Phụ nữ trong Chánh pháp
Phụ nữ trong Chánh pháp
Phụ nữ trong Chánh pháp
Nguyên Giác
Đối với một người đã giác ngộ, sẽ không còn thấy nữ tính và nam tính nữa. Với
một số vị thường quán bạch cốt, sẽ thấy thân mình và người chỉ là một nhóm xương
khô đang đi đứng nằm ngồi.
Khái niệm nữ tính và nam tính biến mất được nêu ra trong kinh Tương ưng (SN
5.2), khi nữ A-la-hán Soma trả lời Ma vương bằng bài kệ:
“Nữ tính không tạo ra chút gì khác biệt, khi tâm định tĩnh, khi tri kiến hiển
lộ không ngưng đối với người nhìn đúng được Chánh pháp. Đối với người có thể
khởi tâm ‘Tôi là một người nữ’ hay ‘Tôi là một người nam’ hay ‘Tôi là bất cứ gì’
- thì chỉ thích nghi cho Ma vương nói chuyện.”(1)
* * *
Tới đây, chúng ta thử nêu lại câu hỏi từ ngàn xưa: Người nữ có thể thành Phật
hay không?
Các luận sư Đại thừa nói rằng người nữ có thể thành Phật. Tuy nhiên, Kinh Ttạng
Pāli nói rằng người nữ không có thể thành Phật, cụ thể là trong kinh Trung bộ
(MN 115), bản Việt ngữ là kinh Đa giới do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.(2)
Đại sư Anālayo thảo luận về câu hỏi đó trong bài viết “The Bahudhātuka-sutta
and its Parallels. On Women’s Inabilities”(3)
bằng cách đối chiếu kinh Trung bộ (MN 115) của Tạng Pāli với bản tương
đương trong Trung A-hàm (MA) của Hán tạng là kinh số 181. Chúng ta có thể
đọc bản Việt ngữ do Thầy Tuệ Sỹ dịch(4)
và sẽ thấy bất ngờ rằng Đức Phật không hề nói gì về người nữ hay nam trong kinh
Trung A-hàm số 181.
Đại sư Anālayo trong bài cũng đối chiếu với một số kinh khác về cả ngữ và nghĩa,
rồi nhận định rằng kinh Trung A-hàm số 181 gần với lời Đức Phật hơn, và
tin rằng kinh Trung bộ số 115 trong Tạng Pāli đã bị chư Tăng đời sau chèn
thêm ý kỳ thị nam nữ vào. Nghĩa là, người nữ vẫn có khả năng thành Phật.
Cũng trong bài phân tích của ngài Anālayo, trong phần ghi chú (nơi các trang 184
và 185) cũng dẫn ra một số học giả khác nêu nghi vấn rằng ý kỳ thị nam nữ được
được chư Tăng đời sau chèn vào kinh Trung bộ số 115.
Trong đó, học giả Joaquín Pérez Remón phân tích về ngữ văn và mạch văn. Đặc biệt
Giáo sư Yuichi Kajiyama đưa ra nhận định rằng phần thêm vào ý kỳ thị nam nữ (chỉ
có nam mới có thể thành Phật) xuất hiện sau khi Tăng đoàn phân ra nhiều bộ phái,
và “lời khẳng định rằng một người nữ không có khả năng thành Phật xuất hiện có
lẽ là trong thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch” và một thời gian sau, tư tưởng này
được chèn vào kinh Trung bộ số 115.
.
Nhiều học giả cũng nêu lên một nghi vấn về kinh ngụy tạo, do chư Tăng đời sau
đưa vào Kinh tạng Pāli. Bản Việt ngữ do HT.Minh Châu là kinh Rắn đen (AN
5.230), so sánh loài rắn đen với phụ nữ. Kinh này trích như sau:
“Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen. Thế nào là năm? Phẫn
nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn. Này các Tỷ-kheo, có năm
nguy hại này trong con rắn đen.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong nữ nhân. Thế nào là năm?
Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn. Ở đây, này các
Tỷ-kheo, nọc độc của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn hay
tham đắm. Ở đây, này các Tỷ-kheo, lưỡi chia hai của nữ nhân là như sau: Này các
Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn nói hai lưỡi. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nữ nhân làm hại
bạn như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn ngoại tình!”(5)
Học giả Bhikkhu Sujato, Trưởng ban biên tập trang SuttaCentral, nói rằng ông
không tin kinh này do Đức Phật nói lên.
Ngài Sujato cũng đưa ra các thống kê cho thấy rằng người nam bạo lực hơn người
nữ, nam ngoại tình hơn nữ, nam mê sắc dục hơn nữ… Bài phân tích của ngài Sujato
ở link (6).
* * *
Tới đây, chúng ta nói về một công án Thiền liên hệ tới một Thiền sư Ni Nhật Bản.
Thiền sư Ni này tên là Kakuzan Shido (1252-1306). Bà là người sáng lập ngôi chùa
Đông Khánh (Tōkeiji), nơi này cũng đón nhận và chăm sóc phụ nữ bị bạo lực. Nơi
này được mệnh danh là nơi tạm trú đầu tiên cho phụ nữ bị lạm dụng trên thế giới.
Thiền sử kể rằng, vào năm 1304, Thiền sư Tōkei (tên thầy này là ‘Peach-tree
Valley' nghĩa là ‘Thung lũng cây đào’) trao ấn chứng (inka) của dòng Lâm
Tế cho Ni sư Shido, người sáng lập chùa Đông Khánh. Vị sư trưởng tràng không
chấp nhận việc trao ấn chứng đó nên đưa ra câu hỏi để thử nghiệm Thiền sư ni
Shido rằng, trong truyền thống, người được nhận ấn chứng phải nói một bài thuyết
giảng, và vị Ni sư này có thể nói lên Chánh pháp được chăng.
Ni sư Shodi bước tới trực diện vị sư Trưởng tràng, rút ra con dao găm dài 10
inches (khoảng 2 tấc rưỡi) - loại dao găm được quý bà trong giai cấp võ sĩ đạo
Nhật Bản mang thường trực. Bà đưa dao găm lên cao: “Chắc chắn rằng một thiền sư
trong truyền thống chư Tổ nên khởi thân từ ghế cao và nói về sách. Nhưng tôi là
một phụ nữ dòng chiến sĩ và do vậy tôi nên thuyết pháp khi mặt đối mặt với lưỡi
kiếm rút ra. Sách nào tôi cần tới nữa?”
Vị sư trưởng tràng nói, “Trước khi cha mẹ sinh ra, làm sao ngươi có thể nói lên
Chánh pháp?”
Ni sư nhắm mắt một chặp. Rồi bà nói, “Sư có hiểu chăng?”
Vị sư trưởng tràng nói lên dòng thơ ca ngợi Ni sư: “Một bầu rượu vang đã được
dựng lên trong ‘Thung lũng cây đào’ - cặp mắt say thấy được các loài hoa xa vạn
dặm.”
Câu chuyện tới đó là hết. Câu chất vấn trên của sư trưởng tràng là dựa vào một
tích phổ biến trong Thiền tông Trung Hoa.
Ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn tham học nơi Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải. Sư học
rộng hiểu nhiều, thông nhiều kinh điển, biện luận vô ngại nhưng chẳng ngộ đạo.
Sau khi Bách Trượng tịch, sư đến ở với Thiền sư Quy Sơn là sư huynh đệ đồng môn
của sư. Quy Sơn bảo sư: “Hãy nói một lời trước khi cha mẹ chưa sinh.”
Sư Hương Nghiêm không đáp được, bèn lật hết các kinh sách nhưng vẫn không tìm ra
được. Sư xin Quy Sơn chỉ bảo, nhưng bị Quy Sơn khước từ. Sư tự than trách rồi về
thất đốt hết sách vở. Sư từ biệt Quy Sơn ra đi, sau đó đến Núi Nam Dương, chú
tâm làm ruộng, tu hành. Một hôm sư đang cuốc đất, lượm hòn đá ném trúng cây tre
vang lớn. Sư chợt tỉnh ngộ phá lên cười. Sư bèn trở về tắm gội thắp hương, nhắm
hướng Quy Sơn đảnh lễ để cảm tạ.
Trước khi cha mẹ chưa sinh? Câu hỏi đó nên đặt lại trong một cách đơn giản hơn:
“Hãy nói một lời trước khi thế giới hình thành?”
Trong Tạng Pāli có kinh Tương ưng (SN) 35.23 (còn gọi là kinh Tất Cả -
The All Sutta), ở đó Đức Phật dạy rằng tất cả thế giới này chỉ là sáu nội xứ
và sáu ngoại xứ. Thế giới này hiển lộ ra như thế, ngoài ra là Đức Phật bác bỏ
hết.
Đức Phật dạy trong kinh này: “Cái gì là tất cả? Chỉ là mắt và cái được thấy, tai
và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được
chạm xúc, tâm và cái được tư lường. Đó gọi là tất cả. Các sư, giả như có ai nói,
‘Tôi sẽ bác bỏ cái tất cả này và sẽ mô tả cái tất cả khác.’ Họ sẽ không có căn
cứ nào cho chuyện như thế, vì đó chỉ là khoa ngôn, không chứng minh nổi và sẽ
rơi vào ách nạn. Vì sao vậy? Bởi vì như thế ra ngoài giới vức của họ.”(7)
Kinh này quan trọng, có thể giúp chúng ta dò theo công án của Quy Sơn đưa ra, và
rồi ngài Hương Nghiêm nghe tiếng sỏi dội vào cây tre thì ngộ. Làm sao nghe một
âm thanh mà có thể hiểu hết ý chỉ Thiền tông?
Ni sư Shido trong chuyện kể đã trả lời bằng sự tịch lặng. Có nghĩa rằng, Ni sư
chỉ cho sư trưởng tràng về cái nghe tịch lặng. Và đó là khi thế giới chưa hình
thành, là khi cái được nghe chưa hiển lộ.
Tất cả chúng ta đều có thể tu bằng công án. Các sư thường nói, chưa hiểu thì giữ
nghi tình. Nhưng có một chỗ cần nêu, chữ “nghi tình” có thể làm nhầm lẫn, vì ám
chỉ như “có cái gì”… Nếu chúng ta thay chữ “nghi tình” bằng chữ “tâm không biết”
thì bất cứ khi nào nhìn vào “tâm không biết” đều sẽ tiếp cận rất gần với giải
thoát, vì tỉnh thức như thế là đã lìa si, và tỉnh thức trong tâm không biết là
đã lìa tham và lìa sân.
Nhìn cách khác, nhìn vào “tâm không biết” là nhìn rất gần vào cội nguồn khi thế
giới chưa khởi lên, và trạng thái tỉnh thức trong “tâm không biết” là lìa cả ngũ
uẩn ba thời, không dính gì tới ngũ uẩn trong quá khứ, vị lai hay hiện tại. Cũng
chính là nghe tận nguồn khi cái được nghe chưa hiển lộ.
Bạn có thể thử nghe như thế. Hãy thử lắng nghe về cội nguồn khi cái “tất cả”
chưa khởi lên. Không cần ngồi thiền, hãy cứ nghe như thế, lắng nghe tận nguồn và
không dính vào bất kỳ những gì. Khi bạn tập như thế, đó là cái tự nhiên nhất. Vì
trong cái nghe là bình đẳng, là Như thị, là Như thế: bạn không ép được cái nghe
phải chỉ nghe cái này hay chỉ nghe cái kia. Khi lắng nghe như thế, và khi cái
được nghe chỉ là cái được nghe, và chỉ thuần là cái được nghe mà không lựa chọn
gì, tới một lúc bạn sẽ thấy mình không còn dính gì tới tham sân si.
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 5.2 bản dịch Bodhi:
https://suttacentral.net/sn5.2/en/bodhi
(2) Kinh MN 115, bản của HT.Minh Châu:
https://suttacentral.net/mn115/vi/minh_chau
(3) Bài của Bhikkhu Anālayo về MN 115:
https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/pdf/5-personen/analayo/bahudhatuka.pdf
(4) Kinh MA 181, bản dịch Thầy Tuệ Sỹ:
https://suttacentral.net/ma181/vi/tue_sy
(5) Kinh Rắn đen (AN 5.230):
https://suttacentral.net/an5.230/vi/minh_chau
(6) Sujato nói về kinh Rắn đen:
https://sujato.wordpress.com/2010/12/05/is-this-sutta-true
(7) Kinh SN 35.23, bản HT.Minh Châu:
https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau
Kinh SN 35.23, bản Bodhi:
https://suttacentral.net/sn35.23/en/bodhi
Kinh SN 35.23, bản Sujato:
https://suttacentral.net/sn35.23/en/sujato