Chữ hiếu trong vòng xoay luật pháp

chu hieu

Nguyên Cẩn

 

 

Khi luật pháp không thể bảo vệ chữ hiếu

Theo tin từ các báo, vào cuối tháng 3-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên bố không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Văn Phát, phường 9, thành phố Cà Mau. Cụ mong muốn lấy lại tài sản bằng cách khiếu kiện để hủy các hợp đồng tặng đất và nhà cho con. Khi bị tòa bác đơn, cụ Phát và người vợ tâm thần 90 tuổi thành người trắng tay. Cụ năm nay 94 tuổi. Khi gần tuổi 90, bắt đầu không thể tự chăm sóc, vợ chồng cụ gọi con gái là bà Nguyễn Thị T. đến ở cùng. Cuối năm 2016, vợ chồng cụ Phát ký hợp đồng tặng cho con gái toàn bộ tài sản của mình, bao gồm 685m2 đất và nhà cửa trên đất mà cụ đang ở. Bà T. đã hợp thức hóa cả nhà và đất dưới tên bà, xây thêm một căn cho thuê. Khi cho, cụ chỉ muốn con sẽ nuôi dưỡng vợ chồng cụ nhưng sau 3 năm, họ đã từ chối và trả lời rằng chưa bao giờ hứa sẽ nuôi hai cụ mãi mãi cho đến cuối đời (!).

Cụ trách tòa phúc thẩm vì tòa sơ thẩm họ xử cụ thắng nhưng tòa trả lời rằng họ căn cứ vào quy định pháp luật và không can thiệp vào chuyện gia đình của cụ Phát, dù hiểu vấn đề là hiện nay hai cụ sống thiếu sự chăm sóc của gia đình. Hai cụ phải tự lo, không đứa con nào chăm sóc. May nhờ một số người hàng xóm tốt bụng thỉnh thoảng chuẩn bị việc cơm nước cho hai cụ.

Một câu chuyện thứ hai được một trưởng phòng tín dụng một ngân hàng kể lại khi cô tiếp một gia đình gồm bà mẹ, con gái và con rể. Bà mẹ trình bày muốn thế chấp căn nhà mặt tiền ở quận 5, TP.HCM để vay 3 t đồng đưa cho vợ chồng con gái mở nhà hàng. Cô xem sổ hồng, chỉ có mình bà đứng tên. Bà cho biết chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất từ lúc chập chững biết đi đến giờ bằng tiền cho thuê phía trước của căn nhà này - tài sản duy nhất của bà. Nhưng khi cô hỏi về phương án kinh doanh thì người con rể huyên thuyên không chứng minh được sẽ kiếm số lợi nhuận đó bằng cách nào và việc sử dụng 3 tỷ đồng vào những việc gì...

Cô tế nhị mời bà mẹ vào bàn làm việc riêng, đề nghị bà không trực tiếp đứng tên vay mà chỉ bảo lãnh bằng tài sản là căn nhà cho vợ chồng người con gái đứng tên vay và họ phải có phương án kinh doanh cụ thể. Cô giải thích với bà rằng nếu vợ chồng con gái đứng tên vay, đến hạn trả không được nợ, dù có phải bán nhà trả nợ thay nhưng bà vẫn có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu vợ chồng con gái có nghĩa vụ trả lại tiền cho bà. Còn như bà đứng tên vay rồi lấy tiền đưa con rể, mà con rể không trả là coi như bà mất trắng căn nhà, và có thể mất luôn con gái, con rể, nếu cứ nằng nặc đòi nợ, mà tuổi này thì bà có thể làm gì khi tứ cố vô thân và mất nguồn thu độc nhất từ căn nhà. Bà mẹ ngồi im một lúc rồi nói để về suy nghĩ lại. Hai hôm sau, bà gọi điện cho cô, nghèn nghẹn kể rằng ngay khi bà mới ướm lời là chỉ bảo lãnh vay thì cả hai đã lớn tiếng phản đối. Con rể lớn giọng lên án bà là đồ tráo trở, lật lọng, còn con gái bà - đứa con mà hơn 20 năm qua bà nuôi và thương yêu rất mực lại hùa với chồng. Bà cảm ơn cô đã giúp bà có cơ hội “sáng mắt” và cho biết sẽ không làm gì nữa, khi thấy trước cái viễn cảnh không mấy sáng sủa. Cô kể làm ngân hàng, tối kỵ nhất là chuyện “xiết nhà” khi con nợ không trả được tiền, có gì đó bất nhẫn và thất đức, có thể gây nên một thảm cảnh gia đình - nhất là trong thời buổi chữ hiếu ngày nay xuất hiện nhiều toan tính khiến các bậc làm cha làm mẹ phải gặp thảm cảnh ở cái tuổi ngày gần đất xa trời...

Như vậy thì luật pháp chỉ có thể bảo vệ chữ hiếu nếu nó vận hành theo “luật”, còn khi không theo luật thì chữ hiếu đành thua vậy.

Nguồn cơn của những toan tính, vận dụng luật pháp để “gài cha mẹ vào hoàn cảnh trắng tay hiện nay thì nhiều, kể cả những trường hợp ngược đãi, xúc phạm thân thể, nhất là khi luật hóa chữ hiếu còn ở dạng “có nhưng không ai áp dụng và nước mắt luôn chảy xuôi, mấy ai kiện con cái vì tội bất hiếu bao giờ!

Trở lại vấn đề luật hóa chữ hiếu?

Cách đây mấy năm, cũng trên Nguyệt san Giác Ngộ, chúng tôi có nói sơ qua về chuyện luật hóa chữ hiếu nhân câu chuyện một số con cái đánh đập, giam giữ cha mẹ mình mà báo chí nêu lên lúc đó. Năm nay nếu lên mạng tra Google từ “ngược đãi hay đánh đập cha mẹ”, chúng ta sẽ thấy hàng loạt vụ việc Thiết tưởng cần nhắc lại một chút về bài viết năm đó. Singapore có thể nói là nước đầu tiên trên thế giới lập pháp về đạo hiếu. Từ năm 1995, Quốc hội Singapore thông qua Nghị định Phụng dưỡng cha mẹ buộc con cái phải làm tròn đạo hiếu, quy định nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ có thể kiện con cái bất hiếu lên tòa án, đòi tiền phụng dưỡng, v.v. Thiết thực hơn, Singapore đã khởi công xây dựng khu chung cư người cao tuổi, viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người cao tuổi ban ngày ở rất nhiều tiểu khu. Mục đích của nó thuận lợi cho lớp trẻ chăm sóc người già ở gần nhà, tiện cho những gia đình ở gần hoặc ở chung với người già.

Còn tại Trung Quốc, Luật Đảm bảo quyền lợi Người cao tuổi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới sửa đổi bắt đầu được thực thi kể từ ngày 1-7-2009. Trong đó quy định “Thành viên gia đình không ở chung với người cao tuổi, cần thường xuyên về thăm hoặc hỏi thăm người cao tuổi” đã làm dấy lên những hoài nghi về sự thực thi. Còn chúng ta hiện nay thì sao? Luật ghi rằng: Chữ hiếu luôn có vai trò quan trọng với mỗi người Việt Nam. Theo đó, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ được quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, con cái có:

- Bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

- Nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật…

Con cái bất hiếu với cha mẹ bị phạt thế nào?

- Đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở, nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách… Có hành vi bạo lực như đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần, tùy từng hành vi, tính chất mà những người con bất hiếu có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bị xử phạt hành chính đến 2 triệu đồng, trong đó:

 - Đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu (!).

- Hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1,5 triệu đến 2 triệu.

- Từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng.

Còn ngoài ra nếu gây thương tích thì phải chịu trách nhiệm hình sự, cao nhất là 5 năm tù.  Riêng “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 02 năm tù giam.” (Chúng tôi thấy điều này không khả thi vì chưa thấy đứa con nào bị bỏ tù về chuyện này?)

Vậy ngày xưa, thời phong kiến, tội bất hiếu xử ra sao? Luật Hồng Đức đã từng quy định bất hiếu là một tội trong “thập ác” (mười tội ác).

Chúng ta chợt nhớ câu chuyện được kể: “Vào thời vua Minh Mạng, có hai cha con kia nhà ở gần nhau. Cha thì nghèo, mà con thì rất giàu. Đêm khuya nọ, cha lén sang nhà con xúc trộm gạo. Con thức giấc tưởng là kẻ trộm, vội vác gậy đánh ở đằng sau lưng, khổ thay, cha ngã lăn ra chết. Lúc đó con mới nhận biết là cha mình. Các quan chức làng, xã, huyện đều xử là 'ngộ sát'. Vụ án được xét là ổn và gi tường trình về kinh đô Huế.

Khi vua Minh Mạng duyệt đến vụ này, ông bỏ ra cả một đêm đọc đi, xem lại và cuối cùng vua bác bỏ bản án, buộc xử lại và truyền lệnh tử hình người con.

Vua Minh Mạng phân tích rằng: Không phải chỉ xét việc giết người, mà phải xét việc ăn trộm. Tại sao người cha phải đi ăn trộm? Lại là ăn trộm của con? Một người con giàu có, mà để cho cha mình đói khổ đến nỗi đêm hôm sang nhà con ăn trộm gạo, thế thì người con đó là gì? Có đáng là con không? Tội 'bất hiếu' như thế thật đáng phải chết. Trước khi đã giết lầm cha bằng gậy, thì đứa con đã để cha chết nhục và chết đói rồi. (Nguồn: Tinh hoa TV)

Như vậy, vua Minh mạng đã xử theo lăng kính chữ hiếu”, chứ như ngày nay xét khung hình phạt ngộ sát thì không thể tử hình được.

Suy cho cùng, những đứa con toan tính chiếm đoạt tài sản cha mẹ, khước từ nghĩa vụ nuôi cha mẹ thì đều được xem như bất hiều.

Luật hóa là đủ chưa?

Chúng tôi đã từng viết, “Luật hóa chỉ là giải pháp sau cùng khi chúng ta không có phương pháp nào  hiệu quả hơn. Đó chính là giáo dục về giá trị gia đình, về tình yêu cha mẹ ngay từ khi còn bé, bất kể không gian là tại Việt Nam hay ở đâu đi nữa vì nhiều bậc cha mẹ ra nước ngoài đã vô cùng thất vọng khi bị con cái bỏ bê, bạc đãi dù đã tốn rất nhiều tiền đầu tư cho chúng đi nước ngoài ăn học, thậm chí bán nhà ở Việt Nam gửi tiền cho chúng mua nhà ở nước ngoài. Phải giáo dục lòng hiếu thảo khi chúng còn là trẻ em, là tờ giấy trắng cho chúng ta truyền thụ những gì chúng ta muốn. Về mặt xã hội, học đường phải nơi những điều thiêng liêng cần được truyền tải, không chỉ qua những bài học trên lớp, mà còn qua sinh hoạt ngoại khóa. Bên cạnh, cần nêu cao giá trị của những ngày lễ như: Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, Đại lễ Vu lan…

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: Không một ai sinh ra mà không cần tình thương… Con người không phải chỉ thuần thể xác, mà tinh thần có vai trò chủ động trong việc cảm nhận cái đẹp, cái quý giá, làm cho chúng ta có thể thương yêu...”. Bởi vì trong tâm khảm mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu”.

Cha mẹ con cái là những mối quan hệ gần gũi nhất nên hơn ai hết cần phải kết nối truyền thông. Kẻ có lòng hiếu thảo không bao giờ để cha mẹ lo toan, buồn bực vì mình, dù ở tuổi nào đi nữa. Việc chiếm đoạt tài sản của người khác đã là không đúng, huống chi chiếm đoạt tài sản của cha mẹ mình. Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: …Trong máu huyết của ta có máu huyết của cha mẹ… Trong khổ đau của ta có khổ đau của cha mẹ, tổ tiên ta Nếu ta hiểu biết và chuyển hóa những khổ đau của cha mẹ tổ tiên thì chúng ta chữa trị cho cha mẹ tổ tiên và đng thời cũng chữa trị cho chính ta… Hiểu thấu khổ đau đưa đến từ bi. Thương yêu sẽ phát hiện và lập tức ta bớt khổ. Chỉ khi ta đã hiểu rõ khổ đau và gốc rễ khổ đau thì ta mới truyền thông với người khác và giúp họ bớt khổ”. Khi ta truyền thông với chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Hiếu là kết nối truyền thông và yêu thương. Từ (metta) có gốc từ ngữ căn mida là làm cho dịu, thương yêu, chính là sự mong ước, khẩn nguyện cho hết thảy chúng sinh an lành. Metta bao trùm toàn thể chúng sinh không trừ một ai. Cùng tột của metta là sự thể nhập bản ngã với tất cả chúng sinh (sabbatthta). Bi (karuna), từ ngữ căn kar (làm) + una là cái làm cho tâm sở người thiện thêm rung động trước sự đau khổ của chúng sinh; cái làm tiêu tan sự đau khổ của chúng sinh. Đặc tính của karuna là thương xót trước sự đau khổ của người khác, cầu mong diệt trừ sự đau khổ của người khác. Cả từ và bi đều đi chung với chữ citta: tâm, sự hiểu biết. Đối tượng của tâm “Từ” là chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính; còn đối tượng của tâm “Bi” là chúng sinh đang bị đau khổ. Đạo hiếu suy cho cùng gốc rễ chính là lòng từ bi. Chúng ta hiểu rằng thương yêu chính mình và cha mẹ mình là nền tảng của từ bi. Đánh thức lòng hiếu thảo là đánh thức nhân nghĩa, đạo lý, lương tâm một con người.

Như vậy, bản chất của hiếu là từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất như Hiếu kinh đã dạy mà còn phải đánh thức Tứ vô lượng tâm trong cha mẹ nếu như ta không may làm con của những người thiếu đức.

Phật dạy,Này các Tỷ-kheo, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sáng vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu”. (Kinh Hiếu tử - Bản Việt dịch của HT.Thích Tâm Châu).

Khi những đứa con dùng luật pháp để lừa gạt hay “cưỡng chế cha mẹ thì đạo đức bắt đầu suy đồi, lương tâm bại hoại. Hãy nhớ không chỉ có luật của con người mà còn có luật “nhân quả hay thiên lý được thực thi trong đời sống.

Lòng hiếu thảo chính là nền tảng đ cho một con người trở nên nhân nghĩa, và từ đó hành thiện, cư xử tốt với tha nhân, với xã hội, suy rộng ra trung thành với Tổ quốc. Đất nước không có những người con hiếu thảo thì lấy đâu ra những công dân trung thực? Một dân tộc muốn hùng mạnh thì phải có những con người trung hiếu, như vậy sức mạnh nội tại mới bền vững, nếu không cơ nghiệp cũng khó lâu dài. Chừng đó có hay không luật hiếu thì tự thân những người con ấy thấy cũng không cần, vì luật thực thi được hay không là do sự tỉnh giác nơi tâm hồn. Đã đến lúc cần đánh thức lương tâm mỗi con người và toàn xã hội .

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle