Hành thiện: Thiên đường trong cõi Ta-bà

Hành thiện

Hành thiện: Thiên đường trong cõi Ta-bà

 

Trương Bồi Canh - Nhã Tuệ dịch

Thiên sứ không ở chốn thiên đường, Bồ-tát không sống cõi Tây phương. Có thể mang đến cho con người niềm tin, hy vọng và tình yêu thương, đấy chính là Thiên sứ; trong trái tim luôn hiện hữu tâm từ bi, cứu giúp chúng sinh, đấy chính là Bồ-tát.

Không phân chủng tộc, không chia biên giới quốc gia, chỉ cần có đủ đức tin tôn giáo hoặc có trình độ văn minh tương đối, thì sẽ có khái niệm về thiên đường và địa ngục. Mỗi một người đều ao ước tương lai của mình có thể lên được thiên đường và không muốn rơi vào địa ngục. Nhưng rất ít người biết đích xác thiên đường và địa ngục cuối cùng nằm ở chốn nào.

Thực ra, thiên đường hay địa ngục đều nằm ở cõi nhân gian này. Chúng không phải là một không gian đặc định, mà là một môi trường và bầu không khí đang diễn ra quanh ta, cũng là một đặc chất của tâm hồn. Nơi nào khiết tịnh sáng trong, tình yêu thương ấm nồng, thì ở đó chính là thiên đường; trái lại, nơi nào bẩn thỉu, thấp hèn, rối loạn, tăm tối, xấu xa, đầy rẫy gian ác, đấu tranh và bạo lực, thì nơi đó cho dù là nhà cao cửa rộng mọc lên san sát như rừng, cũng không khác gì chốn địa ngục bi thảm.

Cư trú chốn thiên đường hẳn nhiên đều là Thiên sứ, sống ở cõi Cực lạc Tịnh độ đương nhiên đều là Bồ-tát. Chúng ta đã thấy qua Thiên sứ ở giáo đường, và cũng từng thấy Bồ-tát ở các ngôi chùa, chỉ có điều, các vị ấy chỉ là những pho tượng (hoặc bằng gỗ, hoặc bằng đất hoặc bằng các chất liệu khác) để cho con người chiêm ngưỡng lễ bái. Có khả năng đem đến cho con người niềm tin, hy vong và yêu thương thì mới chính là Thiên sứ trần gian; trái tim nhân từ, khoan dung, làm việc thiện, cứu giúp những người cùng khổ, đây mới chính là Bồ-tát hiện thế; mang trong lòng những ý niệm xấu xa, rắp tâm hại người, khiến cho con người khiếp hãi, kinh hoàng một đời, đây chính là ma quỷ. Thiên đường nằm ở đâu? Thiên đường đang ở trong trái tim của mỗi người, ở ngay trong mỗi lời nói, cử chỉ và hành động hàng ngày của mỗi chúng ta.

Dành ra một số tiền lớn để bố thí, chưa hẳn ai cũng có điều kiện này; nhưng lòng dạ nhân hậu, cư xử tốt với mọi người, thì không phải là chuyện khó khăn gì. Ngày thường ứng nhân xử thế, cố gắng giữ tâm tốt, nói lời hay, làm việc thiện, hay nói cách khác là cố gắng giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu và ý được thanh tịnh, điều này đối với người bình thường mà nói, có thể là dễ như trở bàn tay. Bản thân không có của cải vật chất để bố thí thì có thể đề xuất, khuyên nhủ, giúp đỡ những người bạn thân có khả năng tài chính làm nhiều việc thiện, để họ được bố thí, hành thiện, tích lũy phước đức, việc này đồng thời có thể làm cho những người đang gặp khó khăn vơi đi phần nào gian khổ trong cuộc sống; những việc làm như vậy cũng có thể xem là nghĩa cử thiện hạnh vô lượng công đức.

Về thiện và ác, Phật cắt nghĩa: “Thế có thể làm ác mà không làm, tức là thiện; lực có thể làm thiện mà không làm, tức là ác” (Thế khả vi ác nhi bất vi, tức thị thiện; lực khả hành thiện nhi bất hành, tức thị ác). Làm việc thiện, không chỉ đem lại hạnh phúc cho người khác, mà còn nâng cao giá trị chính mình; làm việc ác, vừa làm hại người khác, lại tổn thương chính mình. Hằng làm việc thiện dù nhỏ, lâu ngày cũng có thể gom thành những việc thiện lớn; nhiều lần phạm tội ác nhỏ, cuối cùng cũng sẽ tạo nên tội ác lớn. Vậy, làm thế nào để có thể trừ ác hướng thiện? Lưu Bị trước khi lâm chung đã truyền lại bài học kinh nghiệm quý báu của mình cho Lưu Thiền rằng: “Chớ cho rằng việc thiện nhỏ mà không làm, cũng đừng cho rằng việc ác nhỏ mà làm” (Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi).

Trẻ con lúc xem ti-vi, cứ thích hỏi người lớn rằng: ai là người tốt? Ai là kẻ xấu? Có thể thấy tâm thị phi, thiện ác từ tấm bé như vốn đã tồn tại như vậy. Được coi là người tốt, kẻ xấu, hoàn toàn nằm ở ý niệm lúc hành động, môi trường sinh sống với tướng mạo, nghề nghiệp, vốn không có liên quan tuyệt đối; manh tâm làm ác, thì sẽ thành người xấu, một lòng hướng thiện thì sẽ thành người tốt. Thiên đường địa ngục cách nhau không xa, khoảng cách giữa nó chỉ trong một niệm.

Để bồi dưỡng đầy đủ ba phẩm hạnh là trí, nhân và đức cho thanh thiếu niên, Hội Hướng đạo (The Scout Association) yêu cầu “một ngày làm một việc thiện” (nhật hành nhất thiện). Hành động tốt không câu nệ lớn nhỏ, tốt nhất mỗi ngày đều nên làm, để củng cố hạt giống thương yêu trong tâm, và đồng thời nuôi dưỡng thành thói quen phục vụ giúp đỡ người khác. Dìu người già lên xe buýt, dắt người mù qua đường, tất cả đều là những việc làm không quá khó khăn. Bất cứ lúc nào, ở đâu cũng đều có thể giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, đây chính là Thiên sứ, chính là Bồ-tát.

Khổng Tử nói: “Nhân này có xa lắm đâu, chỉ cần ta muốn đạt đến, thì nó sẽ đến ngay thôi” (Nhân viễn hồ tai? Ngô dục nhân, tư nhân chí hĩ). Thiên đường địa ngục tồn tại ngay trong tâm này, ranh giới giữa thiên đường và địa ngục chỉ là cách nhau trong một niệm. Khi trái tim hiện hữu hạt giống nhân hậu, thì ngay lập tức bạn đã gửi trao tâm yêu thương và sự quan tâm; lúc này, chính bạn đang sống trong thiên đường nhân gian.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ tế Văn hóa chí nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.104-106

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle