Bàn về hai vấn đề trong Hộ pháp luận
ban ve ho phap
Bàn về hai vấn đề trong Hộ pháp luận
Thích Đồng Hạnh
Phật giáo khi truyền bá ở Trung Quốc đã gặp không ít sự chống đối của giới Nho
sĩ, nhất là những người có địa vị và học thức, trong số đó có thừa tướng triều
Tống Trương Thương Anh, một vị đại quan của triều
đình. Lúc đầu Trương Thương Anh muốn viết một bài luận để bày tỏ quan điểm không
thích đạo Phật của mình, nhưng sau đó, nhờ đọc kinh Duy Ma Cật, ông đã tỏ
ngộ được Chánh pháp và rồi trở thành một vị đại hộ pháp của Phật giáo vào thời
bấy giờ. Sau khi quy y Phật giáo, ông ra sức trùng hưng và bảo vệ Phật pháp như
xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, hộ trì Tăng Ni tu tập…, và nổi bật nhất là ông
đã viết một bài luận phản bác những quan điểm sai lầm của Nho sĩ về đạo Phật với
tiêu đề Hộ pháp luận.
Như tên gọi của nó, Hộ pháp luận là một bản luận mang mục đích hộ pháp và
“phá tà hiển chánh”. Phá tà ở đây là dùng những lập luận chuẩn xác, những
dẫn chứng cụ thể, thực tế để bác bỏ những thiên kiến, những quan điểm sai lầm,
những ngộ nhận về Phật giáo do chưa nghiên cứu thấu đáo, hay cố tình xuyên tạc
với mục đích phá hoại. Hiển chánh là minh định thật nghĩa và mở bày giá trị cao
quý của Phật pháp.
Có thể nói Hộ pháp luận của cư sĩ Vô Tận, hiệu
của thừa tướng Trương Thương Anh, đã tập trung phản biện 12 vấn đề sau:
1. Đạo Phật không thực tế.
2. Đạo Phật là tai họa lớn cho Trung Quốc.
3. Đạo Phật là giáo pháp của người man di; người theo đạo Phật bị giảm tuổi thọ.
4. Khi chưa có đạo Phật thì Kinh Thi, Kinh Thư, Thiên Nhã, Thiên Tụng
cũng mang lại hạnh phúc cho con người.
5. Đệ tử của Phật không cày bừa mà có ăn.
6. Đạo Phật trốn tránh cuộc đời, hủy hoại thân hình.
7. Vua Lương Võ Đế do vì thờ Phật mà bị mất nước.
8. Đệ tử Phật dùng điều tội phước, thần quái dọa người với mục đích vụ lợi.
9. Đạo Phật không làm gì được cho đời nên tự xưng là xuất thế.
10. Phật giáo có thuyết bảy hạt cơm biến khắp mười phương là không hợp lý.
11. Thiên đường chỉ là giả tạo, và địa ngục cũng chẳng thật có.
12. Theo Bắc truyền, Đức Phật khuyên mọi người không ăn thịt là không hợp lý.
Xoay quanh 12 vấn đề trọng tâm này, cư sĩ Vô Tận - bản thân là một quan lại
triều đình với trình độ tiến sĩ Nho học, lại ngộ Phật, thông Lão - đã so sánh,
phân tích, giảng giải, chứng minh với những viện dẫn, trích dẫn chương cú, điển
tích, điển cố của cả Thích, Nho và Lão; có khi tác giả dùng lời lẽ cứng rắn mạnh
mẽ, có khi lại nhu hòa thâm trầm, để bác bỏ những luận điểm sai lầm của các vị
Nho gia.
Trong bài viết này, người viết xin bàn về hai mục trong 12 vấn đề được nêu ra
trong Hộ pháp luận, đó là:
1. Các đệ tử Phật không cày bừa mà lại có ăn.
2. Các Tăng Ni là người trốn lánh cuộc đời, hủy hoại thân hình.
Nội dung thảo luận sẽ trích dẫn những quan điểm của tác giả trong bộ luận này
cộng với sự hiểu biết hạn hẹp của người viết để làm rõ hai vấn đề trên.
1.
Các Đệ tử Phật không cày bừa mà lại có ăn
Nguyên văn:
議者深嫉其徒不耕而食
(Nghị giả thâm tật kỳ đồ bất canh nhi thực. Tạm dịch: Người chê lại ghen ghét
sâu cay rằng đệ tử Phật không làm mà lại có ăn). Đây là một luận điểm then
chốt mà các tổ chức, cá nhân không thích Phật giáo thường vin vào để chống phá
Phật giáo. Bởi vì khi nhìn vào đời sống sinh hoạt của Tăng Ni, họ thấy rằng chư
Tăng Ni chẳng làm gì khác ngoài việc tu học trong nội viện và chẳng thấy làm gì
có ích cho đời. Đối với họ, người xuất gia theo Phật chẳng khác gì những kẻ chán
đời, chối bỏ trách nhiệm và vô tích sự. Ngày qua ngày không thấy cày cấy hay làm
gì mà vẫn cơm ngày ba bữa.
Phản bác luận điểm này, tác giả của Hộ pháp luận nói rằng “Người chê
có kiến thức thật nông cạn, biết một mà không biết mười”. Sau đó tác giả đã
đưa ra năm dẫn chứng, lý lẽ để chứng minh rằng không chỉ có Tăng Ni mà người thế
gian không phải ai ai cũng phải làm ruộng mới có ăn.
Thứ nhất, tác giả nêu ra dẫn chứng rằng có nhiều thành phần trong xã hội tuy
không làm ruộng cày cấy nhưng vẫn có ăn, do vì đặc thù công việc mà họ đảm
trách. Tùy theo nghề nghiệp khác nhau mà có những việc làm khác nhau. Có những
người tuy không trực tiếp làm ra lúa gạo nhưng vẫn đóng góp cho xã hội ở những
phương diện khác. Vì thế, không phải chỉ có người tu, mà có rất nhiều thành phần
khác trong xã hội không cày cấy mà vẫn có cơm ăn.
Thứ hai, tác giả đã nêu ra dẫn chứng rằng, trong đời sống thiền môn, Tăng Ni
không chỉ biết việc tu tâm dưỡng tánh mà còn biết công việc đồng áng. Cụ thể
Thiền sư Địa Tạng, Tổ Bách Trượng, Tổ Quy Sơn, Thiền sư Đoạn Tế, Thiền sư Động
Sơn Thông… đều có chung tông chỉ Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực (一日不作,
一日不食:
Một ngày không làm, một ngày không ăn).
Thứ ba, tác giá nói rằng, theo quy cũ thiền môn, người xuất gia đối với ba việc
ăn, mặc và ở cực kỳ đơn giản; mỗi ngày chỉ một bữa cháo, một bữa cơm; mặc áo
chắp vá chỉ để ngăn ngừa lạnh rét và trú nơi tòng lâm chỉ để nương tu học. Thêm
nữa, Tăng Ni là những người thường phải giữ gìn giới luật, thường tu định tuệ,
có khả năng bỏ những thứ mà người đời khó bỏ, làm những việc mà người đời khó
làm; xem phú quý như mây trôi nổi, coi sắc đẹp và danh vị như âm vang; cầu đạo
chỉ mong đại ngộ và thường làm việc cứu người.
Thứ tư, tác giả nêu lên sự việc rằng, không phải ai cày ruộng cũng có thóc gạo
để ăn, ví dụ như gặp những lúc hạn hán hay lũ lụt, mà năm nào cũng có, thì lúa
gạo thất thu. Tệ hơn nữa, không gặp thiên tai nhưng nếu lúa không trúng mùa,
trong mười phần thì hết hai ba phần lép, thì họ cũng thiếu trước hụt sau. Nông
dân làm việc cực khổ trên ruộng đồng, nhưng gặp những lúc như thế thì dù có cày
cấy nhưng vẫn thiếu lương thực để ăn.
Cuối cùng, tác giả nêu lên lý tưởng tu tập của người xuất gia theo Phật và với
sự tu tập của mình người tu hành có thể trả được tứ trọng ân: ân Tam bảo, ân
quốc gia, ân cha mẹ, và ân chúng sinh vạn loài. Ở đây các Tăng Ni là người giữ
gìn giới hạnh tinh nghiêm, chăm chỉ tu định tuệ, có thể từ bỏ được những thứ mà
người đời khó bỏ, có khả năng làm những việc mà người đời không thể làm, coi
giàu sang phú quý như mây nổi, sắc đẹp và danh vọng như âm vang, cầu đạo chỉ
mong đại ngộ và luôn nghĩ tới việc cứu giúp người. Tự
mình thực hành năm điều đạo đức và hiếu nghĩa;
đồng thời
dạy người thực hành như vậy. Bởi
vì tuân
theo lời Phật dạy,
xem
tất cả chúng sinh
từng là cha mẹ, người thân, họ hàng
của mình,
vì thế
họ
lấy tâm bình đẳng đối xử
với mọi người
và mong sao tất cả đều được an vui, hạnh phúc.
Với năm dẫn chứng vừa nêu, tác giả đã làm rõ sứ mệnh của người xuất gia là tự độ
và độ tha: chính bản thân phải nỗ lực tu hành đề đạt giác ngộ, sau đó đem Phật
pháp khuyên dạy mọi người tránh ác làm thiện. Với sứ
mệnh giữ rường mối đạo đức cao cả đó, người xuất gia xứng đáng thọ nhận sự cúng
dường và kính trọng của mọi người.
Trong kinh Cày ruộng,
một Bà-la-môn
đã nói với Đức
Phật rằng
Ngài
và đệ tử của
Ngài
không cày
cấy
mà vẫn có ăn. Đức
Phật
đã trả lời rằng
chính bản thân Ngài và các đệ tử của Ngài đều có cày cấy và xứng đáng được cúng
dường:
Lòng
tin là hạt giống/ Khổ hạnh là mưa móc/ Trí tuệ đối với Ta/ Là cày và ách mang/
Tàm quý là cán cày/ Ý căn là dây cột/ Chánh niệm đối với Ta/ Là lưỡi cày, gậy
đâm/ Thân hành được hộ trì/ Khẩu hành được hộ trì/ Đối với các món ăn/ Bụng Ta
dùng vừa phải/ Ta nhổ lên tà vạy/ Với chân lý sự thật/ Hoan hỷ trong Niết-bàn/
Là giải thoát của Ta/ Tinh tấn đối với Ta/ Là khả năng mang ách/ Đưa Ta tiến dần
đến/
An ổn khỏi ách nạn/ Đi đến, không trở lui/
Chỗ Ta đi, không sầu/ Như vậy, cày ruộng này/ Đưa đến quả bất tử/ Sau khi cày
cày này/ Mọi đau khổ được thoát.
Qua
lời dạy này, ta thấy
Tăng Ni là những người đang sống một đời sống cao đẹp bằng việc thực hành hạnh
thiểu dục tri túc với mục đích giải thoát và giác ngộ. Họ ngày đêm tinh tấn tu
hành, kiểm thúc thân tâm, giữ thân khẩu ý thanh tịnh, trau dồi giới định tuệ,
ngõ hầu giác ngộ cho mình và cho người. Tuy nhiên,
ở đâu
và thời nào
cũng vậy, tốt và xấu luôn
song song
tồn tại.
Không phải tất cả chư Tăng Ni đều tinh tấn trên con đường của mình.
Đâu đó vẫn còn những người
giãi đãi lười biếng, oai nghi thô tháo, hằng ngày không lo tu tập, để thời giờ
trôi qua vô ích. Tuy nhiên
không
nên
chỉ nhìn một vài trường hợp đó
rồi lại quy kết rằng tất cả Tăng Ni đều là những người không tốt.
2. Các Tăng Ni là người trốn lánh cuộc đời, hủy hoại thân hình
Nguyên văn: “或謂余曰。僧者毀形遁世之人。而子助之何多哉.”
(Hoặc
vị dư viết:
Tăng
giả hủy hình động thế chi nhân. Nhi tử trợ chi hà đa tai? Tạm dịch:
Có
người bảo tôi rằng,
Tăng sĩ Phật giáo là người trốn tránh cuộc đời, hủy hoại thân hình. Mà tại sao
ông (thừa tướng Trương Thương Anh) lại giúp đỡ họ nhiều thế?
Trong
Hiếu
kinh,
Đức
Khổng Tử nói rằng:
“子曰:夫孝,德之本也,教之所由生也。復坐,吾語汝。身體髮膚,受之父母,不敢毀傷,孝之始也;立身行道,揚名於后世,以顯父母,孝之終也。夫孝,始於事親,中於事君,終於立身。”
(Tử
viết: Phu hiếu, đức chi bổn dã,
giáo chi sở do sinh dã.
Phục tọa, ngô ngữ nhữ. Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương,
hiếu chi thủy dã;
lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế,
dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.
Phu hiếu, thủy ư sự thân,
trung ư sự quân, chung ư lập thân”.
Tạm dịch:
Đức
Khổng Tử dạy:
Hiếu là căn bản của Đức, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho
ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được
gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm
cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha
mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân).
Theo Khổng tử, thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh
ra
nên
không được
làm
hư hại,
đó
là
điểm
đầu tiên của chữ hiếu. Còn người xuất gia theo Phật thì phải “cạo
bỏ râu tóc”
để
“hủy
hình thủ chí tiết, cắt ái từ sở thân”.
Dựa
vào điều
này,
các
Nho
sĩ
đã ra
sức
công kích
Phật giáo,
cho rằng
người tu theo Phật là đại bất hiếu.
Họ nói rằng người xuất gia đã không làm tròn bổn phận của một con người theo Nho
giáo, bởi vì người xuất gia bỏ đi tam cương và ngũ thường, trốn lánh cuộc đời,
hủy hoại thân thể...
Với sự công kích đó,
cư sĩ
Vô Tận đã dùng lời lẽ rất nhẹ nhàng để
đáp trả. Ông
nói rằng, nếu nói rằng phụng dưỡng cha mẹ mới là có hiếu thì
mấy ai trên cuộc đời này làm tròn. Trong thực tế, có rất nhiều Nho gia phong lưu
tao nhã, ngày ngày chơi cờ đánh bạc, rượu chè say sưa, đam mê sắc đẹp, không
nghĩ đến việc làm ăn, làm cho cha mẹ lo buồn khổ sở, thì như vậy họ cũng bất
hiếu.
Tiếp theo, tác giả
Hộ pháp luận
nói, nhiều người tin rằng thần linh là có thật, vậy thì tại sao lại hoài nghi về
Đức Phật. Đức Phật đã nỗ lực tu hành, thành bậc đại giác, là đấng chí tôn, lời
Ngài dạy là chân lý, vậy hoài nghi về Ngài có hợp lý chăng. Cho
rằng không có
Phật là
tự dối mình dối người, thật đáng thương.
Tóm lại, bằng những lập luận của mình,
cư sĩ Vô Tận đã thể hiện được tinh thần của một vị đại hộ
pháp, hết lòng vì Phật pháp, ra sức bảo vệ Tăng Ni trước
sự công kích của những người chưa hiểu về đạo Phật.
Theo ông, nếu muốn công kích thì hãy tìm hiểu cho tận
tường rồi hãy bài xích cũng chưa muộn; chưa hiểu rõ mà đã
ra sức phản bác thì không đúng với
tinh thần của một Nho gia vậy.
Tài
liệu tham khảo
1.
Thích Đức Nghiệp (2007), Luận hộ pháp và Phật giáo với khoa học, NXB.Tôn
giáo, Hà Nội.
2.
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (1993), ĐTKVN, Tương ưng bộ I,
chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Cày ruộng, VNCPHVN.
3.
http://www.cohanvan.com/Tu-hoc/nang-cao/5---hieu-kinh/01
4.
Thích Thiện Siêu (2002), Cương yếu giới luật, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
5.
Tỳ-kheo Phước Nghĩa (Việt dịch) (2014), Quy Sơn cảnh sách, NXB.Hồng Đức,
Hà Nội.