Về niên đại kinh Kim cương

VỀ NIÊN ĐẠI KINH KIM CƯƠNG

 

VỀ NIÊN ĐẠI KINH KIM CƯƠNG

 

Kinh Kim cương (tiếng Phạn: Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra) là một trong những bản kinh Đại thừa quan trọng nhất. Đây là một trong những bộ kinh có ảnh hưởng lớn ở Đông Á, và nó đặc biệt quan trọng trong truyền thống Thiền cùng với Bát-nhã Tâm kinh. Tiêu đề được đặt dựa theo sức mạnh của vajra (kim cương hoặc sấm sét, nhưng cũng là một thuật ngữ trừu tượng để chỉ một vũ khí mạnh mẽ), như một phép ẩn dụ chỉ cho loại trí tuệ có thể phá vỡ ảo tưởng để đạt được thực tại tối hậu.

Các học giả và những nhà Phật học đến nay vẫn chưa thể xác định niên đại cụ thể của bản kinh. Bởi vì kinh điển không nói đến nhân duyên đưa đến sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa, nên tất cả sự nghiên cứu về niên đại của bất kỳ bản kinh Đại thừa nào một phần phải dựa vào sự suy đoán. Theo người viết thì việc không thể xác định được thời gian chính xác vì khởi đầu kinh được truyền tụng bằng miệng từ thầy sang trò, trải qua hàng trăm năm sau đó mới đến thời kỳ chữ viết. Từ thời điểm kinh được ghi trên lá bối cho đến thời kỳ kinh được khắc trên bản đồng hay trên đá trải qua một thời gian khá xa nhau, do đó chúng ta có thể xác định niên đại qua hai giai đoạn: giai đoạn chưa có văn bản và giai đoạn xuất hiện văn bản.

Theo ngài Thế Thân[1] (Vasubandhu), kinh Kim cương đã được Đức Phật giảng dạy đầu tiên tại thành Vương-xá vào năm thứ năm kể từ khi Ngài thành đạo. Và cũng theo ngài Thế Thân, trong các kinh thuộc văn hệ Bát-nhã trước kinh Kim cương, Đức Phật dạy cách loại trừ “tướng”, nhưng chưa triệt để. Đến thời Đức Phật dạy Bát-nhã nhằm mục đích dùng Bát-nhã chặt đứt mọi sự dính mắc, ảo tưởng, chấp trước của tâm vào các tướng một cách triệt để, thì thời Bát-nhã này được gọi là Kim cương Bát-nhã.[2]

Trong kinh Kim cương, có những tư tưởng được diễn giải rộng ra từ các kinh A-hàm hay Nikāya, chẳng hạn như đoạn: “Này các Tỷ-kheo, các ông cần phải hiểu rằng lời ta giảng dạy giống như chiếc bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống gì là phi pháp[3]. Đoạn này có nội dung tương tự với kinh Ví dụ con rắn[4] thuộc Trung bộ và kinh A-lê-tra[5] thuộc Trung A-hàm. Hay câu kệ cuối trong kinh Kim cang: “Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng huyễn bào ảnh/ Như lộ diệc như điển/ Ưng tác như thị quán[6] có nguồn gốc từ kinh Tương ưng 3[7] hay kinh số 106 - Phật nói kinh bọt nước[8] trong Tạp A-hàm.

Như vậy, có thể khẳng định tư tưởng kinh Kim cương phù hợp với truyền thống, phù hợp với ý Phật. Do đó, việc nghi vấn ai là tác giả của kinh Kim cương, kinh này là chính thống hay phi chính thống v.v. không phải là điều quan trọng. Khi thời gian, không gian và con người thay đổi thì Phật giáo cũng cần thay đổi để phù hợp với sự vận động của xã hội con người. Theo Har Dayal[9], có năm nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa[10], trong khi đó N. Dutt[11] cho rằng do bối cảnh văn hóa và chính trị với bốn nguyên nhân chính mà Phật giáo Đại thừa xuất hiện[12]. Tóm lại, sự ra đời của tư tưởng Đại thừa hay kinh Kim cương là nhằm đáp ứng bối cảnh lịch sử đương thời.

Các bản dịch sớm kinh Kim cương sang một số ngôn ngữ đã được tìm thấy ở các địa điểm trên khắp Trung và Đông Á, cho thấy rằng văn bản đã được nghiên cứu và dịch rộng rãi. Ngoài các bản dịch tiếng Trung, bản kinh và những luận giải về nó đã được dịch sang tiếng Tây Tạng và một số ngôn ngữ Trung Á.

Niên đại chính xác của kinh Kim cương bằng tiếng Sanskrit không thể xác định được. Các học giả cho rằng bản kinh có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ V sau Tây lịch. Theo Edward Conze, “Văn học Bát-nhã ba-la-mật-đa gồm 38 bộ kinh khác nhau, được biên soạn ở Ấn Độ vào khoảng giữa những năm 100 trước Tây lịch đến năm 600 sau Tây lịch”[13]. Trong khi Kimura Taiken cho rằng: “Sau Công nguyên thì tư tưởng Đại thừa vẫn chưa hình thành rõ rệt, mà theo lịch sử dịch kinh của Trung Hoa, thì cũng mãi đến thế kỷ thứ hai sau Tây lịch các kinh điển Đại thừa mới được phiên dịch[14]. Giáo sư Stcherbatski khẳng định: “Tư tưởng duyên khởi tánh không xuất hiện vào thế kỷ thứ II Tây lịch và kinh Kim cương thuộc hệ thống tư tưởng này[15].

Bản dịch đầu tiên của kinh Kim cương sang tiếng Trung Quốc được cho được thực hiện vào năm 400 bởi dịch giả nổi tiếng và giàu kinh nghiệm Cưu Ma La Thập[16]. Bản dịch La Thập đặc biệt được coi trọng trong nhiều thế kỷ, và bản dịch này có mặt ở Đôn Hoàng vào năm 868.

Tiếp đến là thủ bản cổ xưa khoảng 500 năm sau Tây lịch được phát hiện ở miền Đông Turkestan và đã được Pargiter biên tập. Ngoài ra, thủ bản Gilgit Manuscript, có niên đại thế kỷ thứ V hoặc VI TL, là nguồn tư liệu có giá trị, tuy nhiên văn bản này không được đầy đủ.[17] Ngoài ra còn có một số bản Hán dịch hiện được lưu giữ trong Đại tạng, như bản dịch của Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci, 562-727) được thực hiện vào năm 509; bản dịch của Chân Ðế (paramārtha, 499-569) được thực hiện vào năm 558; bản dịch của Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta, ?-619) được thực hiện hai lần, vào năm 590 và 605 - 616; và hai bản dịch của Huyền Trang, một vào năm 648 và một vào năm 660 - 663.

Tóm lại, dựa vào những nguồn tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu lớn trên thế giới cũng như trong nước, có thể khẳng định văn bản kinh Kim cương xuất hiện muộn nhất là vào thế kỷ II đến V sau Tây lịch. Tuy nhiên, tư tưởng kinh Kim cương có thể nói đã xuất hiện từ khi Đức Phật đạt giác ngộ dưới cội bồ-đề.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Kim cang tiên luận 1, bản Hán dịch của ngài Bồ-đề-lưu-chi, Đại chính tân tu 25.

2.        Kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật: (CBETA, T08, no. 235, p. 749).

3.        HT.Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ - tập I, VNCPHVN ấn hành, 1992.

4.        HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng 3 Thiên uẩn. VNCPHVN ấn hành, 1991.

5.      HT.Tuệ Sỹ dịch, Số 200. Kinh A-lê-tra. Kinh Trung A-hàm - Tập 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.

6.        Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, Bộ A-Hàm VII - Kinh Tạp A-hàm số 3, NXB.HVHGDLSĐB, 2000.

7.       Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, HT.Thích Quảng Độ dịch, Viện Đại học Vạn Hạnh.

8.        HT.Thích Giác Quả, Tư tưởng kinh Kim cương và Phổ môn, NXB.Hồng Đức, 1997.

9.        Thích Thái Hòa, Kim cang bát-nhã trong dòng lịch sử, NXB.Hồng Đức, 2016.

10.     Edward Conze, Kinh Kim cang & Bát-nhã Tâm kinh, Thích Nhuận Châu dịch, NXB.Phương Đông, 2016.

11.    The Gilgit Manuscript, ed. IsMEO. Roma, in: G. Tucci, MBT, 1956.

12.    Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Barnasidass, Delhi, 1975.

13.    N. Dutt, Mahayana Buddhism, Motilal, Barnasidass, Delhi, 1978.


 

[1] Thế Thân (世親, Vasubandhu, ~316-396) là một Luận sư xuất sắc của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) và Duy thức tông (sa. vijñānavādin), được xem là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ.

[2] Kim cang tiên luận 1, bản Hán dịch của ngài Bồ-đề-lưu-chi, Đại chính tân tu 25, tr.798a.

[3] Kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật, (CBETA, T08, no. 235, p. 749, b10-11).

[4] Chư Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các ông, ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng... Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp. (HT.Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ - tập I, VNCPHVN ấn hành, 1992, trang 305-307).

[5] HT.Tuệ Sỹ dịch, số 200, Kinh A-lê-tra. Kinh Trung A-hàm - Tập 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 446.

[6] Kinh Kim cang bát-nhã Ba-la-mật, (CBETA, T08, no. 235, p. 752, b28-29).

[7] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng 3, thiên Uẩn. VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.252-257.

[8] Sa-môn Thích Tịnh Hạnh, số 106 - Phật nói kinh bọt nước. Đại tập 7 - Bộ A-hàm VII - Kinh Tạp A-hàm số 3, NXB.HVHGDLSĐB, 2000, tr.814-816.

[9] Har Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Barnasidass, Delhi, 1975, tr.30.

[10] 5 nguyên nhân: 1. Phát triển tự nhiên về giáo lý trong Tăng đoàn Phật giáo; 2. Ảnh hưởng văn hóa tôn giáo của Ba Tư; 3. Ảnh hưởng nghệ thuật Hy Lạp; 4. Nhu cầu để truyền bá Phật pháp giữa các bộ tộc bán khai.; 5. Ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo.

[11] N. Dutt, Mahayana Buddhism, Motilal, Barnasidass, Delhi, 1978, tr.1-14.

[12] 4 nguyên nhân: 1. Sự phục hưng của đạo Hindu (hậu thân của Bà-la-môn) và tín ngưỡng Bhagavata; 2. Sự bảo trợ của các vua Hy Lạp đối với Phật giáo; 3. Nhu cầu đưa Phật giáo vào vùng Kasmir; 4. Sự phục hưng của tín ngưỡng thờ rồng (Naga) và hoạt động của đạo Shaivism.

[13] Edward Conze, Kinh Kim cang & Bát-nhã Tâm kinh, Thích Nhuận Châu dịch, NXB.Phương Đông, 2016, tr.10.

[14] Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, HT.Thích Quảng Độ dịch, Viện Đại học Vạn Hạnh, tr.51.

[15] HT. Thích Giác Quả, Tư tưởng kinh Kim cang và Phổ môn, NXB.Hồng Đức, 1997.

[16] Xem: T 235; Kumārajīva. A.D. 400. Chin-kang pan-jo po-lo mi ching. vol. VIII. pp. 748.752.

[17] Xem: The Gilgit Manuscript, ed. IsMEO. Roma, in: G. Tucci, MBT, 1956.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác