Nghĩ về bài thơ “Mẹ và quả”của Nguyễn Khoa Điềm

nghi ve bai tho

NGHĨ VỀ BÀI THƠ “MẸ VÀ QUẢ” CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM

 

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn tin vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng .

 

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

 

Và chúng tôi một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Mẹ và quả là một bài thơ giản dị và mộc mạc, cũng không quá dễ khơi gợi cảm xúc như những bài thơ khác viết về mẹ. Nhưng đây là một bài thơ giàu hình tượng và hấp dẫn người đọc bởi vẻ đẹp trí tuệ cùng những suy tư sâu lắng.

Kết cấu của bài thơ khá rõ ràng với ba khổ thơ tách bạch. Khổ thơ đầu tập trung miêu tả hình tượng “quả”. Khổ thứ hai có thêm sự xuất hiện của những người con: “lũ chúng tôi” trong quan hệ so sánh với hình tượng quả. Khổ thứ ba chỉ tập trung thể hiện hình ảnh người con: “chúng tôi”. Trong hai hình tượng quả chúng tôi luôn có sự hiện thân, gắn bó của hình ảnh người mẹ. Người mẹ chính là nhân vật trung tâm của bài thơ, nhưng được thể hiện một cách gián tiếp.

Thiền sư Nhất Hạnh từng nói, bài thơ bài ca nào viết về mẹ cũng dễ hay, bởi mẹ tượng trưng cho tình thương. Bản thân Thiền sư trong tác phẩm Bông hồng cài áo đã trích dẫn những vần thơ cảm động về mẹ:

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc

Yên lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Là mất cả bầu trời.

(Trích thơ Xuân Tâm)

Bài thơ này tác động trực tiếp vào cảm xúc của người đọc bằng nỗi buồn mất mẹ nên làm cho ai đọc rồi cũng phải mủi lòng. Những ai mất mẹ thì thương tiếc, những ai còn mẹ thì biết trân quý bởi mẹ là cả một bầu trời nhờ đó mà ta được sống và lớn lên. Hoặc như bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Quân thì lôi cuốn người đọc bằng ý thức sâu sắc về vô thường:

Con sẽ không đợi một ngày kia

có người cài cho con lên áo một nụ bạch hồng

Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ

Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng

Hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?

Trở lại với bài thơ Mẹ và quả, ta thấy hình ảnh người mẹ hiện ra như một điển hình của tầng lớp nông dân chân chất, chịu thương chịu khó, chăm chỉ, cần mẫn, tảo tần:

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn tin vào tay mẹ vun trồng

Hình ảnh mùa quả gắn liền với đời sống làng quê Việt Nam, gắn liền với những người nông dân hiền lành, hai sương một nắng. Có ba đối tượng cần chú ý trong khổ thơ đầu: mẹ, quả, và chữ tin. Chữ tin này rất quan trọng và là điểm mấu chốt giúp ta hiểu được tư tưởng của tác giả trong toàn bài thơ, nhưng chúng ta sẽ bàn đến nó rõ hơn ở khổ cuối. Mẹ ở đây là mẹ của làng quê, có thể khẳng định như vậy, bởi vì những mùa quả nghĩa là thành quả lao động của mẹ không phải chỉ trong một ngày, một tháng mà là quanh năm. Nhờ đó mà mẹ nuôi các con. Và mẹ đã vun trồng với tất cả tấm lòng của mẹ. Những mùa quả hiện diện từ sức lao động của mẹ, từ niềm tin của mẹ. Chính niềm tin này làm mẹ trở nên mạnh mẽ và lạc quan. Mẹ tin mẹ vun trồng bằng sức lực và bằng tình thương thì chắc chắn mẹ sẽ có thu hoạch. Kinh Hoa nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ đẻ của tất cả các công đức”. Cho nên chữ tin này làm cho hình ảnh người mẹ nông dân trở nên bừng sáng.

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng.

So sánh những mùa quả với mặt trời, mặt trăng là một so sánh rất đắt, rất đẹp, rất thi vị và rất trữ tình. Mặt trời tượng trưng cho một ngày, mặt trăng tượng trưng cho một tháng. Những mùa quả như mặt trời, như mặt trăng nghĩa là như tháng ngày của cuộc đời mẹ, những mùa quả ấy chính là ngày tháng của đời mẹ. Mẹ chắt chiu chăm bón mới có những mùa quả no tròn, viên mãn như mặt trời, mặt trăng. Cho nên mặt trời, mặt trăng ở đây không chỉ là một hình ảnh so sánh đơn thuần mà còn mang tính chất ẩn dụ. Ngày qua đi, tháng qua đi, những mùa quả có vẻ giản dị là thế nhưng qua cái nhìn giàu liên tưởng của nhà thơ, thì trở nên lấp lánh, lung linh. Thành quả của mẹ bừng sáng và mẹ cũng bừng sáng bởi vẻ đẹp yêu lao động. Khổ thơ như chỉ miêu tả thiên nhiên nhưng thực ra là phác họa hình ảnh người mẹ lao động không mỏi mệt. Ở trong đạo Phật gọi là tinh tấn. Bài học mà người con Phật chúng ta có thể rút ra được từ khổ thơ đầu tiên, đó là muốn có thành quả thì phải có sự siêng năng, tinh tấn và trước hết phải có niềm tin. Đó là tín căn và tấn căn trong ngũ căn, cũng là tín lực và tấn lực trong ngũ lực. Trong mối quan hệ nhân quả, nhờ có niềm tin nên mới tinh tấn, nhờ tinh tấn nên mới có thành công. Cho nên các câu thơ trong khổ thơ đầu được sắp xếp theo một trình tự rất logic, hợp với nhân quả.

Nhưng không phải chỉ có niềm tin và siêng năng mà đủ, để có thành quả, cần phải có công lao khó nhọc, hay nói cách khác là sự hy sinh của mẹ nữa:

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Đến đây thì xuất hiện hình ảnh người con trong sự so sánh với hình ảnh mùa quả. Đều là từ tay mẹ, đều lớn cả, nhưng con thì lớn lên mà quả thì lớn xuống. Quả nói lên được nỗi khó nhọc và công lao của mẹ, vì quả có hình dạng giọt mồ hôi, quả chính là một phần hình hài của mẹ. Ở khổ thơ đầu, quả tượng trưng cho thời gian đời mẹ, còn ở đây, quả chính là kết tinh từ sức lực mẹ bỏ ra. Mẹ đã đặt hết niềm tin, đặt hết thời gian, đặt hết sức lực, đặt hết cả cuộc đời cho những mùa quả. Và mẹ đã nhận lại được thành quả rồi. Đó là bởi vì bí và bầu thì lớn xuống. Từ tay mẹ, bí và bầu lại trở về lòng mẹ. Chúng không biết nói, nhưng cũng cảm giác được lòng mẹ thì yên ổn, an toàn và bao dung. Tình thương thầm lặng chính là tình thương không giới hạn. Bí và bầu là thành quả hữu hình của mẹ, tuy là vô tri nhưng dường như cũng biết đáp đền. Những mùa quả hữu hình ấy, tuy nhiên, chỉ là phương tiện để mẹ chăm bón cho một thứ quả quan trọng hơn. Mẹ trồng quả là để nuôi các con. Nhưng còn các con thì sao, những con người từ tay mẹ lớn lên thì đi về đâu, có làm được như các loại quả vô tri kia chăng? Đó chính là vấn đề mà khổ thơ thứ hai đã đặt ra và được giải quyết trong khổ thơ cuối:

Và chúng tôi một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Cũng như khi mẹ chăm những mùa quả, khi chăm các con mẹ đã đặt hết niềm tin vào đấy. Khổ thơ cuối là tâm tư của người con. Thấu hiểu được lòng mẹ, cảm nhận được tâm tư của mẹ, từ đó người con có một sự hoảng sợ. Đó là một sự hoảng sợ rất nhân văn: sợ không đền đáp được công ơn của mẹ.

Và chúng tôi một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Nhắc lại ở khổ thơ đầu, mẹ tin vào tay mẹ vun trồng thì mẹ sẽ hái được những mùa quả. Nhưng người con lại là một thứ quả đặc biệt. Con cũng là một phần hình hài của mẹ, là sự tiếp nối của mẹ. Mẹ đặt vào đó niềm tin và hy vọng. Nhưng bởi vì người con ý thức được sự vô thường:

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái.

So với mặt trời, mặt trăng, so với thời gian vô cùng thì tháng năm đời người chỉ là hữu hạn. Sự hoảng sợ của người con là một tâm lý thường tình của người có lương tri. Sợ không được như những mùa quả kia mà lại chỉ là một thứ quả non xanh, chưa kịp trưởng thành thì lại phụ niềm tin của mẹ. Ta bắt gặp lại hình ảnh người con trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Quân:

Con không đợi một ngày kia khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua.

Cái hoảng sợ ấy, cái hốt hoảng ấy là sự thức tỉnh cần thiết của người con trước vô thường, để từ đó anh ta biết trân quý mẹ hơn, và biết sống đúng với đạo làm con. Dẫu rằng công ơn của cha mẹ là không bao giờ đền đáp được. “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được, đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm như vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ, và dù tại đó, cha mẹ có khạc nhổ tiểu tiện, cũng chưa đủ đền ơn mẹ cha. (Kinh Tăng chi). Cho nên sự hoảng sợ của người con là điều dễ hiểu.

Đức Phật dạy có một cách người con có thể đền đáp được công ơn cha mẹ, đó là khuyên cha mẹ chánh tín Tam bảo, tu tập thiện nghiệp. Trong kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, Đức Phật dạy người con còn phải vì cha mẹ mà làm mọi việc lành, như vậy mới là đền đáp được công ơn cha mẹ.

Đọc bài thơ Mẹ và quả là một cơ hội để chúng ta, nhất là những người con Phật, quán chiếu về ơn nặng của các đấng sinh thành, và ý thức được trách nhiệm của mình phải làm một người tốt đẹp, thiện lành để đền đáp công ơn ấy. Người thế gian thì phụng dưỡng cha mẹ, làm một người thành công, có đạo đức để cha mẹ vui lòng. Là người xuất gia thì không có con đường nào khác hơn là phải nỗ lực thành tựu được đạo quả, như thế là sự báo hiếu rốt ráo nhất. Chúng ta sẽ không phải sợ vô thường, sẽ không phải sợ phụ niềm tin và tình thương của mẹ.

Thích nữ Tuệ Anh

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle