Cúng Phật đầu năm

cung phat

CÚNG PHẬT ĐẦU NĂM

Thị Giới

 

Cúng Phật là để tỏ lòng cung kính đối với Phật. Lòng cung kính đó được người Phật tử nuôi dưỡng mọi nơi mọi lúc, và bày tỏ ra hình thức bằng sự cúng dường thực phẩm, ánh sáng, âm thanh, mùi hương... trong những dịp đặc biệt. Và Tết là dịp để người Phật tử Việt Nam bày tỏ lòng cung kính bằng sự cúng dường có hình tướng đó.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng chư Phật đâu có ăn hay hưởng dụng những phẩm vật cúng dường theo cách ăn uống của chúng ta. Mục đích chính của sự cúng dường Phật có thể nói là để làm thăng hoa thân và tâm của chính chúng ta, tạo duyên lành giúp chúng ta tiến trên con đường mở ra tánh Phật vốn có nơi mỗi chúng ta. Trong một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng cúng dường chư Phật là cúng dường tánh Phật của chính chúng ta.

Những lợt ích của việc cúng Phật có thể nêu ra một số như sau:

Bày tỏ lòng cung kính biết ơn đối với những Bậc Giác ngộ, thiện hiền, những bậc thầy đem đến ánh sáng cho chúng ta, làm gương và dạy cho chúng ta con đường hoàn thiện chính mình. Biết ơn là một đức tính tuyệt vời của loài người.

Cúng dường làm cho tâm chúng ta rộng mở, trở nên rộng lượng, để có thể tự lợi, lợi tha.

Bày tỏ sự cung kính đối với Tam bảo có năng lực giảm trừ tâm ngã mạn, làm cho tâm chúng ta khiêm cung, nhu nhuyễn, từ đó có được cuộc sống hòa đồng, an vui.

Cúng dường Phật cũng làm thăng hoa thân tâm chúng ta trên con đường tiến về cứu cánh giải thoát. Bài nguyện hương trong mỗi thời kinh nói lên điều này:

Nguyện hương hoa mầu này

Khắp cùng mười phương cõi

Cúng dường tất cả Phật

Tôn Pháp, các Bồ-tát

Vô biên chúng Thanh văn

Và hết thảy Thánh hiền

Duyên khởi đài sáng chói

Xứng tánh làm việc Phật

Xông khắp các chúng sanh

Đều phát tâm Bồ-đề

Xa lìa các vọng nghiệp

Trọn thành đạo vô thượng.

 

Chúng ta là những người sống trong thế gian với những cộng nghiệp của thế gian. Để sống tu đạo và hành đạo, chúng ta phải ăn uống. Sự ăn uống gắn liền với đời sống của chúng ta, là một phần quan trọng trong đời sống của chúng ta. Vì vậy Phật và chư Tổ đã đưa giáo pháp vào viêc ăn uống như phương tiện thực hành đạo. Từ đó chúng ta có những nghi thức cho việc ăn uống, nghi thức cho việc cúng dường thức ăn. Và sự cúng dường thức ăn lên Phật, Tổ đã trở thành thói quen đối với Phật tử Việt Nam.

Với đạo Phật, cả thân và tâm đều có nhu cầu về thực phẩm. Thân chúng ta biết đói, tâm của chúng ta cũng biết đói. Ví dụ chúng ta cần đọc sách, không có sách thì chúng ta "đói sách". Đọc sách là một thức ăn của tâm. Và sự chọn lựa thức ăn cho thân và tâm để được lợi ích cho sự thăng tiến là cần thiết.

Về thức ăn cho thân và cho tâm, trong kinh Tạp A-hàm, Đức Phật cho chúng ta biết có bốn loại thức ăn. Đó là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.

Đoàn thực là thức ăn vật chất như cơm, cháo, trái cây... Có thể nói thức ăn này là thức ăn nuôi dưỡng sắc thân của chúng ta.

Xúc thực là thức ăn cảm nhận được qua các giác quan mắt tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Có thể nói thức ăn này là thức ăn nuôi dưỡng cảm thọ của chúng ta. Có những cảm thọ kéo chúng ta xuống, có những thọ làm thăng hoa chúng ta.

Tư niệm thực là thức ăn nuôi dưỡng ý chí, tư tưởng của chúng ta. Có những tư tưởng nhận chìm chúng ta, cũng có những tư tưởng làm thăng hóa chúng ta.

Thức thực là thức ăn giữ dòng liên tục của chúng ta trong luân hồi hay giải thoát chúng ta ra khỏi luân hồi....

Như đã nói, cúng dường Phật là cúng dường tánh Phật nơi chúng ta. Lúc chúng ta cúng dưởng cũng là lúc chúng ta nuôi dưỡng tâm chúng ta bằng ba loại thực phẩm xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Và đó là những chất liệu có thể giúp cho thân tâm của chúng ta thăng hoa và tiến về mục đích giải thoát.

Cúng dường Phật, chúng ta cúng dường bằng cả sáu căn và sáu thức ứng với sáu trần. Phẩm vật cúng dường và khung cảnh cúng dường thanh tịnh tạo nên sự thanh tịnh, sáng tỏ cho sáu căn và sáu thức là mục đích cúng dường trong đạo Phật.

Sáu căn và sáu thức của chúng ta vốn thanh tịnh. Giữ chánh niệm khi tiếp xúc với sáu trần, tánh biết không đối tượng của căn có thể đươc nhận ra, và đó có thể là duyên khởi cho sự nhận ra tánh giác. Đó có thể là một nghĩa trong câu "Duyên khởi đài sáng chói" của bài nguyện hương cúng Phật.

Và sự giải thoát thật sự trong đạo Phật là giác ngộ tánh Không. Thức ăn cho sự giải thoát thật sự là thức ăn "tánh Không".

Về thức ăn "tánh Không", có giai thoại thú vị được Ni cô Thích Nữ Huệ Trân kể như sau:

"Hoàng tử Anuruddha chính là Tôn giả A Nậu Lâu Đà trước khi xuất gia. Phụ vương của hoàng tử là em vua Tịnh Phạn, tức phụ vương của Thái tử Tất Đạt Đa, vị Thái tử rời bỏ cung vàng điện ngọc đi tìm đạo cả, rồi đắc đạo, được tôn xưng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

"Cũng như hầu hết các vương tôn công tử dòng dõi đế vương, hoàng tử Anuruddha được thương yêu, chiều chuộng, hưởng thụ mọi của ngon vật lạ thế gian, không hề biết đến những gì là thiếu thốn, đau khổ trên đời.

Thuở ấu thơ, hoàng tử hay chơi trò đánh bài ăn bánh với các vương tôn khác. Thua hay được, đều trả bằng bánh.

Hoàng tử Anuruddha chắc không phải tay đánh bài giỏi nên thường thua nhiều hơn thắng. Một lần, thua hết cả hộp bánh mang theo, hoàng tử bèn bảo quân hầu chạy về cung mẫu hậu xin thêm bánh. Lần đó mẫu hậu cũng hết bánh, nên bảo quân hầu là “Bánh không có!”

Vì luôn muốn gì được nấy, nên hoàng tử tưởng “bánh không có” là tên một loại bánh, chứ không phải là không có bánh! Lúc đó, đã mắc nợ các vương tôn khác khá nhiều nên hoàng tử dục quân hầu:

– Thưa mẫu hậu là “bánh không có” hay bánh gì cũng được, ngươi cứ xin rồi đem mau cho ta!

Mẫu hậu nghe thế, bèn sai thị nữ lấy một cái khay vàng, úp một cái bát vàng lên, rồi bảo quân hầu:

– Đây, bánh đây, hãy mang dâng hoàng tử.

Khi hoàng tử Anuruddha mở cái khay với cái bát không úp lên trên ra, thì … ôi thơm phức! Hoàng tử nếm thử thì …. ôi ngon tuyệt! Đây là chiếc bánh hoàng tử chưa từng được ăn bao giờ! “Bánh không có” này ngon quá, vậy mà tới nay mẫu hậu mới cho ăn!”

(Hoàng tử Anuruddha và chiếc Bánh không có)

Và sau đây là bài thơ cúng Phật đầu năm của một Thiền sư. Ngài cúng Phật bằng sự giác ngộ tánh Không.

Đó là Thiền sư Ryokan, một Thiền sư ẩn sĩ và thi sĩ Nhật Bản sống từ năm 1758 đến năm 1831. Đầu năm, cúng Phật bằng một chiếc bánh vẽ, ngài viết:

Người ta làm

những phẩm vật công phu cúng dường Đức Phật.

Trong căn lều nhỏ

tôi dâng lên

một chiếc bánh vẽ.

(Sửa soạn cho ngày đầu năm)

Ngài Đạo Nguyên (Dōgen) nói về chiếc bánh vẽ:

"Nếu bạn bảo rằng bức họa là không thật, thì thế giới vật chất là không thật, Pháp là không thật. Sự giác ngộ vô thượng là một bức họa. Toàn thế giới hiện tượng (pháp giới) và bầu trời rỗng không không gì khác hơn là một bức họa. Vì vậy, không có thuốc cho việc thỏa mãn cơn đói ngoài chiếc bánh vẽ. Không có sự đói được vẽ ra bạn không bao giờ trở thành một con người thật sự." (Vẽ một chiếc bánh gạo.)

Có nghĩa là chỉ khi nào nhìn thấy được tánh như huyễn của thế giới, nhìn thấy thế giới chỉ là bức họa do tâm thức của chúng ta tạo ra thì khi đó sự đói của chúng ta mới thực sự chấm dứt. Chỉ khi chúng ta nhận ra được tánh Không và sống với tánh Không, thì khi đó chúng ta mới thật sự giải thoát. Dưới đây là một bài kệ trong kinh Hoa nghiêm, cho chúng ta biết rằng thế giới chỉ là bức họa do tâm chúng ta vẽ ra:

Nếu có người muốn biết

Ba đời các Đức Phật

Nên quán tánh pháp giới

Hết thảy do tâm tạo.

Và cúng dường Phật với tánh Không tức sự giải thoát là sự cúng dường hoàn hảo và cao cả nhất.

Trở lại với Tết.

Như đã nói, Tết là dịp để chúng ta cúng dường chư Phật. Là Phật tử thuần thành, chúng ta sẽ cúng Phật bằng toàn thể thân và tâm của chúng ta. Cúng dường với toàn thể thân và tâm là cúng dường bằng giới, định và tuệ. Và Tết tuyền thống cho chúng ta khung cảnh để thực hành sự cúng dường này.

Chúng ta có tục lệ vào ngày đầu năm không đập đổ, không gây sự, không mang những tâm trạng tiêu cực, vui vẻ và ôn nhu với mọi người, mọi loài. Chúng ta cố gắng giữ điều này là chúng ta đã giữ được giới và định. Và chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta làm điều này để cúng dường chư Phật thì công đức cũng không nhỏ. Và những khi dâng phẩm vật lên bàn thờ, chưng một bình hoa, thắp một ngọn đèn, đốt một nén nhang, gửi một tâm niệm..., chúng ta làm với tâm chánh niệm, thanh tịnh như đã đề cập ở trên, khi đó tâm của chúng ta sẽ được hưởng những tinh túy của xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Về thân, chúng ta có thể cố gắng ăn chay trong ngày mồng một, giới hạn sự uống rượu, chơi cờ bạc v.v...

Tết cũng là "thời gian dừng lại" mỗi năm của chúng ta sau khi những lo toan của năm cũ đã được giải quyết và những lo toan cho năm mới chưa bắt đầu. Trong không khí thanh tịnh, an hòa và lắng đọng của những ngày đầu năm, với tâm dừng lại trong thời gian dừng lại này, chúng ta có thể lắng nghe thời gian, lắng nghe không gian, để thấy không gian, thời gian với chúng ta chỉ là một, cũng có nghĩa là tất cả chúng ta chỉ là một, để có thể kết nối và yêu thương nhiều hơn. Và đây cũng là một sự cúng dường tuyệt vời lên Đức Phật.

Cuối cùng xin gởi đến quí vị bài thơ của Thiền sư Mãn Giác thời Lý đế quán niệm về tính an lạc vĩnh hằng trong dòng vô thường của cuộc sống, để chúng ta có đựợc niềm an vui thanh thoát trong những ngày Tết cũng như trong suốt năm mới hay suốt cuộc đời còn lại trước những biển dâu của cuộc thế:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua - sân trước - một cành mai.

(Cáo tật thị chúng, Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác