Chánh niệm
Chánh Niệm
Chánh Niệm
Bhante Gunaratana
Bhante Henepola Gunaratana, người Tích Lan (Sri Lanka), là tác giả của nhiều
tựa sách do nhà xuất bản Wisdom Publications ấn hành:
Mindfulness in Plain English, Eight
Plain English, The Four Foundations of Mindfulness in
Plain English, Meditation on Perception, và
Loving-Kindness in Plain English.
Là một tu sĩ Phật giáo hơn 65 năm, Sư đã đạt được danh hiệu cao nhất ở Bắc Mỹ
của phái Siyam Nikaya, thuộc Phật giáo Nguyên thủy. Sau khi qua Mỹ năm 1968, Sư
lấy bằng tiến sĩ về triết học ở Đại học American tại Washington, D.C. Sư đã qua
các nước châu Âu, châu Á, Úc và Nam Mỹ để hướng dẫn các khóa tu thiền. Năm 1982,
Sư thành lập Hội Bhavana, một tu viện/trung tâm tu thiền ở West Virginia, nơi Sư
hiện đang sinh sống.
***
Bài pháp này giúp ta dần dần vun trồng chánh niệm tỉnh giác. Theo truyền thống,
cách thực hành này được gọi là vipassana.
Trong quá trình thực hành chánh niệm, chúng ta dần dần trở nên ý thức về việc
chúng ta thực sự là gì, rất khác với hình ảnh của cái ngã của bản thân. Chúng ta
đối mặt với cuộc sống thực sự là gì. Nó không chỉ là một cuộc diễu hành lên
xuống, với kẹo bánh lủng lẳng ở cườm tay. Cuộc sống có ý nghĩa sâu xa hơn, nếu
ta chịu khó nhìn, và nhìn đúng hướng.
Chánh niệm là một phương pháp rèn tâm giúp bạn trải nghiệm thế giới một cách
hoàn toàn mới. Lần đầu tiên bạn sẽ biết điều gì đang thực sự xảy ra cho bạn,
chung quanh bạn và bên trong bạn. Đó là một quá trình tự khám phá bản thân. Một
cuộc khảo sát trong đó bạn tự quán sát chính các trải nghiệm của mình khi chúng
đang xảy ra. Bạn sẽ quán sát mọi thứ một cách khách quan, đúng như chúng là -
tuôn chảy và chuyển đổi từng khoảnh khắc. Cuộc sống do đó sẽ trở nên phong phú
đến độ không diễn tả nổi. Bạn phải tự trải nghiệm nó.
Qua phương pháp này, ta luyện bản thân nhìn thực tại đúng như nó là. Quá trình
chánh niệm này thực sự khác với những gì ta thường làm, với khuynh hướng nhìn
cuộc sống qua tấm màn của tư duy và quan điểm, mà ta lầm tưởng là thực tại.
Chúng ta quá chấp vào dòng suy tưởng vô tận này đến độ thực tại đi qua mà ta
không hay biết. Chúng ta bỏ thời gian tham dự các hoạt động, vướng víu vào cuộc
truy đuổi vô tận dục lạc và hạnh phúc cũng như không ngừng trốn chạy khỏi đau
khổ, thất vọng. Chúng ta tiêu pha tất cả năng lượng, cố gắng để làm cho bản thân
được hạnh phúc hơn, cố gắng để chôn lấp những sợ hãi, tìm kiếm sự an toàn không
ngừng nghỉ. Trong lúc đó, thế giới của sự trải nghiệm thực sự đi qua mà ta không
chạm tới được, không hưởng được hương vị.
Trong thiền chánh niệm, chúng ta rèn luyện bản thân bỏ qua các phản ứng bản năng
để sửa đổi, chuyển biến và chế ngự - thay vào đó ta đào sâu vào thực tại. Bằng
cách đó, ta bắt đầu khám phá ra sự bình an thực sự. Oái oăm là sự bình an thực
sự chỉ đến khi ta đã dừng chạy đuổi theo nó.
Khi bạn buông lơi các ham muốn chạy đuổi theo sự thoải mái, thì sự tự tại thực
sự sẽ phát khởi. Khi bạn buông sự bám chặt vào việc được thỏa mãn, nét đẹp thực
sự của cuộc sống sẽ xuất hiện. Khi bạn quyết biết thực tại không ảo tưởng, với
đầy đủ những khổ đau, nguy hiểm, thì tự do và an toàn thực sự sẽ thuộc về bạn.
Đây không phải là một lý thuyết, một hệ tư tưởng, hay một niềm tin; đây là một
thực tại có thể quán sát, trải nghiệm, một điều gì đó mà bạn có thể và cần phải
tự mình thấy biết.
Thiền chánh niệm giúp ta cách mổ xẻ trải nghiệm của chính bản thân với sự chính
xác lớn. Chúng ta tập theo dõi sự phát sinh của ý nghĩ, tư tưởng với cảm xúc -
và phản ứng của ta đối với sự kích thích này - với sự bình tĩnh và sáng suốt.
Chúng ta bắt đầu nhìn thấy bản thân phản ứng mà không để mình bị mắc kẹt trong
chính các phản ứng. Bản chất chấp chặt của tư tưởng dần dần chết đi.
Sự thoát khỏi bản chất chấp chặt của tư tưởng nảy sinh một quan điểm hoàn toàn
mới về thực tại. Đó là sự thay đổi hoàn toàn thế giới quan, một sự chuyển đổi
hoàn toàn trong cơ cấu nhận thức. Điều đó mang theo với nó sự an bình của việc
được giải phóng khỏi sự chấp chặt. Do các thuận lợi này, Phật giáo xem phương
cách nhìn sự vật như thế này là một cách nhìn đúng về cuộc sống; đó là nhìn sự
vật như chúng thực sự là.
Trong đó phải kể đến chính bản thân bạn: bạn sẽ nhìn mình đúng như mình là. Bạn
sẽ nhận ra được các hành vi ích kỷ của mình. Sẽ thấy được những khổ đau của
mình. Và bạn đã tạo ra khổ đau đó như thế nào. Bạn sẽ nhận ra mình đã làm khổ
người khác như thế nào. Bạn nhìn xuyên thấu được những lớp lang dối trá mà bạn
thường tự nhủ mình, và bạn sẽ thấy điều gì thực sự ở đó. Bạn sẽ nhìn thấy được
sự vật như chúng là để có thể phản ứng với trí tuệ.
Mười lời khuyên giúp việc hành thiền hữu hiệu hơn:
Để việc hành thiền được tốt đẹp, ta cần nhớ những điều sau đây:
1: Chớ mong đợi điều gì
Chỉ ngồi thẳng buông thư, xem sự thể thế nào. Xem tất cả là một trải nghiệm. Hãy
sốt sắng trong cuộc trải nghiệm, nhưng chớ để mình bị phân tâm bởi những mong
chờ ở kết quả. Về vấn đề đó, chớ quan tâm đến bất cứ kết quả gì. Hãy để pháp
hành tiến triển theo hướng và tốc độ của nó. Hãy để thiền hướng dẫn bạn. Sự
tỉnh thức trong thiền giúp bạn nhìn thực tại đúng như nó là. Dầu điều đó có
giống như bạn mong đợi hay không, nó cũng đòi hỏi một sự gián đoạn tạm thời tất
cả mọi ý kiến, quan điểm. Bạn phải dẹp qua một bên hình ảnh, ý kiến, phán xét
trong thời hành thiền. Nếu không chúng sẽ làm bạn vấp váp.
2: Đừng căng thẳng
Đừng cố ép điều gì hay tạo các nỗ lực quá lớn, quá mức. Thiền không hề thúc
bách. Không có chỗ hay nhu cầu cho sự gắng sức quá đáng. Hãy để nỗ lực của bạn
tự nhiên và bền vững.
3: Chớ gấp rút
Không cần vội vả, nên bạn hãy từ tốn. Hãy ngồi xuống vững chải trên gối thiền và
ngồi như thể bạn có cả ngày để ngồi. Bất cứ thứ gì thực sự đáng giá đều cần có
thời gian để phát triển. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.
4: Đừng chấp vào thứ gì mà cũng đừng chối bỏ thứ gì
Điều gì đến hãy để nó đến, thích ứng với nó, dù đó là bất cứ điều gì. Nếu có
những tâm ảnh tốt đẹp phát khởi, cũng tốt. Nếu có tâm ảnh xấu xuất hiện, cũng
được thôi. Hãy xem tất cả đều giống nhau, và thoải mái với bất cứ điều gì xảy
ra. Đừng chống đối lại với cái mình trải nghiệm, chỉ cần quán sát nó trong chánh
niệm.
5: Hãy buông
Hãy tập thích ứng với tất cả những biến đổi xuất hiện. Thoải mái và buông thư.
6: Chấp nhận bất cứ điều gì phát khởi
Chấp nhận các cảm xúc của mình, dầu chúng không phải là thứ bạn muốn có. Chấp
nhận trải nghiệm của mình, dầu là những thứ bạn không ưa. Đừng buộc tội bản thân
về những thất bại, thiếu sót trong kiếp nhân sinh của mình. Tập nhìn tất cả mọi
hiện tượng trong tâm là hoàn toàn tự nhiên và chấp nhận được. Cố gắng tập luôn
chấp nhận một cách vô tư đối với tất cả mọi thứ mà bạn trải nghiệm.
7: Hãy rộng lượng với bản thân
Hãy tử tế với bản thân. Có thể bạn chưa được hoàn hảo, nhưng bạn đang cố gắng để
làm điều đó. Trong quá trình trở nên người mà bạn muốn trở thành, bắt đầu trước
tiên với sự chấp nhận hoàn toàn bạn là ai.
8: Hãy tự xét mình
Hãy quán xét mọi thứ. Không chấp nhận điều gì như một hiển nhiên. Đừng tin vào
bất cứ điều gì vì điều đó nghe hay ho, trí tuệ hoặc do một vị thiên nào đó nói.
Hãy tự mình kiểm chứng. Điều đó không có nghĩa là bạn phải tỏ ra hoài nghi,
ngoan cố hay bất kính. Mà chỉ có nghĩa là bạn phải thực nghiệm. Đem mọi lời
thuyết giảng so với chính kinh nghiệm của mình, và hãy để kết quả đưa bạn đến
với sự thật. Thiền quán là kết quả của ước muốn nội tâm được sống với những gì
chân thực và đạt được tuệ giải thoát trong cấu tạo chân thực của hiện hữu. Toàn
bộ thực tập này dựa trên ước muốn được tỉnh thức trước chân lý. Không có điều
đó, sự thực tập của ta là giả tạo.
9: Xem mọi vấn đề là những thử thách
Hãy xem các chướng ngại phát sinh là cơ hội để tu tập và để trưởng thành. Đừng
tránh né chúng, buộc tội bản thân, hay chôn kín các phiền não trong sự im lặng
thần thánh. Bạn có vấn đề ư? Tốt. Càng thêm cơ hội để làm tốt hơn. Hãy vui lên,
đối mặt với vấn đề, quán xét nó.
10: Chớ do dự
Bạn không cần phải có câu trả lời cho mọi vấn đề. Những suy tư lý luận không
giúp bạn thoát ra khỏi cái bẫy. Trong thiền, tâm được thanh lọc một cách tự
nhiên bằng chánh niệm, bằng sự chú tâm đơn thuần không lời lẽ (vô ngôn). Sự thận
trọng theo thói quen không cần thiết để hủy diệt những thứ đang giam giữ bạn.
Tất cả những gì bạn cần là ý thức rõ ràng, không định kiến về các vấn đề và cách
chúng vận hành ra sao. Chỉ cần có vậy để giải quyết vấn đề. Quan điểm và lý luận
không thể làm điều đó. Đừng suy nghĩ. Hãy quán sát.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Introducing Mindfulness,
trích sách Start Here, Start Now, NXB.Wisdom Publications,
© 2019 Bhavana Society)