Hạnh kham nhẫn trong một vài bản kinh thuộc Trung bộ
hanh kham nhan
Hạnh kham nhẫn trong một vài bản kinh thuộc Trung bộ
Thích nữ Hải Liên
Một đời
sống bình an, hạnh phúc là ước vọng của con người trong mọi thời đại.
Thực tế, con người vẫn còn nhiều phiền não, khổ đau bởi cuộc sống còn
nhiều bất toại ý, lắm rủi ro, đầy rẫy bệnh tật... Do đó, muốn tồn tại
và an ổn, chúng ta cần phải kham nhẫn, một phương pháp phòng hộ phiền
não đã được Đức Phật chỉ bày trong kinh Trung bộ và nhiều bộ kinh khác.
Sơ lược về kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya) và khái niệm kham nhẫn (khanti)
Sơ lược về kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya)
Trung bộ
là bộ kinh thứ 2 trong 5 bộ Nikāya, thuộc văn hệ Pāli. Bộ kinh gồm 3
tập với 152 bài kinh (tập1: 50 bài; tập 2: 50 bài, và tập 3: 52 bài).
Kinh Trung bộ
chứa đựng nhiều giáo lý cốt tủy của Phật giáo. Đó là những pháp thoại
được Đức Phật giảng dạy cho đệ tử xuất gia lẫn tại gia, giúp họ lìa khổ
được vui bằng các phương pháp tu tập thanh lọc, chuyển hóa tâm thoát
khỏi phiền não.
Khái niêm kham nhẫn (khanti)
Kham nhẫn là một trong bảy phương pháp phòng hộ và đoạn trừ phiền não được nói đến trong bài kinh Tất cả lậu hoặc (kinh số 2) của kinh Trung bộ.
Kham là có thể chịu đựng được, nhẫn là nhận chịu. Kham nhẫn là nhẫn nại
và chế ngự những tâm bất thiện, những nghịch cảnh để vượt qua chướng
ngại và khó khăn.
Kham
nhẫn không có nghĩa là nhẫn chịu sự nhục nhã. Vì nếu nói rằng nhẫn là
nhục thì Đức Thế Tôn suốt đời hành đạo chịu nhục hay sao? Trong suốt 45
năm hành đạo của Đức Phật, có nhiều đệ tử ngoại đạo đã quy ngưỡng với
Ngài. Do vậy, Ngài đã phải đón nhận sự phỉ báng của nhiều ngoại đạo.
Nhưng với thái độ “Người tặng quà ta không nhận, quà ấy thuộc về ai?”,
tâm Ngài không dính mắc vào những lời bất khả ý ấy.
Nội dung kham nhẫn
Trong kinh Tất cả lậu hoặc, Đức Phật thuyết giảng cho hàng đệ tử xuất gia những điều cần kham nhẫn như sau : “...kham
nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng
mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói mạ lỵ, phỉ báng,
các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức
nhói, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người.”1
Kham
nhẫn ở đây bao gồm ngoại nhẫn, tức thân kham nhẫn những điều bất như ý
do ngoại cảnh mang đến (lạnh, nóng... các loài bò sát); và nội nhẫn là
kham nhẫn những cảm thọ gây nên phiền não. Kham nhẫn những cảm giác khó
chịu của thân và tâm là để tránh những phiền não (tham, sân, si…) sinh
khởi. Đây có thể xem là một trong những phương pháp tu quan trọng.
Phương pháp tu tập
- Lấy từ bi hóa giải sân hận
Trước
những thái độ đối xử bất công, những lời nói vu khống, thô tháo hay vi
tế, những hành động ném đá giấu tay của kẻ xấu…, tâm chúng ta thế nào?
Chúng ta hãy lắng lòng, chiêm nghiệm lời Đức Thế Tôn dạy:
“Chư Tỳ-kheo, như những kẻ hạ liệt dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay cưa
chân, dầu vậy nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không
phải là người thực hành giáo pháp của ta. Ở đây, chư Tỳ-kheo các ngươi
phải học tập như sau: Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không bị biến
nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với
lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận.”2
Ở đây
Đức Phật dạy chư đệ tử trưởng dưỡng hạnh nhẫn bằng phương pháp lấy tâm
từ đáp lại sự sân hận của những người xấu ác, lấy từ bi xóa bỏ hận thù,
bằng cách chế ngự tâm để nó không bị dao động trước những sự nghịch
lòng trái ý do người khác mang đến cho mình.
- Tu tập hạnh như đất
Rèn luyện tâm bằng cách quan sát hạnh của đất theo cách Đức Phật đã giáo giới cho La Hầu La: “Này
Rahula do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được
khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như
trên đất, người ta quăng đồ tịnh, đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng
nước tiểu… tuy vậy đất không lo âu, không dao động hay không nhàm chán.
Cũng vậy này Rahula, hãy tu tập như đất…”3
Đất chuyển
hóa những rác rưởi dơ bẩn thành phân bón nuôi lớn cây cối. Đất im lặng
đón nhận những chất độc hại do con người mang đến cho mình. Đất không
phản kháng sự bạc đãi, mà âm thầm chấp nhận, chuyển hóa mọi uế nhiễm
thành dưỡng chất nuôi sống cây cỏ, đem lại sự sống cho con người.
Do
vậy, Đức Thế Tôn dạy bảo hàng đệ tử tu tập hạnh như đất; rèn luyện đất
tâm nhu nhuyến; chấp nhận tất cả những việc tốt xấu xảy đến với mình
một cách an nhiên bằng việc quán chiếu nhân quả; không có tâm thích thú
hay sân giận. Với tâm xả bỏ, tâm sân giận được hoán chuyển thành tâm
từ, tâm bi. Từ đó, mọi tranh chấp hơn thua đều bị chặn đứng. Bởi vì,
trong sự tranh chấp hơn thua, người thua thì tức tối, hiềm giận, còn
người thắng thì bị oán hờn, oan gia kết nối. Cả hai đều bị tổn hại. Do
vậy người tu tập cần im lặng thực hành hạnh kham nhẫn.
- Thúc liễm thân tâm
Ngoài
kham nhẫn đối với những thứ đến từ bên ngoài, người tu tập còn phải chế
ngự những thứ bên trong tâm mình, đó là kham nhẫn nội tại. Người tu tập
phải biết tiết chế những ham muốn của chính mình. Đó là sự tiết chế
những ham muốn ngũ dục. Người xuất gia phải vượt qua điều này mới có
thể thăng tiến trên con đường tu tập. Khi tâm không còn dính mắc với
tiền tài, danh vọng, hơn thua… thì mọi mong cầu vọng động, tranh chấp
hãm hại nhau cũng theo đó được đoạn trừ. Bình an của thân tâm mới là
hạnh phúc thực sự của cuộc sống. Tiết độ trong ăn uống thì cảm thọ cũ,
tức cơn đói tan mất, và cảm thọ mới là tham thực cũng không cho khởi
sinh.
Như thế,
chúng ta cần phải kham nhẫn trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh để rèn luyện
thân tâm vững vàng trên lộ trình tu tập. Noi gương Đức Thế Tôn, người
đệ tử Phật hành trì kham nhẫn để vượt qua sông mê đến bờ giải thoát,
điều được ẩn dụ trong Tiểu kinh người chăn bò.
Hạnh kham nhẫn và việc phòng chống đại dịch Covid-19
Khi quán
xét những lời Đức Phật dạy về kham nhẫn, chúng ta nhận ra những giá trị
thực tiễn trong giáo pháp của Ngài đối với đời sống thực tiễn, và ở đây
xin liên hệ đến việc phòng chống dịch Covid hiện nay.
- Thay đổi nhận thức sống
Trong thời
gian sống cách ly, giản ly xã hội, chúng ta có thời gian quán chiếu lời
Phật qua việc nhìn lại bản thân mình. Chúng ta thấy rằng, tự phòng hộ
mình là giúp mình và giúp người khác cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng
đồng; ý thức rằng tiền bạc tuy cần nhưng không mua được mạng sống; quan
niệm “tiền là trên hết” nên được thay thế “không gì bằng sức khỏe.”
Virus Corona lây lan không phân biệt kẻ sang người hèn,
quyền uy hay không thế lực, nước lớn hay nước nhỏ… Vì vậy, chúng ta cần
sống với nhau từ bi, bình đẳng, lục hòa để ta và người có thể sống
chung dễ dàng, nhà nhà an vui, thế giới hòa bình, không còn đấu tranh
giết hại lẫn nhau.
- Vui sống tùy duyên
Chúng
ta cần sống chậm lại để trở về với nội tâm... Đối với những ai thích tu
tập để sửa đổi thân tâm thì thời gian cách ly toàn xã hội nhằm phòng
chống sự lây lan của virus Corona là cơ hội để chúng ta thực tập chánh
niệm. Chúng ta sẽ có thêm thời gian để tụng kinh cầu nguyện, đọc kinh
sách, tu tập tại nhà nhiều hơn. Tâm ít chạy theo cảnh, không hướng
ngoại nhiều thì tâm dễ dàng an tịnh hơn.
- Ý thức bảo vệ thiên nhiên
Khi có
thời gian quán chiếu, chúng ta nhận ra rằng chính mình là thủ phạm làm
thiên nhiên mất đi sự cân bằng sinh thái. Thiên tai, lũ lụt, cháy rừng,
ô nhiễm không khí… đều có sự góp phần của con người chúng ta. Đã đến
lúc con người cần phải giảm bớt tham, sân, si, những nguyên nhân chính
khiến tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, và hãy trả lại sự trong lành cho
môi trường. Trận dịch Corona này nhắc nhở con người cần ý thức hơn nữa
trong việc bảo vệ môi trường.
- Hình thành thói quen tốt
Thực
hiện 7 thói quen phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế (gặp nhau không bắt
tay; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thay quần áo ngay khi về đến
nhà; súc họng bằng nước muối hay dung dịch sát khuẩn; không mời khách
đến nhà cũng không đến nhà người khác; gọi điện thoại cho nhân viên y
tế trước khi đến bệnh viện khám bệnh; tự giác nhắc nhở nhau thực hiện
các quy định và khuyến cáo phòng chống bệnh), là chúng ta kham nhẫn để
thay thế những thói quen cũ bằng những thói quen mới trong sinh hoạt
hàng ngày, giúp phòng hộ mình, tránh lây nhiễm bệnh dịch và vì sức khỏe
của cộng đồng.
- Mở rộng tình người để tâm từ lan tỏa
Diễn tiến tình trạng dịch bệnh được
cập nhật hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Những chiến sĩ áo
trắng trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh đã khẩn trương làm việc quên
mình. Những tình nguyện viên dấn thân vào ổ dịch chấp nhận cuộc sống
thiếu tiện nghi, xa cách những người thân yêu nhất để làm tròn nhiệm
vụ… Những việc làm thiện nguyện ấy đã khiến nhiều người kính phục. Bên
cạnh đó, công việc từ thiện cũng được mọi tầng lớp xã hội hưởng ứng:
phát khẩu trang miễn phí, phát cơm cho bệnh nhân trong khu cách ly, mở
ATM gạo cho người nghèo v.v.
Do
vậy, trong thời gian mọi người cùng phòng chống dịch Corona, để chung
tay góp sức với toàn xã hội chặn đứng dịch bệnh, mỗi cá nhân cần tự
phòng hộ và nhắc nhở mọi người vượt qua những khó chịu về thân tâm khi
những thói quen cũ bị hạn chế theo tinh thần cách ly... Trong tình
huống như thế này, chúng ta cần đến sự kham nhẫn, và đây là một trong
những phương pháp giúp chúng ta không thấy khó chịu trong thời gian
thực hiện cách ly.
Mong sao
cho nhân loại sớm tìm lại được sự bình an. Mong sao mọi hành động, từng
ý nghĩ của mỗi cá nhân đều noi theo những lời Phật dạy để cuộc sống
ngày càng được an vui.
1 Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ I (1987).
2 Kinh Trung bộ I (1987), kinh số 21: Ví dụ cái cưa.
3 Kinh Trung bộ II (1987), kinh số 62: Đại kinh giáo giới Rahula.