Ý nghĩa của việc miêu tả hoa sen nơi nghệ thuật Gandhara

Ý nghĩa của việc miêu tả hoa sen

Ý nghĩa của việc miêu tả hoa sen nơi nghệ thuật Gandhara

Kiran Shahid Siddiqui*- Nguyên Hiệp dịch

 

Sen, danh pháp khoa học là nelumbo nucifera, là một loài cây thủy sinh, được dùng để trang trí, làm thuốc và thực phẩm. Nó là một loại cây mang nhiều ý nghĩa và được yêu thích trong nhiều nền văn hóa. Sen tượng trưng cho sự thanh sạch tuyệt đối và do đó được mô tả nơi hầu hết mọi thể loại nghệ thuật của thế giới. Hoa sen là một biểu tượng phổ quát được sử dụng không chỉ làm mô-típ trang trí mà cũng biểu thị cho trạng thái thiêng liêng của các vị thần, và do đó việc mô tả nó có ý nghĩa đặc biệt trong mọi nền văn hóa và tôn giáo. Hoa sen mọc từ “bùn nhơ”, nhưng nó tiêu biểu cho sự thanh khiết và toàn mãn, điều mà các Phật tử, những người hướng đến một đời sống chân thực và thanh tịnh, xem là một lý tưởng.[1] Nó được sử dụng như một biểu tượng và những mô-típ trang trí trong nhiều thể loại nghệ thuật.

Hoa sen xuất hiện lần đầu nơi nghệ thuật Ai Cập cổ đại như là một biểu tượng của sự tái sinh, và sau đó du nhập vào Ấn Đô qua ngã Lưỡng Hà (Mesopotamia) và Ba Tư (Persia). Hoa sen là một biểu tượng xuất hiện thường xuyên trong thi ca, nghệ thuật điêu khắc và hội họa Ấn Độ từ thời xa xưa cho đến ngày nay. Nơi văn học và thi ca Ấn Độ, đôi mắt của một người phụ nữ đẹp được ví với hoa sen. Sen được đề cập trong các Veda là tượng trưng cho sự may mắn và sinh sản, và được sử dụng rộng rãi như một mô-típ trang trí nơi những phong cách nghệ thuật khác nhau ở Ấn Độ. Theo Rig-veda, thần Lửa (Agni) được cho sinh ra từ một hoa sen.[2]

Ở Ấn Độ, hoa sen được gọi là Pushkara, Pundarika, Padma hay Kamla, là một loài hoa thiêng của đất nước này. Nó giữ một vị trí trọng tâm trong thần thoại của Bà-la-môn giáo. Và từ rất sớm, nó được nói tượng trưng cho Thần Brahma.[3] Sen được nối kết với Nữ thần Lakshmi, vị được cho là từ “hoa sen sinh ra”, và thường được mô tả nắm một hoa sen trong tay và đôi khi đứng trên một hoa sen.[4] Lakshmi tượng trưng cho cái đẹp, tài sản và vận may, và được mô tả là “có mắt hoa sen”, “bắp đùi hoa sen”, “khuôn mặt hoa sen” hay “nước da hoa sen”.[5] Bà cũng được biết đến bằng tên gọi là “Kamala và Padma” mà chúng nối kết bà với hoa sen.[6] Nơi nghệ thuật của Ấn Độ giáo, Kỳ-na giáo và Phật giáo, hoa sen được thấy gắn liền với hầu hết các vị thần và nữ thần. Việc mô tả những vị thần trên chỗ ngồi hoa sen, tòa sen hay bệ hoa sen, tượng trưng rằng chư vị đã thoát tục.[7]

Hoa sen xuất hiện nơi những di tích kiến trúc cổ của Phật giáo, cũng như nơi những kiến trúc của Ấn Độ giáo và Kỳ-na giáo khắp Ấn Độ. Nơi nghệ thuật Phật giáo, hoa sen xuất hiện lần đầu trên những trụ đá của vua Ashoka (A Dục) có niên đại thế kỷ III tr.TL. Trên đầu những trụ đá này ta thấy có khắc tạc những cánh hoa sen xoay ngược mà nó tượng trưng cho sự đản sinh của Đức Phật.[8] Nơi kiến trúc Phật giáo khác, hình thức mở rộng đơn giản nhất của nó là mô-típ hình tròn mà ta thấy thường được sử dụng như mô-típ trang trí nơi các cột, phù điêu, trần và tường rào ở Sanchi, Bharhut, Amaravati, Bodhgaya, và ở nơi những chùa động Phật giáo ở Tây Ấn. Việc sử dụng thường xuyên của nó trong nghệ thuật Phật giáo có thể do bề ngoài “trông giống như bánh xe” của nó.[9] Bên cạnh ý nghĩa trang trí, hoa sen tượng trưng cho trí tuệ viên mãn.

Nơi nghệ thuật Phật giáo thời kỳ đầu, Lakshmi và hoa sen được sử dụng để tượng trưng cho sự đản sinh của Thái tử Siddhartha, người trở thành Đức Phật Gautama về sau.[10] Trường hợp cổ xưa và nổi bật nhất của điều này là tượng của nữ thần Ấn giáo Lakshmi nơi những tác phẩm điêu khắc Phật giáo ở Bharhut, và cũng trên những cổng vào của bảo tháp tại Sanchi. Ở đó Lakshmi được miêu tả ngồi hoặc đứng trên một hoa sen và nắm mỗi tay một hoa sen mà chúng được hai con voi phun nước. Hoa sen cũng liên hệ đến mặt trời. Sự liên hệ của nó có thể do rằng nó nở vào lúc bình minh (suryabikasi) và khép lại vào lúc hoàng hôn. Vào giai đoạn nghệ thuật Phật giáo chưa sử dụng hình nhân, “đĩa mặt trời hình bánh xe với hàng ngàn chiếc nan của nó” ở trên dấu chân của Đức Phật về sau được chuyển thành mô-típ hoa sen được yêu thích ở Gandhara.[11]

Nơi cảnh đản sinh ở Sanchi, hoàng hậu Maya thường được mô tả ngồi hay đứng trên một hoa sen. Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật khi vừa hạ sinh đã bước đi bảy bước. Nghệ thuật Phật giáo trình bày bảy bước đi của Đức Phật bằng bảy hoa sen nở.[12] Bát Thánh đạo của Đức Phật được trình bày bằng tám cánh hoa sen cách điệu.[13]

Hoa sen là một trong tám biểu tượng cát tường của Phật giáo,[14] mà nó tượng trưng cho niềm tin và thường được sử dụng như những chủ đề trang trí của các bảo tháp. Trụ cột hình bình hoa sen cũng thường xuyên được sử dụng từ thời cổ đại như kiểu kiến trúc ở Ấn Độ.

Mô tả hoa sen nơi nghệ thuật điêu khắc Gandhara

Nghệ thuật Gandhara là một loại nghệ thuật kể chuyện Phật giáo mà nó khởi xuất vào thế kỷ I tr.TL với mục đích truyền bá Phật pháp vào xứ Gandhara xưa và những vùng phụ cận. Nghệ thuật này chịu ảnh hưởng phong cách nghệ thuật nước ngoài, đặc biệt là La Mã và Hy Lạp, do vì vị trí của nó và việc nối tiếp nhau kiểm soát vùng đất này của những người cai trị nước ngoài: Persia, Hy Lạp, Ấn-Hy, Scythia, Parthia và Trung Á. Nghệ thuật Gandhara được xem là nghệ thuật kể chuyện đầu tiên đã miêu tả Đức Phật như là một người trong y phục Apollo, mà đó là do sự ảnh hưởng của Hy Lạp. Nét mặt của các bức tượng, nếp gấp y phục, những chi tiết kiến trúc ở nơi phù điêu có nguồn gốc nước ngoài. Nhiều tượng thần và bán thần cũng xuất hiện nơi nghệ thuật này mà nó nói lên bản chất nước ngoài của nó.

Ngoài phong cách và kỷ thuật nước ngoài phức tạp của nó, còn thì chủ đề của nghệ thuật Gandhara hoàn toàn bản địa, tức để phục vụ Phật giáo với một sự nhấn mạnh đặc biệt vào con người và cuộc đời Đức Phật. Cỏ cây, muông thú, đổ trang sức, vật trang trí và hầu hết những mô-típ trang trí được mô tả nơi những tác phẩm điêu khắc Gandhara biểu thị xu hướng Ấn Độ của nó.

Hoa sen ở nơi tất cả hình thức nghệ thuật của nó là một trong những biểu tượng được sử dụng thường xuyên và thiêng liêng nhất nơi nghệ thuật Gandhara. Nó là một biểu tượng của sự thanh tịnh và toàn mãn, được sử dụng để biểu thị cho Đức Phật và chư Bồ-tát.

Nơi những tác phẩm điêu khắc Gandhara, hoa sen được trình bày hoặc tự nhiên hoặc cách điệu. Những hoa sen cách điệu thường được mô tả với các cánh của chúng xoay ra ngoài và xếp thành hai dãy trở lên. Mỗi cánh được khắc chạm sắc sảo từ trung tâm với mép có hình dạng như một đường viền.[15] Hoa sen cách điệu thường xuất hiện nơi tòa ngồi, bệ v.v… Nơi những tác phẩm điêu khắc của Gandhara và Mathura, hoa sen có cuống cũng xuất hiện. Mô-típ hoa sen cũng được nhận thấy trên những vật hình đĩa như chiếc lọng trên đỉnh tháp (chatra). (Hình 1)

Hoa sen cũng được sử dụng như một họa tiết trang trí trên những vầng hào quang của các nam và nữ thần. Vầng hào quang quanh đầu những vị thần Ấn Độ thường được phác vẽ với một mô-típ hoa sen. Ở Gandhara, Đức Phật được mô tả với một vầng hào quang, mà qua thời gian thường được khắc tạc với một hoa sen nở có kích cỡ lớn. Vầng hào quang được trang trí với hoa sen gợi nhớ lại câu chuyện tiền thân (Jataka) Dipankara.

Chuyện tiền thân Dipankara

Sự nối kết của hoa sen với chuyện tiền thần Dipankara được xác nhận bởi chính câu chuyện. Câu chuyện tiền thân này được mô tả thường xuyên nơi nghệ thuật Gandhara. Chuyện tiền thân Dipankara kể về một vị ẩn sĩ có tên là Sumdedha,[16] người được miêu tả đang tìm mua những bông sen từ một cô gái có tên là Yasshodhra để cúng dường cho Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara). Theo câu chuyện, Đức Phật Nhiên Đăng bấy giờ sắp thăm viếng thành phố của Sumedha. Khi tin về việc Đức Phật Nhiên Đăng thăm viếng thành phố đến tai Sumedha, ông vội vàng đi mua một vài bông hoa để đón tiếp Ngài. Nhưng ông không thể mua hoa bởi vì nhà vua đã ra lệnh để dành tất cả hoa trong thành phố để nghinh đón Đức Phật. Sumedha chỉ mua được năm bông hoa từ một cô gái. Sau đó ông tung những bông hoa lên Đức Phật Nhiên Đăng và những bông hoa đó không rơi xuống mà nằm lơ lửng trên không trung. Sumedha sau đó phủ phục trước Đức Phật Nhiên Đăng và xỏa mái tóc dài của mình trên một vũng bùn để chân của Đức Phật không bị bẩn khi bước lên đó. Đức Phật Nhiên Đăng cảm kích sự mộ đạo của ông và thọ ký rằng Sumedha sẽ thành vị Phật tiếp theo. Tất cả những sự việc này được tập hợp lại và trình bày trên một pa-nô.[17]

Bệ ngồi hoa sen (padmasana) (H. 2)

Bệ ngồi hoa sen là một mô-típ thường thấy nơi nghệ thuật Ấn giáo và Phật giáo. Trong thần thoại Ấn giáo, việc miêu tả các vị thần và nữ thần trên một tòa hay bệ ngồi hoa sen là rất phổ biến. Các vị Thần Brahma, Siva và Vishnu với vợ của họ là Sarasvati, Parvati và Lakshmi thường được miêu tả ở trên bệ ngồi hoa sen mà nó tượng trưng cho bản chất thiêng liêng của họ.[18] Thần Indra, Surya và những vị thần Hindu khác cũng xuất hiện hoặc trên chỗ ngồi hoa sen, hoặc bệ hoa sen. Bệ ngồi hoa sen được sáp nhập vào trong nghệ thuật Phật giáo lần đầu ở Sanchi vào thế kỷ II tr.TL và về sau được sử dụng rộng rãi ở Gandhara, đặc biệt với tượng Phật và Bồ-tát, nhằm biểu thị sự cao quý và thanh tịnh vốn có của họ.[19]

Ở Gandhara, Đức Phật thường được miêu tả ngồi kiết già trên bệ hoa sen hay đôi khi Ngài được trình bày đang đứng trên một bệ hoa sen. Nghệ thuật Gandhara cũng cho thấy việc trang trí hoa sen vào nơi tòa ngồi của Đức Phật, thường trình bày hoa sen một cách tự nhiên với đường bên ngoài các cánh hoa cong xuống mà nó giống với trang trí nơi đầu trụ đá vua Ashoka.[20] Hai dãy cánh hoa sen cong xuống cũng thường xuyên xuất hiện ở Gandhara. Ngoài bệ ngồi của Đức Phật, hoa sen cũng được sử dụng làm bệ cho chư Bồ-tát đứng hoặc ngồi.

Phép mầu Sravasti[21]

Phép mầu Sravasti là chủ đề được ưa thích trong truyền thống Phật giáo. Pa-nô mà nó trình bày câu chuyện này miêu tả Đức Phật ngồi trên tòa sen được làm bằng một, hai hoặc ba dãy cánh hoa. Ngài ngồi trong tư thế chuyển pháp luân (dharmachakramudra)[22] bên dưới một tán cây. Bên trái và phải của Ngài là hai vị Bồ-tát Di Lặc (Maitreya) và Quán Thế Âm (Avalokitesvara) đang đứng. Nơi hốc tường ở gốc trên có tạc hai vị Bồ-tát đang ngồi thiền. Phía sau Đức Phật, bên tay trái là Thần Indra và bên tay phải là Thần Brahma.

Hariti[23]

Hariti (Quỷ Tử Mẫu) là một nữ thần phổ biến trong truyền thống Phật giáo và cũng thường được trình bày nơi nghệ thuật Phật giáo. Bà thường được mô tả cùng với những người con của bà. Đôi khi bà được nhìn thấy đang đứng với người con yêu quý của mình trong khi ở chỗ khác thì ngồi với chồng của mình là Panchika. Bà được mô tả nơi nghệ thuật Gandhara với một quả lựu, biểu tượng của khả năng sinh sản. Lựu hiện vẫn được trồng ở vùng đất này. Hariti đôi khi cũng được miêu tả cầm một hoa sen với cuống hoa cao bằng ngang vai.[24] Cả hoa sen và Hariti tượng trưng cho sự sinh sản (H. 3)

Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara)

Quán Thế Âm là vị Bồ-tát nổi tiếng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Ngài được đề cập là vị Bồ-tát của lòng từ bi.[25]

Nơi nghệ thuật mô tả tranh tượng Phật giáo, Bồ-tát Quán Thế Âm xuất hiện lần đầu vào đầu thời kỳ Kusan. Ban đầu, ngài được trình bày là một vị phụ tá của Đức Phật nhưng về sau đã giữ một vị trí nổi bật và thường được mô tả một mình.[26] Ở Gandhara, hoa sen cũng cho thấy có liên hệ đến Bồ-tát Quan Thế Âm như là biểu tượng chính của ngài. Ngài cũng được gọi là Padmapani (tay cầm hoa sen) và được cho là sinh ra từ một hoa sen.[27] (H. 4). Bồ-tát Quán Thế Âm được mô tả cầm một hoa sen nở với cuống của nó ở trong tay trái.[28] Vào thời kỳ về sau, hoa sen trở thành một biểu tượng của lòng từ bi với những biểu tượng khác của Bồ-tát Quán Thế Âm.[29]

Ở Gandhara, có một vị Bồ-tát, có lẽ là Padmapani, thỉnh thoảng xuất hiện với một hoa sen nơi tay trái, ngồi trên một hoa sen được làm bằng ba hàng cánh hoa có rảnh ở giữa, đầu cánh hoa hướng xuống dưới. Bồ-tát nắm một hoa sen là một biểu tượng của thời kỳ về sau.

Di Lặc (Maitreya)

Ở Gandhara, Di Lặc, Đức Phật tương lai, và những vị Bồ-tát khác, được mô tả cùng với hoa sen. Điều này có lẽ mang một ý nghĩa triết học quan trọng. Di Lặc đôi khi được miêu tả ngồi trên một tòa sen hay đứng trên một bệ sen (H. 5 và 6). Chiếc bình của Di Lặc (H. 7 & 8) thường được trang trí với hoa sen ở hai đầu cách nhau ở giữa bằng một dãi đính cườm. Những cánh của hoa sen được xoi rãnh ở giữa.[30]

Biểu tượng Tam bảo

Biểu tượng Tam bảo (Triratna) là biểu tượng thiêng liêng nhất trong các biểu tượng Phật giáo mà nó biểu thị việc thuyết bài pháp đầu tiên của Đức Phật. Tam bảo gồm Phật, Pháp và Tăng. Có ba bánh xe được đặt trên chóp Triratna, và có một bánh xe khác nâng Triratna này. Những bánh xe bên trên được trình bày với các nan xe trong khi bánh xe bên dưới với những cánh hoa sen. (H. 9)

Hình hoa sen

Một Tritoness[31] được tạc bên trong một vật hình hoa sen[32] là một trường hợp có ý nghĩa của việc kết hợp kỷ thuật phương Tây và địa phương. Tritoness nằm ở chỗ lõm trong cùng của hình tròn mà nó được viền bằng một hàng đôi cánh hoa sen được khoét rãnh ở giữa tạo thành một cái mô. Những vật hình hoa sen có tượng người, bán nhân và thú vật được trình bày phổ biến ở Sanchi, Bharhut, Bodhgaya, Mathura và Amaravati và tiếp tục là mô-típ trang trí cho đến thế kỷ XII (H. 10).

Miêu tả tritoness nơi nghệ thuật Gandhara là kết quả của sự ảnh hưởng nghệ thuật phương Tây trong khi hoa sen gợi nhắc sự ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ.

Nơi những tác phẩm điêu khắc Gandhara, nhiều nhân vật được miêu tả nắm một hoa sen có cuống hoặc đôi khi một bó sen ở nơi tay (H. 11). Đặc biệt, những tín đồ nam và nữ xuất hiện với hoa sen nơi tay, mà có lẽ tượng trưng cho sự tôn kính của họ đối với Đức Phật (H. 12). Có khả năng rằng, bên cạnh ý nghĩa biểu tượng của nó, hoa sen là loại hoa được yêu thích và ngưỡng mộ nhất của người dân Gandhara thời bấy giờ.

Có một hoa sen tám cánh xuất hiện nơi đáy của chiếc bình xá-lợi Bimaran được làm bằng vàng. Cánh hoa được xoi rảnh ở giữa và thon dần về phía nhụy hoa mà nó được biểu thị bằng các chấm. Những hoa sen nhỏ xuất hiện giữa các điểm của tám cánh hóa. (H. 13).

Mô-típ hoa sen nơi những tiểu tiết kiến trúc

Bên cạnh việc miêu tả như một biểu tượng, hoa sen thường xuyên được kết hợp tôn tạo những tiểu tiết kiến trúc được thấy nơi nghệ thuật Gandhara. Nó được sử dụng như một họa tiết trang trí để tạo khung cho các pa-nô trong nhiều phong cách khác nhau. Những pa-nô hình trống nơi bảo tháp được vẽ khung bằng những pa-nô hình chữ nhật miêu tả các mẫu hoa sen. Các gốc trụ ngạch cũng thường được trang trí bằng những cánh hoa sen. Một pa-nô hình tháp, với năm hình hoa hồng tách rời nhau bằng những hoa sen dọc xoay lên và xuống, là một trường hợp đáng chú ý. (H. 14)

Có thể nhìn thấy biểu tượng hoa sen nơi kiến trúc của Bái Hỏa giáo. Việc khắc tạc vua Ardashir II tại Taq-i-Bustan có miêu tả thần Mithra đứng trên một hoa sen. Nơi phù điêu tại Persepolis, nhà vua và hầu hết những quý tộc mỗi người cầm một hoa sen trong tay. Hoa sen là một trong những chi tiết đẹp và cổ xưa nhất nơi các mẫu thảm của Ba Tư (Persia).

Hoa sen cũng thường thường được thấy nơi kiến trúc Hồi giáo thời kỳ Seljuq và những thời kỳ về sau. Ví dụ, hình dạng một hoa sen xuất hiện nơi tấm thạch cao đục lỗ ở hóc cầu nguyện (midrab) của đền thờ Malik ở Kirman. Mô-típ hoa sen cũng là một thiết kế phổ biến khắc tạc trên những bia mộ tượng trưng cho trời. Những bia mộ Chaukandi và Makli gần Natta, thuộc về thời kỳ Hồi giáo, cũng là một trường hợp tiêu biểu về mô tả hoa sen vào thời kỳ Hồi giáo.

Kết luận

Như vậy, hoa sen có ý nghĩa trong nghệ thuật miêu tả Phật giáo khi nó chưa dùng hình nhân và được sử dụng nhiều để tượng trưng cho Đức Phật. Về sau, mô-típ hoa sen được sử dụng nhiều trong các cảnh tôn giáo và thế tục và cũng được sử dụng như một yếu tố trang trí nơi nghệ thuật Gandhara. Những hình thức khác nhau của các bệ hoa sen là trong số những đặc điểm mà chúng tượng trưng cho những phát triển của nghệ thuật Gandhara vào giai đoạn chín muồi.

Nghệ thuật Gandhara được nghĩ chịu ảnh hưởng những yếu tố nước ngoài, nhưng một vài yếu tố chẳng hạn như việc mô tả mô-típ hoa sen lại có liên hệ với những truyền thống nghệ thuật bản địa. Đây là một mô-típ được yêu thích trong Ấn giáo, Phật giáo và Kỳ-na giáo.

Hoa sen được cho phổ biến ở Pushkalavati (thành phố hoa sen) và về sau đi vào trong mọi ngôi nhà ở Gandhara bởi vì mô-típ hoa sen được sử dụng liên tục ở khu vực Khyber Pakhtun Khwah từ thời xa xưa. Giống như nhiều thiết kế và trang trí khác, ngày nay mô-típ hoa sen có thể nhìn thấy hiện diện từ nơi các tác phẩm điêu khắc đá ở Gandhara đến những cánh cửa gỗ và trụ đá nơi kiến trúc nhà truyền thống Pukhutun ở những ngôi làng xa xôi. Mô-típ hoa sen được các nhà thương buôn và Tăng sĩ mang từ Gandhara đến các nước Đông Nam Á và giữ một vị trí quan trọng trong nghệ thuật tôn giáo ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và những quốc gia khác.

* Department of General History, University of Karachi, Pakistan.

Nguồn: academia.edu

 


 

[1] Patricia Bjaaland Welch, Chinese Art: A Guide to Motifs and Visual Imagery, Singapore: Tuttle Publishing, 2008, p.27.

[2] Karel Werner, Symbolism in Art and Religion: the Indian and the Comparative Perspectives, London: Curzon Press, 1990, p.72, 73.

[3] A. K. Coomaraswamy, History of Indian and Indonesian Art, London and Leipzig, 1927, p.43.

[4] Heinrich Robert Zimmer, Myths and Symbols in Indian Art and Civilization, ed. Joseph Campbell, New Jersey: Princeton University Press, 1972, p.92.

[5] Pratapaditya Pal, Indian Sculpture: A Catalogue of the Los Angeles County Museum of Art Collection, California: University of California Press, 1986, p.39.

[6] P.K. Mishra, Studies in Hindu and Buddhist Art, New Delhi: Abhinav Publications, 1999, p.29.

[7] A.K. Coomaraswamy, The Arts and Crafts of India and Ceylon, London: T. N. Foulis, 1913, p.28, 29.

 

[8] E.B. Havel, A Hand Book of Indian Art, London: J. Murray, 1920, p.41.

[9] M. M. Williams, Buddhism, in its Connection with Brahmanism and Hinduism and in its contrast with Christianity, London: John Murray, 1890, p.522.

[10] Werner, p.73.

[11] James Hastings and John A. Selbie, Encyclopedia of Religion and Ethics, Vol. VIII,  Edinburgh: T. &T. Clarke, 1916, p.144.

[12] P. Pal, p.39.

[13] Welch, Chinese Art: A guide to motifs and Visual Imagery, p.27.

[14] Bên cạnh hoa sen, bảy biểu tượng cát tường khác của Phật giáo là: chattra (lọng), cá vàng, kalasha (bình châu báu), sankha (vỏ óc xà cừ), srivasta (nút thắt bất tận), dhvaja (biểu ngữ chiến thắng), dharma chakra (bánh xe pháp).

[15] Chhaya Bhattacharya, Art of Central Asia, New Delhi: Agam Prakashan, 1977, p.23-25.

[16] Trong bản Pāli, tên của vị ẩn sĩ là Sumedha, trong Mahavastu là Megha, và trong Divyavadana là Sumati.

[17] Fidaullah Sehrai, The Buddha Story in the Peshawar Museum, Peshawar, Khyber Printers, 1985, p.15-18.

[18] Hastings, p.143.

[19] David Kinsley, Hindu Goddesses: Vision of the Divine Feminine in the Hindu Religious Tradition, California: University of California Press, p.21.

[20] Havel, p.41, 42.

[21] Theo các truyền thống Phật giáo, Đức Phật thực hiện ba phép mầu ở trước các vị ẩn sĩ, mà chúng được gọi là phép mầu Sravasti: một cây xoài phát triển nhanh vút lên, việc hóa thành nhiều thân và thân thể phát ra lửa và nước trong khi đứng trên không trung, một hoa sen từ đất mọc lên để nâng Ngài.

[22] Dharmachakra là một tư thể mà nó tượng trưng cho việc thuyết pháp của Đức Phật, ở đó tay phải được giữ trước ngực, đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ chạm vào nhau và chạm vào một ngón tay trái.

[23] Theo các truyền thống Phật giáo, Hariti là một nữ quỷ, có 500 người con. Bà từng ăn thịt trẻ em ở Ma-kiệt-đà. Bấy giờ Đức Phật, lúc ở tại kinh thành này, đã giấu đứa con yêu quý nhất của bà dưới bình bát của mình nhằm mục đích ngăn chặn việc ăn thịt người của bà. Bà đi khắp nơi tìm kiếm con mình. Đức Phật sau đó trả con lại cho bà và bà hứa rằng sẽ không bao giờ ăn thịt trẻ em nữa. Bà quy y Đức Phật và trở thành người bảo vệ trẻ em.

[24] W. Zwalf, A Catalogue of the Gandhara Sculptures in the British Museum, London: British Museum, 1996, tr.117.

[25] M. Hallade, The Gandhara Style and the Evolution of Buddhist art, London: Thames & Hudson, 1968, p.233.

[26] Mishra, p.85.

[27] Hastings, p.143.

[28] W. Zwalf,

[29] Sehdev Kumar, A Thousand Petalled Lotus: Jain Temples of Rajasthan : Architecture & Iconography, New Delhi: Abhinav Publications, 2001, p.43, 44.

[30] W. Zwalf, p.107.

[31] Tritoness là một nữ thần biển trong thần thoại Hy Lạp. Việc mô tả nữ thần này rất hiếm gặp nơi nghệ thuật Gandhara.

[32] Hình hoa sen là một mô-típ chung của nghệ thuật Ấn Độ.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác