Tôn giáo vị nhân sinh

ton giao

TÔN GIÁO VỊ NHÂN SINH

Thích Trung Hữu

 

Trong một hội nghị ở Bombay (Mumbai) vào ngày 31-5-1936, Tiến sĩ Ambedkar đã nói với những người thuộc giai cấp cùng đinh Ấn Độ rằng, “Tôn giáo phải vì con người chứ không phải con người vì tôn giáo” (Religion is for man and not man for religion”. Nghĩa là “Tôn giáo phải vì/phục vụ con người chứ không phải con người vì/phục vụ tôn giáo”. Ông nói câu này nhằm phê phán đạo Hindu trong việc đối xử bất công với những người cùng đinh. Tuy nhiên, câu nói ấy không chỉ có giá trị trong bối cảnh cụ thể lúc đó mà theo tôi, nó thật sự mang tính chân lý phổ quát. Chỉ khi nào tôn giáo tồn tại vì con người và phục vụ con người thì mới làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Ngược lại, nếu con người vì tôn giáo, phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của tôn giáo thì tôn giáo đó không sớm muộn gì cũng sẽ đưa con người vào chỗ bất hạnh.

Khởi thủy, tất cả các tôn giáo trên thế giới ra đời đều vì con người, phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của con người. Ví dụ như Đức Phật, Ngài vì muốn cho chúng sinh thoát khỏi cái khổ của sinh-già-bệnh-chết mà đi tìm đạo. Rồi trong thời gian hành đạo, Ngài trình bày phương pháp này, phương pháp nọ để mọi người được an lạc trong cuộc sống. Tôn giáo lúc bấy giờ đơn giản chỉ là những phương pháp, những kỹ năng sống sao cho tốt. Nói cách khác, tôn giáo chỉ là phương tiện, phương pháp phục vụ cho cuộc sống của con người.

Giáo chủ của các tôn giáo đều là những tấm gương sáng về đạo đức và sự hy sinh, về lòng từ bi và sự bao dung, vị tha vô hạn đối với tha nhân. Thế nhưng, sau khi các giáo chủ, những người sáng lập tôn giáo qua đời, tôn giáo dần được xây dựng thành tổ chức kiên cố, và từ đây, con người trở lại phục vụ cho cái tổ chức mà họ đã xây dựng đó. Họ dùng mọi cách để bảo vệ tổ chức đó, khuếch trương tổ chức đó và coi tổ chức đó như là đối tượng, là mục tiêu của đời họ. Tức là tôn giáo không còn là công phục, là phương tiện để phục vụ con người nữa mà ngược lại, chính con người phải phục vụ cho tổ chức tôn giáo. Và mọi rắc rối đều bắt đầu từ đây: Tôi phải bảo vệ tôn giáo của tôi; tôi phải làm cho tôn giáo của tôi ngày càng hùng mạnh, ngày càng có nhiều tín đồ. Và để đạt được điều đó, họ sẳn sàng hy sinh tính mạng của mình, hoặc của người khác. Tôn giáo đã không còn phục vụ con người nữa, mà trở thành mục tiêu để con người phục vụ. Và điều này cũng được thấy ở các loại “chủ nghĩa” khác. Thật nghịch lý, nhưng hầu hết chúng ta - các lãnh đạo và tín đồ của các tôn giáo trên thế giới - đều đã và đang làm như thế, và sẽ còn tiếp tục làm như thế cho đến không biết bao giờ. Con người khổ vì tôn giáo, khổ vì chủ nghĩa!

Tôn giáo và những lời dạy của nó chỉ đơn giản là những món ăn phục vụ cho sức khỏe của con người. Cách cư xử hợp lý là dùng món ăn để bồi dưỡng cơ thể chứ không phải tôn thờ chúng. Nhiều tôn giáo cũng như nhiều món ăn. Mỗi món ăn phục vụ cho một hạng người nào đó. Cũng vậy, mỗi tôn giáo phục vụ cho một nhu cầu tâm linh nào đó của con người. Chúng ta ăn cơm nhưng chúng ta cũng hoan hỷ với những người ăn bánh mì hay các loại lương thực khác. Và thỉnh thoảng chúng ta cũng có thể ăn thử bánh mì cũng như mời người kia dùng thử cơm để biết thêm mùi vị. Trong ăn uống chúng ta làm được điều đó, nhưng tại sao ta không thể làm như vậy đối với thức ăn tinh thần, tâm linh? Hãy suy nghĩ! Chúng ta hoàn toàn có thể làm được khi chúng ta nhận thức rằng: Tôn giáo vì con người chứ không phải con người vì tôn giáo.

Tôn giáo ra đời và tồn tại là để phục vụ cho hạnh phúc của con người. Nếu tôn giáo không làm được điều đó thì tồn tại để làm gì. Còn nếu như tôn giáo là nguyên nhân gây nên khổ đau thì lại càng không đáng tồn tại. Đức Dalai Lama nói rằng: “Tôn giáo thật sự chính là tôn giáo trong tâm con người, chứ không phải trong các đền thờ. Vì thế nếu người ta thực hành tôn giáo một cách đúng nghĩa, tức là tôn giáo trong trái tim thì sự xung đột giữa các tôn giáo sẽ không xảy ra. Nhưng nếu người ta giữ tôn giáo trong những đền thờ thì khi đó sự xung đột bắt đầu. Có lẽ đến một đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải phá bỏ đền thờ để mà bảo vệ tôn giáo. [1] Tôn giáo mà vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nói đó chính là tôn giáo vì con người.

Nói không phải bi quan, nhưng thế giới rất khó có được hòa bình. Ngược lại ngày càng có nhiều cuộc chiến tranh và xung đột hơn, tỷ lệ thuận với sự tham lam, hẹp hòi, ích kỷ và hung hản ngày càng tăng của con người. Và trong những cuộc chiến tranh và xung đột đó thì chiến tranh và xung đột tôn giáo là khó giải quyết nhất. Đó là vì trong những chấp thủ của con người thì chấp thủ về tư tưởng là nhạy cảm và kiên cố nhất. Người ta có thể chấp nhận mất mát về vật chất, nhưng không thể chấp nhận tư tưởng, quan điểm của mình bị đả phá. Đây là chỗ mà trong kinh nói rằng diệt trừ Pháp chấp còn khó hơn là diệt trừ Ngã chấp. Nếu các nhà tôn giáo không bình tâm suy xét và có giải pháp chung giữa các tôn giáo với nhau thì chắc chắn thế giới sẽ không bao giờ được bình yên.

Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu thế giới này không có tôn giáo thì sẽ như thế nào? Thế giới không thể không có tôn giáo. Nếu không có tôn giáo thì thế giới sẽ tối tăm và khô cằn, vì những nguồn từ bi và trí tuệ, sự hiểu biết và tình thương yêu hầu hết đều bắt nguồn từ tôn giáo. Tôn giáo không phải tự nhiên mà hình thành mà là do nhu cầu của con người. Không có tôn giáo, thì trong một số vấn đề, con người sẽ không biết đâu là đúng, đâu là sai, sẽ không có phương pháp để cầu nguyện hay tu tập để được an lạc trong hiện tại cũng như không đọa lạc vào ác đạo. Trong mỗi tôn giáo đều có những vĩ nhân, những bậc Thánh quên mình để phục vụ cộng đồng. Tôi thấy rằng, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… đều làm từ thiện rất tốt. Chỉ có điều là họ không làm với nhau. Họ không thể hòa hợp, chung tay với nhau để phụng sự chúng sinh. Ai cũng cho rằng mình vì chúng sinh nhưng tại sao lại không thể hòa hợp? Nếu tôi vì chúng sinh, bạn cũng vì chúng sinh thì bạn và tôi đều cùng chí hướng, cùng mục tiêu, vậy có gì mà không thể hòa hợp được. Nhưng nếu đã không thể hòa hợp thì phải coi lại, rằng chúng ta có phải thật sự vì chúng sinh hay chỉ vì bản thân mình, vì tôn giáo của mình?

Tôi có cảm giác rằng các tôn giáo chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng với nhau. Và hễ có cơ hội là nói xấu nhau, phê bình và chỉ trích nhau. Những hành động như thế không hề đem lại điều gì tốt đẹp cho bản thân người đó cũng như cho tôn giáo của họ. Ngược lại chỉ tạo ra sự thù hằn giữa các tôn giáo với nhau. Thời đại ngày nay không phải là thời đại của Chúa Jesu, cũng không có ai làm được như Chúa là “Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ”. Cũng không phải là thời đại của chư Tăng ở Đại học Nalanda, mấy ngàn người ngồi im để cho mấy chục quân Hồi giáo mặc tình sát hại. Những hành vi xuyên tạc tôn giáo khác đều nhanh chóng bị phanh phui, chỉ mặt như những gì đã xảy ra gần đây cho thấy. Trong thời đại ngày nay, thời đại của thông tin và dân trí thì việc đưa mình lên hay hạ người khác xuống bằng những thủ đoạn, những trò lừa bịp thì thật là nông cạn và thô kệch của người không có trí huệ. Vì thật sự là không có ai tin họ cả. Chỉ là tự mình làm mất uy tín của mình mà thôi, như Đức Phật dạy trong kinh 42 chương, rằng người ác hại người hiền như quét bụi ngược gió, như ngữa mặt lên trời phun nước miếng, không thể hại người khác được mà chỉ tự làm hại mình.

Thật ra truyền bá tôn giáo của mình là điều mà hầu hết các tín đồ đều muốn làm. Điều này không có gì là sai cả. Bởi vì ai cũng tin rằng tôn giáo của mình là đúng, mình đã được lợi ích từ những lời dạy của đấng giáo chủ, cho nên truyền bá tôn giáo cũng là một cách để trả ơn người đã khai mở tôn giáo đó. Hơn nữa, với điều mình thấy hay, mình muốn đem chia sẻ với người khác thì có gì là không tốt. Vấn đề là ở chỗ, cái mà người này cho là hay chưa chắc người khác nghĩ như vậy. Cũng như món ăn vậy, khẩu vị của mỗi người không ai giống ai. Cho nên nếu như mình cho rằng tôn giáo của mình hay rồi dụ dỗ hay ép người khác phải tin theo như mình thì không đúng. Nhất là việc truyền bá tôn giáo bằng thủ đoạn thì lại càng đáng bị lên án.

Nhìn lại lịch sử truyền bá tôn giáo thì Phật giáo không có truyền thống cạnh tranh với các tôn giáo khác. Người ta đến cầu xin học Phật pháp mà còn không dạy, phải thử thách coi có thành ý không mới chịu truyền trao, thì làm gì có chuyện cạnh tranh để thu hút tín đồ. Chỉ có điều là trong những năm gần đây, một số vị thầy, do quá nhiệt tình trong việc truyền bá Phật pháp, hoặc do đạo lực chưa cao, hoặc còn chút hiếu thắng, đã có một vài nhận xét không thân thiện với một số tôn giáo và tín ngưỡng khác, gây nên sự bất bình, xung đột giữa các tôn giáo bạn với nhau. Thật sự mà nói, trong lịch sử truyền bá tôn giáo thì Phật giáo chịu nhiều thiệt thòi so với các tôn giáo khác trên thế giới. Phật giáo không dựa vào chính trị, kinh tế hay quân đội để truyền bá Phật pháp. Nhưng mà như thế mới là Phật giáo, mới được thế giới vinh danh là tôn giáo của hòa bình. Những người đệ tử Phật ngày nay, trong khi hoằng dương Chánh pháp cần phải chú ý đến điểm này để không đánh mất bản chất và giá trị của Phật pháp.  

Không ai muốn tôn giáo mình bị tiêu diệt cả. Vậy thì trong khi phát triển tôn giáo của mình cũng cần cho tôn giáo bạn một con đường sống, hà tất gì phải tiêu diệt nhau một mất một còn mới chịu. Thế giới này rộng lớn lắm, đủ cho tất cả các tôn giáo có thể cùng tồn tại với nhau một cách hòa bình. Cuộc sống có quy luật đào thải. Những gì không có ích và không phù hợp dần dần sẽ bị loại trừ một cách tự nhiên. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng đã là người theo đạo thì dù là đạo nào đi nữa thì cũng phải làm người chân thật trước tiên. Mọi sự xuyên tạc, bóp méo sự thật đều không phải là hành vi của người có nhân cách, chính nhân quân tử. Nên nhớ rằng, Phật hay Chúa đều yêu thương tất cả muôn loài, chứ không phải chỉ yêu thương người nào tôn thờ mình. Tôi nghĩ rằng các tôn giáo nên có một hiệp ước với nhau, trong đó quy định các tôn giáo không được nói xấu nhau.

 

 

 


 

[1] Tibetan Review, New Delhi January, 1972, p.14

Chia sẻ: facebooktwittergoogle