Chính sách đối với Phật giáo dưới thời Nguyễn độc lập tự chủ

chinh sach

 

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI NGUYỄN ĐỘC LẬP TỰ CHỦ

Nguyễn Đại Đồng

 

Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Vương Phúc Ánh sau khi diệt nhà Tây Sơn đã cho lập đàn tế cáo trời đất, thiết triều tại Phú Xuân, lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu Gia Long năm thứ nhất lập nên triều Nguyễn kéo dài 143 năm (1802-1945), trải 13 đời vua.

Bài này góp phần tìm hiểu về chính sách đối với Phật giáo dưới triều Nguyễn độc lập tự chủ gồm bốn triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức từ năm 1802-1883. 

Thời Nguyễn Gia Long (1802-1820)

              Năm 1802, vua Gia Long ngay sau khi lên ngôi đã cử Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên nước là Nam Việt. Nhà Thanh cho rằng tên nước là Nam Việt sẽ lẫn với nước của Triệu Đà nên đổi là Việt Nam. Thế là năm Giáp Tý (1804) Án sát Quảng Tây Tề Bồ Sâm được vua nhà Thanh phái sang phong vương cho Gia Long. Vì lẽ trên, từ tháng 8 năm 1803 đến tháng 2 năm 1804, vua Gia Long tiến hành chuyến đi Bắc Hà để nhận sắc phong của Nhà Thanh với quốc hiệu Việt Nam.

Xa giá rời Phú Xuân ngày 4 tháng 8, ngày 8-8 ra Quảng Bình; 24 -8 ra tới Nghệ An; ngày 9-9 rời Nghệ An, 11-9 đến Thanh Hóa. Nhà vua sai Đặng Đức Siêu đến Nguyên miếu (nơi thờ thân phụ của Nguyễn Kim) làm lễ yết cáo, sau đó hạ chiếu lấy Gia Miêu Ngoại trang làm Quý hương, huyện Tống Sơn làm Quý huyện. Ngày 9 tháng 10, thuyền ngự xuất phát từ sông Chu, ngày 12-10 ra tới Ninh Bình, thăm núi Dục Thúy; ngày 16 tháng 10 năm 1803 xa giá ra Thăng Long chờ phái đoàn nhà Thanh.

Ngày 21 tháng 1 năm 1804 vua rời Thăng Long, ngày 25-1 vào đến Thanh Hóa, vua đi yết Nguyên miếu, giảm tô thuế 10% cho dân từ Nghệ An ra Bắc.

Ngày 8 tháng 2 năm 1804 nhà vua về đến kinh đô Phú Xuân.

Chính sách đối với Phật giáo của vua Gia Long

Chính sách của vị vua đầu triều Nguyễn nói chung hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Triều đình “tăng cường quản lý số sư tăng, bắt họ tham gia các công việc xã hội, chủ trương thu hẹp ảnh hưởng của nhà chùa đối với người dân, quy định ngặt nghèo nhằm giảm bớt việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông và số người theo đạo Phật”[1]. Gia Long “sai các đình thần xét hết các chùa trong hạt, từ Hòa thượng cho đến đạo đồng phải ghi hết số người vào sổ để dâng, rồi sai Bộ Lại truyền bảo rằng: Phàm Tăng đồ tuổi từ 50 trở lên thì vẫn miễn lao dịch, chưa đến 50 thì phải chịu lao dịch như dân. Kẻ nào dám trốn tránh thì bắt tội”.

 Năm 1804, Gia Long đã ban chỉ dụ: “Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông, tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm đàn chay, mở hội, phí tổn về cúng Phật, nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới, tô tượng, đúc chuông, đàn chay, hội chùa-hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh, quán chỉ đem nộp ở quan trấn để biết rõ số.”

Chỉ dụ là vậy nhưng trong thực tế không phải là vậy. Gia Long không hoàn toàn quay lưng đối với Phật giáo. Nhất là đối với Phật giáo ở kinh đô và vùng ngoại ô Phú Xuân được nhà vua và hoàng tộc quan tâm, các chùa sắc tứ của nhà nước được triều đình cấp kinh phí trùng tu tôn tạo, chu cấp tiền lương cho chư Tăng, biên chế binh linh coi chùa.

Năm 1805 điều 30 dân 8 xã trực lệ làm dân phụ lũy ở chùa Thiên Mụ.

Mặc dù cấm mở trai đàn, tổ chức lễ hội nhưng Gia Long lại hạ lệnh mở trai đàn bạt độ cho tướng sĩ trận vong theo nghi thức Phật giáo và làm tại ngôi quốc tự là chùa Thiên Mụ.

Cũng năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long nguyên niên, vua cho lập đàn ở chùa Thiên Mụ để tế, tế khắp các chiến sĩ trận vong. Năm sau (1803), lính các vệ thần sách đi vận chuyển lương thực gặp bão, chết mất 500 người ở ngoài biển. Vua xem họ là chiến sĩ trận vong, cấp cho tiền tuất và “lại sai đặt đàn ở chùa Thiên Mụ để tế. Năm Tân Mùi (1811) nhà vua hạ chiếu tổ chức một đại trai đàn tại chùa Thiên Mụ cầu siêu cho bà Hiếu Khương hoàng hậu vừa qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm Tân Mùi. Bố trí trạm đưa thầy Tăng từ Gia Định về Kinh.”

Nhà vua không hề quay lưng đối với Phật giáo, đặc biệt quan tâm tới các chùa từng cưu mang ông trong những năm Nguyễn Ánh bôn ba khắp vùng Gia Định, Cà Mau, Phú Quốc… chống lại nhà Tây Sơn và các chùa do các chúa Nguyễn xây dựng. Nhà vua, hoàng hậu và vương phi trong triều đã xuất tiền của riêng trùng tu tôn tạo nhiều chùa tháp nhất là vùng quanh kinh đô Phú Xuân. Năm 1803, Gia Long cho sửa chữa chùa Long Quang; năm 1805, Long Thành công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tú công đức tiền xây dựng lại chùa Quốc Ân; năm 1805, hoàng thái hậu Hiếu Khương cấp tiền sửa chữa chùa Báo Quốc; năm 1808 hai vị công chúa (chưa tìm được tên) và nhiều người trong hoàng cung đã đồng tâm phát nguyện xây dựng ngôi phương trượng ở Tổ đình Thuyền Tôn Huế, năm sau hai vị lại cùng bổn đạo ở Thuyền Tôn làm lại Chính điện và Tiền đường, làm cho cảnh chùa trở nên nguy nga tráng lệ. Bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu trước khi mất (1814) đã cúng dường tiền bạc để trùng kiến chùa Thiền Lâm (Huế) v.v… Năm 1815, vua cho trùng kiến chùa Thiên Mụ, xây thêm các công trình: Đại hùng bảo điện 3 gian 2 chái, Tiền đường 5 gian , điện Di Lặc 3 gian 2 chái, điện Quan Âm, hai dãy nhà bếp gọi là Trù khố, 1 lầu chuông, 1 lầu trống, Tàng kinh lâu… Lại xuống chiếu vời Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1753-1825) từ chùa Đại Giác ở Biên Hòa (có tài liệu nói Gia Định) ra trụ trì và phong Tăng cương để chăm lo Phật sự.

Số lượng chùa tháp được trùng tu tôn tạo ở các tỉnh thành trong cả nước dưới thời Gia Long còn ít, các dòng thiền Lâm Tế ở Bắc Hà và Nam Hà vẫn được duy trì.   

Như vậy, Phật giáo xứ Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung dưới triều Gia Long là thời kỳ bắt đầu được phục hồi nhưng chưa thể nói là phát triển được.

Thời Nguyễn Minh Mạng (1820-1840)

Đến thời Minh Mạng, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đi vào ổn định, và nhà vua đã có những chính sách cởi mở hơn đối với Phật giáo:

1. Đối với việc xây mới và trùng tu tôn tạo chùa tháp

1.1.Chùa tháp ở kinh đô Phú Xuân và phủ Thừa Thiên

a. Quan tâm đến việc trùng tu tôn tạo và xây mới chùa công

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua cấp 300 quan tiền với vôi, gạch, ngói cho chùa Quốc Ân và giao cho Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng trùng tu, mở rộng chùa. Vua lại mệnh cho Thiền sư đúc một đại hồng chung, làm một cái trống rất lớn và một tượng Phật A Di Đà[2]

Năm 1825, vua cho trùng tu chùa Thiên Mụ rất lớn, cũng trong năm này khi lên thăm chùa Hàm Long Thiên Thọ nhà vua cho đổi lại tên Báo Quốc tự vì lúc này hai chữ Thiên Thọ đã được dành để chỉ núi và lăng Gia Long.

Năm 1829 cho xây dựng Linh Hựu quán ở vùng Tây Linh - bờ Bắc sông Ngư Hà, cấp giới đao độ điệp và phong Tăng cương cho Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847) về trụ trì ở đây.

Năm Bính Thân (1836), niên hiệu Minh Mạng thứ 17, vua hạ chỉ vào mùa thu ngày tốt đào móng làm chùa mới trên dấu tích cũ, đặt tên là Thánh Duyên tự và làm câu đối khắc ở chùa, tới tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 19 thì công việc hoàn thành. Vua lại cho đúc một đại hồng chung nặng 464 cân, cao 128cm, đường kính miệng 70cm, năm sau cho dựng bia “Ngự Chế Thánh Duyên tự” cao 172cm, rộng 84cm, dày 25cm.

Năm 1840, Minh Mạng đã lấy nơi mình ở ngày trước tại phường Đoan Hà nay là khuôn viên Tam Tòa, để cải biến thành chùa thờ Phật và ban biển ngạch là chùa Giác Hoàng nghĩa là ông vua giác ngộ Phật pháp[3].

b. Quản lý, coi giữ các chùa công

Năm 1820 nghị được chuẩn mộ lấy 30 dân ngoài bổ sung làm sái phụ ở chùa Kim Chương, Gia Định, năm 1821, được mộ lấy 10 dân ngoài làm sái phụ chùa Từ Ân, Gia Định. Năm 1822, trấn Gia Định triệu mộ 10 dân ngoài số sung làm sái phụ chùa Pháp Vân hạt ấy. Lại nghị, được chuẩn vốn là dân 8 xã canh chùa Thiên Mụ (lệ 30 người), nay chiểu theo lệ cũ, chiêu mộ dân xã An Ninh gần đấy sung vào gác thay, còn dân 8 xã thì rút về.

Năm 1823 đổi lệ dân gác chùa là Tự phụ. Năm 1827, nghị được chuẩn điều cấp 3 dân sở tại sung làm Tự phụ ở chùa Long Phúc, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1836, ban dụ rằng chùa Tháp núi Túy Vân xây xong, cho phái 20 người Vũ lâm, cấm binh chia nhau coi giữ, mỗi tháng thay đổi một lần. Hàng năm từ 1-2 đến cuối tháng 7 làm thêm hành dinh để phòng khi vừa đến chơi, cho phái thêm một viên suất đội, 20 biền binh để coi giữ…

Năm 1837, nghị Tự phụ ở chùa Khải Tường Gia Định nên trích lấy 10 người ở chùa Kim Chương sung vào, còn chùa Kim Chương vẫn để 20 người. Tự phụ của chùa Tam Thai, Châu Ứng tỉnh Quảng Nam 31 người, sái phụ của chùa Hoàng Ân Hà Nội 2 người. Tự phụ chùa Linh Thứu ở Định Tường 15 người.

Năm 1844, nghị được chuẩn lấy dân 8 xã trực lệ chia nhau coi việc các chùa chiền: chùa Giác Hoàng 10, chùa Diệu Đế 20, quán Linh Hựu 15 người, riêng chùa Diệu Đế cho chia làm 2 ban.

Năm 1845, chuẩn cho chùa Tháp núi Túy Vân giao lại cho phủ Thừa Thiên lấy 10 người dân gần đấy giữ thay, còn số cấm binh nguyên phải coi giữ Hành cung vẫn lưu 1 viên suất đội, 9 biền binh, còn số biền binh phái thêm phải rút bớt.

1.2. Đối với chùa tháp ở các tỉnh thành

Trong chuyến ngự giá Bắc Tuần năm 1821, khi qua tỉnh Quảng Bình, vua cho đổi tên chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy thành Hoằng Phúc tự. Hai năm sau (1823), nhà vua xuất ngân khố 100 lạng bạc để tái thiết làm đẹp thêm chùa này. Cũng năm 1821, khi đến Hà Nội, Minh Mạng cho đổi tên chùa Hoằng Ân thành Sùng Ân và cho lệnh trùng tu, đồng thời vua ban cho 20 lạng bạc để trùng tu chùa Trấn Bắc. Trên đường hồi kinh khi qua Ninh Bình, nhà vua đã dừng thuyền lên thăm chùa Cổ Am ở cửa động Nham Sơn, núi Địch Lộng, huyện Gia Viễn (nay gọi là chùa Địch Lộng) và phong tặng là “Nam Thiên Đệ Tam Động”. Năm sau (1822), vua cúng vào chùa 4 pho tượng Phật bằng đồng thếp vàng và 50 lạng bạc[4] để trùng tu chùa. 

Năm 1824 xuống dụ: Chùa Phúc Long ở tỉnh Quảng Trị là thánh tích của Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta (tức chúa Nguyễn Hoàng), đã sức cho 3 phường An Định, An Hướng, Phương Xuân ở địa phương sửa sang lại chùa cảnh, đặt chuẩn cứ nguyên số ruộng đất công của 3 phường sở tại, trích ra 67 mẫu, tha thuế lệ cho, để cung vào phí tổn đèn hương, giao ba phường ấy giữ lấy đời đời phụng thờ.

Từ Quảng Nam trở vào, vua Minh Mạng cũng là vị quân vương hộ pháp rất mạnh về phương diện trùng tu tôn tạo chùa cảnh:

Năm 1823, vua chỉ dụ cho quan tỉnh Quảng Nam chọn đất, tìm thợ xây dựng chùa Vĩnh An, xã Chiêm Sơn, tỉnh Quảng Nam một tòa 3 gian 2 chái, gian giữa đặt tòa nhà Phật, hai gian bên đặt tòa Thần ngự thờ vọng, tuế thờ kính phụng thờ hai làng Vĩnh Diễn, Vĩnh Diên.

Lại chỉ dụ: xã Hương Ly, huyện Duy Xuyên ruộng thờ cũ 2 mẫu, 2 xã Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây ruộng thờ cũ 2 mẫu và đất trồng dâu 8 sào 12 thước, chuẩn chiểu theo như mẫu ruộng thờ ở trại Dưỡng Mông, đều miễn thuế cho tất cả, cho Nguyễn Trường Phương, Đoàn Công Lễ chiểu nhận vâng giữ, để cung nhu phí đèn hương chùa Vĩnh An.

Lại nghị chuẩn: lệ các Lễ ở chùa Vĩnh An như các lễ: Tuế trừ, Thượng tiêu, Chính đán (Nguyên đán), Đoan dương, Tam nguyên, mỗi án thờ gạo nếp, quả bánh, hương nến, trà Tàu, giấy vàng, giấy bạc đủ dùng.

Năm 1825, vua vãn cảnh núi Tam Thai đã cho sửa chữa chùa Tam Thai, chùa Từ Lâm, chùa Ứng Châu, tất cả đều tọa lạc trong vùng núi Tam Thai. Chùa Phúc Hải, xã Hải Châu, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam năm 1824 được trùng tu, năm này (1825) vua lại cúng 100 quan tiền để sửa lại cho đẹp và ban biển ngạch “Sắc tứ Phúc Hải tự”.

Ở tỉnh Quảng Ngãi các chùa Diệu Giác, Phổ Tế, Long Hưng được vua ban hiệu chùa với hai chữ “Sắc tứ” tức là được vua công nhận. Tại Gia Định, vua Minh Mạng lưu ý trùng tu và ban biển “Sắc Tứ” cho các chùa Thiên Trường, Từ Ân, Pháp Vũ.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Dụ: xóm Tân Lộc ở bên phải thành Gia Định, Phụng hoàng thái hậu ta khi theo Thế Tổ Cao hoàng đế ta đi tuần hạch phương Nam từng dừng xa giá ở đất ấy, có điềm cầu vồng sa xuống bên Hoa tư hợp ngày điềm tốt (sinh ra Minh Mạng). Nhớ đến đất quý phat điềm lành, phải lưu thắng tích đó lâu dài, để bảo cho đời sau, nay chuẩn lập ngay 1 tòa chùa ở đất đó, gọi là chùa Khải Tưởng, để ghi phúc to mà nêu phúc địa, phàm công việc thờ cúng do Bộ Lễ lo. Chuẩn lời nghi: Chùa Khải Tường hàng năm các lễ tiết như: Tuế trừ, Thượng tiêu, Chính đán (Nguyên đán), Đoan dương, Tam nguyên và sóc vọng hàng tháng, mỗi án thờ phải đủ cỗ chay và hương trà, giấy vàng bạc đều đủ, gặp tiết Vạn thọ (23 tháng tư), tiết Thánh thọ (17 tháng 11) các nhà sư đều chiểu y lễ lệ sắm đủ các thứ cỗ chay, dâng lên trước bàn thờ Phật, đốt hương khấu chúc, còn như những sư chùa ấy chuẩn cho địa phương chiêu mộ, lấy 20 người làm bạn. Lại ban biển “Sắc tứ”.

Năm thứ 18, chuẩn lời nghị: 20 mẫu ruộng ở chùa Khải Tường, tha cho thuế, cấp giao trụ trì chùa ấy là Nguyễn Chính Trực cày cấy thu hoa lợi chi biện vào lệ các lễ[5].

2. Việc Tổ chức trai đàn cầu phúc

Hai mươi năm trị vì, Minh Mạng tổ chức 5 trai đàn (đám chay) lớn ở chùa Thiên Mụ với ý nghĩa là để cầu siêu bạt độ, cầu “quốc thái dân an” hoặc cầu cho nhà vua và các vương phi:

1) Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), các trấn, tỉnh phải cung thỉnh một vị Hòa thượng và một số Tăng sĩ vân tập về kinh sư để lên chùa Thiên Mụ dự đại trai đàn, bắt đầu từ ngày 15 tháng 8, ba bảy 21 ngày thì đủ. 3 ngày mồng 1, mồng 8 và 15 tháng 7, cấm xử việc án hình và giết thịt sinh vật ra bán chợ. Số Tăng chúng lên tới 419 người. (ngoài Tăng sĩ tại kinh đô, còn có 66 Tăng sĩ đến từ Gia Định, 142 Tăng sĩ đến từ Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi[6].

2) Năm Ất Dậu (1825), xuống dụ: nguyên tướng sĩ chết trận từ khi mở nước đến giờ, và những âm hồn không có con kế tự, trước sau khác nhau, chuẩn một đàn chay cầu siêu độ 7 ngày đêm ở chùa Thiên Mụ.

3) Năm Ất Tỵ (1835), xuống dụ: Chuẩn cho Bộ Lễ phải trù liệu trước, đến ngày Trung nguyên (15 tháng 7) truyền họp Tăng chúng đặt một đạo tràng thủy lục ba bảy 21 ngày ở chùa Thiên Mụ, để siêu độ cho linh hồn tướng sĩ cho đến binh lính chết vì việc nước. Vua thân lên chùa dự lễ. Ngài làm nhiều thơ, sai đem dán ở điện Phật và các đàn Thủy lục.

4) Năm Đinh Mùi (1837), cũng vào ngày rằm tháng 7 lễ Vu Lan Bồn, tiết Trung Nguyên, vua tổ chức đại trai đàn rất trọng thể: tụng kinh 21 ngày đêm. Những người được nhà vua cử vào Ban Tổ chức đã xin vua cho đốt pháo và bổ sung người phục dịch vì 146 biền binh không đủ[7].

5) Năm Mậu Thân (1838), tháng 10, triều đình được lệnh tổ chức tụng kinh một thất (7 ngày) tại chùa Thiên Mụ.

Năm thứ 21 (1840), xuống dụ: Năm nay gặp tiết Chính thọ ngũ tuần của ta, cầu trời cho sống lâu, thu phúc ban ra, ân trạch ban xuống khắp cả thần người, gần đây cử các hạt Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương nhân vật hơi không được yên, ta trọng nghĩ đến dân sinh, phải tìm nhiều phương điều tế, nghe nói chốn danh lam chùa Phật Tích về tỉnh Sơn Tây (tức chùa Thầy) ở Bắc Hà, là vị Thần tăng Từ Đạo Hạnh dựng lên, vẫn đồn là linh ứng, nay chuẩn chọn lấy sư các chùa ở kinh, những người sảo thông kinh luật lấy 20 người và 10 người ở Thự hòa thanh (cơ quan âm nhạc) đến ngay chùa ấy, đặt đàn chay tụng kinh làm phúc ba bảy 21 ngày đêm, mỗi tuần 7 ngày trai tăng (làm cơm chay thết đãi các sư) một lần, chầu tế 1 tuần nhưng lấy ngày 9 tháng 7 khai kinh, đến ngày 15 gặp tiết Vu Lan thì chầu tế ngay đêm hôm ấy, rồi kế đến 7 ngày thứ hai sẽ cử hành theo để cho nhân lành đầy đủ, phúc khắp cả cho chúng sinh, mong cho nhân vật thịnh giàu, sông thuận dòng, năm được mùa, để yên ủi tấm lòng tốt cả ta vì dân cầu phúc, vốn không phải làm ra mà nịnh Phật, lễ phẩm cần dùng trong đàn chay và tất cả nhân công, vật liệu, chuẩn cho tỉnh ấy chỉ hóa phẩm công và tiền công ra để chi dùng, không nên khinh dùng sức dân chỉ thêm khó nhọc và phí tổn.

Ngoài ra, trai đàn (nhỏ) còn được tổ chức tại chùa Thánh Duyên, Diệu Đế, Long Quang và Kim Quang.

3. Sát hạch Tăng sĩ

Dưới thời vua Minh Mạng, triều đình đã tổ chức 3 lần sát hạch Tăng sĩ. Đây là dịp các Tăng sĩ ở khắp mọi miền đất nước về kinh đô dự sát hạch để được cấp độ điệp, có đầy đủ các đại diện từ Bắc, Trung, Nam. Điển hình như lần sát hạch Tăng sĩ năm 1835 tại chùa Thiên Mụ Huế, có 3 Thiền sư đến từ các chùa Hà Nội; các tình Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi mỗi tỉnh có một Thiền sư. Tỉnh Bắc Ninh có hai, Thừa Thiên Huế có hai.

Trong các lần tổ chức sát hạch Tăng sĩ, vẫn có không ít Tăng sĩ không qua được cuộc sát hạch của bộ Lễ, buộc phải hoàn tục. Chẳng hạn, trong lần sát hạch năm 1830, trong 53 người tham dự, có 12 người xếp hạng xảo thông, 38 người vào hạng hơi thông và có 3 người không thông[8]. Với những Tăng sĩ không thực tu, thực học này họ không giúp gì cho đạo pháp mà còn làm sai lệch giáo lý đạo Phật khiến cho kỷ cương bị xem nhẹ, góp phần làm cho Phật giáo suy đồi từ bên trong.

Như vậy, mỗi dịp vua Minh Mạng tổ chức lễ Trai đàn chẩn tế hay sát hạch Tăng sĩ cũng là lúc Tăng sĩ ở các địa phương có dịp giao lưu, gặp gỡ nhau. Điều đáng nói là nó không chỉ diễn ra ở các địa phương gần nhau, hay trong từng vùng miền với một vài cá nhân mà ở đây phạm vị rất rộng lớn và số lượng đông đảo. Có thể thấy có cả Tăng sĩ miền Nam ra miền Trung hay từ miền Trung ra Bắc. Điều này chắc chắn sẽ không thể xảy ra ở các thời kỳ trước bởi đây là kết quả của công cuộc thống nhất đất nước không chỉ trên phương diện lãnh thổ mà cả ở mặt chính quyền. Chỉ khi có lãnh thổ thống nhất và chính quyền thống nhất thì sự giao lưu, gặp gỡ mới được thực hiện rộng rãi và thông suốt đến như vậy. Từ sự giao lưu, gặp gỡ của Tăng sĩ, Phật giáo các vùng miền cũng xích lại gần nhau. Đây là tiền đề quan trọng góp phần tạo nên sự thống nhất cho Phật giáo Việt Nam ở các giai đoạn sau.

4. Phân bổ, điều chuyển Tăng sĩ ở các chùa công

Dưới thời Minh Mạng, từ chức sắc cho đến Tăng chúng, phục dịch của hầu hết tự viện lớn, đặc biệt là quốc tự, đều chịu sự quản lý, điều phối của triều đình. Còn nhân sự của các chùa, tự viện ở các tỉnh đều do sơn môn, trụ trì, ban hộ tự quyết định.

Nhân sự một số chùa công lớn được triều đình bổ dụng như sau:

Chùa Thiên Mụ 1 Tăng cang, 30 Tăng chúng; chùa Long Quang 1 trụ trì 10 Tăng chúng; chùa Thánh Duyên 1 trụ trì 9 Tăng chúng, 2 đạo đồng; chùa Linh Hựu 1 trụ trì 10 Tăng chúng; chùa Giác Hoàng 1 trụ trì 15 Tăng chúng; chùa Diệu Đế 1 Tăng cang, 1 trụ trì, 20 Tăng chúng; chùa Khải Tường 1 trụ trì, 10 Tăng chúng[9].

Tăng sĩ giữa các chùa cũng thường xuyên được triều đình phân bổ, luân chuyển không chỉ trong phạm vi một địa phương, mà còn ở những vùng miền rất xa, chẳng hạn từ miền Nam ra miền Trung và ngược lại. Sách Ngũ Hành Sơn có chép về việc triều đình lựa chọn và cắt đặt các vị Danh tăng ở kinh đô về làm trụ trì và làm Tăng chúng các chùa Tam Thai và Ứng Chân ở Quảng Nam: "Minh Mạng năm thứ 7, khâm phụng chỉ chuẩn cho 2 vị Đại sư là Trần Văn Trừng (Viên Trừng) Nguyễn Văn Như (Chân Như) và bốn Tăng chúng là Nguyễn Văn Khánh, Kiều Văn Bảo, Vũ Văn Niên, Phan Văn Định ở hai chùa Thiên Mụ, Long Quang ở kinh thành, cấp bằng về Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam. Ngự chế hai vị Đại sư làm trụ trì hai chùa Tam Thai, Ứng Chân, đặt 4 vị Tăng chúng làm 4 Đại sư ở các chùa"[10]. Hoặc: "Năm thứ 20, sắc chuẩn cho nhà sư ở chùa Ân Tôn là Nguyễn Văn Nghĩa nay bổ về trụ trì chùa Thiên Mụ"[11].

5. Phong chức Tăng cương

Thông thường, người đứng đầu các chùa là vị trụ trì. Nhưng từ thời Minh Mạng, trong một số quốc tự, Tăng cương mới là chức sắc cao nhất. Nếu thời Gia Long, chỉ có sư Mật Hoằng được triều đình bổ nhiệm chức Tăng cương cai quản Tăng chúng quốc tự Thiên Mụ, thì đến thời Minh Mạng nhiều Tăng sĩ đã nhận vinh dự này: sư Hải Tịnh chùa Thiên Mụ, sư Bổn Giác chùa Thiên Mụ, sư Trọng Nghĩa chùa Thiên Mụ, sư Nhất Định chùa/quán Linh Hựu, chùa Giác Hoàng, sư Tánh Thông chùa Bát Nhã Phú Yên, sư Viên Thường chùa Long Quang v.v... Chính nhà vua tuyển chọn và bổ nhiệm Tăng cương cho các chùa với những tiêu chuẩn khắt khe về Phật học lẫn phẩm hạnh: "Minh Mạng năm thứ 16 (1835): lại dụ Bộ Lễ cấp cho hai người trụ trì chùa Thiên Mụ và quán Linh Hựu, mỗi người một văn bằng Tăng cương. Ngoài ra, nếu có sư nào đức hạnh thanh cao, độ Phật linh diệu, cứu người chữa bệnh thì cũng cấp văn bằng ấy cho để cai quản tất cả Tăng đồ và đạo lưu, bảo nhau làm điều thiện, không được vượt ngoài vòng pháp chế mắc vào luật cấm... Lại chỉ: trụ trì chùa Long Quang là Nguyễn Văn Thường, xuất gia từ tuổi nhỏ, giới luật giữ được tốt, chuẩn cho chiếu cấp một đạo Tăng cương văn bằng"[12].

Các Tăng cương phải theo sự điều động của triều đình cư trú, tụ tập và hành đạo tại quốc tự, dù trước đó, họ trụ trì một ngôi chùa nào đó rồi. Chẳng hạn sư Bổn Giác đang trụ trì chùa Từ Ân Gia Định. Nhưng sau khi sư Liên Hoa về Nam, Minh Mạng đã triệu sư Bổn Giác làm Tăng cương chùa Thiên Mụ, giao chức vụ trụ trì chùa này lại cho sư Chánh Trực. Nhưng có một trường hợp đặc biệt, sư Giác Ngộ ở chùa Bát Nhã, Phú Yên được phong Tăng cương từ chối sự phân bổ của triều đình, vẫn được ở lại tự viện của mình: "Ngày 18 tháng 10 năm Minh Mạng 21 (1840), thần Phạm Huy Thực, thần Phạm Bá Đa phụng thượng dụ: Lần này về kinh có Nguyễn Giác Ngộ, trụ trì chùa Long Sơn Bát Nhã là người tĩnh tâm tu luyện, tịch cố đã hơn 40 năm, khổ hạnh cao phong như thế thật là quý hóa. Truyền cấp cho một văn bằng Tăng cương và gia ân thưởng cho 20 lạng bạc, trang phục, áo quần vải màu mỗi thứ 5 bộ, cho trạm dịch đưa về chùa cũ. Trên lộ trình đi qua các hạt phái người hộ tống để đường đi được an toàn tốt đẹp"[13].

Tăng cương có nhiệm vụ cai quản Tăng chúng, tổ chức các hoạt động Phật sự, thực hiện các nghi lễ, giảng đạo cho vua và hoàng tộc. Mọi việc xây dựng, sửa chữa chùa chiền, đúc chuông, tô tượng trong quốc tự đều do triều đình quyết định. Họ cũng không truyền chùa cho đệ tử và không được xây tháp mộ. Do vậy, các quốc tự Linh Hựu, Giác Hoàng, Thiên Mụ ở kinh đô Huế không hề có tháp mộ[14]. Sở dĩ như vậy là vì, Tăng cương là chức vụ mà triều đình giao phó, đơn thuần là một chức quan nhà nước được trả lương. Sau thời gian làm Tăng cương tại các chùa do triều đình chỉ định, họ thường về lại nơi mình từng xuất gia, sinh hoạt và chọn mảnh đất yên nghỉ cho thế giới bên kia tại đây.

6. Quy định về đạo đức và lối sống của Tăng sĩ

Triều Minh Mạng rất chú ý đến đạo đức, lối sống của tu sĩ Phật giáo. Trong Hoàng Việt luật lệ có hẳn những điều quy định nghiêm ngặt về lối sống của các Tăng sĩ. Những điều luật này tuy được ban hành dưới thời vua Gia Long, nhưng vẫn được thực hiện đối với các triều vua sau. Theo đó, y phục của Tăng sĩ "chỉ cho phép dùng lụa thô, vải, không được dùng lụa là thứ láng mịn đẹp, thêu bông hoa. Ai trái lệnh phạt 50 roi, buộc hồi tục, y phục gom về nhà quan. Cà-sa, đạo phục thì không ở trong luật lệ này"[15].

Luật pháp xử nặng Tăng sĩ có vợ con, hoặc đoạn tuyệt với cha mẹ: "Phàm tăng, đạo cưới thế thiếp thì phạt 80 trượng, hồi tục...Trụ trì chùa chiền biết mà không chịu báo lên thì cùng tội, liên lụy vì người, không buộc hồi tục"[16]. "Tăng Ni, đạo sĩ, nữ quan đều ra lệnh họ phải cúng tế cha mẹ, tổ tiên và thứ lớp để tang... làm giống như bao nhiêu người. Ai trái lệnh phạt 100 trượng, buộc hồi tục"[17]. Đối với trường hợp "Tăng đạo quan, Tăng nhân, Đạo sĩ phạm vào kỹ nữ, rượu thịt thì đều phạt trăm trượng, trả về làm dân"[18].

Khi Tăng sĩ phạm tội, triều đình xử tội nặng hơn dân thường. Hoàng Việt luật lệ quy định: "Phàm để tang cha mẹ và chồng chết, nếu Tăng sĩ, Đạo sĩ, nữ quan phạm gian thì tăng 2 bậc tội người thường phạm gian, xử tội ấy theo người thường phạm gian"[19]. Khi một Tăng sĩ phạm tội bị hình phạt thì sư trưởng của chùa ấy cũng bị liên đới trách nhiệm. Trường hợp sư Nguyễn Văn Huấn ở chùa Thiên Mụ là một ví dụ tiêu biểu: "Sư chùa Thiên Mụ tên là Nguyễn Văn Huấn vì ghen ghét người, Bộ Hinh và Viện Đô sát xét hỏi qua một năm không khám phá ra manh mối. Đến nay khoa đạo là Nguyễn Sĩ Đăng, Lê Tập bí mật dò xét tìm được tình trạng, đều thưởng cho mỗi người 10 lạng bạc và gia một cấp. Khi án giao xuống đình thần xét, Huấn bị xử trảm hậu, sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan bị cách chức trụ trì, chuẩn bắt phải làm việc nặng nhọc tại chùa ấy"[20].

Những quy định nêu trên thể hiện rõ yêu cầu của triều Minh Mạng đối với tu sĩ Phật giáo. Họ không chỉ thông hiểu Phật pháp, mà còn phải là những người có phẩm hạnh hơn người, có lối sống thanh bạch, giản dị, chấp nhận từ bỏ những ham muốn trần tục để làm gương cho người đời, mới cảm hóa được giáo chúng.

7. Đãi ngộ Tăng sĩ chùa công

Bên cạnh những đòi hỏi khắt khe dành cho giới tu sĩ Phật giáo, triều Minh Mạng cũng ban cho đội ngũ này nhiều hậu đãi. Chức sắc Phật giáo và Tăng chúng các chùa công đều được cấp lương bổng, phát pháp phục và lương thực hàng tháng để chi dùng. Theo từng cấp bậc Tăng sĩ mà sư phân chia nhiều ít khác nhau. Tăng sĩ trong mỗi chùa được phân cấp thành 3 bậc: Sư trưởng (Tăng cương, trụ trì) là cao nhất, tiếp đến là Tăng Ni (đã thụ Tỳ-kheo giới), nhỏ nhất là tiểu điệu (người mới vào chùa). Lệ phân cấp cụ thể như sau: "Phàm Tăng cương ở đền chùa của nhà nước, mỗi người tháng cấp cho 3 quan tiền, một phương gạo trắng; Tăng chúng mỗi người 1 quan tiền, 1 phương gạo trắng; đạo đồng mỗi người 6 tiền, 1 phương gạo"[21]. Bộ Hộ tùy theo số lượng Tăng sĩ mỗi chùa mà cấp phát số tiền bạc và lương thực tương ứng.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Minh Mạng năm thứ 3 (1822), có chỉ rằng, các sư ở chùa Thiên Mụ mỗi tháng cấp cho tiền 60 quan, gạo 55 phương, gạo trắng 5 phương, muối 5 thưng. Lại có chỉ rằng, chùa Long Quang mỗi tháng cấp tiền 15 quan, gạo 21 phương.

Năm thứ 15 (1835), chuẩn y lời tâu đến chùa Linh Hựu, một sư trưởng cấp cho mỗi tháng tiền 2 quan, gạo trắng 4 phương. Các sư khác mỗi người mỗi tháng tiền 1 quan, gạo 1 phương.

Năm thứ 17 (1836), có chỉ rằng: Sư trưởng chùa Thánh Duyên mỗi tháng cấp cho tiền 2 quan, gạo  trắng 1 phương. Chú tiểu mỗi tháng tiền 5 tiền, gạo 15 đấu.

Năm thứ 20 (1839), có chỉ rằng: Sư trưởng chùa Giác Hoàng mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo trắng 1 phương. Các sư mỗi tháng mỗi người tiền 1 quan, gạo 1 phương"[22].

Một số Tăng sĩ tài giỏi được triều đình quan tâm sửa sang chùa chiền, tạo điều kiện thuận lợi cho tu hành. Trường hợp sư Giác Ngộ ở chùa Bát Nhã, tỉnh Phú Yên là một ví dụ: "Ngày 18 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 21... lại truyền cho viên tỉnh Phú Yên xuất tiền công mua sắm vật liệu, thuê dân phu sửa sang chùa chiền nơi Nguyễn Giác Ngộ đang trụ trì cho được quan chiêm. Số dân phu thuê bao nhiêu người, truyền cấp cho mỗi người mỗi tháng 4 quan tiền và 1 phương gạo để chúng vui vẻ làm, sớm hoàn thành công việc. Sau khi xong cứ thật khai tiêu"[23]. (còn tiếp)

 

 

 

 


 

[1] Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB.Khoa học Xã hội, 1988, tr.353.

[2] Thích Hải Ân và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tr.273, cho biết những thứ quý nói trên nay đều đã mất.

[3] Thích Hải Ân và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tr.273-275.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 5, NXB.Thuận Hóa, năm 2006, tr.320 lại viết có 15 lạng bạc.

[5] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, NXB. Thuận Hóa Huế, in lần 2, năm 2005, tr.369-370.

[6] Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn-Tư liệu Phật giáo, NXB.Văn hóa Thông tin, năm 2003, tr.35.

[7] Thích Hải Ân và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tr.278.

[8] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, in lần thứ 2, tập 4. NXB.Thuận Hóa, Huế, năm 2005, tr.361.

[9] Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, in lần thứ 2, tập 4, NXB.Thuận Hóa, Huế, năm 2009, tr.361.

[10] Ấn Lan-Tổ Huệ-Từ Tri, (1916) Ngũ Hành Sơn Lục, bản chữ Hán chép tay, lưu tại chùa Tam Thai, Đà Nẵng.

[11]Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, in lần thứ 2, tập 4, NXB.Thuận Hóa, Huế, năm 2009, tr.362.

[12] Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, in lần thứ 2, tập 4, NXB.Thuận Hóa, Huế, năm 2009, tr.362.

[13] Lý Kim Hoa , Châu bản triều Nguyễn, NXB.Văn hóa Thông tin, năm 2003, tr.80.

[14] Tháp là nơi chứa nhục thân của các vị Cao tăng, trụ trì. Thường thì các vị trụ trì, Tăng chúng sinh hoạt tại chùa nào, khi qua đời tùy theo chức vụ phận sự sẽ được xây tháp tại chùa đó. Có một trường hợp đặc biệt là tháp mộ của Hòa thượng Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ. Hòa thượng trụ trì chùa này sau khi chế độ phong kiến sụp đổ năm 1945. Thiên Mụ khi ấy không còn chức năng của một quốc tự, mà chỉ là một ngôi chùa bình thường. Vì vậy, Hòa thượng được phép chọn nơi an nghỉ ngay tại quốc tự vốn trước kia là mảnh đất không ai được phép sử dụng vào việc riêng. Tháp mộ của Hòa thượng được xây vào năm 1992. Xem Đặng Vinh Dự (2011), "Chuyện quốc tự ở Huế", Huế Xưa &Nay, số 1, tr.105.

[15] Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu , Hoàng Việt luật lệ, tập 3, NXB.Khoa học Xã hội, năm 1994, tr.443.

[16] Như trên, tr.340.

[17] Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu , Hoàng Việt luật lệ, tập 3, NXB.Khoa học Xã hội, năm 1994, tr.443.

[18] Như trên, tập 4, tr.915.

[19] Như trên, tập 5, tr.914.

[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, NXB.Giáo Dục, năm 2007, tr.616.

[21] Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, NXB.Thuận Hóa Huế, năm 2009, tr.361.

[22] Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, NXB.Thuận Hóa Huế, năm 2009, tập 3, tr.452.

[23] Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn, Tư liệu Phật giáo, NXB.Văn hóa Thông tin, năm 2003, tr.82.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác