Như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ
nhu giot suong
NHƯ GIỌT SƯƠNG ĐỌNG TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ
1.
Hình ảnh trong đầu đề bài viết là lấy ý ở câu cuối trong bài kệ của Thiền sư Vạn
Hạnh (?-1025) đã đọc cho đồ đệ nghe trước phút ngài lâm chung (kệ Thị tịch):
示弟子
身如電影有還無,
萬木春榮秋又枯.
任運盛衰無怖畏,
盛衰如露草頭鋪.
Thị đệ tử
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Bảo các đồ đệ. Thân người ta như
bóng chớp, có rồi lại không/ Như cây cối mùa xuân thì tốt tươi, mùa thu thì khô
héo/ Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi/ Vì sự thịnh suy [cũng mong
manh] như giọt sương trên đầu ngọn cỏ).
Dịch thơ:
Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
(Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Mai
Lĩnh xb, HN, 1942)
2.
Hiện chưa rõ tên thật cùng năm sinh của Thiền sư Vạn Hạnh, còn họ thì sách
Thiền uyển tập anh ngữ lục chép là họ Nguyễn. Nhưng cần lưu ý là, từ sau khi
nhà Trần (1225-1400) thay thế nhà Lý (1009-1225), Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ
ra lệnh buộc những ai trong nước mang họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên không
rõ thiền sư gốc họ Lý hay họ Nguyễn (bởi có nhiều sách chép là Lý Vạn Hạnh, mà
theo thiển ý, có lẽ sư mang họ Lý thì đúng hơn). Chỉ biết, thiền sư người ở
hương Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), thuở nhỏ tinh thông Tam
giáo, say mê Phật học; xuất gia tu học tại chùa Lục Tổ, hương Dịch Bảng (nay là
Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đắc pháp với Thiền sư Thiền Ông, là
thế hệ thứ 12 được truyền thừa dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Nhờ chuyên trì pháp
môn Tổng trì tam ma địa mà sư có thể đoán biết trước nhiều việc, lời nào
sư nói ra, thiên hạ đều cho là sấm truyền. Chẳng hạn sử sách có ghi: chuyện sư
tiên đoán giặc Tống phải tan vỡ nội trong ba bảy ngày vào năm 981; chuyện vua Lê
muốn cất binh đi đánh Chiêm Thành vào năm Nhâm Ngọ, 982 (Thiên Phúc năm thứ 2)
nhưng còn do dự thì sư khuyên làm mau, đừng để mất cơ hội, quả nhiên năm ấy,
Chiêm Thành thua to; hay như chuyện nhà Lý sẽ thay nhà Lê vào năm 1009, v.v.
Dưới đời Tiền Lê (981-1009), thiền sư làm cố vấn triều đình, giúp vua trị nước
an dân, hiến kế chống giặc phương Bắc ngoại xâm, được vua Lê Đại Hành rất tôn
kính; sư lại là người có công đầu trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà
Lý, thay thế nhà Lê, sau khi bạo chúa Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) mất, vua Lý
Thái Tổ càng tôn kính, phong làm Quốc sư. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), thiền
sư viên tịch. Trước lúc lâm chung, thiền sư đã đọc bài kệ trên để dặn dò đệ tử.
Về thơ văn, ngoài bài kệ thị tịch, thiền sư còn có 4 bài nữa đều mang tính chất
những lời sấm và lời kệ và một đoạn khuyên Lý Công Uẩn lên ngôi, mà sử sách xưa
có chép như: Ký Đỗ Ngân, Khuyến Lý Công Uẩn, Quốc tự, Yết bảng thị chúng, Thị
đệ tử.
Nhân đây, xin được đính chính lại năm
viên tịch của Quốc sư Vạn Hạnh, bởi vấn đề này từ xưa đến nay sử sách đã nhầm
lẫn, ghi không nhất quán.
Sách
Thiền uyển tập anh ngữ lục
cả hai bản in đời Lê trung hưng và đời
Nguyễn thì chép: Ngày rằm tháng
5 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng thứ 9.
Chép như thế là nhầm, bởi Ứng Thiên là niên hiệu đời vua Lê Đại Hành từ
994 đến 1005 và Lê Ngoạ Triều từ 1005 đến 1007, chứ không có niên hiệu Thiên
Ứng. Nếu là niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 9 tức năm 1002, thì cũng không đúng,
bởi Vạn Hạnh không thể mất trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi (1009). Vì thế mà cụ
Trần Văn Giáp trong sách Le Bouddhisme en Annam, BEFEO XXXII, 1932
và trong Lược truyện các tác gia Việt Nam,
nghi ngờ sách in sai, nên đã sửa lại thành năm Thuận Thiên thứ 9
(1018). Từ đó về sau nhiều nhà nghiên cứu khi làm sách đều ghi theo ý kiến
của cụ Trần Văn Giáp, trong đó có Thơ văn Lý - Trần tập 1; bản dịch
Thiền uyển tập anh của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga.
Trong khi đó Đại Việt sử lược, một
cuốn sử viết vào đời Trần, khuyết danh, tại tờ 4a7 ghi: “Năm Ất Sửu hiệu
Thuận Thiên thứ 16, sư Vạn Hạnh hoá”,
mà năm Ất Sửu, Thuận Thiên thứ 16 là năm 1025; còn sách Đại Việt sử ký toàn
thư, bản kỷ, quyển 2, kỷ nhà Lý, tại tờ 10a3-4 thì ghi: “Ất Sửu, Thuận
Thiên năm thứ 16 (...) Sư Vạn Hạnh mất. Sư không có bệnh gì mà mất, người
bấy giờ bảo là hóa thân”.
Ở đây, chúng tôi ghi theo Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư.
Như vậy, Thiền sư Vạn Hạnh tịch ngày rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16, tức
năm 1025.
3.
Các bài kệ vốn thường không có đầu đề. Nhan đề của bài là do Lê Quý Đôn dựa vào
nội dung mà đặt đầu đề khi soạn bộ Toàn Việt thi lục. Từ đó về sau, khi
biên soạn hợp tuyển thơ văn, các nhà nghiên cứu đều ghi theo học giả họ Lê.
Bài kệ trên được viết theo thể thơ thất
ngôn tứ tuyệt Đường luật với niêm luật chặt chẽ. Hai câu đầu “Thân như điện
ảnh hữu hoàn vô, Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.” Với hình ảnh hiện dụ
theo lối so sánh bằng cách ví thân thể con người chẳng khác nào như bóng chớp,
có đó rồi tan biến đó; chẳng khác nào như cây cối mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu
thì khô héo.
Những hình ảnh dụ như trên được
các vị thiền sư sau này hay dùng nhằm mục đích gợi mở tâm thức cùng
phương pháp tu tập cho hành giả - người học đạo. Mà dụ là phương pháp mà
khi Đức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế Ngài thường dùng để giảng thuyết cho chư đệ
tử, bởi tư tưởng - giáo lý nhà Phật là giáo lý khế cơ, nên với việc sử
dụng hình thức dụ sẽ dễ dàng phù hợp với căn cơ trình độ của từng người,
ai cũng có thể hiểu được, nhận thức rồi vận dụng được với từng mức độ khác nhau.
Dụ/喻
(Thí dụ/譬喻)
là Hán dịch, còn Phạn
ngữ là Apadana (A-ba-đà-na). Đây là một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh này nêu
ra những thí dụ, nhờ chúng mà người học đạo, nghe kinh sẽ hiểu rõ ý nghĩa của
giáo lý - tư tưởng của kinh. Thí dụ chính là lấy cái pháp mình đã biết để
làm sáng tỏ cái pháp chưa được biết. Kinh Pháp hoa văn cú quyển thứ 5
giải thích như sau: “Thí là so sánh, dụ là nói cho hiểu rõ, bằng cách dựa vào
cái này để so sánh với cái kia, dùng cái nông cạn để nói cái sâu sắc… Chẳng hạn,
nói cây đang lay động để cho biết là có gió; làm quạt hình tròn để ví với mặt
trăng. Cho nên gọi là thí dụ”. Trong kinh văn nhà Phật, cụ thể là kinh
Niết-bàn quyển thứ 29 có chỉ ra 8 cách thức dụ (Thuận dụ, Nghịch dụ,
Hiện dụ, Phi dụ, Tiên dụ, Hậu dụ, Tiên hậu dụ, Biến dụ).
Hình ảnh trong bài kệ là hiện dụ. Bằng
biện pháp ví von so sánh sinh động, diễm lệ, giàu hình ảnh gần gũi đời sống,
Thiền sư Vạn Hạnh đã so sánh với kiếp người vô thường, có đó rồi mất đó.
Câu thơ đầu bàn về quy luật của kiếp
người: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, so sánh thân xác con người chẳng
khác nào ánh chớp, bóng hình, có đó rồi tan biến ngay, nó hiện hữu nhưng xét đến
cùng là không có thật.
Câu thứ hai bàn về quy luật tuần hoàn của
tự nhiên: Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô, mùa xuân thì cây cối tốt tươi,
mùa thu thì héo úa. Con người qua thời gian cũng vậy, khi còn trẻ thì dồi dào
sức sống, lúc về già thì tàn tạ, bởi bệnh tật ùa về.
Vấn đề mà thiền sư muốn trao truyền dặn
dò đồ đệ là cần nhận thức rõ cái quy luật tuần hoàn của cuộc đời, của sự sống,
tức nhận chân cái lẽ "nhậm vận thịnh suy" với một
thái độ bình thản, không sợ hãi trước quy luật tuần hoàn, biến thiên, vô thường
ấy. Bởi thịnh và suy của cuộc đời, của sự sống chẳng khác nào như giọt sương
đọng trên đầu ngọn cỏ. Giọt sương long lanh ấy thật mỹ lệ, nhất là lúc ánh nắng
ban mai chiếu vào nó càng lung linh hơn, nhưng một lúc sau khi nắng lên thì nó
tan biến ngay:
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Có lẽ khi thể hiện tư tưởng trên, vị Quốc
sư của vương triều nhà Lý đã triệt ngộ triết lý tính không của bài kệ trùng tụng
ngũ ngôn trong kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật (金剛般若波羅蜜經)
mà Đức Thế Tôn đã truyền giảng cho ngài Tu Bồ Đề và toàn thể đại chúng nghe
trong pháp hội:
一切有為法,
如夢幻泡影.
如露亦如電,
應作如是觀.
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
(Tất cả các hiện tượng trong thế giới
khách quan, như giấc mộng, như hình ảnh không có thật, như bóng nổi, như bóng
hình, như giọt sương, và cũng như ánh chớp, [các ông] nên quán tưởng như thế).
Bởi tất cả những gì có hình tướng đều là
hư ảo, là không có thật, như lời Đức Thế Tôn đã giảng trong kinh Kim cang
bát-nhã ba-la-mật: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng/凡所有相皆是虛妄
(Phàm cái gì có hình tướng, hết thảy đều không có thật). Cái hiện thực mà
bằng mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, tay chạm được, con người cứ tin là
chúng tồn tại, hiện hữu, có thực tướng, nhưng xét đến cùng, tất cả đều huyễn ảo,
bởi chúng không tồn tại vĩnh hằng, chúng không thường hằng bất biến, không có
thật như chúng ta đã thấy, mà tất cả đều phải theo quy luật “thành trụ hoại
diệt”, “sinh lão bệnh tử”; theo lý duyên sinh, duyên khởi. Nếu chúng ta nhận
chân cái lẽ: Sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không
bất dị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị - Có tức là không, không
tức là có; có chẳng khác không, không chẳng khác có (Bát-nhã Tâm kinh)
thì sẽ thanh thản chấp nhận cái quy luật vô thường này của tất cả hiện thực
trong thế giới khách quan, từ đó sẽ có thái độ “vô bố úy” (không sợ hãi) trước
hiện thực. Thái độ này là hai trong ba đức của nhà Phật: Trí và Dũng.
Từ nhận thức đó nên thiền sư mới khuyên
chúng đệ tử: Nhậm vận thịnh suy vô bố uý/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Hình ảnh so sánh ví von ở câu kết thúc (câu hợp) của bài kệ thật lung linh, diễm
lệ, đậm chất văn chương. Ở đây, qua câu thơ, tư tưởng tính không của kinh văn hệ
Bát-nhã đã được thiền sư chuyển tải bằng hình ảnh hiện dụ thật sinh động. Giọt
sương mai có đó, hiện hữu đó, dưới cái nhìn của con người, nó thật đẹp, thật
long lanh ngời sáng trên đầu ngọn cỏ, nhưng chỉ trong một cái chớp mắt, một
sát-na, khi nắng sớm vừa chiếu lên thì nó tan biến ngay, tức không còn tồn tại,
hiện hữu. Thúc hốt tức vô (thoạt có liền không). Cuộc đời là vô thường. Vạn pháp
đều vô thường. Nhận thức được điều này, con người ta mới thanh thản, an nhiên,
tự tại mà vui sống trong cõi đời với sắc thân giả tạm này.
4.
Đối với Phật pháp và đất nước, uy đức và công nghiệp của thiền sư thật lớn lao,
nhất là với vương triều nhà Tiền Lê, nhà Lý. Uy đức ấy vẫn tỏa sáng đến đời sau,
và cho đến hôm nay. Bởi thế nên mấy mươi năm sau khi thiền sư thâu thần nhập
tịch, vua Lý Nhân Tông (1066-1128) vẫn còn làm bài kệ tán (thơ ca ngợi tán
dương) ngài:
追贊萬行禪師
萬行融三際,
真符古讖詩.
鄉關名古法,
拄錫鎮王畿.
Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư
Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm thi.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.
(Vạn Hạnh [học rộng] thông suốt được ba
cõi, [Lời nói của sư] quả là phù hợp với những câu thơ sấm cổ. Quê hương tên Cổ
Pháp, chống gậy tầm xích giữ vững kinh đô nhà vua.)
Dịch thơ: Vạn Hạnh thông ba cõi,
Lời ông nghiệm sấm
thi.
Quê hương làng Cổ Pháp,
Chống gậy trấn kinh kỳ.
Lời truy tán của nhà vua đã tổng kết đầy
đủ công trạng của thiền sư đối với đất nước. Công đức ấy thật là vô lượng, không
thể luận bàn. Tôi không thể nói thêm được lời nào nữa.
Tài liệu tham khảo
1. Bát-nhã Tâm kinh và Kim cang
bát-nhã ba-la-mật kinh.
2. Trần Văn Giáp,
Le Bouddhisme en Annam,
BEFEO XXXII,
Hà Nội,
1932.
3. Trần Văn Giáp,
Lược truyện các tác gia Việt Nam,
tập 1, NXB.Sử
Học,
HN, 1962.
4. Đại Việt sử lược, Trấn Quốc
Vượng dịch, NXB.Thuận Hóa, tái bản, 2005.
5.
Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký
toàn thư, bản dịch của Viện Sử học, do Cao Huy Giu dịch; Đào Duy Anh hiệu
đính, chú giải và khảo chứng, tập
1, NXB.KHXH,
HN, 1971.
6. Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, Mai
Lĩnh xb, HN, 1942.
Bản Thiền uyển tập anh chép câu này
là
真符古讖機
Chân phù cổ sấm cơ/ky
(Lời nói của sư quả thực hợp với những câu thơ sấm cổ).
Nguyễn Đức Vân, Đào
Phương Bình dịch, Thơ văn Lý
-
Trần, tập 1, NXB.KHXH,
HN, 1977, tr.433.