Tín - Hạnh - Nguyện Trong kinh A Di Đà
TÍN - HẠNH - NGUYỆN TRONG KINH A
TÍN - HẠNH - NGUYỆN TRONG
KINH A DI ĐÀ
Tín - Hạnh - Nguyện là ba yếu
tố mà người tu theo pháp môn Tịnh độ cần phải có, như ba thứ tư lương cần thiết
để sinh về cõi Tây phương. Tuy nhiên, nhiên nhiều người thắc mắc không biết căn
cứ vào đâu mà chư Tổ đưa ra ba yếu tốt đó. Tất nhiên là chư Tổ căn cứ vào các
kinh, trong đó có kinh A Di Đà.
Tín: Trong kinh A Di Đà
có nhiều lần đề cập đến đức tin này. Ví dụ phần lục phương Phật, chư Phật trong
sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài mà nói lời thành thật rằng: “Nhữ đẳng
chúng sinh đương tín thị ‘Xưng tán bất khả tư nghì
công đức nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh’”. (Chúng sinh các ngươi
phải nên tin kinh ‘Xưng tán bất khả tư nghì công đức nhất thiết chư Phật sở hộ
niệm kinh’ này). Ở một đoạn khác, Đức Phật nói rằng nếu chúng sinh nào nghe
kinh này và nghe danh hiệu của chư Phật mà thọ trì thì người ấy được tất cả các
Đức Phật hộ niệm và đều được bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh
giác, và Ngài khuyên: “Thị cố, Xá Lợi Phất! Nhữ đẳng giai đương, tín thọ ngã
ngữ, cập chư Phật sở thuyết (Cho nên, này Xá Lợi Phất! Các ông đều phải tin nhận
lời của Ta và của các Đức Phật nói). Đức Phật cũng nói rằng khi Ngài nói
kinh này thì chư Phật ở mười phương thế giới đã khen ngợi và tỏ ý thán phục Ngài,
vì Ngài đã làm một việc rất khó là ở trong đời ác năm trược mà có thể tu hành
thành đạo Bồ đề và nhất là có thể nói kinh A Di Đà này, là một kinh mà
rất khó được mọi người tin: “Vị chư chúng sinh thuyết thị nhất thiết thế giới
nan tín chi pháp... Vị nhất thiết thế giới thuyết thử nan tín chi pháp, thị vi
thậm nan”. (Vì các chúng sinh nói kinh pháp mà tất cả thế gian khó tin này... Vì
tất cả thế gian nói kinh pháp khó tin này, đó là rất khó!). Chính vì khó tin
nên càng cần phải có niềm tin vậy.
Hạnh: Hạnh là thực hành. Có
nhiều phương pháp thực hành trong pháp môn Tịnh độ. Trong kinh A Di Đà,
Đức Phật dạy pháp Trì danh niệm Phật: “Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử,
thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu: nhược nhất
nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục
nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà
Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo,
tức đắc vãng sinh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ” (Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam
tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đến Đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của
Đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày,
hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người
đó đến lúc lâm chung Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước
người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi
nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà). Ngoài ra, để bảo đảm cho việc vãng inh
được chắc chắn, Đức Phật còn khuyên hành giả nên làm thật nhiều phước đức bởi vì,
như Ngài đã nói trong kinh A Di Đà, “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước
đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc”. (Không thể dùng chút ít căn lành hay
phước đức mà có thể sinh qua nước kia được).
Nguyện: Trong kinh A Di Đà,
Đức Phật rất nhiều lần khuyên chúng sinh nên phát nguyện sinh về thế giới Cực
Lạc của Đức Phật A Di Đà: “Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn.
Nhược hữu chúng sinh, văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sinh bỉ quốc độ...
Xá Lợi Phất! Nhược hữu nhân, dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện,
dục sinh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng, giai đắc bất thối chuyển, ư
a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, ư bỉ quốc độ, nhược dĩ sinh, nhược kim sinh,
nhược đương sinh. Thị cố, Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược
hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sinh bỉ quốc độ.” (Xá Lợi Phất! Ta thấy có
sự lợi ích ấy nên nói những lời như thế. Nếu có chúng sinh nào, nghe những lời
trên đó, nên phải phát nguyện sinh về cõi nước Cực Lạc... Xá Lợi Phất! Nếu có
người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sinh về cõi nước
của Đức Phật A Di Đà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô
thượng chánh đẳng chánh giác; nơi cõi nước kia, hoặc đã sinh về rồi, hoặc hiện
nay sinh về, hoặc sẽ sinh về. Xá Lợi Phất! Cho nên các thiện nam tử thiện nữ
nhân nếu người nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sinh về cõi nước kia).
Tín, Hạnh và Nguyện được xem
như kiềng ba chân mà nếu thiếu một chân thì không thể vãng sinh. Trong ba yếu tố
đó thì Tín và Nguyện có vai trò tiên quyết cho sự vãng sinh, còn Hạnh thì sẽ đưa
đến quả vị thấp hay cao trong chín phẩm liên hoa. Đại sư Ngẫu Ích khai thị rằng:
“Muốn nhanh chóng thoát khỏi nỗi khổ luân hồi, không gì bằng Trì danh niệm
Thánh hiệu A Di Đà Phật cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Muốn chắc chắn vãng sanh
cõi Cực Lạc thì không gì bằng lấy 'Lòng tin' làm người dẫn đường phía trước, sự
'Phát nguyện' làm người thúc đẩy ở sau. Tin sâu, nguyện tha thiết, dù tâm tán
loạn niệm Phật cũng được vãng sinh. Tin không chân thật, nguyện không mạnh mẽ,
dù nhất tâm không loạn cũng chẳng được vãng sinh”.
Tin sâu, Nguyện thiết là quan
trọng nhất. Và tất nhiên, nếu Hành chuyên, tức là tu tập, hành trì một cách
chuyên nhất, miên mật nữa thì còn gì bằng. Kết quả đạt được chắc chắn sẽ vô cùng
mỹ mãn. Trong tác phẩm Đường mây qua xứ tuyết (Nguyên Phong dịch), tác
giả Anagarika Goavinda kể cho chúng ta nghe câu chuyện của Hòa thượng Ajo mà tác
giả đã gặp ở Tây Tạng.
Ajo và Reto cùng theo học một
thầy. Reto là một học giả tinh thông kinh điển, có thể giảng giải, trích dẫn hầu
như tất cả sách vở một cách dễ dàng trong khi Ajo chỉ chuyên tâm lễ bái, thiền
định. Lạt-ma Reto ghi danh vào Đại học Drepung, tốt nghiệp thủ khoa, trở thành
một pháp sư nổi tiếng của Tây Tạng trong khi Lạt-ma Ajo vẫn ẩn tu tại làng
Chumbi. Sau nhiều năm không gặp nhau, một hôm pháp sư Reto có dịp công du qua
làng cũ. Nhớ đến người huynh đệ đồng môn, ông bèn ghé lại ngôi chùa xưa thăm
hỏi. Gặp nhau cả hai đều mừng rỡ và chuyện trò vui vẻ. Reto bèn hỏi Ajo đã tu
học đến đâu. Lạt-ma Ajo thành thật thưa rằng bao năm nay chỉ chuyên tụng một bộ
kinh A Di Đà mà thôi. Pháp sư Reto lắc đầu than cho chú em quê mùa hủ
lậu, kinh điển thiên kinh vạn quyền không đọc mà chỉ đọc tụng có một bộ kinh tầm
thường mà gần như ai cũng biết. Reto bèn giảng giải cho Ajo một hồi về những
pháp môn cao siêu cho đến tận khuya mới đi ngủ. Vừa chợp mắt ít lâu, ông đã giật
mình tỉnh giấc vì thấy ánh sáng ở đâu chói lòa cả một vùng. Ánh sáng này phát ra
từ phía chánh điện ngôi chùa nên ông ngạc nhiên rời trú phòng bước ra xem thế
nào. Ông thấy Lạt-ma Ajo đang chắp tay đảnh lễ, trì tụng hồng danh Đức Phật A Di
Đà trong khi quanh ông hào quang sáng rực cả chánh điện. Reto thấy trong hào
quang đó có một ao sen lớn bằng các thứ ngọc báu với những lâu đài, dinh thự
toàn bằng vàng. Ngoài ra còn có những giống chim lạ cất tấu lên những điệu nhạc
hòa nhã, vi diệu, nghe như tiếng giảng kinh, rồi trời đổ mưa hoa, những bông
Mạn-đà-la rơi xuống ao báu toả sáng khắp nơi.
Pháp sư Reto nín thở theo dõi
cho đến khi Lạt-ma Ajo trì tụng xong bộ kinh A Di Đà thì linh ảnh đó mới
biến mất. Quá xúc động, Reto vội bước vào hỏi làm sao Ajo lại có được thần thông
như vậy. Lạt-ma Ajo cho biết ông hề có thần thông gì cả mà chỉ chuyên tâm trì
tụng kinh và niệm sáu chữ hồng danh. Reto như vẫn chưa tin hoàn toàn, hỏi rằng
làm sao lại có hào quang sáng ngời trong chánh điện và những linh ảnh lạ lùng,
chắc chắn phải có những phương pháp tu luyện gì nữa. Lạt-ma Ajo cho biết ông
không hề áp dụng một phương pháp gì ngoài việc gìn giữ thân, khẩu, ý cho thật
thanh tịnh, trang nghiêm để trì tụng kinh và niệm Phật A Di Đà.
- Làm sao có thể như vậy
được? Như ta đây làu thông kinh điển, tu tập bao năm nay mà đâu đã có kết quả
gì! Pháp sư Reto
thắc mắc.
- Có lẽ huynh chỉ đọc văn
giải nghĩa để thỏa mãn trình độ trí thức, giỏi biện luận như một nhà thông thái
mà thiếu hành trì, không chí thành cung kính, đọc kinh còn nghi ngờ, chỉ trọng
về lý tánh mà không thực sự tu dưỡng thân tâm chăng? Như đệ đây thì chuyên tâm
tin tưởng vào lời khuyên dạy của chư Phật, tin rằng có cõi Tây phương Cực Lạc,
tin vào đại nguyện của Phật A Di Đà và tha lực tiếp dẫn của Ngài rồi chí thành
nguyện cầu sẽ được sinh sang cõi cõi nước Cực Lạc (Tín, Nguyện, Hạnh).
Pháp sư Reto bừng tỉnh, vội
vã chắp tay đảnh lễ người em đã khai ngộ cho mình. Ông trở về Lhassa trình sự
việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma rồi xin từ chức pháp sư về nhập thất tu thiền trong
dãy Tuyết Sơn. Đức Đạt Lai Lạt Ma sau truyền lệnh cho xây một ngôi chùa nguy nga
rộng lớn để xứng đáng với công đức tu hành của một vị cao tăng và phong cho
Lạt-ma Ajo chức Hòa thượng (Rinpoche). Tuy nhiên, Hòa thượng Ajo không thích
việc có một ngôi chùa riêng như vậy mà ông chỉ muốn tiếp tục sống trong ngôi
chùa nhỏ bé ở thung lũng Chumbi. Ông nói rằng dù chùa cao to đẹp đẽ, dù cung
vàng điện ngọc thì cũng chỉ là những hình thức bề ngoài, hữu sinh hữu hoại, nay
còn mai mất, không thể so sánh với cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà ở
phương Tây được. Hòa thượng Ajo còn dạy rằng pháp môn Tịnh độ này tuy giản dị mà
công năng vô cùng mầu nhiệm, bất khả tư nghì vì ngay như Đức Di Lặc Bồ-tát chỉ
còn một kiếp nữa sẽ thành Phật mà còn ngày đêm sáu thời đảnh lễ, trì niệm hồng
danh chư Phật.
Có người nói tu Thiền, tu Mật
mới là tu cao, còn tu Tịnh độ là tu thấp, chỉ dành cho những người ít học. Tôi
thì nói ngươc lại, chính những người ít học tu Tịnh độ thành công hơn những
người được cho là trí thức. Đó không phải vì người học nhiều không có khả năng
tu Tịnh độ mà là chính sự hiểu biết của họ trở thành một thứ sở tri chướng làm
cho họ không thể thâm nhập vào pháp môn Tịnh độ một cách trọn vẹn. Họ hay nghi
ngờ và thích nói hơn là hành trì. Nếu pháp môn Tịnh độ chỉ hợp với người ít học
thì tại sao Đức Phật không nói kinh này cho Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc mà lại nói
cho ngài Xá Lợi Phất, một bật trí tuệ đệ nhất trong hàng A-la-hán? Phải chăng
Phật muốn nói rằng chỉ có người có trí huệ chân thật mới có thể tin Pháp môn này?
Trí tuệ chân thật là loại trí
tuệ có sự chứng nghiệm tâm linh cũng như một nhãn quan sâu rộng có thể nhìn xa
hơn sự hiểu biết thông thường mà những người chưa chứng đắc không thể nào có
được. Ngày nay có một số người chưa chứng đắc nhưng lại đem kinh Phật ra đánh
giá, rồi cho rằng không có Phật A Di Đà, không có cõi Cực Lạc.
Họ bắt chước rồi nói vẹt theo các học giả Âu Mỹ, rằng Đức Phật A Di Đà là hình
ảnh mô phỏng của thần Mặt Trời trong thần thoại Hy Lạp. Chúng ta biết rằng pháp
môn Tịnh độ được đề cập không chỉ trong các kinh Tịnh độ như kinh Vô Lượng
Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật thuyết A Di Đà kinh mà còn
trong các kinh lớn khác như kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, kinh
Lăng nghiêm, kinh Dược Sư… Cả một hệ thống kinh điển đồ sộ như thế
đã đề cập và tuyên dương pháp môn Tịnh độ mà lại cho là bắt nguồn từ một tín
ngưỡng văn học dân gian mang tính chất thần thoại của một nước xa lạ nào đó thì
chẳng phải là rất nực cười lắm sao? Nếu Đức Phật A Di Đà chỉ là hình ảnh mô
phỏng của thần Mặt Trời Hy Lạp thì đây quả là một sự lừa đảo vĩ đại nhất trong
lịch sử nhân loại từ xưa đến nay và sự tu tập và dấn thân của hàng tỷ người trên
thế giới như một trò đùa trẻ nít. Mà nghĩ cũng lạ, những người nói như thế, dù
họ là tín đồ Phật giáo, thà tin các học giả phương Tây, những người không có tu
tập, chứ không tin Đức Phật hay các vị Tổ Phật giáo, những người có tu có chứng
hơn các học giả phương Tây. Kinh Tâm địa quán dạy rằng: “Như người
không tay, tuy đến núi báu vẫn không lấy được gì. Người không có lòng tin, dầu
gặp Tam bảo cũng không ích gì.” Thế giới tâm linh sâu xa vô tận há có thể
đem chút kiến thức hữu hạn của phàm phu mà đo lường được sao? Nếu giải thích sai
kinh Phật hoặc làm mất lòng tin của người khác thì nghiệp nặng biết bao.
Và một điều mà chúng ta thấy
ở đây là Tín - Hạnh - Nguyện là một biểu hiện khác của Giới - Định - Tuệ. Tín
tương ưng với Định, niềm tin kiên cố không lay chuyển. Hạnh tương ưng với Giới,
chỉ cho sự thực hành, hành trì, công phu tu tập. Và Nguyện tương ưng với Tuệ,
trí tuệ sáng suốt soi đường dẫn lối để hành giả đi đúng con đường đến giải
thoát. Duy tuệ thị nghiệp, duy nguyện vãng sinh. So sánh một chút như vậy để ta
thấy rằng pháp môn Tịnh độ không hề ra ngoài quỹ đạo chung của Phật pháp. Tất cả
các pháp môn trong Phật pháp đều dung thông với nhau một cách vô ngại. Pháp môn
nào cũng có hương vị giải thoát. Cho nên tu theo pháp môn nào cũng đều được giải
thoát vậy.
Thích Trung Hữu