nhiễm độc đang lan tràn trên các sạp chợ, trong các bếp ăn tập
thể, cả ở nhà hàng… Chúng ta đang rao giảng về những triết thuyết vị nhân sinh.
“Này đây chủ nghĩa duy thần, này đây chủ nghĩa duy vật, này đây khoa học, này
đây tôn giáo, giữa chợ đời thứ nào cũng phong gói với những nhãn hiệu đẹp đẽ do
những bộ óc và bàn tay tham sân si” (Thích Trí Quang, Tâm ảnh lục). Những
ngày gần đây, dư luận dậy sóng sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an phanh phui
việc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á chi hoa hồng để cung cấp kit xét nghiệm
Covid-19 cho các địa phương với giá khủng. Nhiều thông tin cho thấy sự thật về
chất lượng của kit xét nghiệm do công ty này sản xuất có “vấn đề”. Cuối tháng 4,
2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) công bố trên website của bộ rằng "Bộ kit
xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
chấp thuận". Và sau đó còn công bố mã số EUL. Tuy nhiên, theo Tuổi Trẻ,
báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO ngày 20-10-2020, kết quả
thẩm định với bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là "Not Accepted" (không được
chấp nhận), không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO. Câu hỏi là
việc Bộ Y tế cấp phép thần tốc cho bộ kit test của Việt Á có quá vội vàng, nếu
như không nói là “thần tốc” (chưa đầy 24 giờ sau khi Bộ KHCN đề nghị) và chỉ căn
cứ vào các kết quả do Hội đồng của Bộ KHCN thành lập và xác nhận của Viện Vệ
sinh dịch tễ? Thứ hai là về giá bộ kit test. Bản tin ngày 18-12 từ Bộ Công an:
“Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các
đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu
đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit”.
Trong cơn hoạn nạn tử sinh của đồng bào với hàng triệu ca nhiễm và hàng chục
nghìn người chết, người ta vẫn ung dung kiếm lợi nhuận, bằng mọi thủ đoạn.
Giữa lý thuyết được rao giảng và hiện thực, chúng ta thấy một khoảng cách thật
gần mà cũng thật xa, tưởng như vô tận. Vì sao? Chúng ta đã vô tình chạy theo
quyền lợi bất chấp thủ đoạn, đã biến ánh sáng thành bóng tối, đã biến những mỹ
từ trong lời nói thành những khẩu hiệu rỗng. “Do đó mà con người chỉ tự gây khổ
cho nhau để rồi chịu chung cái khổ ấy. Thế nên sự sống mới bị giết chết một cách
phũ phàng, sự yên ổn, nếu có, cũng bị công nhiên xâm phạm tàn nhẫn.” (Thích Trí
Quang, sđd). Chúng ta nhớ cựu Tổng thống George Bush trong bài điếu văn
đọc trước linh cữu cha mình ngày 5-12-2018 đã nhấn mạnh rằng bài học đặc biệt
nhất mà Tổng thống Bush “cha” dạy cho ông về ý nghĩa của việc làm tổng thống, là
phải phục vụ quốc gia với sự liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động
với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào.
Mùa xuân của hy vọng
Chúng ta có quyền hy vọng gì không?
Vaccine cho nền kinh tế
Về kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau
3 tháng giảm do hạn chế cách ly ở nhiều khu vực trong nước. Tính từ đầu năm, sản
xuất công nghiệp đã tăng gần 5% trong tháng 11 và 12, cao hơn mức 3,3% của cùng
kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp
tục đổ vào Việt Nam. UOB nhận định “Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu
tư vẫn ở mức cao đối với Việt Nam. Theo đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021
vượt xa con số 20 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng GDP quý 4 năm 2021 sẽ
phục hồi lên mức 7%, sẽ đưa tăng trưởng GDP cả năm lên 3%.
Vaccine cho cá nhân và cộng đồng
Về con người, muốn có vaccine trị tham sân si thì phải “…sát khuẩn tự tâm cho
thanh tịnh”. Phương tiện sát khuẩn tâm phải chăng là chánh niệm như nhà tâm lý
trị liệu Mark Epstein nói. Những con người tri túc, giới hạn lòng tham, và ý
thức vì cộng đồng rất cao như chúng ta từng chứng kiến trong đại dịch, nhiều y
bác sĩ, Tăng Ni, quần chúng thiện nguyện lao mình vào vùng dịch bệnh vì đồng
bào, vì chúng sinh nói chung, sẵn sàng chấp nhận cả việc bị lây nhiễm, không kể
ngày đêm…
Hiểu về duyên khởi khiến chúng ta sống có trách nhiệm, có hiểu biết, có thương
yêu, biết được rằng hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng
đồng và ngược lại. Nhân loại lại vượt qua cơn đại dịch lần này nhưng để tiến đến
một xã hội tôn trọng môi trường, thoát khỏi những tai kiếp tương tự, từng con
người phải thay đổi biệt nghiệp của mình, góp phần xoay chuyển cả cộng nghiệp
đang có nhiều vấn đề hôm nay.
Thiền sư Nhất Hạnh trong “Zen and the Art of Saving the Planet” (xuất bản 2021)
đã nêu lên 6 điều (hay 6 nguyên lý) để xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm và
biết yêu thương dù trong hoàn cảnh nào. Xin tóm tắt như sau:
1. Sự hiện diện cụ thể: Điều quan trọng là chúng ta phải hiện diện bên nhau,
chia sẻ những hoài bảo, ước mơ cùng nhau. Chúng ta tự hỏi mỉnh cần người bạn như
thế nào trong đời, mình đã tạo đủ duyên và là nguồn cảm hứng cho người khác cùng
sống và chia sẻ chưa?
2. Chia sẻ nguồn lực: Chúng ta tự hỏi mình có sẵn lòng chia sẻ những gì mình có
nhiều hơn người khác không? Có gì cần chia sẻ, phản ánh sự tin cậy và gắn bó của
chúng ta khi cho đi, đóng góp một phần của mình cho cộng đồng?
3. Chia sẻ những nguyên lý đạo đức: Cho dù đó là một thông điệp đơn giản, một
cam kết cụ thể, đối với việc không ứng xử bằng bạo lực với nhau hay một quy ước
cụ thể nhằm giải quyết xung đột và tranh cãi, điều quan trọng là chúng ta phải
nhất trí với nhau về những giá trị và những định hướng trong lòng mình để ứng xử
với nhau.
4. Chia sẻ tri thức và quan điểm: Các vị thầy luôn khuyên chúng ta phải bao
dung, cởi mở và dung hóa mọi khác biệt để tránh giáo điều, nuôi dưỡng thù hận và
bạo lực. không nhất thiết chúng ta phải cùng quan điểm nhưng chúng ta tạo ra môi
trường mà mọi quan điểm và tiếng nói khác nhau đều được diễn tả và lắng nghe.
Chúng ta không áp đặt quan điểm mình lên người khác, tạo không gian cho những
khác biệt và nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính mới.
5. Chia sẻ từ trái tim: Có môt từ mà chúng ta hay sử dụng là nhất trí hay hòa
hợp trong tư duy, “ý hòa đồng duyệt”. Điều này có nhĩa là chúng ta bày tỏ ý kiến
của mình một cách sâu sắc và trung thực, và tạo không gian hay môi trường cho
người khác bày tỏ quan điểm, ước mơ và quan tâm lớn nhất của chúng ta với cộng
đồng là gì khi chúng ta có thể bày tỏ tri kiến của mình một cách trung thực, dựa
theo kinh nghiệm chứ không phải nỗi sợ hải, dễ dàng cho mọi người đạt được sự
đồng thuận.
6. Truyền thông lòng từ bi: Phải cẩn trọng không gây tổn hại cho ai. Phương tiện
và cứu cánh là một, không chỉ nói lên chân lý mà chúng ta quên trách nhiệm về
hậu quả. Nói ra mọi điều với sự thanh thản và lòng từ bi. Nếu khi cảm xúc hay
phiền hận dâng trào hãy để cho lắng xuống, rồi hảy nói. Tập lắng nghe sâu và
hiểu cặn kẽ nguồn cơn mọi vấn đề.
Nếu tất cả những nguyên lý ấy được thực tập và ứng dụng, chúng ta sẽ giảm bớt
phiền muộn, sân hận, tham lam.
Người phương Đông luôn nhìn cuộc đời chuyển dịch luân lưu như giòng nước qua
các thì hiện tại, quá khứ, và tương lai.
Số khá bĩ rồi thời lại thái
Cô thường đông hết hẳn sang xuân.
(Nguyễn Công Trứ)
Chúng ta hãy nhớ lời từ trong Kinh Dịch về quẻ Bĩ: “Bĩ chi phỉ nhạn bất
lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai” (Thời bế tắc trên dưới mâu thuẫn, thiên hạ
bất mãn. Tình thế bất lợi bất an, quân tử nên ở ẩn, tuy nhiên nên giữ lòng chình
bền, chờ thời cơ hành động. Vì ở hào 5: “Hưu bĩ, đại nhân cát. Kỳ vong, kỳ vong,
hệ vu bao tang.” (Bậc trượng phu có khả năng chuyển Bĩ thành Thái, khai thông bế
tắc, ắt thiên hạ được nhờ); hay như hào 6: “Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hỉ” (Chuyển
được thời thế từ Bĩ sang Thái, trước bế tắc, sau hanh thông).
Đây chính là tinh thần của “Nhất chi mai” khi Thiền sư Mãn Giác viết:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Sức sống cành mai ấy vẫn còn hôm nay trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh và do
những kẻ “nước đục thả câu” gây ra thì toàn dân vẫn âm thầm “hồi sinh” và vươn
lên nên cần một cơ chế thích hợp và những biện pháp cấp thiết, xa hơn và dài hơn
là một chiến lược tổng thể phục hồi kinh tế, trấn an lòng người và tạo niềm tin
trong nhân dân về một xã hội hài hòa với sáu nguyên lý nêu trên.
Trước mùa xuân mới, dù ngổn ngang bao khó khăn và thách thức, vẫn thắp lên hy
vọng về một đất nước thượng tôn pháp luật và sự minh bạch, một năm bình yên và
no ấm cho toàn dân. Mong thay!
Nguyên Cẩn