Hối hận không kịp

hoi han khong kip

Hối hận không kịp

 

TRƯƠNG BỒI CANH - NHÃ TUỆ dịch

 

Chớ cho rằng việc thiện nhỏ thì không cần làm, chớ nghĩ rằng làm việc ác nhỏ thì không sao.

Nói một cách dễ hiểu rằng trong tâm của mỗi người đều tồn tại một vị Thượng đế nhân từ, và cũng tồn tại một con quỷ gian ác; hay nói cách khác, trong tâm con người vừa tràn đầy nhân tính hướng thiện, lại vừa ẩn náu ác niệm rục rịch manh động. Một người muốn loại bỏ những cám dỗ quyền lực danh vọng, không sa ngã, không đắm chìm, làm một người quân tử đường đường chính chính, thì nhất thiết phải luôn luôn tự soi xét bản thân.

Để rũ bỏ bụi bẩn, giữ sự thanh tịnh, dũng mãnh tinh tiến, tu thành chánh quả, Phật giáo có đề cập đến bốn phương pháp tu tập được gọi là Bốn chánh cần: “Đối với các thiện niệm chưa sinh, khởi lên ý muốn làm cho nó sinh khởi. Đối với các thiện niệm đã sinh, khởi lên ý muốn làm cho nó tăng trưởng. Đối với các ác niệm chưa sinh, khởi lên ý muốn không cho sinh khởi. Đối với các ác niệm đã sinh, khởi lên ý muốn đoạn tận”. Điều này làm tôi nhớ tới những điều Nho giáo từng nói: “Sợ không lập chí hướng, đặc biệt sợ chí hướng lập mà không cương quyết” (Chí hoạn bất lập, vưu hoạn bất kiên). Con người cần phải hướng thượng và hướng thiện, gạt bỏ chướng ngại, cự tuyệt dụ dỗ, ý chí kiên định không lay chuyển. Đây là điều kiện cần thiết.

Mùa xuân năm 1990, tôi đã leo hết ngọn Thái Sơn thuộc Đông Nhạc (tnh Sơn Đông), băng qua biên cương Lỗ Dự, đi qua Trịnh Châu và đến Đăng Phong, để leo lên ngọn Tung Sơn thuộc Trung Nhạc (tỉnh Hà Nam). Cùng đồng hành có một người bạn đến từ Thượng Hải, một anh hướng dẫn viên thuộc Cục quản lý Tung Sơn, và một người bạn đến từ Gia Đan, cộng thêm tôi là bốn người. Khi đi hết đoạn đường dốc đứng nguy hiểm cuối cùng, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi giữa con đường nằm giữa hai dãy núi Thái Thất Sơn và Triều Dương. Lúc ấy cuộn phim máy ảnh của tôi cũng vừa chụp hết. Sau khi thay lắp cuộn phim mới, tôi định nhét hộp nhựa đựng phim cũ và hộp giấy vào trong túi thì người bạn hỏi tôi:

- Cậu giữ hộp giấy lại làm vì vậy?

- Mang về bỏ vào thùng rác.

- Vứt luôn ở đây có khác gì đâu?

- Sợ là làm ô nhiễm môi trường.

- Chỉ là cái hộp giấy thôi mà!

Nghe theo lời cậu ấy, tôi vung tay phải lên, thế là cái hộp giấy theo gió bay xuống sườn núi. Ngay sau đó tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Lẽ ra với cơ hội này, tôi có thể thực hành công đức tâm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, lại còn có thể ảnh hưởng đến những người chung quanh, và những người này cũng có thể ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc. Đáng tiếc, vì ý chí nhất thời của tôi không kiên định, để rồi chạy theo xu hướng thế tục, khiến thiện niệm không thể trở thành hành động tốt mang lại lợi ích cho cuộc đời. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng giờ nhớ lại vẫn thấy hối hận vô cùng!

Người xưa nói: Chớ cho rằng việc thiện nhỏ thì không cần làm, chớ nghĩ rằng làm việc ác nhỏ thì không sao”. Hành thiện tạo ác, bất luận là nặng nhẹ lớn nhỏ, đều có nhân quả và ảnh hưởng tương ứng. Làm việc gì cũng không được qua loa đại khái, xem như việc bình thường.

Làm người thì hành vi cần phải chuẩn mực, hợp đạo đức, và cần phải cương quyết lựa chọn cái thiện, quyết đoán kịp thời. Gặp việc do dự không quyết, ý chí không kiên định, sau khi tuột mất cơ hội tốt thì lại tiếc nuối ray rứt, hối hận cũng không còn kịp nữa!

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn Hóa Chí Nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.162-164.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác