Những đặc điểm tư tưởng của Phật giáo Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa

nhung dac diem

Những đặc điểm tư tưởng của Phật giáo Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa

THANH TRÌ

 

Phật giáo là dòng chảy tư tưởng của nhân loại không ngừng thay đổi, là hệ thống triết học có giá trị nhân văn và triết lý sống, đưa con người từ khổ đau về với an lạc, có giá trị thực tiễn về mặt lịch sử lẫn tinh thần. Giáo lý Phật giáo dù có trải qua bao nhiêu ngàn năm, qua bao nhiêu sự thay đổi thì đặc tính giải thoát, an lạc cho người cho đời vẫn không thay đổi. Lịch sử Phật giáo kéo dài hơn 2.600 năm từ ngày Đức Phật chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển cho đến ngày nay đã trải qua ba thời kỳ lịch sử.

Giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy, đây là giai đoạn thời Phật còn tại thế, với nền giáo lý thực tu thực chứng, lấy sự thực hành đưa đến giải thoát làm mục tiêu. Giai đoạn thứ hai là sau Phật Niết-bàn khoảng 100 năm, thời kỳ Phật giáo bước vào thời kỳ phân phái, đây là giai đoạn kho tàng văn điển Phật giáo lên ngôi với hàng chục bộ phái chủ trương giải thích các lối giáo lý theo những cách khác nhau. Đây là giai đoạn lên ngôi của A-tỳ-đạt-ma luận thư.

Giai đoạn thứ ba là thời kỳ Phật giáo Đại thừa, xuất hiện vào khoảng Tk.I sau khi vua Asoka băng hà. Bấy giờ giáo lý Phật giáo bộ phái suy yếu, Phật giáo đã mất đi tính quần chúng, do lối giải thích giáo lý quá phức tạp, làm cho giáo lý bị giới hạn nơi giới xuất gia, hệ thống tư tưởng khô cứng không còn tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Ấn Độ nữa, vai trò của người Phật tử không còn được xem trọng. Vào thời kỳ đó, Phật giáo Đại thừa xuất hiện với lối giải thích giáo lý sinh động, cùng với tư tưởng Bồ-tát đã đưa giáo lý của Đức Phật trở về với phong trào đại chúng. Sự xuất hiện của Đại thừa Phật giáo đã tưới tẩm cho tư tưởng giáo lý một nguồn sống mới.

Đây là ba giai đoạn phát triển của lịch sử Phật giáo trên thế giới, tuy tên gọi và các lối giải thích giáo lý có sai khác, nhưng đều dựa trên tinh thần giải thoát mà triển khai. Đôi lúc Phật giáo Bộ phái đi quá xa với nguồn tư tưởng Nguyên thủy, nhưng đã được Phật giáo Đại thừa kéo trở về với mục đích chính. Cho nên ba thời kỳ này là hỗ tương cho nhau phát triển, bỏ một trong ba cũng không được, giống như HT.Quảng Độ đã nói trong Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận:Cây có 3 phần gốc (căn bản hay Nguyên thủy) thân (Tiểu thừa) và ngọn (Đại thừa)”.

Lối giải thích giáo lý của ba thời kỳ tuy có khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là đưa con người về với Niết-bàn an lạc, xây dựng hạnh phúc cho đời cho người. Trong bài này chúng ta sẽ làm rõ đặc điểm tư tưởng chính của từng thời kỳ Phật giáo, bắt đầu từ Nguyên thủy, sau đó đến Bộ phái và cuối cùng là Đại thừa. Đây là ba thời kỳ tư tưởng lịch sử Phật giáo mắc xích với nhau, hỗ trợ cho nhau phát triển, bỏ một cũng không được. Bài nghiên cứu này sẽ phần nào làm sáng tỏ những gì mà xưa nay chúng ta nhầm lẫn, hay không biết nguyên nhân tại sao kinh Nam truyền và Bắc truyền có lối giải thích khác nhau.

Phật giáo Nguyên thủy

Đặc điểm tư tưởng chính của Phật giáo Nguyên thủy là tinh thần thiết thực hiện tại lấy pháp làm trung tâm và lấy nội tâm làm chủ. Thời kỳ Đức Phật xuất hiện là thời kỳ bùng nổ triết lý tư tưởng tại Ấn Độ, với sự xuất hiện các vị giáo chủ của các hệ tư tưởng khác nhau, chỉ đứng trên phương diện biện luận giải thích một vấn đề siêu hình nào đó mà không xem trọng lối thực hành, làm cho vấn đề tôn giáo trước thời kỳ Đức Thích Tôn xuất hiện khi nghe nhắc đến ai cũng mường tượng có cái gì đó sâu xa, một thứ triết học siêu hình khô cứng, con người không thể với tới được. Bấy giờ tư tưởng văn học cổ Veda suy yếu không còn đủ sức lãnh đạo tinh thần dân tộc Ấn Độ nữa, hệ thống triết học Ấn Độ bước vào thời kỳ tự do tư tưởng, hệ quả của sự suy yếu đó chính là sự ra đời của hệ tư tưởng Sa-môn.

Hệ thống tư tưởng Veda từ xưa là hệ tư tưởng sống của dân tộc Ấn Độ. Sau khi người Arya xâm chiếm toàn Ấn Độ, họ dần biến hệ tư tưởng này thành các nghi lễ tế tự thờ cúng, làm cho giá trị thực tiễn trong đời sống suy yếu. Những vấn đề nhân sinh quan, vũ trụ quan của văn học Veda chỉ còn là lối giải thích suông, không đem lại lợi ích gì cho xã hội, chế độ giai cấp được thực hiện nghiêm ngặt đã làm mất đi giá trị nhân văn của nguồn văn học Veda. Thế nên đến thời Đức Phật, hệ tư tưởng Sa-môn xuất hiện để chống lại nguồn tư tưởng Veda đã lỗi thời, không còn giá trị phổ quát đối với dân chúng, khi kinh Veda trở thành một thứ vũ khí thống trị tinh thần của Bà-la-môn giáo.

Đức Phật xuất hiện với nguồn tư tưởng giáo lý thiết thực hiện tại, những gì không đem lại lợi ích cho con người thường thì Đức Phật không bàn tới. “Giáo pháp của Ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.” Điều này cho thấy Phật giáo là hệ thống tư tưởng luôn đứng trên lập trường thực tế, với mục đích đem lại lợi lạc lâu dài cho toàn nhân loại. Với giáo lý Tứ đế, Đức Phật đã mở ra bốn sự thật về chân lý cuộc đời; với giáo lý Duyên khởi, Ngài đã giải thích tường tận về sự hiện hữu của con người và sự mắc xích của các nguyên nhân đưa đến khổ đau; với tư tưởng Vô ngã, Đức Phật đã bác bỏ niềm tin sai lạc của con người từ trước đến nay, luôn chấp thủ cái này của ta cái kia của ta để rồi sinh ra đau khổ. Cuối cùng là Niết-bàn an lạc, một cảnh giới an vui vắng lặng mọi sự khổ, thế giới chỉ có thể trải nghiệm mà không thể diễn tả bằng lời.

Giáo lý Đức Phật với nguồn tư tưởng thiết thực hiện tại có thể giúp xây dựng một xã hội bình đẳng, ai ai cũng được thm nhuần trong lý tưởng sống cao cả và con người được quyền làm chủ chính mình,được người trí tự mình giác hiểu.” Về vấn đề thế giới quan, việc giải thích vũ trụ và nhân sinh của Đức Phật cũng chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Veda, nhưng thay vì giải thích theo các nhà Bà-la-môn giáo chủ trương số phận con người chịu sự chi phối của Phạm thiên, thì Đức Phật lại chủ trương con người tự quyết định số phận của chính mình. “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc. Phàm việc làm không tác ý thì  không tạo thành nghiệp.”

Đó là vấn đề nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo. Đức Phật lấy nhân sinh làm trung tâm, vì Ngài cho rằng con người là một tiểu vũ trụ. “Ta nói trong tấm thân một trượng này, thế giới nguyên nhân thành lập thế giới, sự hoại diệt thế giới và con đường đưa đến hoại diệt thế giới.” Lối giải thích về vũ trụ và nhân sinh quan này hoàn toàn khác xa với truyền thống văn học Veda mà nó cho rằng Phạm thiên là chân lý. Ngược lại Đức Phật khẳng định rằng con người là chủ thể của vũ trụ. Điều này đã thánh hóa con người, kéo tư tưởng của dân tộc Ấn Độ ra khỏi sự lệ thuộc vào thần thánh một cách thụ động mà từ xa xưa bị giới Bà-la-môn đầu độc.

Tuy bác bỏ chủ thể thần linh, nhưng Đức Phật không tự nhận Ngài là giáo chủ lãnh đạo Tăng đoàn mà khuyên các thầy Tỷ-kheo hãy lấy pháp làm trung tâm. Điều này được Đức Phật nói trước khi diệt độ, trong kinh Đại bát Niết-bàn như sau: “Này Anada, Pháp và Luật mà Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi.” Điều này cho thấy Đức Phật muốn dẫn dắt các Tỷ-kheo thoát ly sự nương tựa vào bất cứ vị đạo sư hay thần thánh nào, khuyên bảo họ tự nương tựa vào chính mình. Nếu còn nương tựa vào một đấng nào đó thì vẫn còn bị ràng buộc và đi theo hệ tư tưởng cũ của Bà-la-môn giáo, tôn giáo cho rằng thần linh là chủ thể để nương tựa.

Đức Phật chủ trương con người tự quyết định số phận của chính mình trong xã hội chủ trương Thần ý luận. Ngài chủ trương những việc làm có tác ý của con người ý sẽ nhận hậu quả tương ứng trong xã hội chủ trương Ngẫu nhiên luận. Đức Phật xem trọng lối thực hành tránh né tối đa sự tranh luận trong xã hội chủ trương Ngụy biện luận.

Tóm lại, đặc điểm tư tưởng của Phật giáo Nguyên thủy là đề cao trách nhiệm cá nhân, lấy con người làm chủ thể, bác bỏ quan niệm nương tựa vào thần thánh mà các Bà-la-môn chủ trương. Mặt khác là tính thiết thực hiện tại. Giáo lý Đức Phật là giáo lý thực hành đưa đến giải thoát. Đức Phật tránh tối đa sự biện luận, điều rất được các nhà tư tưởng đương thời ưa chuộng. Đó là đặc tính căn bản của Phật giáo thời kỳ Phật còn tại thế.

Phật giáo Bộ phái

Đặc điểm chính của Phật giáo Bộ phái là sự ra đời phong phú của kho tàng Luận tạng. Phật giáo Bộ phái là thời kỳ sau Đức Phật diệt độ 100 năm. Thời kỳ phân phái kéo dài cho đến Tk.I sau khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện. Đến thời điểm đó Phật giáo có đến gần 20 bộ phái, chủ trương những cách giải thích giáo lý khác nhau. Sau khi Đức Phật diệt độ gần một thế kỷ thì lối giải thích giáo lý và phương pháp thực hành giới luật đã có sự thay đổi. Sau kỳ kết tập lần thứ hai, Phật giáo chính thức phân thành hai bộ phái lớn. Bộ phái thứ nhất là Thượng tọa bộ theo khuynh hướng bảo thủ, giữ trọn vẹn truyền thống từ thời Đức Phật còn tại thế; bộ phái thứ hai chiếm đa số hơn nên được gọi là Đại chúng bộ, theo khuynh hướng tự do thay đổi, tùy theo tình hình thời đại và vị trí địa lý mà có lối thực hành pháp và luật Phật chế bằng những hình thức mới mẻ hơn.

Sự phân phái Phật giáo thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bđã dẫn đến việc giải thích kinh luật và thực hành theo hai hướng khác nhau, tạo tiền đề cho phong trào phân phái sau này. Thành tựu lớn nhất của thời kỳ Bộ phái Phật giáo là cho ra đời kho tàng Luận tạng (Abidhama). Đây được xem là thời kỳ lên ngôi của nền văn học Phật giáo. Nói đến Phật giáo Bộ phái ai cũng nghĩ đây là thời kỳ của A-tỳ-đạt-ma luận thư. Tuy là thời kỳ lên ngôi của kho tàng Luận tạng, nhưng giáo lý Phật giáo Bộ phái theo quá trình giải thích về sau đã biến thành đạo của giới xuất gia, dần đánh mất đi tính phổ biến trong quần chúng tại gia.

Vào thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật xem trọng lối thực tu thực chứng, đề cao sự thực hành và chú trọng nội tâm. Những giáo lý được Đức Phật thuyết giảng chỉ với mục đích tùy phương tiện, tùy trình độ mà mở con đường giải thoát cho chúng sinh. Phật giáo thời kỳ Bộ phái tuy cũng xem trọng nội tâm nhưng đem kinh điển và các giáo lý đơn giản phân tích ra chi tiết và rất xem trọng việc phân tích đó. Nếu giáo lý thời Đức Phật xem trọng nội tâm, thì thời kỳ Bộ phái lại xem trọng ngoại giới.

Mặt khác, vai trò của hàng đệ tử cư sĩ thời Đức Phật còn tại thế cũng được Ngài xem trọng như hàng đệ tử xuất gia, điều đó được thể hiện qua bốn lời hứa của Đức Phật đối với Ác Ma, khi Ác Ma thỉnh Phật nhập Niết-bàn. “Này Ác Ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của Ta.... những Tỷ-kheo-ni của Ta... những nam cư sĩ của Ta... những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chơn chánh sáng suốt, có kỷ luật, đa văn, duy trì Chánh pháp...” Lời hứa của Đức Phật đã cho thấy sự hỗ tương của hàng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Bốn hội chúng đều quan trọng trong việc hỗ trợ cho nhau duy trì mạng mạch Chánh pháp. Đến thời kỳ Bộ phái, vai trò của hàng cư sĩ không còn được đề cao. Phật giáo Bộ phái chỉ xem trọng đạo xuất gia, các giáo lý giải thoát chỉ còn giới hạn nơi hàng đệ tử xuất gia.

Điều này đã làm cho Phật giáo Bộ phái mất đi tính phổ biến trong quần chúng. Mặt khác, với lối giải thích giáo lý rườm rà, xem trọng việc phân tích giáo lý, Phật giáo Bộ phái đã đi theo lối biện luận, tranh luận của các nhà tư tưởng thời Đức Phật, điều mà Đức Phật tránh né tối đa khi Ngài còn tại thế.

Một điều nữa là quan điểm về Đức Phật. Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài chủ trương mọi chúng sinh đều bình đẳng, lấy giải thoát làm mục đích. Vào thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật được xem như một biểu tượng tinh thần, qua đó làm động lực cho mọi chúng sinh nỗ lực tinh tấn đi đến giác ngộ. Đến thời kỳ Phật giáo Bộ Phái, vì quá xem trọng nhân cách của Đức Phật, các bộ phái không ngừng khoác lên Ngài vô số thần thông, biến Ngài từ một vị Phật lịch sử trở thành một đấng cao siêu, người thường không thể sánh được. Cho dù họ có tu tập đến đâu cũng không thể bằng được Phật, mà chỉ là đệ tử của Ngài. Quan điểm Phật thân luận thay đổi hoàn toàn.

Sự phát triển của Phật giáo Bộ phái đã đi vào vết xe đổ của các nhà Bà-la-môn trước kia. Tuy giáo lý bình đẳng từ bi không thay đổi, nhưng giáo lý bị giới hạn nơi giới xuất gia, cũng tương tự như thánh kinh Veda xưa chỉ có tầng lớp giáo sĩ mới được đọc tụng. Mặt khác, khi Đức Phật còn tại thế, Ngài tránh tối đa sự lý luận không đem lại lợi ích, nhưng Phật giáo Bộ phái đã không ngừng đem giáo lý của Đức Phật ra lý luận, nghiên cứu, đặt nhẹ việc thực hành, điều này đã làm cho Phật giáo Bộ phái ngày càng mất đi tính quần chúng. Do đó, theo sự phát triển của thời đại, Phật giáo Đại thừa ra đời với khuynh hướng diễn giải giáo lý theo tinh thần đại chúng, đưa Phật giáo trở về với tính phổ biến trong xã hội.

Tóm lại, Phật giáo Bộ phái tuy là thời kỳ vàng son của văn điển Phật giáo, với kho tàng Luận tạng phong phú, nhưng phong trào Phật giáo này lại bị gọi là Tiểu thừa bởi vì quá để tâm đến vấn đề nghiên cứu học thuật. Giáo lý Đức Phật bị phân tích chi li đến nỗi ít người hiểu được, và dần biến thành giáo thuyết của giới xuất gia; hàng cư sĩ không thể tiếp cận được con đường đưa đến giải thoát mà Đức Phật đã khai mở, và vì thế Phật giáo Bộ phái đã không bắt kịp và đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại. Từ đây một phong trào tư tưởng mới của Phật giáo đã bắt đầu phát triển để bắt kịp xu hướng của thời đại mới, đưa giáo lý Phật giáo Bộ phái ra khỏi tòa tháp ngà của giới xuất gia, trở về với phong trào đại chúng, đó là Phật giáo Đại thừa.

Phật giáo Đại thừa

Phật giáo Đại thừa xuất hiện vào khoảng Tk.I. Sau khi vua Asoka băng hà, triều đại Maurya sụp đổ, Phật giáo không còn nhận được sự bảo trợ của hoàng gia. Bấy giờ Phật giáo đánh mất đi vị thế trước đó của mình, nhường chỗ cho Hindu giáo. Dưới triều đại Sunga, Phật giáo gặp phải nhiều sự bất lợi, và sự phục hưng mạnh mẽ của Hindu giáo đã đồng hóa Đức Phật và giáo lý của Ngài thành một chi nhánh của Bà-la-môn giáo. Giai đoạn khoảng Tk.II trước TL là giai đoạn cực kỳ khó khăn của Phật giáo, một mặt phải đấu tranh để tồn tại, chống lại sự đồng hóa của Bà-la-môn giáo, mặt khác phải thay đổi và phát triển đường hướng mới đưa Phật giáo trở về phù hợp với đời sống xã hội.

Không còn sự bảo trợ của hoàng gia nữa, Phật giáo buộc phải tự lực cánh sinh, thế nên phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu diễn ra mạnh mẽ vào khoảng Tk.II, kết quả là sự ra đời và phát triển của Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Đại thừa xuất hiện khi Phật giáo Bộ phái đã đánh mất sự ủng hộ của quần chúng.

Quan điểm về Đức Phật của Phật giáo Bộ phái đã đẩy Đức Phật ra xa quần chúng. Ngài được các nhà Bộ phái khoác lên vô số chiếc áo siêu hình, hàng đệ tử dù nỗ lực đến đâu cũng không thể như Phật được. Phật giáo Đại thừa xuất hiện lấy Đức Phật làm lý tưởng, đi về với tư tưởng Nguyên thủy lấy con đường giác ngộ làm mục tiêu, chúng sinh và Phật đều đồng bản tánh với nhau, nếu nỗ lực thì ai cũng có thể giác ngộ như Phật, thế nên tư tưởng Bồ-tát thời kỳ này phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Có thể nói lý tưởng Bồ-tát là sự phát triển nổi bật nhất của Phật giáo Đại thừa. Thuật ngữ Bồ-tát đã xuất hiện từ rất sớm ở trong hệ kinh điển Nguyên thủy, nhưng thuật ngữ Bồ-tát thời Đức Phật kéo dài cho đến thời kỳ Bộ phái chỉ xoay quanh một nhân vật đó là Đức Phật. Ở thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Bồ-tát là chỉ cho quá trình tìm đạo của Đức Phật. Qua đến thời kỳ Bộ phái, lý tưởng này chỉ cho công hạnh của Đức Phật ở đời quá khứ. Đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa, Bồ-tát là mẫu người lý tưởng của Phật giáo Đại thừa, bất cứ ai tu hạnh Bồ-tát cũng có thể thành Phật vì Đại thừa cho rằng hiện tại có vô số Bồ-tát cứu độ chúng sinh.

Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa không chỉ dành riêng cho Đức Phật như trước đây nữa, cũng không phải chỉ dành riêng cho người xuất gia, mà Bồ-tát bấy giờ mang khuynh hướng của hàng cư sĩ hơn. Chứng minh cho điều này là hình tượng của các vị Bồ-tát đều mang hình dáng của người cư sĩ, và các kinh điển của Đại thừa cũng cho rằng người cư sĩ cũng có trí tuệ gần bằng Phật, khi đã làm chủ tâm và thực hành Bồ-tát đạo. Có thể dẫn ra đây một số kinh như Duy Ma, Thắng Man, Hoa nghiêmĐiều này có lẽ một phần là do sức ép của hàng cư sĩ khi họ bị Phật giáo Bộ phái bỏ rơi, một lý do nữa là do ảnh hưởng của phong trào xã hội hóa Phật giáo.

Nếu Nguyên thủy chủ trương các pháp là không thật, Bộ phái chủ trương các pháp đều hiện hữu, thì Phật giáo Đại thừa lại dung hòa hai tư tưởng lại với nhau là chân không diệu hữu, và sự ra đời của bộ Đại Bát-n vô cùng phong phú, nhưng vẫn không đi xa giáo lý giải thoát của Đức Phật. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa cũng tương tự với Nguyên thủy Phật giáo nên chủ trương tất cả đều do tâm. Ví dụ, kinh Hoa nghiêm viết: “Tâm như họa sĩ khéo/ Vẽ thế giới muôn màu/ Cảnh ngũ ấm thế gian/ Không pháp nào không tạo.” Và học thuyết vô ngã được định nghĩa trong Kim cang như sau: “Nhược dĩ sắc kiến ngã/ Dĩ âm thanh cầu ngã/ Thị nhân hành tà đạo/ Bất năng kiến Như Lai.” Điều này cho chúng ta thấy rằng tất cả kinh điển Đại thừa đều được triển khai từ tư tưởng Nguyên thủy, nhưng phát triển theo khuynh hướng của thời đại.

Do ảnh hưởng của thời đại cho nên khái niệm Niết-bàn của Đại thừa cũng vì thế mà thay đổi. Niết-bàn là lý tưởng chung của Phật giáo. Nguyên thủy, Bộ phái hay Đại thừa đều quan niệm Niết-bàn là cảnh giới an lạc, vắng lặng mọi khổ đau. Nhưng quan điểm Niết-bàn của Phật giáo Đại thừa lại mang khuynh hướng tích cực, hoạt động; và do chí nguyện độ sinh chư Phật và Bồ-tát đã nhập diệt vẫn hóa hiện lại cứu độ đời, nhưng không bị đời làm cho ô nhiễm. Do đó Niết-bàn của Đại thừa được gọi là Vô trụ Niết-bàn.

Tóm lại, Đại thừa Phật giáo xuất hiện căn bản là do sự thích nghi với thời đại. Nếu trước đó Nguyên thủy Phật giáo luôn quan tâm đến thời đại, thì Bộ phái lại bỏ qua điểm này, chỉ lo chú tâm vào việc tìm tòi nghiên cứu. Điều này đã dẫn đến Phật giáo suy yếu ở Tk.II. Phật giáo Đại thừa xuất hiện đã tưới tẩm cho nguồn giáo lý Phật giáo đã bị khô cứng ở thời kỳ Bộ phái một sức sống mới, cho nên sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa có quan hệ mật thiết với tư trào thời đại. Tuy vậy tư tưởng kinh điển của Đại thừa vẫn không đi xa tinh thần Nguyên thủy, thế nên Phật giáo Đại thừa được cho là gần với tư tưởng Nguyên thủy hơn.

Kết luận

Lịch sử tưởng tưởng Phật giáo trải qua ba thời kỳ Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa. Tuy tên gọi và cách giải thích giáo lý có khác nhau nhưng sự liên hệ giữa và hỗ tương cho sự phát triển về giáo lý của ba thời kỳ có mối liên hệ chặt chẽ. Tuy thời kỳ Bộ phái Phật giáo chủ trương đóng cửa nghiên cứu, nhưng ta có thể hiểu rằng nhờ thời kỳ này mà kho tàng văn điển của Phật giáo mới đạt đến mức cực thịnh, nếu không có thời kỳ Bộ phái thì sẽ không có thời kỳ Phật giáo Đại thừa. Nếu Phật giáo Đại thừa không xuất hiện thì hàng đệ tử Phật đời sau cũng không biết con đường nào tìm về tư tưởng Nguyên thủy. Các kinh điển Đại thừa tuy có lối giải thích giáo lý khác với Nguyên thủy nhưng cũng do tư tưởng Nguyên thủy mà phát triển.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác