Cách Nhật Bản tiếp nhận Phật giáo vào Thời kỳ đầu
cach nhat ban
CÁCH NHẬT BẢN TIẾP NHẬN PHẬT GIÁO VÀO
THỜI KỲ ĐẦU
Thích Trung Thiện
Phật giáo hình thành ở Ấn Độ vào khoảng thế
kỷ VI tr.TL. Đến thế kỷ
III tr.TL
trở đi, Phật giáo bắt đầu
vượt ra
khỏi lãnh thổ Ấn
Độ và
du nhập vào dòng chảy tâm linh,
văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên mãi đến đầu thế kỷ VI,
Phật giáo mới bắt đầu du nhập vào Nhật Bản và bám
rễ vững chắc vào những thế kỷ sau đó, tác động
mạnh
mẽ
vào mọi
mặt
của đời sống xứ sở Hoa anh đào này.
Phật giáo thời kỳ đầu du nhập
vào Nhật Bản hay còn gọi là Phật giáo thời kỳ Phi Điểu được xem là thời kỳ rất
quan trọng. Bởi thời kỳ sơ khai này đánh dấu sự khởi đầu của Phật giáo Nhật Bản
và là khuôn mẫu ban đầu cho Phật giáo phát triển sau này mà gần nhất là thời kỳ
Nại Lương, Bình An. Các sử gia Nhật bản cho rằng lịch sử Nhật Bản không thể tách
rời Phật giáo, qua đó nói lên vai trò của Phật giáo trong việc xây dựng nên lịch
sử Nhật Bản như thế nào.
Niên đại và con đường Phật
giáo du nhập
Vào
thời kỳ cổ đại Nhật Bản, xã hội hoàn toàn đặt dưới chế độ thị tộc, sách sử gọi
là Thị tộc thời đại (Shi-zoku jidai).
Theo sử liệu Trung Quốc, vào
giữa thế kỷ III, Nhật Bản có trên 100 thị tộc sống rãi rác khắp nơi,
xã hội không có tính cách thuần nhất
mà phân tán tùy theo thế lực của mỗi thị tộc. Về sau, các thị tộc quy tụ thành
30 tiểu quốc, trong đó có một tiểu
quốc có uy quyền và nổi bật đó là Đại Hòa (Yamato Koku). Lãnh thổ Đại Hòa
ban đầu chỉ giới hạn ở miền Tây đảo Bản Châu, xung quanh vùng Kinh Đô (Tokyo)
và xuống đến Đại Bản (Osaka). Tuy nhiên, quyền lực của nhà vua ở thời kỳ
này rất hạn chế, bị phân tán bởi nhiều thị tộc. Đến thế kỷ thứ IV, phần lớn lãnh
thổ Nhật nằm dưới quyền kiểm soát của triều đình Đại Hòa và bắt đầu có sự bang
giao với các nước phía Tây như Bách Tế (Triều Tiên), Trung Quốc. Văn hóa, văn
minh và Phật giáo từ Trung Quốc dần dần đi vào Nhật Bản hoặc trực tiếp hoặc gián
tiếp qua vương quốc Bách Tế.
Trước
khi Phật giáo du nhập, Nhật Bản đã có các tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng Vật
linh, tín ngưỡng Vật tổ, tín ngưỡng Bái vật, đặc biệt là Thần đạo. Thần Đạo được
hình thành vào thế kỷ thử III và trở thành tín ngưỡng chủ đạo của người Nhật.
Chính vì niềm tin mãnh liệt vào Thần Đạo của người dân mà trong suốt quá trình
Phật giáo du nhập và tồn tại ở Nhật Bản, bên cạnh những thuận lợi Phật giáo cũng
gặp không ít khó khăn.
Phật
giáo được truyền vào Nhật Bản từ tiền bán thế kỷ thứ VI. Có nhiều sử liệu đề cập
đến sự xuất hiện của Phật giáo ở xứ sở Phù Tang, trước hết là vào thời thiên
hoàng Kế Thể (Keitai,
trị vì
507-531).
Phù Tang lược ký cho biết vào đời thiên hoàng thứ 27, tức Kế Thể thiên
hoàng, có một người từ Đại Đường Trung Hoa tên là Tư Mã Đạt Chỉ đến Đại Hòa. Ông
dựng một thảo am để tôn trí tượng Phật và ngày đêm lễ bái. Người dân thời ấy
thường gọi Phật tượng này là vị Thần minh của Đại Đường.
Chúng ta biết rằng, từ
thời Kế Thể thiên hoàng, Phật giáo đã xuất hiện ở Nhật Bản nhưng chỉ mang hình
thức tín ngưỡng thờ cúng, chưa thực sự định hình, sự ảnh hưởng rất mờ nhạt. Cho
đến thời Khâm Minh thiên hoàng (năm 522), Phật giáo mới bắt đầu được giới thiệu
trong hoàng triều và được đón nhận không lâu sau đó.
Nhật bản thư kỷ
do
Nihon Shiki biên soạn năm 720 có ghi chép lại sự bang giao giữa Nhật Bản với
Bách Tế vào đời Khâm Minh Thiên Hoàng năm thứ 13 (552).
Vua Thánh Minh Vương nước Bách Tế đã phái sứ thần đến hoàng triều Nhật Bản để
dâng lễ phẩm triều cống mà trong đó bao gồm tượng Phật Thích Ca bằng đồng, tràng
phan bảo cái và kinh luận Phật giáo. Ngoài ra, sứ thần còn dâng lên Khâm Minh
Thiên Hoàng sớ biểu ca tụng công đức lưu truyền Phật giáo: “Phật pháp là pháp
môn thù thắng nhất trong tất cả các pháp môn, là pháp môn nan giải nan nhập...
Pháp môn này có thể sinh ra vô lượng vô biên công đức phước báu, cho đến có thể
thành tựu Vô thượng Bồ-đề.” Những cống phẩm và lời giới thiệu của Thánh Minh
Vương có vai trò rất quan trọng, tác động tích cực đến sự nhìn nhận của hoàng
triều - những người đứng đầu quốc gia, về một tôn giáo mới lạ từ xứ sở khác. Có
thể thấy, con đường Phật giáo du nhập vào Nhật Bản ở thời kỳ đầu là thông qua sự
bang giao về chính trị với Bách Tế.
Tuy nhiên, sự truyền bá Phật
giáo vào những ngày đầu gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ những quan điểm đối lập
nhau của các cá nhân, dòng tộc vốn đã mâu thuẫn trước đó. Thứ nhất là quan điểm
tiến bộ của dòng tộc Tô Ngã do Tô Ngã Đạo Mục đứng đầu. Dòng họ này thường xuyên
tiếp xúc với các tầng lớp di cư, am hiểu các nền văn hóa, tín ngưỡng, truyền
thống các dân tộc khác nên có chủ trương tiếp nhận văn hóa ngoại lai. Thứ hai là
quan điểm bảo thủ của dòng họ Vật Bộ do Vật Bộ Vĩ Dư đứng đầu mà họ vốn chỉ quan
tâm đến đối nội, an ninh quốc gia; và dòng tộc Trung Thần, đứng đầu là Trung
Thần Liêm Tử, chuyên chăm lo về những lễ nghi trong triều đình. Hai dòng tộc này
không biết nhiều về thế giới bên ngoài, cho nên có xu hướng duy trì nền văn hóa
bản địa, không muốn đổi mới. Họ cho rằng: “Nước ta làm vương thiên hạ, xưa
nay chỉ nhờ 108 thần trời đất, xã tắc, xuân hạ thu đông tế lạy chư thần là việc
của ta. Nay bỗng thay đổi, lễ bái thần phiên bang, e sẽ làm cho các thần nước ta
giận dữ.”
Để bảo vệ quan điểm của mình, Tô Ngã Đạo Mục tấu trình lên thiên hoàng: “Các
nước phương Tây tất thảy đều kính lễ, chả nhẽ một mình nước Nhật phong thu này
chống lại.”
Lời giải thích này của Tô Ngã trước Thiên Hoàng và quần thần nói lên được
tầm quan trọng của Phật giáo đối với quốc gia.
Đứng trước hai tư tưởng đối
lập đó, Khâm Minh thiên hoàng đã giải quyết rất khôn khéo. Ông tuyên bố những
cống phẩm này là của nước Bách Tế triều cống, cho nên ai muốn giữ thì giữ, muốn
theo thì theo. Sau đó, thiên hoàng Khâm Minh giao kinh sách, tượng Phật cho Tô
Ngã đem về dinh thự lập Phật điện để thờ. Hành động của Khâm Minh thiên hoàng
không những tránh được sự mâu thuẫn nội bộ mà còn gián tiếp chấp nhận Phật giáo.
Sự kiện này đã đánh đánh dấu những bước du nhập đầu tiên của Phật giáo vào Nhật
Bản và được tiếp nhận dưới sự bảo hộ của một thị tộc có thế lực trong triều
đình.
Mặc dù cò những trở ngại ở
bước đầu du nhập, Phật giáo cũng có một số thuận lợi về mối giao hảo giữa nền
văn hóa tín ngưỡng Nhật Bản và truyền thống Phật giáo. Tín ngưỡng thờ thần, thờ
tổ tiên, hay lối sống nhân văn, đạo đức, đặc biệt những quan điểm về hiếu hạnh,
nhớ ơn tổ tiên dòng tộc của người Nhật Bản khá gần gũi, trùng hợp với truyền
thống Phật giáo. Nhờ vậy Phật giáo nhanh chóng được bám rễ và được chấp nhận
rộng rãi. Hơn nữa, động thái kiên quyết, mạnh mẽ bảo vệ quan điểm của Tô Ngã Đạo
Mục trước các dòng tộc có chủ trương đối lập cũng góp phần to lớn cho sự du nhập
bước đầu của Phật giáo.
Sau Khâm Minh thiên hoàng,
trải qua nhiều đời thiên hoàng như Mẫn Đạt, Dụng Minh, Sùng Tuấn, Phật giáo tiếp
tục được chú trọng và bắt đầu bám rễ vững chắc. Chẳng hạn ở triều đại Mẫn Đạt
thiên hoàng, kinh Phật, tượng Phật, luật sư, Thiền sư, Tỷ-kheo-ni, thợ khắc
tượng xây chùa... đã từ Bách Tế nối tiếp nhau truyền vào Nhật Bản. Ngoài ra,
Phật giáo còn trở thành chỗ dựa tâm linh quan trọng của vua quan. Bằng chứng là
Dụng Minh thiên hoàng khi lâm trọng bệnh đã triệu tập quần thần nghị sự, muốn
gửi thân cho Tam bảo. Trong cuộc tiến quân tiêu diệt Vật Bộ Thủ Ốc, hoàng tử Cửu
Hộ (tức Thánh Đức Thái tử sau này) đầu đội tượng Tứ Thiên Vương cùng với Mã Tử
cầu nguyện trời Phật giúp đỡ... Đặc biêt, từ triều đại của Suy Cổ thiên hoàng
trở đi, Phật giáo bắt đầu có những khởi sắc tích cực.
Những người đặt nền tảng
cho sự phát triển Phật giáo ở Nhật Bản vào thời kỳ Phi Điểu
Suy Cổ thiên hoàng
(Suiko Tenno)
Nhật Bản thư kỷ
chép rằng: “Vào mùa xuân năm 594, Suy Cổ thiên hoàng cho triệu tập Thánh Đức
Thái tử và các đại thần để bàn việc hưng long Tam bảo. Lúc ấy, quần thần và các
vị quan vì để báo đáp ân đức của thân quyến và nhà vua mà tranh nhau dựng Phật
xá, tức là chùa.”
Như vậy, việc tạo lập tự viện
ở Nhật Bản vào thời bấy giờ không phải với mục đích tạo cho chư Tăng có nơi tu
hành thanh tịnh mà là nhằm báo đáp thâm ân của nhà vua và công ơn của thân
quyến, tức cha mẹ trong bảy đời quá khứ. Ngoài ra, việc Suy Cổ thiên hoàng yêu
cầu Thánh Đức Thái tử giảng cho bà nghe hai bài kinh Đại thừa là Pháp hoa
và Thắng Man điều này có ý nghĩa rất lớn, đặt nền tảng Phật học cho Phật
giáo Nhật Bản sau này. Chúng ta không biết thái tử học hai bộ kinh này với ai
nhưng rõ ràng ông rất am tường hai bộ kinh này. Sử chép rằng, sau khi nghe xong,
Suy Cổ rất hoan hỷ và mong muốn được học hỏi giáo pháp Phật giáo.
Thánh Đức Thái tử
(Shotoku)
Thánh Đức Thái tử là con
trưởng của Dụng Minh thiên hoàng. Khi còn bé, thái tử tôn sùng Phật pháp, thông
tuệ khác thường. Trong thời gian làm nhiếp chính, thái tử là người đã đặt nền
tảng cho việc phát triển Phật giáo và cho việc cải cách quốc chính. Ông giữ một
vị trí rất cao trong lịch sử Nhật Bản. Cái tên Thánh Đức là cách gọi tôn kính do
người đời sau tôn xưng.
Bằng
những chính sách cơ cấu lại hệ thống hành chính, Thánh Đức Thái tử đã mở ra cho
đất nước Nhật Bản và cả Phật giáo một thời kỳ mới. Trước đó, quyền lực bị phân
tán bởi nhiều dòng tộc, hệ thống hành chính không thống nhất được gọi là Tập
tước hay Tập ấm, có nghĩa là quyền lực được truyền từ thế hệ này sang thế hệ
khác trong một dòng tộc. Thái tử đã xóa bỏ chế độ Tập tước này và xây dựng một
bộ máy quan vị bao gồm 12 chức danh gọi là Thập nhị quan giai, lấy các lý
tưởng trong Nho giáo để gọi tên cho các chức quan này. Nhờ đó, thái tử đã tập
hợp được nhiều thành phần khác nhau trong xã hội để tham gia vào bộ máy nhà
nước, tạo nên sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.
Nội
dung nổi bật trong cuộc cải cách này là việc thiết lập bản Hiến pháp vào năm
606. Tiếp thu từ thể chế của Trung Quốc, Thánh Đức Thái tử đã ban hành bản Hiến
pháp 17 điều (Hiến pháp thập thất điều) được xây dựng trên tinh thần Nho và
Phật. Thông qua 17 điều Hiến pháp với châm ngôn “dĩ hòa vi quý”, Thánh Đức Thái
tử muốn tạo nên một con đường thực hiện chữ “hòa” cho một xã hội con người luôn
mãi đấu tranh, và vấn đề này được chỉ rõ ở điều thứ hai: “Hãy dốc lòng tín
phụng Tam bảo.” Chính Chánh pháp là “nơi quay về cuối cùng của chúng
sinh, là tôn giáo tối cực của vạn quốc... Bất cứ nơi nào, bất cứ người nào cũng
trân quý cả.”
Từ khi Thánh Đức Thái tử lên
làm nhiếp chính, sự giao lưu với Bách Tế rất thuận lợi nên có nhiều tu sĩ đến từ
quốc gia này. Có thể nói rằng Phật giáo du nhập vào Nhật Bản rất sớm nhưng mãi
đến khi Thánh Đức Thái tử trị vì Phật giáo mới được người Nhật chấp nhận. Có
được những thành tựu này là nhờ Thái Tử biết triển khai những nét tinh ba của
giáo pháp phù hợp với bản chất tự chủ của dân tộc Nhật Bản.
Hiếu Đức thiên hoàng
(Kotoku Tenno, 645-654)
Năm đăng quang của Hiếu Đức
thiên hoàng cũng là lần sơ khởi cách mạng trong lịch sử Nhật Bản khi đạo luật
Đại Hóa cải tân được ban hành (Đại Hóa là niên hiệu của Hiếu Đức thiên
hoàng). Đường lối thống nhất Phật giáo chính thức mở ra từ đạo luật Đại Hóa cải
tân. Sau khi đạo luật này được ban hành,
thiên hoàng đã triệu tập đại hội Tăng Ni tại kinh đô nhằm mục đích công khai
lòng ngưỡng mộ Phật giáo của hoàng gia. Sau khi đại hội bế mạc, Hiếu Đức thiên
hoàng đã hạ chiếu chỉ: “Từ trẫm trở xuống các ngành triều quan đến các chức
Quốc tạo chỉ huy địa phương và thị tộc trưởng tại làng mạc, mỗi ngành, mỗi chức
vụ, mỗi thị tộc đều phải thiết lập một ngôi chùa riêng. Ngành họ nào, chức vụ
hay thị tộc nào không đủ khả năng tự tạo sẽ được trẫm giúp đỡ.”
Nhật Bản thư kỷ
chép rằng, thời Suy Cổ Thiên Hoàng từ quý tộc đến quan lại triều đình, từ hào
tộc đến các nhà chức trách địa phương cũng bắt đầu tranh nhau xây dựng chùa
chiền.
Đến đời Hiếu Đức thiên hoàng, nhà vua ban sắc lệnh toàn quốc, khuyến khích từ
hoàng thân các ngành đến quan lại địa phương mỗi làng, mỗi quận nên xây dựng
chùa chiền. Nếu có chùa rồi thì cần tạo tác thêm tượng, đúc thêm chuông và ủy
đại diện về triều đình trung ương mà lĩnh kinh điển. Những địa phương nào nghèo
nàn, hoặc giả nơi nào cần xây cất những tu viện lớn mà thiếu phương tiện đều
được hoàng gia giúp đỡ.
Tề Minh thiên hoàng
(Saimei Tenno, 655-661)
Tề Minh thiên hoàng khi tại
vì có ban hành chế định pháp lệnh Tăng Ni, đưa Phật giáo vào khuôn khổ
pháp luật cụ thể trong tất cả các vấn đề liên hệ đến sinh hoạt của cộng đồng
Tăng sĩ. Pháp lệnh này bao gồm 27 điều, liên quan đến sinh hoạt tự viện, chế độ
xuất gia, hoằng truyền Phật pháp. Thông qua 27 điều này, ta có thể biết được
tình hình Phật giáo vào thời bấy giờ. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên
Phật giáo cung đình vào thời kỳ này.
Thiên Vũ thiên hoàng
(Tenmu Tenno, 673-680)
Thiên
Vũ xuất gia năm 671, lên ngôi thiên hoàng năm 673. Dưới thời ông, Phật giáo trở
thành quốc giáo. Vào năm đầu tiên đăng ngôi, ông ra lệnh khai kinh ở chùa Xuyên
Nguyên (Kawara Dera) để hồi hướng công đức, truy tiến chân linh của phụ
hoàng Thiên Trí. Năm 675, ông cho người đi khắp nơi sưu tầm kinh điển, và vào
năm 677 ông thiết trai tại chùa Phi Điểu (Pháp Hưng), mời chư Tăng trì tụng và
ra lệnh cho thần dân trong nước tu thiện, phóng sinh. Đồng thời ông cũng ra lệnh
cho chư Tăng Ni đi khắp nơi thuyết giảng kinh Kim quang minh và kinh
Nhân Vương. Hai kinh này nói về công đức hộ quốc.
Sau đạo luật Đại Hóa cải tân
vài chục năm, Thiên Vũ thiên hoàng xuống chiếu công nhận Phật giáo là quốc giáo,
buộc mỗi họ ít nhất phải có một người xuất gia, mỗi xứ phải có một ngôi chùa
chung với những Phật xá đủ dung nạp Tăng Ni trong xứ tụ về học tập. Chùa nào
cũng phải tác tượng, đúc chuông cho thật tố hảo, trần thiết cho thật lộng lẫy.
Các chùa khi làm xong sẽ được hoàng gia gửi đến nhưng bộ kinh như Kim quang
minh và Nhân vương hộ quốc chân kinh để tụng niệm.
Thiên
Vũ thiên hoàng đã đặt ra những quy chế để quán lý Tăng đoàn, qua đó giúp triều
đình có thể kiểm soát Phật giáo. Ông cho thiết lập chế độ Tăng vị (So-i)
bao gồm Tăng cang và Tam cang, mô hình dựa vào Đạo tăng cách của nhà Đường. Tăng
cang làm việc trực tiếp với triều đình gồm Tăng chánh, Tăng đô, Thiếu tăng đô,
Pháp đầu. Tam cang điều hành quản lý mỗi tự viện bao gồm Trú trì, Tri sự,
Duy-na. Ngoài ra còn có hệ thống Quốc sư quản lý Tăng-già trong 60 tiểu quốc. Sự
kết hợp khoa học, chế độ kiểm soát chặt chẽ giữa Tam cang, Tăng cang và Quốc sư
đã tạo thành một hệ thống lưu thông. Nhật Bản không chỉ vay mượn mô hình Trung
Quốc để điều hành đất nước mà còn vay mượn phương cách kiểm soát Phật giáo. Cũng
từ đó, những lễ tế thần vào đầu năm mới, lễ dâng cơm mới hay lễ xin miễn giải
tai ách… mà trước kia đều do Chúc bộ đảm trách, bấy giờ trở đi Chúc Bộ hợp tác
với bên Tăng giới và sẽ do Tăng giới đứng chủ đàn lễ thay thế Chúc bộ.
Sau khi Thiên Vũ thiên hoàng
lâm trọng bệnh và nhờ Tăng Ni cầu an mà bệnh được khỏi, từ đó hoàng gia chính
thức lấy cửa Phật làm nơi cúng giải tai ách, tiêu trừ bệnh hoạn và cầu an cầu
phước cho quốc gia. Khi Thiên Vũ thiên hoàng băng hà, mọi nghi lễ tang ma đều do
Tăng đoàn đảm trách. Từ đó, Tăng đoàn được giao phó thực hiện những lễ nghi ma
tang cho hoàng gia, quý tộc và quan lại các cấp. Và chẳng bao lâu, tập quán này
lan đến thứ dân và lưu truyền cho đến ngày nay.
Như vậy, từ triều đại Thiên
Vũ thiên hoàng (672-689) trở đi, uy thế của Phật giáo được đưa lên ngang bằng
với đế quyền, nhiều khi còn cao hơn đế quyền vì từ thiên hoàng đến hoàng gia đều
phải tuân hành phán quyết của Tăng trưởng.
Trì Thống thiên hoàng
(Jito Tenno, 645-702)
Vào năm 690, nhân mùa an cư
kiết hạ, Trì Thống thiên hoàng đã thỉnh chư Tăng giảng kinh suốt ba tháng hạ
trong cung. Khi mãn hạ, thiên hoàng đã cúng dường trai tăng cho 3.000 vị Tăng
của bảy chùa.
Vào năm 691, thiên hoàng ban chiếu chỉ khuyến khích thần dân quy y Phật pháp,
nương vào oai lực Tam bảo, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Nguyên Chính thiên
hoàng (Gen Sho Tenno, 715-724)
Từ khi
Thiên Vũ thiên hoàng chính thức lấy Phật giáo làm quốc giáo và trải qua mấy
triều đại cho đến đời Nguyên Chính thiên hoàng (Gen Sho Tenno, 715-724), tùy
theo mức độ khuếch trương tư tưởng Phật giáo mà chế độ luật lệnh cũng được điều
chỉnh để cho tương thích với hệ tư tưởng này. Nội dung hai bản luật lệnh, Đại
Bảo luật lệnh (701) và Dưỡng Lão luật lệnh (718), cho thấy thoát thai
từ tư tưởng Phật giáo.
Dưỡng Lão luật lệnh
quy định những Tăng Ni xuất thân từ giới bình dân không được phong tới Tăng
quan. Những bậc cao tăng lãnh đạo tự viện được phong đến chức Hạnh cơ (gyo-ki)
không cần tiếp xúc với Phật tử bình dân, cũng không cần vân du thuyết pháp nếu
không có chiếu lệnh của thiên hoàng; họ chỉ cần ẩn tu nơi tu viện để trưởng
dưỡng đạo đức. Những Tăng Ni đang còn trong thời gian thụ giáo và trau dồi đạo
hạnh cũng không được vô cớ đi ra khỏi chùa, không được tùy tiện thuyết pháp...
Điểm đặc biệt của chế độ luật lệnh là đồng hóa đạo với đời.
Phật giáo cung đình
Vào những năm đầu khi Phật
giáo truyền vào Nhật Bản, vì giáo thuyết cao thâm và kinh sách lại viết bằng chữ
Hán nên Phật giáo chỉ giới hạn trong thiểu số thượng lưu. Phật giáo ảnh hưởng ở
một phạm vi nhỏ, chỉ giới hạn trong giới hoàng thân quốc thích, quan lại mà chưa
được truyền bá rộng ra bên ngoài. Cho nên Phật giáo ở thời kỳ đầu này được gọi
là Phật giáo cung đình.
Phật giáo phổ cập
Giáo lý bắt đầu thấm nhuần
vào quần chúng vào khoảng đầu thế kỷ VII. Từ thời Thánh Đức Thái tử, Phật giáo
không còn giới hạn trong phạm vi của giới thượng lưu. Bộ Tam kinh nghĩa sớ
có ghi lời huấn thị của Thánh Đức Thái Tử mà ở đó cho thấy sự thấm nhuần tư
tưởng Phật giáo: “Đời là từ hư vô trở về hư vô, chỉ Phật ngự tại lòng ai thì
người ấy đạt đến Chân như mà thôi.”
Ngoài ra Thánh Đức Thái tử còn phái nhiều Tăng sĩ sang Trung Quốc để tham
học Phật pháp. Khi họ trở về, Thánh Đức cho mở những viện nghiên cứu giáo lý
Phật giáo và lấy những viện này làm cơ sở hoằng truyền Phật pháp.
Thông qua các việc làm của
Trì Thống thiên hoàng, Phật giáo từ phạm vi nhỏ đã phổ cập ra toàn xã hội. Có
những sắc lệnh khuyến khích nhân dân quy y Tam bảo; ra sắc lệnh yêu cầu tất cả
các chùa trong nước hàng năm phải khai kinh Vu lan, điều này thể hiện sự
tin tưởng vào vai trò chuyển hóa của Phật giáo. Do vậy Phật giáo ở thời kỳ này
được gọi là Phật giáo phổ cập.
Thái độ tiếp thu Phật giáo
Những nhà lãnh đạo Nhật Bản
bấy giờ nhận thấy Phật giáo có nhiều giá trị thiết thực, có thể ứng dụng cho
việc xây dựng quốc gia vào thời kỳ mới thống nhất.
Thứ nhất, thông qua Phật
giáo để chuyển hóa nhân tâm con người.
Phật giáo truyền vào Nhật Bản
khi chế độ thị tộc đang thống lĩnh. Sau đó chế độ thị tộc dần bị đẩy lùi, và đến
khi dòng tộc Tô Ngã bị tiêu diệt thì chế độ thị tộc bị bãi bỏ hẳn, nhường lại
quyền lực cho hoàng gia. Việc chấm dứt chế độ thị tộc cũng khiến cho thứ tôn
giáo thị thần lui vào dĩ vãng, tạo cơ hội cho Phật giáo thống nhất được
tư tưởng tôn giáo và tín ngưỡng trên khắp quần đảo.
Phật giáo có thể chuyển hóa
nhân tâm con người thuộc mọi thành phần khác nhau trong xã hội. Phật giáo là
nhân tố nối kết được các thành phần của xã hội để tạo nên sự thống nhất. Chiếu
chỉ của Thánh Đức Thái tử đã nói lên được điều đó: “Khi sống thì là sĩ, nông,
công, thương, nhưng khi về bên kia thế giới thì không phân biệt giai cấp trong
cõi Cực lạc Niết-bàn duy nhất. Là người, thì người ở địa phương này, người ở địa
phương khác nhưng chỉ chung có một tôn giáo cực tôn duy nhất là Phật giáo.”
Có thể nói chủ trương thống nhất Phật giáo của Thánh Đức Thái tử bao gồm hai
khía cạnh: Phật giáo thống nhất và tử tưởng Phật giáo thống nhất.
Thứ hai, thông qua Phật
giáo để cầu quốc thái dân an.
Thánh Đức Thái tử và Tô Ngã
đã cầu khấn bốn vị Thiên vương trước khi dẹp loạn dòng tộc Vật Bộ. Sau khi lời
nguyện thành công, Tô Ngã đã cho xây dựng chùa Pháp Hưng, còn Thánh Đức Thái tử
cho xây dựng chùa Tứ Thiên Vương với ước nguyện Tứ Thiên Vương thường trú khắp
bốn phương ngày đêm gia hộ cho đất nước Nhật Bản được phồn thịnh, nhân dân được
sống trong cảnh an bình, hạnh phúc. Ước nguyện của Thánh Đức Thái tử về sau được
thực hiện bởi Thiên Vũ thiên hoàng và Thánh Võ thiên hoàng thông qua việc kiến
lập các ngôi chùa Kim Quang Minh Tứ Thiên Vương Hộ Quốc Tự trên khắp cả nước.
Các bộ kinh Pháp hoa, Duy
Ma, Thắng Man, Nhân vương Bát-nhã, Kim quang minh mà các vị thiên hoàng quan
tâm đều đề cập đến sự hộ trì quốc gia và nhân dân, không chỉ hộ trì người bình
dân mà còn hộ trì giới thượng lưu, quốc chủ nếu họ có niềm tin vào Phật giáo.
Qua đó cho thấy, Nhật Bản ban đầu tiếp nhận Phật giáo là vì sự an bình và thịnh
vượng của quốc gia.
Thứ ba, thông qua Phật
giáo cầu nguyện cho gia tộc và cá nhân được bình an, sức khỏe.
Dụng Minh thiên hoàng khi lâm
bệnh đã truyền cho Suy Cổ và Thánh Đức xây chùa Pháp Lâm và đúc tượng Phật Dược
Sư và Bồ-tát Quan Âm thờ trong đó để cầu nguyện cho bệnh của ông sớm được tiêu
trừ. Đây là những ngôi chùa đầu tiên thờ tượng Dược Sư. Con trai của Tử Mã Đặt
Đấng (Shiba Dato) là An Bộ Đa Tu Nại (Kuratsuri) đã phát tâm xây
chùa để cầu nguyện Dụng Minh thiên hoàng sớm lành bệnh.
Việc
thờ Phật và Bồ-tát được nghĩ đem lại an thái cho con người lúc sống và độ cho
vong hồn người chết được hưởng hạnh phúc ở cõi Cực lạc. Bài minh trong chùa Pháp
Long là một minh chứng: “Thành tâm cầu nguyện đức Như Lai thì được hưởng sự
tế độ vô biên. Sinh thời thì vô bệnh, vô phiền, vô tai, vô họa, tuổi thọ tăng
trưởng. Khi mệnh chung thì được lên cõi Tịnh Độ, vĩnh tại Cực lạc.”
Điều này cho thấy Phật giáo đáp ứng được mong cầu của mọi người mà chưa có
tôn giáo nào trước đó làm được.
Thứ tư, giá trị văn hóa
của Phật giáo.
Thông qua Phật giáo, người
Nhật đã tiếp thu được nhiều lĩnh vực khác nhau từ Bách Tế, Trung Quốc, trong đó
có văn hóa, chính trị, kiến trúc, ngôn ngữ, và các lĩnh vực khác như may mặc,
thêu dệt, thư họa...
TÀI LIỆU THAM KHẢO