Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Thế giới không bao giờ trở lại n

Thế giới không bao giờ trở lại ngày xưa

Ngày mai đây các em học sinh Việt Nam cắp sách trở lại trường, nhưng hỏi các em có thật sự vui không thì chưa chắc chúng ta nhận được những câu trả lời tích cực vì còn đó những dặn dò của cha mẹ, những hàng rào thầy cô đo thân nhiệt, rồi lớp học giãn cách chia làm hai, cả trong phòng ăn… Một bầu không khí không thật sự thoải mái để các em hồn nhiên đùa giỡn như trước đây. Nhưng như thế cũng là may mắn vì còn bao nhiêu triệu trẻ em trên thế giới giờ này đang bó gối trong phòng ngồi chơi games trên iPad hoặc xem TV, không được ra ngoài, sao mà không nhớ vườn cỏ xanh, hay sân vận động được! Ngay trong số các bậc cha mẹ đưa con đi học, cũng không ít người băn khoăn về phương pháp cách ly các em trong lớp, trong trường. Ngổn ngang bao nỗi lo.

Mới chỉ có ba tháng kể từ sau ngày virus Corona khởi phát tại Vũ Hán, nhân loại đã trải qua nỗi kinh hoàng chưa từng thấy khi chứng kiến cái chết xảy ra quanh mình, cảnh tang thương của nơi mình sống. Chúng ta hãy nghe nhà văn Trương Văn Dân viết trên facebook về những ngày ông đang sống tại Milan. “Buổi sáng, ngày cách ly. Khi nhìn một đóa hoa trôi theo dòng nước, thi hào Nguyễn Du đã viết: Nước trôi hoa rụng đã yên, Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian. Thì hôm nay nhìn đường phố trước nhà quạnh hiu như sa mạc, có lẽ tôi cũng có thể nói là mình vừa nhìn thấy giai đoạn chuyển tiếp của một thời. Ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong tôi, như một cách trả lời cho Vivian, mấy hôm trước đã gọi điện thăm và nửa đùa nửa thật: ‘Cậu sẽ nói với con gái đầu lòng của cháu, 8 tháng tuổi, thế nào về corona và cuộc sống?’.

Tôi sẽ nói với Olivia: Có lẽ cháu sẽ không còn thấy cái thời đại an lành loài người vô tư sống, thoải mái hưởng thụ và ít khi nghĩ đến ngày mai! Tôi vừa trở lại Milano, sau một chuyến hành trình gian lao, vất vả và đầy nguy hiểm. Milano là một thành phố đẹp, phát triển vào bậc nhất nước Ý và được nhiều du khách trên thế giới yêu thích. Đó là kinh đô của thời trang, của design, của các hội chợ quốc tế, là thành phố từng mang tặng thế giới nghệ thuật trong đó có cả ăn ngon và mặc đẹp. Thế nhưng trong những ngày này, nó còn là kinh đô Âu châu của bệnh dịch Coronavirus, một thành phố thuộc ‘top’ đỉnh cao văn minh của nhân loại, giờ đây đã bị đánh quỵ. Sân thánh đường Duomo ở Milano - nơi hàng triệu du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, chụp ảnh kỷ niệm với chim bồ câu - nay chết lặng, không khí tang thương… …

 Lòng tôi nhói đau khi nghe xe cứu thương hụ còi trong thị trấn buồn hiu, hay trĩu buồn trong những buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ từ phía sau nhà vọng lại, âm thanh rạc rời, chậm rãi như lời nguyện tiễn hồn về cõi vô cùng. Có ai đó đã nói: Khi một người già mất đi thì giống như một thư viện bị đốt cháy’. Thế thì một phần ký ức của nước Ý đang bị biến thành tro bụi”.

Không chỉ ở Milan mà đại dịch đã làm tan hoang nhiều thành phố lớn khác từ New York cho đến Madrid, Teheran. Có ai ngờ chỉ cách đây hai tháng khi nghe tin tức, chúng ta chỉ ghi nhận dịch lan đến 28 quốc gia, làm chết khoảng 2.000 người và gây nhiễm cho trên dưới 70 nghìn trường hợp. Nhưng chỉ mới sáng nay một ngày đầu tháng Năm năm 2020 con số ấy đã trở thành kinh hoàng chúng tôi không dám nghĩ đến: hơn 3,5 triệu ca nhiễm, chết hơn 240 nghìn (3/5) (Việt Nam với 270 ca vẫn là một điển hình hiệu quả về biện pháp chống dịch lần này). Nhân loại đang co mình vì lệnh cách ly, phong tỏa ban ra khắp nơi. Văn hóa phương Tây vẫn được ngợi ca là lịch sự, ngăn nắp thì nay đã hỗn loạn vì “sợ”, có ngày người ta đã mua đến sạch sẽ những cuộn giấy vệ sinh trong các siêu thị.

Người ta đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa vài nơi dù trong lo âu vì còn một nỗi sợ cũng lớn không kém: trì trệ kinh tế. Hàng chục triệu người thất nghiệp, quán xá phải đóng cửa, nhiều ngành dịch vụ như du lịch, hàng không tê liệt hay hoạt động cầm chừng. Ngay tại Việt Nam, những người bán lẻ, bán vé số, những người làm công, cũng đang trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn khi kinh tế suy thoái. Nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Còn thị trường chứng khoán cực kỳ ảm đạm khi nhiều chỉ số rơi xuống từ 5 đến 8%.

Nhận diện bạn, thù

Trong khó khăn người ta nhận ra ai là bạn thật sự như ngạn ngữ Anh nói “A friend in need is a friend indeed”. Nước Mỹ dù là trung tâm đại dịch lớn nhất với hơn một triệu ca nhiễm vẫn viện trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều nước cùng chống dịch; ngay Việt Nam cũng nhận được 9,5 triệu USD để chống Covid. Trong khi đó, con cháu cụ Khổng lại tỏ ra vô đạo nghĩa khi lợi dụng “nước đục thả câu”, bán vật tư y tế kém hay mất phẩm chất cho các nước cho nên Ý, Hà Lan hay Tây Ban Nha đã trả về rất nhiều khẩu trang không sử dụng được. Ấn Độ hủy đơn hàng 500 triệu bộ test kit vì sai số đến 80%! Chưa kể lối hành xử vô pháp trên Biển Đông khi thế giới lu bu vì Covid do chính họ gây ra (!), như cho tàu hải cảnh đâm vào tàu cá Việt Nam, tuyên bố chủ quyền, đặt tên loạn xạ cho các đảo chiếm đóng, hung hăng cấm đánh bắt cá Biển Đông, o ép hàng hóa tại biên giới, dùng mọi thủ đoạn đê hèn…

Chúng ta hiểu trận dịch toàn cầu phá vỡ cái “mác” văn minh con người đã tự dựng lên. Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách nhận xét: “Điều đó cho chúng ta thấy rằng nếu không xuất phát từ cái tâm có tu tập đạo đức vốn có thì mọi thứ lịch sự, văn minh đó có vẻ hào nhoáng hơn là giá trị thực, nó được duy trì khi cuộc sống an lành. … Những thứ mặt trái luôn tiềm ẩn trong tâm con người chỉ vì chưa có dịp để biểu lộ mà thôi”.

Thế nên nhà văn Trương Văn Dân trong phần kết luận cũng nói: “Chỉ còn gần hai tuần nữa là đến lễ Phục Sinh. Tôi sẽ nói với cháu Olivia là tuy coronavirus đang gây họa lên toàn thế giới nhưng trước hay sau gì thì con người cũng tìm ra được vắc-xin để tự bảo vệ mình. Thế giới rồi cũng sẽ hồi sinh. Nhưng vấn đề không chỉ là coronavirus! Để cuộc sống của tốt đẹp con người cũng cần chống lại những loài virus khác, như tham lam, đố kỵ hay ngu dốt… mà từ mấy nghìn năm nay chưa ai tìm ra loại vắc-xin nào!”.

Những điểm sáng cần giữ lại

Thói quen gìn giữ vệ sinh

Bỗng nhiên hôm nay con người ý thức gìn giữ vệ sinh cho mình và cho người khác. Mọi người siêng năng rửa tay, sát khuẩn phòng ốc, nhất là những công sở hay trường học mà từ lâu nay nhà vệ sinh là nơi mà học sinh sợ vào nhất (!). Tôi nhớ một phóng sự trên TV nói về việc người Việt hàng năm xài đến 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh, trong khi đội ngũ bác sĩ Việt không hề kém về chuyên môn, trang bị không thiếu. Có người khi được phỏng vấn trả lời “Vì sao ư? Đơn giản vì nhà vệ sinh bệnh viện VN dơ quá!”. Thế đấy, chúng ta có đầy đủ mọi điều kiện cần cho một nền y tế vững mạnh sánh vai thế giới, trừ… nhà vệ sinh(!).

Tình yêu thương đồng bào, đồng loại

 

 

Trong những ngày cách ly khốn khó trong tháng 4, trên đất nước còn nhiều chật vật này, những cây ATM gạo, khởi nguồn từ TP.Hồ Chí Minh, nơi luôn chan chứa nghĩa tình như câu nói dân gian “Người Sài Gòn hào hiệp” để rồi tình yêu thương có chất truyền dẫn, nên khắp nơi ta đều thấy cây ATM gạo hay “Siêu thị không đồng”… cả ở vùng sâu vùng xa… giúp người nghèo qua mùa dịch bệnh. Báo nước ngoài đã cảm phục dành nhiều lời khen ngợi.

Ý thức về vô thường khổ đế

Do dịch bệnh, nhiều người hiểu ra một nguyên lý: vô thường. Ai cũng biết rằng những gì vô thường dẫn đến khổ đau (Khổ đế). Trong đó quy luật sanh diệt là điều chúng ta cần phải hiểu. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở. Người hôm qua còn khỏe nhưng hôm nay hệ hô hấp bị tấn công chỉ vài ngày sau là qua đời. Chúng ta nghe những con số rùng mình ở New York hiện nay: cứ 2 phút rưỡi lại có một người chết, dài hơn một chút là Ý, Tây Ban Nha và các nước khác… và chúng ta nghiệm ra thân thể từ sinh đến diệt phải trải qua chu kỳ “bệnh tật”, mà có khi do thiếu nhân duyên như thiếu máy thở hay thiếu thuốc men, nên đành phải chết. Chúng ta quán chiếu thân thể vô thường để không quá luyến ái sinh khổ đau. Nên vấn đề không phải là cơn bệnh dịch đang hoành hành, vấn đề thái độ của chúng ta khi đối đầu với nó. Nếu chúng ta bình tâm, giữ gìn vệ sinh theo hướng dẫn, tuân thủ “cách ly xã hội” (social distancing), rửa tay, đeo khẩu trang… thì chúng ta cũng đã tôn trọng tấm thân này, nói như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là “ta phải cảm ơn mình”.

Vì có cái thân này, ta mới có thể làm những việc khác như cứu giúp đời, phát tâm thiện nguyện trong phạm vi khả năng tài chính hay chuyên môn của mình, đóng góp cho xã hội. Chúng ta trân trọng những người đang hy sinh thời gian, cả sức khỏe trên tuyến đầu chống dịch hiện nay từ các y bác sĩ cho đến những người bảo vệ, lao công trong bệnh viện. Họ đang chiến đấu vì người khác và cho cả xã hội. Đối diện với vô thường, người ta phải biết cách sống. Hãy nhớ con virus không phân biệt đối xử với bất kỳ ai vì giai cấp hay quan điểm chính trị. Chúng ta không có nơi nào để trốn thoát trong cuộc khủng hoảng sức khỏe công cộng này, và vì vậy chúng ta buộc phải đối đầu với những gì đang xảy ra hôm nay.

Ý thức về lý duyên khởi

Nguyên nhân khổ đau của con người không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong nữa. Ai cũng có thể vin vào Khổ đế rồi nói kiếp người mong manh, tấm thân tứ đại này rồi cũng thành cát bụi; nhưng tại sao khi sống không nhìn nó tích cực hơn: sống vui, sống khỏe, sống mạnh mẽ… Đại dịch xảy ra tất phải có nguyên nhân. Người ta có thể nêu ra hàng loạt nguyên nhân theo sự suy đoán chủ quan của mình: nào là do thói quen ăn thịt động vật, cụ thể loài dơi hay rắn… nào là do phòng thí nghiệm để “sổng” ra con virus ấy theo thuyết âm mưu là có kẻ “chế tạo” ra nó (!) Cho đến nay vẫn không ai biết nguyên nhân thực sự. Dù con virus này từ đâu ra thì chúng ta cũng đang là nạn nhân của nó. Nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đã không thấu suốt ý nghĩa của tương tức, tương sinh giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên hay môi trường, hiểu về nguyên lý duyên khởi và luật tương sinh tương tức.

Trong “Meditation XVII”, John Donne viết “Cái chết của bất kỳ ai cũng gây nên mất mát trong tôi vì tôi thuộc về loài người”. Ông cũng nhấn mạnh con người không phải là một hải đảo tự thân, mỗi con người là một mảnh của đại lục. Tôi nhớ ai đó nói tiếng đập cánh của con bướm bên này đại dương cũng gây ra xao động không khí bờ bên kia. Điều đó không có gì mới nếu ta hiểu giáo lý duyên khởi “cái này có nên cái kia có”. Chúng ta hành động thế nào thì môi trường và thiên nhiên đáp trả chúng ta như vậy. Không khí ngày một ô nhiễm nếu không phải vì con người thì do ai.

Hiểu về duyên khởi khiến chúng ta sống có trách nhiệm, có hiểu biết, có thương yêu, biết được rằng hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động ra sao đối với cộng đồng và ngược lại. Mọi chuyện đều ứng xử theo lý tùy duyên, cho các pháp tự vận hành. Tùy duyên thuận pháp, theo ý chúng tôi, không chỉ là sự thụ động chờ đợi mà ta cần chủ động dấn thân vào thực hành thiện nghiệp theo “tứ chánh cần” và “bát chánh đạo”, và luôn tinh tấn trong ý nghĩa tương tức tương sinh.

Có như vậy mới vững tâm trước những biến động thực tại do dịch bệnh hay những tai họa khác gây ra. Con đường thoát ấy nằm ngay trong những tai họa hôm nay khi đã có người khỏi bệnh. Các nhà khoa học cũng sẽ sớm tìm ra giải pháp, hay đưa ra phác đồ điều trị, phòng ngừa. Nhân loại lại vượt qua cơn đại dịch lần này nhưng để tiến đến một xã hội hay cộng đồng tôn trọng môi trường sinh thái, thoát khỏi những tai kiếp tương tự, từng con người phải thay đổi biệt nghiệp của mình, góp phần xoay chuyển cả cộng nghiệp đang có nhiều vấn đề hôm nay. Như nhà văn Trương Văn Dân nói ở trên là liệu có vaccine nào cho tâm tham lam, đố kỵ, hẹp hòi, sân hận?

Phật đã từng căn vặn chúng sanh: “Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt. Ở trong chỗ tối tăm bưng bít, sao không tìm tới ánh quang minh?”. (Pháp cú 143)

Đạo Phật chủ trương “tự thắp đuốc soi đường lên mà đi”. Muốn như thế, hãy quán chiếu lòng mình vì phải “… sát khuẩn tự tâm cho thanh tịnh”. Phương tiện sát khuẩn tâm phải chăng chánh niệm như nhà tâm lý trị liệu Mark Epstein nói.

Theo ông, “…việc ứng dụng thực hành chánh niệm hiện nay trong phục vụ trị liệu tâm lý mang giá trị thực tiễn cao và là sự phát triển sáng suốt. Chính chánh niệm, được xem là một kỹ thuật trị liệu tâm lý hiệu năng cao, đã bị bỏ lỡ, một điểm quan trọng được thiết kế để dạy cho mọi người biết tuân thủ về sự tồn tại của kiếp sống đã được Đức Phật ứng dụng trở thành phương tiện quan trọng nhằm giúp chúng ta vượt qua mọi đau khổ trong đời sống”. (Mark Epstein, What is real mindfulness? http://healyourlife.com)

Đức Phật cũng đã dạy ta về lý nhân quả. Nếu ta hành động với lòng tốt, ta sẽ nhận lại lòng tốt. Nếu ta hành động với ác ý, ta sẽ nhận lại điều ác ý.
Làm dữ bởi ta,
nhiễm ô cũng bởi ta;
làm lành bởi ta,
thanh tịnh cũng bởi ta.
Tịnh hay không tịnh đều bởi ta
. (Pháp cú 161)

Nếu chúng ta chánh niệm, có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm thì Tịnh độ có mặt trong ta. Khi nhìn sâu chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể có được nếu không hiểu biết thương yêu.

Thế nên khoan hãy trách “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” (Trịnh Công Sơn - Một cõi đi về).

Hãy nhìn những cây ATM gạo khi bắt đầu dựng lên, người ta sợ không đủ gạo phát nhưng số người đem gạo đến đóng góp nhiều đến không ngờ. Một hành động đẹp thức tỉnh lòng tốt trong mỗi con người. Hãy nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng viết “Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi, Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. (TCS - Một cõi đi về) 

 

Vâng, dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng tình người ở lại, đáng quý làm sao! Thế giới không còn như xưa vì tâm thức chúng ta cũng chẳng còn như trước nữa, trừ tình yêu thương còn nguyên vẹn khi trong ta vẫn “hiện bóng con người”.

Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giaó Số 344 ngày 15-5-2020

TVHS

Chia sẻ: facebooktwittergoogle