Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan với thực lý Duyên khởi
Y kinh giải nghĩa tam thế Phật o
Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan
với thực lý Duyên khởi
Chân Hiền Tâm
Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan…
Giải là giải thích, trình bày, phân tích, cũng có nghĩa là hiểu, nhận rõ. Tuy
vậy, do đi liền với câu “Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”, là đang nói đến
việc giảng nói, nên chữ giải đó đa phần đều được hiểu theo nghĩa giải thích.
Hiểu theo nghĩa nào cũng đạt mục đích thông được nghĩa lý kinh muốn nói. Song vì
sao đã y kinh mà lại oan cho ba đời chư Phật?
Không lìa Tánh không mà giải nghĩa
Ban Biên tập TVHS giải thích:
Chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa thì oan cho ba đời chư Phật, vì lời của chư
Phật, như đã trình bày trên, chỉ là phương tiện tạm thời, tùy bệnh cho thuốc.
Thuốc trị bệnh của Phật là thuốc phá chấp, nếu chiếu theo văn tự để giải nghĩa,
hễ Phật nói có thì mình chấp cái có đó là thật, hễ Phật nói không thì lại chấp
cái không đó là thật, ấy là oan cho Phật.
Bài viết còn nêu lời của Hòa thượng Trúc Lâm và Hòa thượng Tịnh Không để giải
thích thêm cho vấn đế này.
Hòa thượng Trúc Lâm dạy: Kinh là lời của Phật, trong lời của Phật, có khi
Ngài nói trắng ra, có khi Ngài dùng ẩn dụ. Dùng lời nói thẳng thì chúng ta dễ
nhận, dễ thấy. Nếu dùng lời nói ẩn thì với hình thức thí dụ, có thể nhận ra. Như
vậy, những chỗ Phật dạy với tính cách ẩn dụ, nếu chúng ta giải thẳng ra như
những lời nói thường, đó là y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Như trong kinh
Pháp hoa, phẩm Phổ môn, phẩm quý vị hay tụng nhất, có đoạn “Nếu có người
cầu trai, niệm danh hiệu Quán Thế Ấm Bồ-tát liền sinh được trai, muốn cầu gái,
niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, liền sinh được gái. Cho đến người niệm danh
hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát thì vào lửa không cháy, xuống nước không chìm”. Quý vị
tu hành dạy Phật tử cũng vậy phải không? Thấy kinh Phật nói chúng ta cũng theo
như vậy… Nhưng hôm qua, có cô Phật tử đến hỏi chúng tôi, cô được người bạn
khuyên tụng kinh để cầu con trai, cô làm theo lời bạn, nhưng đến lúc sinh ra lại
là gái. Cô hỏi bạn vậy kinh không linh sao? Cô bạn không có lời để đáp… Như vậy,
chúng ta phải hiểu kinh thế nào để không rơi vào câu “Y kinh giải nghĩa tam thế
Phật oan”, phải niệm Quán Thế Âm thế nào mới đúng với tinh thần kinh điển Đại
thừa, để không làm giảm giá trị của Đức Phật và chứng minh được lời Phật dạy là
đúng và thiết thực?
Thường trong kinh điển Đại thừa, khi nói đến các vị Bồ-tát là nói đến đặc tính
tượng trưng của các vị. Như nói Quán Thế Âm là nói đến nhĩ căn, nói Văn Thù Sư
Lợi là nói đến nhãn căn… Cho nên, niệm danh hiệu Quán Thế Âm là nhìn lại tánh
nghe của mình, thấy nó không tướng mạo thì làm sao lửa đốt được, làm sao nước
nhận chìm được. Và khi mình sống được với tánh nghe thì mọi việc sẽ được như ý…
Nên nói cầu trai được trai, cầu gái được gái. Hiểu kinh như vậy mới thấy lời
Phật là đúng là chân thật.
Hòa thượng Tịnh Không dạy: Nhà Phật thường nói “Y kinh giải nghĩa tam thế
Phật oan”, nghĩa là y nơi câu văn mà hiểu nghĩa theo mặt chữ thì ba đời Phật
oan. Cứ chiếu theo văn tự để nghiên cứu giải thích thì tam thế chư Phật, là Phật
quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, đều kêu oan. Vì Phật tử hiểu lầm ý Phật.
Trong bài kệ khai kinh có câu “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Con người
hiện nay hiểu sai lệch nên thành “Khúc giải Như Lai chân thật nghĩa”, tức hiểu
cong vạy ý nghĩa chân thật của Như Lai. Hoặc “Ngộ giải Như Lai chân thật nghĩa”,
là hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai. Quý vị coi xem có phải Như Lai kêu
oan hay không?
Học Phật pháp phải quy về tự tánh. Điều này khẩn yếu lắm. Nói cách khác, giúp
chúng ta đạt được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta mở mang trí tuệ, đó chính là
Phật pháp.
Ba cách giải thích, tuy không giống nhau nhưng đều quy về một ý: Với kinh Đại
thừa, muốn hiểu đúng những gì Như Lai đã nói, chớ lìa phần tinh yếu mà kinh Đại
thừa muốn nói. Khi giải thích hay học hiểu đều không được lìa phần tinh yếu này.
Nếu quên mất phần tinh yếu này, chỉ y trên ngôn từ mà hiểu, nói theo người đời
là chỉ y nghĩa đen mà hiểu, không hiểu được phần nghĩa bóng, thì sẽ vướng vào
cái gọi là kinh luận nói không đúng sự thật, và thế là “Y kinh giải nghĩa tam
thế Phật oan”.
Mối liên hệ giữa tánh không và duyên khởi
Phần tinh yếu ấy, kinh Niết-bàn gọi là Phật tánh, Tâm kinh Bát-nhã
gọi là tướng không, luận Đại thừa khởi tín gọi là cái không chân như,
v.v. Đó là cội nguồn chân thật của tất cả pháp. Tổ Hiền Thủ nói “Như Lai tạng
tâm bao hàm hai mặt. Một là xét về tánh thể tuyệt tất cả tướng mà nói, là môn
chân như. Hai là xét về nghĩa tùy duyên khởi diệt, tức môn sinh diệt”.
Do tánh các pháp là không mà các pháp hiện tướng duyên khởi. Nhờ hiện tướng
duyên khởi mà biết tánh các pháp là không. Trên đã nói không lìa tánh không mà
hiểu kinh điển Đại thừa thì mới không lầm. Đây sẽ triển khai việc hiểu nghĩa
kinh luận Đại thừa bằng cái nhìn duyên khởi. Hai cách dụng tuy thấy khác mà thật
là không khác. Bởi duyên khởi biểu hiện cho cái gọi là không tánh.
Không lìa duyên khởi mà giải nghĩa
Hòa thượng Thích Minh Thông, khi trả lời câu hỏi “Cư sĩ có được học giới luật
của người xuất gia?”, đã phân tích vấn đề rất rõ thông qua cái nhìn duyên khởi.
Mọi thứ ở thế gian nếu được nhìn bằng cái nhìn duyên khởi thì đâu sẽ vào đấy,
mọi thứ sẽ được giải quyết một cách thích đáng. Như Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà từng
nói “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. Bởi nhờ duyên mà pháp hiển giá trị của nó.
Giá trị của pháp, do hình thành theo duyên, nên không pháp nào có giá trị phổ
quát. Vì thế, không được lìa duyên mà giải thích các pháp. Đọc học kinh luận
cũng không thể lìa tinh thần tùy duyên này mà hiểu. Nếu hiểu kinh luận thông qua
cái nhìn duyên khởi thì dù là kinh Nguyên thủy hay Đại thừa, đều không lìa tánh
không mà nói. Không lìa tánh không mà hiểu thì mọi thứ được giải bày sẽ tương
thích với thực tế, không còn vướng vào cái gọi là “Y kinh giải nghĩa tam thế
Phật oan”. Trong kinh Pháp bảo đàn, Lục Tổ dạy 36 phép đối cũng là ý này.
Tổ dạy: Nay ta dạy các ông nói pháp mà không mất tông bản. Trước phải dùng
pháp môn tam khoa, động dụng thành ba mươi sáu đối, ra vào thường lìa nhị biên,
nói tất cả pháp chớ lìa tự tánh. Nếu có người hỏi pháp, ông xuất lời đều trong
đối đãi, đều lấy pháp đối qua lại làm nhân cho nhau. Rốt ráo, hai pháp thảy đều
trừ, lại không có chỗ đi.
Pháp môn tam khoa là ấm, giới, nhập…
Tự tánh bao gồm muôn pháp, gọi là hàm tạng thức. Nếu khởi suy lường, ấy là
chuyển thức, khiến sinh lục thức, ra cửa lục căn, tiếp xúc lục trần, thành mười
tám giới. Đều từ tự tánh khởi dụng. Tánh mình nếu tà thì khởi mười tám tà. Tánh
mình nếu chánh thì khởi mười tám chánh. Ác dụng tức là dụng chúng sinh. Thiện
dụng tức là dụng Phật. Dụng như thế nào? Là nhân tự tánh mà có. Ngoại cảnh vô
tình có năm đối: Trời đối với đất, sáng đối với tối, v.v. 36 phép đối này nếu
hiểu mà dùng tức là đạo, quán xuyến tất cả kinh pháp, ra vào đều lìa nhị biên.
Tự tánh động dụng, cùng người nói năng, ngoài đối với tướng mà lìa tướng, trong
đối với không mà lìa không…
Nếu có người hỏi nghĩa ông, hỏi có thì dùng không mà đáp, hỏi không thì dùng có
mà đáp, hỏi thánh thì dùng phàm đáp, hỏi phàm thì dùng thánh đáp... Hai bên làm
nhân cho nhau sinh ra nghĩa trung đạo. Như một hỏi một đáp, bao nhiêu câu hỏi
khác đều y đó mà khởi tác dụng thì không mất chân lý. Giả sử có người hỏi thế
nào là tối? Thì đáp: Sáng là nhân. Tối là duyên. Sáng mất tức là tối. Tối mất
tức là sáng. Dùng sáng để hiển tối. Dùng tối để hiển sáng. Qua lại làm nhân cho
nhau thành nghĩa trung đạo. Tất cả mọi câu hỏi đều nên y đây mà đáp. Về sau các
ông truyền pháp, phải y đây mà chỉ dạy, chớ làm mất tông chỉ.
Tất cả đều là phương cách chỉ bày không lìa tánh không mà nói, không lìa duyên
khởi mà hiểu, để không lầm lời của ba đời chư Phật đã dạy.
Trở lại cách giải thích của Hòa thượng Minh Thông. Hòa thượng dạy: …Phải thọ
giới Cụ túc rồi mới được nghe, sao trong lớp học này có mấy cư sĩ quay
phim chụp hình còn ở đây nghe được? Chúng ta phải hiểu chỗ này. Trong phần thọ
giới, chúng ta có câu “Cô có phải là tặc tâm xuất gia thọ giới không?”, một
trong mười ba già nạn. Tặc tâm là mang tâm giặc vào trong Phật pháp. Học trong
giới thì giặc là trộm pháp của Phật. Nhiều người hiểu lầm chữ tặc tâm này với
vấn đề kia, là do ám ảnh điều Tổ Hoằng Tán nói. Tổ nói “Người chưa thọ giới Cụ
túc, chưa được nghe giới Cụ túc”, “Ai chưa thọ giới Cụ túc mà coi trước giới
Tỷ-kheo thì suốt đời không được thọ”, “Ai chưa thọ giới Cụ túc mà lén nghe giới
Cụ túc thì tội nặng hơn ngũ nghịch”. Do nghe vậy mà có sự hiểu lầm. Nhưng Tổ
Hoằng Tán nói vậy là do đang tùy cơ đối trị. Mình phải hiểu như vậy. Nói tùy
cơ đối trị là muốn nhấn mạnh đến mặt duyên khởi của pháp. Có pháp đối trị như
thế là vì cơ người thọ giới thời ngài như thế. Cơ như thế phải sử dụng pháp như
thế mới có tác dụng lợi ích nên ngài Hoằng Tán có những lời nói như thế. Đó là
pháp do tùy duyên mà lập, không mang giá trị phổ quát, không có giá trị tác dụng
mọi lúc, mọi nơi để phải tuân theo.
Để hiển rõ mặt tùy duyên này, Hòa thượng đã giải thích rõ nguồn gốc của các tạng
Luật như sau:
Giới Tỷ-kheo của mình là xuất phát từ bộ luật nào? Một gốc một thôi. Mình với
Nguyên thủy giữ một luật, không có hai luật. Giới Tỷ-kheo của Thanh văn là từ bộ
luật
Bát thập tụng.
Bát thập tụng
này, như đến chỗ nào hàng Tỷ-kheo làm trở ngăn trên quả chứng, những gì làm mất
sự đoàn kết của Tăng đoàn, những gì gây sự chê bai của người thế gian v.v. thì
Phật cấm. Chỉ nói vậy, không nói đây là bộ
Tứ phần,
kia là bộ
Ngũ phần.
Không có. Đại chúng thấy, rất đơn giản! Chúng ta học luật, chúng ta biết nguyên
ủy của luật rất đơn giản. Hôm nay Phật dẫn Tỷ-kheo du hóa chỗ này, thấy Tỷ-kheo
làm không hợp với địa phương đó, người ta chê bai thì Phật nói thôi đừng làm. Cứ
dặn vậy thì hàng Tỷ-kheo cứ y giáo phụng hành không làm nữa. Rồi ngài Ưu-ba-ly
và hàng Tỷ-kheo ghi nhớ những điều đó.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Ca-diếp hội 500 vị La-hán lại, kiết tập Kinh tạng,
Luật tạng, v.v. Đó là lần kiết tập đầu tiên sau khi Phật nhập Niết-bàn. Ngài
Ưu-ba-ly trì luật và nhớ giỏi về luật, nên đại hội suy cử Ưu-ba-ly trùng tuyên
lại Luật tạng… Bộ luật được đọc đi đọc lại trong ba tháng an cư sau Phật nhập
Niết-bàn là
Bát thập tụng luật.
Gọi là
Bát thập tụng
vì nó được tụng đi tụng lại tám mươi lần. Lúc đó tuy có văn tự, nhưng chưa viết
thành văn tự mà chỉ đọc tụng. Đọc lên nếu chư vị Tỷ-kheo thấy điều nào Phật có
nói mà trong luật chưa có thì bổ sung vào. Bổ sung trong ba tháng như vậy mới
trọn vẹn. Đọc tới đọc lui, sửa tới sửa lui tám mươi lần mới được, nên gọi là
Bát thập tụng.
Bộ luật này được truyền thừa một trăm đến một trăm mười năm sau Phật nhập
Niết-bàn, thông qua năm vị Tổ mà Tổ thứ nhất là Ca-diếp, Tổ thứ hai là A-nan...
Không thêm không bớt một chữ. Lúc đó không có
Tứ phần
hay
Ngũ phần.
Đến lần kiết tập thứ hai tại thành Tỳ-xá-ly, giữa các Tỷ-kheo Bặc-kỳ và Trưởng
lão Da-xá, về mười điều phi pháp và việc nhận vàng nhận tiền Phật cấm trong
giới, mới chia ra Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, mới có năm bộ phái làm căn bản.
Mình thuộc bộ phái Đàm Vô Đức, truyền bộ luật
Tứ phần.
Cũng đệ tử ngài Ưu-ba-cúc-đa lấy
Bát thập tụng luật
này chia làm bốn phần, gọi là
Tứ phần luật.
Chia 60 quyển thành 4 phần. Phần thứ nhất nói về Tỷ-kheo. Phần thứ hai nói về
Tỷ-kheo ni. Phần thứ ba nói về pháp tụ, là nói về phòng óc thuốc men, cách thọ
giới, may y. Phần thứ tư nói về các tạp sự. Chia làm bốn phần như vậy nên gọi là
Tứ phần.
Rồi Di-sa-tắc lấy đó chia thành năm phần, gọi là
Ngũ phần luật.
Một nhóm khác lại chia làm mười phần, thành luật
Thập tụng
của Tát-bà-đa. Nói để Đại chúng thấy từ cái đơn giản mà thành ra đủ thứ. Nguyên
Thủy thì theo bộ luật
Thiện kiến.
Tỷ-kheo gồm 227 giới. Tỷ-kheo ni gồm 311 giới. Ta giữ theo
Tứ phần
thì Tỷ-kheo là 250 giới, Tỷ-kheo ni là 348 giới.
Tại sao Nguyên thủy và mình đều từ
Bát thập tụng luật
ra, đều là Tỷ-kheo Thanh văn, mà Nguyên thủy không cấm cư sĩ hay Sa-di coi luật
của Tỷ-kheo mà mình lại cấm? Chẳng những các vị không cấm mà còn in
Tứ thanh tịnh giới
phát không cho người Phật tử. Những lễ ra hạ dâng y, trong đêm không ngủ của
Nguyên thủy, phát mỗi người một tập luật. Nguyên thủy không cấm thì nghe được
việc đó không phải là tặc tâm. Nhưng chỗ này cũng cần phân cho rõ. Nếu Phật tử
hiếu kỳ, không biết trong giới đó có gì, muốn coi để hỗ trợ việc tu học của mình
thì không cấm. Còn coi để mai mốt thấy cô kia làm trật, mình chỉ trích, như
trong luật Phật cấm Tỷ-kheo-ni không được ăn phi thời, mình đến chùa, chiều lại
thấy cô kia ăn, mình chỉ trích cô không hiểu luật, là phá giới thì việc đó không
được. Cấm không cho coi là vậy.
Giới Tỷ-kheo-ni, trong thiên Ba-dật-đề, Phật cấm Tỷ-kheo-ni không được nói thô
tội cho người chưa thọ giới Cụ túc, không hề cấm người chưa thọ giới Cụ túc coi
giới của Tỷ-kheo. Nhưng vào ngày Bố-tát, giờ Bồ-tát Yết-ma của Tỷ-kheo thì người
chưa thọ giới Cụ túc không được tham dự. Giống như nhà nước ấn định đại biểu
Quốc hội mới được dự vào trong Quốc hội. Nếu mình không phải là thành viên thì
không được dự. Vì thành viên mới có quyền quyết định trong đó. Khi Bố-tát, là
nói lỗi của hàng Tỷ-kheo. Hàng chưa thọ giới Cụ túc không được nghe lỗi của
Tỷ-kheo nên mỗi lần Bồ-tát, đọc năm giới cho người thọ năm giới xong thì mời ra,
đến Sa-di-ni vô nghe mười giới xong thì mời ra, tới Thức-xoa nghe xong cũng mời
ra, chỉ còn Tỷ-kheo-ni thôi. Giả như lúc đó có mấy chú Sa-di tò mò muốn nghe coi
mấy Tỷ-kheo làm gì trong đó, bèn rủ nhau chui dưới bục của người đọc giới, nằm
đó nghe lén coi nói việc gì. Nếu chờ vậy mà ngủ quên không biết các vị Tỷ-kheo
nói gì thì đó không phải tặc tâm. Nếu nghe được hết mọi thứ thì đó là tặc tâm.
Một chút đó thôi việc phân định tặc tâm đã khác. Quý vị nhớ, có phần của ngài
Hoằng Tán dạy là do ảnh hưởng Bắc truyền của Việt Nam và Trung Quốc. Đó là do
ảnh hưởng, không phải luật mình giữ là vậy. Nên sinh hoạt bình thường của mình
không cấm cư sĩ nghe giới này. Cho nên, tất cả các lớp học như lớp Cao đẳng,
Trung cấp v.v. đều cho học hết.
Hòa thượng phân tích rất rõ để hiển mặt tùy duyên của giới luật, để hiểu phần
nào là luật nên giữ, phần nào không phải luật không nên vướng. Ngay với những
giới luật Phật đã quy định, cũng là y vào duyên của từng địa phương, từng sự cố
mà lập. Đã y vào duyên mà lập thì một khi duyên thay đổi, giới đó có khi không
còn phù hợp. Vì thế, thêm vào hay bớt ra là tùy duyên. Miễn sao phần tự lợi và
lợi tha của hành giả luôn được thăng tiến. Để đáp ứng phần thăng tiến này, luật
thay đổi thế nào cũng không được lìa tinh thần mà Phật đã dạy. Như vấn đề ái
dục. Ái dục là đầu mối của loạn tưởng, tham lam, sân hận, sinh tử. Tâm không lìa
ái dục, khó mà nói đến giải thoát, phát định, phát tuệ. Vì thế, giới của người
tại gia hay xuất gia đều có phần hạn chế dâm ái. Tùy duyên mà giữ gìn phần giới
luật này sao cho phù hợp. Thời nào, duyên ra sao, cũng không thể đánh mất phần
giới luật này.
Trong Địa Tạng bổn nguyện kinh, có đoạn, “Về đời sau, nếu có chúng
sinh nào trong mười ngày trai kể trên, có thể đối trước hình tượng của chư Phật,
Bồ-tát, chư Hiền Thánh, đọc tụng kinh này một biến, thời chung quanh chỗ người
đó ở, bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong khoảng một trăm do tuần không có xảy
ra tai nạn”. Nếu y theo từ ngữ mà hiểu thì chỗ nào có người đọc tụng kinh
này, chỗ đó trong khoảng một trăm do tuần, nạn tan không thể xảy ra, bất chấp
nghiệp nạn của hàng xóm thế nào. Đó là cách hiểu cố định, không theo tinh thần
duyên khởi. Nói chính xác là lìa cái gốc “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”
mà hiểu vấn đề. Hiểu vậy, kinh luận có khi không còn tương thích với thực tế.
Nhà tôi, phía sau là con hẽm khá rộng, nhà đối diện sau đó có thằng con trai vừa
bị tai nạn, nghe nói chỉ còn cái mình. Mang nó về, phải để ngay sau nhà, quấn
lại cái đầu đã nát. Rầm rộ từ chiều đến đêm như thế mà nhà tôi không hay biết,
dù sinh hoạt bếp núc ăn uống ngay đó, dù bình thường vẫn ra vô hẽm đó, dù ngay
đó là chiếc cửa sổ rất lớn, chỉ cần nhón chân là thấy, và bình thường mọi sinh
hoạt ở con hẽm đều vọng vào nhà. Nhưng hôm đó không ai nghe thấy gì. Mọi thứ như
không hề xảy ra. Đến khi tang lễ được bày biện, nhà mới biết.
Đầu con hẽm cũng xảy ra cướp giựt chết người, thiên hạ trong xóm tụ nhau đi coi,
nhưng gia đình không hề hay biết, ngày ngày vẫn qua đó bình yên.
Là vì “Tam giới duy tâm. Vạn pháp duy thức”. Tuy thấy đồng phần mà pháp giới của
người nào người đó nhận. Nhân đồng thì thọ nhận đồng, nhân khác thì thọ nhận
khác, nên trên cùng một cảnh mà sự thọ nhận có khi không đồng, pháp giới của
người này không giống với người kia.
Nếu bạn có thể đối trước hình tượng Phật hay Bồ-tát, tụng một biến kinh Địa
Tạng vào những ngày trai giới thì thế giới quanh bạn nhất định không có nạn
tai. Kinh là lời chân, lời thật, không hề sai lệch. Nhân thiện lành đủ duyên cho
ra quả thiện lành. Người gieo cái nhân như thế sẽ được cái quả pháp giới như
thế. Tuy vậy, việc đó phải được hiểu trên tinh thần duyên khởi. Tức mọi việc ứng
cảm hay không còn tùy vào nghiệp nhân của từng người.
- Nếu quanh bạn là những người từng có duyên lành, nạn tai không đến với họ, thì
mọi thứ đúng như kinh đã nói.
- Nếu nghiệp của họ có nạn tai nhưng thuộc loại bất định, họ lại từng gieo nhân
lành với bạn và khả năng tụng niệm cũng như hồi hướng của bạn có năng lực ảnh
hưởng đến nạn tai của họ, thì pháp giới của họ cũng không có nạn tai như bạn.
- Nếu trong địa giới đồng nghiệp vẫn tồn tại những loại biệt nghiệp, nhất là
biệt nghiệp thuộc định nghiệp, và khả năng tụng niệm cũng như lực hồi hướng của
bạn không đủ giúp chuyển hóa nghiệp của người, thì những gì bạn thừa hưởng chỉ
là của riêng bạn. Nghiệp của người, người theo đó mà đi. Trong pháp giới của
bạn, đúng như kinh đã nói, mọi thứ vẫn an lành.
Tương tự, việc niệm danh hiệu Quán Thế Âm, cầu trai được trai, cầu gái được gái,
vào lửa không cháy, vào nước không chìm, nếu được nhìn theo cái nhìn duyên khởi
thì mọi thứ vẫn tương thích với thực tế. Được hay không đều do đủ duyên hay chưa
đủ duyên.
- Nhân quá khứ nếu đủ thiện lành, niệm Quán Âm chỉ là duyên cuối giúp sự việc
thành tựu như giọt nước làm tràn ly, thì cầu trai sẽ được trai, cầu gái sẽ được
gái. Bởi giọt nước tuy nhỏ nhưng không có nó, nước không thể tràn ly. Đây cũng
vậy, nhân tuy có nhưng chưa đủ duyên thành quả thì niệm Quán Âm chính là duyên
giúp quả thành tựu.
- Nhân quá khứ chưa đủ thiện lành, niệm Quán Âm nếu được miên mật, có thể chuyển
hóa được dòng vọng niệm hiện tại, thì việc như ý vẫn xảy ra. Quan trọng là sự
thành tâm và miên mật. Không tạo được duyên chuyển hóa như thế thì mọi thứ phải
theo nghiệp cũ mà đi. Nghĩa là, nhân quá khứ nếu chưa thiện lành mà việc tụng
niệm vẫn chưa đủ mức thì quả như ý không thể xảy ra. Tuy vậy, việc tụng niệm vẫn
có tác dụng về sau, vì nhân thiện lành đã gieo. Khi đủ duyên mọi thứ sẽ được như
ý.
Nhiếp Đại thừa luận thích
5, do ngài Huyền Trang dịch, ghi: “Tứ ý thú và Tứ bí mật có công năng tháo mở
tất cả lời Phật dạy”.
Trong Tứ ý thú có Biệt thời ý thú. Phải dùng Biệt thời ý thú để hiểu kinh, là
khi trong lời kinh chỉ thấy nói đến nhân và quả, không thấy nói đến duyên, không
thấy nói đến thời gian thành tựu. Như nói “Xưng niệm danh hiệu Phật Đa Bảo
thì chắc chắn chứng được Bồ-đề vô thượng” hoặc nói “Chỉ cần phát nguyện
liền được vãng sinh Cực lạc”. “Xưng niệm danh hiệu” hay “chỉ cần phát
nguyện” là nhân, “Cực lạc” và “Bồ-đề vô thượng” là quả. Không thấy nói duyên,
cũng không nói thời gian thành tựu. Song với lý Nhân duyên, nhân muốn thành quả
phải đủ duyên mới thành quả được. Phần đủ duyên ở đây chính là hạnh niệm Phật.
Niệm sao cho được nhất tâm bất loạn thì về Cực lạc. Niệm mà vô niệm thì được
Bồ-đề vô thượng. Cho nên luận nói, “Do muốn khuyến tấn người tu mà y vào lợi
ích biệt thời mà nói, không phải nói tức thời liền được”. Tuy vậy, với hạng
căn cơ đã thuần thục, cũng có thể ngay đời này liền được.
Quan đại thần Santati đi dẹp giặc ở biên giới về, được vua Ba-tư-nặc ban cho một
cung nữ và giao vương quốc cho ông nhiếp chính trong bảy ngày. Suốt bảy ngày đó
ông miệt mài trong rượu chè. Ngày cuối, ông cưỡi bạch tượng lên hồ tắm cùng mỹ
nữ. Gặp Phật ở cổng thành, ông chào và đi tiếp. Phật mỉm cười nói, “Ông ta sẽ
đến chỗ ta, nghe xong bài kệ và chứng A-la-hán”.
Xuống hồ, Santati bơi lội cả buổi rồi vào lạc viên uống rượu và xem mỹ nữ múa.
Buổi diễn chưa xong, mỹ nữ đột tử, mắt vẫn mở lớn. Ông thương cảm đau khổ, tìm
đến Phật, kể lễ sự tình và tỏ ý muốn nương tựa.
Phật nói:
- Biết bao lần người phụ nữ ấy đã chết như thế, ông cũng bao phen khóc nàng,
nước mắt còn nhiều hơn bốn biển. Hãy nghe ta nói kệ:
Việc gì đã trôi qua
Tốt nhất là buông bỏ
Và ở trước mặt ngươi
Không có gì ở đó
Nếu không nắm bắt gì
Giữa tương lai quá khứ
Sẽ bước trong an bình
Không còn gì khổ sở.
Phật vừa dứt lời, Santati liền chứng quả A-la-hán với đầy đủ các thần thông. Ông
bay lên trời, khoảng bằng bảy cây Sala thì ngồi kiết-già ở đó và bắt đầu kể về
tiền kiếp của mình. Trong suốt chín mươi chín kiếp, ông khuyến khích mọi người
làm việc công đức. Vào ngày Bát quan trai, ông giữ giới, bố thí và nghe pháp.
Ông đi khắp nơi và nói, “Không có châu báu nào có thể sánh với Tam bảo. Hãy
cung kính Tam bảo”. Suốt tám mươi ngàn năm, ông thuyết pháp khắp nơi, tạo
công đức, thân tỏa mùi hương chiên đàn, miệng đầy mùi lá sen.
Đó là dạng tức thời liền được vì nghiệp quá khứ đến thời đủ duyên.
Kể xong, Santati nhập Hỏa quang tam muội, lửa thiêu hết thân, xá-lợi rơi xuống
như hoa nhài. Thế Tôn cho trải thảm trắng hứng xá-lợi và dạy cất tháp ngay ngã
tư đường để thờ.
Santati phải dùng Hỏa quang tam muội vì lửa thế gian không thể đốt cháy thân
A-la-hán. Vì thế đối với vấn đề vào lửa không cháy, vào nước không chìm là việc
không phải xa lạ với các bậc thánh. Thiền sư Hoàng Bá, một lần dạo núi Thiên
Thai đã gặp một vị Tăng, nói chuyện thì như quen biết từ lâu, nhìn kỹ thấy con
mắt người ấy sáng rực. Đến một khe nước mạnh, Hoàng Bá chống gậy đứng lại, vị
Tăng thúc ngài cùng qua. Hoàng Bá nói “Huynh cần qua thì cứ tự qua”. Vị Tăng
liền kéo áo bước đi trên nước như đi trên đất bằng. Qua đến bờ vị Tăng gọi, “Qua
đây! Qua đây!’. Hoàng Bá bảo, “Ông tự rõ mình. Tôi sớm biết đã chặt lấy chân của
ông”. Vị Tăng khen, “Thật là pháp khí Đại thừa! Tôi không bì kịp”. Nói rồi liền
biến mất. Đoạn văn cho thấy những loại thần thông như thế, thánh nhân không
màng, vì ngoại đạo vốn đã có. Chỉ cần có định tâm tương ưng, thảy đều đạt được.
Niệm Quán Âm, nếu được định tâm tương ưng thì vào lửa không cháy, vào nước không
chìm, là lẽ tất nhiên.
Trong đợt cháy rừng vừa qua ở tiểu bang New South Wales, Úc châu, phần lớn chung
quanh ngôi chùa đã bị thiêu rụi, nhưng chánh điện ngôi chùa vẫn lành lặn, chỉ ám
khói phần mái. Dù với lý do gì thì việc ngôi chùa tồn tại sau cơn bảo lửa, với
hơn nửa tỷ thú vật bị chết cháy và hơn một ngàn căn nhà bị thiêu rụi, cũng là
hình thức vào lửa không cháy. Là nhờ vào công đức thiện lành của chư Tăng ở đó.
Niệm Quán Âm cũng là một dạng tích tạo công đức thiện lành. Đủ duyên thì thiện
quả hiện ra, trong biển lửa đồng nghiệp vẫn tồn tại loại biệt nghiệp không cháy.
Chưa đủ duyên thì thiện quả không hiện ra.
Một ý nữa trong việc niệm Quán Âm để được như ý, là có khi không như ý mới là
như ý, có khi chính vì thiện nghiệp của người xin được tích tụ mà việc như ý
không xảy ra. Bởi trí phàm phu hạn hẹp, không thấy được thứ mình thích có khi là
tai họa của mình. Cho nên, nhờ thiện nghiệp niệm Quán Âm mà tai họa đã không xảy
ra, việc cầu sinh không được toại nguyện.
Không chấp vào văn tự mà giải nghĩa
Ngoài việc dùng trí duyên khởi để hiểu kinh, cần có thêm tinh thần thông thoáng
với ý từ văn ngữ khi đọc kinh. Như kinh nói “Phản văn văn tự tánh”. Hòa thượng
Trúc Lâm giải thích “Nhìn lại tánh nghe của mình, thấy nó không tướng mạo
thì làm sao đốt được, làm sao nhận chìm được”. Nói vậy không có nghĩa là có một
tự tánh để thấy hay nghe. Vì tánh, với cái nhìn của nhà Phật, là không, vô sở
hữu, lìa năng sở đối đãi. Chỉ vì tâm thức chúng sinh đang còn trong vòng năng sở
đối đãi, thường hay hướng ngoại tìm cầu, ngôn từ lại là thứ không thể diễn tả
cái gọi là tự tánh, nếu một mực phủ định như Lăng-già, Trung luận v.v.
thì chúng sinh khó tiếp thu, nên kinh nói “Phản văn văn tự tánh”. Hòa thượng
giải thích “Nhìn lại tánh nghe của mình”. Ý nói, một khi sống được với tánh nghe
thì vào lửa không cháy, vào nước không chìm. Nói tánh nghe là muốn nhấn mạnh ở
mặt tánh của cái nghe, không phải trụ ở tướng nghe. Muốn vậy, hành giả phải quay
vào, không hướng ra ngoài dính mắc các tướng.
Hoặc như kinh Lăng-già nói: “Đại Huệ! Đại Bồ-tát dựng lập tướng trí
tuệ, trụ rồi ở trên ba tướng thánh trí phải siêng tu học. Những gì là ba? Là
tướng vô sở hữu, tướng chỗ tất cả chư Phật tự nguyện, tướng tự giác thánh trí
cứu cánh”. Kinh nói “Dựng lập tướng trí tuệ, trụ rồi…” không có nghĩa
là bỏ định lấy tuệ, chỉ thu gom hiểu biết qua kinh luận mà phá bỏ phần thiền
định thông qua chỉ, quán và thiền. Thiền sư Hàm Thị giải thích: “Tướng vô sở
hữu, là quán không của Nhị thừa. Bồ-tát trụ tướng trí tuệ mà vẫn dùng thiền tịch
của hàng Nhị thừa để trừ sạch pháp chấp vi tế. Đây là chẳng bỏ phương tiện mà
chẳng chấp là thật pháp”. Hiểu vậy mới không lầm chỗ chư Phật muốn nói.
Không như vậy sẽ rơi vào cái gọi là khẩu đầu thiền, là loại thiền chỉ có trên
đầu môi chót lưỡi. Đó không phải là ý mà chư Phật Tổ muốn dạy chúng sinh.
Hoặc như luận Đại thừa khởi tín ghi: “Nghe Tu-đa-la nói: Tất cả pháp
nhiễm ô sinh tử đều y nơi Như Lai tạng mà có. Tất cả pháp chẳng lìa chân như. Vì
chẳng hiểu lại cho tự thể Như Lai tạng có đủ tất cả pháp thế gian sinh tử...”.
Tuy luận viết “Nghe Tu-đa-la nói” nhưng phải hiểu “Trong Tu-đa-la ghi…”. Đó
là một cách không chấp trên văn từ mà hiểu nghĩa. Kế tiếp, kinh nói “Tất cả pháp
chẳng lìa chân như” là ý muốn nói chân như là nền tảng từ đó có các pháp, không
phải nói chân như luôn tồn tại các pháp đó. Chỉ do cái duyên là vô minh mà các
pháp đó sinh khởi, chân như vốn không có các pháp đó. Tức một khi vô minh hết,
các pháp đó không tồn tại.
Lìa kinh một chữ tức đồng ma thuyết
Không được y nơi văn tự mà hiểu nghĩa, tức không lìa tánh không duyên khởi mà
hiểu nghĩa, cũng không được chấp vào văn từ mà hiểu nghĩa. Nhưng vậy không có
nghĩa là có thể nói những gì không có trong kinh luận, hoặc giải thích lời nói
đó với tính khẳng định trong khi vấn đề được tuyên thuyết theo tinh thần duyên
khởi, mang tính đối trị tùy duyên. Vì thế không chỉ có một vế “Y kinh giải nghĩa
tam thế Phật oan” mà còn vế sau “Lìa kinh một chữ tức đồng ma thuyết”.
Trong Pháp bảo đàn kinh, khi nói về Tam thân, Tổ dạy, “Ba thân là
thanh tịnh pháp thân, đó là tánh của ông. Viên mãn báo thân là trí của ông.
Thiên bá ức hóa thân là hạnh của ông”. Kinh nói “của ông” nhưng phải hiểu:
Khi ông thành Phật, ông sẽ dụng được ba thân đó. Còn chưa thành Phật thì ông
cũng có đó mà không dụng được như Phật. Hiểu vậy thì không vướng vào cái gọi là
“Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Kinh nói “Viên mãn báo thân là trí của ông”
là muốn nói đến thân nghiệp báo của Phật, không phải thân nghiệp báo của chúng
sinh. Thân đó là trí thân, không phải loại sắc thân mà chúng sinh từng thấy như
thấy Phật Thích Ca Mâu Ni với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Từ điển Phật học Huệ
Quang ghi, “Báo thân thọ lượng là trí lực do tu lâu mà được, ánh sáng trí tuệ
chiếu soi vô lượng, thọ mạng vô số kiếp”;
cũng ghi, “Trí thân như ánh sáng mặt trời soi khắp, chính là báo thân, có
công năng phá diệt vô minh, hiển bày chân thân sẵn có”.
Luận Đại thừa khởi tín ghi, “Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc
không hình, gọi là trí thân. Bởi trí tánh tức là sắc nên gọi là pháp thân cùng
khắp tất cả chỗ”. Như vậy, báo thân này không phải là sắc thân 32 tướng tốt.
Sắc thân đó thuộc về Ứng hóa thân, do ứng cảm với chúng sinh mà hiện tướng. Cho
nên, khi thuyết giảng về Tam thân mà nói “Còn nói về Báo thân thì báo đó là gồm
tội báo và phước báo. Thân của Đức Phật là thân phước báo, cho nên Đức Phật có
32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp...” là không đúng. Đó là lìa kinh mà thuyết. Lìa kinh
một chữ tức đồng ma thuyết. Trở thành ma khi phát biểu như thế, không phải trong
tất cả mọi trường hợp. Trong các trường hợp khác, không y kinh cũng không lìa
kinh mà thuyết thì không phải ma. Vì chúng sinh hay Phật được tính trên từng
niệm. Lục Tổ nói: “Niệm trước mê là chúng sinh. Niệm sau giác là Phật”.
Niệm trước không y kinh không lìa kinh mà thuyết, là Bồ-tát. Niệm sau nếu y kinh
và lìa kinh mà thuyết, là ma thuyết. Vì thế, không thể không cẩn thẩn khi ở vai
trò thuyết giảng. Nguyện hết thảy chúng sinh trong pháp giới này không y kinh mà
giải nghĩa cũng không lìa kinh mà giải nghĩa.