Thực hành Thiền minh sát theo kinh Đại niệm xứ
THỰC HÀNH THIỀN MINH SÁT THEO KI
THỰC HÀNH THIỀN MINH SÁT THEO KINH ĐẠI NIỆM XỨ
Như Thiện (Thích Nguyên Nhật)
Đại ý kinh Đại niệm xứ
Kinh Đại niệm xứ (Mahasatipatthana Sutta, kinh số 22 thuộc Trường bộ
kinh) được Đức Phật giảng tại xứ Kuru với nội dung nói về phương pháp tu tập
Tứ niệm xứ. Đó là con đường giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh, dứt sạch phiền
não, chứng ngộ Niết-bàn. Bốn phạm trù quán niệm gồm: quán thân, quán thọ, quán
tâm và quán pháp.
- Quán niệm về thân bao gồm: quán hơi thở, các đại và tiểu oai nghi, 32 thể
trược của thân, sự giả hợp của thân do bốn đại hợp thành, và quán về tử thi.
- Quán niệm về thọ: tinh cần, tỉnh thức đối với các cảm thọ của bản thân như lạc
thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ.
- Quán niệm về tâm: Đức Phật dạy có 16 pháp quán tâm, được chia làm tám cặp:
1. Tâm có tham hay không có tham.
2. Tâm sân hay không sân.
3. Tâm si mê hay không si mê.
4. Tâm thâu nhiếp hay tán loạn.
5. Tâm có hành cảnh lớn hay tâm không có hành cảnh lớn.
6. Tâm hữu hạn hay tâm vô hạn.
7. Tâm có định hay tâm không có định.
8. Tâm giải thoát hay không giải thoát.
- Quán niệm về pháp: quán năm chướng ngại (tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên,
trạo hối và hoài nghi), quán ngũ uẩn, sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, bảy giác chi,
bốn Thánh đế.
Cuối bài kinh, Đức Phật khẳng định lại một lần nữa rằng bốn niệm xứ này là con
đường độc nhất giúp hành giả đoạn tận gốc rễ các lậu hoặc, đưa đến Niết-bàn.
Hành giả tu tập bốn đề mục trên đến chỗ rốt ráo thì trong bảy năm, hay thậm chí
chỉ trong một tuần, là có thể thành tựu đạo quả.
Thực hành thiền minh sát theo kinh Đại niệm xứ
1. Quán thân trên thân
Trong kinh Đại niệm xứ Đức Phật đưa ra nhiều đề mục thuộc về thân để quán
niệm. Ở đây người viết tập trung vào những chủ đề sau: niệm hơi thở vào và hơi
thở ra; chánh niệm trên các đại oai nghi và các tiểu oai nghi; quán sát về ba
mươi hai thể trược của thân; quán sát về tứ đại và quán tử thi.
Quán hơi thở vào và hơi thở ra:
Trong kinh Bốn mươi hai chương, Đức Phật hỏi các thầy Tỷ-kheo rằng mạng
sống của con người kéo dài trong bao lâu. Có nhiều câu trả lời được đưa ra, tuy
nhiên câu trả lời đúng nhất được Ngài khen ngợi đó là: Mạng người chỉ trong một
hơi thở.
Đồng quan điểm đó, Tổ Quy Sơn dạy trong văn Cảnh sách: “Chuyển tức tức
thị lai sinh”.
Như vậy, hơi thở là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, dù là con người hay thú vật, tất
cả đều phải thở mới có thể duy trì được mạng sống. Nếu không có hơi thở thì ô-xi
không được đưa vào để thực hiện sự tuần hoàn của máu, các bộ phận sẽ bị tê liệt
và những trược khí sẽ không được đẩy ra ngoài. Vì thế, quán hơi thở cũng chính
là quán thân trên thân.
Hơi thở quan trọng như vậy nhưng ít ai để tâm đến nó. Có chăng là khi sự thở gặp
vấn đề (nghẹt mũi, khó thở) thì chúng ta mới lo lắng và để ý đến. Cho nên Đức
Phật dạy hãy chánh niệm trên hơi thở. Chúng ta thấy, Đức Phật dạy những gì gần
gũi với cuộc sống và ai ai cũng có thể thực hành được. Vậy thực tập như thế nào?
Rất đơn giản nhưng cũng không phải dễ dàng. Đơn giản ở chỗ hành giả chỉ cần chú
tâm quán sát hơi thở vào (ra) một cách tự nhiên không gò ép.
Phật đưa ra mười sáu đề mục quán niệm hơi thở. Nhưng nói một cách tóm tắt, khi
hơi thở vào dài (ngắn) ta biết hơi thở vào dài (ngắn), hơi thở ra cũng theo dõi
như thế. Cho đến quán sát nó kết hợp với trạng thái tâm. Ví dụ, khi trong lòng
đang bực tức hay hoảng sợ thì hơi thở gấp, ta chú tâm vào nó; một lúc sau hơi
thở dần ổn định, tâm cũng dịu lại và ta biết được điều đó. Hoặc khi tâm an tịnh,
hơi thở nhẹ nhàng dễ chịu ta cũng theo dõi một cách tỉnh thức. Vị ấy hít vào, rõ
biết hơi thở từ bên ngoài qua môi trên, chóp mũi vào thân đến lồng ngực, bụng
phồng lên. Khi thở ra, bụng xẹp xuống và rõ biết chánh niệm. Chúng ta cũng có
thể áp dụng việc đếm hơi thở như hít vào đếm một, thở ra đếm hai để phát triển
sự tập trung vào đối tượng đang quán niệm. Đó là cách thực tập chú tâm trên hơi
thở.
Chánh niệm các đại oai nghi và tiểu oai nghi:
Hành giả thực tập thiền quán trên bốn oai nghi lớn: đi, đứng, nằm và ngồi. Tuy
nhiên, chúng ta thường tu tập chủ yếu là tọa thiền và thiền hành chứ ít thấy ai
đứng thiền hay nằm thiền. Vì khi đứng thì không thể tập trung được lâu do cơ thể
mỏi, còn nằm thì dễ bị hôn trầm. Đức Phật dạy rằng bốn oai nghi này cần phải
được tuệ tri. Nghĩa là khi ngồi rõ biết mình đang ngồi. Còn áp dụng tu tập thì
ta chọn tư thế ngồi như thế nào miễn sao thấy thoải mái, dễ đưa đến sự nhiếp
tâm. Tư thế kiết già mà Đức Thế Tôn tự thân hành trì và chỉ dạy là tối ưu nhất,
vì nó tạo ra thế ngồi vững chắc, tâm dễ an trú sâu và ít gây hôn trầm. Nếu người
hay buồn ngủ thì chọn phương pháp thiền hành. Rõ biết từng cử chỉ khi nhấc gót
chân, co gối cất bước chân lên, duỗi chân và đặt chân xuống sẽ giúp hành giả có
sự chánh niệm. Hoặc có thể kết hợp với hơi thở để thực tập thiền hành.
Ngoài bốn oai nghi chính, Đức Phật dạy cần phải rõ biết các oai nghi phụ. Nói
cách khác là ta cần thực hành pháp “như lý tác ý” khi bước đi, khi nhìn
trước ngó sau, khi ăn uống, nói năng, mang bát, mặc y, đại tiểu tiện…
Quán về 32 thể trược của thân:
Con người thường mê đắm sắc thân, cho đó là thực thể hiện hữu, rồi chấp thủ cho
đó là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi.
Chính vì bản ngã của con người quá lớn nên nếu ai đụng đến thân này thì ta tức
giận, hay khi thân có bệnh hoặc bị tai nạn gì thì buồn đau, khốn khổ. Con người
chịu nhiều đau khổ vì thân thể này. Tuy nhiên, thân ngũ uẩn đầy ô trược này cũng
là phương tiện cho việc tu tập.
Trong kinh Đại niệm xứ, Đức Phật dạy quán thân này là hợp thể gồm 32 thể
trược: “Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim gan,
hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niệm dịch),
mủ, máu, mồi hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, ở khớp xương, nước
tiểu”.
Như vậy, thân này chỉ là giả danh do từng bộ phận hợp lại, cũng như chiếc xe là
tên gọi chung của từng bộ phận chi tiết: bánh xe, mui xe, trục xe….
Phật dạy quán 32 bộ phận này để con người không tham đắm và chấp thủ thân. Quán
chiếu như vậy cũng giúp loại trừ tâm bực tức, oán thán khi thân thể của mình
không hoàn hảo. Quán chiếu thân cũng giúp chúng ta vượt qua sự ái luyến nhục
dục, không chấp thủ sắc đẹp của mình và mê đắm vẻ đẹp của người khác. Đó chính
là đời sống chánh niệm trên cả nội thân và ngoại thân hướng đến chánh trí.
Quán sát về tứ đại:
Đức Phật dạy: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”.
Thân này là do tứ đại duyên sinh mà hợp thành. Nếu không có mặt tứ đại thì ngũ
uẩn sẽ không thể gắn kết với nhau. Và nếu một trong các đại này bị tổn hại hoặc
mất cân bằng thì thân sẽ sinh bệnh và làm tâm không dễ chịu. Tổ Quy Sơn dạy rằng
dù thân này cấu thành từ bốn đại nhưng chúng luôn có sự chống trái nhau. Quán
chiếu thân này do tứ đại hợp thành sẽ giúp hành giả nhận chân tính giả hợp,
duyên sinh và vô thường của thân thể, qua đó giúp hành giả thoát khỏi tham ái và
chấp thủ vào thân, điều được xem là một trong những nguyên nhân gây nên khổ đau.
Quán tử thi:
Đức Phật dạy chín phép quán tưởng tử thi như sau:
1. Tử thi bị bỏ trong nghĩa địa trương phình (trướng tưởng).
2. Tử thi bị thú rừng, chim, chó, côn trùng… ăn (ứ tưởng).
3. Tử thi chỉ còn bộ xương dính thịt, gân và máu (hoại tưởng).
4. Tử thi chỉ còn xương, máu thịt rã rời (huyết đồ tưởng).
5. Tử thi chỉ còn bộ xương khô (nồng lăng tưởng).
6. Tử thi chỉ còn xương rãi rác khắp nơi (hám tưởng).
7. Tử thi chỉ còn xương trắng (tán tưởng).
8. Tử thi chỉ còn một đống xương (cốt tưởng).
9. Tử thi chỉ còn bột xương trắng (thiêu tưởng).
Đức Thế Tôn dạy pháp quán tử thi để hành giả chánh niệm về tính vô ngã và sự bất
tịnh của sắc thân năm uẩn, từ đó giúp hành giả không còn ái thủ vào thân và loại
bỏ được sự sợ hãi cái chết.
2. Quán thọ trên thọ
Cảm thọ được sinh ra khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Trong kinh Tương ưng,
Đức Phật định nghĩa thọ là do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc chạm với sáu trần
mà sinh khởi. Có ba loại cảm thọ là: khổ, lạc và không khổ không lạc. Thực hành
niệm thọ có nghĩa là hành giả quán sát các cảm thọ từ khi chúng sinh khởi cho
đến khi chúng hoại diệt một cách chánh niệm, đồng thời truy tìm nguồn gốc phát
sinh ra chúng để đoạn trừ. Một trong những nguyên nhân căn bản tạo ra cảm thọ đó
là ba độc tham, sân, si. Sự khát ái nếu được đáp ứng thì sinh lòng vui thích,
ngược lại khi không được thỏa mãn thì tâm sân xuất hiện, làm sinh khởi một loạt
các cảm thọ như bực tức, sầu não. Tất cả đều do si mê dẫn dắt nên dẫn đến sự lầm
chấp như vậy.
Lạc thọ có hai loại. Một loại liên hệ đến ngũ dục và một loại không thuộc thế
gian. Loại đầu dẫn đến khổ đau trong sinh tử vì sự tìm cầu dục lạc, thỏa mãn ham
muốn. Loại thứ hai xuất hiện trong quá trình tu tập. Tuy nhiên, dù là cảm thọ
tích cực hay tiêu cực thì Phật giáo cũng chủ trương xả bỏ chúng, không dính mắc
vào bất cứ cảm thọ nào từ thô cho đến tế. Chính việc thực hành chánh niệm về thọ
là yếu tố nền tảng bổ trợ và phát triển sự buông xả.
3. Quán tâm trên tâm
Phật dạy tâm thức của chúng sinh như con khỉ chuyền cành, như con ngựa hoang
chạy rong không dây cương kiềm chế. Tâm luôn biến động chạy theo các vọng niệm.
Chính tham dục (tham), ghét bỏ (sân), lầm chấp vào hữu ngã (si) đã khuấy động sự
thanh tịnh vốn có của tâm. Vì vậy trong bước đường tu tập, hành giả cần phải
đoạn trừ những ý nghĩ bất thiện nơi tâm, cần nuôi dưỡng tâm ý thiện lành và giữ
tâm thanh tịnh.
Trong kinh Đại niệm xứ, Đức Phật đưa ra mười sáu pháp quán tâm được chia
thành tám cặp.
1. Tâm có tham hay không có tham.
2. Tâm sân hay không sân.
3. Tâm có si hay tâm không có si.
4. Tâm thâu nhiếp hay tán loạn.
5. Tâm có hành cảnh lớn hay tâm không có hành cảnh lớn.
(Tâm có hành cảnh lớn có nghĩa là sự tu tập thiền quán đạt được định tương ứng ở
cõi Sắc và Vô sắc giới. Còn tâm không có hành cảnh lớn là tâm ở cõi dục).
6. Tâm hữu hạn hay tâm vô hạn.
(Còn được gọi là tâm cao thượng hay không cao thượng. Các trạng thái do thành
tựu thiền định ở Sắc và Vô sắc giới cũng được xem là cao thượng nhưng chưa thật
sự rốt ráo. Tâm hữu hạn chỉ cho tâm của chúng sinh ở cõi dục. Chỉ khi nào hoàn
toàn đại ngộ thì khi ấy mới thật sự là tâm vô hạn hay tâm vô thượng cứu cánh).
7. Tâm có định hay không có định.
(Nghĩa là khi hành thiền hành giả rõ biết tâm của mình lúc này tập trung hay tán
loạn. Cả hai trạng thái tâm ấy đều phải quán sát một cách liên tục. Khi ấy nếu
tâm thất niệm sẽ dần dần được chánh niệm, còn tâm đã an định thì ngày càng được
phát triển).
8. Tâm giải thoát hay không giải thoát.
(Tâm không giải thoát là tâm bị trói cột bởi phiền não. Còn tâm giải thoát là
tâm đã đoạn tân tham, sân, si, lậu hoặc được diệt tận).
4. Quán pháp trên pháp
Ví như người nông dân ngoài việc chăm sóc, bón phân cho cây lúa, vị ấy còn phải
nhổ bỏ cỏ đi để lúa hấp thụ được nhiều dưỡng chất, đem lại năng suất cao. Cũng
vậy, người tu thiền cần phải loại trừ những chướng ngại trong việc hành trì của
mình. Trong kinh Đại niệm xứ Đức Phật dạy có năm triền cái hay còn gọi là
năm chướng ngại thiền quán cần được đoạn diệt. Đó là tham dục, sân hận, hôm
trầm, trạo hối và hoài nghi.
Tham dục có nghĩa là ái luyến các đối tượng giác quan. Sự khát dục được nuôi
dưỡng bởi những tư tưởng bất thiện. Đức Phật ví nó như là món nợ hay các món
nước pha trộn nhiều màu. Khi thiền quán nếu tâm tham khởi lên, hành giả chú tâm
vào sự có mặt của nó. Như vậy mà theo dõi từ lúc phát khởi đến lúc đoạn diệt một
cách tỉnh giác. Đây là cách đoạn trừ triền cái đầu tiên này. Cách thứ hai là rèn
luyện một tư duy chân chánh, không để tâm bị dính mắc bởi các dục.
Sân hận là tâm oán thù, ghét bỏ các đối tượng mà mình không thích hay giận dữ,
bực tức. Sân làm trở ngại sự tu tập thiền quán. Vì thế khi sân hận khởi lên hành
giả cần ghi nhận và rõ biết về nó, kể cả lúc nó tan biến không còn hiện diện.
Hành giả cũng có thể tu tập tâm từ để chế ngự sân hận.
Hôn trầm là trạng thái tâm rã rượi, lờ đờ và buồn ngủ. Chúng ta cần quán chiếu
nguyên nhân dẫn đến hôn trầm và loại bỏ nó để việc hành thiền đạt được kết quả.
Trạo hối có nghĩa là trạo cử và hối hận. Đó là trạng thái tâm dao động và hối
hận về những hành động bất thiện mà mình đã gây ra. Nói khác đi đó là sự phóng
tâm làm cho tâm bất an, không tĩnh lặng. Vì vậy, việc hiểu và thực hành giới,
biết rõ việc nào nên làm và việc nào cần phải tránh, kết hợp với chánh tư duy về
bản chất thanh tịnh của tâm, sẽ giúp hành giả đoạn diệt triền cái thứ tư này.
Cuối cùng là hoài nghi. Đây là sự hoài nghi về Tam bảo hoặc phương pháp tu tập
mà mình đang thực hành. Người bị trói buộc bởi hoài nghi cũng giống như kẻ bị
lạc trong sa mạc không biết lối thoát. Làm thế nào để loại bỏ chướng ngại này?
Hành giả phải học kỹ, hiểu sâu, hiểu đúng giáo pháp của Phật, đồng thời phải
luôn luôn nghĩ nhớ đến ân đức của Tam bảo và hành trì giới luật một cách tinh
chuyên.
Một người đoạn trừ năm triền cái được ví như người có sức khỏe tốt, trả hết nợ,
được phóng thích khỏi nhà tù, giải thoát cảnh nô lệ, đến nơi an toàn. Mặt khác,
mỗi khi hành giả loại bỏ được năm chướng ngại thì sẽ đạt được năm thiền chi:
tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Thanh tịnh đạo luận đề cập như sau: Tầm
không hợp với hôn trầm thụy miên. Tứ không đi cùng với hoài nghi. Hỷ xung khắc
với sân hận. Lạc đối nghịch với trạo hối. Định không thể đi cùng với tham dục.
Bên cạnh, Đức Phật còn dạy quán năm thủ uẩn. Theo Phật giáo, con người vốn là
một hợp thể gồm năm uẩn, đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tất cả đều do các
duyên hợp lại mà thành và cũng do duyên mà hoại diệt: “Cái này có mặt nên cái
kia có mặt. Cái này không có mặt nên cái kia không có mặt”.
Tự ngã chỉ là giả danh, được cấu thành bởi năm nhóm: thế chất, tình cảm, lý trí,
ý chí và nhận thức. Bản chất của năm thứ này vốn vô thường và không có bản thể
thường hằng. Vì vậy Đức Phật dạy cần phải quán chiếu: “Đây là sắc, đây là sắc
sinh, đây là sắc diệt. Đây là thọ, đây là thọ sinh, đây là thọ diệt. Đây là
tưởng, đây là tưởng sinh, đây là tưởng diệt. Đây là hành, đây là hành sinh, đây
là hành diệt. Đây là thức, đây là thức sinh, đây là thức diệt”.
Ngoài ra, hành giả cần quán sáu nội và ngoại xứ. Sáu nội xứ là mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân và ý. Sáu ngoại xứ là sáu đối tượng tiếp xúc với sáu căn, gồm sắc,
thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chúng sinh bị trầm luân cũng chính do căn dính
mắc với trần sinh ra sự ái thủ. Sự xúc chạm giữa sáu nội và ngoại xứ có hai
trường hợp. Một là dính mắc đưa đến khổ đau. Hai là tự tại, chánh niệm dẫn đến
thoát ly trần tục. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy các đệ tử cần an trú trong chánh niệm,
tuệ tri các căn, rõ biết các trần với sự sinh khởi và đoạn diệt của chúng.
Hành giả cũng cần tuệ tri về bảy chi phần giác ngộ: niệm, trạch pháp, tinh tấn,
hỷ, khinh an, định và xả. Chính vọng niệm là nguyên nhân khiến cho tâm không
được định tĩnh, cản trở con đường tu tập để phát triển tâm thức. Tu tập niệm
giác chi giúp hành giả phòng hộ tâm và nuôi dưỡng chánh niệm. Có chánh niệm thì
vô dục, đạt được định và giải thoát. Trạch pháp là lựa chọn pháp môn tu phù hợp
với căn cơ của mình để đạt được kết quả viên mãn do pháp ấy mang lại. Mặt khác,
ở đây nó còn có nghĩa là loại trừ các ác pháp, ly tham và đoạn trừ khát ái. Mỗi
khi có lộ trình tu tập rồi thì hành giả cần nỗ lực tinh tấn. Tinh tấn tức là
đoạn diệt ác pháp đã sinh, ngăn chặn không cho bất thiện pháp sinh khởi. Phát
huy các điều thiện đã sinh và làm cho thiện pháp chưa sinh được phát khởi. Do
tinh cần tu tập nên tâm hân hoan, hỷ lạc, không còn sầu, bi, khổ, ưu, não. Từ đó
cả thân và tâm được nhẹ nhàng, lạc trú. Khi ba nghiệp thanh tịnh thì dễ dàng
thành tựu thiền định, giúp loại trừ năm triền cái, tâm không bị phiền não trói
buộc. Định là yếu tố làm phát sinh tuệ giác. Chi phần cuối cùng là xả giác chi,
đó là xả ly ý niệm chấp trước ngã và pháp. Khi thực tập xả giác chi đến chỗ cứu
cánh thì tâm được giải thoát và không còn tái sinh nữa.
Quán pháp được xem cốt lõi nhất là quán bốn chân lý chắc thật. Đây chính là nền
tảng cốt tủy của Phật giáo, là nội dung của bài pháp đầu tiên mà Đức Phật tuyên
thuyết. Đầu tiên là Khổ Thánh đế. Đức Phật dạy bản chất của cuộc đời vốn khổ
nhiều vui ít. Những nỗi khổ mà con người gánh chịu gồm có tám loại và được chia
thành ba phần: khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Chung quy do chấp thủ năm uẩn là
tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi mà con người bị trầm luân, chịu nhiều thống
khổ. Nguyên nhân đưa đến tái sinh chính là tham ái. Ái có ba loại là: dục ái,
hữu ái và phi hữu ái. Như vậy, muốn giải thoát khỏi vòng luân hồi thì việc trước
hết chính là đoạn tận ái. Bằng cách nào? Bằng việc tinh tấn, tinh cần tu tập cho
đến khi viên mãn Bát Chánh đạo. Đây là lộ trình tu tập có đầy đủ giới, định và
tuệ: “Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với giới sẽ đưa đến
quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích
lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức
là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”.
Lợi ích của thiền minh sát
Cuộc đời luôn đầy dẫy những bất an, muộn phiền. Nếu như không tìm được lối thoát
cho mình thì con người sẽ sống trong sự trói buộc của khổ não. Đức Phật đã từng
sống trong cảnh đầy đủ dục lạc - thứ mà con người luôn khát khao để rồi tìm kiếm
đến tuyệt vọng - thế nhưng Ngài đã thoát khỏi cái vui tạm bợ đó, và Ngài đã đạt
được sự giải thoát viên mãn bằng con đường thiền quán.
Khi thực hành thiền minh sát, lợi ích đầu tiên mà hành giả có thể tự thân nhận
được đó là thân và tâm được điều hòa, thanh lọc. Thật vậy, tâm như khỉ chuyền
cành không lúc nào dừng nghỉ vì thế mà những cảm xúc vui buồn luôn luôn chi phối
chúng ta. Điều đó có thể đưa đến tâm bệnh, và từ nhưng tư tưởng bất thiện mà
thân bệnh có thể xảy ra. Do đó, sự tỉnh giác khéo phòng hộ các căn giúp chúng ta
cân bằng danh và sắc, khiên tâm trở về với sự thanh tịnh vốn có. Do chánh niệm
nên sự tư duy được sâu sắc hơn, có được trí nhớ tốt hơn. Mỗi khi công phu thiền
được thuần thục thì sự an lạc sẽ sinh khởi (nó được gọi là thiền lạc), tạo cho
hành giả cảm giác an định, sảng khoái, diệt trừ các tâm lý sầu não, yếm thế, bi
quan… Mặt khác, pháp môn này còn giúp chúng ta có sự tự tin, không rụt rè, lo sợ
khi đứng trước đám đông. Hơn thế nữa, chính thiền lực mang lại sự bình thản, tự
tại trước mọi nghịch cảnh và không chấp trước dù đó là thuận duyên.
Tuy nhiên, lợi ích của thiền minh sát không dừng lại ở đó, bởi vì mục đích cuối
cùng pháp môn này là đưa đến thành tựu chánh trí giải thoát, vượt thoát khỏi
những ích lợi phàm tình của thế gian. Điều đó được Đức Phật khẳng định trong
kinh Đại niệm xứ: “Đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho
chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ
Niết-bàn”.
Thiền Tứ niệm xứ nếu tu tập đến viên mãn sẽ đoạn diệt tham, sân, si, tận trừ các
lậu hoặc, tam nghiệp được thanh tịnh, và cuối cùng là hoàn toàn được giải thoát.
Trong kinh Tương ưng (tập IV), Đức Phật nói về bảy lợi ích mà hành giả
thực hành thiền minh sát sẽ thành tựu:
1.
Tịnh hóa các chúng sinh.
2.
Vượt qua sầu muộn.
3.
Thắng phục bi ai.
4.
Đoạn tận khổ đau.
5.
Chấm dứt ưu phiền.
6.
Đạt đến Chánh đạo.
7.
Chứng đắc Niết-bàn.
Tóm lại, công dụng của thiền minh sát là diệt trừ năm triền cái, thành tựu năm
thiền chi. Mặt khác, nó còn giúp hành giả nuôi dưỡng các cảm thọ tốt (hỷ, lạc,
xả) và loại bỏ các cảm thọ xấu (khổ, ưu). Cuối cùng thiền minh sát đưa đến giải
thoát, chứng ngộ Niết-bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Thích Minh Châu (2010), Như Lai thiền (trong kinh tạng Pāli), NXB.Phương
Đông.
2.
Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung bộ I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
3.
Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Tiểu bộ I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
4.
Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường bộ, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
5.
Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương ưng IV, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
6.
Thích Minh Châu dịch (2014), Kinh Pháp cú, NXB.Hồng Đức.
7.
Buddhaghosa nguyên tác, Thích nữ Trí Hải dịch (2014), Thanh tịnh đạo,
NXB.Hồng Đức.
8.
Ajahn Brahm nguyên tác, Lê Kim Kha dịch (2015), Thiền theo cách Phật dạy sẽ
đi đến giải thoát, NXB.Hồng Đức.
9.
Henepola Gunaratana nguyên tác, Lê Kim Kha dịch (2015), Bốn nền tảng chánh
niệm, NXB.Hồng Đức.
10.
Giới Nghiêm dịch (2010), Mi Tiên vấn đáp, NXB.Văn Học - Hà Nội.
11.
Pháp Thông dịch (2006), Minh sát tu tập, NXB.Phương Đông.
12.
Pháp Thông dịch (2010), Đại niệm xứ tường giải, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.