Cách giúp thân vui và tâm vui

cach giup

Cách giúp thân vui và tâm vui

Chân Hiền Tâm

 

Trong kinh Tăng nhất A-hàm, Phật phân ra bốn loại người:

1/ Thân vui tâm không vui.

2/ Thân không vui tâm vui.

3/ Thân không vui tâm không vui.

4/ Thân vui tâm vui.

Thân vui tâm không vui, là “Phàm phu tạo phước, đối với các việc y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men… không có thiếu thốn, nhưng họ lại không thoát được các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cũng không thoát được đường dữ”.

Thân không vui tâm vui, là “A-la-hán không tạo phước đức. Với các việc cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men…, vị ấy không có được, không thể lo xong. Nhưng vị ấy thoát khỏi các đường ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Ví như La-hán Duy Dụ”. Duy Dụ là người chuyên tu thiền định, đạt quả vị A-la-hán, không quan tâm đến việc tạo phước như bố thí, cúng dường, nên với các thứ đó, ngài không có, không được đầy đủ khi cần. 

Thân không vui tâm không vui, là “Phàm phu không tạo phước đức, không có được các việc y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men... Cũng không thoát được địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các đường dữ”. Đây là hạng phước báu không mà giới định tuệ cũng không. 

Thân vui tâm vui, là “A-la-hán tạo phước đức, đầy đủ các việc y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men... Vị ấy thoát được địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các đường dữ. Như Tỷ-kheo Thi-ba-li”. Đây là hạng vừa tu phước, vừa tu hành đạt quả chứng.

Sau khi giải thích xong, Phật nói: “Hãy tìm phương tiện, nên như Tỷ-kheo Thi-ba-li. Như thế các Tỷ-kheo, nên học điều này”.   

Bài kinh thuộc hệ A-hàm, nên Phật chỉ nói đến quả vị La-hán. Mở rộng ra trong đời sống nhân loại và Bồ-tát đạo thì y vào kinh Thập thiện để giải thích việc này.

Trước hết nên hiểu thân vui và tâm vui là sao?

Để thân được vui

Thân là phần Sắc trong ngũ ấm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Lãnh thọ vui buồn là phần Thọ thuộc tâm, không phải Sắc. Nhưng Phật lại dạy thân vui, là muốn nhấn mạnh đến nhân duyên chính giúp thân được sung sướng, khiến sự an vui xuất hiện. Thân sướng, như được ăn uống đầy đủ, chăn ấm nệm êm, nhà cửa rộng rãi, áo quần không thiếu, thuốc men đầy đủ khi bệnh v.v... Các điều kiện giúp thân vui nữa là thân thể khỏe mạnh, thân đầy đủ các căn, các căn đều thuận, thân không bị nạn tai. Để được các điều đó, kinh Thập thiện dạy mười điều thiện nên làm.  

- Không sát sinh, không đánh đập tàn hại muôn loài, thì được cái quả là thân thể khỏe mạnh, không chết yểu, không gặp nạn tai. Không sát sinh, đầu tiên là không giết người, quan trọng nhất là con người, sau là đến các loài khác. Ngay cả những thứ mà mình thấy bình thường như cá, gà, bò v.v… đều không nên giết. Đây đang đứng ở mặt nhân quả mà nói, không đứng trên mặt đúng sai của người đời mà luận, là những thứ do tập tục tham dục mà hiện. Chúng không mang tính chân lý. Luận ở mặt nhân quả, quy luật chi phối thế giới này, thì nhân như thế sẽ cho ra quả như thế. Nhân sát sinh sẽ cho ra quả nạn tai, chết yểu. Dòng họ Thích bị tàn sát là do có một kiếp đã đánh bắt cá lấy đó làm lương thực của mình. Chủ đàn cá uất ức, đã phát nguyện phải trả được mối oán thù bằng những phước đức mà mình đang có. Việc đó trở thành một loại định nghiệp khiến Phật không thể cứu. Vì thế muốn tránh cái quả chết yểu, nạn tai, bệnh tật, chỉ còn cách phải tránh sát hại muôn loài. Nếu chấp nhận giết hại để dưỡng nuôi thân mình thì cũng có nghĩa là phải chấp nhận nạn tai, bệnh tật, chết yểu. Không có gì qua khỏi nhân quả.

Từng có người luận với tôi, “Kiến, ruồi, muỗi, gián mà không giết thì sẽ sinh bệnh v.v… Nói không giết là vô lý”. Vô lý hay không là tùy nhận định của mỗi người, tùy mỗi người quyết định. Nhưng một khi bạn trực tiếp giết hay bảo người khác giết thì cũng có nghĩa bạn đã lọt vào vòng xoáy của nhân quả ở mặt sát, đủ duyên bạn sẽ có cái quả tương ưng. Vì nhân quả là quy luật chi phối thế gian này. Một cái nhân đã được tạo, khi đủ duyên nhất định có quả. Nó không lệ thuộc vào tư tưởng hay quyết định đúng sai của con người.  

Thế giới ngày nay nạn tai chết chóc, chiến tranh đao binh xảy ra liên tục, là do tạo nhân sát sinh. Có những người thấy thật hiền lành tốt bụng, nhưng bị giết một cách oan uổng khi còn trẻ. Chỉ vì từng gây nghiệp sát. Sát những thứ mà mình cho là bình thường. Cho nên, hiền lành bao nhiêu mà bạn đã từng chặt ếch, chém cá v.v… thì khó mà tránh khỏi nạn tai khi chưa biết sám hối và tu hành hầu dứt bỏ nghiệp sát.

Trong năm giới của người Phật tử, không có giới “không ăn mặn” mà chỉ có giới “không sát sinh”. Nghĩa là bạn vẫn có thể ăn mặn, chỉ là đừng trực tiếp giết, đừng bảo người khác giết, đừng thấy giết mà vui mừng. Mua vật đã làm sẵn trong siêu thị hay ngoài chợ về chế biến thì tuy ăn mặn mà bạn vẫn tránh được nghiệp sát. Với các thứ khác, cố gắng thu xếp sạch sẽ mọi thứ thì cũng tránh được việc sát cho mình. Quan trọng là ở tâm. Không nên coi việc tàn sát sinh linh là điều đương nhiên, làm cho sướng tay. Tâm sát vì cố ý sẽ có quả khác với tâm sát vì bất đắc dĩ.

Không sát mà còn phóng sinh thì quả trường thọ, mạnh khỏe, không nạn tai càng lớn. Nó cũng là pháp giúp giải bớt cái nhân sát sinh mình đã gây tạo trong quá khứ.              

- Không trộm cắp mà còn bố thí, thì của cải dư thừa, vua quan, giặc cướp, nước, lửa và con cái không phá hại được. Không trộm cắp nói đây, tinh thần chính của nó là không thâm lạm những gì không phải của mình, không được người ta cho phép. Con cái phá của, vì cha mẹ làm việc bất chính. Có khi công việc không bất chính mà do những râu ria quanh đó mà thành bất chính. Tham nhũng, làm hàng gian, hàng giả v.v… đều là những dạng của trộm cắp, không đợi mang danh ăn cướp hay ăn trộm mới gọi là trộm cắp. 

- Không tà dâm thì các căn được điều thuận. Tức thân đầy đủ các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, chân tay, không thiếu hụt cũng không mất các tác dụng thấy, nghe, ngửi v.v… Không tà dâm thì vợ hay chồng, không ai xâm phạm được. Không tà dâm nghĩa là trong vấn đề tình cảm, không có sự bất chánh.

- Không vọng ngữ thì được cái quả là miệng thơm, nói không sai lầm, được người đời tin phục. Vọng, có nghĩa là không thật. Không nói thành có, có nói thành không, là một dạng của vọng ngữ. 

- Không dùng miệng lưỡi phá hại người, thì thân thể không ai xâm hại được.

- Không tham dục thì thân tự tại, đầy đủ các căn, của cải, y áo v.v… dư thừa tùy thích dùng. Những việc này đã được nói ở phần không trộm cắp và không tà dâm. Vì không tham dục thì không có tâm trộm cắp, cũng không có tâm tà dâm. Không tham dục, cũng không có tâm sát hại sinh vật cung dưỡng cho thân mình, nên được thân tự tại, không bị câu thúc bởi bệnh tật.

Dục, không phải chỉ có ái dục hay dâm dục v.v… mà còn để chỉ cho sự mong muốn cao thượng, như mong muốn thành Phật, thành A-la-hán. Nhưng dục ở đây đi liền với tham, nên nó không chỉ cho loại dục cao thượng, mà chỉ cho loại dục thế gian mang tính vượt mức bình thường của người đời. Chính cái không bình thường này mà nảy sinh tai họa. Như giàu có sung túc là việc ai cũng muốn, chúng ta làm phước bố thí thì đương nhiên sẽ nhận được quả giàu sang trong tương lai. Nhưng muốn dư giả đến mức phải rơi vào những việc phi pháp như tham nhũng v.v… thì việc muốn ấy đã trở thành một loại tham dục. Tai ương từ đó mà ra. 

- Không sân hận thì được thân tướng đoan nghiêm tôn kính.  

- Không tà kiến thì thân không bị các nạn tai. Bởi tin sâu nhân quả, thực hành 5 giới đầy đủ.  

Hiện nay, một số bệnh xuất hiện là do thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện, các tệ nạn xã hội, khiến thân không được vui. Để thân được vui, cần thọ và giữ gìn ngũ giới, lấy đó làm căn bản. Tốt nữa là hành thập thiệp.

Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sau khi rời ngôi vua, đã đi khắp nơi dạy người tu thập thiện, chính là để giúp mình và người được thân vui và tâm vui.

Để tâm được vui

Giữ ngũ giới hay hành Thập thiện không chỉ mang lại thân vui mà còn mang lại tâm vui. Bởi cái khổ của người đời, ngoài cái khổ do thân mang lại, còn phát xuất từ mấy việc sau:

- Không được người khác tôn trọng.

- Bị nhiều người ghen ghét.

- Gặp phải oán kết. 

- Nói người khác không nghe.

- Người thân thương chia lìa.

- Gặp bạn bè gian dối, lừa phỉnh.

- Không có lòng tin với bất cứ ai.

- Làm việc gì cũng thất bại, hay bị chê trách.

- Gia đình xào xáo không thuận. Người bạn đời không chung thủy.

- Hay sợ hãi vô cớ. Sợ khi phải ở trước đám đông. Thấy ác mộng làm cho sợ hãi.

- Không quên được chuyện buồn đã qua. Thường lo lắng chuyện chưa tới.        

- Hay tranh tụng. 

- Không được như ý.

- Mong muốn mà không thành tựu.

- Tâm thường nóng bức, sân giận, oán ghét…

- Khởi tâm so đo, đố kỵ với người khác.

- Không nhẫn chịu được những gì xảy đến với mình.

- Tâm rộn ràng không an.     

Các việc trên đều có nhân duyên liên quan đến thập ác. Giờ giữ ngũ giới hay tu thập thiện, sẽ giải trừ được ách nạn đó.

- Không sát sinh thì không có ác mộng, thức ngủ an vui, diệt trừ oán kết, oán hận tự giải, dứt sạch tập khí giận hờn.

- Không trộm cắp thì được cái quả là nhiều người thương mến, không thấy sợ hãi khi ở trong đám đông hay hội chúng, cũng không bị người khinh khi phụ bạc.

- Không tà dâm thì được cái quả là xa lìa rộn ràng, xa lìa lo sợ và bạn đời thủy chung.

- Không vọng ngữ, không nói lời ác hay ỷ ngữ thì được cái quả là nói đâu trúng đó, người trời tin phục, thương yêu, lòng thường hoan hỷ, một khi mở lời thì người trời đều vâng làm.

- Không lưỡng thiệt thì được cái quả là không ai có thể phá hoại, chia lìa thân quyến cho đến bạn bè v.v…

- Không dối lừa thì không phải gặp dối lừa, phỉnh gạt.    

- Không sân hận thì được cái quả là tâm không thích tranh tụng, không nóng bức sân hận, không quan tâm đến những nhiễu nhương bên ngoài, bình an.

- Không tà kiến là biết tin vào nhân quả, nhân duyên. Duyên này giúp ta thực hành được các việc trên. 

Như vậy, chỉ cần tu Thập thiện một cách nghiêm túc, là đã có thể giải quyết những quả báo bất hảo, giúp tâm vui, thân vui. Nhưng vì sao khi nói đến tâm vui, Phật lại nói đến quả vị A-la-hán, bậc trí tuệ liễu thoát sinh tử, mà không dừng ở cái quả Trời Người?

Vì vô minh là nền tảng của thân tâm này, làm hiện khởi tâm vị ngã của chúng sinh. Do vô minh nên tư tưởng và hành động của chúng sinh thường mang tính vị ngã hơn vị tha. Giữ giới và tu Thập thiện cũng là vì cái tôi, muốn cái tôi được sung sướng. Vì thế, khi được điều kiện tốt hơn, thói vị ngã dễ bộc phát. Kiêu mạn, tham dục, quát tháo v.v… nảy sinh. Nhân xấu nảy sinh thì quả xấu hiện khởi. Khổ vui cứ thế mà tới lui, lên xuống, trầm luân trong sáu đường. Tâm lại có tính huân tập. Tốt được huân tập mà xấu cũng được huân tập. Mọi thứ được huân tập vào tạng thức và tích tụ đó. Phật gọi sự tích tụ này là Tập. Chính là Tập nói trong Tứ Thánh đế. Đó chính là nhân tạo ra khổ. Muốn hết khổ phải trừ Tập. Tập trừ thì tâm vị ngã không còn. Tâm mới thật sự an vui trong mọi hoàn cảnh.  

Như vậy, muốn tâm vui, hành giả không thể chỉ dừng ở việc tu Thập thiện, mà còn phải hành các pháp giúp tiêu trừ tập nghiệp, ngã chấp. Vị ngã thành vô ngã. Cho nên, trong kinh Thập thiện còn nói đến Lục độ ba-la-mật, Tứ vô lượng tâm, Tứ nhiếp pháp, Ba mươi bẩy phẩm trợ đạo và Chỉ quán song hành. Đó là các pháp giúp hành giả phá trừ ngã chấp. Nhờ các pháp này, việc tu Thập thiện khả quan hơn. Tùy duyên của mỗi người mà dụng pháp sao cho có kết quả tốt nhất trong hiện đời.   

Liên hệ thực tế

Ở xã hội hiện nay, việc giết thịt để ăn, nhất là những con vật nhỏ như gà, vịt, cá v.v… trở thành việc bình thường của xã hội. Đó là việc phổ biến không phải chỉ có ở Việt Nam mà cả nước ngoài. Chỉ khác, ở phương Tây, việc giết hại tập trung vào vị trí đồ tể trong ngành công nghiệp giết mổ và thịt được đưa vào các siêu thị. Dân gần như ăn thịt toàn bộ[1] nhưng trực tiếp giết thì không. Người dân không có thời gian để chế tác những con vật đang sống mà tinh thần dưỡng nuôi các vật thiên nhiên lại được đề cao, nên việc sát ở các xã hội phương Tây không chia nhỏ và lan rộng như ở xã hội phương Đông. Xã hội Việt Nam, nếu không thẩm thấu được phần giáo lý của Phật Đà, thì gần như nhà nhà đều sát. Gà, vịt, tôm, cá lốc, cá trê v.v… đều có thể tự tay làm hoặc đặt làm ngoài chợ cho các bữa ăn gia đình, nhất là vào những lúc mà thực phẩm bẩn lan tràn như hiện này. Giết các vật lớn như heo, bò, chó thết khách trong các dịp lễ trở thành việc tự nhiên ở những vùng quê. Mọi thứ huân tập đã lâu nên việc sát được coi là việc bình thường. Cho nên, ai đề cập đến nhân quả, sẽ được nói là điên hay mê tín dị đoan. Dù vậy, nhân quả vẫn là nhân quả. Nạn tai, bệnh tật, tai ương v.v… đều từ nhân giết hại đánh đập này mà ra. Muốn xã hội bớt tai ương thì việc giết hại cần được thu hẹp, giảm bớt. Mỗi thành viên trong xã hội cần bớt trực tiếp sát sinh, nhất là việc nạo phá thai. Không thì mọi thứ cứ luân hồi trả vay không ngớt, lan tỏa trên bình diện rộng, không phải thu hẹp trong một phạm vi nhỏ.

Để giúp giảm bớt việc sát này, đối với vấn đề phá thai, đã có những cơ sở tôn giáo nhận nuôi các mẹ đơn thân cho đến khi đứa trẻ được sinh ra và hiến tặng. Trong việc ăn uống, người chưa thể ăn chay không nên trực tiếp giết, cũng không đặt người khác giết, mà nên mua những vật đã được làm sẵn về chế biến. Với các điều kiện như vậy, việc giảm giết hại cho bản thân không phải là việc khó làm. Vấn đề là mình có tin nhân quả và đủ ý thức để tránh gây nhân không.

Một câu hỏi được đặt ra là “dù không trực tiếp giết, nhưng nếu không có người ăn thì không có người giết, vì thế trực tiếp hay không trực tiếp, cũng vậy thôi, có gì khác?”. Đó là câu hỏi khá lý thú và chính xác. Thực tế thì vẫn có sự sai khác, không có việc “cũng vậy thôi”. Vì… chưa thể ăn chay nên vẫn phải ăn mặn, nhưng nhận ra vấn đề, tin vào nhân quả, không còn tâm sát hại, khác với người coi thường nhân quả, vẫn giết ăn một cách bình thường. Hai cái nhân khác nhau, khi đủ duyên sẽ cho ra hai cái quả khác nhau. Một chút khác nhau đó, là chỗ để chúng sinh thoát dần các ác nghiệp. Chính vì thế, giới của người tại gia là không sát sinh, không phải không ăn mặn và Phật vẫn cho phàm phu hành nghề chăn nuôi. Kinh Thiện Sinh nói: “Một, ăn biết vừa đủ/ Hai, làm việc siêng năng/ Ba, phải dự trữ trước/ Đề phòng khi thiếu thốn/ Bốn cày ruộng mua bán/ Lựa đất để chăn nuôi …”. Không sát sinh là y vào lý Nhân quả mà nói, là khế lý. Cho chăn nuôi và ăn mặn, vì khế cơ. Do mức độ tâm linh con người chỉ ở mức đó, chỉ có thể làm tới đó, nên Phật tùy duyên dạy pháp, giúp chúng sinh vận hành dần lý Nhân quả theo chiều thiện vào đời sống thường nhật của mình mà thoát dần các ác nghiệp. Nhờ việc khế cơ này, nhân sinh mới có thể ứng dụng Phật pháp vào đời sống của mình. Phần khế cơ này vẫn chưa phải chính là lý ấy, nhưng nó giúp nhân sinh khế hợp dần với lý ấy. Như ăn chay không phải là cứu cánh của việc tu hành, nhưng khuyến khích kẻ tu giải thoát ăn chay, ngoài việc giúp giảm tâm sát hại, chính là phá cái tập ăn mặn. Tập, là một chi trong Tứ đế. Mọi thứ đều tùy cơ mà lập, nhưng không lìa lý rốt ráo.

Việc đáng mừng ở xã hội hiện nay là tinh thần tương thân tương trợ giữa người với người khá mạnh. Người khổ, nhờ thông qua mạng xã hội, nhận được sự trợ giúp khá nhanh. Những người có lòng tốt, ghét cái ác, thích cái thiện vẫn còn nhiều. Các tiệm ăn không đồng, các phái đoàn cứu trợ tấp nập, những anh chị hiệp sĩ v.v…, tất cả đang gầy dựng cho mình và người cái nhân bố thí, để có cái quả sung túc trong tương lai. Đó là điều đáng mừng, cần ủng hộ và phát triển dài lâu.

Muốn quốc thái dân an thì từ quân đến dân, đều phải tự mình tạo thiện nghiệp cho bản thân để nhận cái quả biệt nghiệp được tốt. Những biệt nghiệp tốt này nếu nhiều, sẽ tụ thành một loại đồng nghiệp có lực mạnh, giúp chuyển hóa những cái xấu trong xã hội và trong bộ máy chính quyền. Thịnh trị độc lập nhờ đó. Dân không tạo thiện nghiệp mà đòi gặp một chính quyền tốt thì như kinh nói “không có việc đó”. Vì thế, thay vì chửi bới và trách cứ, hãy huân tập thiện nghiệp nhiều hơn nữa và hồi hướng cho một cái quả an vui và thịnh trị. Một chính quyền tốt, cũng là duyên làm giảm bớt những tệ nạn trong xã hội. Duyên khởi, nên mọi thứ đều có liên quan mật thiết với nhau mà ta là một mắc xích trong chuỗi dài duyên khởi đó. Nguyện mọi điều tốt đẹp đến với đất nước và dân tộc này.

          

 


 

[1] Vì xứ lạnh mà không thịt, trứng, sữa thì khó chống lạnh, cũng khó lao động nặng.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle