Tranh chăn trâu: Qua cái nhìn của luận Đại thừa khởi tín

tranh chan trau

Chân Hiền Tâm

 

Năm Trâu, nói về tranh chăn trâu.

Con trâu, một tài sản mà ai cũng có. Cả về hình tượng lẫn bản chất. Chỉ là người nhận ra, người không nhận ra.

Thường, những ai đang sống trên nhung lụa, với của cải trù phú và mọi ý thích đều được đáp ứng thì chắc không có thời gian để nhìn tới con trâu nhà mình, nhưng không phải ai cũng vậy. Đức Thích Ca từ bỏ ngai vàng đi tìm chân lý tối thượng. Tổ Trần Nhân Tông hay Tuệ Trung Thượng Sĩ v.v. đều nhận ra con trâu nhà mình khi còn đương vị.

Trâu, nói ở mặt bản thể

Tranh chăn trâu Thiền tông (tranh không màu), bức thứ nhất là Tìm trâu. Trong tranh không thấy có trâu. Ngoài lý do không thấy có trâu mới nói tìm, còn một lý do khác: Trâu được tìm là trâu vô tướng, cội nguồn chân thật của tất cả pháp. Đó là tướng chân thật của trâu. Kinh luận thuộc Đại thừa Nhất thừa giáo thường chỉ thẳng trước, nêu phương tiện sau. Nếu ngay đó liền nhận thì không cần đến phương tiện. Không nhận được mới vào cửa phương tiện sau đó. Một khi đã nói đến phương tiện thì tu là tiệm, chẳng phải đốn. Trong kinh Lăng-già, Bồ-tát Đại Huệ hỏi Phật: “Làm sao trừ sạch tâm hiện lưu của chúng sinh, là đốn hay tiệm?”. Phật trả lời: “Tiệm tịnh chẳng phải đốn. Như trái yêm-la tiệm chín chẳng phải đốn. Như Lai trừ sạch tâm hiện lưu của chúng sinh cũng như thế, tiệm tịnh chẳng phải đốn...”.     

Có người đến với thiền, không vì tìm lại con trâu vô tướng của mình. Như tôi, chưa hề có tâm ý cao thượng đó. Chỉ vì khổ quá, do mất phương hướng đối với cuộc đời, lại còn tăng thêm cái khổ mất chỗ nương tựa, bỗng dưng người đứng mũi chịu sào của gia đình, đọc bản kinh Lăng nghiêm, buông hết đi tìm con trâu nhà mình. Hụt hẫng, tôi đã phải bám theo, coi trong mớ sách hỗn độn đó có cái gì mà thiên hạ lại bỏ hết, từ tiền bạc, công việc và ngay cả phần tham dục mà con người không thể thiếu, để sống một cuộc đời đơn giản, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Trong mớ sách ấy, Thiền đốn ngộ nói con người có thể thành Phật ngay trong kiếp này, kinh Pháp bảo đàn nói ai cũng có một cái tâm Ma-ha mà nếu quay về được với nó thì mọi khổ nạn chấm dứt, không cần phải xuất gia mới có Niết-bàn. Một cái phao được quăng ra và tôi đã bám theo đó. Tôi không hề có ý đi tìm trâu. Tôi chỉ cần hết khổ. Nhưng muốn hết khổ thì phải làm sao để nhận ra con trâu nhà mình và sống với nó. Đương nhiên là ở mặt bản chất, không phải ở mặt hiện tượng. Bởi những gì có tướng đều là hư vọng[1], bỏ cái hư vọng này để tìm một cái hư vọng khác thì không khác xây lâu đài hạnh phúc trên cát. Không ai làm điều đó khi lâu đài của mình đã sụp đổ, do nó được xây trên nền tảng hư vọng.

Tôi trở thành kẻ tìm trâu bất đắc dĩ. Không như chư vị có một mục đích hướng thượng rõ ràng.

Một vị Tăng đến hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:[2]

- Bạch Thượng Sĩ, tôi vì sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc, song chưa biết thân này từ đâu sinh ra, chết sẽ đi về đâu?

Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời:

- Giữa trời phỏng có đôi vành khuyển

  Biển cả ngại gì hòn bọt con.

Hoặc rõ ràng hơn:

- Thế nào là pháp thân?

Thượng Sĩ trả lời:

- Bờ ao xem hai đứa

  Dưới nguyệt vui ba người.  

Dù với mục đích rõ ràng hay bất đắc dĩ thì cũng đều là tìm trâu, chỉ là gián tiếp hay trực tiếp. Tương ưng với bức tranh thứ nhất trong mười bức tranh chăn trâu. Con trâu muốn tìm thấy lúc này chỉ cho cội nguồn chân thật của tất cả pháp, là mặt bản thể của con trâu được chăn trong các bức tranh sau. Nói là trâu nhưng không có hình tướng trâu. Kinh Đại bát Niết-bàn gọi đó là Phật tánh, tánh ấy không có hình tướng Phật hay chúng sinh. Luận Đại thừa khởi tín gọi đó là bản giác hay tánh giác. Bản tánh ấy không có tướng năng giác và sở giác. Nó không, như Bát-nhã Tâm kinh nói tướng không của pháp, không sinh, không diệt, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý v.v. Tổ sư Hiền Thủ nói: “Nói chẳng sinh chẳng diệt, là để giải thích pháp thể. Theo vọng mà chẳng sinh. Phá trừ cũng chẳng diệt…”[3].  Cũng vậy, trâu ở phần này không có tướng trâu cũng không có tướng chăn, muốn chăn cũng không chăn được mà cũng không cần phải chăn. Nó vốn tự đầy đủ và nhiệm mầu, như kinh Lăng nghiêm đã gọi tên: Bảo giác viên minh chân diệu tịnh tâm. Nó sờ sờ đó mà người đời không thể thấy. Bậc lão gia bao phen nhọc thân mới có thể trực nhận. Người xưa có tụng:

Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu

Núi thẳm đường xa nước lại sâu

Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy

Chỉ nghe réo rắc giọng ve sầu.

Cũng có dẫn:

Từ lâu chẳng mất đâu cần tìm kiếm. Do trái giác tánh trở thành xa cách. Bởi theo vọng trần bèn thành khuất lấp. Quê nhà dần xa, lối tẻ chợt lầm. Được mất dấy lên, phải quấy đua khởi.      

Trâu, nói ở mặt hiện tượng

Dẫn nói: “Từ lâu chẳng mất, đâu cần tìm kiếm… Bởi theo vọng trần mà thành khuất lấp”. Điều đó có nghĩa, không theo vọng trần thì giác tánh tự hiển.

Vọng trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không chạy theo những thứ đó thì chân tánh hiện tiền. Cho nên, khi được hỏi về bổn phận của người tu, Tuệ Trung Thượng Sĩ nói “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Xoay cái nhìn trở lại tức không chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc. Chỉ một mực đối diện với pháp trần. Thứ mà dẫn nói “Được mất dấy lên. Phải quấy đua khởi”. Pháp trần, nếu không theo thì mọi thứ tự yên, chân tánh sẽ hiển bày khi đủ duyên.

Nói đến pháp trần cũng là nói đến ý thức, là thức thứ sáu trong tám thức. Do ý thức phân biệt mà pháp trần khởi diệt không dứt. Nếu ý thức phân biệt hết thì pháp trần tự không.      

Song để đến được chỗ thực hành, hành giả phải có đủ niềm tin với những gì kinh luận đã nói mới thực hành được, mới có tâm trường viễn với những khó khăn gặp phải trong quá trình tu hành. Nên bức tranh thứ hai có dẫn:

Nương kinh để hiểu nghĩa, xem giáo lý tìm dấu vết. Biết rõ vòng, xuyến v.v. đều là vàng, cả thảy muôn vật là chính mình. Chánh tà chẳng cần biện. Chân ngụy đâu cần phân. Chưa vào cửa này tạm gọi là thấy dấu.

Thấy dấu là biết: Muốn trở lại con trâu vô tướng của mình thì trước phải tìm cho ra dấu của nó. Đó là con trâu có tướng, loại trâu dẫn mình đi Ta-bà thế giới, khổ não đều từ nó mà ra. Sao biết?

Luận Đại thừa khởi tín (là bộ luận y cứ hàng trăm bộ kinh Đại thừa mà làm ra[4]) ghi: “Y nơi Như Lai tạng mà có tâm sinh diệt. Nghĩa là, không sinh không diệt cùng với sinh diệt hòa hợp, chẳng phải một, chẳng phải khác”. Không sinh không diệt thì không có tướng. Có tướng là do có sinh có diệt. Do đâu mà có sinh diệt? Do vô minh, bất giác tâm động mà không sinh diệt thành có sinh diệt, như biển do gió mà có sóng. Điều đó cho thấy muốn tìm được tâm không sinh diệt thì chỉ cần ngay tâm sinh diệt mà khiến cho hết sinh diệt thì không sinh diệt hiện tiền. Dấu vết của trâu không tướng chính là trâu có tướng. Trâu ấy, niệm niệm sinh diệt, hết vui đến buồn, hết suy nghĩ chuyện này đến suy nghĩ chuyện khác, hết tơ tưởng tương lai lại nghĩ về quá khứ. Nó là một phần của thức tương tục mà luận Đại thừa khởi tín đã nói. Gọi là thức tương tục “Vì niệm niệm tương ưng chẳng dứt. Giữ gìn nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất, lại hay thành thục quả báo khổ vui trong đời hiện tại và vị lai không hề sai lệch. Hay khiến hiện tại bỗng nhiên nhớ lại những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa đến[5].

Giờ muốn hết sóng thì chỉ cần không gió là yên. Muốn trở lại cái không sinh diệt, chỉ cần hết vô minh là được. Nhưng Vô minh căn bản là phần thâm sâu, với tâm thức hiện tại, không thể với tới nó. Chỉ có thể hàng phục phần Vô minh chi mạt và tâm sinh diệt, như muốn tìm lõi chuối trước phải lột bẹ chuối.

Đại sư Hám Sơn nói: “Nếu hay ly niệm thì bản thể rỗng nhiên như thái hư không, không chỗ nào mà chẳng khắp. Tất cả cảnh giới sai biệt của vọng niệm hòa thành một vị chân tâm, chỉ là pháp giới nhất tướng, không có đối đãi[6]. Đó là cách giúp trở về tâm không sinh diệt. Chỉ cần ly niệm thì tâm không sinh diệt hiển bảy. Chỉ cần lìa được trâu có tướng thì trâu vô tướng hiển bày. Muốn lìa được trâu có tướng thì phải lìa cho được cái nhân tạo ra nó. Lìa thế nào sẽ được giải thích ở các phần sau.

Đó là những gì tôi tìm thấy được trong kinh luận. Tôi tin những điều tôi đọc đó, bạn cũng tin những điều tôi viết đây, nhưng chưa thể thực hành, gọi là thấy dấu. Hoặc như phái Gnosis nói: “Khi chúng ta thấy dấu chân trâu, cũng có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu thấy những dấu hiệu nhỏ cho biết rằng chúng ta không phải là những suy nghĩ của mình, cũng không phải là những cảm xúc hay cơ thể. Chúng ta là một cái gì đó khác với các thứ đó. Thấy dấu, cũng có nghĩa là nhận ra rằng suy nghĩ của mình không xảy ra do mình chọn lựa, chúng ta lảm nhảm liên tục là do thói quen. Học trò thấy dấu vì anh ta đã tách mình ra khỏi những suy nghĩ mặc dù chỉ trong vài lần tập thiền...”[7]. Chúng ta bắt đầu nhận ra thứ mà kinh luận gọi là vọng và biết vọng. Đúng là có hai thứ rõ ràng, không phải suy nghĩ, cảm xúc v.v. là chính ta nữa, gọi là thấy dấu.  

Các tranh chăn trâu

Đó là các tranh thấy trâu, được trâu, chăn trâu, cỡi trâu về nhà, mất trâu còn người và người trâu đều mất.    

Thấy trâu đồng nghĩa có con trâu được thấy và có chủ thể năng thấy. Đây là bắt đầu giai đoạn thực hành. Con trâu được thấy chính là dòng sinh diệt tương tục không dứt. Nhưng để nhận ra vọng niệm là một dòng tương tục cũng cần một quá trình. Phần Giác trong luận Đại thừa khởi tín có nói đến bốn tướng, là giác niệm diệt, niệm dị, niệm trụ và niệm sinh.  

1/ Giác niệm diệt

Như phàm phu, giác biết niệm trước khởi ác nên hay dừng niệm sau khiến nó chẳng khởi. Tuy gọi là giác mà thật ra bất giác.

Đây là tướng đầu trong bốn tướng giác, gọi là giác niệm diệt. Sao gọi là giác niệm diệt? Vì khi thấy được nó để giác thì nó đã hiện khởi ở tâm. Sinh rồi hành giả mới thấy mà dừng, nên gọi là giác niệm diệt. Nói theo chín tướng bất giác thì niệm diệt này tương ưng với tướng thứ tám trong chín tướng bất giác là Khởi nghiệp tướng. Tướng thứ chín đã qua phần thọ báo, bị báo trói buộc, nên gọi tướng thứ tám đó là niệm diệt. Có sự chậm trễ này là do sự giác biết của mình chưa đủ lực, bị vọng dẫn chạy, tới niệm diệt rồi mới tỉnh mà giác. Đó là với hàng phàm phu có phản quan. Phàm phu không phản quan, không thấy trâu, không có ý thức để giác thì y niệm mà thành hành động, từ ý nghiệp dẫn sinh khẩu nghiệp và thân khẩu, luân hồi sinh tử chẳng dứt.

Theo cách thức đó thì trâu chính là những gì khởi lên trong tâm dù là thiện hay bất thiện. Khi bắt đầu giác là giác niệm diệt nên khi thấy trâu là thấy đuôi trâu, chẳng phải thấy đầu. Thằng chăn chính là sự giác biết của tâm. Luận Đại thừa khởi tín gọi sự giác biết này là thủy giác. Gốc của nó chính là bản giác. Nhưng do mới giác nên gọi là thủy giác. Thủy là bắt đầu. Nói theo Duy thức thì phần thủy giác này là công của thức thứ sáu, nhưng không phải là phần ý thức phân biệt mà là ý thức hiện lượng. Nói “Ý thức, công vi thủ, tội vi khôi” là vậy.     

Giác biết, nói theo ngôn từ hiện nay, là nhận ra sự có mặt của vọng niệm; ngay đó dừng lại gọi là giác biết. Tuy vậy, sự giác biết lúc này vẫn gọi là bất giác. Vì tuy nói là giác mà thật ra vẫn ở trên tâm sinh diệt mà đè nén, chưa thấy được tánh chẳng sinh diệt[8].

2/ Giác niệm dị

Như trí quán của Nhị thừa và Bồ-tát mới phát tâm v.v. giác ở niệm dị. Niệm không tướng dị. Vì xả bỏ tướng chấp trước phân biệt thô nên gọi là tương tợ giác.

Dị là biến khác. Niệm này nối tiếp niệm kia tương tục biến khác trong tâm, gọi là niệm dị.

Nhị thừa chỉ cho Thanh văn và Duyên giác. Bồ-tát có cả tăng lẫn tục. Nhị thừa và Bồ-tát mới phát tâm không chỉ giác niệm ác mà niệm niệm đều giác, chẳng kể là thiện hay ác. Mọi thứ hiện lên trong tâm đều phải nhận biết và buông đi. Ngay khi giác đó, niệm dị hóa không, nên nói không có niệm dị.    

Ai từng biết vọng đều nhận ra rằng càng giác vọng tưởng càng nhiều. Đại sư Hám Sơn đã nói đến điều này trong ngữ lục của mình và khuyên mọi người không bận tâm về việc đó[9]. Nhưng khá nhiều người đã bỏ cuộc trong giai đoạn này vì không chịu nổi khi phải đối diện với lực tương tục của dòng vọng niệm. Chính vì lực này tương tục khá mạnh mà dù biết đó là vọng, chư Tổ vẫn phải có pháp cho người. Nói buông, nói không theo, nói niệm Phật, trì chú v.v. là cốt giúp người dừng cho được lực của dòng vọng tưởng. Quan trọng nằm ở chữ lực này. Nó là thứ quyết định vọng niệm hiện đúng bản chất là vọng hay trở thành như thật. Nếu lực này mất, vọng tưởng hiện nguyên hình là vọng, như bản chất của nó, đủ duyên như mây bay trên trời. Nếu lực này mạnh, mọi thứ trở thành như thật.         

Thật ra con trâu vốn là một dòng tương tục, chẳng phải càng giác vọng tưởng càng nhiều, mà do tỉnh giác với vọng nhiều hơn, sự giác biết được liên tục, nhờ đó dòng tương tục được nhận thấy rõ hơn.

Có tụng:  

Dùng hết thần thông bắt được y

Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì

Có khi vừa hướng cao nguyên tiến

Lại xuống khói mây mãi nằm ì.

Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân

Ngại y chạy sổng vào bụi trần

Chăm chăm chăn giữ thuần hòa dã

Dây mũi buông rồi vẫn theo gần.

Đây là giai đoạn thằng chăn tốn rất nhiều công sức.

Cũng có dẫn:

Nghĩ trước vừa dấy, niệm sau liền theo. Do giác nên được thành chân. Bởi mê lầm nên làm thành vọng. Chẳng phải do cảnh có, chỉ tự tâm sinh. Dây mũi nắm chặt không cho toan tính.

Hành giả lúc này chỉ biết con trâu nhà mình. Không quan tâm đến cảnh ngoài, chỉ quan tâm con trâu nhà mình thế nào khi tiếp duyên. Tiếp duyên thấy sắc, nghe tiếng… tâm nếu khởi, liền tỉnh giác buông đi, gọi đó là giác. Do chỉ thấy tâm, không còn màng đến sự đúng sai của cảnh, nên nói xả bỏ tướng chấp trước phân biệt thô. Chấp trước phân biệt thô là do phân biệt mà sinh chấp trước. Không quan tâm đến trần cảnh, với pháp trần thì điều phục loạn động, hiển thị cho việc không còn chấp trước vào các thứ đó.

Phân tích trên dựa vào pháp Biết vọng không theo mà giải thích. Với các pháp như tham thoại đầu, tham công án, niệm Phật v.v. thì trâu vẫn chỉ cho dòng tương tục, nhưng cách chăn thì có khác. Song dù với cách chăn nào, cũng đều với mục đích là chăn cho trâu được thuần để lực của dòng vọng tưởng dừng lại[10]

3/ Giác niệm trụ

Như bậc pháp thân Bồ-tát giác ở niệm trụ, niệm không tướng trụ. Vì lìa niệm phân biệt thô nên gọi là tùy phần giác.   

Pháp thân Bồ-tát chỉ cho những ai đã trực nghiệm được cái nhân Phật tánh. Phải trực nghiệm được cái nhân này mới có cái quả là Niết-bàn Phật. Đó là tướng không nói trong kinh Bát-nhã; kinh Niết-bàn gọi là Phật tánh. Đó cũng là hình tượng của bức tranh thứ chín, Trở về nguồn cội.

Do chân tánh là thứ sẵn đủ trong mỗi người, nên chỉ cần trong một thời tọa thiền, nếu hành giả điều phục được con trâu nhà mình, đến chỗ thuần thục, chăn và trâu đều mất, được cội nguồn thanh tịnh nhất tâm, liền nhận được danh xưng này. Song chỗ tâm chứng chỉ là nhất niệm. Ngay niệm đó thì phi tất cả. Ngoài niệm đó, vẫn là hàng Bồ-tát còn bị chi phối bởi năm tướng bất giác là Vô minh nghiệp tướng, Năng kiến tướng, Cảnh giới tướng, Trí tướng và Tương tục tướng. Tùy phần thanh lọc tâm mà chịu ảnh của các tương này.

Vô minh nghiệp tướng là tướng sinh nói ở phần Giác niệm sinh. Phần này vi tế, Bồ-tát ở các vị dưới chỉ nghe tên mà không thể thấy được hành tướng của nó, ngoại đạo càng không thấu.

Năng kiến tướng chỉ cho trạng thái của thức ấm khi chưa có thân tứ đại và thế giới. Kinh Lăng nghiêm gọi phần này là sở minh.

Cảnh giới tướng chỉ cho thân tứ đại và thế giới chúng sinh mà phần tế là hư không và tứ đại.

Có thân, có tâm, có cảnh giới thì đối duyên liền sinh phân biệt, đó là Trí tướng.

Phân biệt rồi sinh ái trước nên tâm càng động, niệm càng huân, niệm niệm tương tục chẳng dứt, hình thành nên cái gọi là Tương tục tướng. Tướng Tương tục này, sau khi kiến tánh, phần hiện hành sẽ có những khoảng hở lớn[11], hành giả không phải cực nhọc với việc nắm giữ trâu nữa. Chỉ tập trung giác những niệm phân biệt hiện lên trong tâm.

Vì lý do đó, pháp thân Bồ-tát tuy đã chứng đến bức tranh thứ chín mà ở phần giác biết lại không thể liệt vào bức tranh thứ chín, chỉ liệt vào các bức còn chăn. Luận Thành duy thức lập ra mười loại chân như, ứng với mười địa, dù thể chân như chẳng sai khác là do vậy. Nhà thiền cũng nói: “Đốn ngộ tuy đồng Phật/ Nhiều đời tập khí sâu/ Gió dừng sóng còn gợn/ Lý hiện, niệm vẫn xâm[12]. Chứng nghiệm được Phật tánh thì ngay đó là Phật, nhưng do chủng tử tập khí và phần Vô minh căn bản còn nên phải tiếp tục công phu.

Nói theo Duy thức học, lỗi đều từ ý thức phân biệt. Ý thức phân biệt hoạt động mạnh thì dòng tương tục không dứt. Điều phục được ý thức phân biệt, ý thức hiện lượng hiện tiền thì pháp trần dứt, là lúc thằng chăn về đến nhà, còn một mình.

Trong kinh Lăng-già, khi Đức Phật nói Niết-bàn của Phật chính là do diệt ý thức mà có, ngài Đại Huệ đã hỏi:

- Chẳng phải dựng lập tám thức sao?

Phật trả lời:

- Dựng lập!

Ngài Đại Huệ thưa:

- Nếu dựng lập vì sao chẳng nói lìa thức thứ bảy mà chỉ nói lìa ý thức?

Phật trả lời:

- Vì kia làm nhân và kia phan duyên. Thức thứ bảy chẳng sinh…

Do mê, toàn thể Như Lai Tạng biến thành thức, nên vọng khởi kiến phần mới có cái chấp ngã của thức thứ bảy. Song lỗi lại không ở thức thứ bảy mà ở ý thức. Thức thứ tám biến hiện ra ngũ trần làm cảnh sở duyên cho ý thức. Ý thức nương đó khởi phân biệt, dẫn phát tập khí chứa trong A-lại-da. Do đó, thức thứ bảy chung khởi chấp ngã và ngã sở, suy lường so đo mà sinh sự tương tục xoay vần không dứt. Thiền sư Hàm Thị nói: “Như biển tâm và sóng ý là do thức thứ sáu duyên với cảnh giới tự tâm hiện ra làm gió thổi mà có sinh diệt. Thức thứ sáu nếu diệt thì tâm ý tự dừng. Như biển cả không gió thì cảnh tượng đây được rỗng sáng vậy”.

Cho nên, dù là Nhị thừa hay Đại thừa thì Phật cũng dạy phá bỏ ý thức, là phần ý thức phân biệt, không phải hiện lượng. Ý thức phân biệt phá rồi thì ý thức hiện lượng hiện tiền. Đây là chỗ mà Trần Nhân Tông nói “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”[13].

Song tới đó vẫn chưa xong. Vì mục đích ra đời của Như Lai là nhằm khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sinh. Mục đích tu hành của hành giả tu thiền là tìm cho ra con trâu vô tướng của mình. Đó là chỗ Tổ sư nói: “Chớ bảo vô tâm ấy là đạo/ Vô tâm còn cách một lớp rào[14]. Cần gạt luôn lớp rào đó. Vì thế không chỉ dừng ở việc trâu mất, thằng chăn về đến nhà, mà phải làm sao thằng chăn cũng mất để con trâu vô tướng có cơ hiện tiền. Trâu vô tướng, là nói đến cội nguồn chân thật nhất tâm, là phần tánh thể không đổi của vạn pháp, chỗ đó tất cả đều không, cái không cũng không. Tức tám thức đều không, trâu và chăn đều mất, tới đó rồi mới có thể trở về cội nguồn chân thật nhất tâm.

Diễn tả chỗ trâu và thằng chăn đều mất này, Thiền sư Thiết Nhãn nói: “Tâm của ta sáng như một tấm gương sạch hoặc trong như mặt nước. Tâm thái này kéo dài trong chốc lát. Đây là dấu hiệu mong manh cho thấy tâm đã sẵn sàng nhập định. Nếu bạn đã chứng nghiệm được như vậy, bạn càng phải tọa thiền nhiều hơn. Nếu bạn tọa thiền miên mật, tâm của bạn lúc đầu được thanh lọc chút ít, từ từ thanh lọc lâu hơn và tiến đến thanh tịnh suốt một phần ba hoặc hai phần ba thời gian tọa thiền. Cũng có thể tâm được thanh tịnh từ đầu đến cuối thời tọa thiền, không một niệm tốt hoặc xấu dấy khởi, cũng không rơi vào trạng thái vô ký, tâm vẫn thanh tịnh như bầu trời mùa thu, trong sáng như tấm gương trên đài sạch bóng. Lúc đó tâm bạn rỗng rang như hư không và bạn cảm thấy như cả pháp giới hiện hữu trong lòng, như có một cái gì thanh lương khó nghĩ đang ngự trị bên trong. Hơn phân nửa con đường hành thiện đã hoàn tất. Nhà thiền thường nói đây là trở về một, trạng thái nhất sắc, sanh tử sự đại không còn, hay cõi giới của Phổ Hiền. Tuy nhiên khi trạng thái này tiếp tục một thời gian, hành giả tưởng rằng mình đã đạt được giác ngộ và thấy mình ngang hàng với Thích Ca Mâu Ni hay Bồ-đề Đạt-ma là một lầm lẫn lớn. Đến được ngôi vị này là thể hội thức uẩn. Đây là điều mà kinh Lăng nghiêm nói: ‘Hội nhập cái tịch lặng, tức là đến bờ mé của thức’. Khi thực hành tọa thiền một cách kiên trì, hành giả tự thấy mình ở ngôi vị này, tưởng rằng mình đạt được giác ngộ tương đương với sự giác ngộ của Lâm Tế hay của Đức Sơn, và rêu rao lớn là đã ngộ được Bản lai diện mục, đã đạt đến Tự bản địa… Thật ra, những người như thế vẫn chưa thấu triệt sự chứng nghiệm nội tại của Đức Phật và chư Tổ. Họ chưa nhận ra tâm thể căn bản nhất như”. Đây chính là tướng Năng kiến nói trong luận Đại thừa khởi tín, là phần sở minh nói trong kinh Lăng nghiêm. Xuôi dòng sinh tử thì tướng Năng kiến có trước, tướng Cảnh giới có sau. Ngược dòng hoàn tịnh thì tướng Cảnh giới phải mất mới thấy được tướng Năng kiến. Tướng Cảnh giới mất thì người chăn và trâu đều mất. Có thể nương đây để hiểu về bức tranh thứ tám, trâu và người đều mất.  

Do từng một lần đặt chân lên đất Phật, nên sự giác biết lúc này được gọi là tùy phần giác. Gọi tùy phần giác vì đúng là giác nhưng mới từng phần, chưa phải trọn vẹn. Chính vì thế kiến tánh rồi vẫn phải khởi tu, việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ[15]. Trâu dù đã yên vẫn chưa thể bỏ mặc, cho đến khi được chỗ viên chứng.

Trở về nguồn cội, thỏng tay vào chợ  

4/ Giác niệm sinh

Như Bồ-tát địa tận đầy đủ phương tiện, nhất niệm tương ưng, giác tâm sơ khởi, tâm không có tướng sơ. Vì xa lìa được niệm vi tế nên được thấy tâm tánh, tâm tức thường trụ, gọi là cứu cánh giác.

Niệm sinh nói đây không phải là niệm sinh của dòng vọng niệm tương tục mà là niệm sơ khởi đầu tiên (Vô minh nghiệp tướng), khiến chân tánh biến thành thức thứ tám (Năng kiến tướng), rồi hiện ra cảnh giới chúng sinh mà phần tế là hư không và tứ đại (Cảnh giới tướng). Giác được niệm này thì trở về cội nguồn thanh tịnh nhất tâm. Ở nhân chính là trực nghiệm được Phật tánh của chính mình. Ở quả là lúc lật tám thức thành bốn trí.

Do nhân và quả không như nhau. Nhân chỉ mới trực nhận được phần tánh thể, không tất cả tướng. Quả tánh thể ấy đã phát huy đủ tướng và dụng, tức tất cả tướng, tức tất cả dụng. Nên có thêm phần trở về cội nguồn và thỏng tay vào chợ.

Thỏng tay vào chợ ngoài việc làm lợi ích cho chúng sinh, còn để tùy duyên tiêu nghiệp cũ, thanh tịnh dần phần chủng tử tập khí đã huân. Việc thỏng tay vào chợ xuất hiện sau khi trực nhận được cội nguồn thanh tịnh nhất tâm, nên nó là hành tướng của hàng pháp thân Bồ-tát giác niệm trụ. Giác từ niệm phân biệt thô là Trí tướng. Giác cho đến niệm sinh, là hành tướng của hàng Bồ-tát địa tận. Đại sư Hám Sơn nói: “Phần phá phần chứng, gọi là tùy phần giác”[16].

Bồ-tát địa tận là hàng Bồ-tát kế vị Phật.

Đầy đủ phương tiện là đầy đủ các pháp quán, hạnh, tu, đoạn. Muốn nói công hạnh đã tròn, hoặc nhiễm đã hết, chỉ là một nguồn tâm chân thật. Đây là nói quả Phật.

Nhất niệm tương ưng chỉ cho cái trí đoạn được phần tập khí cuối cùng, thủy giác hợp nhất với bản giác.

Niệm vi tế là tướng sinh, chỉ cho nghiệp tướng, là động niệm tối sơ làm chỗ nương cho Năng kiến tướng và Cảnh giới tướng xuất hiện.

Giác tướng sinh, là giác cái niệm tối sơ khiến tâm chuyển thành thức đó.

Đó là Mười bức tranh chăn trâu Thiền tông, được giải thích thông qua luận Đại thừa khởi tín và một số trực nghiệm của chư vị thiện hữu tri thức.  

Sang năm Trâu, nguyện tất cả đều nhận ra và chăn được con trâu nhà mình, để Ta-bà hiện tướng Hoa nghiêm.                                   


 

[1] Kinh Kim cang.

[2] Thiền sư Việt Nam, HT.Thích Thanh Từ.

[3] Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký, Tổ Hiền Thủ (Pháp Tạng).

[4] Lời Đại sư Hám Sơn ghi trong “Cương yếu pháp giới duyên khởi của tông Hoa nghiêm”, luận Đại thừa khởi tín trực giải.

[5] Kinh Lăng-già có nói 11 thứ tương tục sâu kín.  

[6] Đại thừa khởi tín luận trực giải, Đại sư Hám Sơn.

[7] Mười bức tranh chăn trâu. Gnosic.com.

[8] Đại thừa khởi tín luận trực giải. Đại sư Hám Sơn.

[9] Thiền đạo tu tập, Trương Trừng Cơ.

[10] Còn gọi là lực nghiệp.

[11] Kinh Lăng-già nói đến 11 thứ tương tục sâu kín.  

[12] Lời truyền thừa, không rõ tác giả. 

[13] Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông.

[14] Khóa hư lục, Trần Thái Tông, HT.Thích Thanh Từ giảng.

[15] Lời của Trần Tôn Túc, đệ tử lớn của Tổ Hoàng Bá.

[16] Đại thừa khởi tín luận trực giải, Đại sư Hám Sơn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác