Đức Phật đã sử dụng ngôn ngữ gì để thuyết pháp
ĐỨC PHẬT ĐÃ SỬ DỤNG NGÔN NGỮ GÌ
ĐỨC PHẬT ĐÃ SỬ DỤNG NGÔN NGỮ GÌ ĐỂ THUYẾT PHÁP
Trung Thiện
Đức Phật đã sử dụng ngôn ngữ gì để tuyên
thuyết giáo pháp là câu hỏi được giới nghiên cứu quan tâm,
tìm hiểu trong nhiều thế kỷ
qua. Cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào đưa ra một
kết luận khả dĩ ngoài những giả thuyết về một hình thể ngôn ngữ nào đó đã được
Đức Phật sử dụng. Trong khi chờ đợi câu trả lời thỏa đáng
cho thắc mắc này, chúng ta có thể y cứ một số dữ kiện được truyền tụng trong
thánh điển để tìm ra những lý giải khả tín nhất.
Vấn đề được bắt đầu từ ý tưởng Đức Phật
đã sử dụng tiếng Pāli để thuyết pháp của giới Phật giáo Theravāda phát xuất từ
quan điểm của ngài Buddhaghosa.
Cullavagga (Tiểu phẩm)
của tạng luật Pāli có đề cập đến câu chuyện hai vị Tỷ-kheo
tên là Yameḷu
và Tekula (vốn xuất thân từ dòng
dõi Bà-la-môn, có lời nói nhã nhặn, âm điệu ngọt ngào)
đã than phiền với Đức Phật rằng: “Bạch
Ngài, hiện nay các Tỷ-kheo
có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc
khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy làm hỏng lời dạy của Đức
Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy
để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng
có niêm luật”.
Ý nghĩa đoạn ghi chép trên mô tả giáo đoàn thời Đức Phật bao gồm nhiều giai tầng
trong xã hội. Họ đến từ nhiều quốc độ với tên gọi, dòng dõi, giai cấp, chủng tộc...
khác nhau nhưng cùng chung một lý tưởng, sống đời phạm hạnh, và trong lúc hoằng
dương giáo pháp của Đức Phật họ đã sử dụng ngôn ngữ của xứ sở mình. Đối với hai
vị Tỷ-kheo Yameḷu và Tekula, việc dùng
phương ngữ để truyền bá giáo pháp là làm mất giá trị lời Phật dạy. Cho nên, họ
đã ngỏ lời thỉnh cầu Đức Phật được hoán chuyển lời dạy của Ngài sang dạng có
niêm luật.
Niêm luật (chandaso)
ở đây chỉ cho tiếng Phạn Vệ-đà (Vedic
Sanskrit), là ngôn ngữ dành riêng cho giới Bà-la-môn,
quý tộc và được dùng để lưu truyền thánh thư Vệ-đà
thời bấy giờ. Đức Phật không đồng ý lời thỉnh cầu của Yameḷu
và Tekula. Ngài khiển trách hai vị Tỷ-kheo đó, bảo
rằng không nên hoán chuyển lời dạy của Phật sang Phạn ngữ, bởi
vì “Sự
việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm
niềm tin của những người đã có đức tin. Này các Tỷ-kheo,
hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin
nơi
những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức
tin.” Chính vì thế, Đức
Phật chỉ thị (nguyên văn Pāli): “Anujānāmi,
bhikkhave, sakāya niruttiyā buddhavacanaṃ
pariyāpuṇitunti.”
Trọng tâm bàn luận nằm ở từ
sakāya niruttiyā.
Lời chỉ thị trên được dịch là: “Này các thầy Tỷ-kheo,
Ta cho phép học tập lời dạy của Phật bằng ngôn ngữ của mình”.
Trong bản chú giải luật tạng, ngài Buddhaghosa giải thích từ
sakāya niruttiyā mang ý nghĩa là sự giảng giải được nói ra bởi đấng Chánh
Đẳng Giác (Vinaya Atthakatha, Vi, 1214), có nghĩa là Đức
Phật dạy các đệ tử học giáo pháp bằng ngôn ngữ của mình tức là tiếng
Magadhi như Đức Phật đã dùng. Y cứ sự giải thích này,
giới Phật giáo Theravāda tin rằng Tam tạng giáo điển được kiết
tập bằng tiếng Magadhi, một ngôn ngữ phổ thông của xứ Magadha, và đây là ngôn
ngữ nền tảng trong sự sáng thành tiếng Pāli về sau.
Liên quan đến vấn đề này, chúng ta cũng tìm thấy trong bộ
A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận
của phái Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvastivada)
và một số bản kinh Phật giáo sơ kỳ.
Đại Tỳ-bà-sa luận có dẫn một đoạn luật kể lại câu chuyện
Đức Phật dùng thánh ngữ (tiếng Phạn)
để tuyên thuyết Tứ đế cho bốn vị thiên vương nhưng chỉ có hai
trong bốn vị đó hiểu.
Vì lòng thương xót muốn lợi ích cho họ, Đức Phật lần lượt
dùng ngôn ngữ bình thường của nước giáp ranh phía nam Ấn Độ (南印度邊國俗語)
và ngôn ngữ Miệt-lệ-xa để hai vị thiên vương còn
lại có thể lĩnh hội được giáo pháp bằng ngôn ngữ của
mình.
Đại Tỳ-bà-sa luận
cũng cho rằng Đức Phật có thể diễn đạt bất cứ điều gì
Ngài muốn nói cho thính chúng bằng bất cứ ngôn ngữ nào và
người nghe có cảm giác như Ngài đã dùng các thứ tiếng
trong cùng một lúc. “Nếu người Chí-na đến tham gia pháp hội, họ cho rằng
Đức Phật sử dụng tiếng Chí-na giảng dạy cho họ. Nhưng
nếu có nhiều chủng tộc khác nhau đến tham dự, như người nước Lịch-ca,
Diếp-phạt-na, Đạt-thứ-đà, Mạt-bà-khư-sa, Đỗ-hóa-la, Bác-cát-la... tất cả đều cho
rằng Đức Phật riêng vì mình sử dụng tiếng của nước mình
để thuyết giảng, tùy theo chủng loại khác nhau đều được nghe hiểu”.
Dựa vào Đại Tỳ-bà-sa
luận ta thấy, tùy theo
chủng tộc mà Đức Phật dùng phương ngữ tương ứng để thuyết giảng cho người ở đó
hiểu được lời dạy của Ngài bằng chính ngôn ngữ bản địa
chứ không sử dụng một loại ngôn ngữ cố định. Điều này được Cao Hữu Đính mô tả cụ
thể: “Với tín đồ ở Vương-xá, Ngài nói tiếng
nước Ma-kiệt-đà; với tín đồ Xá-vệ, Ngài nói tiếng nước
Kiều-tát-la; với tín đồ Ba-la-nại, Ngài nói tiếng Ca-thi;
với tín đồ Tỳ-xá-ly, Ngài nói tiếng nước Bạt-kì; với tín
đồ Kiều-thưởng-di, Ngài nói tiếng Bạt-sa.”
Việc sử dụng phương ngữ cũng được ghi nhận trong kinh số 139 -
Vô tránh phân biệt
thuộc Trung bộ kinh.
Ở bản kinh này Đức Phật đã
dạy các thầy Tỷ-kheo về bảy pháp vô tránh
phân biệt, trong đó pháp thứ bảy là “chớ có chấp trước phương ngữ, chớ có đi
quá xa ngôn ngữ thường dùng”.
Đức Phật giải thích rằng, mỗi quốc độ có một ngôn ngữ riêng, ở
quốc độ này gọi là pāti nhưng ở quốc độ khác lại sử dụng những
từ khác như patta, vittha, serāva, dhāropa, poṇa,
hana pisīla... Vì vậy Đức Phật
dạy các vị Tỷ-kheo không nên bảo thủ chấp trước cho rằng
cách diễn tả bằng ngôn ngữ của mình là sự thật, còn lại
là hư vọng; mà chỉ nên tùy thuận y cứ vào cách diễn tả bằng ngôn ngữ ở quốc độ
đó để giải thích. Có như vậy mới không chấp trước phương ngữ, không đi quá xa
ngôn ngữ thường dùng.
Từ đó cho thấy Đức Phật không đồng ý cho các thầy Tỷ-kheo dựa vào bất kỳ một
ngôn ngữ nào làm tiêu chuẩn khi thuyết giảng, mà nên sử dụng một ngôn ngữ người
dân thường sử dụng để họ có thể nghe và hiểu được giáo pháp. Điều này đòi hỏi
các thầy Tỷ-kheo phải thông hiểu các ngôn ngữ bản địa của mỗi quốc độ, đó cũng
là một trong những mong muốn của Tôn giả Ananda đối với một thầy Tỷ-kheo:
“Thưa Hiền giả Sariputta,
có Tỷ-kheo thiện xảo về ý nghĩa, thiện xảo về pháp, thiện xảo về văn cú, thiện
xảo về địa phương ngữ, thiện xảo về liên hệ trước sau. Cho đến như vậy, thưa
Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo mau chóng đi đến hiểu biết
đối với các thiện pháp, sự nắm giữ của vị ấy là khéo nắm giữ, nắm giữ nhiều, và
không quên điều đã nắm giữ”.
Qua những gì đã trích dẫn phân tích, chúng ta thấy rằng một mặt
Đức Phật sử dụng phương ngữ để thuyết giảng, mặt khác
Ngài khuyên dạy các thầy Tỷ-kheo
tránh chấp trước vào phương ngữ và nên khéo léo dựa vào ngôn ngữ thông dụng khi
giảng dạy cho quần chúng. Hơn thế, nếu đã tồn tại một loại ngôn ngữ bác học dành
riêng cho tầng lớp thượng lưu hẳn nhiên phải tồn tại một loại ngôn ngữ bình dân,
bởi ngôn ngữ bác học là sự kết tinh, hình thành từ ngôn ngữ bình dân. Từ đó cho
ta một lý do để tin rằng có một
loại ngôn ngữ phổ thông được sử dụng rộng rãi trong quần chúng xã hội Ấn Độ
thời bấy giờ.
Những điều này làm chúng ta chuyển hướng chú ý rằng, thay vì
“hỏi Đức Phật đã sử dụng
ngôn ngữ gì để thuyết pháp?”, chúng ta hãy đặt vấn đề
là “Có một ngôn ngữ chung nào được sử dụng vào thời Đức
Phật hay không?”. Có lẽ vấn đề này phải nhờ đến các
nhà nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học chuyên sâu. Riêng ở bài viết này, như đã
dẫn nói, chỉ y cứ một số dữ kiện được truyền tụng trong thánh điển Phật giáo để
tìm ra những lý giải khả tín chứ không thể đưa ra một đáp
án mang giá trị chuyên môn được, có chăng chỉ có thể nêu ra
một số đề xuất:
1. Tại cuộc kết tập kinh điển lần thứ
nhất được tổ chức tại xứ Magadha, nhiều khả năng giáo điển đã được kiết
tập bằng một loại ngôn ngữ phổ thông, sử dụng rộng rãi trong đại bộ phận quần
chúng lúc bấy giờ. Điều này cho phép chúng ta miễn cưỡng chấp nhận rằng, ngôn
ngữ phổ thông đó có thể là tiếng Magadhi của xứ Magadha; đồng thời gạt đi ý
tưởng rằng Pāli được sáng thành từ tiếng Magadhi để rồi xem như là ngôn ngữ mà
Đức Phật đã sử dụng. Bởi vì, các nhà ngôn ngữ học đã
chứng minh Pāli chưa từng là một loại ngôn ngữ nói (spoken languege) mà
chỉ là một loại văn ngữ (textual languege) được sử dụng để ghi chép các
thánh điển của Phật giáo Theravāda tại Tích Lan vào thế kỷ
I tr.TL. Ngay chính từ Pāli khởi thủy dùng để chỉ
văn điển hay đoạn văn, không phải để chỉ cho một loại ngôn ngữ.
2. Tra cứu từ kinh tạng sơ kỳ, ta thấy
bước chân du hóa của Đức Phật không dừng lại ở một vài
vương quốc, giới hạn trong một vài chủng tộc hay giai cấp; cho nên, Đức
Phật hẳn phải sử dụng nhiều phương ngữ khác nhau để truyền bá Chánh
pháp nhằm giúp mọi người có thể lĩnh
hội trọn vẹn lời dạy của Ngài bằng chính tiếng mẹ đẻ của
mình. Nếu giới hạn trong một ngôn ngữ cố định thì sự lợi ích từ lời dạy của
Ngài đối với quần chúng sẽ không được nhiều, điều đó trái
ngược với bản nguyện thị hiện ở đời của Ngài là “đem
lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi
ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”;
không đúng với lời dạy của Ngài dành cho
chúng đệ tử trên bước đường hoằng dương Chánh pháp:
“Hãy ra đi, các thầy Tỷ-kheo, đem sự tốt đẹp đến
nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp,
lợi ích và hạnh phúc lại cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một
ngã.... Chính Như Lai cũng đi, Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Senānigāma để
hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy
giáo pháp cao siêu. Hãy mang sự
tốt đẹp lại cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ.”
3. Một điều không thể phủ nhận rằng, không có gì tuyệt vời hơn
khi được nghe và hiểu lời Phật dạy bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bằng cách
đó cho ta cảm giác gần gũi, trìu mến, dễ đi vào tâm thức hơn bất cứ ngôn ngữ nào
khác. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận một điều rằng, tìm hiểu lời dạy của
đấng Giác Ngộ bằng chính ngôn ngữ gốc hay ít ra bằng những ngôn ngữ chuyển tải
gần nhất với nội dung và ý nghĩa lời Phật dạy để có thể tiếp xúc được sự uyên
nguyên, đầu nguồn của chân lý vẫn là cách tuyệt vời hơn;
và Pāli hay Sanskrit rõ ràng là những tia sáng diệu vợi nhất trong nhiệm vụ này
mà không ngôn ngữ nào có thể sánh được.
Đại chánh tân tu Đại tạng kinh,
số 1545, A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận, quyển 79, Luận về Thập
môn, phần 9.