Phật giáo Newar: Một biến thể Phật giáo “đặc biệt” ở Nepal

Phật giáo Newar

Phật giáo Newar: Một biến thể Phật giáo “đặc biệt” ở Nepal

Nguyên Hiệp

Trước khi những người Gorkha xâm chiếm và kế tiếp đó là nhà nước hiện đại được thành lập vào giữa thế kỷ XVIII, Nepal như tên gọi ngày nay là chỉ cho thung lũng Kathmandu. Thung lũng này nằm về mạn Nam của dãy Himalaya, phía Bắc đồng bằng sông Hằng, và có độ cao so với mực nước biển là 1.350 mét. Thung lũng Kathmandu tương đối bằng phẳng và có đất đai màu mỡ với thời tiết khá ôn hòa phù hợp với nông nghiệp. Chính bởi điều này, dân số ở thung lũng Kathmandu lớn hơn hẳn những khu vực khác nằm dọc theo các dãy núi chạy dài từ đồng bằng sông Hằng đến cao nguyên Tây Tạng. Trong quá khứ, Kathmandu nằm gần những con đường thương mại từ Ấn Độ đi Tây Tạng, và điều này đã đem đến cho người dân ở đây những lợi ích nhất định.

Ít nhất trong 2.000 năm, thung lũng Kathmandu là nơi sinh sống của những người Newar. Như ngôn ngữ Tạng-Miến cũng như nhiều đặc điểm sắc tộc của họ cho thấy, họ có nguồn gốc từ Trung Á. Bởi ngôn ngữ và văn hóa của mình, họ hình thành nên một nhóm sắc tộc đồng nhất với một ý thức rõ ràng về bản sắc riêng của họ. Tuy nhiên qua thời gian, trong chừng mực nào đó, Kathmandu đã trở thành một điểm giao thoa trong khu vực, và dân chúng từ những nguồn gốc khác nhau, nhiều trong đó đến từ đồng bằng sông Hằng, đã đồng hóa vào người Newar. Do đó dân chúng hiện nay ở Nepal là một sự pha trộn giữa các tộc người Trung Á, Himalaya và Bắc Ấn.

Do vì tương đối gần với đồng bằng sông Hằng, người Newar có lẽ từ rất sớm đã tiếp xúc với văn hóa và tôn giáo vùng Nam Á. Tuy nhiên, họ chống lại sự đồng hóa hoàn toàn và chọn những truyền thống sử dụng ngôn ngữ Sanskrit. Do vậy, họ pha trộn những vị thần, nghi lễ, tín ngưỡng và thực hành bản địa với những truyền thống Ấn Độ bằng một tiến trình dung hợp phức tạp.

Có một số rặng núi đã tách thung lũng Kathmandu với đồng bằng sông Hằng, và nhờ vậy chúng phần nào cách ly Nepal cũng như bảo vệ đất nước này khỏi những cuộc xâm chiếm của Hồi giáo và Anh quốc. Do đó, văn hóa và văn minh của những người Newar không trải qua những thay đổi xã hội, tôn giáo và văn hóa sâu sắc mà nó đi cùng với sự cai trị của Hồi giáo và Anh quốc như ở Bắc Ấn. Thêm nữa, cho đến những năm thập niên 1950, Nepal là một quốc gia khép kín, do đó nó không chịu sự ảnh hưởng nhiều từ bên ngoài. Vì vậy có những thực hành tôn giáo ta thấy hiện vẫn còn ở Nepal nhưng đã biến mất ở Ấn Độ từ lâu, trong đó bao gồm Phật giáo Mật tông mà nó đã tồn tại liên tục ở Nepal trong nhiều thế kỷ cho đến ngày nay.

* * *

Lịch sử khởi đầu của Phật giáo ở Nepal vẫn còn chưa được biết đến rõ. Theo truyền thống bản địa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cho đã từng viếng thăm thung lũng Kathmandu[1], tuy nhiên ta không thể tìm thấy bất cứ đề cập nào về sự kiện này nơi những nguồn tài liệu Phật giáo sớm nhất để ủng hộ cho luận cứ này. Một truyền thống khác cho rằng, sau khi Tỳ-lưu-ly (Sanskrit: Virūḍhaka; Pāli: Viḍūḍabha) thảm sát những người Thích Ca (Śakya), một sự kiện được nhắc đến nhiều trong Phật giáo, những người bà con của Tôn giả A Nan (Ānanda) đã chạy trốn đến thung lũng Kathmandu, và Phật giáo có lẽ đã theo họ đến đó. Truyền thống này được ghi chép lại trong Luật tạng (Vinaya) của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda)[2]. Tuy nhiên, bộ luật này được biên soạn nhiều thế kỷ sau khi những sự kiện này xảy ra và do đó không thể được xem như một chứng cứ lịch sử xác thực. Tương tự, có truyền thống cho rằng vua Aśoka (A Dục), người trị vì vào khoảng 268-232 tr.TL, đã viếng thăm thung lũng Kathmandu và cho xây dựng các bảo tháp ở đó. Ông cũng gả con gái của mình là Cārumatī cho một quý tộc địa phương[3]. Những người ủng hộ truyền thống này đưa ra bằng chứng là có bốn ngôi tháp tưởng niệm nằm quanh thành phố Patan, mà chúng được cho là những ngôi tháp do vua Aśoka dựng; và ngôi tịnh xá Cārumatī được cho là do Cārumatī thành lập. Tuy nhiên, kiến trúc và những xem xét khác có thể khiến ta có chút nghi ngờ về tính cổ xưa của những di tích này, và không có chứng cứ có thể chứng minh sự nối kết được viện dẫn giữa chúng và vua Aśoka cũng như con gái của ông[4]. Tuy nhiên, việc thiếu vắng chứng cứ, đối với một vài học giả, không tất yếu rằng thuyết này không đúng. Nhà nhân loại học người Úc Michael Allen nhận thấy nó “đáng tin cậy nhất”[5], và Siegfried Lienhard, một người có thẩm quyền khác về Phật giáo Newar, tương tự cho rằng Phật giáo được truyền đến Nepal “hoặc vào hoặc ngay sau triều vua Aśoka”[6].

Theo những gì tôi biết, không có chứng cứ khảo cổ mà chúng chứng minh một cách thuyết phục sự hiện diện của Phật giáo ở thung lũng Kathmandu trước thế kỷ V TL. Tuy nhiên, có thể hợp lý để cho rằng Phật giáo bám rễ ở Kathmandu sớm hơn đáng kể niên đại đó. Điều này cũng được cho thấy nơi Luật tạng của Thuyết nhất thiết hữu bộ như được đề cập ở trước. Sylvain Lévi cho rằng bộ luật này được viết ở chính Nepal[7], có thể vào thế kỷ III TL[8]. Điều này chứng minh rằng vào thời điểm đó Phật giáo đã có mặt ở Nepal. Tuy nhiên, các bản chữ khắc Phật giáo được phát hiện ở Nepal không có bản nào thuộc thế kỷ thứ III TL, mà đều có niên đại từ thế kỷ V trở về sau. Nhưng cũng cần biết rằng, việc có mặt những bản chữ khắc vào thế kỷ V không có nghĩa rằng Phật giáo bắt đầu có mặt ở Kathmandu vào thời điểm đó. Vào thế kỷ VII, Phật giáo ở thung lũng Kathmandu có lẽ khá thịnh, vì như nơi tường thuật của Huyền Trang khi ngài đến đây vào thời điểm này, có một trung tâm Phật giáo có đến 2.000 Tăng nhân sinh sống, thuộc cả Đại thừa và Tiểu thừa[9]. Đã có nhiều chứng cứ cho thấy rằng những Tăng nhân này thuộc về Phật giáo Bắc Ấn. Nhiều người trong họ đã học và thậm chí dạy tại những đại học Phật giáo lớn ở Bắc Ấn. Về sau họ đóng một vai trò quan yếu trong việc truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ đến Tây Tạng, với Nepal đóng vai trò như một điểm trung gian quan trọng.

Sự suy yếu của Phật giáo ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ trước đó và chính thức suy tàn vào thế kỷ XIII đã ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Nepal. Vào thời điểm đó, Phật giáo Tây Tạng đang rất hưng thịnh, nhưng do những khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa nên nó xa lạ đối với người Newar và không thể điền vào khoảng trống mà Phật giáo Ấn Độ đã để lại. Ngoài ra, về phương diện lịch sử, Tây Tạng đã tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ và cả Nepal, và sự hoán vị những vai trò này chính nó là một vấn đề khó khăn. Điều này có nghĩa rằng Phật giáo ở Nepal đã phát triển không thể tách rời Ấn Độ với rất ít sự xoay hướng sang những truyền thống Phật giáo khác. Sự thực, nó đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những truyền thống Hindu, chính yếu là phái Mật giáo Shaivism (phái thờ thần Shaiva) và Shaktism (phái thờ thần Sakti), mà chúng hiện vẫn được những người Newar tin theo. Thêm nữa, những hình thức thực hành và niềm tin bản địa được đề cập ở trên tiếp tục có một sự ảnh hưởng mạnh mẽ vào Phật giáo Newar.

* * *

Nếu chúng ta ít nhiều biết về lịch sử Phật giáo Newar, chúng ta sẽ thấy rằng những đóng góp lớn nhất của những Phật tử Newar là ở lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật. Người Newar tô điểm thung lũng của họ bằng những ngôi đền, chùa và bảo tháp trang nghiêm, để thờ những vị thần của cả Phật giáo và Ấn giáo. Họ cũng tạo tác những bức tranh cuộn tuyệt đẹp, những tác phẩm điêu khắc ấn tượng và những tôn tượng tinh tế. Mặc dù là một nhóm nhỏ, nhưng danh tiếng của họ vang rất xa. Họ có những thợ thủ công và nghệ sĩ tài giỏi, mà cả Trung Quốc và Tây Tạng luôn cần đến tay nghề của họ. Di sản nghệ thuật này đã được một số người nghiên cứu, mặc dù nói chung từ một gốc nhìn lịch sử nghệ thuật, mà không đưa ngữ cảnh tôn giáo vào đó mà ở đó những vật thể này thuộc về. Ngược lại với những thành tựu nơi nghệ thuật và kiến trúc, lịch sử Phật giáo Newar cho thấy một sự thiếu vắng những học giả danh tiếng và những vị hành giả nổi tiếng ở trong cộng đồng tôn giáo này. Sự thực, Phật giáo Newar đã không có những đóng góp đáng kể cho Phật giáo về phương diện học thuật và triết thuyết. Tuy nhiên, nó đã tạo ra một mảng văn học mang tính tín ngưỡng mà nhiều trong đó được viết bằng ngôn ngữ Newari. Nguồn văn học này nói chung được đặt cơ sở trên nguồn văn học Ấn Độ có trước. Quan trọng nhất, vào thế kỷ XV, một số bản kinh Đại thừa có nguồn gốc Ấn Độ, chẳng hạn như kinh Kāraṇḍavyūha (Phật thuyết Đại thừa trang nghiêm bảo vương kinh), đã được sửa lại một cách triệt để để thích ứng với bối cảnh Nepal. Và cũng trong bối cảnh này mà Svayambhūpurāṇa, một bản văn rất quan trọng đối với Phật giáo Newar, đã được biên soạn. Bên cạnh những kinh sách Đại thừa này, những Phật tử Newar đã tạo ra một nguồn văn học thiên về nghi lễ, mà nó phần lớn dành cho việc thực hành những nghi lễ phức tạp trong truyền thống Mật giáo được thừa kế từ Ấn Độ. Những sáng tác này cho thấy rằng Phật giáo Newar là một truyền thống chính yếu liên quan đến việc thực hành nghi lễ và tín ngưỡng.

Di sản văn học của Phật tử Newar tuy vậy chưa được nghiên cứu nghiêm túc[10]. Ngược lại, các học giả khi nghiên cứu về Phật giáo Newar thường chú trọng vào chiều hướng văn hóa và xã hội học của nó. Do đó, những đóng góp đáng kể nhất cho việc nghiên cứu Phật giáo Newar là của những nhà nhân chủng học xã hội (đáng chú ý nhất là David Gellner)[11]. Những nhà nghiên cứu này có khuynh hướng tập trung việc nghiên cứu của mình vào đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Phật giáo Newar đó là sự phi chính thống của cộng đồng tu sĩ, và việc thích nghi hoàn toàn của nó với hệ thống đẳng cấp. “Sự phi chính thống của đời sống tu sĩ” được đề cập ở đây là hiện tượng những cộng đồng tu sĩ mà ở đó người ta chỉ có thể trở thành thành viên bằng sự truyền thừa theo cách cha truyền con nối. Tức là, một người chỉ đủ tư cách trở thành tu sĩ khi người ấy là con của một người thuộc cộng đồng tu sĩ. Hẳn nhiên rằng những tu sĩ này là những người lập gia đình chứ không phải sống đời độc thân. Để bắt đầu đời sống tu sĩ trong những cộng đồng này, những cậu bé phải trải qua một nghi lễ được gọi là Bare chuyegu. Nơi nghi lễ này, những cậu bé trải qua lễ pravrajyā truyền thống, sống đời xuất gia trong ba ngày, và sau đó trở về nhà sống đời cư sĩ Phật tử cho quãng đời còn lại của họ. Qua việc tham gia lễ Bare chuyegu, những cậu bé, có thể ở bất cứ độ tuổi nào nhưng không được vượt quá tuổi dậy thì, trở thành những thành viên chính thức của cộng đồng tu sĩ. Hiện có khoảng 100 cộng đồng dạng này ở thung lũng Kathmandu, và một cộng đồng có một hoặc nhiều tu viện (vihara/tịnh xá) của riêng họ. Tất cả những thành viên nam của cộng đồng là những gia chủ đã trải qua nghi lễ nhập môn Bare chuyegu; và con cái của những người này về sau cũng sẽ trải qua lễ nhập môn để trở thành thành viên của cộng đồng ấy.

Mặc dù thực hiện đời sống tu sĩ theo nghi lễ chỉ vài ngày, họ duy trì tư cách tu sĩ của mình ngay sau khi đã trở về nhà sống đời tại gia. Như vậy, Phật giáo Newar không phải là một “Phật giáo không có tu sĩ” như Micael Allen và gần đây hơn là Siegfried Lienhard đã nói, mà là một Phật giáo với những tu sĩ đã trở thành những gia chủ nhưng không thực sự từ bỏ tư cách Tăng nhân của họ. Điều này được minh chứng rõ ràng bằng sự thật rằng, một số nhóm những người đã trải qua lễ nhập môn này về truyền thống thậm chí được gọi là Tỳ-kheo (bhikṣu, śāyabhikṣu, cailakabhikṣu). Ngoài ra, vào những dịp lễ lớn đòi hòi sự thanh tịnh, những vị này phải cạo sạch tóc. Điều này phù hợp với việc từ bỏ sự hiện hữu trần tục được thực hiện như một phần của lễ thụ phong. Như vậy, qua việc xuống tóc định kỳ vào các dịp lễ thường niên, họ tái xác nhận tư cách của họ như là những Tăng sĩ Phật giáo. Thêm nữa, vào một vài dịp, chẳng hạn như lễ Pañradāna hàng năm, họ được những Phật tử tại gia khác cúng dường, và điều này ở một gốc độ nào đó xác nhận họ là các Tăng nhân, vì về mặt truyền thống, chỉ các Tăng nhân mới được nhận đồ cúng dường của tín đồ tại gia.

Những cậu bé thực hiện nghi lễ nhập môn xuất gia, lại theo nguyên tắc truyền thừa, được phân thành hai nhóm, đó là nhóm những người Śākya và nhóm nhưng người Vajrācārya. Những cậu bé Vajrācārya tiếp tục trở thành những vị thầy về mantra. Điều này trao cho họ quyền được thực hiện những nghi lễ tế lửa (homa) và những nghi lễ mantra phức tạp khác. Những vị này thường thực hiện các nghi lễ cho một nhóm thân chủ (yajamāna) của mình mà chúng tương tự với cách các vị Bà-la-môn Ấn giáo thực hiện các nghi lễ cho các tín hữu của họ, đáng kể nhất là nhưng nghi lễ về tang ma và những nghi lễ dành cho tổ tiên quá vãng. Bất chấp những khác nhau, những người Śākya và Vajrācārya hình thành nên một nhóm đẳng cấp nội giao mà họ có thể cùng ăn hay được phép kết hôn với nhau. Những tu sĩ Śākya và Vajrācārya được xem là thành phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc Phật giáo Newar. Không có những vị tu sĩ này, Phật giáo Newar hầu như có khả năng bị sáp nhập vào trong Ấn giáo, như nó đã xảy ra ở Bắc Ấn, vì ở nơi các thành phần tại gia của cộng đồng Phật giáo Newar, Phật giáo không được neo giữ đủ chặt để đảm bảo một sự tách biệt lâu dài với Ấn Độ giáo bao quanh.

Tuy nhiên, điều này không phải để nói rằng Phật giáo không hoàn toàn bám rễ nơi những thành phần Phật tử khác ngoài hai nhóm Śākya và Vajrācārya. Ngược lại, những thành phần Phật tử không thuộc Śākya và Vajrācārya cũng có một “bản sắc” Phật tử riêng. Mặc dù không được tham gia vào nghi lễ Bare chuyegu, họ cũng có thể tham gia những nghi lễ nhập môn mantra. Và điển hình hơn cả, họ có thể tham gia vào những pháp thực hành mang đặc điểm tín ngưỡng Đại thừa, như Todd Lewis đã chỉ ra nơi nghiên cứu của ông[12].

Một số học giả có khuynh hướng xem Phật giáo Newar như một thể thức biến chất của Phật giáo, bị lạc đường bởi sự đồng hóa với Ấn giáo. Ý kiến này căn cứ vào đời sống sống thế tục của hàng tu sĩ, việc nhận người nhập môn (làm tu sĩ) dựa trên hệ thống đẳng cấp - theo tập quán cha truyền con nối, và thực hiện những nghi lễ mà chúng có gốc rễ từ truyền thống Ấn giáo, thậm chí cả việc thực hành tế lễ thú vật. Người ta cho rằng những hiện tượng này đã phát triển sau khi Phật giáo Newar tách khỏi Phật giáo Ấn Độ, khi những Phật tử Nepal không bảo vệ được mình trước văn hóa Hindu ở thung lũng Kathmandu.

Tuy nhiên, một luận điểm như vậy cũng có thể nhận phải sự phản đổi. Bởi vì, điểm đầu tiên, mãi cho đến khi những người Rāṇa nắm quyền vào giữa thế kỷ XIX, Phật giáo về phương diện nhân khẩu học là một tôn giáo phổ biến trong những người Newar, và ngay cả những vị vua, mà dù luôn là những người Hindu, thường hỗ trợ Phật giáo. Quan trọng hơn, giả định về một Phật giáo Ấn Độ thuần chất đã bị làm cho biến chất ở Nepal đã không có sự ủng hộ từ việc nghiên cứu kỹ càng những nguồn tài liệu có giá trị. Như vậy, ít nhất một số hiện tượng được xem là những suy đồi của Phật giáo Newar dường như đã có gốc rễ của chúng ở nơi việc phát triển của Phật giáo Ấn Độ. Ví dụ, ta có thể liên hệ đến việc thích ứng của Tăng đoàn (Saṃgha) với hệ thống đẳng cấp ở Sri Lanka hay về việc thực hiện những nghi lễ theo truyền thống Hindu ở trong Kriyāsaṃgraha, một bản văn được biên soạn rõ ràng trước khi Phật giáo biến mất ở Ấn Độ. Thêm nữa, việc thể chế hóa đời sống “tu sĩ có vợ” đã phổ biến ở Nepal ngay khi Phật giáo còn hiện diện ở Ấn Độ. Và ngay khi Phật giáo suy yếu và biến mất ở Ấn Độ thì ở Kathmandu vẫn có những Tăng sĩ sống theo quy chế độc thân truyền thống. Chẳng hạn như vị Tăng sĩ Ấn Độ Dharmasvāmin, người đến Nepal vào năm 1226 và ở lại đó tám năm[13], đã tường thuật rằng có những tu viện “có và không có tu sĩ”, đặc biệt rằng chỉ có ít tu viện có tu sĩ. Điều này có lẽ xác nhận rằng, vẫn có những Tăng sĩ độc thân ở thung lũng Kathmandu vào thời điểm Dharmasvāmin đến Nepal; những người này không trở lại đời sống gia đình và kết hôn sau khi làm lễ nhập môn[14].

Chắc chắn, sự biến mất hoàn toàn đời sống tu sĩ độc thân ở Nepal là một phát triển bản địa mà nó cuối cùng xảy ra sau khi Phật giáo biến mất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, sự biến mất của đời sống tu sĩ độc thân trong Phật giáo Newar không phải là trường hợp duy nhất, mà nó cũng đã xảy ra nơi những quốc gia theo Phật giáo Đại thừa ở Đông Á.

Trong 50 năm trở lại đây, Phật giáo Newar bị thách thức bởi một phát triển mới, đó chính là việc du nhập của Phật giáo Theravāda. Mặc dù phong trào này bắt đầu từ bên ngoài Nepal, những người truyền bá lại chính là những Phật tử Newar. Phong trào này chống lại hoàn toàn hầu hết những gì hình thành nên đặc điểm của Phật giáo Newar. Nó xây dựng một Tăng đoàn không đặt cơ sở trên hệ thống đẳng cấp, và thành viên chỉ gồm những người không kết hôn mà dành trọn đời sống độc thân cho đạo. Nó cũng nhìn nghi lễ với thái độ xem thường và do đó bác bỏ hình thức Phật giáo huyền bí mang màu sắc Hindu. Tất nhiên, nó nhấn mạnh vai trò của Đức Phật lịch sử như là người sáng lập Phật giáo và từ chối hầu hết nhưng vị thần phố biến trong Phật giáo Newar. Thái độ đối với Phật giáo Newar này rất giống với thái độ của những học giả phương Tây. Đối với người Nepal, phong trào Phật giáo Theravāda có gốc rễ của nó nơi việc hiện đại hóa Phật giáo ở Ấn Độ, mà nó ít nhiều có sự ảnh hưởng bởi các học giả Phật tử (và không Phật tử) phương Tây./.

 


 

[1] Xem David N. Gellner: “A Sketch of History of Lalitpur (Patan) with Special Reference to Buddhism”. In CNAS 23,1 (1996), tr.125-157.

[2] Tham chiếu, David Gellner: “Buddhist Monks or Kinsmen of the Buddha”. In Kailash 15 (1989), 1-20: p.8.

[3] Tham chiếu, David N. Gellner, op. cit., pp. 129f. Xem them chương 10 của Svayambhū-Purāṇa (một tác phẩm được biên soạn ở Nepal) mà nó đề cập rằng vua Aśoka đã hành hương đến Svayambhū.

[4] Ngược lại, việc Aśoka viếng thăm vùng biên giới phía Nam của Nepal hiện đại được xác chứng rõ qua việc ông cho dựng trụ đá tại Lumbini và ở nơi khác.

[5] Allen, M. R. “Buddhism without monks: the Vaijrayāna religion of the Newars of Kathmandu valley.” Trong: South Asia 2 (1973), pp. 1-14.

[6] Sielgfried Lienhard: “Nepal: The Survival of Indian Buddhism in a Himalayan Kingdom.” Trong: The World of Buddhism. Buddhist Monks and Nuns in Society and Culture, ed. H. Bechert and R. F. Gombrich, London: Thames and Hudson, 1984, pp. 108-114.

[7] Giả thuyết này có được sử hỗ trợ từ sự thật rằng, nghi thức thụ phong (pravrajyā) như được sử dụng trong Phật giáo Newar có liên hệ mật thiết đến Mūlasarvāstivāda-vinaya và dường như có nguồn gốc từ bộ luật này.

[8] Niên đại muộn nhất có thể là thế kỷ VII, vì bộ luật này được dịch sang Hán ngữ vào thế kỷ VII TL.

[9] Xem Siegfired Lienhard, op. cit., p. 109; và David Snellgrove, Buddhist Himalaya. Travels and Studies in Quest of the Origins and Nature of Tibetan Religion. Oxford: Cassirer, 1957, p.101.

[10] Xem K.P.Malla, Classical Newari Literature. A Sketch. Kathmandu: Educational Enterprises, 1982.

[11] Xem chuyên khảo của David Gellner, Monk, Householder and Tantric Priest. Newar Buddhism and its Hierarchy of Ritual (Cambridge University Press, 1992).

[12] Xem Todd Lewis, Popular Buddhist Texts from Nepal (New York: SUNY, 2000).

[13] Vào thời điểm Dharmasvāmin đến Nepal thì Phật giáo đã suy tàn ở Ấn Độ. Và cần lưu ý rằng, hiện tượng tu sĩ có vợ ở Nepal đã có mặt trước thời điểm Dharmasvāmin đến Nepal, chứ không phải là sau khi Phật giáo Ấn Độ suy tàn nó mới xuất hiện. Tuy nhiên, việc “thể chế hóa” đời sống tu sĩ có gia đình có lẽ xảy ra sau khi Phật giáo hoàn toàn biến mất ở Ấn Độ.

[14] Xem Regmi, D.R., Medieval Nepal Part 1: Early Medieval Period 750-1530 A.D. Calcutta: Firma K.L. Mukhopadhyay, 1965, p.561.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle