Vài nét về văn học Pāli

Vài nét về văn học Pāli

Vài nét về văn học Pāli

 

Văn học Pāli có giá trị rất lớn trong nền văn học Phật giáo. Giá trị này chính yếu nằm ở nơi những lời dạy thâm sâu nhưng cũng đầy thiết thực được lưu giữ trong đó. Việc nghiên cứu văn học Pāli là điều cần thiết, qua đó nhằm duy trì mạng mạch Phật pháp, vì giáo lý là chỗ nương tựa để tu tập, là bậc thầy cho hàng hậu học. Như vậy, văn học Pāli đóng vai trò quan trọng trong kho tàng văn học Phật giáo chứa đựng những tài liệu sớm nhất liên quan đến Bậc Đạo sư, đời sống những lời dạy của Ngài.

 Ngoài việc hiểu về cuộc đời Đức Phật và lời dạy của Ngài, thông qua văn học Pāli, chúng ta còn hiểu được đời sống văn hóa, xã hội, tôn giáo của Ấn Độ cổ xưa. Đặc biệt nhất là văn học Pāli được xem là nguồn văn học sớm nhất của Phật giáo và mang tính lịch sử rất cao. Đây là nền tảng cơ bản để tìm hiểu về Phật giáo nói chung và Phật giáo Thượng tọa bộ nói riêng. Nói chung, văn học Pāli đóng vai trò rất quan trọng ở những nước theo Phật giáo Theravāda và ảnh hưởng của nó rất sâu đậm.

Sơ lược về văn học Pāli

Trước khi tìm hiểu văn học Pāli, chúng ta cần biết Pāli có nghĩa là gì.

Trước hết, Pāli là thứ ngôn ngữ ghi chép kinh điển Phật giáo.”[1]

Theo ngài Buddhaghosa, Pāli là dùng để chỉ cho Chánh tạng, tức là những lời dạy của Đức Phật (Buddhavacana) của chư vị Thánh tăng thời Đức Phật[2].

Theo B.C. Law trong “A History of Pāli Literature[3], thuật ngữ “Pāli” là tên viết tắt của một ngôn ngữ, viết đầy đủ là Pāli-bhāsa, trong đó “Pāli” nghĩa là kinh điển và “bhāsa” nghĩa là ngôn ngữ.

Có nhiều ý kiến cho rằng ngôn ngữ mà Đức Phật sử dụng để thuyết giảng giáo lý được ghi lại trong Tam tạng văn điển là ngôn ngữ Pāli. Dựa vào truyền thống, ngài Buddhaghosa cho rằng ngôn ngữ chính của Tam tạng Pāli là ngôn ngữ của Ma-kiệt-đà (Maghada), “thứ ngôn ngữ mà chính Đức Bổn sư đã sử dụng”. “Windisch, M. Winternitz.... cũng chủ trương rằng nguồn gốc của Pāli là Ma-kiệt-đà (Maghada).”  Tuy nhiên, W.Geiger cho rằng “ngôn ngữ Pāli phải trải qua bốn giai đoạn phát triển để trở thành Tam tạng thánh điển. Bốn giai đoạn là:

- Ngôn ngữ văn vần hay kệ.

- Ngôn ngữ văn xuôi.

- Ngôn ngữ sử dụng trong hệ thống tục tạng.

- Ngôn ngữ thơ ca được tạo tác về sau[4].

Theo các nhà ngữ văn hiện đại, “Pāli là ngôn ngữ xưa nhất trong nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu trung đại.”

Như vậy, văn học Pāli là chỉ chung cho các tác phẩm được viết thành văn bản hoặc được truyền miệng bằng ngôn ngữ Pāli. Văn học Pāli truyền miệng là muốn nói đến Tam tạng kinh điển được truyền miệng từ thời Đức Phật đến thế kỷ I trước Tây lịch; còn văn học Pāli văn bản là các kinh sách được được lưu truyền dưới dạng văn bản từ sau thế kỷ I trước Tây lịch.

Sau khi khi việc đọc tụng kinh điển đi vào hệ thống, những lời dạy của Đức Phật được phân chia thành những nhóm chủ đề khác nhau như: Kinh, Luật và Luận. Về sau, văn học Pāli còn phát triển thêm và đã làm cho nền văn học này ngày càng phong phú. Ngày nay văn học Pāli gồm có: Chánh tạng (Kinh-Luật-Luận), tạp tạng, chú giải, phụ chú giải, các sử liệu Pāli, sách giản lục, các tác phẩm thi ca hậu thời, sách văn phạm Pāli và các tác phẩm về ngữ âm học, tu từ học, từ vựng Pāli.

Kết tập Tam tạng

Theo các tài liệu như Cullavagga, Dipavamsa, MahavamsaSamantapasadika, sau ba tháng từ thời điểm Đức Phật nhập Niết-bàn, các đệ tử của Ngài đã nhóm họp để kiết tập kinh điển. Có 500 vị Tỷ-kheo tham gia kỳ kiết tập này Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakassapa) vị chủ tọa, còn vua Ajatasattu (A-xà-thế) là người bảo trợ. Kỳ kiết tập được tổ chức tại hang Sattapanni (Thất Diệp), bên ngoài thành Vương Xá. Kỳ kiết tập này chính yếu trùng tụng lại những lời dạy của Đức Phật. Việc trùng tụng luật do Tôn giả Ưu Bà Ly đảm trách, còn việc trùng tụng kinh do Tôn giả A Nan thực hiện. Sau đó cả hội chúng kiểm chứng bằng việc đặt các câu hỏi.

Một trăm năm sau Đức Phật nhập Niết-bàn, đại hội kiết tập thứ hai được tổ chức và ngài Yasa làm chủ tọa. Kỳ kiết tập này có 700 vị Thánh tăng tham dự, được tổ chức tại thành Tỳ-xá-ly, được vua Kalasoka tài trợ. Sau kỳ đại hội này, Phật giáo chia làm hai bộ phái Thượng tọa bộ và Đại chúng Bộ.

Kỳ kiết tập thứ ba diễn ra khoảng 218 năm sau Đức Phật nhập diệt, do Trưởng lão Moggaliputta Tissa làm chủ tọa, có 10.000 vị Tăng tham dự. Kỳ kiết tập này được tổ chức Hoa Thị Thành (Pataliputta), do vua Asoka bảo trợ. Kết quả của kỳ đại hội này là Tam tạng được hình thành.

Sau ba kỳ kiết tập, Phật pháp được truyền sang Tích Lan và được biên chép thành văn bản trên lá bối vào cuối thế kỷ I trước Tây lịch ở kỳ kiết tập thứ tư. Theo M.Winternitz: “Chánh tạng kinh được sưu tập trong thời kỳ kết tập lần thứ ba do Mahinda mang đến Tích Lan và được ghi chép dưới thời vua Vattagāmani là khớp với Tam tạng Pāli mà hiện chúng ta đang có.[5] Sau đó, tạng thư Pāli dần được phát triển, mở rộng bởi sự góp sức của các luận sư, các nhà sớ giải Pāli.

Do tầm quan trọng của Tam tạng Pāli nên công tác nghiên cứu và chú giải về các vấn đề Phật học được lưu giữ trong đó ngày càng được chú ý đến. Bên cạnh đó cũng có những sáng tác, công trình ngữ pháp góp phần làm sáng tỏ ngôn ngữ Pāli. Tuy nhiên, sự xâm lăng của những người Tamil đã khiến cho các sinh hoạt của Phật giáo ở Tích Lan bị đe dọa, và chính trong hoàn cảnh này mà Tam tạng Phật giáo được chép thành văn bản, với mục đích duy trì Chánh pháp của Bậc Đạo ở một thể dạng bảo đảm hơn. Sự kiện giáo lý của Đức Phật chép ra thành văn bản đã đánh dấu một bước phát triển mới của Tăng-già Tích lan và cũng mở đường cho các hoạt động văn học ở đây.[6]

Tầm quan trọng của văn học Pāli

Tam tạng kinh điển bằng tiếng Pāli quan trọng đối với chúng ta bởi vì:

Thứ nhất, đó là một bộ sưu tập đầy đủ thuộc về một tông phái. Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự phát triển lịch sử giữa các phần khác nhau của tạng kinh, thì những kinh văn trong Tam tạng Pāli lại tương đối đồng nhất. Tính đồng nhất này thể hiện rõ trong bốn bộ Nikāya và những phần xưa nhất của bộ thứ năm (Tiểu bộ).

Thứ hai, “toàn bộ văn tạng Pāli được bảo tồn bởi thứ ngôn ngữ miền Trung Ấn- Aryan, thứ ngôn ngữ rất gần với ngôn ngữ mà Đức Phật đã nói. Chúng ta gọi thứ ngôn ngữ này là tiếng Pāli[7]. Như vậy, ngôn ngữ này phản ánh thế giới tư tưởng mà Đức Phật kế thừa từ nền văn hóa Ấn Độ rộng lớn, nơi Ngài sinh ra nhờ vậy ngôn từ của nền văn hóa ấy được diễn đạt tinh tế, chân thật không pha tạp bởi bất kỳ sự ảnh hưởng ngoại lai. Điều này phần nào khác với các bản dịch kinh ở những ngôn ngữ khác, đó ngôn từ dịch ít nhiều chịu ảnh hưởng những yếu tố ngoại lai.

Thứ ba, đây là tài liệu có thẩm quyền và đang được Tăng Ni các nước Phật giáo Nam tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia dùng làm cơ sở chính cho việc tìm hiểu lời dạy của Đức Phật. Văn học Pāli cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng về thể chế nhà nước, đời sống văn hóa, xã hội, tôn giáo và chính trị vào thời Đức Phật. Như vậy, văn học Pāli đóng vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu tư tưởng lịch sử Phật giáo Ấn Độ.

Như vậy, văn học Pāli là nguồn văn học Phật giáo vô cùng quan trọng. Điều này được thể hiện rõ qua một số nhận xét của các nhà nghiên cứu khi nhận định về văn học Pāli: Văn học Veda dẫn chúng ta vào các thời đại cổ xưa thời tiền sử, chỉ với văn học Phật giáo chúng ta mới thật sự đặt chân vào thời đại sáng sủa của lịch sử. Và chúng ta thấy rằng trong chừng mực nào đó màn đêm của các tài liệu Veda và sử thi Ấn Độ bị đẩy lùi bởi ánh sáng này.”[8] Hay nhà nghiên cứu H. Oldenberg cũng rất tin tưởng nguồn văn học Pāli. Ông nhận xét rằng: Pāli là nguồn tài liệu đáng chú ý và được xem trọng hơn bất kỳ nguồn tài liệu nào khác, nếu chúng ta muốn có được bất kỳ thông tin nào về Đức Phật và cuộc đời của Ngài.[9] Còn B.C.Law[10] cho rằng nguồn tài liệu văn học Pāli rất đa dạng và phong phú, có thể giúp ích rất lớn cho công tác nghiên cứu có hệ thống về lịch sử Ấn Độ cổ đại.

Những lời dạy của Đức Phật có tầm quan trọng rất đối với người đệ tử Phật. Hiểu được điều đó, chư Thánh đệ tử đã nỗ lực sắp xếp một cách có hệ thống những lời dạy của Ngài qua các lần kết tập kinh điển. Sau một thời gian dài truyền khẩu tại Ấn Độ và được truyền sang Tích Lan, Tam tạng Pāli được ghi chép lần đầu tiên trên lá bối. Tam tạng này được lưu giữ nguyên vẹn tại Đảo quốc Chánh pháp. Thái độ tôn trọng Chánh pháp của các Tăng sĩ Tích Lan cộng thêm vị trí địa lý của xứ sở này đã giúp cho toàn bộ giáo pháp của Đức Phật hầu như được gìn giữ nguyên vẹn không bị pha trộn. Chính vì thế mà ngày nay chúng ta có được nhiều tài liệu về Phật giáo Ấn Độ sơ khởi không mang sắc thái bản địa hóa Tích Lan. Về sau, Tam tạng Pāli lần lượt được truyền sang các nước Đông Nam Á, và tại Miến Điện, chư Tăng đã tổ chức hai kỳ kiết tập để trùng tụng lại Tam tạng Pāli. Tại những kỳ kiết tập này, Tam tạng được khắc trên 729 phiến đá tại Kuthodaw, và cũng được in thành sách bằng các ngôn ngữ Pāli, tiếng Myanmar, tiếng Anh.

 Phật giáo tại Ấn Độ đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng giáo pháp của Bậc Đạo sư vẫn luôn được giữ gìn và truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quốc độ này đến quốc độ khác, và ở nhiều nơi, Tam tạng Pāli đã trở thành di sản vô giá và là nền tảng trên đó người dân xây dựng đời sống. Ở Miến Điện cũng như ở Tích Lan ngày nay, các cuộc thi tụng và viết về Tam tạng vẫn được diễn ra, và văn học Pāli là nguồn văn học được coi trọng nhất ở những quốc gia này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Tăng chi bộ - Tập I. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2018.

2.      Châu, Thích Minh (dịch). Kinh Tương ưng bộ - Tập I. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2013.

3.      T-kheo Nguyên Giác (dịch). Giới thiệu văn học kinh điển Pāli. HCM: NXB.Phương Đông, 2011.

4.      Trần Như Mai (dịch), Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāli. Hà Nội: NXB.Hồng Đức, 2019.

5.      Thích Minh Tâm. Khảo cứu về văn học Pāli. HCM: NXB.Phương Đông, 2006.

6.      Thích Viên Trí. Ấn Độ Phật giáo sử luận. HCM: NXB.Phương Đông, 2009.

7.      Thích Thanh Kiểm. Lược sử Phật giáo Ấn Độ. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2014.

8.      Law, B. C. A History of Pāli Literrature. Delhi: Indological Book House, 1993.

9.      Winternitz, Maurice. History of Indian Literature, vol. II. Deli: Motilal Banarridass Publishers Pvt. Ltd, 1993.

10.  Oldenberg. H. Buddha: His life, His doctrine, His order. Delhi: Motilal Banarridass Publishers Private Limited, 1997.

11.  Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở. Văn học. Truy cập: 2:58 ngày 13/11/2020. https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%E1%BB%8Dc


 

 


 

[1] T-kheo Giác Nguyên (dịch), Giới thiệu văn học kinh điển Pāli (HCM: NXB.Phương Đông, 2011), tr.15.

[3] B.C.Law, A History of Pāli Literature (Deli: Indological Book House, 1983), tr.11.(The term Palibhasal or Pali language is a comparatively modern coinage).

[4] Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận (HCM: NXB.Phương Đông, 2009), tr.215.

[5] Maurice.Winternitz, History of Indian Literature, Voll II (Deli: Motilal Banarridass Publishers Pvt. Ltd, 1993), tr.10.

[6] Thích Tâm Minh, Khảo cứu về văn học Pāli (HCM: NXB Phương Đông, 2006), tr.45.

[8] Maurice Winternitz, History of Indian Literature, vol. II (Deli: Motilal Banarridass Publishers Pvt. Ltd, 1993), tr.3.

[9] H. Oldenberg, Buddha: His life, His doctrine, His order (Delhi: Motilal Banarridass Publishers Private Limited, 1997), tr.74. (It is to the Pali traditions we must go in preference to all other sources, if we desire to know whether any information is obtainable regarding Buddha and his life.)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác