Tứ Đại Cao Tăng đời nhà Minh là ai?

tu dai

TỨ ĐẠI CAO TĂNG ĐỜI NHÀ MINH LÀ AI?

Hoa Phương Điền - Thích nữ Chơn Ngọc[1] dịch

 

Vào cuối thời nhà Minh, ở trong Phật giáo Trung Quốc xuất hiện bốn vị cao tăng nổi tiếng, đó là Liên Trì Chu Hoành, Tử Bách Chân Khả, Hám Sơn Đức Thanh và Ngẫu Ích Trí Húc.

Chu Hoành (1535-1615) họ Thẩm, tự là Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người Nhân Hòa (nay là Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang). Ông xuất thân trong gia đình có danh tiếng, từ nhỏ đã được học sách thánh hiền. Về sau khi cha mẹ, vợ con lần lượt qua đời liên tiếp trong bốn năm, ông đã xuất gia. Những năm cuối đời ông thường sống tại chùa Vân Thê, nên người đời thường gọi ông là Liên Trì Đại sư hoặc Vân Thê Đại sư.

Sau khi xuất gia, Chu Hoành vân du khắp nơi, như lên Ngũ Đài sơn, vào kinh đô, đã gặp rất nhiều vị Đại đức, như Biến Dung, Tiếu Nham…, nhờ đó học hỏi và tích lũy được rất nhiều điều lợi ích. Vào năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh thời vua Minh Mục Tông (1571), Chu Hoành ngao du đến Chiết Đông, nhìn thấy phong cảnh yên tĩnh ở Vân Thê, ông bèn lưu lại và lập thất tại đây. Về sau khi tín chúng ngày một đông, các đệ tử đã xây cho ông một ngôi chùa, chính là chùa Vân Cư. Hơn 40 năm hoằng pháp tại đây, Chu Hoành luôn đề xướng pháp môn niệm Phật, song song với việc tinh tấn thực hành thiền tập còn giảng dạy kinh luận. Vào thời Nam Bắc, việc tổ chức giới đàn bị ngăn cấm trong một thời gian dài, cho nên ông cho phép những người thọ giới tự chuẩn bị ba y rồi quỳ trước tượng Phật đảnh lễ cầu xin thọ giới.

Tư tưởng Phật giáo của Chu Hoành rất đa dạng và phong phú. Ông có những nghiên cứu sâu sắc và am tường về Tinh Độ tông, Hoa Nghiêm tông, Thiền Tông và Luật tông, v.v. Chính vì vậy, ông được phong là Tổ thứ 22 sau Khuê Phong của tông Hoa Nghiêm, đồng thời còn được tôn xưng là vị Tổ thứ 8 của Liên tông.

Mặc dù Chu Hoành nghiên cứu rất nhiều tông phái, nhưng tư tưởng của ông chung quy vẫn thiên về Tịnh độ. Ông nói: “Nếu người trì luật, luật do Phật chế, thì đó chính là niệm Phật. Nếu người đọc kinh, kinh do Phật thuyết, thì đó chính là niệm Phật. Nếu người tham thiền, thiền là Phật tâm, đó chính là niệm Phật.” Ông cũng cho rằng pháp môn Tịnh độ và tư tưởng của các tông phái khác của đạo Phật tất cả đều quy nhất, do đó song song với việc đề xướng niệm Phật, ông cũng rất xem trọng các giáo lý ở trong kinh điển. Pháp môn Tịnh độ do Chu Hoành đề xướng lấy việc “trì danh” làm trọng tâm. Ông cho rằng “Một khi nhất tâm trì danh hiệu Phật thì sẽ được sinh về thế giới Cực lạc, đây chính là cái gọi là càng đơn giản lại càng thâm huyền, con đường tắt trong rất nhiều con đường. Chu Hoành lấy sự nhiếp tâm làm con đường chính để học Phật. Niệm Phật là con đường tắt để học Phật. Ông đồng thời cũng lập ra các pháp môn phương tiện như “Niệm Phật môn”, “Chỉ quán môn”, “Tham thiền môn”, chủ trương “một câu niệm Phật được cả Chỉ và Quán”. Về mặt giáo lý ông đã nêu rõ sự thống nhất giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông. Bên cạnh, ông còn chia pháp môn niệm Phật ra làm bốn cách, gồm Trì danh niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật.

Chu Hoành chú trọng đến việc dung hòa Nho giáo và Phật giáo. Ông nói: “Mặc dù hai vị Thánh nhân của Nho giáo và Phật giáo luôn tìm cách lập ra những chủ trương riêng, nhưng không nên vì vậy mà tách bạch làm hai, càng không cần miễn cưỡng gán ghép. Vì sao ư? Vì Nho giáo chủ trương trị thế, còn Phật giáo chủ trương xuất thế.” Ngoài ra, Chu Hoành còn cần mẫn cống hiến cả đời mình cho Phật sự bằng con đường nghiên cứu và sáng tác. Ông đã để lại hơn 30 tác phẩm nổi tiếng, trong đó có thể kể đến: Bồ-tát giới sơ phát ẩn, Di Đà sớ sao, Thiền quán sách tấn, Cụ giới tiện mông, Thủy lục pháp hội nghi quỹ, Lăng nghiêm mô tượng ký, Trúc song tùy bút, Sơn phong tạp lục, Vân thê di cảo… Người đời sau soạn thành Vân Thê pháp vựng. Những đệ tử xuất gia nổi tiếng của ông gồm có: Quảng Ứng, Quảng Tâm, Đại Chân, Trọng Quang, Quảng Nhuận… Ngoài ra ông còn giảng dạy cho các nhân sĩ trong hàng quan lại và dân thường tin Phật.

Chân Khả (1543-1603), tự Đạt Quán, hiệu Tử Bách, người đời còn gọi ông là Tử Bác Tôn giả. Ông mang họ Thẩm, người Ngô Giang, Giang Tô; năm 17 tuổi xuất gia tại chùa Vân Nham ở Hổ Khưu, sau đó đóng cửa tu học; năm 20 tuổi được thọ cụ Túc giới và có nhiều nghiên cứu sâu rộng. Hành trạng to lớn nhất trong suốt cuộc đời của Chân Khả là khắc Phương sách tạng. Phương sách tạng chính là Kính sơn tạng hay Gia hưng tạng ở trong Đại tạng kinh mà người đời sau thường gọi. Các tạng kinh được khắc vào thời cổ đại của Trung Quốc thường được đóng theo cách chiết trang nên trọng lượng khá nặng không tiện cho việc lưu hành. Vì lý do này, với mục đích “tạo duyên khởi cho việc khắc kinh”, Chân Khả đã tiến hành phát động toàn xã hội cùng quyên góp tiền của và công sức để thay đổi cách đóng kinh tạng từ phạn giáp thành kiểu sách vuông. Việc khắc kinh được chính thức bắt đầu vào năm Vạn Lịch thứ 17 (năm 1589) tại Am Diệu Đức, Tử Hà Cốc, núi Ngũ Đài, Sơn Tây. Trải qua sự nỗ lực của nhiều thế hệ, cuối cùng đến năm Khang Hy thứ 15 (năm 1676) đời nhà Thanh, bản khắc đã được hoàn thành. Việc làm này của ông đã góp phần to lớn cho việc khắc in và lưu truyền Đại tạng kinh của Trung Quốc.

Ông là người đã đề xướng việc lễ bái thập phương tam thế nhất thiết chư Phật và giảng dạy các thể loại kinh điển... Ông luôn giữ thái độ hòa hợp với các tông phái Phật giáo. Vào cuối thời nhà Minh, hoạn quan lộng quyền, khiến người dân phải sống trong cảnh lầm than. Vào năm Vạn Lịch thứ 28, thái thú Nam Khang là Ngô Bảo Tú bị tống giam vì tội chống việc trưng thu thuế khai thác khoáng sản. Chân Khả nghe tin liền vội vàng vào kinh để nhờ người giúp đỡ, kết quả lại chọc giận bọn người có quyền thế, vì thế bị vu oan và tống giam. Năm Vạn Lịch thứ 31, ông qua đời trong ngục. Các môn đồ bèn đưa ông về an táng bên ngoài Chùa Từ Huệ ở phía Tây kinh thành, không lâu sau lại đưa về am Tịch Chiếu tại Dư Hàng Sơn, tỉnh Chiết Giang, sau đó lại được cải táng tại Văn Thù đài ở sau tháp Đại Huệ. Tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: 30 quyển Tử bách Tôn giả toàn tập, 4 quyển Tử bách Tôn giả biệt tập, và 1 quyển phụ lục.

Đức Thanh (1546-1623), tự là Trừng Ấn, hiệu Hám Sơn. Tục danh họ Thái, là người Toàn Tiêu, tỉnh An Huy. Từ nhỏ ông đã tin Phật, năm 19 tuổi xuất gia tại chùa Báo Ân ở Giang Ninh (nay là Nam Kinh). Ngoài việc tụng kinh niệm Phật, ông còn trau dồi thêm Kinh Dịch, Tứ thư và văn thơ thời xưa. Năm 1564, ông lên chùa Thê Hà ở Nhiếp Sơn để đảnh lễ Đại sư Vân Cốc - người tinh thông Hoa nghiêm kinh và chủ trương Thiền-Tịnh song tu. Sau khi đọc Trung phong quảng lục, ông đã hạ quyết tâm học thiền. Mùa đông cùng năm, ông thọ Cụ túc giới. Sau đó ông đảm nhiệm việc giảng dạy tại chùa Báo Ân ở Nam Kinh và chùa Kim Sơn ở Trấn Giang. Vạn Lịch nguyên niên (năm 1573), Đức Thanh vân du về phía Bắc để tham học. Khi đến Ngũ Đài sơn, nhìn thấy phong cảnh kỳ vĩ của Hám Sơn ở Bắc Đài, ông bèn lấy đó làm biệt hiệu. Sau này ông tiếp tục vân du đến nhiều nơi như Bắc Kinh, Tung Sơn, Lạc Dương..., rồi quay lại Ngũ Đài sơn tu thiền. Năm 1583, ông đến Lao Sơn tại Đông Hải để lập am tranh ẩn cư. Hoàng thái hậu sai sứ giả mang 3.000 lượng vàng đến cho ông lập am tu hành nhưng Đức Thanh kiên quyết từ chối, đề nghị dùng số tiền đó vào việc cứu tế cho dân bị nạn. Năm 1586, Thần Tông ban chỉ tặng 15 bộ Đại tạng kinh cho các chùa tại những ngọn núi nổi tiếng. Từ Thánh thái hậu còn đặc biệt tặng một bộ cho Lao Sơn, đồng thời còn quyên tiền của để xây dựng chùa Hải Ấn làm nơi phụng thờ kinh tạng.

Năm Vạn Lịch thứ 23, ông bị vu oan và bị giam cầm, sau đó bị đày đến Lôi Châu tại Quảng Đông. Khi ông đến Lôi Châu, lúc này nơi đây đang gặp hạn hán, người chết vô số, Đức Thanh bèn động viên mọi người cùng chung tay vào việc an táng cho những người đã khuất, còn lập trai đàn tế độ. Năm Vạn Lịch thứ 28, theo lời mời, ông đã đến Tào Khê để tiến hành trùng hưng Nam Hoa, ngôi chùa bị hoang phế từ lâu. Năm Vạn Lịch thứ 41, ông phụng lệnh đến chùa Vạn Linh tại Linh Hồ, Hoành Dương để chép kinh, giảng pháp, sau đó vân du đến những ngôi tự viên nổi tiếng tại các tỉnh Giang Tây, An Huy, Chiết Giang… Bên cạnh đó ông cũng có những buổi giảng pháp khi thuận duyên. Năm Thiên Khởi thứ 2 (năm 1622), ông quay về Tào Khê, và một năm sau ông nhập diệt tại chùa Nam Hoa. Năm Sùng Trinh thứ 13 (năm 1640), các đệ tử và tín đồ dùng vải lanh mịn tẩm vécni để bọc hài cốt của ông và đặt vào trong tháp, nay chính là tượng nhục thân của Hám Sơn được đặt tại chùa Nam Hoa.    

Cả cuộc đời Đức Thanh chú trọng vào việc tham thiền, và vì giúp cho chùa Nam Hoa thêm một lần nữa phồn vinh mà ông được người đời sau tôn xưng là vị Tổ sư Trung Hưng của Tào Khê. Ông tinh thông đủ loại kinh sách từ cổ đến kim, tuy nhiên không lập môn phái, và chủ trương rằng các tông phái đều ngang bằng với nhau. Ông kết hợp Thiền-Tịnh trong việc hành trì, dung hòa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, với quan niệm rằng “một khi chưa biết Xuân Thu sẽ không thể bước vào đời làm đạo; không tinh thông học thuyết của Lão, Trang thì sẽ không thể quên chuyện đời; không tham thiền sẽ không thể xuất thế”. Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: 121 quyển chú sơ kinh luận, như Quán Lăng già kinh ký, Hoa nghiêm kinh cương yếu, Đại thừa khởi tín luận sớ lược v.v., cùng 19 quyển chú giải ngoại điển và văn thơ. Tác phẩm của ông được người trong môn phái tập hợp lại thành Hám Sơn lão nhân mộng du tập và cho lưu hành.

Trí Húc (1599-1655) tự là Tố Hoa, hiệu Ngẫu Ích, cũng lấy hiệu là Bát Bất đạo nhân. Ông mang họ Chung, người huyện Ngô, tỉnh Giang Tô. Trí Húc từ nhỏ sùng bái đạo Nho, phản đối cách giảng dạy của đạo Phật và đạo Lão. Năm 17 tuổi, ông cảm ngộ sâu sắc sau khi đọc Tự tri lụcTrúc song tùy bút của Chu Hoành, từ đó một lòng hướng Phật, từ bỏ hoàn toàn những hành vi phỉ báng Phật trước đó. Năm 24 tuổi, ông đến Lô Sơn với mong muốn được gặp Đức Thanh, nào ngờ lúc này Đức Thanh đã nhận lời mời đến Tào Khê. Trí Húc bèn xuất gia theo đệ tử của Đức Thanh là Tuyết Lĩnh. Mùa hè và mùa thu năm đó, ông đến chùa Vân Thê tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang để nghe giảng về Thành duy thức luận, sau đó đến tu thiền tại Kính Sơn. Ngày 8 tháng Chạp năm sau, trước tháp của Chu Hoành, ông xin thọ Tứ phần giới. Năm 26 tuổi, ông một lần nữa ở trước tháp của Chu Hoành xin thọ Bồ-tát giới. Từ năm 27 tuổi, ông bắt đầu nghiên cứu sâu rộng về Luật tạng. Do cảm thấy giới luật Thiền tông thời bấy giờ còn lỏng lẻo nên ông quyết tâm hoằng dương luật học. Năm 32 tuổi, ông bắt đầu nghiên cứu sâu về các nghĩa lý của Thiên Đài. Năm 33 tuổi, ông đến Linh Phong (nay là huyện Hiếu Phong, tỉnh Chiết Giang), và hai năm sau thì cho xây chùa Tây Hồ. Về sau ông vân du khắp nơi, song song đó cũng không quên học hỏi, tuyên thuyết Phật pháp và giảng dạy. Năm Thuận Trị thứ 12 (năm 1655) đời nhà Thanh, ông viên tịch tại Linh Phong. Tháp của ông được lập bên phải đại điện của chùa Linh Phong. Người đời sau tôn xưng ông là Linh Phong Ngẫu Ích Đại sư.

Trí Húc kế thừa tư tưởng của Chân Khả, Chu Hoành và Đức Thanh v.v., với chủ trương thống nhất Nho giáo và Phật giáo. Về phương diên lý luận Phật giáo, ông đề xướng dung hòa giữa tánh và tướng, còn về phương diện thực tiễn tôn giáo thì chủ trương thống nhất ba học thuyết là thiền, giáo và luật, và cho rằng thiền chính là Phật tâm, giáo chính là lời Phật dạy, còn luật chính là hành động của Phật. Trong tác phẩm A Di Đà kinh yếu giải mà ông viết vào những năm cuối đời, Trí Húc luôn nhấn mạnh pháp môn trì danh niệm Phật. Ông cũng chủ trương rằng thiền, giáo và luật đều thuộc Tịnh độ. Sau này những người làm công việc thuyết giảng của Thiên Đài phần lớn đều căn cứ vào những kinh luận mà ông từng giảng giải, từ đó hình thành phái Linh Phong - một tông phái quy nạp giáo, quán và luật thuộc Tịnh độ và lưu truyền cho đến ngày nay. Từ đời nhà Thanh đến nay, Tịnh Độ tông tôn xưng ông là vị Tổ thứ 9. Ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, như Linh Phong tông luận thập quyển, A Di Đà kinh yếu giải, Lăng già kinh nghĩa sớ, Bát-nhã Tâm kinh lược giải, Pháp hoa kinh hội nghĩa, Phạm võng kinh hợp chú.

 


 

[1] Học viên cao học khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác