Bậc chân nhân giữa cuộc đời

bac chan nhan

BẬC CHÂN NHÂN GIỮA CUỘC ĐỜI

                                                                     Thích Thiện Mãn[*]

           

Đừng làm kẻ vô văn phàm phu, ngu si tà kiến, phá hoại chánh pháp để rồi cứ mãi đắm mình trong biển ái ngàn trùng, gây tạo bao điều bất thiện, khổ mình và người trong hiện tại và mai sau. Hãy là người Hiền trí, bậc Chân nhân, tướng quân trong Chánh pháp, nỗ lực thực hành các thiện pháp, thanh tịnh hóa ba nghiệp, rải năng lượng từ tâm biến mãn khắp muôn phương.

Hương các loại hoa thơm

Không ngược bay chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay.
Chỉ có bậc Chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời[1].

            Vậy thế nào là bậc Chân nhân? Pháp hành như thế nào? Lợi ích gì từ việc thân cận họ để tu học?

Khái niệm về bậc Chân nhân

Trong kinh Hiền ngu, Đức Phật dạy các hàng đệ tử rằng do vì người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, nên họ không phải là bậc Chân nhân. Bậc Chân nhân là người luôn tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ và hành các thiện hành, nghĩ rằng: "Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi"[2]. Cho nên, bậc Hiền trí hay bậc Chân nhân tự mình xử sự không như người mất gốc, có sinh lực, không có tội (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp và tri kiến), không bị người trí quở trách, tạo nhiều phước đức.

Người không chân chánh thì thường giao du với bạn xấu ác, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không thanh tịnh, không có lòng tin, không có xấu hổ, không có sợ hãi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ, bố thí không chân chánh. Nếu họ biết ăn năn cải hối, tu học Chánh pháp thì cũng sẽ được thành tựu đạo quả, điển hình như tướng cướp hung bạo Angulimāla sau xuất gia theo Phật đã "từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, giữ giới, hành trì thiện pháp" khiến vua Pāsenadi (nước Kosala) từ truy bắt chuyển sang cung kính và không truy bắt nữa. Đồng thời Tôn giả Angulimāla cũng đã cầu nguyện cho người phụ nữ đang sinh đẻ ở Sāvatthī rằng: "Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sinh đến này chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn và sinh đẻ được an toàn!". Về sau, Tôn giả nhiệt tâm tinh cần tu tập, chứng ngộ thắng trí, chứng đắc A-la-hán và an trú ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh.

Bậc Chân nhân là người trí sáng suốt, thực hành chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát[3]. Họ như lý tác ý (tán thán người đáng được tán thán và chỉ trích người đáng bị chỉ trích; tự cảm thấy không tin tưởng đối với các chỗ không đáng tin tưởng và tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng,…) để không bị thương tích, không phạm tội, không bị người trí quở trách[4]. Họ sống đời phạm hạnh, có tín tâm, đa văn[5], nhiệt tình và tôn kính người khác, chân thật không phóng dật, thoát khỏi mọi chấp thủ. Vị ấy nhiếp mình trong diệu pháp của Thế Tôn, biết tàm quý, tâm luôn an lạc tịch tịnh và không còn sầu khổ oán hận[6].

Pháp hành của bậc Chân nhân

Về trì giới, bậc Chân nhân tự mình từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men; ngoài ra còn khích lệ người khác từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men nấu[7]. Bậc Chân nhân luôn khuyến tấn người khác thực hành giới luật, sống đức hạnh, và an trú trong các pháp thiện pháp để thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh và ý thanh tịnh.

Về bố thí, những ai thực hành bố thí thiếu cung kính, thiếu suy nghĩ, không tự tay mình làm, bố thí những đồ vật quăng bỏ và thực hành không nghĩ đến tương lai thì việc làm đó không xứng đáng bậc Chân nhân[8]. Ngược lại, bậc Chân nhân dùng lòng tịnh tín của mình mà hoan hỷ đem tài vật trong sạch, thù diệu, thích ứng mà cho đúng thời, cẩn thận cung kính và thường xuyên không hối tiếc[9]. Tài sản của vị Chân nhân nếu được thọ dụng chân chánh thì không bị năm nạn: vua chúa cướp đoạt, kẻ gian trộm cắp, lửa đốt, nước cuốn trôi, con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Chính vì thế, bậc Chân nhân luôn nỗ lực tuệ tri:

Tăng trưởng với tín, giới,
Với tuệ, thí, nghe nhiều,
Vị Chân nhân quán sát,
Tự thân được kiên cố[10].

Về tán thán, Đức Phật dạy có bốn hạng không phải bậc chân nhân: Thứ nhất, hạng không bao giờ nói lời tán thán người khác. Thứ hai, hạng tán thán người khác không đầy đủ, dè dặt và ngập ngừng; đôi khi được hỏi hay không được hỏi thì cũng không nói lên lời tán thán người khác. Thứ ba, hạng nói lên lời không tán thán về mình một cách dè dặt và ngập ngừng, không đầy đủ, dù cho được hỏi hay không được hỏi. Thứ tư, hạng khi được hỏi thì nói lời tán thán đầy đủ về mình một cách không dè dặt và ngập ngừng, dù cho không được hỏi hay được hỏi thì cũng nói lời tán thán về mình. Ngược lại, bậc chân nhân là người không nói lời tán thán về mình mà luôn nói lời tán thán người khác một cách không dè dặt và ngập ngừng, nhưng nếu có tán thán về mình hay không tán thán người khác thì dè dặt và ngập ngừng không toàn bộ vậy[11].

Về tác ý, Đức Phật dạy rằng có hai hạng người: Hạng Chân nhân pháp và hạng phi Chân nhân pháp. Thế nào là phi Chân nhân pháp? Đó là hạng tự cho mình hơn các vị Tỷ-kheo khác về xuất thân (cao sang, quý phái), về danh tiếng, về thọ nhận cúng dường, về nghe nhiều, về việc trì luật, về thuyết pháp, về đời sống ẩn dật núi rừng hay sống dưới gốc cây, về hạnh khất thực, về y phấn tảo, về ngồi ăn một lần, về chứng các quả của Tứ thiền và cõi Vô sắc[12]. Chính bởi vì "Ái đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái"[13] khiến cho năm điều bất thiện "Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thuỵ miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái"[14] khuấy đục tâm tu tập của hành giả. Người nào hướng tâm đoạn trừ tham pháp, sân pháp, si pháp, lấy đạo lộ (bát chánh đạo) làm chánh yếu, như lý tác ý thì người ấy sẽ không tác khởi những ý niệm sai lầm như hạng phi Chân nhân pháp. Đối với chư Tăng Ni, họ thành tâm thiết trí phẩm vật cúng dường hướng thượng, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới[15].

Về biết ơn và nhớ ơn, người độc ác nói riêng và hạng không phải Chân nhân nói chung sẽ không biết ơn và nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, hay những thiện nhân thì sẽ luôn biết ơn và nhớ ơn. Tiêu biểu như bậc Chân nhân không những săn sóc cha mẹ về ăn mặc, bệnh tật, ngủ nghỉ... mà còn khuyến tấn cha mẹ phát khởi niềm tin với Tam bảo, an trú thiện giới, hỷ tâm bố thí cúng dường và tu tập trí tuệ[16].

Lợi ích của việc thân cận các bậc Chân nhân để tu học

Một trận mưa tuôn xuống thấm nhuần các cỏ cây, vạn vật, và làm lợi ích cho con người. Cũng vậy, bậc Chân nhân có được tài sản lớn, sẽ đem lại an lạc cho mình, cho người thân (cha mẹ, vợ con…) và người khác (người phục vụ, người làm công, bạn bè thân hữu…). Có nhiều kẻ tà tâm và ác tính, thấy mình thua thiệt nên khởi tâm ganh ghét và phỉ báng bậc Chân nhân để rồi đọa lạc trong địa ngục đau khổ vô cùng[17].

Bậc Chân nhân thì không như thế! Họ không những tự mình có đủ lòng tin, biết tàm quý, đa văn, siêng năng tinh cần, chánh niệm tỉnh giác và có trí tuệ mà còn khích lệ người khác cũng được đầy đủ như họ[18]. Chính vì thế, hành giả tu tập cần phải thân cận các vị Chân nhân, lắng nghe diệu pháp để niềm tin được tròn đầy. Bởi vì:

"…Lòng tin được viên mãn thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn chế ngự được viên mãn thời làm viên mãn ba thiện hành; ba thiện hành được viên mãn thời làm viên mãn bốn niệm xứ; bốn niệm xứ được viên mãn thời làm viên mãn bảy giác chi; bảy giác chi được viên mãn thời làm viên mãn minh giải thoát"[19].

Nếu hành giả không tu học và thuần thục pháp của các bậc Chân nhân mà tự thực hành quán chiếu năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thì đánh mất bản thân[20]. Khi đó, họ xa lìa Chánh pháp, để mình trôi lăn trong vòng xoáy các pháp hiện tại. Nhận thức được khổ đau, quyết tâm quay về nương tựa và thân cận các bậc Chân nhân để tu học giáo pháp thì con đường tu học của hành giả đó sẽ tăng trưởng dần nhờ Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, và Thánh giải thoát[21].   

Tóm lại, sống và thân cận tu học với bậc Chân nhân là chân hạnh phúc. Ở nơi họ thành tựu niềm tin bất động đối với Tam bảo và giới luật, ba nghiệp thanh tịnh, tinh tấn thực hành các thiện pháp và dứt trừ ác pháp, làm gương cho ta noi theo tu học. Họ luôn khuyến tấn người khác tu tập các thiện pháp, hướng đến hoàn thiện đạo đức tự thân, xây dựng gia đình và xã hội hạnh phúc, bình yên và thịnh trị, tạo nhân giải thoát cho mai sau. Chính vì thế, mỗi hành giả tu học cần phải nhiếp niệm tu tập:

Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy[22].

 


 

* Học viên cao học Phật giáo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. 


 

CHÚ THÍCH

 

[1] ĐTKVNNT, kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Pháp cú, phẩm Hoa, bài kệ số 54, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.49.

[2] ĐTKVNNT, kinh Trung bộ, tập 2, kinh Hiền ngu, NXB.Tôn Giáo, HN, 2017, tr.496.

[3] ĐTKVNNT, kinh Tương ưng bộ, tập 5: Đại phẩm, chương 1: Tương ưng đạo, phẩm Tà tánh, kinh Không phải Chân nhân (số 2), NXB. Tôn giáo, HN, 2018, tr.452.

[4] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Hai pháp, phẩm Hy cầu, kinh Hy cầu, NXB.Tôn giáo, HN, 2018, tr.125.

[5] ĐTKVNNT, kinh Trung bộ, tập 2, Tiểu kinh mãn nguyệt, NXB.Tôn Giáo, HN, 2017, tr.347.

[6] ĐTKVNNT, kinh Trung bộ, tập 2, kinh Thiên sứ, NXB.Tôn Giáo, HN, 2017, tr.517.

[7] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Năm pháp, phẩm Bậc Chơn nhân, kinh Các học pháp, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.569-70.

[8] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Năm pháp, phẩm Tikandaki, kinh Bố thí không xứng đáng bậc Chân nhân, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.760.

[9] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Tám pháp, phẩm Bố thí, kinh Người chân nhân 1, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.358.

[10] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Năm pháp, phẩm Tưởng, kinh Tăng trưởng, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.680.

[11] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Không hý luận, kinh Bậc chân nhân, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.422-23.

[12] ĐTKVNNT, kinh Trung bộ, tập 1, kinh Chân nhân, NXB.Tôn Giáo, HN, 2017, tr.365-72.

[13] ĐTKVNNT, kinh Tương ưng bộ, tập 5: Đại phẩm, chương 12: Tương ưng sự thật, phẩm Chyển Pháp luân, kinh Như Lai thuyết, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.783.

[14] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Năm pháp, phẩm Triền cái, kinh Đống, NXB.Tôn giáo, HN, 2018, tr.665.

[15] ĐTKVNNT, kinh Tương ưng bộ, tập 1: Thiên có kệ, chương 3: Tương ưng Kosala, kinh Không con (số 1), NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.160.

[16] ĐTKVNNT, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, Kinh Đất, NXB. Tôn Giáo, HN, 2018, tr.98-99.

[17] ĐTKVNNT, kinh Tiểu Bộ, tập 2, chuyện Ngạ quỷ, phẩm 4: Đại phẩm, Chuyện thứ ba: Quỷ thần Nankada, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.165.

[18] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Bậc Chân nhân, kinh Người có lòng tin, NXB. Tôn Giáo, HN, 2018, tr.570.

[19] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 2, chương Mười pháp, phẩm Song đôi, kinh Hữu ái, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.614.

[20] ĐTKVNNT, kinh Trung bộ, tập 2, kinh Nhất dạ hiền giả, NXB.Tôn giáo, HN, 2017, tr.521.

[21] ĐTKVNNT, kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp, kinh Các lợi ích nhờ bậc Chân nhân, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.587.

[22] ĐTKVNNT, kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Pháp cú, phẩm Phật-đà, kệ số 183, NXB.Tôn Giáo, HN, 2018, tr.68.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle