Một số điểm tương đồng và dị biệt về nghiệp giữa Kỳ na giáo và Phật giáo

MỘT SỐ ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆ

MỘT SỐ ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT VỀ NGHIỆP

GIỮA KỲ-NA GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Trung Thiện

 

Những suy nghiệm về bản ngã con người được người Ấn quan tâm từ rất sớm. Đứng trước sự bao la của đất trời, con người cảm nghiệm sự nhỏ bé mong manh của thân phận. Những suy tư về sự sống và cái chết, hạnh phúc và khổ đau, đời này và đời sau, về mục đích tối hậu của con người... luôn ngự trị, thôi thúc họ tìm đến những chân tri, mong cầu những giải pháp để giải thoát. Chủ trương về nghiệp được các nhà tôn giáo xây dựng nên nhằm đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề này.

Danh từ nghiệp (karma) được đề cập nhiều trong các luận giải về tư tưởng triết học và tôn giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, chúng ta khó tìm thấy trong tôn giáo Veda cổ đại khái niệm nghiệp hay nghiệp báo như được hiểu kể từ thời xuất hiện của Phật giáo. Đến khi xuất hiện các Upanishad dưới dạng văn bảný niệm về nghiệp mới được xác lập như một học thuyết liên hệ đến tái sinh và giải thoát. Song, đó chỉ là manh nha ý tưởng về một đấng Phạm thiên hữu ngã, chưa có ý niệm gì về luân hồi, về nghiệp hay nghiệp quả.

Đến giai đoạn Kỳ-na giáo (Jainism) và Phật giáo, học thuyết về nghiệp được hình thành rõ rệt. Kỳ-na giáo chủ trương không phát triển thành hệ thống một học thuyết siêu hình. Thay vào đó, họ xây dựng một hệ thống triết lý không những khẳng định giá trị đạo đức của nghiệp mà còn vạch ra con đường giải thoát khỏi nghiệp bằng thiền định, niềm tin, sự nhận thức và trạng thái đúng đắn hoàn hảo. Khổ hạnh cũng là một phương pháp giúp họ thoát khỏi những ràng buộc của thân thể, vật chất. Phật giáo chọn cho mình một hướng đi khác. Đó là sự chứng nghiệm những tư tưởng về nghiệp bằng thực nghiệm, bằng thuần túy kinh nghiệm ở nội tâm mình thay vì suy luận. Tuy nhiên, những quan điểm và nhận thức về nghiệp của Kỳ-na giáo và Phật giáo không dừng lại ở đó mà còn phát triển trên nhiều phương diện, tạo nên những giá trị riêng của mỗi tôn giáo này.

Tài liệu chính được sử dụng để làm rõ những quan điểm về nghiệp của Kỳ-na giáo trong bài viết này chủ yếu trích dẫn từ Tattārthādhigama Sūtra[1] (Kinh Những phạm trù nhận thức) là một trong ba bản kinh chính yếu nhất của Kỳ-na giáo. Hai cuốn còn lại là SyadvādamānjarīSiddhaena Divākara anmati - Tarka. Trong đó, Syadvā-damānjarī chú giải về ba mươi hai đoạn thơ trong tác phẩm Aryayoga-vyavaccheda-dvātrimsikā của nhà thông thái Kỳ-na giáo, Hemacandra (1088-1172). Syadvādamānjarī được xem như một phần kinh điển gốc của Kỳ-na bởi tính giá trị của nó trong việc giải thích cơ sở của những học thuyết logic cơ bản của tôn giáo này.

Chủ trương đấng Sáng tạo

Kỳ-na giáo và Phật giáo xuất hiện khi nền tảng triết lý Veda với việc thờ cúng các hiện tượng tự nhiên của nó không còn hấp dẫn như ở thời k đầu. Giai cấp Bà-la-môn đang dần đánh mất nhiều uy thế của mình, những tầng lớp trí thức không còn thỏa mãn với những niềm tin tôn giáo thô sơ bên ngoài mà chúng thần linh hóa hiện tượng tự nhiên. Bên cạnh việc cùng phủ nhận tính chất thần thánh của Veda, bác bỏ niềm tin tìm sự giải thoát qua nghi thức cúng tế, Kỳ-na giáo và Phật giáo còn gặp nhau ở quan điểm rằng không có một đấng Thượng đế hay Thần linh sáng tạo và chi phối toàn bộ thế giới.  

Hoàn toàn khác với Ấn giáo, Kỳ-na giáo không có những cái tuyệt đối, không có sự hiệp nhất sau cùng của Tiểu ngã (Atman) vào Ðại ngã (Brahman) hằng cửu[2]. Thay vào đó, Kỳ-na giáo xem giải thoát sau cùng là sự thừa nhận tinh thần mới là một thực tại tối hậu. Nói cách khác, Kỳ-na giáo phủ nhận sự tồn tại của một vị thần sáng tạo thế giới. Họ lập luận rằng, chúng ta không thể nào nhận biết được thần hoặc Thượng đế bởi con người nói có Thượng đế tồn tại là do từ suy luận mà ra.[3] Nếu nói thần là vạn năng, thế thì, tất cả vật thể đều là sáng tạo của thần. Tuy nhiên, những sự vật mà chúng ta thấy hàng ngày đều là nhân tạo chứ không phải thần tạo. Từ đó, tín đồ Kỳ-na giáo lấy một nhân cách toàn thiện, đại giác thay thế cho Thượng đế của thần giáo và cầu nguyện với nhân cách đó để xin chỉ cho họ lối thoát khỏi đường mê.

Phật giáo cũng phủ nhận sự hiện hữu của một đấng Sáng tạo. Nguồn gốc về ý niệm đạo lý hay quan điểm về Thượng đế, theo Phật giáo đều bắt nguồn từ sự sợ hãi và thất vọngĐức Phật từng nói:

“Loài người sợ hoảng hốt

Tìm nhiều chỗ quy y

Hoặc rừng rm núi non

Hoặc vườn cây đền tháp.” (Kinh Pháp cú - 188)

Sự hãi hùng, bất an trước những hiện tượng thiên nhiên, dã thú, bệnh tật... khiến con người tự tạo ra những tư tưởng thần thánh để làm chỗ dựa tinh thần, khơi dậy lòng can đảm khi lâm nguy và để an ủi tự thân khi hoàn cảnh trở nên xấu đi. Đức Phật tuyệt nhiên không chấp nhận có một đấng Tạo hóa, bất luận dưới một hình thức, một năng lực hay một chúng sanh nào. “Nếu tất cả những cảm thọ của con người, dầu hạnh phúc hay đau khổ, đều dó một đấng Tối cao tạo nên... Như vậy, chính do ý muốn và sự tác tạo của đấng Tối cao mà con người trở thành sát nhân, trộm cắp, tà dâm... và hiểu biết sai lầm. Do đó, nếu chủ trương rằng có một đấng Thần linh là nguồn gốc của tất cả những điều ấy, con người sẽ không còn có ý muốn, hoặc cố gắng, cũng không thấy có sự cần thiết để làm, hoặc tránh không làm hành động ấy.”[4] Như vậy, Phật giáo phủ nhận một đấng quyền năng, vĩnh cửu tạo ra vạn vật, khẳng định con người là trung tâm của vũ trụ, là chủ thể của chính mình, không có một sức mạnh quyền năng có thể quyết định số phận của con người.

Một điều đáng chú ý , mặc dù Kỳ-na giáo phủ nhận Thượng đế nhưng không từ chối bản chất thiêng liêng của thánh thần.[5] Mỗi linh hồn giải thoát là một vị thánh. Tín đồ Kỳ-na giáo sau khi mời Thượng đế ra khỏi thiên đường, bèn đưa hết thảy các vị thánh trong sử sách hay trong huyền thoại của họ vào. Rồi họ cũng tổ chức các tế lễ, cũng dốc lòng thờ phụng những vị thánh đó, chỉ khác là họ coi các ngài cũng chết, cũng luân hồi, chứ không phải là những đấng Sáng tạo và làm chủ vũ trụ.

Có thể nói, sự phủ nhận vai trò và hiện hữu của Thượng đế hay đấng Sáng tạo của Kỳ-na giáo và Phật giáo là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển tư tưởng triết học, tôn giáo của Ấn Độ. Nhờ đó, con người có thể nhận thức được những giá trị của mình ngay trong đời sống hiện tại, tự mình làm chủ vận mệnh của mình và chịu trách nhiệm cho chính những hành động của mình mà không chịu sự áp đặt hay cứu rỗi của đấng thần linh nào. Tuy nhiên, việc đưa Thượng đế ra khỏi ý niệm đã từng thống trị con người xứ Ấn trong nhiều thiên k, đòi hỏi Kỳ-na giáo hay Phật giáo phải làm cách nào để lấp đầy khoảng trống đó. Giáo lý nghiệp mà hai tôn giáo này xây dựng nên không những thay thế cho vị trí của Thượng đế mà còn hướng con người đến với những giá trị thực sự của cuộc sống.

Quan điểm về nghiệp

Nghiệp ở Kỳ-na giáo được hiểu là vật chất hay bụi nghiệp. Con người không thể tránh khỏi nghiệp, vì nghiệp được tin là có mặt khắp mọi nơi và có kết quả xấu bất kể có chủ ý hay không.

Nghiệp là sợi dây liên kết linh hồn với vật chất. Theo Kỳ-na giáo, toàn bộ thế giới đều được xây dựng trên những bản chất chính, không do ai tạo ra và không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Đó là linh hồn (jiva) và tất cả những gì không phải linh hồn (ajiva). “Ajiva là phương tiện vận động (dharma), đứng im (adharma), không gian (ākās’a) và vật chất (pudgala).”[6] Ajiva cũng có thể chia thành hai dạng chính là những cái không có hình dạng (arūpa) và những cái có hình dạng (rūpa), như là pudgala hay vật chất.

Linh hồn là thực thể thuần khiết, toàn năng, tồn tại vĩnh viễn và bất diệt. “Bản chất của linh hồn là sự sống, khả năng được giải phóng và không có khả năng thích hợp được giải phóng.”[7] Tuy nhiên, khả năng của linh hồn bị hạn chế bởi những thân xác cụ thể với những tình cảm, ý chí, dục vọng của thể xác mà linh hồn sống trong đó. Kỳ-na giáo cho rằng, chính kết quả những hành động đó của thể xác ảnh hưởng đến linh hồn là nghiệp báo.

Điều này được giải thích rằng, khi linh hồn bị khuấy động và bộc phát ngang qua hành động, lời nói hay suy nghĩ, nó gây nên sự chấn động cho môi trường xung quanh khiến các phân tử vật chất hay bụi nghiệp tạo thành dòng chảy gọi là nghiệp lậu (karmāsrava). Các bụi nghiệp theo đó bám vào linh hồn rồi trùm kín linh hồn khiến nó trở thành ô nhiễm và do đó phải chịu luân chuyển trong luân hồi. Nếu nghiệp mới không được tích lũy, nghiệp cũ được cạo sạch dần, cho đến khi linh hồn trở về trạng thái nguyên thủy thuần khiết của nó, bấy giờ linh hồn được nói là đã giải thoát (moksa). Trạng thái giải thoát đó đối với các tín đồ Kỳ-na giáo là trạng thái đặc biệt của linh hồn như là hoàn toàn thanh tịnh, hiểu biết hoàn hảo và năng lực hoàn hảo. Điều đó được thực hiện bằng hai cách. Một là chế ngự (samvara), tức là không để cho sự vật mới tiếp tục rót vào trong linh hồn nữa. Hai là tĩnh lặng (nirjara), tức là tống hết những sự vật đã trộn lẫn vào linh hồn ra ngoài. 

Như vậy, quan điểm của Kỳ-na giáo cho rằng nghiệp là sự trói buộc do sự kết hợp của linh hồn với vật chất, còn giải thoát nghĩa là tách vật chất ra khỏi linh hồn. Đó cũng là câu trả lời vì sao các giáo đồ Kỳ-na giáo thực hành lối khổ hạnh ép xác.

Phật giáo không đồng quan điểm về nghiệp của Kỳ-na giáo. Đức Phật định nghĩa nghiệp như sau: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai xác nhận rằng chính Tư (cố ý, cetanā) là nghiệp. Do có ý muốn mới có hành động bằng thân, khẩu hay ý”[8]. Nói cách khác, nghiệp là hành động có tác ý (cetanā)[9] của thân, khẩu, ý. Các hành động không có tác ý, không chủ ý chỉ là những hành động đơn thuần mà không được gọi là nghiệp. Chính sự cố ý bao gồm động cơ để làm một hành động nào đó, mục đích tức thời của nó nhắm đến một đối tượng cụ thể như là một phần để thỏa mãn động cơ, tâm bị thôi thúc phải hành động ngay. Để hành động phát sinh ra nghiệp quả, phải có sự cố ý. Do đó, giẫm đạp kiến một cách vô tình lúc đi đứng không tạo ra nghiệp quả như quan điểm của Kỳ-na giáo.

Chủ trương “định mệnh”

Kỳ-na giáo cho rằng linh hồn (jiva) là bất tử và có khả năng toàn tri nhưng trong thế giới này, linh hồn ấy dường như không được như thế vì nó bị giới hạn bởi hình dạng vật chất, nghĩa là thân xác, và nghiệp báo của nó. Tattārthādhigama Sūtra ghi rằng: “Những linh hồn cũng là các thực thể. Các thực thể là vĩnh cửu trong bản chất của chúng, và cùng với thời gian (kala) chúng được xác định là những bộ phận cấu thành duy nhất của vũ trụ và là đối tượng của xúc giác, vị giác, khứu giác và thị giác.”[10] Đồng thời, nghiệp báo được tạo ra khi linh hồn hợp nhất hay đồng hóa với vật chất. Hay nói cách khác, cuộc sống của chúng ta ở hiện tại bị chi phối bởi chính linh hồn của chúng ta. Những gì mà con người đang đón nhận đều sự quyết định của nghiệp báo[11]. Như vậy, nghiệp báo của Kỳ-na giáo mang tính chất định mệnh. Nghĩa là những gì chúng ta đang đón nhận ở hiện tại, dù hạnh phúc hay khổ đau, giàu sang hay nghèo hèn... đều là kết quả của nghiệp quá khứ mà chúng ta không thể thay đổi được. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận số mệnh đã an bày đó và cố gắng sống đời sống lương thiện để kiếp sau hưởng được quả báo an vui, hạnh phúc.

Giáo lý về nghiệp của Phật giáo không giải thích quan niệm định mệnh như vậy. Phật giáo không nhìn nhận một linh hồn trường cửu, được tạo nên một cách ngẫu nhiên và độc đoán chi phối mọi hoàn cảnh đời sống con người. Theo giáo lý nghiệp báo của Phật giáo, chúng ta không nhất định phải bị trói buộc vào hoàn cảnh nào, vì nghiệp báo không phải là số mệnh, cũng không phải tiền định do một oai lực huyền bí nào đã định đoạt cho ta một cách bất khả kháng. Đức Phật cũng không chấp nhận chủ trương định mệnh của nghiệp quá khứ. Bởi vì, nếu tất cả những gì trong hiện tại cũng đều do nghiệp quá khứ quy định, thì những tội lỗi sát sinhtrộm cắp... đều do nghiệp quá khứ sai khiến chứ hiện tại không có trách nhiệm gì. Thế thì, chúng ta sẽ không còn sự lựa chọn đây là việc nên làm, đây là việc không nên làm. Theo đó, con người sẽ trở nên vô nghĩa, thụ động.

Mặc dù chúng ta phải chịu trách nhiệm cho chính những hành động của mình Ta là chủ nhân của nghiệp... phàm nghiệp nào ta đã làm ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[12], nhưng chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để chuyển hóa nghiệp bằng nhận thức và công phu tu tập. Hạnh phúc hay khổ đau đều do ta tự quyết định lấy, không một thế lực nào có thể can dự vào. “Lành dữ bởi ta, ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta, thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể thanh tịnh cho ai được.” (Kinh Pháp cú - 165)

Đức Phật giải thích rằng, đối với một người không có sự tu tập, không gieo hạt giống phước đức, một điều ác nhỏ có thể khiến họ bị đọa lạc vào cảnh giới khổ đau. Điều đó như bỏ nắm muối vào ly nước, ly nước sẽ quá mặn và không thể uống được. Đối với người có sự tu tập, trì giới và gieo trồng phước đức, một hành động tương tự như vậy sẽ khiến họ thọ cái quả nhẹ hơn rất nhiều ngay trong đời này. Trong trường hợp nếu phải chịu quả báo ở đời tương lai, chỉ như bỏ nắm muối vào sông Hằng. Nước sông Hằng không phải vì nắm muối mà mặn đến nỗi không thể uống được.

Như vậy, thuyết nghiệp của Phật giáo không chấp nhập thuyết định mệnh hay tiền định về nghiệp của Kỳ-na giáo. Quan điểm về nghiệp nhấn mạnh hành động của con người có tầm rất quan trọng cùng kết quả của nó, tức tác nhân phải chịu trách nhiệm về hành động họ tạo ra. Phật dạy con người có quyền tự do lựa chọn, hành động hiện tại của họ không phải là kết quả của những hành động trong đời trước, không phải mọi thứ xảy đến với con người đều được xem là do nghiệp.

Quan điểm về hành vi tạo nghiệp

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, giáo lý về nghiệp của Kỳ-na giáo cũng mang nhiều nét tiến bộ, vì nó giúp con người sống có đạo đức và hướng thiện hơn. Tattārthādhigama Sūtra có đưa ra một số quả báo chúng ta có thể nhận được nếu trong đời sống hiện tại biết phấn đấu sống đời sống thiện lương, giàu lòng yêu thương và đức hạnh.[13]

Kỳ-na giáo cho rằng trong ba nghiệp, thân nghiệp là nghiệp quan trọng nhất, nhưng Phật giáo lại cho rằng trong ba nghiệp, ý nghiệp là nghiệp quan trọng. Sự khác biệt này được tìm thấy trong Tiểu kinh khổ uẩn (Cūa-dukkhandha Sutta) và kinh Ưu-ba-li (Upāli-sutta) của Trung bộ kinh. Hai bài kinh ghi lại cuộc đối thoại của Dīghatapassī tức đệ tử của Nigaṇṭha Nāaputta hay Mahavira - giáo chủ của Kỳ-na giáo, với Đức Phật. Kinh Upāli mở đầu bằng đối thoại giữa Đức Phật và Dīghatapassī. Đức Phật hỏi Dīghatapassī: “Nigaṇṭha Nāaputta thiết lập bao nhiêu nghiệp cho sự tạo tác ác nghiệp và cho sự chuyển khởi ác nghiệp?” Dīghatapassī trả lời rằng: “Nigaṇṭha Nāaputta không có thông lệ chủ trương nghiệp, nghiệp, mà có tập quán nói về phạt (daṇḍa). Nigaṇṭha Nāaputta có thông lệ chủ trương phạt, phạt. Đó là thân phạt, ngữ phạt và ý phạt... Ba loại phạt này khác nhau, trong đó thân phạt được cho là nghiêm trọng nhất.”[14]

Ý nghĩa “thân phạt” của Nigaṇṭha Nāaputta được giải thích rõ trong Tiểu kinh khổ uẩn. Nigaṇṭha Nāaputta trình bày quan điểm của mình như sau: “Nếu xưa kia ngươi có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh khốc liệt này... Như vậy, chính nhờ sự thiêu đốt, sự chấm dứt các nghiệp trong quá khứ, sự không làm các nghiệp mới, do vậy không có sự tiếp tục trong tương lai...”[15] Họ cũng khẳng định “Hạnh phúc không thể thành tựu nhờ hạnh phúc, hạnh phúc phải thành tựu nhờ đau khổ”. Từ đó cho thấy, Kỳ-na giáo chủ trương khổ hạnh ép xác là cách duy nhất để diệt trừ ác nghiệp, khổ đau trong quá khứ và là điều kiện để đạt được giải thoát an vui. Phật giáo không chủ trương như vậy. Đức Phật chỉ bày chúng sinh con đường thoát khỏi biển khổ luân hồi, hưởng được hạnh phúc và giải thoát đó là thành tựu giới, thành tựu thiền định và thành tựu trí tuệ.

Như vậy, có nhiều sự khác nhau giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo liên quan đến hành vi tạo nghiệp.

Thứ nhất, Kỳ-na giáo cho rằng trong ba nghiệp, thân nghiệp là nhân tố quan trọng nhất và tu tập khổ hạnh là phương pháp được hành trì để làm tiêu mòn những ác nghiệp trong quá khứ hướng đến giác ngộ, giải thoát. Ngược lại, Phật giáo khẳng định ý nghiệp là nghiệp quan trọng, bởi vì:

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe, chân vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng, không rời hình.”

(Kinh Pháp cú - 1, 2)

Lời nói hay hành động của thân là sự thừa hành của ý nghĩ. Với một ý nghĩ thiện sẽ đưa đến một hành động hay lời nói thiện, dó đó mà nhận được quả báo thiện, đem lại hạnh phúc và an lành cho mình và người khác. Ngược lại, với một ý nghĩ xấu sẽ đưa đến một hành động hay lời nói xấu, do đó mà nhận quả báo xấu, tạo ra những đau khổ cho mình và người khác.

Thứ hai, Sự hành hạ về thể xác theo quan điểm của Kỳ-na giáo, Phật giáo cho điều đó không thể đem đến sự giải thoát mà chỉ là sự hành hạ vô ích, đem lại khổ đau và không đem lại trí tuệ giác ngộ. Chính Đức Phật đã từng thực tập phương pháp khổ hạnh ép xác này một cách nghiêm khắc nhất nhưng Ngài đã từ bỏ khi nhận ra rằng Một tinh thần minh mẫn không thể có được trong một cơ thể gầy mòn, ốm yếu”. Đức Phật chủ trương tu tập tránh xa hai cực đoan khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc hay tránh dẹp những chướng duyên có tính thái quá, cố chấp và rơi vào những thái cực nhằm phát huy và thành tựu Thánh đạo. Con đường này được gọi là Trung đạo hay Thánh đạo tám ngành bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Cốt tủy của con đường này là thánh tựu chánh kiến, thấu triệt sự thật về tính duyên sinh của thân, tâm và thế giới, vượt thoát tham ái và chấp thủ, chứng đạt giải thoát, an lạc.

Quan điểm về giải thoát” nghiệp

Kỳ-na giáo cho rằng linh hồn là thực thể thuần khuyết, toàn năng, tồn tại vĩnh viễn và bất diệt. Tuy nhiên, khả năng của linh hồn bị hạn chế bởi thân xác cụ thể với những tình cảm, ý chí, dục vọng mà linh hồn sống trong đó. Cho nên, khi linh hồn được giải thoát, được trở nên thuần khiết chỉ khi nào nó thoát khỏi sự trói buộc của vật chất.

Như đã trình bày ở trên, khi linh hồn bị khuấy động, các bụi nghiệp theo nghiệp lậu bám vào linh hồn rồi trùm kín linh hồn khiến nó trở nên ô nhiễm. Tattārthādhigama Sūtra trình bày quá trình cắt đứt dòng chảy của bụi nghiệp đưa linh hồn trở về với trạng thái nguyên thủy thuần khiết và giải thoát khỏi sự trói buộc của thể xác. Con đường để giải thoát đó nhờ vào “ba viên ngọc quý” (Tri-ratna): “Niềm tin đúng đắn, hiểu biết đúng đắn, đức hành chân chính - những điều này hợp với nhau tạo thành con đường để giải thoát.”[16]

Thứ nhất, niềm tin đúng đắn hay chánh tín chính là thái độ tôn kính đối với chân lý hành trì, là “tin tưởng vào những gì xác định rõ ràng như chúng tồn tại, điều này đạt được bởi trực giác hay trí tuệ.” Tuy nhiên, Kỳ-na giáo không hề yêu cầu tín đồ của mình tin vào lời di huấn của các thánh nhân trong tôn giáo họ một cách mù quáng. Quan điểm về niềm tin đúng đắn của Kỳ-na giáo là khi đã xác định rõ ràng về sự tồn tại của một đối tượng rồi mới tin và điều đó chỉ đạt được nhờ trí tuệ.

Thứ hai, hiểu biết đúng đắn hay chánh tri chỉ đạt được khi hành giả phát khởi lòng tín ngưỡng chân chánh và nghiên cứu những giáo lý của đấng đại giác đại ngộ. “Sự hiểu biết, trí tuệ được bắt nguồn từ những nguồn gốc bên ngoài, thí dụ, châm ngôn và những lời trích trong thánh kinh.” Sau khi có niềm tin vào những chân lý của thánh nhân, kẻ học đạo cần nỗ lực nghiên tầm về những chân lý đó mới có thể phát khởi trí tuệ chơn chánh. Nếu không, sự tự chứng từ bên trong của họ vẫn là ở chỗ nhận biết được “tự ngã” một cách chân thật, chưa có khả năng làm cho “tự ngã” giải phóng ra khỏi “phi tự ngã”. Muốn đạt được chánh tri thực sự, họ phải tiếp tục thành tựu chánh hạnh.

Thứ ba, đức hành đúng đắn hay chánh hạnh tức là sự thực hành các điều thiện hạnh. Nhờ đó, con người không những ngăn chặn những nghiệp mới phát sinh mà còn có thể tuyệt diệt những nghiệp cũ. Tattārthādhigama Sūtra cho rằng linh hồn muốn thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất để trở về trạng thái thuần khiết, giải thoát khỏi dòng chảy của nghiệp bụi phải nhờ vào “sự bảo tồn duy trì, sự thận trọng, những sự tuân thủ các phong tục nghi lễ, sự trầm tư mặc tưởng, sự chiến thắng những khổ đau và đức hạnh tốt.”  Kỳ-na giáo giải thích rằng: “Sự bảo tồn và duy trì là sự điều khiển, kiểm tra đúng đắn khắp tư tưởng, lời nói và thân thể. Sự thận trọng là để giữ cẩn thận đúng đắn trong việc đi, nói, ăn, sống, nằm và trong bài tiết.”

Trong mọi suy nghĩ, lời nói hay hành động của bản thân, theo Kì Na giáo, cần phải có sự thận trọng, chú tâm, được điều khiển và kiểm tra một cách đúng đắn trước khi thực hiện. Chánh niệm trong Phật giáo là tỉnh giác xem xét hay quán sát về các hoạt động của thân, các hiện trạng cảm xúc và tâm thức.[17] Điều đó có thể nói giống với Kì Na giáo. Tuy nhiên, sự chánh niệm của Phật giáo không dừng lại ở đó. Chánh niệm còn là sự chú tâm nhận diện đúng đắn về các pháp hay các hiện tượng để thấy rõ chúng là duyên sinh, vô thường, không làm chủ được nhằm loại trừ tập quán tham ái, buông bỏ chấp thủ, đạt đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Những sự tuân thủ các phong tục nghi lễ, theo Kỳ-na giáo là “sự khoan dung, khiêm nhường, ngay thẳng, chân thật, sự mãn nguyện, sự thật, sự kiềm chế, nghiêm khắc, sự hi sinh quên mình, không giữ cái không phải của mình đối với chính bản thân mình (không quyến luyến) và trong sạch, tất cả ở mức độ cao nhất.”[18] Đây được xem là một sự tiến bộ trong nhận thức về phong tục nghi lễ của Kỳ-na giáo. Nếu Bà-la-môn giáo cố thủ tin rằng nghi thức cúng tế là một hình thức của nghiệp và được tuân thủ thực hiện một cách tuyệt đối mới đem lại kết quả tốt, Kỳ-na giáo lại khác. Giáo nghĩa về lễ nghi của Kỳ-na giáo mang tính giáo dục, hướng con người đến với cuộc sống thánh thiện hơn bằng các đức tính không thể thiếu của một con người đạo đức.

Một yếu tố khác giúp cho linh hồn được giải thoát đó là sự trầm tư mặc tưởng về những điều đang chi phối con người như “chu k của sự sống và cái chết (samsāra)... bản chất của vũ trụ... và bản chất của con đường đúng đắn.”[19] Đối với Đức Phật, Ngài im lặng khước từ mọi câu hỏi mang tính huyền hoặc và thiếu thực tế. Ngài bảo chúng bị che đậy bởi tính không có ý nghĩa hoặc rối rắm không đầu không cuối của chúng và nếu có trả lời thì tính hạn chế của ngôn ngữ cũng khiến mọi giải thích không thể diễn tả rốt ráo mọi điều thấy biết của Ngài. Đức Phật khẳng định câu hỏi về những trạng thái sau khi chết, bản nguyên của vũ trụ... “là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luậnkiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yếm lyly thamđoạn diệtan tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Ta thấy có sự nguy hại này mà Ta không chấp nhận hoàn toàn những tri kiến như vậy!”[20]

Giá trị đạo đức của giáo lý nghiệp

Có thể nói, một trong những giáo lý chứng minh sự tiến bộ và mang đậm giá trị nhân bản đạo đức của Kỳ-na giáo đó là “năm lời thề”. Đây là giáo lý căn bản và không thể thiếu đối với hành giả Kỳ-na giáo, bất kể tu sĩ hay tín đồ tại gia. Tầng lớp tu sĩ Kỳ-na giáo luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt, cứng rắn và khắt khe “năm lời thề cao cả” (maha-vrata), đối với tín đồ chúng có phần linh động hơn và chỉ là “năm lời thề bình thường” (anu-vrata)[21]. Những lời thề này là:

  Thứ nhất, Ahimsa hay bất bạo động bao gồm năm sự trầm tư mặc tưởng đối với lời thề chống lại sự tồn tại. Đó là “thận trọng trong lời nói; thận trọng trong tư tưởng; thận trọng trong bước đi; thận trọng trong việc nâng lên và đặt xuống những đồ vật; và, xem xét cẩn thận đối với đồ ăn, thức uống của mình.”[22] Các hành giả Kỳ-na giáo luôn cẩn trọng trong mọi hoạt động của bản thân để hạn chế tối đa gây tổn thương đến các sinh vật khác. Đây cũng là một trong những yếu tố cốt tủy về lòng từ bi của Phật giáo.

Thứ hai, Satya hay đúng đắn trong suy nghĩ, lời nói hay hành động bao gồm năm sự suy niệm đối với lời thề chống lại sự giả dối. Đó là “từ bỏ sự giận dữ; từ bỏ tính tham lam; từ bỏ tính hèn nhát; từ bỏ sự nhẹ dạ; và, nói theo những mệnh lệnh của thánh kinh.” Kỳ-na giáo cho rằng sự giận dữ, tham lam, hèn nhát hay nhẹ dạ là những nguyên nhân khiến con người phạm vào tội lỗi của sự giả dối. Để khắc phục điều này, họ không những phải chế phục các tính đó mà còn phải nói và làm theo những gì thánh kinh đã dạy. Ở một khía cạnh nào đó, lời thề thứ hai này tương tự giới thứ tư trong ngũ giới của Phật giáo là tránh nói dối, tránh nói lời hai lưỡi, tránh nói lời thô xấu và tránh nói lời mê hoặc.

Thứ ba, Asteya hay không sở hữu bao gồm năm sự suy niệm đối với lời thề chống lại sự trộm cắp. Đó là “cư trú ở nơi hiu quạnh, cô độc; cư trú ở nơi hoang vắng; cư trú ở nơi mà người ta không bị quấy rầy bởi những người khác; của bố thí trong sạch; và, không tranh luận với những học trò có cùng một niềm tin về phía ‘của tôi’ và ‘của anh’.” Đời sống tu tập của các tu sĩ Kỳ-na giáo có mối quan hệ hữu cơ với tín đồ tại gia. Các vị tu sĩ chỉ tập trung vào việc tu tập, chọn nơi hiu quạnh, hoang vắng để tránh mọi tác động từ người khác. Họ nhận các phẩm vật hoàn toàn từ các tín đồ nhưng ít quan tâm đến các nhu yếu trong đời sống sinh hoat. Cuộc sống của các tu sĩ Kỳ-na giáo hầu như không sở hữu của cải, lý do được đưa ra cho việc này là muốn hạn chế sự trộm cắp và để tâm hn được tự tại, trong sạch.

Thứ tư, Bragmacharya hay tránh sự đam mê lạc thú bao gồm năm sự suy niệm đối với lời thề chống lại sự không trong sạch. Đó là “từ bỏ nghe theo những chuyện kích thích lòng quyến luyến đối với những người phụ nữ; từ bỏ sự ngắm nhìn những thân thể đẹp của họ; từ bỏ sự hồi tưởng về điều hưởng thụ đã qua với những người phụ nữ; từ bỏ những chất kích dục; và, từ bỏ sự tô điểm chính thân thể của mình.” Lời thề thứ tư này có phần giống như giới thứ ba trong ngũ giới của Phật giáo là tránh tà dâm. Đức Phật dạy các vị xuất gia phải dứt hẳn dâm dục, vì dâm dục là nhân đi đến sự đọa lạc, luân hồi trong sinh tử. Ái càng nặng trói buộc càng chặt, sự đau khổ do đó mà tăng trưởng.

Thứ năm, Aparigraha hay sự hy sinh bao gồm năm sự suy niệm đối với lời thề chống lại sự quyến rủ của thế giới trần tục. Đó là “từ bỏ lòng yêu mến và sự thù ghét đối với những đối tượng gây thích thú và gây khó chịu của cảm giác; suy ngẫm về lòng trắc ẩn với tất cả sinh vật đang sống; vui sướng nhìn thấy các sinh vật tiến bộ hơn chính chúng ta trên con đường giải thoát; thương xót đối với những nỗi đau buồn; dửng dưng với những điều mà người ta ngược đãi anh.”

Năm lời thề hay năm nguyên tắc đạo đức cơ bản của Kỳ-na giáo có một giá trị nhân bản và đạo đức tiến bộ. Từ lời dạy cẩn thận trong từng lời nói, hành động, suy nghĩ tránh làm tổn thương đến sinh mạng của động vật, đến lời dạy về sự từ bỏ những gian dối, tham đắm sắc dục của thế gian trần tục, Kỳ-na giáo đã xây dựng được một hệ thống triết lý giáo dục con người sống đời sống thiện lương. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, trong ý niệm thường trực về sự giải thoát linh hồn khỏi thể xác vật chất, vô hình trung một số nguyên tắc trong “năm lời thề” của tín chúng Kỳ-na giáo đã phát triển đến mức máy móc, cực đoan. Các tu sĩ Kỳ-na giáo rất cẩn thận trong mọi động tác của mình. Khi đi trên đường họ dùng chổi quét rồi mới đi; khi uống nước họ dùng lược lọc nước rồi mới uống để tránh làm tổn hại đến côn trùng trong nước; khi hít thở họ cũng phải mang khẩu trang, sợ hít phải các loài trùng bay vào mũi, hay nuốt phải vào miệng. Thậm chí, một số tu sĩ trong Kỳ-na giáo còn chủ trương lõa thể. Một phương pháp khác được đề cập đến trong Tattārthādhigama Sūtra là sự “tập trung thiền định”. Tattārthādhigama Sūtra ghi rằng: “Sự thiền định là giữ tư tưởng của mình vào một đối tượng đặc biệt. Sự thiền định có bốn loại: sự tập trung khổ đau, sự tập trung tội lỗi, sự tập trung đức công chính và sự tập trung sự thanh khiết.”

Từ những phương thức tu tập khổ hạnh cho đến các đối tượng tập trung thiền định của Kỳ-na giáo cho thấy tôn giáo này không xem trọng thân thể vật chất của mình và họ chú trọng đến thiền định hầu như chỉ nhằm giảm thiểu, hạn chế nhu cầu vật chất từ bên ngoài. Với họ mà nói, càng khổ hạnh nghiêm khắc, càng tiết chế tối đa sự xâm nhập của vật chất từ bên ngoài thì càng mau đạt đến mục đích giải thoát.

Đối với Phật giáo, tuy có nhiều tương đồng trong tư tưởng triết học, giáo lý với Kỳ-na giáo, nhưng Phật giáo có sự uyển chuyển trong từng hoàn cảnh, không cứng nhắc hay giáo điều mà tất cả đều dựa trên tinh thần tự nguyện.

Giáo lý nghiệp của Phật giáo hướng con người đến công phu tu tập để chuyển hóa nội tâm, từ đó có đủ nhận thức để đón nhận, để đối diện với những khổ đau đang trói buộc, sai sử con người. Phật giáo chủ trương rằng, chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh sống nhưng chúng ta có đủ năng lực để đón nhận hoàn cảnh đó theo cách của chúng ta. Hiểu được giá trị đó, sẽ giúp cho tự thân sống có trách nhiệm hơn, đủ nghị lực nhận lãnh những khó khăn hay thử thách và xem đó chỉ là kết quả của những hành động mình đã gây ra ở hiện tại hay trong đời quá khứ, chứ không mù quáng để buông xuôi chịu đựng. Vui sống giữa những nghịch cảnh là chất liệu để tôi luyện nên những con người giải thoát, tự tại bởi “cảnh khổ là nấc thang có những người anh tài, là kho tàng cho những người khôn khéo, nhưng cũng là hố thẳm cho những kẻ yếu hèn”.

Kết luận

Trong tiến trình phát triển tư tưởng triết học, tôn giáo Ấn Độ, có thể nói Kỳ-na giáo và Phật giáo là hai tôn giáo tiên phong trong công cuộc phủ nhận sự hiện hữu và vai trò của Thượng đế hay đấng Sáng thế đối với cuộc sống con người.

Quan điểm về nghiệp của Kỳ-na giáo và Phật giáo có nhiều sự khác biệt. Nghiệp của Kỳ-na giáo được hiểu là các bụi nghiệp. Khi linh hồn bị khoấy động, các bụi nghiệp này sẽ bám vào, chiếm lấy rồi trói buộc linh hồn. Cho nên, sự giải thoát được Kỳ-na giáo đặt ra là làm cách nào để linh hồn gạt bỏ đi các bụi nghiệp cũ và ngăn chặn dòng chảy của bụi nghiệp mới. Điều đó đồng nghĩa với việc đưa linh hồn thoát khỏi sự ràng buộc của thân xác mà thực hành khổ hạnh ép xác là một trong những giải pháp được đặt ra. Bên cạnh khổ hạnh, giáo lý Kỳ-na giáo còn thiết lập nhiều phương pháp hữu hiệu khác. Trong số đó phải kể đến hình thức tập trung thiền định và sự thực tập nghiêm ngặt của “năm lời thề”.

Một điều khác biệt khá lớn giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo mà nó dẫn đến sự khác nhau trong con đường tu tập là quan điểm giải thoát nghiệp. Kỳ-na giáo chấp nhận rằng những gì con người đang đón nhận ở hiện tại là do nghiệp lực của đời quá khứ trói buộc và con người không thể nào thay đổi được. Con người chỉ có thể sống thật thiện lương, thực hành đúng đắn “năm lời thề” để kiếp sau hưởng được kiếp sống an vui, như ý. Phật giáo không nhìn nhận như vậy. Đức Phật chỉ ra rằng bản chất của vạn pháp trên thế gian là duyên sinh, vô thường và vô ngã. Chính vì thế, chúng ta có thể chuyển hóa nghiệp lực ngay trong đời sống hiện tại và nếm được hương vị của sự giải thoát ngay trong giây phút hiện tại mà không cần phải đợi đến kiếp sau. Đó là điều kiện cơ bản để cá nhân con người thoát khỏi sự nô lệ ý thức, nỗ lực vươn tới đời sống hạnh phúc và cũng là nhân tố để xây dựng đời sống có đạo đức và trật tự xã hội.

Nếu Kỳ-na giáo chủ trương “thân nghiệp” là đầu mối của mọi tội lỗi dẫn đến luân hồi nghiệp báo, Phật giáo lại tập trung vào “ý nghiệp”. Đức Phật khẳng định chính những suy nghĩ phát khởi trong tâm thức là nguồn gốc dẫn đến hành động hay lời nói tốt hay xấu của con người. Chính vì thế, sự giải thoát của tâm ý khỏi những ràng buộc của tham dục, sân hận, si mê là sự giải thoát thực sự mà người tu tập cần đạt đến.

Giáo lý về nghiệp mà Kỳ-na giáo và Phật giáo xây dựng nên là một trong những tác nhân quan trọng tôi luyện con người trở nên thánh thiện. Một con người thánh thiện là nền tảng để xây dựng một xã hội ổn định và phát triển. Và, sự thánh thiện đó chỉ có thể đạt được bởi một tâm hồn thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi những ham muốn tầm thường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chandradhar Sharma, Triết học Ấn Độ nghiên cứu và phê bình, Nguyễn Kim Dân dịch, NXB.Tổng Hợp TP HCM, 2004.

2. Doãn Chính biên tập, Lịch sử triết học Ấn Độ - Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, NXB.Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, 2003.

3. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương Đông, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2017.

4. Tuệ Sỹ, Nghiệp trong triết học - Tôn giáo Ấn Độ, http://www.daophat-ngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/nq-nb-lh/19408-nghiep-trong-triet-hoc-ton-giao-an-do.html. Truy cập 12/12/2010.

5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp cú, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.

6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi I, Kinh Trung bộ I, II, Kinh Trường b, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2018.

7. Thích Thánh Nghiêm, Tôn giáo học so sánh, Thích Chơn Tính dịch, Chùa Hoằng Pháp ấn hành, 2015.

8. Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB.Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006.

 

 


 

[1] Tattārthādhigama Sūtra biên soạn bởi S’ri Umāsvati Ācārya (sống vào thế kỉ thứ III) và được J.L. Jaini dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Sacred Books of the Jaina”, xuất bản năm 1920 tại Ấn Độ. Tác phẩm này được Doãn Chính cùng các cộng sự dịch sang tiếng Việt và biên tập trong cuốn Lịch sử triết học Ấn Độ - Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ.

[2] Xem Chandradhar Sharma, Triết học Ấn Độ nghiên cứu và phê bình, Nguyễn Kim Dân dịch (2004), tr.92-94.

[3] Xem Thích Thánh Nghiêm, Tôn giáo học so sánh, Thích Chơn Tín dịch (2015), tr.310-312.

[4] Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Trung b, tập II, tr.283-284.

[5] Xem Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch (2006), tr.78.

[6] Doãn Chính biên tập (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, tr.278.

[7] Sđd, tr.276.

[8] Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Tăng chi, tập I, tr.268.

[9] Cetanā là sự cố ý, chủ ý, ý chí, ý muốn, ước vọng. Loại tâm sở này có khả năng tập hợp và chỉ đạo các tâm sở khác cùng nhóm để tạo nên các nghiệp thiện, nghiệp ác hay nghiệp phi thiện phi ác.

[10] Doãn Chính biên tập (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, tr.278.

[11] Sđd, tr.284-285.

[12] Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Tăng chi bộ, tập I, tr.671-672.

[13] Doãn Chính biên tập (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, tr.281.

[14] Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Trung bộ, tập I, tr.455-456.

[15] Sđd, tr.129.

[16] Doãn Chính biên tập (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, tr.272.

[17] Xem Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Trường b, tr. 445-459.

[18] Doãn Chính biên tập (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, tr.286.

[19] Sđd, tr.286.

[20] Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Trung b, tập I, tr.593.

[21] Xem Chandradhar Sharma, Triết học Ấn Độ nghiên cứu và phê bình, Nguyễn Kim Dân dịch (2004), tr.92.

[22] Doãn Chính biên tập (2003), Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, tr.283.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác