Giữa những vội vã

giua nhung voi va
Trời đã bắt đầu vào Thu, có lẽ từ tuần trước. Buổi sáng bình minh đến muộn hơn. Bầu trời buổi sáng nhiều mây, và có những cơn mưa nhẹ giăng ngang qua. Mùa thu về khi lối nhỏ mình đi bắt đầu phủ lá, khi những khu rừng hai bên đường bắt đầu ướm màu sắc vàng đỏ tím, khi mỗi sáng đi làm mình phải mang thêm một chiếc áo khoác.
 
    Mùa nào cũng vậy, trên con đường ta đi bao giờ cũng có những vẽ đẹp, mà lắm khi mình vô tình không hay. Ngày nay trong thời đại của báo chí, tin học, từ sáng đến chiều chúng ta dễ bị dồn nhét với bao nhiêu những tin tức bất an, những chuyện xấu xa của cuộc đời. Nó ảnh hưởng đến ta, khiến ta trở nên dè dặt và đóng kín lại, cái nhìn của mình nhỏ hẹp hơn, và ta sống vội vã hơn.
    Không phải chúng ta nên làm ngơ trước những khổ đau chung quanh mình, nhưng ta cũng đừng đánh mất đi những điều hay đẹp khác đang có mặt trong cuộc sống. Nó có mặt trong một tờ lá chín, một ngày mưa nhẹ, một tách cà phê nóng, một người bạn thân, một bài nhạc hay… chúng đều có thể nâng cao tâm hồn, mang lại một sự bình yên.
  Trên con đường đi sáng nay, bạn hãy thử bước chậm lại và lắng nghe. Biết đâu, có ai đang chơi một bài nhạc hay nào đó. Sắc màu của không gian trời vào thu cũng là một bài nhạc giao hưởng rất phức tạp và vô cùng kỳ diệu, phải không bạn? Ta hãy lắng nghe.
Giữa những vội vã
 
Vào một buổi sáng trời lạnh mùa đông, tại một ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet… trong vòng 45 phút.
    Trong khoảng thời gian ấy có chừng 2 ngàn người đã đi ngang qua, đa số đang trên đường đến sở làm của họ.  Và dường như không một ai chú ý đến sự có mặt của anh ta đứng ở đó.

    Sau khoảng 3 phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua và nhận thấy có một nhạc sĩ đang đứng đó chơi vĩ cầm.  Ông đi chầm chậm, dừng lại chừng vài giây, và rồi lại vội vã đi tiếp cho kịp giờ của mình.

4 phút sau:

Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy nhận được đồng đô la đầu tiên: một người đàn bà ném tiền vào thùng đàn của anh, bà cũng không hề dừng lại, tiếp tục rảo bước.

6 phút:

Một người thanh niên trẻ đứng dựa vào tường lắng nghe anh, anh ta nhìn đồng hồ đeo tay của mình và rồi lại đi tiếp.

10 phút:

Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng mẹ của em vội vàng lôi em đi tiếp.  Đứa bé tiếp tục dừng lại nhìn anh nhạc sĩ vĩ cầm, nhưng mẹ của em đẩy mạnh, và em lại phải tiếp tục bước đi, nhưng em vẫn cứ ngoái đầu quay nhìn lại.  Và điều này cũng đã xảy ra với nhiều đứa bé khác. Và tất cả cha mẹ đều lôi kéo các em, bắt các em phải đi nhanh lên.

45 phút:

Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc không ngừng. Chỉ có 6 người dừng lại và lắng nghe trong vài ba phút rồi bỏ đi.  Khoảng chừng 20 người cho anh tiền, trong khi vẫn tiếp tục bước đi bình thường, và không hề dừng lại. Chàng nhạc sĩ ấy nhận được tổng cộng là 32 đô la.

1 giờ sau:

Anh ta ngừng chơi, không gian trở lại im lặng. Không ai chú ý đến anh.  Không một tiếng vỗ tay, và cũng không một lời tán thưởng.

Nhạc sĩ nổi danh với cây vĩ cầm vô giá

Không ai biết người ấy chính làJoshua Bell, một trong những nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới.
 

    Trong hơn 45 phút qua anh đã chơi những bài phức tạp nhất trong các bài nhạc trình tấu, và cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3.5 triệu đô la. Hai ngày trước đó, Joshua Bell đã trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết không còn một chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô la.  Và ban tổ chức sẵn sàng trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!

    Đây là kết quả của một cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức.  Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm, 7:45 sáng.  Họ chọn nơi biểu diễn là trạm ga L’Enfant Plaza, vì nơi đây những người khách metro đi ngang qua đa số là thuộc tầng lớp trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, phần lớn làm việc với chính phủ liên bang.

    Trước khi tổ chức, các nhà thử nghiệm nghĩ rằng tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về nhạc giao hưởng, classical music, Joshua Bell có thể sẽ thu hút một số lượng lớn khán thính giả dừng lại nghe, và họ chuẩn bị sẽ phải nhờ cảnh sát đến để giữ trật tự.

    Nhưng chỉ có một người duy nhất nhận ra Joshua Bell, vì trước đó ba tuần cô ta có đi xem anh trình diễn ở Library of Congress, nên nhận ra anh ngay. Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn.

Chậm lại để tiếp xúc với hay đẹp

Tờ Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng: chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình, trong những hoàn cảnh bình thường hằng ngày không?

 

    Và nếu như trong cuộc sống chúng ta không thể dừng lại trong giây lát để lắng nghe một nhạc sĩ lừng danh nhất trên thế giới, chơi những giai điệu hay nhất từng được sáng tác, với một nhạc cụ hoàn hảo nhất, và nếu như cuộc sống quá bận rộn đến nỗi chúng ta không còn có thời gian để dừng lại, khiến ta trở nên làm ngơ trước những điều hay đẹp, thì trên con đường ta đi,  mình còn vô tình bỏ qua và đánh mất bao nhiêu những điều đáng quý nào khác nữa chăng?

 

    Trong thời đại ngày nay, dường như đa số chúng ta có khá đầy đủ, nhưng duy có một điều mà chắc chắn trong chúng ta ai cũng đều rất thiếu thốn là thời giờ của mình, phải thế không bạn? 

    Vài năm sau cuộc thử nghiệm ấy, tờ báo The Washington Post đã mời anh Joshua Bell trở lại và trình diễn tại trạm ga Union Station ở Washington D.C.  Và lần này ban tổ chức có thông báo trước nên số người đến nghe anh lên đến cả ngàn. Tôi nghĩ, trong chúng ta đều có sẵn sự trong sáng và hay đẹp, vì vậy chúng ta lúc nào cũng muốn được tiếp xúc với những chân, thiện và mỹ chung quanh mình.

    Trên con đường chúng ta đi, có lẽ ta cũng đã từng có dịp nghe được tiếng đàn vĩ cầm của Joshua Bell, và bao nhiêu những điều hay đẹp khác chung quanh ta, nâng cao tâm hồn mình, giữa những bận rộn và ngay trong hoàn cảnh bình thường nhất, nếu như chúng ta biết bước chậm lại một chút để có thêm nhiều thì giờ hơn...

Nguyễn Duy Nhiên
 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle