Quan điểm sáng tác của Thiền sư Trừng Thông Viên Thành

quan diem sang tac

QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC CỦA THIỀN SƯ TRỪNG THÔNG VIÊN THÀNH

Phan Thạnh

 

1.      Thiền sư Trừng Thông Viên Thành (1879-1928) tên thật là Công Tôn Hoài Trấp, thuộc phòng Định Viễn Quận Vương, chắt nội của vua Gia Long. Ngài xuất gia năm 16 tuổi với Thiền sư Viên Giác tại chùa Ba La Mật (Huế), được đặt pháp danh là Trừng Thông, pháp tự Viên Thành, thuộc đời thứ 8 dòng thiền Liễu Quán. Năm 1923, thiền sư lên chân núi Ngũ Phong khai sơn chùa Tra Am (Huế), thành lập đạo tràng, thâu nhận đệ tử, đào tạo Tăng tài. Một trong những đệ tử xuất gia nổi bật của Thiền sư Viên Thành là Hòa thượng Thích Trí Thủ. Thiền sư Viên Thành là thiền gia tiêu biểu của Phật giáo xứ Huế nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngài đã để lại tập Lược ước tùng sao với số lượng thơ văn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm rất phong phú, vừa thể hiện sự chứng ngộ vừa dùng làm phương tiện chuyển tại giáo lý Phật Đà, hóa độ tha nhân, qua đó cũng cho thấy quan niệm sáng tác thơ văn của thiền sư.

2.      Có một điều xảy ra thường xuyên trong nền văn học Phật giáo đó là khi đến cuối đời các thiền sư thường đem đốt bỏ sáng tác thơ văn, thi kệ của mình. Chính vì vậy mà văn học Phật giáo mất đi một lượng lớn tác phẩm của các thiền sư Tăng sĩ - lực lượng nòng cốt làm nên đặc trưng của văn học Phật giáo.

Xuất phát từ quan niệm ngôn ngữ hữu hạn, không thể diễn đạt được chân lý rốt ráo nên thiền học đề cao tuyệt đối phương pháp “dĩ tâm truyền tâm”. Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự”, không bám dính vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ được xem là phương tiện như thuyền qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng. Không dính mắc ở ngôn ngữ chính là bước ra khỏi thuyền để lên bờ, biết nhìn theo hướng ngón tay để thấy mặt trăng. Tuy nhiên, để cho chúng sinh rõ pháp tu giải thoát, văn điển Phật giáo thường dùng hình tượng để diễn đạt ý, qua đó chúng sinh tự chứng nghiệm.

3.      Ngôn ngữ văn tự là hữu hạn, không thể diễn tả hết hàm ý của chân lý giải thoát. Hơn nữa, vì sự chấp bám vào ngôn ngữ văn tự nên có khi khiến chúng sinh cố chấp vào giáo pháp như hình ảnh qua sông còn mang thuyền trên vai, thậm chí còn đi sai lệch chân lý Phật Đà. Thế kỷ XVII, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã đặt ra vấn đề chung trong việc dùng hay không sử dụng văn tự để trình bày sự chứng ngộ. Vì dùng ngôn ngữ văn tự thì bị vướng mắc, mà không dùng thì không thể diễn đạt chân lý nên thiền sư nói rằng:

“Nói có thành báng bổ

Nói không cũng chẳng xong

Vì kia đưa một nét

Trời hồng ló núi đông”[1].

Vì ngôn ngữ thuộc về hình tướng nên từ ý niệm trong kinh Kim cang, Thiền sư Viên Thành đã nhắc lại: “Nãi chí ngữ ngôn văn tự tận thuộc danh tướng, phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” ( [2]  - Cho đến ngôn ngữ văn tự đều thuộc về danh tướng, đã là danh tướng đều là hư vọng) [Đáp Trí sĩ Đào Trang Như Như đạo nhân - Nguyễn Văn Thoa dịch].

Sự chứng ngộ trong Thiền tông là sự xa rời các phương tiện, đạt ngộ các pháp trong thực tại đang là và hình ảnh “niêm hoa vi tiếu” trong pháp hội Linh Sơn trở thành biểu tượng phổ biến của việc nhận thức chân lý. Do vậy, việc dùng hình tượng văn học để chuyển tải ý niệm chân lý chính là cách để người tiếp nhận tự ngộ, chứng nhận thực tại các pháp. Để bàn về lẽ thiền ý, Thiền sư Viên Thành viết rằng:

 “Đạo tâm minh kính nhược cô huyền

Sương diệp hàn chung lạc mộ thiên

Thạch bất điểm đầu, long bất ngữ

Sơn Tăng lão khứ, lãn đàm thiền.”

.[3]

(Lòng đạo như gương sáng giữa trời

Sương chiều đẫm cỏ lạnh chuông rơi

Sơn Tăng già mất im rồng đá

Bàn lẽ thiền, không muốn cất lời) [Vũ Hoàng Chương dịch].

Đã là thiền thì không còn phải đa ngôn đa cú mà tự nhập thiền ý, tự ngộ Phật tánh. Thiền sư dùng từ “lãn” không phải chỉ sự lười biếng mà muốn nói rằng, thiền chính là sự giác tỉnh thực tại, là điều không thể diễn đạt bằng lời bàn luận suông. Nhắc đến chân lý, thiền sư than trong bài Thiên Hưng tự giáo thọ Hòa thượng bi minh:

“Phù, chân thật chi lý bất ly đương niệm dĩ khởi tối thượng thừa, bất ly văn tự dĩ thị giải thoát tướng, cứu cánh tắc vô nhất pháp chi khả thuyết, vô nhất tự dĩ dữ nhân” ( [4] - Ôi! Nghĩa lý chân thật chẳng lìa đương niệm để đạt tối thượng thừa, chẳng lìa văn tự để chỉ giải thoát tướng. Cuối cùng không một pháp nào có thể nói được, không một chữ gì để bảo cho ai) [Thiên Hưng tự giáo thọ Hòa thượng bi minh - Nguyễn Văn Thoa dịch].

Trong bài Trùng san Pháp bảo đàn kinh duyên khởi, Thiền sư Viên Thành đã giải nghi việc Lục tổ Huệ Năng không biết chữ mà vẫn chứng ngộ: “Thị dĩ bất thức văn tự, cái phá chúng sinh văn tự dã. Chính khủng học nhân bất liễu tự tâm, trệ tích nhi vong phản, cố thuyết chư Phật diệu lý phi quan văn tự” ( . [5] - Thị hiện là người không biết chữ, cốt để đả phá cái văn tự chướng của chúng sinh. Chính vì sợ kẻ cầu học không liễu ngộ tự tâm, chấp nê văn tự đến nỗi quên mất đường về, nên Tổ mới dạy rằng nghĩa lý huyền diệu của chư Phật không dính dấp vào đó) [Nguyễn Văn Thoa dịch].

4.      Văn chương là nghiệp đời trước còn sót lại. Thiền sư quan niệm viết thơ văn chẳng khác nào còn bị ràng buộc bởi chữ nghĩa, bởi danh sắc. Đối với thiền sư, mỗi lần tọa thiền mà viết được một câu thơ thì tự thẹn vì bản thân chưa dứt tiền nghiệp, lại thấy xấu hổ khi chưa sám hối cho trọn vẹn mà lại còn để thi thư gắn với đời tu hành: “Nạp vãng vãng tham thiền đắc cú lai, tọa tương ỷ ngữ điểm hương đài, tự hận kết tập vị trừ, vị năng sám tận” ( [6] - Thế nên mỗi lần tham thiền phát ra được câu gì hay, e không khỏi mắc phải tội ỷ ngữ, tự hận nghiệp chướng chưa trừ, chưa dễ một thời sám hối hết được) [Đáp Trí sĩ Đào Trang Như Như đạo nhân - Nguyễn Văn Thoa dịch].

Cũng với quan niệm văn thơ là nghiệp của đời trước nên khi nhận được bài thơ của Quýnh Hiên gửi tặng, thiền sư rất vui mừng, liền làm bài thơ để đáp lời. Với hành động này, thiền sư tự nhận với Thiền sư Giác Tiên rằng mình vẫn còn mang tiền nghiệp đối với văn thơ như chính Tổ Ca Diếp còn sót nghiệp thích ca múa: “Nhiên thiết tự tiếu, như Ca Diếp túc tập vị trừ, văn Càn Thát Bà cổ cầm, bất giác động thân khởi vũ, ha ha” ( [7] - Trộm nghĩ chẳng khác Ca Diếp chưa trừ sạch túc tập, nghe Càn Thát Bà đánh đàn liền lắc lư nhảy múa lên vậy, ha ha) [Ký đáp mỗ đạo khế - Nguyễn Văn Thoa dịch].

Văn chương là nghiệp, là sợi dây ràng buộc kẻ thi thư. Đây phải chăng là mạch nguồn quan niệm sáng tác của các thế hệ thi nhân. Riêng đối với các thế hệ thiền sư Việt Nam, thi thư chính là phương tiện để truyền tải Phật lý, chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh, cũng là hành trình tự ngộ của bản thân. Các thiền gia thi sĩ đã để lại muôn vàn lời diệu pháp bằng văn thơ và trở thành mạch nguồn chung xuyên suốt văn học Thiền tông Việt Nam qua các giai đoạn. Thiền sư Viên Thành là người tiếp nối mạch nguồn chuyển tải Phật lý bằng thơ văn và để lại những áng thơ tuyệt đẹp.

5.      Chính vì vậy mà khi Như Như đạo nhân viết thư ngỏ ý xin phép tuyển chọn thơ của Thiền sư Viên Thành in vào tập Lưỡng xuân sơn chí thì Thiền sư Viên Thành đã có thư trả lời thể hiện quan điểm của mình. Trong bài Đáp Trí sĩ Đào Trang Như Như đạo nhân, Thiền sư Viên Thành đã trả lời rằng: “Chí ư nạp chi thi nhược văn, ngẫu hữu sở tác, thí như nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn tuyệt di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm. Ký tùng không lai ưng hướng không khứ, vô sở chướng ngại túc hỹ” ( .. [8] - Riêng kẻ áo vải này ngẫu nhiên có làm văn thì cũng như nhạn liệng giữa trời trong, bóng chìm dưới đáy nước, nhạn không có ý để dấu ở lại, nước chẳng có lòng lưu bóng làm chi. Đã từ không mà đến cũng nên hướng không mà đi, miễn không chướng ngại là đủ) [Đáp Trí sĩ Đào Trang Như Như đạo nhân - Nguyễn Văn Thoa dịch].

Với lời lẽ khiêm tốn nhưng lại vô cùng sâu sắc, Thiền sư Viên Thành đã khéo léo từ chối việc in thơ vào tập Lưỡng Xuân sơn chí. Nhìn thấy rõ con đường trung đạo trong việc sử dụng ngôn ngữ, thiền sư đã không bị vướng vào ngôn ngữ nhị nguyên. Vì ngôn ngữ là danh tướng nên quan điểm của Thiền sư Viên Thành khi sáng tác thơ văn chẳng khác nào hình ảnh con chim nhạn bay giữa tầng không.

Khi người bạn là Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác đề nghị xin Thiền sư Viên Thành đề thơ cho bức bình phong sơn thủy, thiền sư đã nói rằng: “Tuy nhiên tuyết nê hồng trảo ký chứng tiền nhân, thủy nguyệt kính hoa thả tùy xứ hiện, diệc bất phương kỳ tức không tức sắc dã” ( [9] - Thế nhưng vết chân hồng trên tuyết đã chứng tiền nhân, trăng dưới nước, hoa trong gương tùy duyên tạm hiện, không ngại gì là không là sắc) [Thư phụng Binh bộ thị lang Tiêu Đẩu Nguyễn Hầu - Nguyễn Văn Thoa dịch].

6.      Vì không thể diễn Pháp rốt ráo bằng ngôn ngữ, không thể dùng hình tướng để chỉ chân như tột cùng nên im lặng vô thuyết chính là thuyết:

“Đoạn tục chung thanh hưởng họa đường

Thùy liêm bất ngữ tọa phần hương

Diêu tri ỷ các bồ đoàn thượng

Dỉ chứng Hoàng Mai đạo vị trường.”

.[10]

(Dứt mối chuông rền động họa đường

Thả mành ngồi lặng đốt tâm hương

Đã hay gác tía bồ đoàn tọa

Chứng được Hoàng Mai đạo vị trường) [Trí Thủ dịch].

Một tiếng chuông dứt đoạn hết lòng tục lụy, người hành giả ngồi để chứng sự thanh tịnh cũng là giây phút tự tỉnh giác chân lý. Trước thực tại đang là thì ngôn ngữ không còn ý nghĩa. Trăng không vì sông đục mà không hiện, không vì kẻ không ưa mà không chiếu sáng. Phật tính không vì hình tướng lớn nhỏ mà phân biệt khác nhau, không vì Nam Bắc mà chia ra cao thấp sang hèn. Thiền sư Viên Thành chủ trương bỏ hết những đối đãi nhị nguyên, vô phân biệt, bởi lẽ:

“Cao thấp trời chung một hạt mưa

Ra đời vô núi cũng duyên đưa.”[11]

Hay:

“Sông Hương bến Nghé tuy Nam Bắc

Ngọn nước Tào Khê tính vẫn chung.”[12]

Khi không còn phân biệt bỉ thử, Nam Bắc thì hạt mưa ở đâu cũng thế, dòng đục dòng trong thì ánh trăng vẫn chiếu và có dấn thân nhập thế hay ẩn cư nơi sơn cùng thủy tận thì vẫn giải thoát, an tịnh. Khi nhắc đến căn nguyên của thiền, Thiền sư Viên Thành đã khẳng khái:

“Tham thiền trực hạ liễu căn nguyên

Thánh giải phàm tình lưỡng bất tồn

Đại đạo khởi tùng tâm ngoại đắc

Yếu giao nhất niệm tuyệt phan viên.”

[13]

(Tham thiền hiểu thẳng hết nguồn cơn

Thánh giải phàm tình thảy chẳng còn

Đạo cả xa tâm tìm chẳng được

Cố sao một niệm giữ cho tròn) [Nguyễn Văn Thoa dịch].

Giữ niệm thanh tịnh, vượt qua những phân biệt của tâm để nhận diện phàm thánh vốn dĩ là một, động tĩnh đều ở trong nhau. Trong bài kệ phú pháp cho đệ tử, thiền sư dạy rằng:

“Vật ngã nguyên phi dị

Sâm la cảnh tượng đồng

Tâm đăng chiếu vô tận

Động tĩnh thể viên dung.”

.[14]

(Vật, ta vốn không khác

Cảnh tượng thảy giống nhau

Đèn tâm chiếu khắp cõi

Động tĩnh ở trong nhau).

Thấy được tính đồng của vạn pháp sẽ không còn cái nhìn thiên lệch về cuộc sống. Mặc dù Thiền sư Viên Thành chủ trương vượt qua ngôn ngữ nhưng thiền sư vẫn chỉ rõ cho chúng sinh thấy dụng tính của ngôn ngữ. Trong nhiều bài, thiền sư đã nói rõ ngôn ngữ chính là phương tiện để giúp chúng sinh đi đến cứu cánh. Khi chứng nhập Phật tính thì ngôn ngữ là phương tiện để hóa độ tha nhân. Một mặt chủ trương không bám víu văn tự một mặt xem đó là phương tiện, qua đó cho thấy tính biện chứng trong quan niệm sử dụng ngôn ngữ của Thiền sư Viên Thành. Trong bài Hiệp tá đại học sĩ sung cơ mật viện đại thần quản lãnh Hộ bộ Nguyễn Khoa tướng công kỵ nhất phẩm phu nhân Phạm Thị Hợp khoảng chí minh, thiền sư nêu rõ: “Tri gia tính không, dĩ pháp tự ngu, vĩnh ly tham trước, thử toàn Sắc nhi nhập Không dã. […] Sở vị tuy tri nhất thiết pháp không nhi bất thủ đoạn diệt tướng, thử toàn Không nhi nhập Sắc dã. Hội vạn pháp quy ư tự kỷ, thế, xuất thế gian, viên dung vô ngại, thử toàn Không Sắc lưỡng đồ nhi nhập trung đạo thật tướng dã.” ( […] . [15] - Hiểu tất cả đều không, nên lấy pháp làm vui, xa lìa tham trước, ấy là chuyển từ Sắc vào Không […] Tuy hiểu tất cả đều không nhưng không nên sớm dứt bỏ, ấy là chuyển từ Không vào Sắc. Hội vạn pháp vào hết trong mình, thế gian hay xuất thế gian, đều viên dung vô ngại, ấy là chuyển cả Sắc Không hai lẽ vào thật tướng của trung đạo vậy) [Nguyễn Văn Thoa dịch].

7.      Có thể thấy rằng, Thiền sư Trừng Thông Viên Thành là một trong rất ít các thiền gia phát biểu quan niệm sáng tác thơ văn của văn học Phật giáo Việt Nam. Từ quan niệm viết thơ văn là do tiền nghiệp còn sót lại nên chẳng lấy gì làm thích thú cho đến việc có làm được câu thơ bài văn nào thì cũng giống như việc nhạn bay qua mặt nước, chẳng hề mong lưu dấu tích, cho thấy sự khiêm cung của thiền sư. Thiền sư đã ngộ yếu chỉ thiền, thể nhập Phật tính, dứt bỏ vọng tướng của ngôn ngữ nhưng lại khéo léo dùng phương tiện để giúp chúng sinh thoát khỏi ràng buộc, và đến cuối cùng là dung nhập Sắc Không vào lộ trình trung đạo. Với quan điểm sáng tác của mình, thiền sư đã khéo léo vận dụng ngôn ngữ, hình tượng để chuyển tải giáo lý Phật đà nhằm giúp cho tha nhân liễu ngộ chân tánh, giải thoát Niết-bàn. Có thể nói rằng, Thiền sư Trừng Thông Viên Thành đã dung hợp uyển chuyển Thiền và Thi tạo nên nét đặc sắc triết lý và thơ văn trong trước tác của mình.

Tra Am, 2021.


 

[1] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng tập 1, NXB.Hồng Đức, tr.247.

[2] Lược Ước tùng sao, Bản chữ Hán lưu tại tổ đình Tra Am - Huế, tr.10.

[3] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.116.

[4] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.170.

[5] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.34.

[6] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.10.

[7] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.13.

[8] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.11.

[9] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.38.

[10] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.48.

[11] Nguyễn Văn Thoa (1972), Tra Am và Sư Viên Thành, Môn đồ Ba La và Tra Am ấn hành, tr.258.

[12] Nguyễn Văn Thoa (1972), Sđd, tr.258.

[13] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.48.

[14] Chánh pháp nhãn tạng - Kệ Phú pháp cho đệ tử Trí Hiển, bản chữ Hán viết trên lụa lưu tại Tổ đình Tra Am - Huế.

[15] Lược Ước tùng sao, Sđd., tr.176.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác