Karuna và tiếng hát của một bà lão ăn xin
Karuna và tiếng hát của một bà l
Karuna và tiếng hát của một bà lão ăn xin
Hoang Phong
Karuna là tiếng Pa-li và tiếng Phạn, kinh sách Hán ngữ
gọi là "Từ bi" (慈悲).
Qua hình ảnh của người Bồ-tát, Karuna hay Từ bi được xem là lý
tưởng của toàn bộ Đại thừa, ngang hàng với Trí tuệ. Bồ-tát Quán Thế Âm là vị Bồ-tát
tiêu biểu nhất cho lý tưởng đó. Thế nhưng cũng nên hiểu rằng Karuna không
phải chỉ là vốn liếng riêng của Đại thừa mà còn là cốt lõi trong việc tu tập của
Phật giáo Theravada. Phép tu tập đó của Phật giáo Theravada được nêu lên trong
một khái niệm thật quan trọng gọi là "Bốn phẩm tính vô biên của tâm thức",
tiếng Pa-li là Cattari brahmavihara, nguyên nghĩa là "Bốn lãnh vực an
trú tối thượng", đó là: lòng "Nhân ái" (tiếng Pa-li: Metta),
lòng "Từ bi" (Karuna), niềm "Hân hoan" (Mudita) và
sự"Thanh thản" (Upekkha). Phát huy bốn thể dạng tâm thức trên đây
là một phép tu tập "cụ thể", cho thấy một sự "cân bằng" nào đó đối với phép tu
tập tập trung vào Trí tuệ, còn gọi là Tu tuệ, mang tính cách trừu tượng và lý
thuyết hơn. Nói chung tình thương yêu chúng sinh thể hiện qua bốn thể dạng vô
biên của tâm thức trên đây sẽ tạo ra một bầu không gian rộng lớn bao trùm và
bàng bạc trong Phật giáo, và tỏa rộng bên trong bầu không gian đó là Trí tuệ.
Bốn phẩm tính của phép tu tập trên đây là: Lòng nhân ái vô biên là
niềm "ước vọng tất cả chúng sinh đều tìm được hạnh phúc và nhận thấy được cả các
nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho mình"; Lòng từ bi vô biên là niềm "mong
ước tất cả chúng sinh đều vượt thoát mọi khổ đau và cả các nguyên nhân mang lại
khổ đau cho mình"; Niềm hân hoan vô biên là tình thương yêu và vui sướng
khi "ước mong tất cả chúng sinh đều đạt được hạnh phúc lâu bền, không còn vướng
mắc một thứ khổ đau nào"; và sau hết là Sự thanh thản vô biên là "niềm
ước vọng tất cả chúng sinh đều được bình đẳng và ngang hàng nhau" (tiếng Anh là
equanimity), niềm ước vọng đó sẽ mang lại cho mình sự thanh thản mênh mông và
một niềm an vui tỏa rộng, không còn phân biệt, bám víu hay ghét bỏ bất cứ một
thứ gì",
Kinh sách Hán ngữ gọi khái niệm về Bốn phẩm tính vô biên trên
đây là Tứ vô lượng tâm và bốn phẩm tính vô biên thì gọi là: Từ, Bi, Hỉ vàXả.
Cách dịch sang tiếng Hán này có thể khiến một số người hiểu sai, nhất là đối với
hai phẩm tính sau cùng là hỉ và xả. Chữ hỉ đôi khi được
ghép với chữ hoan và trở thành hoan hỉ với ý nghĩa là "vui lòng"
hay "sẵn lòng" làm một việc gì đó. Mặt khác hai phẩm tính sau cùng này tức là hỉ và xảđôi
khi cũng được ghép chung với nhau tạo ra một thuật ngữ mới là hỷ xả với ý
nghĩa là "tha thứ" hay "bỏ qua" một chuyện gì đó mang tính cách tiêu cực. Do vậy
các thuật ngữ hoan hỉ và hỷ xả trên đây chẳng những không liên hệ
gì đến khái niệm về Bốn phẩm tính của tâm thức mà còn bị lạm dụng và trở
thành sáo ngữ.
Tóm lại bốn ước vọng trên đây là một phép thiền định nhằm tinh khiết
hóa tâm thức, tức có nghĩa là hóa giải thái độ hẹp hòi, dửng dưng, và ích kỷ
phát sinh từ các thứ bản năng của sự sống. Các phẩm tính vô biên mang lại từ bốn
ước vọng đó là thức ăn nuôi dưỡng tâm thức mình và cũng là cách làm hiển lộ sự
giác ngộ bên trong chính mình. Trong số bốn phẩm tính trên đây của tâm thức thì
dường như Lòng từ bi vô biên (tiếng Pa-li:Karuna apparamanna) là
phẩm tính quan trọng hơn cả vì phẩm tính này không những giúp người tu tập cảm
nhận được sâu xa hơn thực trạng khổ đau cùng khắp của chúng sinh mà còn ý thức
được cả bổn phận mình trước thực trạng đó. Thái tử Tất-đạt-đa sau khi nhận thấy
tình trạng khổ đau mênh mông đó của con người đã từ bỏ gia đình, danh vọng và
quyền lực để mưu cầu một giải pháp hầu đương đầu với tình trạng khổ đau mang
tính cách hiện sinh đó. Phải chăng Karuna apparamanna hay Lòng từ bi
vô biên chính là động lực sâu xa đã biến thái tử Tất-đạt-đa trở thành một vị
Phật? Bốn phẩm tính vô biên của tâm thức được Đức Phật trực tiếp thuyết
giảng trong một số bài kinh, chẳng hạn như Brahmavihara-Sutta/Kinh về [bốn]
nơi an trú tối thượng (Anguttara Nikaya/Tăng chi bộ kinh, AN 10.208, AN
4.125, Metta Sutta/Kinh về Lòng nhân ái (Samyutta Nikaya/Tương ưng bộ
kinh, SN 46.54), và gián tiếp hơn trong một số các kinh khác,
Sau này khi Giáo Huấn của Đức Phật được diễn đạt rộng rãi hơn qua sự
phát triển của Đại thừa thì nhiều sáng kiến tu tập về lòng từ bi cũng được đề
nghị thêm, chẳng hạn như phương pháp Tonglen trong Phật giáo Tây Tạng. Đó
là phương pháp "nhận chịu khổ đau của người khác" và "hiến dâng niềm an vui và
hạnh phúc của mình cho họ". Nhận chịu khổ đau của người khác không có nghĩa là
mình sẽ cảm thấy đớn đau cụ thể và thật sự như chính họ, hoặc lây nhiễm bệnh tật
của họ, mà chỉ là cách mang các thứ ấy vào bên trong chính mình qua hơi thở vào
dưới hình thức các xúc cảm từ bi, sau đó là tinh khiết hóa chúng, chuyển chúng
trở thành những niềm hạnh phúc và an vui để trao trả lại cho họ. Sự tinh lọc khổ
đau đó của người khác thật ra cũng là một cách loại bỏ cái tôi hay cái ngã của
chính mình, tức là các karma hay nghiệp tồn lưu bên trong tâm thức của
mình. Qua một góc nhìn khác thì những gì mà mình trao trả cho kẻ khác là Phật
tính hiển lộ bên trong tâm thức của chính mình. Sự trao trả đó là một cách "hồi
hướng" công đức mình cho những kẻ đang phải gánh chịu khổ đau. Tonglen là
một phương phép thiền định siêu việt, đòi hỏi một sự luyện tập kiên trì, vậy
chúng ta hãy thử tìm một phương pháp giản dị hơn, tuy không sánh bằng thế nhưng
biết đâu cũng có thể là dễ thực hiện hơn chăng? Trong chiều hướng đó tôi xin mạn
phép thuật lại một câu chuyện nhỏ về một đứa bé và bà lão ăn xin dưới đây.
Năm tôi lên mười, nhà cha mẹ tôi ở trong một con hẻm nơi một khu phố
đông đúc. Thỉnh thoảng có một bà lão ăn xin mù lòa hát rong đi vào xóm. Bà vừa
khua gậy lần từng bước một, vừa ê a "hát" lên các câu chuyện cổ tích, hoặc than
vãn thân phận mình nơi làng quê: chiến tranh, nhà cửa cháy rụi, ruộng vườn tan
hoang, bà lưu lạc đến đây, mù lòa, không nơi nương tựa ... Cứ mỗi lần nghe thấy
văng vẳng từ xa tiếng hát của bà thì mẹ tôi liền kéo hộc bàn đưa cho tôi vài cắc
để mang cho bà lão.
Một hôm tôi hỏi mẹ: "Tại sao cứ mỗi lần nghe thấy tiếng hát của
bà lão ăn xin thì mẹ lại sai con mang tiền cho bà ấy?". Mẹ tôi không trả lời
mà hỏi lại tôi như thế này: "Vậy thì con ăn mỗi ngày mấy lần?". Thuở bấy
giờ nào tôi có đủ sức để hiểu hết được ý nghĩa của lời dạy bảo ấy đâu. Các câu
chuyện cổ tích của bà lão thì tôi cũng đã từng được nghe, các cuộc chiến tranh
thì tôi cũng đã từng được nếm, thế nhưng âm hưởng vang vọng trong tiếng hát hay
tiếng than vãn của bà lão dường như có một chút gì đó thật mê hoặc và đã ám ảnh
tâm trí tôi. Lâu lâu không thấy bà lão đi vào xóm thì tôi cảm thấy thiếu vắng
một chút gì đó trong lòng mà tôi không
hiểu được hết. Sau này lớn lên tôi mới ý thức được phía sau những tiếng hát rong
đó của bà lão ăn xin là cả một niềm đau đớn mênh mông, và một chút gì thiếu vắng
trong tôi chính là tình thương của tôi đối với bà lão..
Một hôm, như thường lệ vào lúc ngày sắp tắt, bà đi ngang xóm tôi.
Trời chuyển mưa tối sầm. Mẹ tôi đưa cho tôi vài cắc, tôi chạy tìm bà lão trong
ngõ, vừa trông thấy bà thì trời đổ mưa to, tôi vội bỏ tiền vào chiếc lon trên
tay bà và cầm cổ tay kéo bà vào nấp dưới một mái hiên gần đó. Tay kia cầm gậy bà
khua trên mặt đất để tìm bậc thềm trước khi bước lên. Mưa rào rào trên mái tôn,
bà lão và tôi nhìn ra trước mặt, thế nhưng dường như chỉ có tôi là trông thấy
những dòng nước cuồn cuộn trên mặt đất và những bọt bong bóng trên thềm sân. Tôi
lén ngước nhìn gương mặt bà, mờ mờ dưới chiếc nón lá là một mái tóc bạc phơ, da
mặt nhăn nheo, miệng móm, đôi mắt mở lớn nhưng trắng đục, không thấy tròng đen
đâu cả. Gương mặt bà thật thanh thản, gần như lạnh lùng, không thấy thoáng hiện
một chút tình cảm nào cả. Tôi cảm thấy bối rối và xao xuyến trong lòng, và chợt
cảm thấy thương bà lão vô cùng, thế nhưng vào tuổi đó nào tôi có biết gợi chuyện
là gì.
Được một lúc lâu thì cơn mưa cũng ngớt, bà lão nói với tôi: "Trời
bớt mưa rồi, thôi ngoại đi nghen con". Câu nói thật bất ngờ, chân tình và ấm
áp đó khiến tôi bàng hoàng, chẳng biết phải đáp lại như thế nào. Tôi nắm tay bà
để cùng bước xuống thềm. Một vài hạt mưa vẫn còn lộp độp trên chiếc nón lá rách
và lấm tấm trên lưng áo bà-ba đen đã bạc màu của bà. Tôi đứng im nhìn theo, bà
lão tay khua gậy tiếp tục cất tiếng kể câu chuyện cổ tích Tấm Cám: "Ngày xưa
có một cô gái nhỏ mồ côi mẹ tên là Tấm..." Bóng bà xa dần trong ngõ tối thế
nhưng tiếng kể chuyện của bà vẫn còn văng vẳng trong mưa. Tôi giật mình chạy ù
về nhà vì đã đến giờ cơm.
Câu chuyện đứa bé và bà lão ăn xin xảy ra cách nay đã 70 năm, thế
nhưng nó vẫn còn ám ảnh tôi. Cũng vậy đối với lời dạy bảo của mẹ "mỗi ngày
con ăn mấy lần?", thì tôi cũng vẫn chưa quên. Từ ngày đó đến nay tôi đã ăn
không biết bao nhiêu vạn bát cơm, nhưng nào tôi có trồng được một hạt gạo nào
đâu? Ngoài cơm áo ra, tôi còn được hưởng thuốc men, nhà cửa và mọi thứ tiện nghi
khác. Món nợ đó quả là to lớn, thế nhưng còn to lớn hơn thế là món nợ của giáo
dục, sự hiểu biết và tình thương yêu của những người chung quanh, và càng mở
rộng hơn nữa là cả dưỡng khí và môi sinh của địa cầu này. Lớn lên tôi mới hiểu
được sâu sắc hơn những gì phía sau câu hỏi của mẹ cùng sự ấm áp của tình người
bên trong lời giã từ của bà lão ăn xin. Là chúng sinh, mẹ tôi và bà lão đều khổ
đau như nhau, thế nhưng Karuna hay Từ bi bên trong họ là cả một sức mạnh
giúp họ vượt lên trên những khổ đau của mình để nói lên những lời thật chân tình
và trìu mến. Tiếc thay trong thế giới vô thường, dù tôi có muốn thốt lên một lời
ngọt ngào với mẹ thì mẹ nào có còn đó để mà nghe, hoặc nói lên một lời thật thân
thiết với bà lão ăn xin: "Ngoại à, trời còn mưa, ngoại hãy đứng lại với con
thêm một chút nữa đi", thì bóng dáng của bà lão cũng đã khuất mờ trong con
hẻm tối.
Thế nhưng Đức Phật cũng dạy rằng tất cả mọi hiện tượng, dù vô hình
hay hữu hình, thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai, tất cả đều liên hệ và tương
kết với nhau. Đó là nguyên lý Tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi
hiện tượng, tiếng Phạn là Pratityasamutpada, kinh sách Hán ngữ gọi
là Lý duyên khởi. Qua nguyên lý đó thì dù chỉ là một chiếc lá hay một con
côn trùng nhỏ bé, một tiếng kêu đau thương của một con thú hay một thoáng xúc
cảm nhỏ nhoi trong tâm thức của một cá thể con người, thì tất cả đều tác động và
liên hệ đến toàn thể môi sinh và sự an vui của nhân loại trên hành tinh này.
Điều đó giúp tôi hiểu rằng dù không còn một dịp may nào để trả món nợ đối với
công ơn dạy dỗ cho mẹ, hồi đáp cái ấm áp của tình người trong câu giã biệt của
bà lão ăn xin, thì tôi cũng có thể trả các món nợ ấy cho từng chiếc lá và từng
mỗi chúng sinh trong thế giới này. Sự ý thức đó có thể tạo ra bên trong tâm thức
chúng ta một xúc cảm từ bi thật sâu xa và rộng lớn, và phải chăng đó cũng là một
trong sốBốn phẩm tính vô biên gọi là Karuna của một tâm thức giác
ngộ?
Bures-Sur-Yvette, 21.06.19
Hoang Phong