Cuộc đời Tôn giả Angulimala qua kinh tạng Nikāya
Cuộc đời Tôn giả Angulimala qua
Cuộc đời Tôn giả Angulimala qua kinh tạng Nikāya
Trong kinh
Di giáo
Đức Phật dạy rằng,
ai có duyên được hóa độ, dù ở trên cõi trời hay trong loài người đều được Ngài hóa
độ. Người nào chưa có duyên hóa độ thì Đức Thế Tôn cũng tạo duyên hóa độ cho họ.
Chính vì vậy cho nên khi còn tại thế, Đức Phật đã hóa độ vô số người bằng nhiều
phương tiện khác nhau. Trong số các đệ tử của Ngài, có những vị đã chứng đắc
Thánh quả, như Trưởng lão Mahākassapa, Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão
Moggallāna... Ngoài ra có một nhân vật rất đặc biệt được Đức Phật hóa độ khi
Ngài còn trụ thế. Người này có thân phận rất kỳ đặc, nhưng nhờ nỗ lực tu tập đã
chứng đắc Thánh quả, đó là Tôn giả Angulimala.
Trong Nikāya, cuộc đời của Tôn giả Angulimala được khắc họa đầy đủ, từ lúc sinh
ra cho đến khi trở thành một tên cướp hung bạo khét tiếng, cuối cùng phát tâm
xuất gia và trở thành một trong những Thánh đệ tử của Đức Phật. Cuộc đời của Tôn
giả minh chứng cho câu nói “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Bài viết này
tìm hiểu về cuộc đời Tôn giả Angulimala dựa vào nguồn tư liệu chính là kinh tạng
Nikāya và một số sử liệu có liên quan.
Tôn giả Angulimala sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Mẹ của
ngài tên là Mantāni, còn thân phụ tên là Bhaggava, quốc sư của vua Pasenadi xứ
Kosala. Đêm ngài hạ sinh, tại thành Sāvatthī có một hiện tượng lạ xuất hiện,
được diễn tả trong kinh là:
“Các binh khí trong thành phố rực sáng, các binh giáp của vua cũng rực sáng”.
Điều này đã khiến cho vua Pasenadi cả đêm không ngủ được và sợ hãi. Sáng ra, nhà
vua truyền lệnh tập hợp các vị Bà-la-môn uyên bác để tiên đoán về sự kiện này,
trong số họ có Bà-la-môn Bhaggava. Hội đồng tiên đoán cùng đưa ra ý kiến chung
rằng, đứa bé nào sinh ra vào thời khắc chiến cụ phát sáng đêm qua sẽ mang lại
tai họa cho quốc gia, do đó cần phải tước đoạt mạng sống của nó. Nhưng vua
Pasenadi không cho giết đứa bé này vì nghĩ rằng đứa trẻ kia vừa mới chào đời,
vốn không có tội tình gì đáng bị giết chết.
Sau khi Bà-la-môn Bhaggava về nhà, ông biết đứa bé sinh hôm qua chính là con
mình. Người cha Bhaggava ngậm ngùi nhìn đứa con bé bỏng và tự hỏi: “Nó sẽ là mầm
họa quốc gia hay sao?” Và trong thâm tâm ông vẫn không tin được đứa bé khôi ngôi
bụ bẫm này lớn lên sẽ trở thành mối nguy hại của đất nước. Vốn là một Bà-la-môn
trí thức, ông tin rằng với sự giáo dục của mình đứa bé này sẽ trở thành một
người tốt và không làm hại ai. Cuối cùng, ông đặt tên cho con trai mình là
Ahimsaka (Bất hại), hy vọng với tên gọi như vậy con mình lớn lên sẽ làm điều tốt
đẹp cho xã hội.
Ahimsaka lớn lên trong sự giáo dưỡng nghiêm khắc của cha và lòng yêu thương của
mẹ. Đến tuổi đi học, chàng được phụ thân cho đi học với các vị Bà-la-môn ở
Takkasila, nơi đào tạo nên những quốc vương hiền minh, các nhà lãnh đạo tài ba.
Ahimsaka càng lớn càng đẹp trai, không những thế còn văn võ song toàn, học đâu
nhớ đó, chữ nghĩa thông suốt vượt trội các bạn đồng lứa. Ahimsaka luôn tuân thủ
mọi lễ nghi và phép tắc, và cũng nhiệt thành trong việc hầu hạ người thầy cùng
vợ của ông, vì vậy chàng được hai người này yêu quý và thường ăn chung với họ.
Mặt khác, người vợ của thầy giáo còn đem lòng mến thương chàng một cách sâu đậm.
Khi thấy sự ưu ái mà gia đình thầy dành cho Ahimsaka, các thanh niên Bà-la-môn
đồng học sinh lòng ganh tỵ cho nên đã bày mưu tính kế ly gián thầy trò họ, xúi
dục người thầy hãm hại Ahimsaka. Sau nhiều lần nghe những gì các học trò nói, và
nhân một hôm khi trở về nhà đã nhìn thấy Ahimsaka có hành động quá ư thân thiết
với vợ mình, người thầy cảm thấy bực bội, lòng ghen tức nổi lên và quyết định
đuổi Ahimsaka đi, bảo chớ bao giờ quay trở lại. Ahimsaka cảm thấy vô cùng đau
khổ. Theo luật Bà-la-môn, thầy đuổi thì trò phải đi, và Ahimsaka vì thế đã trở
về nhà. Thế nhưng ông Bhaggava vốn rất nghiêm khắc, và vì nghĩ rằng con trai
mình đã đánh mất truyền thống gia đình nên y theo phép tắc không cho Ahimsaka ở
lại nhà. Người mẹ Mantāni thương con nên ngăn cản chồng nhưng không được. Vì thế
Ahimsaka buộc phải rời nhà ra đi.
Lòng tức tối, phẫn nộ luôn bám lấy tâm trí Ahimsaka. Chàng trai lang thang trong
đói khát và cuối cùng đã trú lại trong khu rừng Jālinī ở Kosala. Nhân khi ấy, có
một đoàn thương buôn dừng chân nghỉ ngơi và nướng bánh bên vệ đường. Dù bụng rất
đói nhưng vì nghĩ mình thuộc giai cấp cao nên chàng tự ái không xin. Những
thương gia thấy vậy thì thương hại, bèn ném bánh cho chàng như thể ném thức ăn
cho chó. Ngay lúc ấy, lòng sân hận khởi lên, Ahimsaka với võ nghệ siêu xuất đã
ra tay hạ gục đoàn thương buôn, cướp lấy thức ăn. Và sau việc làm này, chàng
trai nghĩ rằng:
“Đây là cách sống của ta và ta sẽ tồn tại bằng cách này”. Không chỉ lấy thức ăn,
vì muốn để lại chiến tích, chàng trai còn chặt lấy ngón tay của các thương gia
xâu lại thành chuỗi, làm thành vòng hoa đeo nơi cổ. Kể từ đó, Ahimsaka trở thành
một tên cướp chuyên nghiệp. Do vì ông đeo chiếc vòng bằng xương ngón tay người,
cho nên người ta gọi ông là Angulimala (Angulimala có nghĩa là vòng hoa làm bằng
ngón tay người).
Sự việc này làm náo động kinh thành Sāvatthī, và một nhóm bô lão đại diện dân
chúng đã đến yết kiến vua Pasenadi, tâu
với vua rằng trong quốc độ vừa xuất hiện tên cướp sát nhân tên Angulimala gây
nhiều tổn hại cho dân chúng.
Thế rồi vua Pasenadi nước Kosala thân chinh dẫn một đoàn quân gồm năm trăm binh
mã ra khỏi thành tìm diệt Angulimala. Dân ở kinh thành ai nấy đều bàn tán xôn
xao. Biết đây là con của mình, bà Mantāni vội khuyên chồng nên đi bảo vệ con,
nhưng người chồng từ chối:
“Tôi cũng đau xót lắm nhưng việc cứu con tôi không thể, xin phu nhân tha thứ cho
tôi”.
Dù Angulimala là kẻ sát nhân nhưng trong trái tim người mẹ ông chỉ là đứa bé
ngây thơ, nhỏ dại, đáng thương. Chính điều đó đã thôi thúc bà Mantāni soạn sửa
đồ lương thực và lặn lội đi tìm con.
Đứng ở trên cao, Angulimala nhìn thấy một người phụ nữ đang đi tới và nhận ra đó
là mẹ của mình. Mặc dù thù hận cuộc đời, thù hận thầy và gia đình, nhưng ông vẫn
rất nhớ mẹ. Khi hai mẹ con gặp nhau, bà Mantāni khuyên con từ bỏ lối sống bất
thiện này nhưng ông không chấp nhận.
Người mẹ chỉ biết khóc mà không biết phải làm gì.
Mỗi ngày, Đức Phật đều nhập định quán sát xem có chúng sinh hữu duyên nào cần
hóa độ hay không. Ngài thấy Angulimala và biết rằng duyên lành của Angulimala đã
đến. Sau khi khất thực ở Sāvatthī, Ngài đi trên con đường dẫn đến rừng Jālinī,
dẫu có nhiều người ngăn cản. Từ xa, Angulimala thấy Đức Phật xuất hiện và muốn
minh chứng cho mẹ mình thấy là ông giết người rất nhanh. Thế là ông bèn cầm dao
rượt theo Đức Phật. Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng thần lực khiến cho Angulimala dù đi
với tất cả tốc lực vẫn không thể nào đuổi kịp được Ngài đang đi với tốc lực bình
thường. Angulimala đuối sức, dừng chân lại và yêu cầu Phật đứng lại:
“Hãy đứng lại, Sa-môn! Hãy đứng lại, Sa-môn.”
Đức Phật vẫn nhẹ nhàng bước đi với tâm thái ung dung. Cất giọng Phạm âm, Ngài
trả lời:
“Ta đã đứng rồi, này Aṅgulimāla!
Và Ngươi hãy đứng lại!...
Angulimala,
Ta đã đứng rồi. Với mọi chúng sinh, Ta bỏ trượng, kiếm, còn ngươi hữu tình,
không tự kiềm chế. Do vậy, Ta đứng, còn ngươi chưa dừng.”
Câu trả lời của Đức Phật đã khiến cho Angulimala giật mình. Mặc dù là một tên
cướp hung bạo, tàn ác, nhưng trong tận đáy lòng của Angulimala vẫn muốn làm
người lương thiện, muốn quay về với xã hội. Vốn là người có học thức, Angulimala
nhớ lại những gì được nghe về Đức Phật. Quả thật, không thể tìm được hạnh phúc
bằng hành động sát hại chúng sinh, vì sát hại chỉ gây nên sợ hãi, thù hận và đau
khổ. Chỉ có những hành động từ bi, trái tim yêu thương, cứu khổ, tha thứ cho lỗi
lầm của người khác mới có thể đem lại hạnh phúc cho mình. Ngay lúc ấy, niềm hoan
hỷ bắt đầu thấm nhuần toàn thân. Biết đây là Sa-môn Gotama đến để cứu độ mình,
Angulimala liền tán thán Đức Phật:
“Đã lâu con tôn kính,
Bậc vĩ đại Tiên nhân,
Nay bậc Sa-môn này,
Đã bước vào Đại lâm,
Con nay sẽ sẵn sàng,
Từ bỏ ngàn điều ác,
Sau khi nghe kệ Ngài,
Liên hệ đến Chánh pháp”.
Sau khi nói xong, Angulimala liền vứt bỏ kiếm, bẻ cung tên, quăng bỏ khí giới
xuống vực sâu, rồi sụp xuống đảnh lễ dưới chân Phật và phát nguyện xuất gia làm
đệ tử Ngài. Đức Thế Tôn với lòng từ bi đã hoan hỷ chấp nhận Angulimala làm đệ tử.
Từ một tên cướp hung bạo, Angulimala giờ đây mình khoác cà-sa, theo Đức Phật
quay trở về tịnh xá Jetavana.
Cũng khoảng thời gian ấy, vua Pasenadi nước Kosala dẫn quân đi tìm diệt
Angulimala. Đức Như Lai biết rằng hôm nay nhà vua sẽ đến đây nên bèn sai
Angulimala ngồi thiền nơi con đường dẫn vào hương thất. Trên đường đi vào tinh
xá, vua thấy một vị Sa-môn ngồi điềm tĩnh, an nhiên. Vì lòng tôn kính hàng
Sa-môn nên nhà vua bèn lễ lạy. Lạy xong, vua Pasenadi tiếp tục đi vào gặp Đức
Phật và quỳ xuống đảnh lễ, rồi sau đó ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi nguyên
do gì khiến vua cầm quân tảo phạt, và sau khi nghe vua Pasenadi trình bày lý do,
Ngài nói rằng:
“Thưa Đại vương, nếu Đại vương được thấy Angulimala cạo bỏ râu tóc, đắp áo
cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy
của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống phạm hạnh, giữ giới,
hành trì thiện pháp, đại vương sẽ làm gì với Angulimala?”.
Vua Pasenadi khi nghe như vậy thì nói rằng ông sẵn sàng đảnh lễ, cúng dường y
áo, vật thực, thuốc men, hộ trì đúng pháp nếu thật sự Angulimala đã rời bỏ cấu
trần, xuất gia giữ giới của Đức Thế Tôn. Lúc ấy, Đức Phật chỉ vị Sa-môn trang
nghiêm mà lúc nãy nhà vua lễ lạy và nói với ông rằng đó chính là Tôn giả
Angulimala, một vị Tỷ-kheo đang sống đời sống hướng thượng, phạm hạnh, giới đức
trang nghiêm.
Khi nghe như vậy, vua Pasenadi vô cùng kinh hãi, lông tóc dựng ngược. Nhưng sau
khi được Đức Phật trấn an, nhà vua thở phào nhẹ nhõm, nhìn Angulimala một hồi
lâu rồi đến bên Tôn giả, xác minh về nguồn gốc gia đình và phát nguyện hộ trì
Tôn giả. Trước khi từ giã, vua Pasenadi khen ngợi Tôn giả Angulimala và thán
phục về hạnh giáo hóa của Đức Thế Tôn:
“Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn!... Bạch Thế
Tôn, đối với người con không thể nhiếp phục với gậy, với kiếm, Thế Tôn đã có thể
nhiếp phục được, với không gậy, không kiếm”.
Sau đó, vua cùng binh lính trở về lại kinh thành.
Một buổi sáng nọ, trong khi đi khất thực tại thành Sāvatthī, Tôn giả Angulima đã
gặp một phụ nữ khó sinh nở, tính mạng rất nguy kịch. Thọ thực xong, Tôn giả
Angulimala trở về hương thất của Đức Thế Tôn, đảnh lễ và bạch sự việc đó lên
Ngài. Đức Phật bèn bảo Tôn giả đến nói với người phụ nữ kia rằng,
“Này chị, vì rằng tôi từ khi sinh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của
chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, chị được an toàn, và sinh đẻ được an
toàn!”.
Nhưng Tôn giả vô cùng bối rối, vì nếu theo như lời Đức Như Lai chỉ dạy thì ngài
phạm tội nói dối, vì trước đó ngài đã giết hại rất nhiều chúng sinh. Đức Phật
biết vậy, liền nói với ngài hãy đi đến người đàn bà khó sinh ấy phát lời nguyện
chân thật:
“Này chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sinh đến này chưa bao giờ cố ý giết hại
mạng sống của chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, chị được an toàn và sinh đẻ
được an toàn!”.
Vâng lời Đức Phật dạy, Tôn giả đi đến Sāvatthī và đem lời ấy nói với người phụ
nữ kia, và chính sự thật ấy đã giúp người phụ nữ khó sinh nở bỗng nhiên sinh con
được dễ dàng.
Tôn giả Angulimala sống một mình, không phóng dật, hằng ngày tinh tấn ngồi
thiền, quán tưởng về Tứ niệm xứ, và như vậy không lâu sau đó ngài đã chứng đắc
quả vị A-la-hán. Với niềm hỷ lạc vô biên, ngài thốt lên lời rằng:
“Ai trước sống phóng dật,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.
Ai trước làm nghiệp ác,
Nay lấy thiện chận lại,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.
Ai Tỷ-kheo còn trẻ,
Chuyên tâm hành Phật dạy,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.”
Mặc dù đã chứng đắc Thánh quả nhưng nghiệp quá khứ của ngài không mất và Tôn giả
vẫn phải chịu quả báo. Kinh sách thuật lại rằng, một hôm khi đi khất thực, những
viên đá, những khúc cây người ta ném vô tình đã rơi trúng thân ngài. Thêm nữa,
những người mất thân nhân hoặc những người trong đoàn thương buôn trước kia bị
Tôn giả giết hụt, nay nhớ mặt nên đã dùng gậy đánh đập ngài, khiến cho đầu ngài
chảy máu, thân hình bầm dập, bình bát bị bể, y áo bị rách. Tôn giả Angulimala
vẫn giữ chánh niệm và gắng về đến tịnh xá Jetavana. Đức Thế Tôn thấy vậy bèn
khuyên Tôn giả Angulimala rằng:
“Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái
ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa
ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm.”.
Tôn giả Angulimala hoan hỷ tín nhận lời Phật dạy và ngay trong đêm ấy ngài nhập
Niết-bàn. Trước lúc qua đời, ngài phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh bằng
lời kệ:
“Mong rằng kẻ thù ta
Được nghe lời Chánh pháp,
Mong rằng kẻ thù ta
Chuyên tâm lời Phật dạy,
Mong rằng kẻ thù ta
Thân cận với những người
Đã đạt được an tịnh,
Sống thọ trì Chánh pháp.”
Rồi trong lúc cảm thọ an lạc giải thoát, ngay trong lúc ấy Tôn giả Angulimala
nói lên lời cảm khái:
“Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.
Ta được tên Vô Hại,
Trước có tên Làm Hại,
Nay ta tên Chân Thật,
Ta không hại một ai.
Trước ta là tên cướp,
Lừng danh 'vòng ngón tay',
Chìm đắm dòng nước lớn,
Cho đến khi quy Phật.
Trước tay ta
lấm máu,
Lừng danh, ‘vòng ngón tay,’
Hãy xem, ta quy y,
Nhổ lên gốc tái sinh.”
Như vậy, cuộc đời của Tôn giả Angulimala thật sự đặc biệt. Tuy trước đó do không
làm chủ được thân tâm nên ngài đã tự mình tạo các ác nghiệp, nhưng với lòng từ
bi giáo hóa của Đức Phật cộng với sự tỉnh giác, biết nhìn lại, biết quay đầu
hướng thượng nên Tôn giả từ một tên cướp sát nhân đã trở thành một bậc Thánh.
Qua đó, cuộc đời Tôn giả Angulimala đã đem đến cho người học Phật một bài học ý
nghĩa về việc thực hành lời Phật dạy.
Tài Liệu Tham Khảo
-
Thích Minh Châu (dịch),
Kinh Trung bộ tập II,
NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2017.
-
Thích Minh Châu (dịch),
Kinh Tiểu bộ tập II,
NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2017.
-
Thích Minh Châu (dịch),
Kinh Tiểu bộ tập III,
NXB.Tôn Giáo, Tp.HCM, 2017.
-
Thích Minh Châu (dịch),
Kinh Tiểu bộ tập IV,
NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2017.
-
Thích Minh Châu (dịch),
Kinh Tiểu bộ tập V,
NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2017.
-
Thích Minh Châu (dịch),
Kinh Tiểu bộ tập VI,
NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2017.
-
Thích Quảng Độ,
Phật Quang Đại từ điển,
NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2014.
-
Minh Đức Triều Tâm Ảnh,
Ngàn xưa hương bối,
NXB.Văn Học, TP.Huế, 2015.
-
Minh Đức Triều Tâm Ảnh,
Đức Phật Sakya Gotama,
NXB.Văn Học, TP.Huế, 2017.
-
Minh Đức Triều Tâm Ảnh,
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt tập 5,
NXB.Văn Học, TP.HCM, 2014.
-
Thích Nhất Hạnh,
Đường xưa mây trắng,
NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
-
Trần Hữu Danh,
Sự tích & Triết lý Đức Phật Thích Ca,
NXB.Văn Hóa -Văn Nghệ, TP.HCM, 2019.
-
Hellmuth Hecker, Nguyễn Điều (dịch),
Kiều Trần Như & những Thánh Tăng khác,
NXB. Phương Đông, TP.HCM, 2013.