Nghiệp chi phối đời sống nhân sinh

nghiep chi phoi

Nghiệp chi phối đời sống nhân sinh

Chân Hiền Tâm

 

Ngày còn bán hàng rong ngoài đường, tôi gặp một phụ nữ, tuổi đã ngoài ba mươi. Mỗi lần chờ đi khách, chị hay ngồi nói chuyện với tôi. Người không xinh xắn, bụng lớn ngực lép, đi thì chân này đá chân kia, nhưng khá đắt khách.  

Bẵng đi một thời gian không thấy chị đâu, hỏi thăm, mới biết chị được một người lái xe đường dài lấy về làm vợ, lo hết mọi thứ để chị thoát được cái nghề thiên hạ gọi là hạ cấp.

Chưa đầy nửa năm, lại thấy xuất hiện tiếp tục nghề cũ. Nghĩ bị thiên hạ bỏ rồi, nhưng không chị bỏ thiên hạ. Chị nói ở nhà buồn quá em ơi. Nhớ nghề.

Ai cũng lắc đầu.

Đồng nghiệp của chị lắc đầu.

Thiên hạ thì chửi chị ngu.

Tôi thì hết biết nói gì.

Đến khi biết đạo, hiểu về nghiệp, thấy được thực chất của nghiệp… chẳng còn một niệm trách cứ, chỉ biết thở dài ngao ngán cho một kiếp người, được kết tụ bởi nghiệp, lưu chuyển nhờ nghiệp và kết thúc cũng bằng nghiệp. Không có khoảnh khắc nào là không có nghiệp. Vừa đủ chiêm nghiệm câu mà Sư Hưng đã nói: “Nghề là nghiệp”. Một định nghĩa khá đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, rõ ràng.

Tìm hiểu về nghiệp

Nghiệp, Phạn ngữ là karma, chỉ cho những tạo tác thuộc ba nghiệp. Câu-xá quang ký q.13 ghi: “Tạo tác gọi là nghiệp”. Những tạo tác ở thân như co, duỗi, lấy, bỏ v.v… gọi là thân nghiệp. Tạo tác âm thanh ngữ ngôn gọi là khẩu nghiệp. Tạo tác ở tâm như suy nghĩ, dự định, quyết định v.v… gọi là ý nghiệp. Kinh luận nói ba nghiệp, là chỉ cho thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Nghiệp, có nghiệp nhân và nghiệp quả. Nghiệp nhân là những gì xuất hiện thuộc ba nghiệp, cho ra quả khi đủ duyên. Nghiệp quả là những kết quả có được từ những nghiệp nhân đã gây tạo. Với thế giới này, nhân luôn phải có trước quả. Nhân dùng để chỉ cho những gì có khả năng sinh quả. Quả là những gì có được từ nhân. Với cái nhìn của Trung luận, một khi đã gọi là nhân thì nhất định phải đi liền với quả. Đã nói đến quả thì nhất định phải có nhân. Nếu không có quả thì nghiệp ấy chỉ gọi là nghiệp, không gọi là nghiệp nhân. Nếu không có nhân thì cũng chẳng có nghiệp quả. Thực chất của nhân quả là như vậy. Dựa vào lý này, ứng dụng tu hành để chuyển nghiệp và dứt nghiệp.  

Nhân và quả này không mang tính cố định. Nghiệp nhân trong hiện tại có thể là nghiệp quả của những nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ. Nghiệp nhân trong quá khứ gọi là túc nghiệp. Như A-nan, do có túc nghiệp làm vợ chồng với Ma-đăng-già 500 đời, nên đã xảy ra việc kề vai cận má trong hiện tại. Việc xảy ra trong hiện tại đó gọi là hiện nghiệp. Nếu hiện nghiệp này không được ngăn dứt, đủ điều kiện tiếp diễn thì sẽ có cái quả của nó. Như vậy, hành vi trong hiện tại tuy là quả của những việc quá khứ, nhưng lại có khả năng làm nhân cho những quả khác trong tương lai. Tức nhân quả không cố định, chỉ tùy duyên mà lúc là quả, lúc là nhân.

Nghiệp, một khi được lặp lui lặp lại hoài, như Sư Hưng đã nói “Nghề là nghiệp”, sẽ tạo ra một lực, gọi là lực nghiệp. Lực này có là do những tạo tác giống nhau được huân tập nhiều, tích trong tạng thức mà thành có lực. Lực này không được nhận biết, cho đến khi nó bị cản trở. Động quen rồi, giờ có việc phải ngồi một chỗ, cảm giác bồn chồn trống vắng sẽ xảy ra, chân tay loay hoay, chỉ muốn làm một cái gì đó, không thể yên vị. Cái loay hoay và muốn ấy là kết quả của lực động. Người phụ nữ không biết làm nghề ấy bao lâu, nhưng với chị nó đã có lực. Lực ấy đã lôi chị trở lại với nó, không yên phận được ở nhà dù ở nhà an thân hơn. Vì nghiệp đã có lực nên những thứ thiên hạ thấy tốt đẹp lại trở thành buồn chán với chị. Chị không thể ở nhà hưởng thú an nhàn mà theo tiếng gọi của nghiệp trở lại đường xưa. Nghiệp đó, nếu được tiếp tục huân, ngày càng nhiều thì lực nghiệp ngày một mạnh. Lực này có liên quan mật thiết đến Tập nói trong Tứ đế. Tập là sự tích tụ. Do tích tụ nhiều nên nghiệp thành có lực.

Thói quen là một dạng của Tập, vì nó được lặp đi lặp lại, tích tụ vào tạng thức, nên thói quen cũng có lực của nó. Việc này có thể kiểm nghiệm dễ dàng trong đời sống của mình. Bạn quen ăn ớt, giờ không có ớt, bạn sẽ thấy cảm giác thiếu thốn, ăn không ngon, có cái gì đó thôi thúc khiến bạn tìm ớt… Thứ khiến bạn cảm thấy thiếu thốn và giục bạn tìm ớt chính là lực của nghiệp. Nếu ngay đó tỉnh biết mà dừng lại là bạn đang phá cái tập ăn ớt cũng như cái lực của nghiệp.    

Lực này chính là thứ giúp chúng sinh tái sinh ở các cõi.

Tùy theo sự tạo tác thiện ác mà có quả ở các đường. Những tạo tác nào đưa đến cái quả tốt đẹp cho mình và người thì gọi là thiện nghiệp. Thiện nghiệp giúp tái sinh vào ba cõi Trời, Người và A-tu-la. Nghiệp nào đưa đến quả báo bất hạnh cho mình và người thì gọi là ác nghiệp, giúp tái sinh vào ba cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.

Trong cõi Người có người sung sướng hạnh phúc, có người bệnh tật khổ đau, đều tùy nghiệp thiện ác đã tạo trong quá khứ mà ra. Đời người, lúc lên voi, lúc xuống chó, cũng là tùy nghiệp thiện ác từng tạo trong quá khứ. Thiện nghiệp trổ quả thì lên voi. Ác nghiệp trổ quả thì xuống chó. Thiện nghiệp nhiều thì hạnh phúc nhiều hơn. Ác nghiệp nhiều thì đau khổ nhiều. Cũng có loại nghiệp không mang tính thiện ác. Nó là cái quả của những tạo tác không mang màu sắc tham, sân, cũng không mang màu sắc phước báu.

Nghiệp, vài khía cạnh cần lưu ý

Nghiệp tạo ra sự trói buộc: Chúng sinh và thế giới là kết quả của lực nghiệp, lực nghiệp lại mang tính dẫn dắt và trói buộc, nên con người, tuy bản chất là tự do tự tại, là chủ nhân có toàn quyền quyết định cuộc đời mình, lại trở thành kẻ nô lệ, bị ràng buộc bởi những nghiệp nhân đã gây tạo trong quá khứ. Thiện nghiệp thường cho cái quả khiến ta không nhận ra sự ràng buộc này, vì nó thuận với sự thích muốn của ta, nhưng thực chất thì mọi thứ đều có trói buộc trong đó. Thiện nghiệp một khi được huân tập mạnh, sẽ tạo ra lực khiến ta phải theo nó, cũng như không thể gây tạo ác nghiệp. Như bố thí quen rồi thì gặp duyên liền bố thí, không bố thí liền thấy áy náy. Cũng thấy bất an và sợ hãi khi nghĩ đến ác nghiệp. Lỡ gây tạo ác nghiệp thì lo sợ sám hối v.v... Nói trói buộc là vậy. Một trói buộc giúp cuộc sống và tư tưởng con người thăng hoa hơn.

Song hành Bồ-tát đạo, một con đường cần vô lượng phương tiện khác nhau mới tương ưng được với mọi căn cơ của chúng sinh, nếu chỉ dựa vào các hình thức thiện, khó mà giúp chuyển hóa những con người bất trị, cũng khó mà giúp phá bỏ những tư tưởng còn chấp nặng vào thiện nghiệp, cũng khó thực hành việc đồng sự với người hữu duyên. Cho nên, huân thiện nghiệp mà để thiện nghiệp trói buộc là một chướng ngại lớn lao cho việc thực hành Bồ-tát đạo. Vì thế với hàng Đại Bồ-tát, tuy không ngừng thực hiện thiện nghiệp, nhưng là thiện ở mặt thể, không phải ở mặt hình tướng. Tức chỉ lấy lợi ích của nhân sinh làm trọng, không vướng vào hình tướng của thiện nghiệp. Muốn vậy, phải sống được với tánh Phật của mình. Muốn sống được với tánh Phật, phải phá cho được tâm phân biệt, tức tâm chấp trước.

Thiền sư Phần Dương, ngữ ngôn và giọng điệu của ông không mang tính ái ngữ mềm mỏng. Song đó là phương cách ông dùng để phá bỏ tâm chấp thiện của hạng thiền sinh có cơ lành, giúp họ ngộ được Phật tánh, thoát được tâm phân biệt. Thiền sư Trung Hoa[1] ghi: Mỗi khi Sư vào thưa hỏi, chỉ bị Phần Dương mắng chửi thậm tệ, hoặc nghe chê bai những vị khác, nếu có dạy bảo thì toàn dùng lời thế tục thô bỉ. Một hôm Sư tự trách: “Từ ngày đến pháp tịch này đã qua mất hai năm mà chẳng được dạy bảo, chỉ khiến tăng trưởng niệm thế tục trần lao, năm tháng qua nhanh việc mình chẳng sáng, mất cái lợi của kẻ xuất gia…”. Sư nói chưa dứt đã thấy Phần Dương xuất hiện, nhìn thẳng vào Sư mắng: “Đây là ác tri thức dám chê trách ta”. Nói rồi cầm gậy đuổi đánh. Sư toan la cầu cứu, Phần Dương liền bụm miệng Sư, Sư chợt đại ngộ, nói: “Mới biết đạo của Lâm Tế vượt ngoài thường tình”. Sư ở lại hầu hạ Phần Dương bảy năm.               

Nghiệp và sự sắp đặt của luật nhân quả: Tôi nhận ra rằng có một dòng nhân duyên nối tiếp nhau, quả này nối tiếp quả kia tạo thành dòng sống của một con người, rất khéo léo và tài tình, từ thiện nghiệp cho đến ác nghiệp. Mọi thứ đều khéo léo trật tự tùy thuộc vào cái nhân mà mình đã tạo trong quá khứ. Nói quá khứ là muốn nói nhân trước quả sau, không khẳng định nó thuộc về thời điểm nào trong vô lượng kiếp mà đời người đã sở hữu. Ai cũng tưởng mình quyết định mọi thứ cho cuộc đời mình, chọn một nghề tương hợp, phát triển được sự giàu có v.v… đều do một cái ta bản lãnh, trí tuệ và đầy tài năng quyết định. Không, thứ chúng ta có thể quyết định làm hay không làm là thiện nghiệp, với điều kiện bản thân không bị lực và quả của ác nghiệp trói buộc quá mạnh[2]. Còn lại, mọi vận hành trong đời đều là sản phẩm của luật nhân quả. Nhân thiện cho ra quả lành. Nhân ác cho ra quả dữ. Ta trở thành tài ba, khéo léo, nhà to cửa lớn, nói gì thiên hạ cũng nghe… là do vòng xoáy của nhân quả sắp đặt. Chính luật nhân quả đã tạo nên sự hài hòa, tài ba, khéo léo trong cuộc đời bạn dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Nói tài ba khéo léo mà nói đến ác nghiệp, bởi có những việc xảy ra thật không tưởng để tội ác được thực thi, trả một cái nợ đã vay từ quá khứ. Sự khéo léo của luật nhân quả khó có thể hình dung khi nhân đã gây và duyên đã đủ. Thứ duy nhất mà bạn có thể quyết định trong cái duyên của bạn là tạo thiện hay ác nghiệp. Từ thiện nghiệp, nhân quả vận hành để mọi thứ được trật tự tốt đẹp, như thể bạn là người sắp đặt ra nó. Từ ác nghiệp, nhân quả vận hành để mọi thứ được sắp dặt như có một định mệnh nào đó quyết định cuộc đời bạn khiến bạn thấy bất lực với nó.

Nhân nào tương ưng với quả nào đều được dạy rõ trong kinh Thập thiện. Theo đó mà thực hành thì cuộc sống tương lai sẽ tốt đẹp, cũng là cách giúp chuyển những nghiệp xấu đã tạo.                     

Nghiệp quyết định mọi thứ: Phật nói: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp và thừa tự nghiệp ấy. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình, có liệt có ưu[3]. Schopenhauer, một triết gia Đức, phát biểu một câu khá lý thú: “Bề ngoài, con người tuồng như có một cái gì đó ở trước thúc đẩy họ đi tới, song kỳ thực họ bị thúc đẩy từ đằng sau”[4]. Cái đằng sau đó chính là nghiệp. Người phụ nữ không thích làm một cô vợ ngoan mà chọn con đường gian truân, với cái nhìn của người đời là do cô ta muốn vậy. Thực tế chính vì nghiệp khổ đã có lực. Lực đó khiến việc ở nhà trở thành buồn tẻ chán ngán, thúc đẩy cô ta theo nghề cũ, không thể dừng. Nếu chịu quán sát, bạn sẽ thấy những loại lực này chi phối các sinh hoạt của bạn ra sao, bạn lệ thuộc vào chúng thế nào.

Đó là nói về nhân duyên nghiệp lực thuộc thói quen của bản thân.

Còn một loại nhân duyên nghiệp lực có liên quan trực tiếp đến người khác. Nếu chịu quán sát, bạn sẽ thấy tập nghiệp sân, tham, đố kỵ v.v… của mình không phải khi nào cũng hiện khởi ở khắp mọi nơi. Có người khi gặp, những tập nghiệp ấy ở bạn không hiện khởi, nhưng có người hễ tiếp xúc là tâm sân ở bạn hiện khởi mạnh. Không đố kỵ với ai, chỉ đố kỵ duy nhất một người, đố kỵ đến mức không thể tỉnh giác, dính luôn vào nghiệp bất thiện, dù hiện đời họ không làm gì mình v.v… Đó là do những mối nhân duyên đã xảy ra từ quá khứ, được lưu giữ trong tạng thức, giờ đủ duyên thì hiện khởi. Vua Lưu Ly khởi tâm tàn sát dòng họ Thích là do quá khứ khi còn làm cá sống ở ao hồ đã bị dòng họ Thích giết, lấy đó làm thức ăn. Do uất khí, ông đã phát nguyện hồi hướng mọi thiện nghiệp cho việc trả thù được thành công. Nên khi đủ duyên, ác nghiệp được thực thi, quả địa ngục hiện tiền.    

Không hẳn là đổ thừa: Lực nghiệp mang tính trói buộc và dẫn dắt, nên nếu giới, định, tuệ không được huân tập thành lực thì khó mà làm chủ được các tạo tác thuộc ba nghiệp. Vì vậy, những thứ mình nghĩ là đổ thừa, có khi không hẳn là đổ thừa. Khi bạn có khả năng và điều kiện để vượt qua một thói xấu hay một hoàn cảnh xấu, mà không chịu vượt qua, lại nói do nghiệp, thì thiên hạ nói bạn đổ thừa. Ý của đổ thừa là vậy.

Khi tôi nói: “Chị làm lại chi cho cực, về già bệnh lắm chị”. Chị trả lời: “Chắc tại nghiệp chị vậy”. Câu nói cửa miệng của những ai thấy mình bất lực trước một vấn đề nan giải, dù khi phát biểu đó không hề biết nghiệp là gì, nói là biết sâu xa hơn về nghiệp. Nhưng đó là câu trả lời chính xác trong hoàn cảnh này. Nghiệp nói đây không phải nói ở mặt nghiệp báo mà chính là thói quen đi khách của chị. Chị có được điều kiện thuận tiện giúp vượt qua nghề ấy, nhưng khả năng vượt qua lại không có. Đi khách đã tích tụ thành thói quen qua bao nhiêu năm. Nó đã có lực khiến chị không thể vượt qua chính mình khi không đủ trí tuệ cũng như nhẫn lực để đối trị, dù thuận cảnh đã đủ.

Trong đời này, bạn thấy nhiều việc ngu dại xảy ra, không hiểu sao người ta không biết dừng để đánh mất tất cả, chính là do thói quen. Một loại nghiệp được tích tụ nhiều trong tạng thức, đủ duyên nó hiện hành và phát tán. Nhẫn lực không có nên không đủ tỉnh giác mà hàng phục và làm chủ hành vi của mình, cứ theo duyên tới luôn, cho đến khi thấy mình hiện diện khắp nơi nhờ cộng đồng mạng, mới thấy hối hận, thì đã muộn. Cho nên, bình thường nếu không hàng phục được tham sân thì khi đủ duyên khó mà không trở thành nạn nhân của những thứ đó. Tham mà gặp tiền thì chỉ còn thấy có tiền, không thấy tù tội, ngạ quỷ hay địa ngục. Sân mà gặp bất như ý thì như tên điên, bất chấp tất cả. Dâm mà gặp sắc thì mờ mịt, ngu tối v.v… Từ ngu muội có tham sân. Do tham sân mà thành ngu muội. Tất cả đều do nghiệp đã được huân tập mạnh. 

Huân tập có chủ đích và không chủ đích: Huân tập có chủ đích là những gì bạn làm mà ý thức rõ ràng về nó, với một mong muốn hay ý thích rõ ràng. Vì thích như vậy hay muốn như vậy mà bạn thực hiện. Hoặc dù không thích nhưng do ý thức được lợi ích của việc mình làm mà bạn vẫn thực hiện mọi thứ, gọi là huân tập có chủ đích. Nhận ra cuộc đời vô thường, bạn phát tâm tu hành. Do Phật Tổ dạy niệm Phật và tọa thiền là việc bạn phải thực hiện để thanh lọc thân tâm, nên ngày ngày bạn thực hành niệm Phật hay tọa thiền. Huân tập như vậy gọi là huân tập có chủ đích.  

Huân tập không chủ đích là một loại huân tập bị động. Bạn không ý thức rõ về những gì mình đã làm, nhưng mọi thứ vẫn được thực hành và huân tập vào tạng thức đều đặn. Bạn thích tụng kinh và chủ động thực hiện việc đó, là một loại huân tập có chủ đích. Song tụng kinh và phát tâm Bồ-đề là hai việc khác nhau. Có người tụng kinh mà không thích thành Phật hay hành Bồ-tát đạo, chỉ muốn an tâm hưởng phước Trời Người. Tuy vậy, bài hồi hướng cho tất cả vẫn là: “Nguyện đem công đức này/ Hồi hướng khắp tất cả/ Đệ tử và chúng sinh/ Đều trọn thành Phật đạo”. Ai cũng huân tập đều đặn bài kệ ấy dù có người không hề ý thức gì về việc thành tựu Phật đạo, nhưng vì đó là cái lệ phải làm sau mỗi thời tụng kinh, niệm Phật hay tọa thiền, nên ai cũng niệm đều. Huân như thế gọi là huân tập không chủ đích.

Huân tập có chủ đích hay không có chủ đích, tuy ở mặt dụng có sự khác nhau, nhưng đều tạo thành chủng tử nghiệp lưu trong tạng thức. Huân bài kệ đó vào tâm là đang huân tạo ý nghiệp. Ý nghiệp này một khi có lực và đủ duyên sẽ tạo thành thân nghiệp và khẩu nghiệp, huân tiếp vào tạng thức. Đây cũng là lý do giải thích vì sao giới trẻ dễ có những hành vi bất thiện khi huân tập các hình ảnh bất thiện vào tâm quá nhiều mà không thấy có sự sợ hãi. Lập trường học, tùng lâm, nói đến việc giáo dục v.v… là đang ứng dụng việc huân tập có chủ đích hay không chủ đích này vào đời sống nhân loại. Phật Tổ đứng từ lý thật mà nói ra. Các nhà nghiên cứu thì theo phương pháp quy nạp các hiện tượng mà nhận kết quả.    

Bồ-tát hành Phật đạo, gieo duyên tu hành với chúng sinh, có khi bằng phương cách giúp nhân sinh huân tập thiện pháp có chủ đích, có khi bằng phương cách giúp huân tập thiện pháp không chủ đích. Cách sau thường được áp dụng cho các vị không tự tỉnh giác phát tâm trong hiện đời. “Dạy con từ thuở lên ba” cũng là một loại huân tập không có chủ đích giúp trẻ huân tập thiện pháp. Đều do nắm được tính huân tập của tâm cũng như lực của các nghiệp để thành tựu thiện pháp, giúp hình thành nhân cách cho con người.

Nan-đà là người đắm sắc, không thích tu hành. Tuy vậy, ngay ngày cưới của ông, Thế Tôn đã đến và đặt bình bát của Ngài vào tay ông với một lời chúc phúc, sau đó ra đi mà không lấy lại bình bát. Nan-đà đã phải cầm bình bát chạy theo đến tận tinh xá.

Phật hỏi:

- Ông muốn đi tu không?

Vì lòng tôn kính đối với Phật quá sâu đậm nên thay vì thốt “Con không muốn tu”, ông lại thưa:

- Dạ con muốn.

Thế là Phật gật đầu và cho ông xuất gia trong khi cô vợ thì khóc ngất.

Khoảng thời gian làm Tăng là một cực hình với ông. Lời than thở của ông đến tai Phật. Phật gọi ông lên hỏi. Ông xác nhận điều đó. Chỉ muốn về nhà với vợ và sống đời sống một cư sĩ. 

Đức Thế Tôn nắm tay Đại đức Nan-đà, dùng thần lực đưa ông đến cõi trời Ba mươi ba, chỉ cho thấy năm trăm thiên nữ đang hầu hạ thiên chủ, và nói ông sẽ có năm trăm thiên nữ như vậy nếu tiếp tục tu hành. Nan-đà chóa mắt và quên luôn việc đòi về. Huynh đệ của Nan-đà xem ông như một người tu mướn. Ông vì “mục đích tối hậu” mà Thế Tôn đã hứa, nên mặc kệ những lời đàm tiếu. Ông sống độc cư, xuất ly, chánh niệm, tinh tấn, dõng mãnh. Không bao lâu, Nan-đà an trú trong tuệ trí giác ngộ và đạt được đạo quả tối thượng của đời sống tu hành. Ðại đức đã biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, ta không còn trở lại đời sau nữa”. Được quả vị ấy, chẳng ai còn nghĩ đến việc khác nữa[5].

Huân tập như thế, với mục đích được năm trăm thiên nữ, thì việc tu tập của Nan-đà là có chủ đích, nhưng với mục đích thành tựu chánh quả, nó trở thành không có chủ đích. Thế Tôn đã mượn sự huân tập đó để Nan-đà huân trưởng chủng tu hành, phá bỏ chủng dâm ái đang hiện hành ở Nan-đà. Đó là phương tiện dụng pháp khéo léo của Thế Tôn.

Cho nên, với hàng Bồ-tát có trí tuệ và định lực, khó mà quán xét họ ở phương diện dụng pháp. Chỉ tùy cơ ứng duyên mà có pháp phù hợp. Vì do ứng tâm mà thành pháp, nên dù là thiện pháp hay bất thiện pháp đều mang đến kết quả lợi ích nhân sinh. Một việc khó nghĩ bàn. Nếu dùng tâm phân biệt của phàm phu mà định liệu thiệt hơn thì không bao giờ thấu được việc làm của chư vị.

Giới, định, tuệ giúp hàng phục nghiệp: Muốn dừng được lực nghiệp, nói cách khác muốn dừng được Tập, là nhân của khổ, bạn phải có Đạo. Đạo, thô là thiện nghiệp Trời Người, tế là thiện nghiệp Thanh văn và Duyên giác, tế nữa là thiện nghiệp của Bồ-tát, thành tựu Phật vị. Đa phần các loại tập nghiệp đều phải nương nhờ vào giới-định-tuệ mới dừng được lực nghiệp. Giới-định-tuệ này cũng phải được huân thành chủng, có lực, mới hàng phục được lực nghiệp. Không thì khó mà xóa được sự tích tụ của nghiệp đã huân sâu trong tạng thức.

Phải dựa vào lực của giới-định-tuệ mới hàng phục được lực nghiệp, nên chỉ có phước báu thôi thì không đủ để hàng phục lực nghiệp. Phước báu đưa đến hoàn cảnh tốt đẹp cho bạn, tạo thuận duyên cho bạn tránh ác nghiệp, nhưng nếu bạn không ý thức được gì là thiện để làm, gì là ác để tránh, không biết đến luật nhân quả trả vay ở thế giới này (tuệ), cũng không có khả năng bình thản hay nhẫn chịu phiền não khi phải đối đầu với một thói quen (định), thì điều kiện dù tốt bao nhiêu, bạn cũng trơ gan cùng tuế nguyệt. Và có khi, chính những thuận duyên của phước báu lại khiến bạn tạo tội gây nghiệp. Cho nên, huân tập giới-định-tuệ là việc cần thiết trong vấn đề chuyển nghiệp.  

Nghịch cảnh, có khi chính là phước báu giúp dừng các nghiệp xấu. Cậu hàng xóm nhà tôi tuyên bố có thể bỏ vợ, không thể bỏ thuốc. Nhưng nhờ máu nhiễm mở, men gan cao… mà biết thuốc vẫn có thể bỏ. Chỉ do không ý thức nên tự trói mình trong khói thuốc độc hại. Tuy vậy, việc dừng đó là việc dừng bị động. Mọi thứ có thể tái diễn nếu chúng ta không ý thức rõ về vấn đề mình đang vướng phải.

Định tuệ luôn là thứ cần thiết trong vấn đề chuyển nghiệp.

Nguyện, lực của ý nghiệp: Nguyện là một loại ý nghiệp mang tác dụng tích cực trong việc thành tựu những gì mà hiện tại bạn chưa thành tựu. Do mong muốn nó được thành tựu trong tương lai nên ta phát nguyện. Nguyện là thứ không thể thiếu trong quá trình hành đạo của một vị Bồ-tát. Chỉ là một lời phát nguyện, được vun bồi và trả giá bằng những thiện nghiệp trong hiện tại, nhưng một khi được phát ra với sự thành tâm thì nó trở thành kim chỉ nam cho con đường mà bạn đang đi. Cho nên, hãy phát những nguyện mang lợi ích cho mình và người, là nhân của an lành và hạnh phúc. Chớ phát những nguyện mang tính hẹp hòi, ích kỷ v.v… là nhân của bức ngặt và khổ đau. Tích chuyện vua Lưu Ly phát nguyện tàn sát dòng họ Thích cũng như những gì Phật dạy trong bài kinh Thiên tử Mã Huyết (1)[6] đã nói lên việc này, sức mạnh của nguyện lực.        

Thực tướng của nghiệp 

Nói đến thực tướng hay thực tánh của nghiệp là muốn nói đến bản chất của nghiệp.

Bản chất của nghiệp là gì mà nghiệp có thể thay đổi, dừng lại và chuyển được? Bản chất của nghiệp là “không” nên mọi hình tướng đều mang tính vô thường, có thể thay đổi, dừng lại và chuyển được.

Sul, con gái nhỏ của Chang, học trò thuần thành của Ma-tsu[7]. Do căn lành đời trước, cô đã có được những trải nghiệm giá trị nhờ vào việc niệm Phật và sau đó là thiền định, khi còn khá nhỏ.

Một lần Sul đến thăm Ma-tsu tại chùa của ngài. Ma-tsu hỏi:

- Trong Phật giáo, từ nghiệp được dùng rất nhiều. Con có nghiệp Phật giáo rất tốt. Ta hỏi con nghiệp là gì?

- Thứ lỗi cho con Đại sư! Ngài có thể giải thích lại câu hỏi một lần nữa không?

- Trong Tam thừa của Phật giáo, khái niệm nghiệp có thể được hiểu theo cách này hay cách khác. Ta muốn hỏi con, với con, nghĩa đích thực của nghiệp là gì?

Sul nói cám ơn rồi im lặng.

Ma-tsu cười lớn:

- Một cú lừa rất tuyệt! Con đã hiểu về nghiệp.

Tướng của nghiệp thì dễ diễn tả. Mọi tạo tác của thân, khẩu, ý đều gọi là nghiệp. Nghiệp được huân tập nhiều, tích tụ trong tạng thức thành chủng tử nghiệp. Thành chủng tử rồi, nó sẽ tạo ra một lực có thể biến hiện ra căn, thân và thế giới của một chúng sinh hữu tình, như ngủ rồi mộng mà thấy ta người và mọi cảnh giới khác nhau. Luận Đại thừa khởi tín và kinh Lăng nghiêm mô tả khá rõ về quá trình này. Nhưng nghiệp mà Ma-tsu hỏi không phải là những hình tướng đó, cũng không phải là quá trình đó, ông hỏi về thực tướng của nghiệp. Một thực tánh không thể dùng lời nói mô tả được. Bởi “Thực tướng của các pháp/ Tâm hành ngôn ngữ đoạn”[8]. Phật Tổ tạm dùng chữ “không” để nói về cái gọi là “phi tất cả những hình tướng” đó mà “không lìa các hình tướng đó”[9]. Khi tâm bạn “phi” được mọi hình tướng thì cái không ấy hiện tiền. Bát-nhã tâm kinh nói: “Tướng không của các pháp, không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Cho nên trong tướng không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức… không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc”. Tướng của tánh không ấy là như vậy. Vì thể mọi hiện hữu đều không thể dùng để nói về thực tướng của pháp, cũng không thể dùng sáu thức, sáu căn mà nhận được nó.

Nghiệp là một pháp. Thực tướng của nghiệp cũng là không, nhưng không phải là cái không đối với có, đối tượng của căn và thức. Không ấy vượt ngoài mọi nhị biên phân biệt, trong đó có cặp nhị biên năng và sở, là biết và bị biết. Sul đã tạm dùng sự im lặng để chỉ về chỗ rốt ráo đó, như sự im lặng sấm sét của Duy-ma-cật. Tuy vậy, không phải mọi tướng im lặng đều là thể hiện của tánh không đó. Nếu im lặng là thể hiện cho tánh không thì người câm đều là kẻ chứng đạo. Nhưng khá nhiều người câm không chứng đạo. Cho nên, phải là thứ im lặng thể hiện được nội dung sâu xa bên trong. Cũng như khi tôi nói với các bạn về thực tánh, không có nghĩa tánh ấy chính là những ngôn từ này. Đó chỉ là phương tiện để giúp bạn hình dung ít nhiều về cái gọi là thực tánh, theo phương pháp loại trừ. Thực tánh không phải không có mà nó không phải là những gì bạn thấy được. Ngôn từ chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, còn mặt trăng thì bạn phải tự thấy. Bạn cần phải thấu được sự im lặng ấy bằng chính nội tâm sâu xa của bạn. Tâm hành ngôn ngữ đoạn. Không phải chỉ có ngôn ngữ đoạn mà mọi tâm hành cũng phải ngưng dứt. Khi ấy bạn sẽ chứng nghiệm được thực tướng của nghiệp là gì.         

Thực tướng của nghiệp là không, chỉ do huân tập các tạo tác thiện ác mà thành có. Nếu không huân nữa thì mọi thứ thành không. Vì bản chất của nghiệp là không. Lúc đó những gì đã huân tập thành chủng tử sẽ không còn lực để sinh khởi hay biến hiện. Chỉ còn nguyện lực của chư Phật và Bồ-tát, do nguyện độ sinh mà ứng duyên hóa độ. Đó là Hóa thân và Báo thân trong tam thân của Phật.

Kết luận

Dựa vào tính chất của nghiệp mà ta rút ra được các hệ quả sau:

Do thực chất của nghiệp là không nên hiện tướng của nghiệp là vô thường, việc thay đổi nghiệp nhất định được. Ngay cả định nghiệp, một loại nghiệp nhân đã có, duyên đã đủ, thì với kinh Niết-bàn, tuy quả tướng vẫn hiện mà sự nhận quả vẫn có thể chuyển khi tâm đã không. Tâm không thì cảnh có cũng như không. Đây là lý do Phật Tổ dạy người đời sám hối, nhẫn chịu, bỏ ác làm lành, hàng phục vọng tâm… Sám hối để không còn tạo ác nghiệp. Nhẫn chịu để đối với những nghịch duyên đã từng tạo nhân, mình không vì đó mà gây tiếp ác nghiệp. Nhẫn chịu có thể giúp ác nghiệp luôn dừng, thiện nghiệp luôn tạo, là nhân duyên của phước báu và an lành. Hàng phục vọng tâm để định tuệ được hiển phát, đó là nhân duyên giúp dừng các tập nghiệp và soi thấu “ngũ uẩn đều không”.   

Tuy nghiệp có thể chuyển nhưng do tính huân tập của tâm, nghiệp nào được lặp đi lặp lại nhiều, được tập quen nhiều thì nghiệp đó mang tính trói buộc và khó dừng được liền, nên ngộ thì đốn mà tu là phải tiệm. Kinh luận có nói đến hai loại hoặc, là kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc, có thể đốn trừ. Tư hoặc, phải có thời gian, tuy trừ bỏ rồi mà bất giác thì vẫn hiện lại. Tuy vậy mức độ của nghiệp ấy không còn như trước, như giao động tắt dần của quả lắc đồng hồ. Hành giả thực hành Bồ-tát đạo, nắm được tính huân tập này của nghiệp thì việc tự lợi và lợi tha thành tựu tốt đẹp. Với tật xấu thì cần tạo điều kiện để nó giảm dần. Với nghiệp tốt cần tạo điều kiện để nó phát huy, huân mạnh.

Hiểu được tính chất của nghiệp thì thói cuồng thiền cũng sẽ bớt. Bởi không có thứ gì chỉ nói thôi mà thành tựu được nghiệp lành. Bạn không thể dạy người dứt tâm phân biệt khi bản thân bạn chất đầy tâm phân biệt, cũng không thể bỏ tâm xan tham khi chỉ khuyên người bố thí còn bản thân thì không bỏ ra chút gì, chỉ tính chuyện gom vào. Thói đời không chuyển thì đạo nghiệp khó hiện khởi. Với tập nghiệp, không phải dừng được vài lần là nó đã dứt hẳn, nó sẽ hiện khởi khi đủ duyên và khi mình bất giác coi thường. Vì thế cần có tâm cẩn trọng với những tập nghiệp của mình và thông cảm với nghiệp của người.

Học và hiểu chính xác thì hành mới không lạc đường. Bồ-tát hạnh cũng như sự nghiệp giáo dục mới có thể thành tựu tốt đẹp.   

  


 

[1] Thiền sư Từ Minh Sở Viên - thienchieu.net

[2] Thật khó mà bố thí khi đang đói, khó mà không sân hận khi bị cưỡng chế, áp bức mà định lực không có v.v…

[3] Kinh Trung bộ, bài kinh 135, Tiểu nghiệp phân biệt.  

[4] Will Durant, Câu chuyện triết học, Trí Hải và Bửu Đích dịch.   

[5] Tích truyện pháp cú - Viên Chiếu dịch theo bản Anh ngữ Buddhist Legent của học giả Eugene Watson Burlingame.

[6] Kinh Tăng nhất A-hàm tập III.

[7] Giai thoại này được xuất dịch từ bản tiếng Anh “The story of Sul” trong Zen Women Blog. Nguồn chính là từ sách “Dropping Ashes on the Buddha" của Seung Sahn.

[8] Bồ-tát Long Thọ, Luận Trung quán - phẩm Quán pháp

[9] “Lìa” nói đây là muốn nói, ngay tướng ấy có thể tánh ấy, không phải là những tướng đó thường hằng, không thể hoại. Các tướng ấy biến hoại theo duyên và trở thành không khi không đủ duyên để khởi.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle