Màu Vu Lan giữa mùa đại dịch
vu lan a
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm.
Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ
giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp.
Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ
niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh.
Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo
hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
Thuở hoa niên trên quê hương chiến tranh, bài thơ Rằm
Tháng Bảy của Lê
Mộng Nguyên đã làm rung động tâm hồn non trẻ chúng tôi; thế nhưng
bây giờ nhớ lại những câu thuộc lòng tuy không trọn vẹn nhưng nỗi xúc động ngày
xưa vẫn còn nguyên vẹn:
Mỗi độ thu sang Rằm tháng bảy,
Chiều xa vang dội tiếng chuông chùa,
Nhắc Mục Kiền Liên con nhớ Mẹ ,
Mỗi một tâm hồn máu trẻ thơ…
Ngày xưa sống lại trong tâm trí,
Mường tượng hình ai lạnh võ vàng,
Khắc khoải chiều nay cơn gió tạt,
Lạnh mình em bé nhớ Vu Lan…
Đây bát cơm đầy nặng ước mong.
Mẹ ơi! Đây ngọc với đây lòng.
Đây tình còn đọng trong tha thiết,
Ân nghĩa sanh thành chưa trả xong…
Cũng như hầu hết tuổi trẻ Phật tử thế hệ Chiến tranh Việt Nam chúng tôi vẫn giữ
mãi trong tâm tưởng rằng Vu Lan là mùa Nhớ Mẹ, mùa Báo Hiếu đầy hương hoa. Thuở
ấy Vu Lan ở Huế có nắng mùa thu phai dìu dịu, có tiếng chuông chùa trầm lắng
vọng âm, có lời kinh báo ân thao thiết nao lòng… Nhưng mãi đến những năm sau
1963, mới có lệ bông hồng cài áo hân hoan và thổn thức trong mùa Vu Lan sau tập
bút ký ngắn đầy xúc động “ngọt ngào nước mắt” nhan đề Bông Hồng Cài Áo của Thầy
Nhất Hạnh ra đời vào năm 1962. Mùa hiếu đạo ấy tưởng như muôn đời không bao giờ
phai cũ bên hơi ấm mẹ hiền. Rồi lịch sử sang trang cùng với chiến tranh, hòa
bình, đổi đời, hội ngộ và chia ly đã không ngừng thách đố ấn tượng êm đềm và
thánh thiện của Vu Lan. Thách đố chiến tranh, tai trời ách nước có chăng cũng
chỉ làm cho “gió có to đèn đường vẫn sáng!”
Nhưng thách thức chưa từng có đã xảy ra năm ngoái (2020) và năm nay. Thế giới
con người và khoa học kỹ thuật thế kỷ 21 còn nghiêng đổ thì biết về đâu một lễ
hội tâm linh như Vu Lan?! Câu hỏi bình thường thành vấn nạn thời thế là liệu Vu
Lan có về được không giữa mùa đại địch Covid-19. Về! Chẳng phải là tổ chức được
hay không lễ hội ngày rằm tháng bảy. Về ở đây là liệu lòng người còn yên ắng hay
không để nhớ về hiếu hạnh khi cái chết vô hình đang vây bủa lấy thân phận con
người. Mỹ, Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đang có đầy rẫy những bà mẹ bị đày
đọa như Mục Liên Thanh Đề đang là “F0” (người thọ bệnh Covid) trong địa ngục A
Tỳ của dịch Covid. Biết bao đứa con hiếu thảo cũng đành thúc thủ buông xuôi tay
chờ chết! Tìm đâu ra phương tiện cứu mẹ như ngày xưa được nương nhờ hồng ân hiệp
lực mười phương của chư tăng?! Tính từ hôm nay thì còn đúng một tuần lễ nữa là
đến ngày Lễ Vu Lan. Các chùa Việt Nam ở Mỹ đều có chương trình cử hành Lễ Vu Lan
theo nghi thức truyền thống. Nhưng lương tri tự hỏi: “Trong cảnh dầu sôi lửa
bỏng giữa mùa đại dịch đang tàn phá tận gốc rễ của con người, Vu Lan năm nay sẽ
có gì khác hơn thời trước đại dịch?” Câu trả lời và thực tế diễn ra sẽ góp phần
định nghĩa cho Văn Hóa Phật Giáo trong tinh thần “Đạo Phật ra đời để cứu khổ
chúng sinh”.
Đại dịch Covid kéo dài hơn cả năm nay. Không đất nước nào thoát khỏi tình trạng
cù cưa thọ dịch và dập dịch tái đi tái lại như tội nghiệt và trò chơi sinh tử.
Các tôn giáo khác thường cung tay cầu nguyện và khi có ai chết vì dịch thì cứ
đơn giản gán cho cái “trách nhiệm vô trách nhiệm” là do đấng tối linh thần nào
đó… gọi về. Duy chỉ có đạo Phật là lý giải rạch ròi và khách quan hơn cả khi vận
dụng thuyết Nhân – Quả và lý Duyên – Nghiệp vào cái biển đời phức tạp có khi đến
độ nghịch lý nầy. Người ác bị nghiệp chướng dịch bệnh đánh ngã đã đành; nhưng
vẫn có bao nhiêu người tốt, người hay vẫn bị chết vì dịch; trong khi kẻ ác, kẻ
gian vẫn sống nhởn nhơ… là vì sao? Vào dịp Vu Lan, sau những màu hoa, màu áo,
lời hay, ý đẹp và lễ nghi… nhiều màu sắc, người học Phật thử lắng lòng nhìn thấu
lẽ thật của ngày lễ mang tính chất vừa thực tế vừa huyền thoại trọng đại thứ hai
trong năm của con nhà Phật theo tín lý Đại Thừa.
Tôn giả Mục Kiền Liên (568-484 Trước Công Nguyên) là biểu tượng của con người
hiện thực: Thiện duyên và ác nghiệp thường hằng nối gót bên mhau. Thánh giả Mục
Kiền Liên hưởng phước theo lòng hiếu thảo cùng lúc của người con đại hiếu hạnh
kiếp nầy hưởng phước; nhưng đồng thời cũng là đứa con đại bất hiếu kiếp trước
phải trả nghiệp trong kiếp nầy. Là một trong mười đại đệ tử của Phật với hiếu
hạnh tròn đầy: cứu Mẹ ra khỏi hỏa ngục, đắc quả A La Hán, có đệ nhất thần thông
ở kiếp nầy nhưng ngài Mục Kiền Liên vẫn chịu án quả báo của nhiều kiếp trước
trong tội cảnh là một đứa con bất hiếu! Mục Kiền Liên trước giờ nhập diệt chứng
quả A La Hán phải chịu cảnh bị bọn cướp phanh thây để trả nợ cho ác nghiệp đại
bất hiếu của mình trong một kiếp xa xưa đã nghe lời vợ ác xúi dục đem bỏ đói cha
mẹ của mình trong rừng sâu cho đến chết! Nghiệp có thể giải cho nhẹ bớt nhưng
trốn nghiệp hay xóa nghiệp thì… vô kế khả thi!
Bởi vậy, ý nghĩa hiện thực và thâm trầm nhất của ngày lễ Vu Lan là cưu mang và
hóa giải. Tuyệt đối không có luật miễn trừ khi con người đương nhiên phải đối
mặt với nghiệp quả thiện hay ác do chính mình tác tạo. Con người thường nhật và
bậc thánh tăng như Tôn giả Mục Kiền Liên – trước dòng đời xoay chuyển từ vô thủy
đến vô chung trùng trùng duyên nghiệp – đều đang chờ thọ nghiệp mà mình đã gieo
duyên; hái trái mà mình đã gieo trồng… Gieo gì gặt nấy, chẳng lầm mấy may:
Lưới trời lồng lộng thưa không lọt,
Nhân quả gieo trồng chẳng rủi may!
Gieo ân báo ân, gieo oán báo oán không phải là chuyện xa vời huyền thoại. Con số
hơn 200 triệu người bị lây nhiễm và hơn 4 triệu người đã chết và con số mỗi ngày
một tăng vì dịch Covid trên toàn thế giới tính đến ngày hôm nay chưa có đường
dừng lại. Không dựa trên nguyên lý Duyên Nghiệp để minh giải, con người sẽ hoang
mang và tuyệt vọng trước những cái chết của người thân vì dịch Covid nguyên
chủng hay biến thể.
Mùa Vu Lan hiếu hạnh – báo ân cha mẹ – là truyền thống lâu đời của người con
hiếu thảo nhưng làm sao tạo được một cơ hội chia sẻ, an ủi và liên tưởng đến mặt
phản diện của những đứa con bất hiếu chưa gặp duyên lành để biết ăn năn sám hối
trở về với cha mẹ. Dưới mái chùa, những người hưởng thiện nghiệp được đọc kinh,
nghe pháp, cài hoa và chia sẻ cảm xúc; trong lúc đó, ngoài cổng chùa bao kẻ điêu
linh không nơi nương tựa đang chịu nghiệp chướng nên bản thân mình còn bị quên
lãng; nói gì đến cha mẹ, tứ thân! Nhưng tự bản chất, đạo Phật là đạo cứu khổ.
Trong ngày đại lễ Vu Lan báo ân Cha Mẹ và cả Bốn Ân Lớn (tứ trọng ân) lẽ nào
quên đi những mảnh đời bất hạnh quanh ta. Ước mong trong một tương lai rất gần,
ngày Vu Lan không chỉ là dịp thường cúng cô hồn đã khuất vào buổi chiều mà cũng
là dịp tiếp trợ tinh thần và tâm linh cho những người cô độc đang sống.
Rồi sẽ đến thế hệ “hậu Covid”. Thuyền trưởng, thủy thủ, mái chèo và hành khách
thời trước và trong cơn bão sẽ đổi khác nhiều sau cơn đại cuồng phong về nếp
nghĩ cũng như về cách nhìn và điệu sống. Hiển nhiên, ngọn nguồn và sự lý giải về
Duyên Nghiệp của Phật lý và pháp sự vẫn không phai cũ với thời gian bởi tính
khách quan, công bằng và khoa học về cả Lý và Sự. Mùa Vu Lan năm nay bên cạnh
bông hồng đỏ, trắng của những đứa con ngoan còn mẹ hay mất mẹ cài lên áo; ước
mong rồi đến một năm nào đó rất gần như sang năm, sẽ có đóa hoa xanh, hoa tím…
thêm màu nở từ những cõi lòng thấm nước mắt của những đứa con chưa ngoan biết
hối cải, ăn năn trở về với Mẹ.
Sacramento, Cali – Mùa Vu Lan 2021
Trần Kiêm Đoàn