Phật giáo Miến Điện: sự du nhập và phát triển

PHẬT GIÁO MIẾN ĐIỆN

PHẬT GIÁO MIẾN ĐIỆN: SỰ DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

 

Miến Điện (Myanmar hay Burma) là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, phía Đông bắc giáp tỉnh Vân Nam và Tây Tạng, phía Tây giáp Ấn Độ và Bangladesh, phía Đông giáp Thái Lan và Lào, phía Nam giáp vịnh Bengal. Dân số Miến Điện vào khoảng 45.101.253 người (Theo thống kê của Wikipedia năm 2019), bao gồm 135 dân tộc, trong đó dân tộc Miến (người Barma) chiếm 76,5% dân số; kế đến là các dân tộc Shan, Karen, Kachin, Chin, Mon… Ngôn ngữ của Miến Điện rất phong phú và đa dạng; có trên 240 ngôn ngữ ở nước này, trong đó tiếng Miến được xem là ngôn ngữ chính. Có nhiều tôn giáo khác nhau ở Miến Điện, như Phật giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Hindu giáo; trong đó Phật giáo là quốc giáo, chiếm đến 87,6% dân số.

Vì có vị trí địa lý tiếp giáp trực tiếp với hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, nên Miến Điện đã sớm có sự giao thoa văn hóa, kinh tế, thương mại với hai nước này. Do đó, Phật giáo có thể đã du nhập vào Miến Điện từ rất sớm. Tuy vậy, niên đại Phật giáo du nhập vào đất nước này đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong các học giả.

Theo truyền thống Miến Điện thì Phật giáo được truyền đến nước này ngay từ thời Đức Phật. Sử truyện nước này thuật lại rằng sau khi Đức Phật giác ngộ, “Có hai vị thương nhân tên Tapussa và Bhallika đến kính lễ Ngài và cúng dường bánh lúa mạch cùng những viên mật. Đây là hai vị đệ tử tại gia đầu tiên quy y Nhị Bảo: Phật - Pháp. Sau đó, với sự tha thiết khẩn cầu của họ, Đức Phật đã ban cho họ tám sợi tóc của Ngài. Khi trở về, hai vị được vua giúp đỡ xây dựng bảo tháp tôn thờ những sợi tóc ấy”[1]. Ngôi tháp được đề cập ở đây là chùa vàng Shwedagon nổi tiếng tại cố đô Yangon ngày nay, nơi hiện đang thờ tám sợi tóc của Đức Phật. Ngoài ra, một huyền thoại của người Arakan đề cập đến việc Đức Phật đã viếng thăm nước này, để lại một bức tượng khắc, về sau được gọi là tượng Mahamini. Bức tượng này ngày nay được tôn trí tại chùa Arakan ở Mandalay[2].

Nguồn tư liệu khác cho rằng, cũng vào thời Phật, một thương nhân tên Punna Sunasarata từ xứ Du Lô Na, hòn đảo ngoài biển Đông Ấn Độ đã đến Xá Vệ để nghe Đức Phật thuyết pháp, sau đó xuất gia, thành tựu quả vị A-la-hán, rồi trở về quê hương hóa độ người dân xứ mình[3]. Người Miến tin rằng xứ Du Lô Na là tên của đất nước họ thời xưa. Ngài Punna sau khi giáo hóa thành công dân bản địa đã xây dựng một tu viện và thỉnh Phật đến thăm. Đức Phật đã đến cùng với 500 vị Tăng, dừng chân bên sông Nammada, gần dãy núi Saccabandha.

Theo các nhà khảo cổ học thì Phật giáo có mặt ở Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch, do phái đoàn truyền giáo của vua Asoka truyền vào. Người Mon ở Thaton (Hạ Miến) là những người đầu tiên tiếp nhận Phật giáo. Sử liệu Tích Lan (Dīpavasa) ghi rằng phái đoàn do ngài Soa và Uttara dẫn đầu đã đến giáo hóa tại vùng Suvaṇṇabhūmi[4]. Mặc dù bia ký V và XIII[5] của Asoka ghi chép về các phái đoàn truyền giáo không đề cập đến tên gọi này, nhưng bia ký Kalyāni[6] của Miến Điện gọi khu vực Rāmannadesa (Hạ Miến) là Suvannabhūmi. Đây là một trung tâm thương mại quan trọng của Miến Điện thời thượng cổ.

      Theo Kính cung sử của Miến Điện thì Phật giáo được ngài Phật Âm (Buddhaghosa) truyền dạy cho người dân Miến vào khoảng thế kỷ thứ V. Người Miến Điện cho rằng ngài Phật Âm sinh tại Gola, một thị trấn nhỏ gần Thaton[7]. Sau thời gian lưu trú tại Tích Lan và hoàn thành công tác phiên dịch luận sớ từ tiếng Tích Lan sang Pāli, ngài đã trở về Miến Điện, mang theo cuốn văn phạm Pāli của Kaccayāna và bộ luật Manu rồi dịch sang tiếng Miến để phổ biến cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, các học giả cho rằng ngài Phật Âm xuất thân ở miền Bắc Ấn Độ, gần khu vực Bodhgaya[8], không phải người Miến Điện như sử liệu nước này ghi chép.

Các sử liệu Trung Quốc như Đại đường Tây Vực ký của ngài Huyền Trang, Nam Hải ký quy nội pháp truyện của ngài Nghĩa Tịnh, Đường thư… đề cập rằng Phật giáo Nguyên thủy phát triển mạnh tại khu vực Hạ Miến (thời đó được gọi là nước Thất Lỵ Sát Đát La, hay nước Phiêu) vào khoảng thế kỷ VII, VIII. “Khi vua xứ P’iao du hành, vua ngồi trên kiệu thếp vàng, nếu đi xa ngồi trên lưng voi… Tường thành chu vi 160 lý, được xây bằng gạch tráng men xanh, mỗi góc thành có 3 cổng và một ngôi chùa. Dân chúng trong thành giỏi thiên văn, yêu Phật pháp… đều theo đạo Phật với 100 ngôi chùa… Lúc lên bảy, con trai vào chùa thế phát xuất gia. Nếu đến 20 tuổi mà không tinh thông Phật lý, họ được trở về đời sống thế tục[9]. Lời tường thuật của Đường thư ở trên cho thấy rằng Phật giáo thịnh hành tại Miến Điện và người dân nơi đây đã có truyền thống xuất gia từ lâu.

Khoảng thế kỷ IX, Phật giáo Bắc truyền và Mật giáo bắt đầu xuất hiện tại Thượng Miến. Mật tông du nhập vào khu vực Bagan, kết hợp với tôn giáo bản xứ, hình thành nên giáo phái Ari, khác biệt đáng kể với phái Theravāda. Những Tăng sĩ Ari không sống độc thân. Họ rất thành thạo nghệ thuật quân sự, thực hành tantra, ma thuật, ban phép thuật và giải trừ tội lỗi. Sau khi tăng phái Ari phát triển mạnh, dần dần loại trừ Phật giáo Thượng tọa bộ. Đến thế kỷ XI, triều đại Bagan, dưới sự trị vì của vua Anawrahta (A Nu Luật Đà), Phật giáo Thượng tọa bộ trở thành quốc giáo. Những di tích khảo cổ, những công trình nghiên cứu của các học giả cho chúng ta thấy được phần nào về tiến trình du nhập và hình thành Phật giáo tại Miến Điện thời kỳ đầu trước khi có những ghi chép chính thức vào thế kỷ XI.

Theo đó, người Mon ở khu vực Hạ Miến là sắc tộc đầu tiên được tiếp nhận Phật pháp, có thể vào thời Phật tại thế hoặc sau đó khoảng 300 năm, tức vào thời vua Asoka. Phật giáo khu vực này chủ yếu là Phật giáo Nam truyền (Theravāda). Phật giáo Bắc truyền và Mật tông chỉ được phổ biến từ khoảng thế kỷ VII và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ IX với sự bành trướng thế lực của phái Ari tại Thượng Miến. Sau khi thống nhất hai vùng Thượng và Hạ Miến vào thế kỷ XI, vua Anawrahta đã đưa Phật giáo Thượng tọa bộ thành tông phái chính thống, và phái này phát triển hưng thịnh khắp đất nước.

Thời đại hoàng kim của Miến Điện nói chung và Phật giáo nói riêng là thời kỳ cai trị của vua Anawahta (1044-1077).  Anawrahta (A Nu Luật Đà) là hoàng tử con vua Kunhsaw Kyaghpyu (Hỗn Tu Cung Phiêu). Vị này bị người cháu cướp ngôi và buộc phải vào chùa sống ẩn dật. Sau thời thơ ấu lớn lên cùng cha trong chùa, Anawrahta giành lại được quyền lực và lên ngôi vào năm 1044. Ông mở rộng biên cương, cải cách kinh tế, phát triển nông nghiệp, thanh tịnh Tăng-già, xây dựng quốc gia, chú trọng học thuật. Những việc làm của ông đã đưa Miến Điện từ một tiểu quốc thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ về lãnh thổ mà còn về tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa và tôn giáo.

Vào thế kỷ XI, phái Ari ở Miến Điện phát triển mạnh với số lượng tín đồ lên đến sáu vạn. Tuy nhiên, các vị này có cuộc sống phóng túng, theo đuổi chủ nghĩa nhục dục, giữ vị trí tối cao trong các nghi thức tế lễ trên đỉnh Popa, đi kèm với đặc quyền được hưởng “đồng thân” thanh niên nam nữ tín đồ. Trước thực trạng này, vua Anawahta đã ra quyết định thanh tịnh hóa Tăng-già, loại trừ phái Ari, đưa Phật giáo Thượng tọa bộ, với sự dẫn dắt của đạo sư Shin Arahan, thành quốc giáo. Sau đó, vua cử người sang yết kiến vua xứ Thaton xin thỉnh Tam tạng cùng xá-lợi Phật. Sự bất hợp tác cùng thái độ lăng nhục sứ giả của vua Thaton đã làm Anawrahta bất bình, khiến ông đem quân chiếm lấy vùng Hạ Miến (1057), thu thập Tam tạng kinh điển, sách chú thích, văn vật, 500 nhà sư Thượng tọa bộ, các nhà nghệ thuật, thợ thủ công... và cả vua Manuha đưa về Bagan.

Việc chiếm lấy Thaton trở thành một sự kiện quan trọng trong lịch sử chính trị, xã hội, văn hóa Miến Điện. Lần đầu tiên, “Những người bại trận đã chinh phục những kẻ đi chinh phục: nền văn hóa Môn đã giữ vị trí hàng đầu tại triều đình Pagan. Pāli trở thành ngôn ngữ thiêng liêng của Pagan, và cuối cùng thì bảng chữ cái Môn trở thành biểu hiện văn chương của ngôn ngữ Miến Điện”[10]. Về mặt chính trị, hai miền Thượng Miến và Hạ Miến được sáp nhập thành một nước Miến Điện thống nhất có lãnh thổ trải dài từ Bắc đến Nam dưới sự cai trị của vua Anawrahta. Về phương diện văn hóa nghệ thuật, những nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề nhất của Thaton đã được đưa đến Bagan, xây dựng nên một kinh đô hoa lệ với kiến trúc tinh xảo và mở đầu cho hệ thống đền đài chùa tháp đặc sắc riêng của người dân Miến Điện. Về mặt ngôn ngữ học thuật, những vị Tăng Thaton am hiểu Pāli được thỉnh mời vào công tác nghiên cứu, dịch thuật, đối chiếu Tam tạng thu được từ Thaton và Tam tạng thỉnh về từ Tích Lan, sau đó sao chép và phổ biến khắp nước. Anawrahta đã xây dựng Bagan thành một trung tâm học thuật Phật giáo bậc nhất Đông Nam Á vào thời bấy giờ. Chữ viết Miến Điện cũng được hình thành trong giai đoạn này dựa trên cơ sở chữ Môn và chữ Phiêu. Chiến thắng Thaton khiến cho Miến Điện và Tích Lan xích lại gần nhau hơn. Đáp lại lời thỉnh cầu của vua Vijayabāhu I, vua Anawrahta đã cử các Tăng sĩ đạo hạnh tinh thông Tam tạng đã đến Tích Lan phục hồi Phật giáo tại nước này sau thời gian nước này bị ngoại bang cai trị[11], đồng thời thỉnh được xá-lợi răng Phật và Tam tạng Pāli về Miến Điện. Nhờ đó mà Phật giáo Tích Lan được phục hồi và hưng thịnh.

Sau khi vua Anawrahta băng hà, người kế vị ông là Kyanzitha (Khang-tất-đạt) đã tiếp tục bảo trợ Phật giáo. Vua tiếp tục hoàn thiện công trình tháp Phật Cung Thụy Hải (Shwezigon) được khởi công xây dựng từ thời Anawrahta để tôn thờ xá-lợi răng Phật. Đây là ngôi tháp vàng đầu tiên của Miến Điện, trở thành kiểu mẫu cho nhiều đền tháp về sau. Một ngôi chùa tháp đặc sắc khác là chùa Ananda, biểu tượng cho năng lượng trí tuệ vô biên của Đức Phật. Chùa tôn trí nhiều bức tượng Phật lớn, 7.500 bức bích họa mô phỏng kinh Bn sinh, thuyết minh bằng tiếng Pāli và chữ Mon[12]. Ngày nay, chùa Ananda được xem là ngôi chùa nguyên vẹn nhất trong quần thể kiến trúc chùa tháp tại đô thị cổ Bagan. Ngoài ra, vua Kyanzitha còn xây dựng một thư viện đá để lưu trữ Tam tạng kinh điển được thỉnh về từ Tích Lan. Đền Kubyaukgi, nơi lưu giữ Tam tạng khắc trên 1.458 phiến đá cẩm thạch và những câu chuyện về triều đại Bagan được gọi là Bách khoa toàn thư của lịch sử loài người[13].

Sau thời kỳ này, đến giai đoạn cai trị của vua Narapatisithu (Na-la-ba-đế-tất-đô, 1173), mối quan hệ vốn hữu hảo giữa Miến Điện và Tích Lan đã trở nên xấu đi, nhưng sau đó đã hòa hiếu trở lại nhờ sự hòa giải của chư Tăng. Quốc sư Uttarajiva, thị giả Sa-di Chapata và một số Tăng sĩ Miến Điện đã đến Tích Lan chiêm bái Phật tích và thiết lập mối thân hữu giữa hai nước. Kết thúc chuyến viếng thăm này, Sa-di Chapata được ở lại chùa Đại (Mahāvihara) thọ giới và học tập trong 10 năm. Sau khi trở về nước cùng với 4 vị T-kheo khác, ông đã phổ biến việc học tập kinh điển tiếng Pāli và phương thức thọ giới theo truyền thống Tích Lan[14]. Sự đổi mới này khiến Tăng-già phân hóa thành hai phái: Tiền phái (theo truyền thống của ngài Shin Arahan) và Hậu phái (hành trì theo Phật giáo Tích Lan). Về sau, do bất đồng quan điểm về giới luật, Hậu phái lại tiếp tục phân chia. Tuy nhiên, các phái đều nỗ lực hoằng truyền Phật pháp nên Phật giáo vẫn phát triển hưng thịnh.

Vào thời vua Narapatisithu, Phật giáo cực thịnh tại Bagan. Cung kính thư chép: “Muốn dân chúng hành trì Phật đạo, vua đã xây dựng nhiều ngôi đại tự như chùa Gawdawpalin, Sulamani, Dhammayazaka, Mimalungkyaung, Chaukpala và tạc nhiều tượng Phật lớn để thờ. Vua yểm trợ mọi phương tiện cần thiết, khuyến khích chư Tăng, chuyên học Pāli, nghiên cứu Luật tạng, giữ gìn giới luật, giáo hóa độ sinh[15]. Vì thế vào thời kỳ này nhiều vị cao tăng xuất hiện, như ngài Chapata (giỏi ngữ học, luận lý học, luận học, sáng tác bộ Sutaniddesa, Samkhepavannanā, Vinayagulatthadipāni…), Nānasāgara và Uttama (sáng tác bộ Langatthavivaranappakasāka)...

Các vị vua sau vẫn tiếp tục ủng hộ Phật giáo. Đến thời vua Narathihapate (Na-la-thê-ba-đế), vị vua cuối cùng của vương triều Bồ Cam, hoàng gia nghi kỵ lẫn nhau, đất nước trở nên loạn lạc. Năm 1287, quân Nguyên Mông tấn công Bagan, vương triều Bagan diệt vong sau hơn 200 năm hưng thịnh.

Có thể nói vua Anawrahta là người đã viết nên một trang sử chói lọi cho dân tộc Miến Điện. Lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, một vị quân vương đã thống nhất đất nước, mở rộng ngoại giao, phát triển kinh tế, chú trọng nông nghiệp, khai mở kiến trúc, khuyến khích học thuật, và hơn hết là ủng hộ Phật giáo. Ông xứng đáng được vinh danh là “A Dục vương của Miến Điện. Bằng tất cả sự nhiệt thành của một người con Phật, Anawrahta đã cải cách Phật giáo, thanh tịnh Tăng-già, đưa Phật giáo Thượng tọa bộ lên vị trí chính thống trên toàn lãnh thổ đất nước. Từ đây, văn hóa Phật giáo trở thành nét đặc trưng của văn hóa dân tộc.

Tiếp nối Anawrahta, những vị vua khác đều hết lòng ủng hộ Phật giáo. Vào thời Naranthihapate (1254-1287), vị vua cuối cùng của triều đại Bagan, xứ này có trên 13.000 chùa tháp, cùng tàng kinh các chứa Tam tạng kinh điển và các trường đại học Pāli. Trải qua thăng trầm lịch sử, cùng với những tác động do động đất gây ra, Bagan ngày nay chỉ còn lưu giữ được khoảng 2.230 ngôi đền tháp. Nhưng bấy nhiêu cũng đã đủ để hình dung sự hưng thịnh của Phật giáo thời bấy giờ.

Sau sự suy tàn của vương triều Bagan, đất nước rơi vào chiến tranh liên miên do sự tranh giành quyền lực giữa các sắc tộc trong nước. Giai đoạn này kéo dài 250 và được gọi là ‘thời kỳ chiến quốc’ của Miến Điện. Đất nước bị chia cắt, nhân dân ly tán, nhưng tuy vậy Phật giáo vẫn được coi trọng và truyền bá. Thượng Miến được tộc Thiện chia làm ba khu vực để trị vì: Bang Nhã, Thực Giai và A Ngoã. Ba vùng trên đều trở thành trung tâm Phật giáo ở phương Bắc, nhưng phát triển mạnh nhất là Phật giáo tại A Ngõa với sự ra đời của các tác phẩm bằng tiếng Miến đầu tiên do các vị cao tăng trước tác. Tiêu biểu là các cuốn Mani bảo khuông, Mani đăng, Thánh điển tư cụ, Bản sinh tịnh hóa do ngài Ariyavamsa (Nhã-lị-an-ôn-tát) viết; ngài Silavamsa (Giới Chủng) thì trước tác Thiện tuệ luận, dịch Đạo luận, Sở thú nhân duyên… ra tiếng Miến. Ngoài ra còn có sự hoằng pháp của các ngài Diệu Pháp Xứng, Đại Thiện Thắng, Đế Sa Tha Na Xà...

          phương Nam, dưới sự cai trị của vương triều Tý Cổ (1287-1539), Phật giáo trải qua ba giai đoạn phát triển rực rỡ. Thời kỳ đặt nền móng đầu tiên do công lớn của vua Wareru (Hoa Liệt Lỗ). Vua thỉnh các vị T-kheo soạn bộ Hoa Liệt Lỗ pháp điển dựa trên cuốn Ma-nô pháp (Laws of Manu) của Ấn Độ để làm luật trị nước, định ra cơ sở pháp học đầu tiên của Miến Điện. Về học thuật Phật giáo, trong nước có hai vị cao tăng phục hưng Phật pháp, biên soạn những tác phẩm có giá trị, được xem là văn pháp tiêu chuẩn về ngữ văn Pāli của người Miến Điện. Đó là ngài Medhamkara (Tuệ Hành, người đã viết Thế đăng tinh yếu),ngài Mahayasa (Đại Da Xá, tác giả của Ca Chiên Diên văn pháp yếu lược). Về mặt kiến trúc Phật giáo, vua Binnyau (Trần Gia Vũ) đã trùng tu tháp Phật Cung Thụy Đức (nay là Đại tháp vàng Ngưỡng Quang - Shwedagon), nâng chiều cao tháp từ 9m lên 20m; vua Rasadarit (La-bà-đà-lỵ) đã xây dựng tháp Shwemadan (Phật Thụy Ma Đào) và nhiều chùa khác...

          Kế đến là giai đoạn phát triển hưng thịnh của vương triều Tý Cổ dưới sự cai trị của nữ vương Shinsawbu (Tín Thu Phù). Bà vốn là công chúa con vua, bị bắt về A Ngoã khi hai miền Nam - Bắc xảy ra chiến tranh. Về sau bà được hai Tăng nhân người Môn giúp trốn thoát về nước và lên ngôi vào năm 1453, khi đã 60 tuổi. Trong 19 năm tại vị, Tín Thu Phù đã sửa sang nội chính, ngoại giao, khiến cho dân giàu nước mạnh, chính trị ổn định. Ngoài ra bà còn chuyên tâm vào Phật giáo, tu bổ tháp Phật Cung Thụy Đức và làm nhiều Phật sự khác.

Vương triều Tín Thu Phù hùng mạnh một phần do sự cố vấn của tể tướng Dhammazedi (Đạt Ma Tất Đề), một trong hai Tăng nhân đã giúp bà trốn thoát từ A Ngõa. Khi thấy mình đã già yếu, Tín Thu Phù thoái vị, nhường ngôi cho Đạt Ma Tất Đề, bắt đầu một thời kỳ hoàng kim của Phật giáo. Vốn là một vị Tăng thấm nhuần giáo lý Phật giáo, Dhammazedi đã đưa ra những chính sách trị nước khiến lòng người êm đẹp. Một mặt, vua tích cực xây dựng và phát triển đất nước, mặt khác vua nỗ lực hộ trì Phật pháp, thống nhất Tăng-già. Vua sai sứ đến Ấn Độ xin cây b-đề và họa đồ chùa Phật về làm mẫu cho các công trình Phật giáo ở Tý Cổ, bỏ ra vàng chuộc lại đất chùa Shwedagon bị thu nhỏ trong thời Tín Thu Phù, xây dựng hai tòa tháp Phật, thiết lập một thành phố mới nằm ở phía Tây Shwemadan. Không dừng lại ở đó, cống hiến lớn nhất của vua đối với Phật giáo là cải cách và thống nhất Phật giáo Miến Điện. Như trước đã đề cập, sự đối lập giữa Tăng đoàn thuần Miến và Tăng đoàn Tích Lan khiến Tăng-già phân chia thành nhiều nhóm nhỏ. Bia ký Kalyāni tại thị trấn Martaban ghi nhận có sáu chi phái Phật giáo tại Miến Điện vào thế kỷ XIII[16]. Vì vậy khi lên ngôi, Dhammazedi đã triệu tập hội nghị Trưởng lão các phái, bàn kế hoạch cải cách Tăng đoàn.

Vào năm 1475, Dhammazedi gửi phái đoàn gồm 22 vị T-kheo và 22 Sa-di sang Tích Lan thỉnh cầu truyền giới theo nghi thức chùa Mahavihara và học hỏi những điều cần thiết. Sau khi phái đoàn trở về, vua cho thiết lập kết giới Sima tại Pegu gọi là Kalyānisimā, tổ chức đại giới đàn truyền giới theo nghi thức Tích Lan. Giới trường Kalyāni là nơi chư Tăng tụ hội để thực hiện các nghi thức như b-tát, an cư, tự tứ… Và bắt buộc tất cả các phái tại Miến Điện đều phải theo thể thức này. Mất thời gian ba năm các vị Tỷ-kheo trong nước mới hoàn toàn sửa đổi việc thụ giới theo phương thức Tích Lan, những vị không hợp pháp phải xả giới hoàn tục. Từ đó, Phật giáo Miến Điện dưới sự cải cách của vua Dhammazedi đã quy về một mối, thống nhất, hòa hợp, thanh tịnh y theo luật của hệ thống Tăng đoàn Thượng tọa bộ. Các T-kheo không còn tình trạng đối kháng, tranh giành do sự khác nhau về sắc tộc và địa phương.

   Theo quan điểm của người dân Miến Điện, những ai muốn trở thành người Miến, họ phải là Phật tử:Người Miến và tín đồ Phật giáo là danh từ đồng nghĩa”. Phật giáo vì vậy là biểu tượng nhân tính của người Miến và đất nước Miến Điện. Sự đoàn kết và thống nhất của người Miến hoàn toàn được xây dựng trên yếu tố Phật giáo. Tất cả những tranh chấp, hơn thua giữa các sắc tộc Miến, vốn là nguyên nhân khiến đất nước thường xuyên biến động, đều được giải quyết trong tinh thần hòa hợp của Phật giáo. Nihar Ranjan Ray trong cuốn An introduction to the study of Theravāda Buddhism in Burma đã viết: “Phật giáo là một yếu tố dung hòa lớn tại Miến Điện. Mặc dù có những tỵ hiềm, xung khắc ngay trong tổ chức Tăng-già, nhưng nhờ Phật giáo cuối cùng đã biến sắc tộc Talaings và sắc tộc Pyus, sắc tộc Miến và sắc tộc Shans, sắc tộc Thái và sắc tộc Karens cùng nhiều sắc tộc khác dưới ngọn cờ trên danh nghĩa của một tôn giáo, tín ngưỡng chung, thống nhất thành một khối, mặc dù văn hóa, truyền thống khác nhau, đôi khi xung khắc nhau. Đức Phật là vị Thầy chung, Dharma là mục tiêu chung và Sangha là nơi gặp gỡ chung[17]. Không chỉ giải quyết những tranh chấp giữa các sắc dân trong nước, Phật giáo còn là nguồn lực tinh thần, là kim chỉ nam cho người dân Miến trên con đường đấu tranh giành tự do, dân chủ và độc lập cho dân tộc Miến Điện. Do đó, vào thời thực dân Anh xâm lược, vua Thi Bạc (vị vua cuối cùng của triều Cống Bảng) tuyên bố: “Người Anh xâm lược Miến Điện cũng chính là tiêu diệt Phật giáo”.

KẾT LUẬN

Phật giáo và dân tộc Miến Điện đã đồng hành cùng nhau từ thời đầu dựng nước, và vì lẽ đó người ta gọi Miến Điện là đất nước mang dấu chân Phật. Đức Phật đã đến, để lại một dấu chân, một dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc Miến.

Thời vàng son của Phật giáo Miến Điện được đánh dấu bằng sự ra đời của hàng loạt các ngôi đền tháp nguy nga, tráng lệ, được xây dựng với tất cả lòng thành kính; sự xuất hiện của các vị cao tăng nghiên tầm giáo điển, hoằng dương Chánh pháp; sự ủng hộ và phổ biến Phật pháp rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân của các vị quốc vương cai trị. Trải qua thời gian, dưới sự tác động của những biến cố lịch sử, những ảnh hưởng của thiên tai, động đất, đô thị cổ Bagan hiện còn khoảng 2.000 bảo tháp.

Phật giáo từ lâu đã ăn sâu vào từng tấc đất, từng ngọn cỏ lá cây, hòa thành máu huyết và hơi thở của người dân Miến Điện, là cội nguồn của sức mạnh tinh thần, là linh hồn của đất nước. Thế nên, về mặt lịch sử, có thời đại suy tàn, có giai đoạn vàng son, Phật giáo khi hưng thịnh, lúc suy vi, nhưng về mặt tinh thần, Phật giáo luôn ở trong tâm hồn mỗi người dân Miến, ngự trị ở đó trong từng giây phút, trong từng hơi thở của cuộc sống.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TK. Indacanda (dịch), Theravāda - Sử liệu về đảo Lanka (Dipavamsa), Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, 2005.

2. Alexander Grisworld, Miến Điện, Triều Tiên, Tây Tạng - Nghệ thuật của thế giới, Methuen, 1964.

3. Cao Huy Thuần, Đến với Phật cùng tôi, NXB.Hồng Đức, Tp.Hồ Chí Minh, 2016.

4. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, NXB.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1997.

5. Hajime Nakamura, Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật Gotama - Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, NXB.Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh, 2011.

6. PS. Thánh Nghiêm và PS. Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB.Khoa Học Xã Hội, Tp.Hồ Chí Minh, 2008.

7. Sylwia Gil, Nguyên Hiệp (dịch), Vai trò của giới Tăng lữ trong xã hội Miến Điện đương đại, Nguyệt san Giác Ngộ số 275, tháng 02/2019.

8. Thích Chơn Thiện, Tăng-già thời Đức Phật, NXB.Tôn giáo, Hà Nội, 2006.

9. Trần Quang Thuận, Phật giáo Miến Điện, NXB.Tôn giáo, Tp.Hồ Chí Minh, 2008.

10. Trần Quang Thuận, Phật giáo tổng quan, tập 1, NXB.Văn Hóa Sài Gòn, Tp.Hồ Chí Minh, 2007.

11. Trần Quang Thuận, Phật giáo Việt Nam đi vào thời đại mới trước những thử thách văn hóa thời đại, NXB.Hồng Đức, Tp.Hồ Chí Minh, 2014.

12. Thích Tâm Minh, A Dục vương - Cuộc đời và sự nghiệp, NXB.Tôn giáo, Tp.Hồ Chí Minh, 2004.

13. Thích Thái Hòa, Miến Điện mặt trời lên, NXB.Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh, 2013.

 


 

[1] Hajime Nakamura, Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật Gotama - Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, tr.317-320.

[2] Sylwia Gil, Nguyên Hiệp (dịch), Vai trò của giới Tăng lữ trong xã hội Miến Điện đương đại, Nguyệt san Giác Ngộ số 275, tháng 02/2019, tr.53.

[3] Thích Chơn Thiện, Tăng-già thời Đức Phật, tr.271.

[4] TK. Indacanda (dịch), Theravada - Sử liệu về đảo Lanka (Dipavamsa), tr.111.

[5] Thích Tâm Minh, A Dục vương - Cuộc đời và sự nghiệp, tr.308-318.

[6] Trần Quang Thuận, Phật giáo tổng quan, tập 1, tr.101.

[7] Trần Quang Thuận, Phật giáo Việt Nam đi vào thời đại mới trước những thử thách văn hóa thời đại, tr.31.

[8] PS. Thánh Nghiêm và PS. Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, tr.697.

[9] Trần Quang Thuận, Phật giáo Miến Điện, tr.104.

[10] D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, tr.236.

[11] Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, tr.165.

[12] PS. Thánh Nghiêm và PS. Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, tr.708.

[13] Alexander Grisworld, Miến Điện, Triều Tiên, Tây Tạng - Nghệ thuật của thế giới, tr.65.

[14] Trần Quang Thuận, Phật giáo Miến Điện, tr.117.

[15] Thích Thái Hòa, Miến Điện mặt trời lên, tr.79.

[16] Thích Thái Hòa, Miến Điện mặt trời lên, tr.80.

[17] Trần Quang Thuận, Phật giáo Miến Điện, tr.296.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle