Bài Kinh Về Lòng Từ Tâm

bai kinh ve

BÀI KINH VỀ LÒNG TỪ TÂM

Mettā Sutta  SN 46.54

 

***

Hoang Phong chuyển ngữ

 

Vài lời giới thiệu của người chuyển ngữ

 

           Tựa và thứ tự của các bài kinh là do người sau đặt thêm vào các bài giảng của Đức Phật với mục đích phân loại và sắp xếp, do đó nhiều bài kinh có thể mang cùng một tên gọi, hoặc cùng một bài kinh nhưng có nhiều tựa khác nhau. Đây cũng là trường hợp của bài kinh Metta Sutta (Tương Ưng Bộ Kinh/Samyutta Nikaya, SN 46.54) trên đây, bài kinh này còn với nhiều tên khác như MettasuttamKaraniyametta SuttaMettasahagata Sutta...

            Ngoài ra còn có một bài kinh khác cũng mang cùng một tưa là Meta Sutta nhưng hình thức và cả nội dung đều có nhiều điểm khác biệt. Bài kinh này được xếp vào Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) trong hai chỗ khác nhau, trong nhóm Kinh Tập (Sutta Nipata Sn 1.8) cả trong nhóm kinh Tiểu Tụng (Khuddakapatha Khp 9), chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong phần ghi chú dưới đây.  Bài kinh này có nhiều bản dịch tiếng Việt, tất cả đều mang tựa là Kinh Từ BiTrái lại đối với bài kinh Matta Sutta SN 46.54 thì chưa tìm thấy bản dịch tiếng Việt nào. Trên nguyên tắc thì bài kinh này cũng có trong Đại Tạng Kinh, thế nhưng có thể vì cách sắp xếp dựa vào bản thống kê của Hiệp Hội Văn Bản Pali (Pali Text Society) đã khá xưa và ngày nay ít dùng, nên rất khó tìm.

            Bản chuyển ngữ bài kinh SN 46.54 dưới đây chủ yếu được dựa vào bản dịch tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu (phụ lục II) và bản dịch song ngữ Pali - tiếng Pháp (phụ lục III). Tuy bài kinh mang tựa là Lòng Từ Tâm, thế nhưng thật ra nêu lên toàn bộ bốn thể dạng vô biên của tâm thức là:

 

            1- Mettalòng từ tâm, lòng vị tha hay lòng nhân ái (goodwill)

            2- Karunalòng từ bi, lòng thương xót hay trắc ẩn trước cảnh khổ đau của chúng sinh   (compassion).

            3- Mudita: niềm hân hoan và vui sướng khi ước vọng tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc (empathic joy)

            4- Upekkha: sự thanh thản, bình lặng, thăng bằng và thanh thoát của tâm thức  (equanimity)

 

***

 

Bài Kinh về Lòng Từ Tâm

SN 46.54

 

            Có một lần Đấng Thế Tôn lưu trú tại bộ tộc của người Koliyan, gần một ngôi làng mang tên là Haliddavasana, và sáng hôm đó, có một nhóm đông các tỳ-kheo thức sớm. Họ ăn mặc áo lót bên trong thật chỉnh tề, khoác thêm áo ấm bên ngoài, ôm bình bát định đi vào làng Haliddavasana khất thực. Thế nhưng họ lại bàn với nhau: "Trời còn quá sớm để vào làng Haliddavasana khất thực. Vậy tại sao lại không tìm đến khu vườn [nơi tạm trú] (thường là một khu rừng cây hay đất hoang mà các thôn ấp thường dảnh riêng làm nơi dừng chân cho những người tu hành khất thực thời bấy giờ) của những kẻ lang thang thuộc các giáo phái khác [để viếng thăm họ]?"

            [Nghĩ thế] họ bèn tìm đến khu vườn của những kẻ lang thang thuộc các giáo phái khác. Khi đến nơi này thì hai bên cùng vái chào nhau. Sau vài lời thăm hỏi ân cần thì các tỳ-kheo (các đệ tử của Đức Phật) ngồi sang một bên.

            Sau khi các tỳ-kheo vừa ngồi xong thì những kẻ lang thang thuộc các giáo phái khác cất lời với họ: "Này các bạn, Vị từ bỏ thế tục Gotama (Cồ Đàm, tức là Đức Phật) từng giảng Dhamma (Đạo Pháp) cho các đệ tử của mình như sau:

            "Này các tỳ-kheo, hãy loại bỏ năm thứ chướng ngại (kinh sách Hán ngữ gọi là ngũ triền cái), là các thứ ô nhiễm tâm thần làm suy yếu sự nhận thức. Vậy, trước hết hãy hòa nhập vào hướng thứ nhất [hướng đông] với một tâm thức thấm đượm lòng từ tâm (metta/tình thương yêulòng vị tha). Sau đó lại tiếp tục làm như thế đối với hướng thứ hai [hướng tây], thứ  ba [hướng nam] và thứ tư [hướng bắc]. [Sau đó] lại tiếp tục hướng lên phía trên, phía dưới và toàn thể chung quanh, không để sót một nơi nào, và luôn giữ tâm thức thấm đượm lòng từ tâm - tràn đầy, tỏa rộng và vô tận - bên trong chính mình và cả vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ác cảm nào (làm tỏa rộng tình thương yêu bên trong tâm thức mính và cả trong khắp miền không gian).        

            "Hãy giữ sự hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm lòng từ  bi (karuna/lòng thương xót trước cảnh khổ đau của chúng sinh)Sau đó lại tiếp tục làm như thế đối với hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. [Sau đó] lại tiếp tục hướng lên phía trên, phía dưới và toàn thể chung quanh, không để sót một nơi nào, và luôn giữ tâm thức thấm đượm lòng từ bi - tràn đầy, tỏa rộng và vô tận - bên trong chính mình và cả vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ác cảm nào.

            "Hãy giữ sự hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm niềm hân hoan (mudita, niềm vui sướng dâng lên và tràn ngập tâm hồn khi ước mong tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc). Sau đó lại tiếp tục làm như thế đối với hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. [Sau đó] lại tiếp tục hướng lên phía trên, phía dưởi và tất cả chung quanh, không để sót một nơi nào, luôn giữ tâm thức thấm đượm niềm hân hoan - tràn đầy, tỏa rộng và vô tận - bên trong chính mình và cả vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ác cảm nào.    

            "Hãy giữ sự hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm sự thanh thản (upekkha/thể dạng bình lặng, thanh thoát và thăng bằng của tâm thưc). Sau đó lại tiếp tục làm như thế đối với hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. [Sau đó] lại tiếp tục hướng lên phía trên, phía dưởi và toàn thể chung quanh, không để sót một nơi nào, luôn giữ tâm thức thấm đượm sự thanh thản - tràn đầy, tỏa rộng và vô tận - bên trong chính mình và cả vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ác cảm nào".

            "Này các bạn, chúng tôi (tức những kẻ lang thang thuộc các giáo phái khác) cũng giảng cho các đệ tử của chúng tôi đúng như thế:

            'Này các các bạn, hãy loại bỏ năm thứ chướng ngại là các thứ ô nhiễm tâm thần làm suy yếu sự nhận thức. Vậy, trước hết hãy hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm lòng từ tâm. Sau đó lại tiếp tục làm như thế đối với hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. [Sau đó] lại tiếp tục hướng lên phía trên, phía dưởi và toàn thể chung quanh, không để sót một nơi nào, và luôn giữ tâm thức thấm đượm lòng từ tâm - tràn đầy, tỏa rộng và vô tận - bên trong chính mình và cả vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ác cảm nào'.   

            (Các phân đoạn dưới đây được rút ngắn nhằm tránh bớt sự lập đi lập lại)

            'Hãy hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm lòng từ  bi [...]

            'Hãy hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm niềm hân hoan [...]

            'Hãy hòa nhập vào hướng thứ nhất với một tâm thức thấm đượm sự thanh thản. Sau đó lại tiếp tục làm như thế đối với hướng thứ hai, thứ ba và thứ tư. [Sau đó] lại tiếp tục hướng lên phía trên, phía dưởi và toàn thể chung quanh, không để sót một nơi nào, luôn giữ tâm thức thấm đượm sự thanh thản và bình lặng - tràn đầy, tỏa rộng và vô tận - bên trong chính mình và cả vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ác cảm nào'.            

            "Vậy có gì là khác biệt, tương phản hay phân biệt giữa Dhamma do vị Gotama thuyết giảng và Dhamma của chúng tôi đâu. Cả hai giáo huấn đều giống như nhau".

            Nhóm tỳ-kheo (các đệ tử của Đức Phật) không tán đồng cũng không bác bỏ những lời phát biểu đó của những kẻ lang thang thuộc các giáo phái khác, mà chỉ đứng lên [cáo từ] và đi khất thực. Họ bàn với nhau: "Chúng ta tất sẽ phải hiểu được những lời họ nói sau khi tham vấn Đấng Thế Tôn".

            Họ đi khất thực trong làng Haliddavasana và sau khi ăn xong thì họ tìm gặp Đấng Thế Tôn.  Khi gặp Ngài thì họ vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi ngồi xuống họ thuật lại với Đấng Thế Tôn [những gì xảy ra vào sáng sớm hôm đó].   

            "Này các tỳ-kheo, khi nào những người lang thang thuộc các giáo phái khác nêu lên như thế, thì phải trả lời họ như thế này:

            "Này các bạn, thế nhưng nếu muốn giải thoát tâm thức (awareness-relase/libération de l'esprit/tiếng Pali là cetovimutti, tiền ngữ ceto có nghĩa là tâm thức, hậu ngữ vimutti có nghĩa là giải thoátgiải thoát ở đây có nghĩa là loại bỏ khỏi tâm thức mọi dục vọngđam mê và bám víu, nói chung là các thứ ô nhiễm tâm thần) bằng cách phát huy lòng từ tâm thì phải làm thế nào? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gì?

            "Nếu muốn giải thoát tâm thức bằng cách phát huy lòng từ bi thì phải làm thế nào? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gì?    

            "Nếu muốn giải thoát tâm thức bằng cách phát huy niềm hân hoan thì phải làm thế nào? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gì?

            "Nếu muốn giải thoát tâm thức bằng cách phát huy sự thanh thản thì phải làm thế nào? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gỉ?

            "Nếu hỏi họ như vậy thì họ sẽ không sao trả lời được, hơn nữa họ sẽ vô cùng bối rối. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các điều ấy vượt khỏi tầm tay của họ. Ta chẳng thấy ai trong thế giới này - dù là các Thiên nhân (Deva), Thiên-ma (Mara), các Vị trời Bhrama, những kẻ từ bỏ (những người tu hành từ bỏ thế tục), những người bà-la-môn (brahman), những người trong hoàng tộc hay dân dã - lại có thể thỏa mãn tâm thức mình với các câu trả lời của họ về các thắc mắc ấy, ngoài Như Lai hay một đệ tử của Như Lai hoặc một người từng được nghe họ thuyết giảng (họ ở đây là Đức Phật và các đệ tử của Ngài).

 (Sau khi chỉ dạy các đệ tử của mình phải trả lời như thế nào khi những người tu hành thuộc các giáo phái khác vặn hỏi và cho rằng giáo phái của mình cũng giảng dạy giống như thế, thì Đức Phật tiếp tục chỉ dạy các đệ tử của mình cách phát huy bốn phẩm tính của tâm thức và các cấp bậc giải thoát tương quan với các phẩm tính đó. Đấy cũng là những gì sâu xacụ thể và siêu việt, mang các chủ đích rõ rệt, khác hẳn với các giáo phái khác)           

            "Này các tỳ-kheo, vậy thì phải làm thế nào để giải thoát tâm thức bằng cách phát huy lòng từ tâm. Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì?  Kết quả và chủ đích của nó là gì?  

            "Đấy là trường hợp người tỳ-kheo phát huy sự tỉnh thức (tiếng Pali là samma-sati, samma có nghĩa là đúng đắnchính xác, tròn đầy..., sati có nghĩa là sự nắm bắt, ghi nhận hay nhận biết trong sáng và sắc bén của tâm thức, nói chung là một sự chú tâm và tập trung tâm thần thật cao độ, các ngôn ngữ Tây phương gọi là mindfulness/pleine conscience, présence d'esprit/sự tỉnh giác hay tỉnh thức. Kinh sách Hán ngữ gọi là chánh niệm) như là một yếu tố giác ngộ (yếu tố giác ngộ tiếng Pali là bojjhanga, gồm có bảy yếu tố: 1.sati/sự chú tâm, 2.dhamma-vicaya/tìm hiểu hay phân tích các hiện tượng, 3.viriya/nghị lực, sự kiên trì, 4.piti/ sự thích thú, niềm hân hoan, 5.passaddhi/sự tĩnh lặng, 6.samadhi/sự tập trung, 7.upekkha/sự thanh thản) kèm theo lòng từ tâmdựa vào sự cô độc (seclusion/isolement/ẩn dật, lánh xa thế tục), dựa vào sự buông bỏ (dispassion/ détachement/không đam mêtừ bỏ mọi dục vọngthèm khát và bám víu), dựa vào sự chấm dứt (cessation/sự tắt nghỉ, sự dừng lại), kết quả mang lại là sự buông xả (letting go/le lâcher-prise/buông ra, không nắm bắt bất cứ một thứ gì cả).

             ["Đấy là trướng hợp] người tỳ-kheo phát huy nghi lực như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ tâmdựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, dựa vào sự tĩnh lặng, kết quả mang lại là sự buông xả.

            ["Đấy là trường hợp] người tỳ-kheo phát huy sự kiên trì (persistence/exaltation/sự bền chí, niềm hứng khởi), như một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ tâm, dựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả.

            ["Đấy là trường hợp] người tỳ-kheo phát huy sự từ bỏ (rupture, cắt đứt, đoạn tuyệt, không nắm bắt) như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ tâm, dựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự tĩnh lặng, dựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả.

            ["Đấy là trường hợp] người tỳ-kheo phát huy sự tĩnh lặng (calm, serenity, sự yên lặng, sự trong sáng) như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ tâm, dựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả

            ["Đấy là trường hợp] người tỳ-kheo phát huy sự tập trung (concentration/sự chú tâm thật thăng bằng và vững chắc) như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ tâm, dựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại sự buông xả.

            "Người tỳ-kheo phát huy sự thanh thản (equanimity/thể dạng bình lặng của tâm thức) như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ tâm, dựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả.

            "Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm và [đồng thời] cũng nhận biết được đấy là gì. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm và [đồng thời] cũng nhận biết được đấy là gì (có nghĩa là ý thức được bản chất của mọi hiện tượng. Chúng có thể tốt đẹp nhưng bản chất bên trong chúng là xấu xa hoặc ngược lại, và dù là trường hợp nào thì người tỳ kheo cũng có thể "cắt đứt" nếu muốn, hầu mang lại cho mình sự giải thoát, và đó cũng là ý nghĩa của sự "buông xả"/letting go nói đến trong bài kinh).

            "Trước những gì kinh-tởm và cả những gì không-kinh-tởm, nếu muốn thì người tỳ- kheo cũng có thể cắt đứt được cả hai, hầu mang lại cho mình sự thanh thản (upekkha/ equanimity)cảnh giác và tỉnh thức (chánh niệm, có nghĩa là một tâm thức đã loại bỏ được thứ các xúc cảm và tạo tác tâm thần). Hoặc người người tỳ-kheo cũng có thể hòa nhập và thường trú trong sự giải thoát cao đẹp đó (sự giải thoát cao đẹp hay tốt đẹp ở đây có nghĩa là một thể dạng giải thoát tốt nhất tương quan với cấp bậc buông xả đó của người tỳ-kheo, nhưng chưa phải là một sự giải thoát tối thượng). Này các tỳ-kheo, Ta bảo với các tỳ-kheo rằng sự giải thoát tâm thức bằng cách phát huy lòng từ tâm sẽ mang lại một thể dạng giải thoát tâm thức cao đẹp nhất đối với một người tỳ-kheo mà sự nhận thức chưa đủ đạt được một cấp bậc buông xả cao hơn (câu này rất quan trọng, có thể hiểu như là một lời cảnh giác của Đức Phậttu tập về lòng từ tâm chỉ có thể mang lại một sự giải thoát tương quan với một sự buông xả ở một cấp bậc tương xứng với sự phát huy về lòng từ tâm đó của mình mà thôi. Trong phần ghi chú bên dưới bản dịch tiếng Anh của bài kinh này (phụ lục II), nhà sư Thanissaro cũng có giải thích thêm là sự "cao đẹp" hay "tốt đẹp" ở đây tiếng Pali gọi là subha, và cũng chỉ là một trong số bốn thể dạng tập trung tâm thần gọi là  jhana trước khi có thể hòa nhập vào các cấp bậc jhana phi-hình-tướng cao hơn. Nói chung Jhana là các "thể dạng lắng sâu" của tâm thức hiện lên trong khi hành thiền, kinh sách Tây phương không dịch chữ jhana mà dùng thẳng tiếng Pali là jhana hay tiếng Phạn là Dhyana. Kinh sách tiếng Việt gọi là định hay thiền-na)

            "Vậy phải làm thế nào để giải thoát tâm thức bằng cách phát huy sự tỉnh thức (tỉnh giácchánh niệm) như là một yếu tố giác ngộ? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gì?  

            "Đấy là trường hợp người tỳ-kheo phát huy sự tỉnh thức như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ bidựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả. Người tỳ-kheo phát huy sự kiên trì như là một yếu tố giác ngộ [..,]. Người tỳ-kheo phát huy sự tĩnh lặng như là một yếu tố giác ngộ [...] Người tỳ-kheo phát huy sự tập trung như là một yếu tố giác ngộ [...] Người tỳ-kheo phát huy sự thanh thản như là một yếu tố giác ngộ, kèm theo lòng từ bi, dựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả

(Phân đoạn trên đây đã được rút ngắn để tránh bớt sự lập đi lập lại. Xin mạn phép nhắc thêm là cách lập đi lập lại cùng một câu, chỉ thêm bớt hay thay đổi một chữ, là cách  giúp việc học thuộc lòng được dễ dàng hơn).

            "Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm và [đồng thời] cũng nhận biết được đấy là gì. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm và [đồng thời] cũng nhận biết được đấy là gì.

            "Hoặc người tỳ-kheo [cũng có thể] vượt hẳn lên trên mọi sự nhận thức hình tướng (vật chất), mang lại sự tan biến của mọi sự nhận thức ghê tởm (ghét bỏ), cũng không chú tâm vào các sự nhận thức đa dạng, mà [chỉ cảm nhận] một bầu không gian vô tận. Người tỳ-kheo hòa nhập và thường trú trong bầu không gian vô tận đó. Này các tỳ-kheo, ta bảo với các tỳ-kheo rằng sự giải thoát tâm thức bằng cách phát huy lòng từ bi sẽ đưa đến một thể dạng giải thoát tâm thức cao đẹp nhất đối với một người tỳ-kheo mà sự nhận thức chưa đủ đạt được một cấp bậc buông xả cao hơn (người tỳ-kheo trong lúc thiền định "cắt đứt" mọi sự bám víu, giúp mình vượt lên trên mọi sự nhận thức đa dạng, tạo ra cho mình một bầu không gian vô tận và đồng nhất, và hòa nhập vào bầu không gian đó).   

                "Vậy phải làm thế nào để giải thoát tâm thức bằng cách phát huy niềm hân hoan? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gỉ?

            "Đấy là trường hợp người tỳ-kheo phát huy sự tỉnh thức (chánh niệm) như là một yếu tố giác ngộ kèm theo lòng từ bidựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả. Người tỳ-kheo phát huy sự phân tích mọi hiện tượng  (tìm hiểu bản chất của mọi hiện tượng) như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự kiên trì như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự từ bỏ như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự tĩnh lặng như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự tập trung như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự thanh thản như là một yếu tố giác ngộ, kèm theo niềm hân hoandựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả,

(Phân đoạn trên đây đã được rút ngắn để tránh bớt sự lập đi lập lại)

            "Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm và [đồng thời] cũng nhận biết được đấy là gì. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm và [đồng thời] cũng có thể nhận biết được đấy là gì. Trước những gì kinh-tởm và cả những gì không-kinh-tởm, nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể cắt đứt được cả hai, hầu mang lại cho mình sự thanh thảncảnh giác và tỉnh thức (chánh niệm).

            Hoặc người tỳ-kheo [cũng có thể] vượt hẳn lên trên bầu không gian vô tận (trên đây Đức Phật đã giảng cách tỏa rộng tâm thức để hòa nhập với bốn phương trời, cả trên và dưới và cả chung quanh hầu tạo ra cho mình một bầu không gian vô tận. Đến đây Đức Phật lại dạy thêm là phải vượt lên trên cả bầu không gian vô tận đó) hầu giúp mình nhận thức được tri thức vô tận [của mình]. Người tỳ-kheo có thể hòa nhập và thường trú trong bầu tri thức vô tận đó. Này các tỳ-kheo, Ta bảo với các tỳ-kheo rằng sự giải thoát tâm thức nhờ vào niềm hân hoan sẽ mang lại cho mình bầu tri thức vô tận như là một thể dạng [tâm thần] cao đẹp nhất đối với một người tỳ-kheo mà sự nhận thức chưa đủ đạt được một cấp bậc buông xả cao hơn.                    

            "Vậy phải làm thế nào để giải thoát tâm thức bằng cách phát huy sự thanh thản? Nó sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của nó là gì? Kết quả và chủ đích của nó là gỉ?

            "Đấy là trường hợp người tỳ-kheo phát huy sự tỉnh thức (chánh niệm) như là một yếu tố giác ngộ kèm theo sự thanh thảndựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả. Người tỳ-kheo phát huy sự phân tích mọi hiện tượng (tìm hiểu bản chất của mọi hiện tượng) như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy nghị lực như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự từ bỏ như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự tĩnh lặng như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự tập trung như là một yếu tố giác ngộ [...], phát huy sự thanh thản như là một yếu tố giác ngộ, kèm theo sự thanh thảndựa vào sự cô độcdựa vào sự buông bỏdựa vào sự chấm dứt, kết quả mang lại là sự buông xả.

(Phân đoạn trên đây đã được rút ngắn để tránh bớt sự lập đi lập lại)

            "Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm. Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự kinh-tởm bên trong những gì không-kinh-tởm và [đồng thời] cũng nhận biết được đấy là gì. "Nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể nhận biết được sự không-kinh-tởm bên trong những gì kinh-tởm và [đồng thời] cũng có thể nhận biết được đấy là gì. Trước những gì kinh-tởm và cả những gì không-kinh-tởm, nếu muốn thì người tỳ-kheo cũng có thể cắt đứt được cả hai, hầu giúp mình thường trú trong sự thanh thảncảnh giác và tỉnh thức (chánh niệm).

            Hoặc người tỳ-kheo [cũng có thể] vượt hẳn lên trên bầu tri thức vô tận để cảm nhận được chẳng có một thứ gì cả, hầu hòa nhập và thường trú trong bầu không gian chẳng có một thứ gì cả. Này các tỳ-kheo, ta bảo với các tỳ-kheo rằng sự giải thoát tâm thức nhờ vào sự thanh thản sẽ mang lại một bầu không gian chẳng có gì cả như là một thể dạng giải thoát tâm thức cao đẹp nhất đối với một người tỳ-kheo mà sự nhận thức chưa đủ đạt được một cấp bậc buông xả cao hơn (qua bốn phép thiền định trên đây người tỳ-kheo cũng chỉ có thể đạt đưọc một thể dạng tâm thức cao đẹp nhất là một "Bầu không gian chẳng có gì cả". Bầu không gian trống không đó chưa phải là sự giác ngộ cuối cùng và tối thượng)

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Vậy chúng ta học được những gì qua bài kinh trên đây?

            Trước hết, qua câu chuyện về sự sinh hoạt của một số tỳ-kheo vào một buổi sáng sớm cách nay hơn 2500 năm, chúng ta cũng có thể hình dung ra bối cảnh tín ngưỡng của thời bấy giờ. Những người từ bỏ thế tục sống phiêu bạt, nay đây mai đó, sự sinh tồn của họ phải nhờ vả người thế tục, ngược lại người thế tục qua cử chỉ hiến dâng miếng ăn cho người tu hành đã mang lại cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Phải chăng đấy cũng là điểm nổi bật nhất của nền văn minh Ấn-độ nói chung vào các thời kỳ cổ đại. Nền văn minh đó chú trọng vào cuộc sống tinh thần nhiều hơn là của cải và các phát minh vật chất như các nền văn minh khác..

            Điểm đáng lưu ý thứ hai là người xưa biết tôn trọng nhau, không tranh cãi, cũng không tự nhận mình là thấu triệt tất cả. Các vị tỳ-kheo rất thận trọng, tìm Đức Phật để tham vấn mỗi khi gặp phải những điều mà mình không hiểu hết. Trái lại ngày nay, phải chăng chúng ta tự do hơn nhiều?

            Trở lại với kho tàng kinh điển mà người xưa lưu lại thì bài kinh Metta Sutta bằng tiếng Pali có hai bản khác hẳn nhau như đã được nêu lên trong phần giới thiệu trên đây. Hai bài kinh này xuất hiện trong hai bộ kinh khác nhau: bài thứ nhất trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya) mang số SN 46.54 và cũng là bài kinh được chuyển ngữ trên đây, và bài thứ hai trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya), thế nhưng bên trong bộ kinh này bài kinh thứ hai nói đến trên đây lại xuất hiện tại hai nơi khác nhau: một trong Kinh Tập (Sutta Nipata) mang số Sn 1.8 (hoặc PTS Sn 143-152 nếu dựa vào cách phân loại của Hiệp Hội Văn Bản Pali (Pali Text Society), và một trong tập Tiểu Tụng (Khuddakapatha) mang số Khp 9. Tóm lại hai hản kinh này - Sn 1.8 và Khp 9 - cũng chỉ là một.  

            Bài kinh thứ hai này (Sn 1.8 hay Khp 9) là một bài kệ rất phổ biến được dùng để tụng, và có rất nhiều bản dịch sang tiếng Việt, tất cả đều mang tựa là Kinh Từ BiNgoài ra  cũng có hàng chục bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau: Goodwill (do Thanissaro Bhikhu dịch), Loving Kindness (do Nanamoli Thera dịch), The Discourse of Loving (do Piyadassi Thera dịch), The Buddha's Word of Loving (do Tăng đoàn Amaravati Anh quốc dịch), Hymne de l'Amour universel (do Jeanne Schut dịch), v.v. Các tựa này đều có nghĩa là Tình thương yêu, Lòng Nhân từ hay Từ tâm (Metta) trong khi đó các bản dịch tiếng Việt thì lại mang tựa là Kinh Từ Bi (Karuna). Dầu sao thì bản kinh Metta Sutta thứ hai này cũng nêu lên toàn bộ cả bốn phẩm tính metta, karuna, mudita và uppekkha tức là từ, bi, hỷ, xãtương tự như trong bài kinh SN 46.54 được chuyển ngữ trên đây.

            Vậy nguyên nhân nào đã đưa đến hai bản kinh khác nhau là SN 46.54 và Sn 1.8 hay Khp 9,  nhưng lại mang cùng một tựa và được xếp vào hai bộ kinh khác nhau? Các bài kinh trên đây dù nêu lên cùng một chủ đề chung là bốn phẩm tính vô biên của tâm thức, thế nhưng chủ đích, nội dung và tính cách sâu sắc thì hoàn toàn khác biệt nhau. Bài kinh SN 46.54 là một bài giảng của Đức Phật rất "kỹ thuật", siêu việt, dành cho một nhóm đệ tử bên cạnh Ngài tại bộ tộc Koliyan, gần ngôi làng Haliddavasana. Bài giảng này giải thích thật chi tiết về bốn phép luyện tập thiền định nhằm mở rộng và biến tâm thức người hành thiền trở thành vô tận và hòa nhập vào một bầu không gian trống không chẳng có gì cả.

            Trái lại bài kinh Sn 1.8 hay Khp 9, tuy cùng nêu lên bốn phẩm tính metta, karuna, mudita và upekkha như trong bài kinh SN 46.54, nhưng chỉ là một bài kệ dùng để tụng niệm. Dầu việc tụng niệm cũng có thể xem là một cách thiền định, thế nhưng chỉ là một cách thiền định gián tiếp, thuộc vào một cấp bậc thấp, không thể so sánh với phương pháp thiền định hướng thẳng vào tâm thức để trực tiếp biến cải tâm thức, như trong bài kinh SN 46.54 trên đây. Do đó có thể nghĩ rằng bài kinh Sn 1.8 hay Khp 9 chỉ là một bản tóm lược bài kinh SN 46.54, với mục đích phổ biến rộng rãi trong dân gian. Bản rút ngắn và đơn giản hóa này có thể là do các đệ tử của Đức Phật thực hiện vào thời đại của Ngài hoặc muộn hơn về sau này. Tuy nhiên cũng có thể xem bài kệ này là do Đức Phật trực tiếp thuyết giảng, nhưng dành cho một cử tọa đại chúng. Dầu sao dường như không có bằng chứng nào cho thấy Đức Phật từng thuyết giảng bằng cách tụng niệm hay bằng văn vần, mà bằng cách giải thích chi tiết và khúc triết hơn về một chủ đề nào đó. Một số các bài kinh - nhất là trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) - dường như đã được đơn giản hóa và chuyển thành văn vần, vào thời đại của Đức Phật hoặc sau đó, nhằm thích nghi hơn với quảng đại quần chúng, nhất là giúp việc học thuộc lòng được dễ dàng hơn. Xin trích dẫn dười đây một bài tụng tiêu biểu của Phật giáo Tây Tạng, nêu lên bốn phẩm tính metta, karuna, mudita và uppekkha (phụ lục I).

            Điểm đáng lưu ý thứ ba là nguyên nhân nào đã đưa đến bài thuyết giảng trên đây của Đức Phật. Vào một buổi sáng, nơi tạm dừng chân của những người tu hành phiêu bạt, cạnh ngôi làng Haliddavasana, có một nhóm người tu hành thuộc các giáo phái khác nêu lên với các đệ tử của Đức Phật về sự tương đồng giữa giáo huấn của vị Gotama và giáo huấn của họ liên quan đến phép thiền định về bốn phẩm tính tinh thần trên đây. Mượn dịp này Đức Phật giải thích thật cặn kẽ và chi tiết cho các đệ tử của mình các phép luyện tập về bốn phẩm tính vô biên. Ngài cho biết là các phép luyện tập ấy sẽ đưa mình đến đâu? Các cấp bậc tâm thức cao nhất nào mà các phép thiền định đó có thể mang lại cho người tu tập? Kết quả và chủ đích của các phép luyện tập ấy là gì? Và chính đấy cũng là những gì mà các giáo phái khác không thể giải đáp được.

            Thật vậy đạo Bà-la-môn và đạo Jain cũng chủ trương thiền định về bốn phẩm tính tâm thức trên đây. Theo các tư liệu ngày nay thì đạo Bà-la-môn cho rằng sự suy tư và chiêm nghiệm - nói chung là thiền định - về bốn thể loại cảm tính "thích thú", "đớn đau", "đạo-đức" và "phi-đạo-đức" sẽ giúp tạo ra trong tâm thần người tu hành các cảm tính nhân từlòng từ biniềm hân hoan và sự thanh thản. Đạo Jain thì chủ trương phải chiêm nghiệm và suy ngẫm về bốn phẩm tính là "tình thân thiện" đối với tất cả chúng sinh (tiếng Phạn là maitri/lòng nhân từ, chữ maitri đồng nghĩa với chữ metta trong tiếng Pali), "niềm hân hoan" khi nhìn vào các chúng sinh khác vượt xa hơn mình trên đường giải thoát (tiếng Phạn là pramoda/sự thích thú, niềm vui sướng), "lòng từ bi" đối với tất cả các chúng sinh bất hạnh (tiếng Phạn và Pali là karuna/sự xót thương), và sau hết là "sự dửng dưng" hay "vô cảm" trước những kẻ kém nhã nhặn, hoặc có các hành vi thiếu đạo đức (tiếng Phạn là madhyasthya/thản nhiên, không chấp nhất). Thế nhưng cả hai tín ngưỡng trên đây đều dừng lại với các cảm tính đó, với các chủ đích đơn giản và hạn hẹp đó.  

            Trong Giáo Huấn của Đức Phật phép thiền định về bốn phẩm tính vô biên sẽ dưa đến bốn cấp bậc lắng sâu của tâm thức gọi là bốn jhana (định hay thiền-na):

1- Cấp bậc thấp nhất là Tình thương yêu hay lỏng từ tâm (Metta). Nhờ vào cách phát huy phẩm tính này, người tỳ-kheo có thể đạt được một cấp bậc tri thức tương quan với phẩm tính đó, nhưng không thể đi xa hơn nếu khả năng nhận thức của mình chưa đủ để đạt được một sự buông xả cao hơn.

2- Cấp bậc của Lòng từ bi (Karuna) cao hơn cấp bậc Từ tâm, thế nhưng người tỳ-kheo cũng chỉ có thể đạt được một cấp bậc tri thức tương quan với phẩm tính đó, nếu sự nhận thức của mình chưa đủ để đạt được một sự buông xả cao hơn.

3- Cấp bậc của Niềm hân hoan (Muditahiện lên trong tâm thức khi ước mong tất cả chúng sinh đều đạt được hạnh phúc, tuy cao hơn cấp bậc của Lòng từ bi nhưng cũng chỉ giúp người tỳ-kheo đạt được một cấp bậc tri thức tương quan với phẩm tính đó, nếu sự nhận thức của mình chưa đủ để đạt được một sự buông xả cao hơn.

4- Sự Thanh thản (Upekkha) hay thể dạng thăng bằng và bình lặng của tâm thức là cấp bậc cao nhất trong số bốn phẩm tính, thế nhưng cũng chỉ mang lại cho người tỳ-kheo một thể dạng tri thức tương quan với phẩm tính đó, nếu sự nhận thức của mình chưa đủ để đạt được một sự buông xả cao hơn.

            Nói chung phép luyện tập về bốn thế dạng vô biên của tâm thức vẫn chưa đủ để mang lại một sự quán thấy xuyên thấu là Vipassana. Trong phần ghi chú bên dưới bản dịch tiếng Anh (phụ lục II), nhà sư Thanissaro Bhikkhu có cho biết là bốn cấp bậc tri thức trên đây tương quan với bốn cấp bậc jhana của tâm thức, tức là bốn cấp bậc lắng sâu tuần tự và liên tục của tâm thức từ thấp đến cao, nhưng chưa đủ để hòa nhập vào các thể dạng jhana vô-hình-tướng..

            Sau hết điều quan trọng hơn cả trong bài kinh này là những lời cảnh giác của Đức Phật về các cách tu tập của chúng ta, dù là dưới hình thức tụng niệmcầu an, cầu siêu, thiền định, nghe giảng, tham gia các khóa ẩn cưtu học hay tham dự các bữa cơm xã hội , v.v.  thì thiết nghĩ cũng nên nhớ lại những lời căn dặn của Đức Phật"Các phép tu tập ấy, các hình thức sinh hoạt ấy, sẽ đưa mình đến đâu? Điểm tột đỉnh của chúng là gì? Kết quả và chủ đích của chúng là gì? Chúng có được kèm thêm với các yếu tố giác ngộ và các phẩm tính khác hay không?"

                              

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 18.02.20

                                                                                                Hoang Phong

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle