Đôi điều về học giới luật Phật giáo
Đôi điều về học giới luật Phật g
Đôi điều về học giới
luật Phật giáo
Thích Hạnh Chơn
Có thể nói rằng luật pháp
ra đời là từ nhu cầu thực tế của cộng đồng và nhằm phục vụ cộng đồng con người.
Theo luật tạng, Đức
Phật chế giới khi trong Tăng đoàn (cộng đồng/tập thể
Tăng sĩ) có Tỷ-kheo
làm những điều phi đạo đức hay những điều gây mất uy tín cho Tăng đoàn. Mục đích
chế giới trước hết là nhằm xử lý, giải quyết các vấn đề bất ổn trong Tăng đoàn.
Theo thời gian và khi
điều kiện xã hội thay đổi,
giới luật Phật giáo chắc chắn có điều còn nguyên giá trị nhưng cũng có những
điều (mang tính ứng phó với văn
hóa
xã hội) không còn phù hợp. Trong xã hội loài người, hiến pháp, luật pháp của bất
cứ quốc gia nào cũng thường được tu chỉnh để phù hợp với xã hội nơi nó tồn tại.
Do đó, việc học giới luật Phật giáo cũng cần phải theo hướng phù hợp với thời
đại ngày nay. Trong bài viết
này, người viết xin
mạo muôi nêu vài ý kiến mang tính tham khảo cho vấn đề rất tế nhị này.
Theo sử liệu ghi lại thì
năm thứ 13 sau khi thành đạo giới luật do Phật chế mới thật sự hình thành.
Căn cứ vào các văn bản giới luật chúng ta thấy rõ rằng: Giới luật Phật chế là
dành cho các vị xuất gia sống
trong Tăng đoàn. Đối
với hàng tại gia, Phật chỉ chế 5 giới và 8 giới (Bát quan trai giới). Về sau,
Phật giáo
Đại thừa thì có thêm giới Bồ-tát
cho hàng tại gia. Ngoài ra, một số người theo truyền thống
Đại
thừa (Bắc
tông) cho rằng 10 điều thiện (thập thiện) là giới cho hàng tại gia nên các đại
giới đàn có thêm phần truyền thập thiện cho hàng tại gia. Đây là điều còn tranh
cãi. Các bộ luật hiện có không ghi chép các điều luật Phật chế để xử lý hàng tại
gia ngoại trừ cách ứng xử từ chối nhận
thực
phẩm, tài vật từ người tại
gia (úp bát) khi thấy họ có những lỗi lầm quá đáng (không phải phạm giới).
Xác định nội dung
giới luật dạy và học
Giới luật Phật giáo được
biên tập lại nên có ít nhiều thêm bớt. Sau khi
Đức
Phật nhập diệt và kỳ kiết tập thứ nhất được tổ chức, 500 vị A-la-hán do ngài
Đại
Ca-diếp làm chủ toạ đã tuyên bố giữ nguyên giới luật Phật chế không được thêm
bớt. Lời tuyên bố ấy thực tế không thể thực hiện được hoàn toàn vì thời gian sau
đó các bộ phái được hình thành và họ
đã
sử dụng các bộ luật có vài
điểm khác nhau,
dù ít và nhỏ. Nếu theo lời tuyên bố của ngài
Đại
Ca-diếp, vậy
thì bộ phái nào tuân thủ đúng, bộ phái nào vi phạm?
Sự thật không ai có thể trả lời được và qua đó chứng minh rằng
giới luật Phật giáo không phải là bất di bất dịch. Điểm qua các bộ luật hiện có,
chúng ta thấy bộ Tứ
phần
có 250 giới dành cho Tỷ-kheo
Tăng, Ngũ
phần
có 251 giới, Tăng kỳ
có 218 giới, bộ luật bằng tiếng Pāli được chư Tăng Nam truyền sử dụng có 227
giới. Nếu so sánh các tạp sự giữa các bộ luật, chúng ta cũng sẽ thấy có sự khác
nhau.
Trong các giới Tỷ-kheo,
thực tế những giới được áp dụng là những giới căn bản quan trọng. Lấy
luật
Tứ phần
làm ví dụ, ngoài các giới thuộc thiên (chương) Ba-la-di (Parajika dhammas)
được áp dụng trọn vẹn trong Tăng đoàn, các giới trong các chương còn lại có thể
chỉ áp dụng một số giới tuỳ theo chương. Hơn nữa, mặc dù chương Ba-la-di gồm 4
giới căn bản quan trọng nhưng trên thực tế thì giới sát (giết người) hiếm có Tỷ-kheo
nào phạm và nếu phạm thì luật pháp nhà nước xử
tội
trước, giới nói dối (đại vọng ngữ) khó có Tỷ-kheo
nào phạm tới mức đủ bằng chứng để Tăng đoàn cử tội Ba-la-di, giới trộm cướp cũng
không có định lượng cụ thể để Tăng đoàn cử tội Ba-la-di trừ khi
Tỷ-kheo
ấy bị nhà nước xử tội.
Chỉ có giới thứ nhất là dễ phạm và dễ cử tội Ba-la-di nhất vì nó cụ thể. Các
chương khác như: chương Tăng-già-bà-thi-sa (Sanghadisena dhammas) có giới
thứ 6, thứ 7 liên hệ đến chỗ ở và giới thứ 13 (không bỏ tánh xấu) khó áp dụng
trong thực tế Tăng đoàn ngày nay. Trong chương Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề (Nissaggiya
pacittiya dhammas), các giới liên quan đến
cất giữ
y áo, bình bát, dược phẩm, vật dụng…
hiếm thấy áp dụng
trong cuộc sống thực tế của Tăng
chúng. Chương Ba-dật-đề (Pacittiya dhammas) thì chỉ có khoảng 1/3 các
giới có thể áp dụng trong Tăng đoàn vì liên quan đến việc ứng xử, đạo đức.
Chương Một trăm pháp chúng học (Sekhiya dhammas) dạy về các oai nghi,
cách giao tiếp thuộc giới nhẹ áp dụng nhắc nhở sám hối. Chương Bảy pháp diệt
tránh (Adhikarana samatha dhammas) dạy cách giải quyết tranh cãi, bất
hòa
trong nội bộ Tăng đoàn nên được áp dụng khi có tranh cãi. Còn chương Hai pháp
bất định (Aniyata dhammas) và chương Bốn pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni (Patidesaniya
dhammas) thực tế hiếm thấy áp dụng trong Tăng đoàn ngày nay.
Như vậy, phần giới bổn Tỷ-kheo
nếu giảng dạy thì nên giới thiệu tổng quát 250 giới nhưng cho học kỹ thì nên
chọn những giới nào có thể áp dụng trong đời sống thực tế của Tăng đoàn. Học
những điều không áp dụng được thì giúp có kiến thức nhưng quá nhiều sẽ làm tốn
thời gian của chương trình học trong khi các điều cần học thì không được dạy.
Phần thứ hai là những điều
cần truyền dạy nhưng các trường Phật học ít quan tâm do không có thiết kế chương
trình hoặc không có thời gian cho phần đó. Phần cần truyền dạy là các luật (quy
định) thực hiện các pháp yết-ma:
thọ giới, thuyết giới bố-tát,
an cư, tự tứ, hòa
giải tranh cãi (chương Câu-thiểm-di),
cử tội (chương Chiêm-ba),
xử tội…
Những pháp này thuộc về tác
trì mà bất cứ Tăng đoàn nào cũng phải thực hành. Các chương liên quan đến da
thuộc, y áo, thuốc, phòng xá, tạp sự thực tế không áp dụng nên ai muốn tham khảo
thì tự đọc.
Phần thứ ba cần dạy là hiến
chương, nội quy Tăng sự, các bộ luật liên quan đời sống tôn giáo, các bộ quy tắc
hướng dẫn sinh hoạt cho Tăng Ni
trong xã hội hiện tại mang tính khả thi.
Đối tượng học giới
luật Phật giáo
Giới luật Phật giáo không
dành riêng cho đối tượng nào nhưng hàng xuất gia là đối tượng bắt buộc phải học
giới luật Phật giáo. Theo chương trình hiện hành được áp dụng tại các trường
Phật học, ở
cấp sơ cấp và trung cấp các
Tăng sinh thường chỉ được học 4 bộ luật của Sa-di
gồm: Tỳ-ni,
Sa-di
thập giới, 24 oai nghi, Cảnh sách
và Sa-di
luật giải. Nếu
dạy đầy đủ các bộ luật này thì 3 hay 4 năm Trung cấp khó hoàn tất chương trình.
Việc học thuộc lòng 4 bộ luật này là đáng quý nhưng cốt lõi là chỉ cần nắm rõ 10
giới Sa-di,
24 quy tắc oai nghi để áp dụng trong đời sống Tăng đoàn. Tỳ-ni
và Cảnh sách thì cảnh tỉnh tu tập.
Về giới Tỷ-kheo
và các luật mà Tỷ-kheo
phải thực hành khi sống trong Tăng đoàn, thì theo luật bất thành văn chỉ khi nào
Sa-di
thọ đại giới trở thành Tỷ-kheo
mới được học.
Vấn đề đặt ra là tại sao không giới thiệu cho họ biết trước những điều giới luật
họ sẽ thọ nhận giữ gìn khi bước vào hàng Tăng bảo để họ cân nhắc trước khi thọ?
Tại sao Sa-di
không được dạy các già nạn (các điều kiện không được quyền thọ đại giới), bổn
phận đệ tử (luật
Tứ phần) trước khi họ được thọ đại giới mà phải chờ đến khi có Đại giới đàn rồi
thì mới có vị đại diện hỏi qua loa hình thức các già nạn?!
Ở cấp độ đại học hay cao
đẳng, môn Giới luật học cương yếu chỉ vài tín chỉ
thì
không thể chuyển tải hết
nội dung căn bản của giới
luật Phật giáo. Đặc biệt, các cách thức thực hiện yết-ma
trong các sinh hoạt Phật giáo như nêu trên chưa đưa vào giảng dạy. Một người
xuất gia theo Bắc tông hiện nay được chú trọng truyền dạy 4
bộ
luật tiểu một cách chi tiết
nhưng lại thiếu thời gian để truyền dạy những điều quan trọng hơn như giới Tỷ-kheo,
các điều luật Tỷ-kheo
phải làm, các pháp yết-ma…
trong các sinh hoạt
Tăng đoàn.
Như vậy, một vị Tỷ-kheo
bắt buộc phải biết các giới luật căn bản để có thể sống trong Tăng đoàn. Cũng
giống như công dân cần biết luật để tham gia giao thông, tham gia sinh hoạt
trong cộng đồng một quốc gia.
Với Phật tử tại gia, họ có
thể tìm hiểu về giới luật Phật giáo để hỗ trợ chư
Tăng
giữ giới nhưng thật sự mà nói không mấy ai có thời gian để phát tâm học giới Tỷ-kheo
để làm hạnh nguyện đó. Hơn nữa, đối tượng mà Phật nhắm tới để truyền dạy giới
luật không phải là cư sĩ mà là tu sĩ bởi hàng xuất gia sống theo Tăng đoàn.
Giới luật Phật giáo thì rất
nhiều và chi tiết nhưng những điều quan trọng có thể áp dụng trong đời sống Tăng
đoàn thì không quá nhiều. Do đó, việc dạy học giới luật Phật giáo cần điều chỉnh
cho phù hợp.
Đối với các vị trụ trì, họ
ít nhất phải hiểu rõ các điều giới luật quan trọng và các pháp yết-ma
trong Phật giáo. Đối với các vị chuyên luật thì họ có thể nghiên cứu sâu để thực
hiện các đại lễ cần yết-ma
và giảng dạy.
Những vấn đề tế nhị này khi
đề cập rất
dễ bị phản bác bởi những vị
mang tinh thần bảo
thủ. Ở đây, người viết đưa ra quan điểm mang tính đề xuất. Dù vậy, quan điểm này
phù hợp với tôn chỉ của Đức
Phật: giáo
pháp hay giới
luật không phải là chiếc bè quý hiếm phải đội sau khi qua sông, mà nó phải được
sử dụng như là phương tiện để qua sông mà thôi.
Giới luật được áp dụng trong đời sống thực tiễn
nhằm
đem đến sự ổn định trong
Tăng đoàn và sự an lạc cho
mỗi cá nhân xuất gia (2 trong 10 nguyên nhân Phật chế giới),
nhưng không vì thế mà rơi vào
“giới cấm thủ”.
Mùa xuân bắt đầu một năm,
học và thọ giới bắt đầu cho đời sống Tỷ-kheo
- thành viên của Tăng đoàn. Đề cập vấn đề giới luật đầu xuân với mong mỏi rằng
ngành luật Phật giáo xem xét soạn ra chương trình giảng dạy giới luật phù hợp
cho các vị mới xuất gia. Ngành cũng cần nghiên cứu thiết kế chương trình cho các
vị xuất gia học giới luật trước khi thọ chúng. Mục đích là đào tạo cho các thành
viên Tăng đoàn có hiểu biết về giới luật Phật giáo. Đó cũng là giải pháp nhằm
tránh các trường hợp truyền giới phi pháp xảy ra thời gian qua và giúp hạn chế
những điều đáng tiếc do người không hiểu giới luật gây ra.