Huyền mộng: Từ Lăng-già đến Kim cương

huyen mong

HUYỄN MỘNG: TỪ LĂNG-GIÀ ĐẾN KIM CƯƠNG

 

Kinh Lăng-già từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là bản kinh khó đọc. Nói đến Kinh Lăng-già là nói đến cảnh giới thánh trí tự chứng với hình tượng ngón tay chỉ mặt trăng, và sự kiện Đức Phật “không hề thuyết một chữ kể từ khi giác ngộ cho đến khi nhập Niết-bàn.” Đó là cảnh giới Như Lai Toàn Nhiên Tịch Lặng trong ánh trăng Lăng-già bàng bạc khắp mười phương quốc độ. Ngón tay chỉ ánh trăng trong cõi Thâm Mật Vô Ngôn là chỉ ra một thông lộ huyền ẩn để hành giả đi vào cảnh giới tâm yếu trong tất cả giáo pháp của chư Phật. “Nhất thiết Phật ngữ tâm”. Nơi đó Thực, Mộng, Giác Ngộ, Niết-bàn, Phật, hết thảy đều Như Huyễn, Như Mộng. Không có Phật nhập Niết-bàn, cũng chẳng có Niết-bàn để Phật nhập.

Cho nên đem tục trí để viết hay bàn về cảnh giới đó đều là vọng tưởng. Giống như cầm bút vẽ vào ánh trăng và mong lưu lại hình ảnh. Rồi suốt bình sinh cứ khổ công bươn bã tìm cầu, đâu hay tất cả đều là huyễn tướng. Khi quán sát thế gian bằng đại trí và đại bi thì sẽ thấy nó như nó như huyễn, mộng. Hai từ Như Huyễn, Như Mộng cứ bàng bạc suốt trong bản kinh Lăng-già mà hình như người đọc ít ai lưu tâm cho đúng mức. Huyễn Mộng giống như chủ đề chính (principal theme) trong bản giao hưởng, mà tất cả các giáo pháp về tâm - ý - ý thức, nhị vô ngã, tam tự tính, v.v. chỉ là những khúc biến tấu (variations) trên nền của chủ đề đó mà thôi. Rồi chủ đề đó tiếp tục chuyển thành đoạn kết (coda) của kinh Kim cương “Nhất thiết hữu vi pháp, Như Mộng, Huyễn, Bào, Ảnh”!

Ánh trăng Lăng-g đem Huyễn Mộng lan tỏa trong bài kệ Lục như. Đó có lẽ cũng là nguyên nhân để Thiền tông Trung Quốc dùng kinh Kim cương nối tiếp kinh Lăng-già kể từ đời Lục tổ Huệ Năng, mặc dù hai bề ngoài hai kinh có vẻ như rất đỗi tương phản. Nhận ra dòng ẩn lưu chảy ngầm bên dưới, ta sẽ thấy hai cuốn kinh thượng thừa kia chỉ là một. “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” là vậy.

Ở Việt Nam xưa nay, bản kinh Lăng-già lưu hành vẫn là bản Hán ngữ của Pháp sư Cầu Na Bạt Đà La. Tương truyền, Sơ tổ Đạt Ma đã đích thân truyền lại bản kinh này cho Nhị tổ Huệ Khả, xem như là tâm ấn của chư Phật. Bản Hán ngữ này cực kỳ khó đọc không chỉ vì tư tưởng thâm áo vi diệu, mà còn vì văn tự quá cô đọng đến mức gần như tối nghĩa.

Đến một thiên tài uyên bác như Tô Đông Pha mà còn phải nói:

“Kinh-găng già ý nghĩa sâu xa u áo, văn tự súc tích mà cổ kính. Người đọc khó lòng chấm câu cho đúng, còn nói gì đến chuyện bỏ văn để được nghĩa, quên nghĩa để ngộ tâm ru?” (Lăng-già nghĩa triếp u diễu, văn tự giản cổ. Độc giả hoặc bất năng cú, nhi huống di văn dĩ đắc nghĩa, vong nghĩa dĩ liễu tâm giả hồ?)

Văn bản Hán ngữ cổ thường không chấm câu. Khi đọc, chỉ sai lệch một dấu chấm thôi thì ý nghĩa câu văn có khi hoàn toàn biến đổi. Chấm câu cho đúng câu văn đã là chuyện khó khăn đối với các bậc túc học. Lìa văn để hiểu được nghĩa lại là chuyện thiên nan vạn nan. Đó là nhìn thấy được ngón tay chỉ mặt trăng. Nhưng đó cũng mới chỉ là cảnh giới “được cá quên nơm” của Trang Tử. Quên nghĩa để liễu ngộ được tâm mới là đi vào cảnh giới Lăng-già, để hiểu Đức Phật không hề thuyết một chữ kể từ khi giác ngộ cho đến khi nhập Niết-bàn.”

Hiểu đúng câu kinh, bỏ văn để được nghĩa, lìa nghĩa để liễu tâm. Đó cả là một quá trình tu chứng của Bồ-tát từ sơ địa đến thập địa. Điều đó không có chi lạ. Kinh nghiệm tâm linh được đổi bằng cánh tay của Nhị tổ Huệ Khả trong một đêm tuyết lạnh trên đỉnh Tung Sơn, hoặc bằng những khắc khoải trằn trọc, thậm chí bằng cả mạng sống của những bậc pháp khí xả thân cầu đạo, đâu phải là thứ mà ai ai cũng có thể đem tục trí để luận bàn? Mà có riêng gì là kinh Lăng-già hay kinh Kim cương đâu?

Ta thử nghe một nhận định thâm trầm của triết gia Heidegeer về cõi tư tưởng Hy Lap ban sơ:

Bất kỳ ai đã tập lắng nghe những nhà tư tưởng lớn, dẫu chút ít thôi, chắc chắn cũng đôi phen thấy ngạc nhiên bởi điều này: những gì cần phải suy tư cho thích đáng thì họ chỉ nói đến trong một mệnh đề phụ được thêm vào một cách lặng lẽ, và bỏ lửng lơ ở đấy. (Quiconque est exercé, si peu que ce soit, à écouter les grands penseurs sera, sans doute, parfois déconcerté par ce fait étrange que ce qu'il faut proprement penser, ils le disent dans une proposition subordonnée ajoutée sans bruit et qu'ils s'en tiennent là. − Heidegger, Essais et Conférences, p.304, traduit par André Préau, NXB.Gallimard, 2006).

Ta tưởng chừng như ông Heidegger đang dùng những lời trên để nói về những trang kinh Phật. Một tác phẩm mang tư tưởng càng thâm trầm thì những mệnh đề phụ trong đó càng lơ lửng. Ánh trăng Lăng-già với tư tưởng Huyễn Mộng chính là những mệnh đề phụtrong cõi tư tưởng thâm áo của Phật môn. Đọc Lăng-già hay Kim cương nói riêng, hay kinh Phật nói chung, nếu cứ quá câu nệ vào kinh văn thì e là vô cùng khó hiểu, khó lòng nhận ra đâu là chỗ áo diệu, thâm huyền, và vẫn cứ mang nhiên vô sở đắc.

Kinh Lăng-già mở đầu bằng cảnh tượng Đức Phật khai thị tư tưởng Huyễn Mộng cho quỷ vương Ravana khi dùng thần lực làm biến mất tất cả núi non, hội chúng cùng thành quách lâu đài, để vị Lăng-già vương một mình trơ trọi trước cảnh tượng Không Hư mà hoát nhiên đại ngộ. Kinh Kim cương kết thúc tư tưởng Huyễn Mộng bằng bài kệ Lục như. Một kinh mở đầu và một kinh kết thúc cho dòng Thiền tông Trung Quốc. Nhưng hai kinh tuy hai mà một, tuy một mà hai, khi cùng quán chiếu thế gian bằng ánh sáng của Đại Trí và Đại Bi.

Huỳnh Ngọc Chiến 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác