Hòa thượng KIM MÃ Thông Duệ (1808-1857)

hoa thuong kim ma

HÒA THƯỢNG KIM MÃ THÔNG DUỆ (1808-1857)

Hậu học Đồng Dưỡng

 

Hòa thượng Thông Duệ là một vị danh tăng triều Nguyễn (1802-1945). Ngài thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40, dòng Đột Không Trí Bản, thế hệ thứ 8 sơn môn Vĩnh Phúc Phù Lãng[1]. Hòa thượng là vị Tổ khai phái chùa Phúc Long, được Bộ Lễ ban giới đao độ điệp vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835). Ngài trụ trì chùa Vĩnh Phúc (Phù Lãng), kiêm trụ trì chùa Phúc Long, xã Phù Lãng trung, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc xã Đoàn Kết, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Ngài cùng thế hệ với Thiền sư Thông Vinh, chùa Hàm Long mà Kế đăng lục, quyển tả có ghi chép[2]

Tư liệu liên quan về Hòa thượng Thông Duệ hiện nay không nhiều, nằm rải rác các nơi như kinh sách, văn bia, khoa cúng tổ các chùa. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ do Hòa thượng Phúc Điền biên soạn ghi chép truyền thừa chùa Vĩnh Phúc (Phù Lãng), có ghi một vài nét về ngài. Đây là tư liệu gốc để chúng ta tham khảo thêm các kinh sách khác phác họa hành trạng của ngài. Sách chép:

下八傳通睿和尚。貫河內,馬惱人,俗姓張,二十五歲出俗。師儒釋精通,以無師智,雄談博辨。每至安居,僧衆百餘人。一日付囑偈云.

臨終付法古今傳

直指明心以是先。

貝眼[3]作家施手段

空拳打破祖師禪。

法臘二十五,世壽五十一歲,於戊午年五月初二日未時示寂。大衆焚化建塔奉事,時嗣德十一年歲次戊午。

Tạm dịch:

Truyền xuống đời thứ 8 là Hòa thượng Thông Duệ, người Mã Não, Hà Nội, 25 tuổi xuất gia. Thầy tinh thông Nho Thích, lấy trí vô sư để biện luận. Mỗi khi đến mùa hạ an cư, Tăng chúng có hơn 100 vị. Một hôm dặn dò kệ rằng:

Lâm chung phó pháp xưa đến nay,

Chỉ thẳng minh tâm lấy làm đầu.

Lá bối làm nhà trao thủ đoạn

Tay không phá vỡ thiền Tổ sư.

Ngài được 25 tuổi hạ, hưởng thọ 51 tuổi, thị tịch giờ Mùi ngày mồng 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ. Đại chúng phần hóa, xây tháp vâng thờ. Lúc ấy năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11.

Sách cho biết đời pháp, tên pháp danh, quê quán. Cùng tập sách trên có ghi đoạn đối thoại giữa Tổ Thiên Đông và ngài như sau:

師問曰,汝何姓名?對曰,姓張名睿,年庚二十五

Tạm dịch: Thầy hỏi: Con họ tên gì? Trả lời: Họ Trương tên Duệ, tuổi được 25.

Bia “Phúc Long Hòa thượng sắc mệnh” ghi rõ “Danh Duệ Trương Văn Duệ”[4] tức tên Duệ, đầy đủ là Trương Văn Duệ. Vậy, ngài thế danh là Trương Văn Duệ. Bia có ghi tên cha mẹ như “Cha là Trương Quang Tiến, tự Phúc Cung, mẹ Bùi Thị Hữu hiệu Diệu Viên”. Ngài xuất thân từ tộc Trương, không ghi anh em mấy người, nằm ở vị trí thứ mấy trong gia đình.

Sách ghi “ngài quê Mã Não, Hà Nội”. Bia ghi rõ hơn: “Ngài quê ở xã Mã Não, tổng Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, Hà Nội”. Tra vào địa danh hiện nay, xã Mã Não xưa chính là thôn Mã Não, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Quê ngài gần chùa Bà Đanh nổi tiếng, cùng nằm trong xã Ngọc Sơn.

Ngài có pháp danh Thông Duệ, lấy tên thế tục nối với chữ “Thông” trong kệ phái, với câu “Tịch chiếu phổ thông”, tức chữ cuối của câu thứ tư[5]và có hiệu là Kim Mã Thích Uy Uy thiền sư[6].

Các tư liệu đều không ghi năm sinh, chỉ ghi năm tịch là năm Mậu Ngọ (1858), Tự Đức 11, thọ 51 tuổi. Nếu chúng ta lấy năm tịch trừ cho tuổi thọ sẽ ra năm sinh, đó là năm Mậu Thìn (1808), niên hiệu Gia Long thứ 9. Thuở nhỏ ngài “theo Nho học”, mãi đến năm 25 tuổi mới xuất gia tại chùa Phù Lãng, tức năm 1833, triều Minh Mạng thứ 14. Ngài xuất gia tu học với Tổ Thiên Đông Phổ Đăng (1807-1839)[7]. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ có ghi lại đoạn đối thoại, khi ngài lên Phù Lãng:

“Lúc đó, sĩ tử là Thông Duệ, nghe thầy đạo phong truyền rộng, muôn duyên cắt đoạn. Đến chùa Phù Lãng đẩnh lễ Tôn sư, nguyện bỏ duyên trần làm Phật chủng tử. Thầy hỏi: Con họ tên gì? Đáp: họ Trương tên Duệ, năm nay 25 tuổi. Thầy hỏi: con là kẻ sĩ, Nho Phật vốn không cùng đường, nay bỏ Nho theo Phật, làm Phật tử chăng? Trả lời: trời người muôn pháp, chẳng phải Phật thì không thể thông suốt, vậy, bỏ nhà ra tục, nguyện thầy thương xót tế độ. Thầy nói, con nhập chúng đi”.

Từ đó, ngài chăm chỉ học tập và chấp lao phục dịch. Năm Ất Mùi (1835) Minh Mạng thứ 16, ngài đến kinh thành dự khóa khảo thí do Bộ Lễ tổ chức. Ngài được đậu hạng bình. Miễn tăng thuế chỉ lập năm Ất Mùi Minh Mệnh thứ 16 (1835) cho biết, chư Tăng các tỉnh vân tập về kinh để khảo hạch, chọn được 12 vị hạng sảo thông cấp cho mỗi vị 5 lạng, hạng tô thông 38 vị cấp cho 3 lạng, ở trai đàn chùa Thiên Mụ được ban giới đao độ điệp. Ngài thuộc trong số 38 vị hạng tô thông mà bia “Phúc Long Hòa thượng sắc mệnh” ghi là hạng bình. Lần này chỉ lấy 50 vị được ban giới đao độ điệp. Sự kiện này làm vinh quang cho cả sơn môn cũng như thầy trò Phù Lãng. Theo lời sư trụ trì hiện nay, khi về Bắc Ninh, chỉ có dân Phù Lãng trung ra nghênh đón, nên ngài về trụ trì chùa Phúc Long trong làng. 

Đến năm Kỷ Hợi (1839) Minh Mạng thứ 20, bổn sư Thiên Đông viên tịch, ngài được chọn kế thế trụ trì chùa Phù Lãng (Vĩnh Phúc thiền tự). Ngài kiêm quản hai ngôi chùa, có vị trí gần nhau. Các tư liệu không ghi quá trình tu bổ, trùng tu chùa. Mỗi năm vào mùa hạ an cư, Tăng chúng vân tập về hơn 100 vị. Nói thế để biết Phúc Long đương thời là một trường hạ lớn của cả vùng. Với sự uyên thâm Phật Pháp, nhiều vị đã đến tham học với ngài. Trong bài dẫn cuốn Giới đàn tăng, Thiền sư Phổ Tiến Thanh Lịch (1825-1885) từng đến Phúc Long học luật Yết-ma Huyền ty sao. Thiền sư Từ Tuyên Phổ Sĩ, đệ tam tổ chùa Linh Quang (Bà Đá) nghe danh ngài “Đạo pháp hưng long, thiền gia lĩnh tụ” nên đến tham học 3 năm[8].

Bản in Thủy lục chư khoa vào năm Giáp ngọ Thành Thái 6 (1894), bài Thủy lục khoa nghi trùng san duyên khởi có nói đến bản in trước của chùa:

“Tổ sư Tuệ Chiêu, núi này vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840) nhận lời dặn dò mà khắc bản lưu truyền”[9]. Tổ sư Tuệ Chiêu xuất hiện năm 1840, chưa rõ tên hiệu của vị trụ trì nào của Phù Lãng. May nhờ tra vào sách Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, phần Bản quốc chư Tổ kế đăng có đoạn:

“Hòa thượng Mãn Giác Minh Lương khai sơn chùa Vĩnh Phúc trên núi Côn Cương, xã Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh. Truyền xuống đời thứ 6 là Thiền sư Tuệ Chiếu. Truyền xuống đời thứ 7 là Thiền sư Thiên Đông. Truyền xuống đời thứ 8 là Hòa thượng Thông Duệ, được ân tứ đao điệp”[10]. Như vậy, Tuệ Chiêu trong Thủy lục chư khoa chính là Tuệ Chiếu trong Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi. Do chữ “Chiếu” tỵ húy triều Nguyễn nên sách đổi Chiếu thành Chiêu. Đối chiếu với Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ thì Tuệ Chiếu đời thứ 6 Phù Lãng chính là ngài Tịch Thất, vị sư ông của ngài Thông Duệ. Đây là mạch dẫn truyền thừa sơn môn Phù Lãng, Bắc Ninh.

Năm Tự Đức thứ 2 (1848), dân làng Đức La sang Phù Lãng thỉnh ngài về trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Ngài đã giao việc trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho Trưởng tọa là Tâm Viên (1819-1889)[11], còn mình vẫn an trụ Phúc Long.

Vào năm Đinh Tỵ (1857), ngài phát tâm trùng san Tịnh độ chư kinh. Đây là ý định của ngài muốn khắc bản bộ tùng thư về Tịnh Độ tông. Bộ này thâu vào bốn đầu sách: Di Đà yếu giải, Di Đà sớ sao, Sự nghĩa vấn biện, Tây phương mỹ nhân truyện. Công việc mới dự kiến thì “Ta-bà báo mãn, Tịnh độ duyên thành”, tức ngài vội viên tịch vào giờ Mùi, ngày mồng 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1858). Trước khi viên tịch, ngài giao phó việc khắc kinh lại cho đệ tử Tâm Viên[12]. Đệ tử của ngài khá đông, và hiện nay chúng ta chỉ còn biết có hai vị. Đó là Trưởng tọa Tâm Viên (1819-1889)  trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và ngài Tâm Thoan kế nghiệp trụ trì chùa Phúc Long. Sau khi ngài viên tịch, môn nhân kiến tháp Kim Mã trong vườn chùa Phúc Long để phụng thờ.

Qua các tư liệu rời rạc, chúng ta đã phác họa được một vài nét hành trạng của Hòa thượng Thông Duệ. Đóng góp lớn của ngài là xây dựng đạo tràng, tiếp nhận đồ chúng, khai trường thuyết pháp, làm cho sơn môn Phù Lãng hưng thịnh, cũng như sự phát triển đạo Phật ở Bắc Ninh, đóng góp vào công cuộc hoằng truyền Phật Pháp ở nước ta thời Nguyễn. Ngài đã đào tạo nhiều học trò nổi tiếng như ngài Tâm Viên (chùa Vĩnh Nghiêm), Tâm Thoan (chùa Phúc Long); các vị đến cầu học như Hòa thượng Phổ Tiến (chùa Bổ Đà), Hòa thượng Phổ Sĩ (chùa Bà Đá). Các vị trên là những bậc luật sư nổi tiếng đương thời mà nay còn vang tiếng.

 


 

[1] Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ ghi truyền thừa chùa Vĩnh Phúc, Phù Lãng (Bắc Ninh), đời thứ nhất là Tổ sư Minh Lương Mãn Giác, đời thứ hai là Chân Nguyên Tổ sư, đời thứ ba là Như Nguyên Tổ sư, đời thứ tư là Tính Hiển Tổ sư, đời thứ năm là Hải Khâm Tổ sư, đời thứ sáu là Tịch Thất Tuệ Chiêu Đại sư, đời thứ bảy là Thiên Đông Phổ Đăng Đại sư và đời thứ tám là Hòa thượng Thông Duệ. Theo kệ phái thì từ ngài Tịch Thất truyền cho ngài Phổ Đăng, khuyết chữ “chiếu”, chưa rõ ngài Tịch Thất có hai pháp danh chăng? Nên ngài truyền xuống chữ “Phổ”. Hay đây là các đời trụ trì, chứ không phải truyền đăng? Chúng tôi tạm ghi thế thứ theo sách của Hòa thượng Phúc Điền.

[2] Hòa thượng Thích Thanh Từ soạn Thiền sư Việt Nam, chỉ đến Đại sư Thông Vinh. Ngài chỉ tham khảo sách Kế đăng lục, chứ còn nhiều bia tháp tổ ghi chép chư sư tại miền Bắc khá nhiều. Có dịp chúng tôi sẽ bổ sung những khoảng thiếu đó trong tập sách trên.

[3] Bối nhãn: sợ khắc nhầm của từ Bối diệp, chỉ lá bối, ghi chép kinh Phật.

[4] Tấm bia hiện được gắn tường sau tòa Tam bảo chùa Phúc Long. Chúng tôi sử dụng bản rập của mình. Tấm bia này có quá trình di chuyển. Năm 1949, chùa Phúc Long bị tàn phá, quý Hòa thượng trong sơn môn mới mang tấm bia này về chùa Kênh (Gia Bình). Khi chùa Phúc Long được trùng hưng, Hòa thượng Thanh Sam (chùa Đại Thành, Bắc Ninh) đã mang tấm bia về lại chùa.

[5] Kệ phái dòng Đột Không Trí Bản: “Trí tuệ thanh tịnh, đạo đức viên minh. Chân như tính hải, tịch chiếu phố thông”. Sau đó bài kệ được tục them: “Tâm nguyên quảng tục, bản giác xương long. Năng nhân thánh quả, thường diễn khoan hoằng. Duy truyền pháp ấn, chứng ngộ hội dung. Kiên trì giới hạnh, vĩnh thiệu tổ tông”. Tức kệ có tất cả 48 chữ. Chúng tôi ghi theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, Kiến tính thành PhậtNgũ gia yếu lược.

[6] Dựa theo Phúc Long tự cúng tổ khoa, bản chép lưu tại chùa Phúc Long.

[7] Thiên Đông Phổ Đăng (1807-1839): Theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ thì ngài thuộc đời thứ 7 sơn môn Vĩnh Phúc (Phù Lãng). Ngài họ Lê, quê xã Thiên Đông, Hà Nội. Năm 22 tuổi, ngài xuất gia với Tổ Tịch Thất, chùa Vĩnh Phúc. Ngài lại tham học với Hòa thượng Phúc Điền, chùa Đại Giác (Bắc Ninh). Sau khi bổn sư viên tịch, ngài kế nghiệp trụ trì chùa Vĩnh Phúc. Ngài viên tịch ngày 26 tháng 11 năm Kỷ Hợi, Minh Mạng thứ 20 (1839), thọ 32 tuổi. Đệ tử lập tháp Thiên Đông tại chùa phụng thờ.

[8] Theo “Lược soạn Linh Quang tự thiền phổ”, đệ tam tổ hành thuật nằm trong Linh Quang tự cúng Tổ sư khoa, bản chép năm Mậu Tuất (1958).

[9] Thủy lục chư khoa, quyển nhất, chùa Vĩnh Phúc tàng bản. Chúng tôi sử dụng bản sách chùa Ba Phong.

[10] Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, bản in năm Giáp Thìn, Thiệu Trị thứ 4 (1844), chùa Đại Giác, Bồ Sơn tàng bản, Tờ 113a. Chúng tôi sử dụng bản do Huệ Quang ấn ảnh năm 2018.

[11] Theo bia Đức La xã Vĩnh Nghiêm thiền tự lịch đại tu tác bi ký, do tiểu sĩ Thanh Hanh soạn năm Bảo Đại (1931).

[12] Năm Đinh Mão, ngài Tâm Viên mới tổ chức khắc bản và năm Quý Mão mới khắc xong. Ván được lưu giữ tại chùa Phúc Long, sau đó đem về tàng tại Vĩnh Nghiêm. Hiện nay, trong kho ván chùa Vĩnh Nghiêm có ba bộ: Di Đà sớ sao, Sự nghĩa vấn biện, Tây phương mỹ nhân truyện. Ván in cũng không còn đủ từng bộ.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác