Nói về Thần hộ tự

noi ve than ho tu

 

NÓI VỀ THẦN HỘ TỰ

Huỳnh Thanh Bình

Khác với những ngôi chùa của Phật giáo Nam truyền thần hộ tự thường là các Yasha/Dạ-xoa/Chằn, ở các chùa Bắc truyền thần hộ tự có khác.

Dvarapala hoặc Dvarapalaka (tiếng Phạn có nghĩa “người canh gác cửa/cổng”; IAST/chữ Phạn phiên âm Latinh: Dvarapala): vị hộ môn thần thường được thể hiện như là một chiến binh hoặc người khổng lồ đáng sợ, với một thứ vũ khí - phổ biến nhất là gada (chùy). Những bức tượng dvarapala là một thành tố kiến ​​trúc phổ biến rộng khắp các nền văn hóa Hindu, Phật giáo và Kỳ-na giáo, cũng như trong các khu vực chịu ảnh hưởng...

Trong hầu hết các ngôn ngữ Đông Nam Á (bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Khmer và Java), những hình tượng bảo hộ này được đề cập như dvarapala. Tiếng Phạn dvara có nghĩa là “cổng” hoặc “cửa” và pala có nghĩa là “người canh gác” hoặc “người bảo vệ”.

Tên gọi có liên quan ở Indonesia và Malaysia là dwarapala. Những hộ môn thần này trong các ngôn ngữ khác ở vùng phía bắc châu Á là Kongorikishi hoặc Niō trong tiếng Nhật, Heng Ha Er Jiang trong tiếng Trung Hoa và Narayeongeumgang/Geumgangmun trong tiếng Hàn.

Các bức tượng hộ thần này theo truyền thống thường được đặt bên ngoài các ngôi chùa Phật giáo hoặc đền thờ Hindu giáo, cũng như trong các kiến trúc khác như cung điện hoàng gia, để bảo vệ những nơi chốn thiêng liêng bên trong. 

Tùy thuộc vào kích thước và sự giàu có của ngôi đền, những hộ môn thần này có thể được đặt đơn lẻ, theo cặp hoặc trong các nhóm lớn hơn. Các kiến trúc nhỏ hơn có thể chỉ có duy nhất một bức tượng dvarapala. Thường có một cặp tượng được đặt ở hai bên ngưỡng cửa nơi đền thờ. Một số địa điểm lớn hơn có thể có bốn (lokapalas/Hộ thế, người bảo hộ bốn phương), tám hoặc 12. Đặc biệt trong các cung điện hoàng gia ở Java (kraton) ở một số trường hợp, chỉ có khuôn mặt hoặc đầu của vị hộ thần này được thể hiện[1].

1. Hộ Môn Thần (Phạn: Dvarapala) hay còn gọi là Nhân Vương Môn, Nhị Vương Môn, Nhị Vương Tôn, Nhị Thiên Vương, Nhị Thiên, Nhân Vương… là để chỉ hai vị lực sĩ Kim Cang được phân chia giữ gìn hai bên cửa chùa, thủ hộ già-lam. Vị bên trái là Mật Tích Kim Cang, còn vị bên phải là Na La Diên Kim Cang. Cả hai vị đều quấn mảnh vải quanh co, gân cốt nổi lên, tóc búi, mắt trừng. Vị bên trái há miệng, tay phải cầm chày, bàn tay trái giương ra phía trước. Vị bên phải ngậm miệng, tay trái cầm gậy, tay phải giương cao.

Từ xưa, ở Ấn Độ đã có phong tục an trí chư thiên và thần Dược-xoa ở cửa chùa để thủ hộ già-lam. Di tích hiện còn của lối kiến trúc này ở cửa tháp xứ Bharhut, Ấn Độ. Theo Hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự 17, Phật dạy Trưởng giả Cấp Cô Độc nện tạo tượng Dọa-xoa cầm gậy đứng ở 2 bên cửa.

 

2. Ở Nhật Bản, Nhân Vương được gọi là Nio hay Kongorikishi, là hai vị hộ thần có phẫn nộ tướng và thân hình vạm vỡ của Đức Phật mà ngày nay thấy tại lối vào của nhiều ngôi chùa Phật ở vùng Đông Á trong dạng thức giống với hình tượng những kẻ đô vật đáng sợ. Họ là những biểu thị hộ pháp/dharmapala của vị Vajrapani/Kim Cương Thủ Bồ-tát, có mặt lâu đời và quyền uy nhất trong hệ thống chư thần Phật giáo Đại thừa. Theo truyền thống Nhật Bản, họ đã du hành cùng với Đức Phật Gautama để bảo vệ Ngài và những đề cập về điều này thấy thể hiện trong kinh tạng Pāli, ví dụ như trong kinh A-ma-trú/Ambattha ​​Sutta. Theo truyền thống hòa bình nói chung của Phật giáo, câu chuyện về các vị hộ pháp đã biện minh cho việc sử dụng sức mạnh thể chất để bảo vệ các giá trị và niềm tin của thiện pháp chống lại điều xấu, cái ác. Niō cũng được xem như là một biểu thị của Mahasthamaprapta/Đại Thế Chí, vị Bồ-tát quyền năng đứng bên cạnh Phật A Di Đà/ Amitabha trong Phật giáo Tịnh độ và như Kim Cương Tát Đỏa trong Phật giáo Tây Tạng.[2]

Kongorikishi thường được biểu thị một cặp tượng đứng hai bên dưới cánh cổng lối vào một ngôi chùa riêng biệt thường được gọi là Niomon/Nhân Vương môn tại Nhật Bản, Hengha Er Jiang (哼哈二將) ở Trung Quốc, và Geumgangmun tại Hàn Quốc. Bức tượng bên phải được gọi là Misshaku Kongo, há miệng, biểu thị cách phát âm tự vị đầu tiên của Phạn ngữ Devanāgarī là “a”. Bức tượng bên trái được gọi là Naraen Kongo, ngậm miệng, biểu thị cho việc phát âm tự vị cuối cùng của Devanāgarī là “hum”. Hai ký tự này đi cùng với nhau (a-hum/a-un) biểu trưng cho sự sinh và tử của vạn vật. (Con người được cho là khi sinh ra nói âm “a” với chiếc miệng mở và chết đi phát âm “hum” và ngậm miệng). Tương tự như Alpha và Omega trong Cơ Đốc giáo, chúng biểu thị “mọi thứ” hoặc “tất cả tạo vật”. Sự rút gọn của cả hai từ là Aum, từ tiếng Phạn để chỉ cho sự tuyệt đối/hoàn toàn.

Họ được đặt hai bên cổng chính của các tự viện và đền chùa để xua đuổi các tà linh, bọn trộm cắp, và bảo vệ trẻ con. Một tín ngưỡng rất phổ biến ở châu Á yêu cầu người ta ném những quả cầu nhỏ bằng giấy bồi vào các tượng này trong khi thốt lên một ước nguyện; nếu như quả cầu dính vào đó một khoảng thời gian, thì ước nguyện kia coi như được chấp thuận. Điều đó cũng được thực hiện với những tượng thần khác (ở Nhật với các tượng như Binzuru Sonja, Fujin và Raijin, thần gió và thần sấm sét theo Thần đạo), và những thần giữ cửa cho các ngôi đền Thần đạo gọi là Zuishin (hoặc Yadajin), đại diện cho các vị binh bộ thượng thư đời xưa.

Các Nhân Vương được biểu thị như là những người khổng lồ cơ bắp cuồn cuộn, bán khỏa thân ở phần trên hay giáp trụ phủ kín, đầu trọc, đôi khi có búi tóc củ hành trên đỉnh đầu, vẻ mặt đầy hăm dọa. Họ đứng thẳng trên các tảng đá, hai chân dạng ra.[3]

Misshaku Kongo hay Shu-misshaku-shin Kongo-o cũng được gọi là Misshaku Rikishi hoặc Agyo, dạng thức “a”, thuật ngữ mở miệng của các tượng trong cặp từ aum, là một biểu tượng của bạo lực công khai: thần cầm một chiếc vồ kim cươngvajra-pani” (chiếc dùi cui kim cương, chùy kim cương hoặc biểu tượng mặt trời)[4] và nhe răng. Miệng của thần được miêu tả là có hình dạng cần thiết để tạo thành dạng thức âm “ah”, dẫn đến tên gọi lần lượt của thần, “Agyo”. Misshaku Kongo là Miljeok geumgang trong tiếng Hàn, Miji Jingang (密迹金剛) trong tiếng Trung, và Mật Tích Kim Cương hay Mật Tích Lực Sĩ trong tiếng Việt. Tương đương với Guhyapada vajra/Garbhavira trong tiếng Phạn.

Thần là người bảo vệ cho Thai tạng giới mạn-đà-la, và tượng trưng quyền lực nó biểu hiện, quyền lực công truyền. Miệng thần mở rộng, thân hình màu đỏ. Thần luôn luôn được đặt ở phía Đông của Tam môn quan, phía tay phải khi ta đi từ ngoài vào. Dáng điệu thần rất sinh động: tay phải thấp xuống, các ngón tay duỗi ra, bàn tay trái nắm chặt một trường côn, hai đầu đều có kim cương chử ba mũi nhọn sắc. Còn khi mang giáp trụ, tay phải thần cầm một đinh ba, hoặc một đoản kiếm. Tóc được kết thành một búi trên đỉnh đầu.

Naraen Kongo hay Shu-kongo-shin-o cũng được gọi là Ungyo, dạng thức “um”, dạng thuật ngữ nói chung cho các tượng ngậm miệng trong cặp đôi aum) trong tiếng Nhật, được thể hiện tay không hoặc cầm kiếm. Thần tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng, ngậm chặt miệng. Miệng của thần được biểu hiện để tạo thành âm “hum” hoặc “un”, dẫn đến tên gọi của thần lần lượt “Ungyo”. Naraen Kongo là Narayeon geumgang trong tiếng Hàn, Naluoyan Jingang (那羅延金剛) trong tiếng Trung, và Na La Diên Kim Cương hay Kim Cương Lực Sĩ (Phạn: Vajravira) trong tiếng Việt.

Thần được thấy ở phía Tây (bên trái) Tam môn quan (khi ta đi từ ngoài vào) và là người bảo vệ cho Kim cương giới mạn-đà-la, tượng trưng sức mạnh tiềm tàng của giáo lý mật truyền. Tương tự như Garbhavira, nhưng thân hình của thần có màu xanh dương và miệng khép lại. Tay trái hạ thấp xuống, nắm lại, và tay phải cầm một trường côn mỗi đầu tận cùng bằng kim cương chử. Khi mang giáp trụ, tay phải thần cầm đinh ba hay đoản kiếm. Tóc tết thành búi trên đỉnh đầu. Thần được cho là một trong những hình tướng của Acalanatha (Bất động Minh vương).

Một biểu thị của Kongorikishi là sự kết hợp giữa Naraen và Misshaku Kongo tạo nên hình tượng là Shukongoshin tại chùa Đông Đại (Todai-ji) ở Nara, Nhật Bản. Shukongoshin, nghĩa đen là “vị thần nắm giữ kim cương”, là Shukongoshin hoặc Shikkongojin trong tiếng Nhật, Jip geumgang sin trong tiếng Hàn, Zhi jingang shen (執金剛神) trong tiếng Trung, và Chấp Kim Cang thần trong tiếng Việt. 

Kongorikishi là một trường hợp có thể do sự chuyển giao hình ảnh của người anh hùng Hy Lạp Heracles đến Đông Á theo Con đường tơ lụa. Heracles được sử dụng trong nghệ thuật Phật giáo thời kỳ Hy Lạp hóa để biểu trưng cho Vajrapani/Kim Cương Thủ Bồ-tát, người bảo hộ của Đức Phật và biểu trưng về thần sau đó được sử dụng ở Trung Quốc và Nhật Bản để miêu tả cho các vị thần bảo hộ các ngôi chùa Phật giáo. Sự chuyển hóa này là một phần của hiện tượng thuyết hổ lốn Phật giáo thời kỳ Hy Lạp hóa rộng lớn hơn, nơi Phật giáo tương tác với văn hóa cổ Hy Lạp của Trung Á từ thế kỷ thứ IV trước TL đến thế kỷ thứ IV TL.[5]

Thiền Niō (Nhân vương, 仁王) là một phép tu tập được chủ trương bởi Thiền sư Suzuki Shosan (1579-1655), người đã xem Thiền Niō vượt trội hơn Thiền Nyorai (Như Lai, 如来). Ông gửi gắm đến người tu tập nên thiền quán về Niō và thậm chí kế thừa các biểu hiện hung dữ và tư thế chiến đấu quyết liệt để tu dưỡng nội lực, sức mạnh và lòng can đảm khi đối phó với nghịch cảnh.[6] Suzuki miêu tả Niō như sau: “Nio (Vajrapani/Kim Cương Thủ Bồ-tát) là một vị Thần trấn giữ. Thần cầm kongosho (vajra/kim cương chử) và Thần có thể đè bẹp kẻ thù. Tin tưởng Thần, cầu khấn Thần sẽ có được sự bảo hộ của Thần cũng như Thần bảo hộ cho Đức Phật. Thần chuyển động với năng lượng và sức mạnh tinh thần mà bạn có thể hấp thụ từ Thần vào những lúc cần thiết”.

3. Ở Trung Quốc, thường thì cổng chính của ngôi chùa đều có 3 cửa đứng cạnh nhau. Chính giữa là cửa chính, to và cao nhất, hai bên có 2 cửa nhỏ, do đó cổng chính được gọi là “điện Tam Môn” hay “Tam Quan”. Ở Trung Quốc và nhiều nước, vì chùa phần lớn được xây ở trên núi (các núi nổi tiếng đều có sư đến tu) nên cổng chính cũng được gọi là “điện Sơn Môn”. Bên trong “điện Sơn Môn”, ở 2 bên cửa phụ có tượng của 2 vị Kim Cang. Hai vị Kim Cang này có hình dáng của lực sĩ quỷ hình, cao hơn 2 trượng (khoảng 7m), dáng vẻ oai phong lẫm liệt trông rất sợ, là các vị thần gác cổng chùa miếu rất nghiêm túc.

Một thuyết nói rằng, hai vị Kim Cang này là thần Dạ-xoa tay cầm chùy Kim Cang (một loại binh khí bền, tốt nhất của Ấn Độ cổ đại) bảo vệ Phật, do đó các thần đó còn được gọi là “Chấp Kim Cang”. Theo truyền thuyết, Phật (Thích Ca) thường có 500 vị tay cầm chùy Kim Cang đi theo bảo vệ. Người quan trọng nhất trong số 500 vị đó là “Mật Tích Kim Cang”, là đội trưởng của đội này. Mật Tích Kim Cang còn được gọi là Kim Cương Mật Tích, Mật Tích Lực Sĩ, Bí Mật Chủ, đứng vào hàng ngũ của hai mươi vị thần Hộ Pháp của Phật giáo. Mật Tích Kim Cang có vị trí thứ bảy trong Nhị thập chư thiên.

Mật Tích Kim Cương lực sĩ hội (quyển 8) của kinh Đại Bảo Tích có chép: Mật Tích Kim Cương ban đầu vốn là vương tử Pháp Ý, sau khi ông phát thệ quy y Phật pháp đã trở thành “Kim Cương Lực Sĩ, thường xuyên ở bên cạnh Phật”, hầu cận Phật, muốn được nghe hết tất cả những việc mật tích mật yếu của chư Phật, nên được gọi là “Mật Tích Kim Cương”. Ý nghĩa là biết được những mật tích, mật yếu của Phật. Ngài nhận trọng trách đứng gác ở cổng chính của chùa.

Còn có một thuyết khác rằng: Theo Chánh pháp niệm kinh, xa xưa, phu nhân của quốc vương sinh được 1.000 cậu con trai, họ đều trở thành Phật. Những vị Phật như Thích Ca, Thanh Diệp Kế, Lâu Trí Đức đều là con của phu nhân đó. Phu nhân thứ hai của quốc vương lại sinh được 2.000 cậu con trai, người con cả phát nguyện làm vua, mời cả nghìn người anh “truyền pháp luân” (truyền Phật pháp). Người con thứ hai phát nguyện làm thần “Mật Tích Kim Cang”, bảo vệ 1.000 người anh truyền bá Phật pháp, vì vậy cổng của các ngôi chùa đều đặt tượng vị này. Theo sách Nhập Thục ký của tác giả Lục Du thời Tống thì hai vị Kim Cang này chính là hai anh em út trong số 1.000 vị Phật: Thanh Diệp Kế Như Lai và Lâu Trí Đức Như Lai.

Với vai trò là thần giữ gìn và bảo hộ cho Phật, trong các ngôi chùa, Mật Tích Kim Cương được bố trí đặt tại bên trong điện Sơn Môn, tay cầm chày Kim Cương bảo vệ và giữ gìn cho ngôi chùa. Với tư cách là “thần giữ cửa”, giữ gìn bảo vệ đại môn của ngôi chùa, Mật Tích Kim Cương ban đầu vốn chỉ là một người. Điều này có đôi chút không được hài hòa đối với đặc điểm kiến trúc mang tính đối xứng của những ngôi chùa, đồng thời cũng không phù hợp với thói quen tư duy thích trau chuốt đối xứng của người Trung Quốc, bởi vậy cho nên họ bèn thêm vào đó một người nữa, cũng có thể nói Mật Tích Kim Cương đã biến thành hai người. Mới đầu, vị Kim Cương được tăng thêm gọi là “Na La Diên Phu”, cũng bắt nguồn từ Ấn Độ cổ giáo. Ông được bố trí đặt ở bên phải của điện Sơn Môn, gọi là “Hữu bật Kim Cương” (vị Kim Cương phụ giúp ở bên phải), còn vị đứng ở bên trái gọi là “Tả Phù Mật Tích” (vị Mật Tích phù hộ ở bên trái).

Hình tượng của “Na La Diên Phu” là cưỡi chim cánh vàng, mình có tám cánh tay, mỗi cánh tay cầm một thứ vũ khí khác nhau. Nếu đem phối hợp với “Tả Phù Mật Tích” chỉ có hai cánh tay, cầm chày kim cương ở bên trái thì không được nhịp nhàng cho lắm, cho nên phải thay đổi “Na La Diên Phu”.

Đại Nhật kinh, phẩm Chân ngôn tạng có nói: Đứng đối nhau là hai pho tượng vương giả, một vị là “Nan Thắng Kim Cương” còn vị kia là “Đối Diện Kim Cương” cùng cầm chày. Kim quang minh kinh văn cú do Tăng nhân đời Đường chú giải còn nói trực tiếp hơn, rằng Kim Cương Lực Sĩ chỉ có một người. Bấy giờ trong các ngôi chùa đều có đắp hai pho tượng, chính là sự biến đổi để thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài. Do vậy, người ta đã biến Mật Tích Kim Cương thành ra hai vị Kim Cương đối xứng nhau.

Hiện nay trong Sơn Môn của các ngôi chùa chúng ta thấy có hai pho tượng Kim Cương ở hai bên phải trái; tượng bên phải mím môi phẫn nộ, tượng bên trái há miệng trừng mắt giận dữ. Theo như cách nói của giới Phật giáo, vị Kim Cương há miệng kêu lên tiếng “A”, còn vị Kim Cương mím môi hừ lên một tiếng “Hong”, hai âm tiết này của hai chữ cái mở đầu và kết thúc trong bảng chữ cái tiếng Phạn. Cách phát âm của chúng là mở miệng và mím miệng, chính là cơ sở cơ bản nhất của tất cả các ngôn ngữ, đại biểu cho toàn bộ sự sâu xa vi diệu của kinh Phật tiếng Phạn.

Nhưng mọi người phần nhiều không hiểu điều này mà cứ quen gọi 2 vị này là “Hai tướng Hanh-Cáp/Hanh-Ha” (Ông Thiện-Ông Ác). Cách gọi này bắt nguồn từ tiểu thuyết thần ma thời Minh tên là Phong thần diễn nghĩa.

Sacgs Phong thần diễn nghĩa nói rằng, “Hai tướng Hanh-Cáp”: Một người tên là Trịnh Luận, một người tên là Trần Kỳ. “Tướng Hanh” Trịnh Luận vốn là thượng tướng quân quản lý lương thực của Thương Trụ Vương (bạo chúa thời Thương-Ân), suy tôn Chân Nhân Tây Côn Luân Độ Ách làm thầy. Chân Nhân Độ Ách truyền cho Trịnh Luân cách lấy trộm “trung nhị khí”. Khi gặp kẻ địch chỉ cần hắt hơi một tiếng, tiếng hắt hơi vang to như tiếng chuông lớn, đồng thời phóng ra hai tia sáng, hút hồn phách của người. Thời kỳ nhà Chu đánh nhà Trụ, mỗi lần xung trận Trịnh Luân thường giành thắng lợi nhờ có “tuyệt chiêu” hắt hơi này. Về sau, Trịnh Luân bị một tướng của nhà Chu là Trịnh Cửu Công bắt làm tù binh, sau đó đầu hàng Chu Vũ Vương, lại được phong làm quan Đô Lương (quản lý lương thảo) và Trịnh Luân vẫn luôn giành thắng lợi nhờ vào tài hắt hơi. Về sau Trịnh Luân giao chiến với một đại tướng của nhà Thương là Kim Đại Thắng. Kim Đại Thắng vốn là một kẻ gian ngoa quỷ quyệt. Hắn luyện cho bụng hắn phồng to lên như cái trống, từ bụng phát ra những tiếng kêu to như sấm, trong chốc lát đã đánh bại được Trịnh Luân, vung đao chém Trịnh Luân hai nhát.

“Tướng Cáp/Ha” Trần Kỳ cũng là quan Đô Lương (quản lý lương thảo) của Thương Trụ Vương, được người ta truyền cho mật thuật, nuôi dưỡng và tu luyện mật thuật đó đến khi trong bụng có một luồng khí màu vàng. Khi há miệng hà hơi, khí vàng đó cũng phun ra, ai nhìn thấy thế quỷ phách đều tan biến. Trần Kỳ cũng đã từng giao chiến với tướng của nhà Chu và cũng thường giành thắng lợi nhờ có tuyệt chiêu thổi ra khí màu vàng. Về sau “Tướng Cáp” Trần Kỳ cũng giao chiến với “Tướng Hanh” Trịnh Luân (lúc này đã hàng nhà Chu. Một vị thì hai lỗ mũi phát ra hai tia sáng trắng, một vị thì miệng phun ra luồng khí vàng. Một vị thì “hắt hơi” và một vị thì “phun hơi”. Hai vị giao chiến bất phân thắng bại, đúng là “hai thần gặp nhau mỗi người một pháp thuật, hai tướng Hanh Cáp khoe thần thông”. Về sau Trần Kỳ bị Na Tra đánh bị thương một bên vai, sau đó lại bị Hoàng Phi Hổ đâm cho một nhát thương rồi chết.

Sau khi nhà Chu diệt nhà Thương, Khương Tử Nha về nước phong thần, ra sắc lệnh đặc biệt phong hai tướng Trịnh Luân, Trần Kỳ “bảo vệ Tây Thích Môn (chùa) mở mang giáo hóa, bảo hộ Pháp bảo, đó chính là thần ‘Hai tướng Hanh-Cáp’”.

Một số ngôi chùa căn cứ vào đó để đặt tượng hai thần tướng Hanh-Cáp ở cổng chùa. Ngày nay vẫn còn kiểu bày biện như thế này, rất được sự hoan nghênh của nhân dân. Nhưng trong kinh điển của Phật giáo không hề có cái tên “Hai tướng Hanh-Cáp” này [7].

4. Ở Việt Nam, một hiện tượng phổ biến khác là một số tự viện thờ cặp đôi Hộ Pháp: hoặc cặp đôi có hình tướng hệt như nhau, ngồi trên sư tử (phổ biến ở chùa miền Bắc); hoặc cặp đôi đứng (hoặc một trẻ một già, hoặc một hiền một dữ, hoặc một mặt trắng một mặt đen, hoặc một mặt trắng và một mặt đỏ - tục gọi “Ông Thiện-Ông Ác”.

Trường hợp cặp đôi mặt trắng-mặt đỏ, là sự tích hợp thờ thần Hộ Pháp với Quan Công/Già Lam Thánh Chúng. Còn trường hợp cặp đôi già-trẻ (có râu và không râu), mặt đen/mặt trắng, hiền/dữ… có lẽ bắt nguồn từ truyền thuyết về anh em Skanda (Vi Đà Thiên) và Ganesha (Hoan Hỷ Thiên). Theo ghi chép trong Đại Thánh Hoan Hỷ Thiên cúng dường pháp do Đại sư Thiện Vô Úy (Subhakarasimha) đời Đường phiên dịch: Thần Siva (Đại Tự Tại Thiên) có 3.000 người con, bên trái có 1.500 người, đứng đầu là Vinayaka (tức Hoan Hỷ Thiên), thường làm nhiều việc ác, gây chướng ngại cho chúng sinh; bên phải có 1.500 người, đứng đầu là Senayaka (tức Trì Thiện Thiên), chuyên làm việc thiện. Senayaka chính là hóa thân của Quan Âm Bồ-tát, để thay đổi tính ác của Vinayaka, mới đầu thai làm bạn đời của thần tài Đầu Voi, nhằm hóa độ thần Đầu Voi theo về với pháp Phật. Đó chính là nguồn gốc của hình tượng thần tài Đầu Voi song tôn. Sau khi Thần Tài Đầu Voi được thu phục và quy y Phật pháp, đã suất lĩnh 9.800 quỷ binh trấn giữ ba nghìn thế giới, chuyên bảo vệ Tam bảo, thành tựu mọi việc thiện, tiêu trừ tai họa.[8] Dữ liệu này cho phép đoán định rằng loại cặp đôi Hộ Pháp được thế tục tôn xưng là “Ông Thiện-Ông Ác” là cặp đôi anh em Skanda/Vi Đà Thiên và Ganesha/Hoan Hỷ Thiên. Skanda được coi là Trì Thiện Thiên và Ganesha vốn được coi là Vinayaka, chủ tể của chướng ngại và cũng là vị thần xóa bỏ các chướng ngại.[9]

Chú thích:

1.                             Bhattacharji, Sukumari (1998). Legends of Devi. Orient Blackswan, tr.16.

2.                             Gregor Maehle (2012). Ashtanga Yoga - The Intermediate Series: Mythology, Anatomy, and Practice. Thư viện New World xb, tr.34. 

1.     Richard Foltz (2010). Religions of the Silk Road.

2.     John Boardman (1994). The Diffusion of Classical Art in Antiquity. Đại học Princeton xb.

3.     Jerry H.Bentley (1993). Old World Encounters. Cross-cultural contacts and exchanges in pre-modern times. Đại học Oxford xb.

Chú thích hình:

N1 đến N7: Hộ Môn Thần Nio.

N8: Hộ Môn Thần Nio, chùa Futagoji, Kunisaki, Nhật Bản.

N9: Hai tướng Hanh-Cáp/Hanh-Ha.

N10: Hai tướng Hanh-Cáp/Hanh-Ha tại chùa Erwang, Đô Giang Yển, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

N11: Kartikeya và Ganesha.


 

[1] Helena A. van Bemmel (1994). Dvārapālas in Indonesia: temple guardians and acculturation, CRC xb.

[2] Helen Josephine Baroni (2002). The illustrated encyclopedia of Zen Buddhism. Rosen Pub Group xb, tr.240.

[3] Theo:

- Louis Frederic, Phan Quang Định (dịch) (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.378-380.

- Meher McArthur. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. MXB.Mỹ Thuật, 2005, tr.89-90.

- Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.4832, 4835, 5111-5112.

[4] William Edward Soothill and Lewis Hodous (2000). A Dictionary of Chinese Buddhist Terms. Motilal Banarsidass xb.

[5] Katsumi Tanabe (2003). Alexander the Great, East-West cultural contacts from Greece to Japan. NHK xb, tr.23.

[6] Helen Josephine Baroni (2002). Sđd. tr.240.

[7] Theo:

- Mã Thư Điền (2002). Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc. NXB.Văn Hóa Thông Tin, tr.622-627.

- Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa. NXB.Mỹ Thuật, tr.245-252.

[8] Đại đức Thích Minh Tông (2010). Phương pháp thờ Thần Tài Mật tông. NXB.Tôn Giáo, tr.240-243.

[9] Huỳnh Thanh Bình. Từ Ganesha của Hindu đến Hoan Hỷ Thiên của nhà Phật, Nguyệt san Giác Ngộ số 219, tháng 6/2014, tr.55-66.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác