Tám ngọn gió
tam ngon gio
TÁM NGỌN GIÓ
Sri Dhammananda-Thích Trung Hữu dịch
Dẫn nhập
Khi hiểu được bản chất của cuộc đời là Vô thường, Khổ và Vô ngã thì chúng ta sẽ
hành động có mục đích hơn. Nếu không thì chúng ta sẽ luôn sống trong ảo tưởng và
niềm tin mơ hồ về những cái không thật mà coi thường việc phát triển các giá trị
tinh thần cho đến khi quá trễ. Có một câu chuyện ngụ ngôn về tâm lý này của con
người như sau. Có một con ong đang hút mật trong một bông sen. Nó say sưa hút
mật đến nỗi không nhận ra trời đã tối và các cánh sen đang khép lại. Nó bị nhốt
bên trong bông sen nhưng nó không hề thấy lo lắng. Nó tự nhủ rằng thôi thì mình
qua đêm ở đây cũng được. Sáng mai các cánh hoa lại bung ra và mình sẽ được tự
do. Thế nhưng ngay lúc đó có một con voi đi tới, dùng vòi nhổ cây sen lên và ăn
bông sen, trong đó có con ong. Chúng ta cũng như con ong tội nghiệp kia vậy, mơ
giữa ban ngày về một tương lai hay sự nghiệp nào đó cho đến khi nhận ra đó chỉ
là giấc mơ. Chúng ta thường không nhận ra rằng cuộc sống vận hành theo nguyên lý
của nó mà chúng ta không thể ngờ tới hay làm gì được.
Có một lần Đức Phật chỉ thanh gỗ đang trôi dưới sông Hằng nói với các Tỳ-kheo
rằng sự tu tập để đi đến giải thoát của các Tỳ-kheo cũng giống như thanh gỗ đang
trôi ra biển ấy. Thanh gỗ đó có thể bị tấp vô bờ, có thể bị chìm xuống nước, có
thể bị dạt vào hòn đảo nào đó, có thể bị ai đó vớt lên, có thể bị mục nát, có
thể bị nước xoáy… làm cho nó không thể ra đến biển được. Các Tỳ-kheo cũng vậy,
trong quá trình tu tập có thể sẽ gặp những trở ngại ngăn cản họ đi đến giải
thoát cuối cùng. Họ có thể bị dính mắc vào dục lạc, vào danh vọng, vào kiến chấp,
vào bạn bè xấu… làm cho họ bị chệch hướng Niết-bàn.
Nếu thanh gỗ kia muốn ra đến biển cả thì nó phải luôn luôn được trôi giữa dòng.
Cũng vậy, các Tỳ-kheo muốn đi đến biển cả của giải thoát thì họ phải đi theo con
đường Trung đạo và lấy giới, định, huệ làm căn bản. Bất cứ ai muốn tu tập giải
thoát hay chỉ mong một cuộc sống tốt đẹp thì phải hiểu bản thân và hoàn cảnh
xung quanh. Chúng ta đang sống trong một thế giới không ổn định, không hoàn toàn
là hoa hồng nhưng cũng không hoàn toàn là gai nhọn. Hoa hồng thì rất đẹp và thơm
nhưng thân của nó thì đầy những gai nhọn. Đối với những người lạc quan thì thế
giới này là một luống hoa hồng. Còn đối với những người bi quan thì thế giới này
toàn gai. Nhưng những người có đầu óc thực tế thì thấy cả cái được và cái mất
của hoa và gai. Bạn muốn có được hoa hồng thì phải chịu bị gai đâm, nhưng cũng
không vì sợ gai mà người ta không thưởng thức hoa hồng. Một người có trí huệ sẽ
không bị vẻ đẹp của hoa hồng làm cho mê muội mà có cái nhìn như thực: Hoa hồng
chính là hoa hồng. Cũng vậy, khi biết được bản chất của gai, anh ta sẽ thấy gai
chính là gai và sẽ cẩn thận để không bị gai làm cho mình bị thương.
Cũng như quả lắc lúc nào cũng lắc qua lắc lại, tám ngọn gió (bát phong) là những
cặp phạm trù “được và mất, vinh và nhục, khen và chê, vui và buồn” luôn có mặt ở
đời mà bất cứ ai dù muốn dù không cũng phải đối diện trong suốt cuộc đời. Tám
yếu tố này chia làm 4 đôi, trong đó phân nữa là hoa hồng và nữa còn lại là gai.
Sau đây ta thử tìm hiểu để hiểu hơn về chúng.
Được và mất
Đối với các nhà kinh doanh thì được và mất là những thứ rất gần gũi và quen
thuộc với họ. Khi con người được cái gì đó thì họ vui mừng hạnh phúc. Cái được
đó sẽ đem lại cho con người niềm vui nào đó. Đây là điều bình thường không có gì
sai. Cuộc sống mà không có niềm vui thì không đáng sống. Cuộc sống mà không có
niềm vui thì có khác gì đang ở địa ngục chứ. Nhất là trong thế giới tranh đua và
hổn loạn này thì phút giây hạnh phúc thật là cần thiết để mà làm con tim rộn rã.
Hạnh phúc đó, dù là hạnh phúc vật chất, hay tinh thần, dù từ hành vi chân chánh
hay không chân chánh, cũng đem đến cho người ta sự vui tươi và khỏe mạnh. Tuy
nhiên, đối với người Phật tử thì sự giàu có không phải là điều quan trọng nhất.
Người Phật tử, nếu có làm giàu thì cũng phải được làm bằng phương pháp chân
chính, bằng chính trí tuệ và sức lao động của bản thân. Làm giàu bằng cách hãm
hại, lừa gạt hay bốc lột người khác là điều không được khuyến khích trong Phật
giáo. Giàu có không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để phục vụ cho cuộc
sống tốt hơn. Theo đó tiền bạc nên được sử dụng để đem lại cuộc sống ổn định và
thoải mái cho bản thân, gia đình, cha mẹ, người thân và bạn bè; để giúp đỡ những
người đáng giúp cũng như làm nhiệm vụ đối với quốc gia hay đóng góp vào các hoạt
động công ích; và để ủng hộ những người tu hành chân chánh hay những người làm
việc trong lĩnh vực tâm linh vì những người này có chức năng hướng dẫn con người
đi theo con đường chân chánh. Nói chung đồng tiền phải được đánh giá và sử dụng
đúng chức năng và giá trị của nó.
Có khi được thì cũng có khi mất. Đối với những người có ít hiểu biết về bản chất
của cuộc đời thì sự mất mát là rất đau khổ. Khi được thì người ta vui tươi hớn
hở bao nhiêu thì khi mất người ta đau khổ chán nản bấy nhiêu. Có người chịu
không nỗi sự mất mát đến nỗi phải tự sát. Cho nên đối với những cảnh thuận
nghịch của cuộc sống, chúng ta phải can đảm chấp nhận và giữ cho tâm trí được
cân bằng. Tất cả chúng ta đều phải có những lúc lên và xuống khi chiến đấu với
cuộc sống. Nếu chúng ta luôn chuẩn bị tinh thần cho cả cái được và cái mất thì
chúng ta sẽ ít cảm thấy thất vọng hơn. Ví dụ khi món đồ nào đó của ta bị mất
trộm, điều tự nhiên là ta cảm thấy buồn. Nhưng khi buồn như vậy ta cũng đâu có
lấy lại được vật đã bị mất đâu. Chúng ta đối với sự mất mát nên có thái độ…
triết học hơn, thông thoáng hơn, rằng “kẻ trộm kia cần món đồ đó hơn mình. Vậy
hãy để anh ta được toại nguyện”.
Chuyện kể rằng trong những ngày Tết nguyên đán, một đứa bé 11 tuổi nhận được rất
nhiều bao lì xì, nhưng sau đó bị kẻ trộm lẻn vào nhà và trộm hết số tiền đó. Cha
mẹ cậu rất buồn vì tiếc số tiền nhưng cậu bé nói với họ rằng tại sao phải buồn,
vì tiền đó vốn cũng đâu phải của mình. Cho nên thật ra là mình đâu có mất cái
gì. Điều này cho thấy rằng mặc dù cậu bé còn rất nhỏ nhưng cũng đã biết rằng
không nên tiếc nuối những thứ không thuộc về mình, mà dù có tiếc nuối thì cũng
không ích gì, cũng không lấy lại được. Vào thời Đức Phật có một vị phu nhân
thường hay cúng dường thức ăn cho chư Tăng. Một hôm khi đang sớt bát cho chư
Tăng, bà nhận được tin báo là gia đình bà đang có chuyện không may xảy ra. Thế
nhưng bà vẫn bình tĩnh làm công việc đang làm như thể không có chuyện gì xảy ra.
Lúc đó cô người hầu của bà dâng sữa lên cúng cho chư Tăng nhưng vô ý làm rơi vỡ
cái bình sữa. Nghĩ rằng bà sẽ tiếc cái bình nên một vị Tăng đã an ủi bà, nói
rằng mọi vật đều vô thường. Vị phu nhân lễ phép trả lời vị Tỳ-kheo đó rằng,
“Thưa Tôn giả, cái bình này có đáng gì. Con đã nhận được tin báo rằng có một sự
bất hạnh lớn vừa xảy đến với gia đình con, nhưng con vẫn giữ được bình tĩnh và
tiếp tục làm công việc cúng dường. Cái bình này có là gì so với sự bất hạnh kia,
thưa Tôn giả”. Thái độ can đảm của vị phu nhân kia thật đáng nễ biết bao.
Có lần nọ Đức Phật đang đi khất thực trong một ngôi làng. Thiên ma muốn phá Phật
nên tìm cách ngăn không cho người dân cúng dường thức ăn cho Phật. Thấy Phật ôm
bát không trở về, Thiên ma liền hỏi ngạo nghễ rằng Đức Phật có đói bụng và đau
khổ không? Đức Phật đã trang nghiêm trả lời rằng vì Ngài là người đã giải thoát
khỏi mọi sự trở ngại, cho nên cuộc sống của Ngài lúc nào cũng cảm thấy hạnh
phúc. Phật nói thêm rằng người nào cho đi niềm vui thì họ sẽ luôn luôn được vui
sướng như chư thiên ở cõi trời Quang Âm Thiên vậy (Radiant realm). Một lần khác,
Đức Phật và chư Tăng an cư mùa mưa tại một ngôi làng nọ theo lời mời của một gia
chủ Bà-la-môn. Nhưng người Bà-la-môn đó đã quên làm nhiệm vụ của mình cho nên
suốt ba tháng hạ Đức Phật và chư Tăng không có gì để ăn, đành ăn lúa ngựa do một
người chăn ngựa cúng. Chúng ta phải cố gắng học cách chấp nhận sự mất mát một
cách can đảm và vui vẻ, bởi vì sự mất mát không phải chỉ xảy ra một hai lần
trong đời mà là rất thường xuyên. Chúng ta cần phải đối diện với chúng với tâm
trạng hỷ xả và coi đó như là cơ hội để tu tập và phát triển phẩm chất cao thượng
của mình.
Vinh và nhục
Vinh và nhục cũng là những điều không thể tránh khỏi trong trong thế giới nhân
duyên này. Khi được vinh quang, chúng ta vui mừng, còn khi bị sỉ nhục thì chúng
ta buồn tủi. Vinh quang làm tim ta rộn rã còn nhục nhã làm ta u sầu. Hình như ai
cũng muốn mình được nổi tiếng, muốn được thấy hình của mình trên những trang
báo. Chúng ta cảm thấy vô cùng sung sướng khi thấy những hoạt động của ta, dù
chẳng đáng là gì, được đưa ra cho công chúng biết. Có người còn tìm mọi cách để
được xuất hiện trước công chúng hay trên báo đài, như cố tình tạo ra xì-căng-đan
để được mọi người chú ý tới mình, hay lo lót cho những người có thế lực trong
ngành truyền thông. Vì để được nổi tiếng mà một số người đã thể hiện sự hào
phóng của họ nơi công cộng nhưng lại hoàn toàn vô cảm với người nghèo và những
người hàng xóm cần được giúp đỡ. Sự hào phóng của họ xuất phát từ động cơ ích kỷ
bên trong.
Thật ra chúng ta không cần theo đuổi danh tiếng. Nếu chúng ta xứng đáng với danh
tiếng thì nó sẽ tự nhiên đến với ta. Hữu xạ tự nhiên hương. Những bông hoa hấp
dẫn đàn ong bướm bởi hương thơm và mật ngọt của chúng. Chúng không cần mời mọc
nhưng ong bướm vẫn tìm tới. Nếu chúng ta xứng đáng thì danh tiếng sẽ đến với ta
và tiếng tốt của ta sẽ bay xa như “hương người đức hạnh, ngược gió bay muôn nơi”
(kinh Pháp cú). Nhưng chúng ta phải biết rằng những thứ như vinh quang,
danh tiếng, danh dự cũng vô thường như bao nhiêu vật hữu vi khác trên đời. Tổng
thống Mỹ Abraham Lincoln nói rằng, “Hãy tránh sự nổi tiếng nếu bạn muốn bình
yên”.
Ở trên là vinh quang, thế còn sự nhục nhã thì sao? Thật là khó chịu phải không,
dù chỉ nghe hay nghĩ đến. Ít nhiều gì thì những lời cay nghiệt cũng tác động và
làm xáo trộn tâm trí của ta. Nếu đó là tin đồn thất thiệt nhằm bôi nhọ ta thì
lại càng cảm thấy khó chịu hơn. Thường thì người ta phải mất vài năm mới xây
dựng xong một lâu đài. Nhưng với những loại vũ khí hiện đại như hiện nay, nó có
thể hủy diệt tòa lâu đài ấy chỉ trong nháy mắt. Và thường thì người ta cũng phải
mất nhiều năm, hay thậm chí cả cuộc đời để xây dựng danh tiếng cho mình nhưng
chỉ cần một vết nhơ thôi thì thanh danh cả đời đó cũng bỗng chốc tan thành mây
khói. Không có ai trong cuộc sống này mà không bị tấn công, chỉ trích và sỉ
nhục, kể cả Đức Phật. Đức Phật là một bật thầy được nhiều người kính trọng nhưng
cũng là người chịu nhiều phỉ báng nhất vào thời đó. Những người vĩ đại thì
thường được nhiều người biết đến, theo cả hai cách hâm mộ và ganh tỵ. Chính Đức
Phật có lần bị những người ganh ghét Ngài phao tin đồn rằng Ngài và chư Tăng đã
ám sát một phụ nữ thường lui tới tinh xá, và chôn xác cô ta trong tinh xá. Tất
nhiên sau đó họ phải thừa nhận rằng chính họ là thủ phạm giết cô gái để vu oan
cho Đức Phật và chư Tăng. Khi Đức Phật trở nên nổi tiếng, được nhiều người kính
trọng và cúng dường thì cũng bắt đầu có nhiều người ganh ghét, vu cáo Ngài đủ
điều. Thậm chí đệ tử, cũng là anh em chú bác với Đức Phật là Devadatta
(Đề-bà-đạt-đa) còn âm mưu giết Ngài nữa. Nhưng tất cả sự vu cáo và hãm hại đó
đều thất bại. Đấy, một người hoàn hảo và thánh thiện như Đức Phật mà còn bị
những tai nạn như thế thì chúng ta là hạng người nào mà muốn cuộc sống chỉ có
bình yên?
Bạn càng đi lên cao thì càng nhiều người nhìn thấy bạn. Nhưng họ chỉ thấy cái
lưng của bạn chứ không thấy phần ngực bạn. Cái thế giới nhiều chuyện này sẽ rất
tận tình soi mói những khuyết điểm nhỏ nhất của bạn nhưng lại cố tình làm ngơ
những cái tốt của bạn dù nó có sờ sờ ra trước mắt họ. Cái quạt thì sẽ quạt đi
phần trấu mà giữ lại phần hạt. Còn cái lọc thì sẽ giữ lại phần thô mà cho chảy
qua phần nước cốt. Người có văn hóa sẽ giữ phần tinh hoa mà bỏ đi phần cặn bã.
Trong khi người không có văn hóa thì giữ lại phần thô mà bỏ đi phần tinh hoa.
Cuộc sống rất đa dạng và có nhiều hạng người khác nhau. Thanh tao cũng có mà cặn
bã cũng có. Chúng ta không cần phải mất thời gian để đính chính những tin đồn
thất thiệt, trừ trường hợp bắt buộc cần phải làm rõ. Kẻ thù của bạn sẽ vô cùng
sung sướng khi nhìn thấy bạn bị tổn thương, đau khổ. Đó là điều mà anh ta thật
sự mong đợi. Cho nên tốt nhất bạn nên bỏ ngoài tai những lời dèm pha kia. Không
ai có thể ngăn không cho tin đồn xuất hiện, bởi vì miệng là của người ta mà. Cho
nên trước những tin đồn hay lời chỉ trích, hủy nhục của người khác, dù là cố
tình hay vô ý, tốt nhất chúng ta nên xem mình như người điếc không nghe thấy gì.
Hoặc nếu có nghe thì nên nghĩ rằng chắc là họ đang nói ai đó trùng tên với mình
thôi. Hoặc nếu biết rằng họ nói mình thì nên cư xử như Đức Phật: "Ông đem lễ vật
biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không? Ðáp:
Về chứ. Ta bảo: Nay ông mắng Ta, Ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân,
giống như vang theo tiếng, bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi”.
Đường đời này đầy chông gai sỏi đá. Chúng ta không thể cán nhựa tất cả mọi con
đường. Tốt nhất là chúng ta hãy mang giày vào để bảo vệ chân mình cho khỏi bị
tổn hại và mạnh dạn bước đi. Hãy như sư tử không run sợ trước những âm thanh,
như gió không vướng vào mắt lưới, như hoa sen không bị bùn làm cho ô nhiễm. Hãy
dạo bước một mình như chúa sơn lâm không hề sợ hãi. Trong thế giới này, chúng ta
có thể nghe những tin đồn ác ý, những kết luận sai sự thật, hay những lời cay
nghiệt từ miệng lưỡi thế gian. Nhưng hãy như loài sư tử, chúng ta không thèm để
ý tới chúng. Và thì chúng sẽ kết thúc nơi chúng bắt đầu. Chó sủa mặc chó, đường
ta ta cứ đi. Chúng ta đang sống trong thế giới bùn nhơ, nhưng hoa sen vẫn lớn
lên trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm, ngược lại, chúng tỏa hương và
điểm tô cuộc đời. Chúng ta cũng có thể giống như hoa sen, sống một cuộc đời cao
thượng và thanh thoát mặc cho cuộc đời vẫn thỉnh thoảng ném bùn vào ta.
Mặc dù không dễ, nhưng chúng ta nên cố gắng ít dính mắc vào đời. Chúng ta đến
một mình và ra đi một mình. Sự không dính mắc, không mong cầu sẽ giúp cho tâm
hồn ta yên tĩnh. Có một điều khá mỉa mai là những người vĩ đại thường hay bị vu
khống, hủy nhục, và thậm chí sát hại. Socrates bị ép uống thuốc độc trong tù,
Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá, Thánh Gandhi bị bắn chết… Bernard Shaw
nhận xét rằng “làm người tốt thật nguy hiểm”. Nếu những vĩ nhân còn chết vì niềm
tin của họ thì chúng ta là ai mà phàn nàn rằng tại sao lòng tốt của ta lại không
được đáp đền xứng đáng? Vâng, thật là nguy hiểm để làm người tốt. Nhưng lịch sử
không thiếu những người tốt như thế. Họ có thể bị chỉ trích, bị tấn công hay bị
giết, nhưng sau khi chết họ được vinh danh và phong thánh khi người đời nhận ra
công lao của họ. Thật ra những vĩ nhân không màng đến danh tiếng hay chê bai của
người đời. Họ không tức giận khi bị chi trích cũng không sung sướng khi được tán
dương. Họ chỉ làm những gì họ thấy cần làm mà không bận lòng người đời có nhận
ra sự cống hiến của mình hay không.
Khen và chê
Khi được khen thì chúng ta cảm thấy hưng phấn, còn khi bị chê thì chúng ta cảm
thấy sầu não. Giữa khen và chê, Đức Phật dạy phải giữ tâm bình thản, không quá
vui cũng không quá buồn, cũng như tảng đá kiên cố không bị lay động trước gió.
Lời khen, nếu là thật lòng thì ta trân trọng. Còn không thật lòng thì đó là lời
xu nịnh để lừa dối người. Nhưng dù trường hợp nào, ta cũng chỉ xem đó như những
âm thanh trong gió, tốt nhất là đừng để bị tác động. Thông thường một lời khen
có dư âm rất lâu dài. Và người ta rất dễ đạt được sở cầu của mình qua lời khen.
Một lời khen chân thành đủ để thu hút người nghe ngay cả khi nó chưa được nói
ra. Khi bắt đầu nói chuyện, nếu ta khen khán thính giả thì ta sẽ được họ lắng
nghe. Ngược lại nếu ta phê bình họ thì sự phản ứng sẽ rất tiêu cực. Tất nhiên
lời khen phải chứa đựng sự chân thành. Người có học thức sẽ nhận ra và không
chấp nhận những lời nịnh hót. Những người chân thành, khi khen là họ khen thật
lòng mà không có tâm đố kỵ. Còn nếu như họ có phê bình thì cũng phê bình với
lòng từ bi nhằm làm cho đối tượng được tốt hơn. Bởi vì như Malclim Forbes nói,
“Nếu không có phê bình thì bạn sẽ không có thành công”.
Đức Phật dạy rằng, “Người nói nhiều cũng bị chê, nói ít cũng bị chê, không nói
cũng bị chê. Trên đời này không ai là không bị chê cả”. Chê bai dường như là di
sản thế giới của nhân loại. Đa số con người đều có khuynh hướng tìm lỗi của
người khác nhưng không quan tâm đến cái hay cái đẹp của họ. Có khi chúng ta làm
việc tốt nhưng bị nghi ngờ là chúng ta làm với động cơ không tốt. Có khi chúng
ta cố gắng giúp đỡ người khác, gánh nợ cho bạn bè khi họ gặp khó khăn nhưng họ
vẫn tìm lỗi của ta và quay lưng khi ta sa cơ thất thế cần được giúp đỡ. Những
người mạ lị Đức Phật thường là kẻ xấu. Nhưng Đức Phật như con voi chúa trên
chiến trường chịu đựng được tất cả những mũi tên hướng về mình. Ngài chịu đựng
được tất cả những lời phỉ báng với tâm bình thản. Đức Phật không tức giận, không
buồn phiền cũng khôg trả thù những người chê bai hay phỉ báng Ngài. Bởi vì Ngài
cho rằng, “Hận thù diệt hận thù/ Đời này không thể có/ Từ bi diệt hận thù/ Là
định luật ngàn thu”. Không có bậc thầy tôn giáo nào nhận được nhiều lời khen và
cũng thật nhiều lời phỉ báng như Đức Phật. Càng làm việc bạn càng vĩ đại. Càng
vĩ đại bạn càng bị phê bình và chỉ trích. Nên nhớ rằng, “Lăng mạ người khác là
vũ khí của những kẻ tầm thường”.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates có một người vợ rất cay nghiệt, thường hay chửi
bới ông, nhất là khi ông đi ra ngoài để giúp đỡ người khác. Nhưng có một lần bà
bận làm một việc quan trọng nên quên chửi Socrates khi ông đi ra ngoài. Socrates
rời khỏi nhà với gương mặt buồn. Bạn bè ông thấy vậy mới hỏi có chuyện gì mà ông
lại buồn như vậy. Socrates trả lời rằng vì hôm nay ông không được vợ chửi. Rồi
ông giải thích rằng khị bị vợ chửi, ông coi đó là cơ hội để thực tập tính nhẫn
nhục. Hôm nay ông đã mất cái cơ hội được thực tập đó nên ông buồn. Quả thật đây
là một bài học đáng ghi nhớ cho tất cả chúng ta. Khi bị chê bai hay sỉ vả, thay
vì phản kháng để tự vệ, chúng ta nên nghĩ đó là cơ hội tốt để cho mình thực tập
tính nhẫn nhục vậy.
Hạnh phúc và khổ đau
Hạnh phúc và khổ đau là cặp phạm trù tác động lên con người rất mạnh liệt. Những
gì làm cho ta dễ chịu là hạnh phúc, còn những gì làm cho ta khó chịu là đau khổ.
Hạnh phúc thông thường là được thỏa mãn những ham muốn. Tuy nhiên, sự ham muốn
của con người thì không có giới hạn. Lòng tham không đáy. Khi ham muốn này được
đáp ứng thì ta lại có ham muốn khác.
Sự hưởng thụ của con người chung quy không ngoài ngũ dục lạc. Ngũ dục lạc là
hạnh phúc cao nhất mà cũng là duy nhất của một người bình thường. Tuy nhiên hạnh
phúc này rất hảo huyền và không chắc chắn. Vật chất có thể đem đến cho người ta
hạnh phúc chân thật không? Nếu có thì tại sao những người có nhiều tiền vẫn có
điều bất mãn trong cuộc sống. Ở những nước phát triển, nơi mà vật chất đạt đến
đỉnh cao, nhưng không phải người dân nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Rõ ràng, chỉ
vật chất không thôi không thể đưa con người đến hạnh phúc viên mãn.
Tiền bạc không làm cho người ta hạnh phúc, vậy sự thống trị thiên hạ có làm cho
người ta hạnh phúc không? Alexander đại đế chinh phục gần như toàn thế giới
nhưng ông ta có hạnh phúc không?
Khi đọc những trang sử hiện đại, chúng ta kinh hoàng khi biết hàng triệu người
vô tội bị giết bởi các nhà lãnh đạo độc tài như Pol Pot, Idi Amin, Hitler. Họ
tin rằng họ có thể tạo ra một thế giới mới bằng cách loại trừ những người không
giống họ, những người mà họ cho là hạ đẳng. Nhưng họ đã đạt được gì? Cả thế giới
phê phán và nguyền rủa họ. Thường thì cuộc sống của các chính khách, người có
quyền lực lớn, rất không an toàn, mà trường hợp của Thánh Gandhi và Tổng thống
Mỹ John Kennedy là những ví dụ. Hạnh phúc thật sự chỉ có thể được tìm thấy bên
trong (nội tâm) chứ không phải được định nghĩa bằng những khái niệm như tiền
bạc, quyền lực, vinh quang hay chinh phục lãnh thổ. Nếu những sở hữu có được do
quyền lực, bất công, gian dối thì chúng sẽ là nguồn gốc đau khổ cho người sở hữu
chúng.
Những gì mà người này cho là hạnh phúc chưa chắc là hạnh phúc đối với người
khác. Rượu thịt đối với người này là ngon nhưng có thể là thuốc độc đối với
người kia. Đức Phật dạy có 4 loại hạnh phúc thế gian. Một là hạnh phúc có được
tài sản, bao gồm tiền của, sức khỏe, tuổi thọ, sức mạnh, vẻ đẹp, con cái… Hai là
hạnh phúc do biết cách hưởng thụ những sở hữu của mình. Người bình thường thì ai
cũng thích hưởng thụ. Đức Phật không khuyên tất cả mọi người phải từ bỏ niềm vui
thế gian nhưng phải biết cách hưởng thụ để không đem lại đau khổ. Hưởng thụ
không chỉ cho riêng mình mà còn nên chia sẻ và giúp đỡ người khác. Miếng ăn,
chúng ta ăn qua cổ họng là hết, nhưng nếu ta chia sẻ với người khác thì sẽ còn
mãi. Những gì chúng ta cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Chúng ta sẽ được người
đời nhớ mãi về những điều tốt đẹp mà ta đã làm cho thế giới này. Tiên tri
Mohammad nói rằng, “Những gì mà ta có thể tuyên bố là của ta thật sự là những gì
mà ta cho đi”. Thứ ba là hạnh phúc của không mắc nợ. Nếu ta sống tiết kiệm và
bằng lòng với những gì ta có thì ta sẽ không mắc nợ. Người mắc nợ luôn sống
trong tình trạng lo âu và mặc cảm, nhất là với người chủ nợ. Mặc dù có nghèo,
nhưng nếu ta không bị mắc nợ thì ta cũng thấy tinh thần mình nhẹ nhàng, thư
thái, không bị ai chê trách. Sống mà không bị chê trách thì còn hạnh phúc nào
bằng chứ. Người không bị chê trách không chỉ tự bản thân anh ta có niềm vui mà
còn ảnh hưởng tích cực đến người khác bằng từ trường của hạnh phúc mà anh ta lan
tỏa ra xung quanh.
Đa số mọi người vui thích với niềm vui vật chất của ngũ dục lạc nhưng cũng có
một số người tìm thấy niềm vui trong sự xả ly, từ bỏ. Không tham ái hay vượt lên
trên niềm vui vật chất là hạnh phúc thuộc về tinh thần. Hạnh phúc thông thường
của mọi người cũng tốt nhưng nó thường kèm theo đau khổ mà không phải ai cũng
chịu đựng được. Đau khổ đến từ nhiều phía, từ tuổi già, từ bệnh tật, từ sự thay
đổi, mất mát… Khi bị bệnh, chúng ta nên học cách chấp nhận và tự an ủi mình bằng
cách nghĩ rằng bệnh như vậy là nhẹ rồi chứ không may mà bệnh nặng hơn nữa chắc
chết. Phải chia cách với những người thân yêu của mình cũng là một nỗi khổ.
Nhưng ta nên nghĩ rằng mọi nhân duyên đều có lúc phải kết thúc như thế. Đây là
cơ hội để cho ta thực tập tính buông xả. Hoặc chúng ta có thể nghĩ rằng đây là
kết quả của nghiệp mà ta đã tạo trước đây. Nói chung, trong cuộc sống, những cái
bất như ý xảy ra thường xuyên hơn những điều như ý, cho nên ta phải học cách
thích nghi và vượt qua trở ngại. Có câu nói rằng, “Khi ta cười, thế giới sẽ cười
với ta. Nhưng khi ta khóc thì ta khóc một mình”. Ngay cả Đức Phật là một người
đã đoạn trừ tất cả phiền não và nghiệp báo mà còn phải bị đau bệnh và tai nạn.
Ngài bị nhức đầu, bị đau lưng, bị Đề-bà-đạt-đa lăn đá làm chân bị thương. Ngài
phải sống một mình trong rừng suốt ba tháng khi những Tỳ-kheo ở Kosambi chia rẻ
và không nghe lời Ngài… Dù hoàn cảnh thế nào thì Đức Phật vẫn không hề dao động.
Giữa đau khổ và hạnh phúc, Bậc Đạo Sư luôn giữ tâm bình thản. Và chết có lẽ là
điều đau khổ nhất của tất cả mọi người. Một số cái chết rất khó chịu đựng. Nhưng
ai cũng phải chết, không có ngoại lệ, hoặc sớm hoặc muộn, hoặc kiểu này hoặc
kiểu khác. Như trái cây chính thì phải rụng, mặt trời mọc thì phải lặn, hoa nở
buổi sáng rồi tàn buổi chiều. Đã biết không thể tránh khỏi thì nên học cách
buông xả để khi vô thường đến ta không sợ hãi, hoang mang.
Kết luận:
Trong kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, Đức Phật dạy về tám ngọn gió này
rằng: “Ở đời có tám việc, chúng sanh xoay chuyển theo đó. Thế nào là tám? Một là
được, hai là mất, ba là vinh, bốn là nhục, năm là khen, sáu là chê, bảy là khổ,
và tám là lạc. Như thế, này Tỳ-kheo, tám việc này tùy theo đời xoay chuyển. Này
các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện trừ tám việc này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên
học điều này!” Ngài cũng dạy rằng, “Khi tiếp xúc với cảnh trần, tâm của vị A la
hán không bao giờ dao động”. Giữa được và mất, vinh và nhục, khen và chê, hạnh
phúc và khổ đau, chúng ta hãy duy trì trạng thái cân bằng của tâm. Có lẽ ta nên
học theo hạnh của đất:
Như mặt đất
Bất cứ vật gì quăng xuống
Dù sạch hay dơ
Dù thơm hay thối
Đất vẫn xem như nhau
Không giận hờn cũng không hoan hỷ
Cũng vậy, trước xấu và tốt
Ta hãy giữ tâm thật yên bình.