Tổ Thiệt Thoại- Tánh Tường, Người khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức)

to khai son

TỔ THIỆT THOẠI-TÁNH TƯỜNG,

NGƯỜI KHAI SƠN CHÙA HUÊ NGHIÊM (THỦ ĐỨC)

 

Thích Pháp Trí ( Đoàn Xuân Oánh)[1]

 

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam hơn 2.000 năm, nhưng đến nửa cuối thế kỷ XVII mới truyền vào vùng đất Nam Bộ. Phật giáo ở Miền Nam phát triển cũng nhờ các Thiền sư Trung Hoa sang Việt Nam hoằng hóa, cụ thể  là Tổ sư Nguyên Thiều-Siêu Bạch cùng các đệ tử của Ngài như: Minh Hoằng-Tử Dung (khai sơn chùa Từ Đàm - Huế), Minh Hải-Pháp Bảo ( khai sơn chùa Chúc Thánh - Quảng Nam), Minh Hành-Tại Toại (ở Nhạn Tháp Sơn - Bắc Kỳ), và Minh Vật-Nhất Tri (Chùa Quốc Ân Kim Cang - Đồng Nai). Bốn Thiền sư đều thuộc chi phái Lâm Tế chánh tông, đời thứ 34, truyền thừa theo bài kệ:

祖導戒定宗

方廣證圓通

行超明寔際

了達悟真空.

Âm Hán-Việt:

Tổ đạo giới định tông

Phương quảng chứng viên thông

Hành siêu minh thiệt tế

Liễu đạt ngộ chơn không.

Các Thiền sư này lần lượt khai sáng một số chùa ở Trung và Nam Bộ. Thiền sư Minh Vật-Nhất Tri trong thời gian hoàng hóa ở Đồng Nai (chùa Kim Cang) đã có nhiều đệ tử rạng danh, trong đó có thể kể đến Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (tức Hòa thượng Liên Hoa) trước tu tại chùa Từ Ân (Gia Định): “Hòa thượng Liên Hoa hay Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt là đệ tử của hòa thượng Minh Vật-Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Đồng Nai). Vào giữa thế kỷ XVIII, trong thời Nguyễn vương (Nguyễn Phước Ánh) chống với Tây Sơn, Hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc hoằng hóa ở chùa Từ Ân và Khải Tường ở Gia Định (1744 - 1821), sư Liễu Đạt được cử làm thủ tọa ở chùa Từ Ân và sau được trụ trì chùa Khải Tường”.[2] Sư sau đó được phong Tăng cang chùa Thiên Mụ (Huế). “Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35, là đệ tử của Hòa thượng Minh Vật-Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Ấp Bình Thảo, Đồng Nai)”.[3]

Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường là vị tổ khai sáng chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức). Buổi đầu, chùa chỉ là một thảo am, cách ngôi chùa hiện tại gần 1km về phía trước, mặt quay hướng ra sông. Hiện chùa tọa lạc ở số 204 đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay chùa thường được gọi là chùa Huê Nghiêm I để phân biệt với chùa Huê Nghiêm II ở phường Bình Khánh, quận 2 do HT.Thích Trí Quảng sáng lập năm 1975.

Tìm hiểu về Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường, Trần Hồng Liên, trong một bài viết đăng trên báo Giác Ngộ số 71 năm 1993 đã có đề cập đến. Tuy vậy chúng tôi vẫn muốn một lần nữa ghi lại lịch sử, cũng như những đóng góp của Tổ cho Phật giáo Nam Bộ, đặc biệt vì Tổ còn là người đã khai dựng ngôi chùa Huê Nghiêm, là  ngôi chùa cổ nhất ở đất Gia Định xưa, ngôi chùa đầu tiên góp phần đưa đạo Phật vào Nam Bộ.

Ngài Thiệt Thoại-Tánh Tường là vị Tổ thuộc đời thứ 35 của dòng Lâm Tế chánh tông, sinh năm Tân Dậu 1681 và tịch ngày mồng 7 tháng 10 năm Đinh Sửu 1757, thọ 77 tuổi.

Bắt đầu sự nghiệp hành đạo của mình, Thiền sư đã dừng lại nơi vùng đất Gia Định này để dựng thảo am hoằng pháp, mà ngày nay chính là chùa Huê Nghiêm. “Trên bước đường của một du tăng hoằng hoá, ngài đã trụ lại vùng đất Thủ Đức, khai sáng chùa Huê Nghiêm, bấy giờ thuộc triều đại Lê Huy Tôn, niên hiệu Chính Hòa thứ 12.”[4]

Ngài là một cao tăng uyên thâm Phật pháp, nên trong thời gian hành đạo tại chùa Huê Nghiêm, Ngài đã có được một số đệ tử xứng đáng, sau này trở thành những vị thiền sư có công trong việc hoàng hóa Phật pháp tại khắp vùng đất ở Nam Bộ, đó là các Thiền sư:  Tế Giác-Quảng Châu, Tế Lý-Quảng Đức, Tế Vĩnh-Quảng Nhơn. “Trong số 3 vị này, Thiền sư Tế Lý và Tế Vĩnh đều trụ lại tại chùa Huê Nghiêm, nối tiếp sự nghiệp của bổn sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, phát triển chùa trở thành một ngôi già lam nổi tiếng trong vùng”.[5]

Thiền sư Tế Lý-Quảng Đức và Tế Vĩnh-Quảng Nhơn là hai vị tiếp tục kế vị trụ trì chùa Huê Nghiêm. “Tế Lý-Quảng Đức và Tế Vĩnh-Quảng Nhơn kế thế trụ trì chùa Huê Nghiêm”[6]

Thiền sư Tế Lý-Quảng Đức là một bậc tòng lâm thạch trụ lúc bấy giờ, được nhiều người tôn kính và quy y. Trong số đệ tử của Ngài có Sa-di-ni Liễu Đạo, tự Thành Tâm, thế danh là Nguyễn Thị Hiên. Khi chưa xuất gia bà là người giàu có ở Gia Định và là một Phật tử tín sùng Phật pháp, luôn hộ trì Tam bảo, bố thí người nghèo. Thấy chùa ở nơi trũng thấp và thường bị ngập (chùa cũ), Sa-di-ni Liễu Đạo đã phát tâm hiến đất để dời chùa Huê Nghiêm về nơi gò cao (vị trí chùa hiện nay), đã cho xây dựng lại chùa và chăm lo công việc Phật sự. Hiện tại, bài vị và ảnh họa của Sa-di-ni Liễu Đạo vẫn còn được thờ tại chùa Huê Nghiêm.

Ngoài ra, Thiền sư Tế Lý-Quảng Đức còn có một số đệ tử xuất gia xuất sắc khác, sau này kế vị trụ trì, như ngài Liễu Xuân-Minh Chí. “Sau khi Thiền sư Tế Lý-Quảng Đức viên tịch, đồ chúng lập tháp thờ ở sân phía trước chùa. Đệ tử của Thiền sư Quảng Đức là Liễu Xuân-Minh Chí kế thế trụ trì.”[7] Sau này Hòa thượng Đạt Lý-Huệ Lưu (Lâm Tế đời thứ 38) kế nhiệm trụ trì và có công xiển dương Phật pháp tại đây. Ngoài ra, ngài còn có công sao lục bộ Trường hàng luật.

Còn riêng Thiền sư Tế Giác-Quảng Châu, tức Tiên Giác-Hải Tịnh, là đệ tử của Tổ Thiệt Thoại- Tánh Tường, nhưng không kế nhiệm trụ trì tại Huê Nghiêm, vì đã cùng lúc trụ trì nhiều ngôi chùa có tiếng ở Nam Bộ như  Tổ đình Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Tây An ở núi Sam Châu Đốc…, và đã khai sáng nhiều chùa như Long Vân, Kim Sơn (Gia Định), Linh Nguyên (Đức Hòa, Long An)…

Thiền sư Tế Giác-Quảng Châu, tức Tiên Giác-Hải Tịnh, do thọ giáo hai dòng phái, nên có người đã  cho rằng ngài là đệ tử xuất gia với Tổ Thiệt Thoại - Tánh Tường, cầu pháp với Tổ Linh Nhạc-Phật Ý.

Một quan điểm khác lại cho rằng Tiên Giác-Hải Tịnh là đệ tử xuất gia của Tổ Tông Viên Quang, và là đệ tử cầu pháp của ngài Thiệt Thoại-Tánh Tường.

Tư liệu từ hai đoạn viết dưới đây đã thể hiện rỏ hai quan điểm này.

Trước hết, đó là bài viết của Hòa thượng Thích Trí Quảng trong hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM”. Ở bài viết này Hòa thượng khẳng định rằng Tổ Tế Giác-Quảng Châu đã xuất gia với Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường: “Ngài Tế Giác cảm đức của Tổ Thiệt Thụy-Tánh Tường nên xuất gia với Tổ, học được nhiều đức tính quý báu với bậc thầy đắc đạo. Tuy nhiên, muốn tiến tu, phát huy trí tuệ, ngoài phần sở đắc nội chứng cần thiết phải có, còn phải kết hợp thêm phần sở học. Vì vậy, ngài Tế Giác đã đến tham vấn học đạo với Tổ Phật Ý-Linh Nhạc”.[8]

Còn theo Trần Hồng Liên thì Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh đã cầu pháp với Tổ Thiệt Thoại -Tánh Tường: “Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh, pháp danh Hải Tịnh, húy Tiên Giác, thuộc đời 37 phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên, sau này cầu pháp với Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, được pháp hiệu là Tế Giác và một pháp danh nữa là Quảng Châu, thuộc đời thứ 36 phái Lâm Tế Chánh Tông.”[9]

Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi không có ý định chứng minh ngài Tế Giác-Quảng Châu đã xuất gia hay cầu pháp với ai, mà chỉ muốn khẳng định  rằng Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường là người đã từng hướng dẫn và dạy dỗ cho Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh. Sự thành tựu đạo nghiệp của ngài Tiên Giác-Hải Tịnh là có công lao của Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường đã dày công giáo dưỡng. Chúng ta thấy Thiền sư Tiên Giác là một vị chân tu, khi đến học đạo với Tổ Viên Quang lúc bấy giờ với tư cách giống như huynh đệ, nhưng ngài không tự ái, đã dẹp bỏ bản ngã, hết lòng cầu pháp, nhận Tổ Viên Quang làm thầy và mới có tên là Tiên Giác-Hải Tịnh, theo dòng Lâm Tế Gia Phổ, thuộc bài kệ của Đạo Mân Mộc Trần.

Lúc bấy giờ Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh là bậc long tượng trong Phật pháp được mọi người biết đến và được triều đình Huế phong Tăng cang. “Năm 1825, vua Minh Mạng sắc phong chức Tăng cang cho ngài Tế Giác và bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Mụ ở Huế.”[10]

Sự nghiệp hoằng hóa của Thiền sư Tiên Giác tại kinh đô trải qua biết bao thăng trầm vinh nhục, lúc phong Tăng cang rồi lại bị cách chức, sau lại phục hồi, nhưng với ngài không một chút dao động, vẫn thản nhiên với cuộc đời. Thời gian hành đạo tại cố đô, Thiền sư cũng đã độ được những vị Tăng tài làm rạng danh dòng phái. “Trải qua thời gian hành đạo nơi cố đô, Tổ Tế Giác đã độ được một số cao tăng nỗi tiếng. Tiêu biểu như Hòa thượng khai sơn chùa Tường Vân cảm mến đức hạnh của Tổ, nên đã xin cầu pháp và được Tổ cho pháp hiệu là Liễu Tánh-Huệ Cảnh (thuộc đời thứ 37, tính theo dòng pháp của Lâm Tế Chánh Tông: Tổ Đạo Giới Định Tông. Phương Quảng Chứng Viên Thông. Hành Siêu Minh Thiệt Tế. Liễu Đạt Ngộ Chơn Không). Vị này còn có tên là Tánh Khoát-Đức Giác (thuộc đời 39 của Lâm Tế Thượng Thiệt Diệu Liễu Quán: Thiệt Tế Đại Đạo. Tánh Hải Thanh Trừng. Tâm Nguyên Quảng Nhuận. Đức Bổn Từ Phong).”[11]

Sau khi được khôi phục Tăng cang, với cái nhìn của người ngộ đạo, nhìn xa trông rộng, ngài trở về miền Nam để hành đạo. Trở về vùng đất nơi khai tâm mở tánh ban đầu để hoằng pháp, Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh tức Tế Giác-Quảng Châu đã độ được nhiều đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Trong số các đệ tử rạng danh của ngài mà chúng ta biết có những vị như: ngài Đạo Trung-Thiện Hiếu (còn có biệt danh là Tổ Đỉa), Minh Khiêm-Hoằng Ân, Minh Huyên (Phật Thầy Tây An). Ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân cùng lúc trụ trì hai ngôi chùa Giác Viên và Giác Lâm, và vâng lời sư phụ là Thiền sư Tiên Giác đã hoằng hóa khắp miền Tây Nam Bộ. “Ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân là bậc long tượng, đã phát huy được sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh. Thật vậy, ngài Minh Khiêm một mình, một y, một bát vân du hành đạo khắp miền Tây Nam Bộ.”[12]

Trong hàng hậu học, tiếp nối dòng Lâm Tế Chánh Tông của Tổ Tế Giác, có Tổ Đạt Lý Huệ Lưu. Ngài cũng xuất thân từ chùa Huê Nghiêm và có công sao lục bộ Trường hàng luật và viết tập sách Sám giảng người đời.

Nói đến sự nghiêp hoằng hóa của Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh tức Tế Giác-Quảng Châu để thấy được công hạnh của Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường, người có công khai tâm mở trí thuở ban đầu cho Thiền sư Tiên Giác, để trở thành bậc long tượng trong Phật giáo. “Với công đức ấy, ngài Tế Giác-Quảng Châu hay Tiên Giác-Hải Tịnh đã trở thành Tổ sư của cả 3 tông: Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ và Tế Thượng Chánh Tông. Phải nói đó là một điều hiếm có trong Phật giáo vậy.”[13]

Tổ Thiệt Thoại-Tánh Tường không chỉ khai sơn chùa Huê Nghiêm mà còn khai sơn một ngôi chùa khác tại Bình Dương.“Ngoài việc thành lập chùa Huê Nghiêm, Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường còn khai sáng thêm ngôi chùa ở Thủ Dầu Một, đó là chùa Long Thọ (Phú Cường - Thủ Dầu Một).”[14]

Như vậy chúng ta thấy, Tổ Thiệt Thụy (Thoại)-Tánh Tường là vị cao tăng đã đóng góp nhiều công sức cho việc hoằng pháp tại vùng đất Gia Định, và sau này pháp tử và pháp tôn của ngài cũng đã hoằng pháp khắp cả Miền Nam, làm rạng danh thầy tổ vĩnh chấn tông phong. Ngài có công khai sơn chùa Huê Nghiêm, một ngôi chùa cổ tại vùng đất Gia Định đến nay gần 300 năm tuổi. “Chùa Huê Nghiêm tọa lạc 20/8 đường Đặng Văn Bi, thị trấn Thủ Đức. Chùa được thành lập từ năm 1721, do Tổ Thiệt Thụy (Tánh Tường), khai sáng.”[15]

Sau khi viên tịch, tháp ngài được xây dựng tại chùa Huê Nghiêm. Trên bàn Tổ của chùa Huê Nghiêm có họa ảnh lớn cùa ngài và long vị (có hai long vị một cũ và một mới, đều ghi nội dung như nhau) ghi lại đôi dòng tưởng niệm: “Lâm Tế Chánh Tông, Hoa Nghiêm đường thượng, tam thập ngũ thế, húy Thiệt (Thật) Thụy (Thoại) thượng Tánh hạ Tường lão Hòa thượng giác linh tọa vị”.

Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường đã kế thừa và phát huy một cách có hiệu quả sự nghiệp hoằng pháp của các chư Tổ tiền bối, đồng thời ngài cũng thể hiện được dấu ấn hoằng hóa của các Thiền sư vào Nam Bộ và đã đem lại sự phong phú, đa dạng trong việc phát triển của Phật giáo tại vùng đất Nam Bộ này. Tuy ngài đã hiện tướng Niết-bàn cách đây hơn 200 năm, nhưng hương đức hạnh vẫn còn thơm mãi cho đến hôm nay và mãi về sau./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.HCM.

2.      Trần Hồng Liên (1993),  Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, Giác Ngộ số 71.

3.       Hồng Liên ( 2014), Chư Tiền bối Tổ sư truyền thừa tại Tổ đình Giác Lâm. NXB.Đồng Nai.

4.      Thích Trí Quảng (2002), Tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) và Tổ sư Tế Giác- Quảng Châu, Hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh”, NXB.TP. HCM.

5.      Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993) Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh. NXB.TP.HCM.

 

 


 

[1] Học viên Cao học - Học viện PGVN TP.HCM

[2] Nguyễn Hiền Đức (1995) Lịch Sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.HCM,TP.HCM, tr.231.

[3] Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.HCM,TP.HCM, tr.247.

[4] Trần Hồng Liên ( 1993), Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, Giác Ngộ số 71.

[5] Sđd.

[6] Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.HCM,TP.HCM, tr. 247.

[7] Nguyễn Hiền Đức (1995) Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.HCM, TP.HCM, tr.248.

[8] Thích Trí Quảng (2002), Tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) và Tổ sư Tế Giác-Quảng Châu, Hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh”, NXB.TP. HCM, tr.21.

[9]  Hồng Liên ( 2014), Chư Tiền bối Tổ sư truyền thừa tại Tổ đình Giác Lâm, NXB.Đồng Nai, Đồng Nai, tr.41.

[10] Thích Trí Quảng (2002), Tổ đình Huê Nghiêm(Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) và Tổ sư Tế Giác-Quảng Châu, Hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh”, NXB.TP. HCM, tr.22.

[11] Sđd.

[12] Sđd., tr.24.

[13] Sđd., tr.25.

[14] Trần Hồng Liên (1993), Thiền sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, Giác Ngộ số 71.

[15] Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB.TP.HCM, tr.50

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác