Bàn về chín pháp tịnh diệt trong kinh Trường A-hàm

ban ve

Bàn về chín pháp tịnh diệt trong kinh Trường A-hàm

Trong toàn bộ kinh điển thuộc Đại tạng kinh Đại chánh tân tu, cụm từ ‘tịnh diệt chi’ (淨滅枝/) chỉ xuất hiện 20 lần và chỉ có trong hai kinh số 10 và 11 thuộc Trường A-hàm, đó là kinh Thập thượng và kinh Tăng nhất.

Cả hai bản kinh, trong phần chín pháp, đã cùng nói ‘có chín pháp đưa đến nhiều thành tựu’ và gọi tên là ‘cửu tịnh diệt chi pháp’ (九淨滅枝法), với nội dung như sau:

云何九成法?謂九淨滅枝法:戒淨滅枝、心淨滅枝、見淨滅枝、度疑淨滅枝、分別淨滅枝、道淨滅枝、除淨滅枝、無欲淨滅枝、解脫淨滅[1]

Với mục đích để cho người học Phật đọc, hiểu và thực hành được lời dạy của Đức Phật dễ dàng hơn, chúng tôi xin được chia sẻ cách hiểu về tên gọi và nội dung của chín pháp này.

1. Về tên gọi

Cho đến thời điểm này, các bản Việt dịch kinh Trường A-hàm, vẫn chưa thống nhất khi dịch‘cửu tịnh diệt chi pháp’‘chín tịnh diệt pháp’, hoặc ‘chín chi tịnh diệt’, hoặc ‘chín tịnh cần chi’.

Hai cách dịch trước chưa rõ nghĩa, khó hiểu, vì chưa nói rõ tịnh diệt có nghĩa là gì. Cách dịch sau là hiểu nó bằng một cụm từ khác, do bởi dịch giả cho rằng, ‘tịnh diệt chi’ tương đương với ‘tịnh cần chi’ - từ được đề cập đến trong chín pháp cần tu tập của kinh số 34, kinh Thập thượng thuộc Trường bộ Nikāya - đồng thời chú thích là ‘thành phần cần nỗ lực để thanh tịnh’. Nhờ chú thích này, chúng ta có thể hiểu ‘cửu tịnh diệt chi pháp’ là ‘chín phần thành cần nỗ lực tu tập để thanh tịnh.’

Thực ra, ‘tịnh diệt’ (淨滅), có nghĩa là diệt hết, diệt hết hoàn toàn, diệt sạch, thanh tịnh, thanh tịnh vắng lặng, thanh tịnh hoàn toàn. Như vậy, ‘cửu tịnh diệt chi pháp’ có thể hiểu là chín pháp diệt sạch phiền não lậu hoặc đưa đến thanh tịnh hoàn toàn, tức ‘chín pháp thanh tịnh’, hay ‘chín pháp thanh tịnh hoàn hoàn’.

Để hiểu rõ hơn về cụm từ này, chúng ta cần tìm hiểu nội dung của nó.

2. Về nội dung

Trước hết, để tham khảo, chúng ta cùng đọc lại hai bản dịch về nội dung chín pháp này.

- Bản dịch 1:

“Thế nào là chín pháp đưa đến nhiều thành tựu? Đó là chín pháp tịnh diệt chi: một, giới tịnh diệt chi; hai, tâm tịnh diệt chi; ba, kiến tịnh diệt chi; bốn, độ nghi tịnh diệt chi; năm, phân biệt tịnh diệt chi; sáu, đạo tịnh diệt chi; bảy, trừ tịnh diệt chi; tám, vô dục tịnh diệt chi; chín, giải thoát tịnh diệt chi.”

- Bản dịch 2:

“Thế nào là chín thành pháp? Đó là chín tịnh cần chi: giới tịnh cần chi, tâm tịnh cần chi, kiến tịnh cần chi, độ nghi tịnh cần chi, phân biệt tịnh cần chi, đạo tịnh cần chi, trừ tịnh cần chi, vô dục tịnh cần chi, giải thoát tịnh cần chi.”

Với cách hiểu cụm từ ‘tịnh diệt chi’ đã nêu trên, chúng tôi đề nghị một cách dịch khác, như sau:

“Thế nào là chín pháp đưa đến nhiều thành tựu? Đó là chín pháp thanh tịnh hoàn toàn: Thanh tịnh hoàn toàn do giới, thanh tịnh hoàn toàn do tâm định, thanh tịnh hoàn toàn do thấy biết chân lý, thanh tịnh hoàn toàn do đoạn trừ sự hoài nghi, thanh tịnh hoàn toàn do thấy biết chánh đạo và phi đạo, thanh tịnh hoàn toàn do thấy biết về phương pháp hành trì, thanh tịnh hoàn toàn do nhận thức toàn diện về đường lối hành trì, thanh tịnh hoàn toàn do dứt sạch lậu hoặc và thanh tịnh hoàn toàn do giải thoát.”

Để xác tín cách hiểu này, chúng tôi căn cứ vào những kinh văn có nội dung tương đồng chín pháp kể trên.

3. Cơ sở kinh văn

Kinh Thất xa, số 9 Trung A-hàm, đã lấy ví dụ bảy trạm xe để làm phương tiện di chuyển nhanh nhất từ Xá-vệ đến Sa-kê-đế nhằm chỉ rõ lộ trình tu tập cũng đi qua bảy giai đoạn, đó là: giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, nghi cái tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh, đạo tích tri kiến tịnh, đạo tích đoạn trí tịnh. Kinh ghi: “Vì giới thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn.”[2]

Kinh tạng Pāli tương đương, đó là kinh Trạm xe, số 24 Trung bộ Nikāya, cũng ghi chép tương tự: “Này Hiền giả, giới thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) kiến thanh tịnh; kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đoạn nghi thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tri kiến thanh tịnh; tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) vô thủ trước Bát-niết-bàn. Này Hiền giả, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn.”[3]

Cùng nội dung trên, kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Đẳng pháp 39, cũng ghi nhận như vậy[4]: giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, vô do dự thanh tịnh, hành tích thanh tịnh, đạo thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh.

Kinh được xem là tương đương với kinh Thập thượngTăng nhất trong hệ thống kinh tạng Nam truyền là kinh Thập thượng, số 34 của Trường bộ Nikāya, cùng có nội dung chín pháp, nhưng được xếp vào ‘chín pháp cần tu tập[5], như sau: Thế nào là chín pháp cần phải tu tập? Chín thanh tịnh cần chi: Giới hạnh thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tâm thanh tịnh thanh tịnh cần chi, kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đoạn nghi thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đạo tích trí kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tuệ thanh tịnh thanh tịnh thanh tịnh cần chi, giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi. Như vậy là chín pháp cần được tu tập.[6]

So sánh các bản kinh trên với kinh Thập thượngTăng nhất của Trường A-hàm, chúng ta có bảng:

Trường A-hàm

Trung A-hàm

Tăng nhất A-hàm

Trung bộ kinh

Trường bộ kinh

Giới tịnh diệt

Giới tịnh

Giới thanh tịnh

Giới thanh tịnh

(sīlavisuddhi)

Giới thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Tâm tịnh diệt

Tâm tịnh

Tâm thanh tịnh

Tâm thanh tịnh

cittavisuddhi)

Tâm thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Kiến tịnh diệt

Kiến tịnh

Kiến thanh tịnh

Kiến thanh tịnh

diṭṭhivisuddhi)

Kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Độ nghi tịnh diệt

Nghi cái tịnh

Vô do dự thanh tịnh

Độ nghi thanh tịnh

(kakhāvitaraavisuddhi)

Đoạn nghi thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Phân biệt tịnh diệt

Đạo phi đạo tri kiến tịnh

Hành tích thanh tịnh

Đạo phi đạo trí kiến thanh tịnh

(maggāmaggañā adassanavisuddhi)

Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Đạo tịnh diệt

Đạo tích tri kiến tịnh

Đạo thanh tịnh

Đạo tích trí kiến thanh tịnh

(paipadāñāadassanavisuddhi)

Đạo tích trí kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Trừ tịnh diệt

Đạo tích đoạn trí tịnh

Tri kiến thanh tịnh

Trí kiến thanh tịnh

(ñāadassanavisuddhi)

Tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Vô dục tịnh diệt

 

 

 

Tuệ thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Giải thoát tịnh diệt

 

 

 

Giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi

Như vậy, ngoài hai pháp cuối cùng là ‘vô dục tịnh diệt’ ‘giải thoát tịnh diệt’, bảy pháp còn lại trong kinh Thập thượngTăng nhất của Trường A-hàm đồng nhất với bảy pháp thanh tịnh của các bản kinh kia. Điều đáng chú ý là, cho dù được xếp vào thành phần ‘cần phải tu tập’, thì nội dung chín pháp trong kinh Thập thượng của Trường bộ Nikāya - là kinh tương đương với Thập thượngTăng nhất của Trường A-hàm - là đồng nhất với ‘chín pháp đưa tới nhiều thành tựu’, bởi những thành phần cần phải nỗ lực tu tập này đều nhằm đạt được mục đích thanh tịnh. Dĩ nhiên, ‘vô dục tịnh diệt’ chính là ‘tuệ thanh tịnh thanh tịnh cần chi’ ‘giải thoát tịnh diệt’ chính là ‘giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi.’

Nếu chúng ta lấy tam vô lậu học giới, định, tuệ để xem xét bảy pháp thanh tịnh thì, ‘giới thanh tịnh’ thuộc về giới học vô lậu; ‘tâm thanh tịnh’ thuộc về định học vô lậu; từ ‘kiến thanh tịnh’ đến ‘đạo tích tri kiến thanh tịnh’ thuộc về tuệ học vô lậu. Còn ‘đạo tích đoạn trí thanh tịnh’ dĩ nhiên là thành tựu mục tiêu đạt được giải thoát tối hậu, tức vô dư niết-bàn. Như vậy, ‘vô dục thanh tịnh’ (tức tuệ thanh tịnh thanh tịnh cần chi) và ‘giải thoát thanh tịnh’ (tức giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi) phải chăng là sự tập thành không cần thiết? Không hẳn, bởi cũng có thể thời đại kết tập kinh Trường A-hàmTrường bộ kinh đã cho rằng ‘đạo tích đoạn trí thanh tịnh’ hoặc ‘trí kiến thanh tịnh’ vẫn chưa đạt đến cảnh giới viên mãn, cho nên mới thêm vào hai pháp sau cùng như thế! Bởi chính Trung A-hàm số 9, kinh Thất xa, đã nói: “Vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh mà Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì tức là lấy hữu dư mà gọi là vô dư”; và cũng chính Trung bộ số 24, kinh Trạm xe, cũng nói: “Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát-niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát-niết-bàn.”

4. Giải thích từ luận tạng

Thành thật luận[7], mục bảy pháp thanh tịnh, đã giải thích như sau:

- Giới thanh tịnh nghĩa là luật nghi thanh tịnh.

- Tâm thanh tịnh tức là đạt được thiền định.

- Kiến thanh tịnh nghĩa là đoạn trừ thân kiến.

- Độ nghi thanh tịnh nghĩa là đoạn trừ nghi kết.

- Phân biệt thanh tịnh nghĩa là đoạn trừ giới cấm thủ.

- Đạo thanh tịnh nghĩa là tư duy Bát Thánh đạo.

- Trừ thanh tịnh nghĩa là Vô học đạo.

Du-già sư địa luận[8], phần Nhiếp sự, giải thích:

- Tỳ-kheo an trú trọn vẹn nơi giới, giữ gìn biệt giải thoát luật nghi, nếu muốn hiểu rộng thì phải đọc trong phần học địa của Thanh văn. Vị ấy nhờ giữ giới trọn vẹn như thế nên không còn hối tiếc. Nếu giải thích rộng, nghĩa là người này tâm đã đạt được chánh định, dần dần dẫn đến an trú đầy đủ nơi bốn thiền. Vị ấy khi đã đạt được định tâm như thế lần hồi sẽ an trú bất động, chất trực, nhu nhuyến, thú hướng đến chỗ tâm định mà chứng đắc lậu tận trí thông, chứng nhập hiện quán Bốn Thánh đế, đoạn hết thân kiến và tất cả mọi phiền não do chấp ngã mà có, đạt được chánh kiến vô lậu của bậc hữu học. Do đạt được chánh kiến, nên đối với chân lý khổ, tập, diệt, đạo cũng như Phật, Pháp và Tăng vĩnh viễn đoạn sạch nghi hoặc; do đã đoạn sạch nghi hoặc nên vượt qua sự do dự, nghi ngờ, vì vậy mà gọi là độ nghi thanh tịnh.

Lại nữa, đối với chánh đạo chánh kiến mà trước đây mình đã thực hành, biết đúng như thật đó là chánh đạo, nhờ vậy mà có thể đoạn kiến sở đoạn, sau đó đoạn tu sở đoạn; đồng thời, đối với phi đạo tà kiến mà trước đây mình đã thực hành, cũng biết rõ đó là phi đạo. Như vậy, đối với chánh đạo và phi đạo đã khéo léo phân biệt rồi, liền xa lìa phi đạo, thực hành chánh đạo, gọi đó là phân biệt thanh tịnh.

Lại nữa, đối với bốn thứ đạo tích trên con đường đạo, cần phải hiểu biết như thật, đó là: khổ tu, chậm chứng; khổ tu, nhanh chứng; lạc tu, chậm chứng; lạc tu, nhanh chứng. Như thế gọi là đạo thanh tịnh.

Đối với đạo tích như vậy, nếu muốn hiểu rộng thì phải đọc trong phần học địa của Thanh văn. Đối với đạo tích này, cần phải hiểu biết như thật, nghĩa là trước hết phải đoạn trừ tất cả đạo tích, tức là phải siêu việt lên nó, chứ không phải chỉ đoạn trừ những phiền não trói buộc. Dù vậy, bước đầu tu tập, hiểu biết như thật có nghĩa là đoạn trừ một phần của đạo tích, tức đoạn trừ khổ tu, chậm chứng; lạc tu, chậm chứng. Sau khi đã hiểu biết như thật vậy rồi, thì y cứ nơi đạo tích khổ tu, nhanh chứng và lạc tu, nhanh chứng mà tinh cần tu tập. Từ đó, tu tập không gián đoạn, vĩnh viễn diệt trừ mọi lậu hoặc, ngay trong đời này mà chứng đắc Vô tạo cứu cánh Niết-bàn; sau khi thân hoại mạng chung thì chứng Vô dư y Bát-niết-bàn. Đây gọi là trừ thanh tịnh.

Hiển dương Thánh giáo luận[9], phẩm Nhiếp sự, giải thích:

- Giới thanh tịnh nghĩa là, như có người khéo an trụ nơi giới luật, thủ hộ giới biệt giải thoát, giữ gìn oai nghi đúng như pháp, hành xử theo luật nghi, với tội nhỏ đã thấy sợ hãi lớn, siêng năng thọ trì học xứ. Đó là giới thanh tịnh.

- Tâm thanh tịnh nghĩa là, nhờ giữ giới thanh tịnh nên xa lìa tham dục và các pháp bất thiện, an trú đầy đủ nơi sơ thiền, nhị, tam, tứ thiền. Đó là tâm thanh tịnh.

- Kiến thanh tịnh nghĩa là, khi tâm đã thanh tịnh, trắng sạch, vô nhiễm, xa lìa mọi phiền não, an trú bất động, vì muốn chứng đắc trí lậu tận nên quán sát Tứ đế, hiểu biết đúng như thật đây là khổ thánh đế, đây là khổ tập thánh đế, đây là khổ diệt thánh đế, đây là hướng đến khổ diệt hành đạo thánh đế. Đó là kiến thanh tịnh.

- Độ nghi thanh tịnh nghĩa là, nhờ kiến thanh tịnh, nên đối với Phật, Pháp, Tăng không còn tâm nghi ngờ.

- Đạo phi đạo trí kiến thanh tịnh nghĩa là, nhờ độ nghi thanh tịnh mà có được thấy biết như chánh trí, chỉ có pháp do Phật dạy, Tăng thực hành mới có thể đạt được giải thoát. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là chỉ có Phật pháp mới có thể chấm dứt hoàn toàn khổ đau, chứng đắc khổ diệt hoàn toàn, còn pháp của ngoại đạo thì không được như thế.

- Đạo tích trí kiến thanh tịnh nghĩa là, nhờ Đạo phi đạo trí kiến thanh tịnh có được thấy biết như chánh trí, biết rõ đạo giải thoát có bậc thấp, bậc vừa, bậc cao. Bậc thấp tức là khổ tu mà chứng chậm. Bậc vừa tức là khổ tu mà nhanh chứng và lạc tu mà chậm chứng. Bậc cao tức là lạc tu mà nhanh chứng.

- Đạo tích đoạn trí kiến thanh tịnh nghĩa là, nhờ đạo tích trí kiến thanh tịnh có được thấy biết như chánh trí, từ đó nghĩ rằng, ta nên đoạn đạo tích bậc thấp và bậc vừa, chỉ tu tập đạo tích bậc cao, bởi đó là đạo tích vi diệu bậc Thánh hành trì.

- Vô duyên tịch diệt thanh tịnh (tức là vô dục thanh tịnh) nghĩa là, nhờ đạo tích đoạn trí kiến thanh tịnh mà chứng đắc Vô dư Niết-bàn, mọi lậu hoặc đã vĩnh viễn đoạn trừ.

- Quốc độ thanh tịnh (tức giải thoát thanh tịnh) nghĩa là, chư Phật có khả năng vô thượng, có thể thị hiện quốc độ trang nghiêm thanh tịnh tuyệt đối, không thể nghĩ bàn.

5. Kết luận

Như vậy, từ những cơ sở Kinh và Luận tạng nêu trên, chúng ta có thể kết luận rằng, ‘cửu tịnh diệt chi’ được nói đến trong hai bản kinh Thập thượngTăng nhất của Trường A-hàm chính là ‘chín pháp thanh tịnh’ vậy. Phải chăng khi gọi là ‘thanh tịnh’, nghĩa là đề cập đến mục đích tối hậu của chín pháp này. Và khi cho rằng, cần phải tu tập, ý muốn nói rằng đây là những lộ trình tu tập cụ thể. Một điều nữa, từ trường hợp này cho thấy, Phật dạy là thuận thứ, phải từ thấp lên cao, không thể có chuyện chứng chánh trí một cách thình lình.

Và đây chỉ là pháp phương tiện, dù bảy pháp hay chín pháp, như người từ Xá-vệ đi đến Sa-kê-đế, người ấy phương tiện “đi đến cỗ xe thứ nhất, ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai; rồi bỏ cỗ xe thứ nhất cỡi cỗ xe thứ hai đến cỗ xe thứ ba; bỏ cỗ xe thứ hai ngồi trên cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư; bỏ cỗ xe thứ ba ngồi trên cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm; bỏ cỗ xe thứ tư ngồi trên cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu; bỏ cỗ xe thứ năm ngồi trên cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy; bỏ cỗ xe thứ sáu ngồi trên cỗ xe thứ bảy; trong một ngày là đến Sa-kê-đế.” Cũng vậy, “Hiền giả, vì giới thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn.”

Đây cũng chính là lời dạy: “Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống gì là phi pháp”[10] của Đức Thế Tôn vậy!

 


 

[1] ĐTK/ĐCTT, T.01, n0.01, p.56a20.

[2] ĐTK/ĐCTT, T.01, n0.26, p. 0430c21. Nguyên văn: 以戒淨故,得心淨,以心淨故,得見淨,以見淨故,得疑蓋淨,以疑葢淨故,得道非道知見淨,以道非道知見淨故,得道跡知見淨,以道跡知見淨故,得道跡斷智淨,以道跡斷智淨故,世尊沙門瞿曇施設無餘涅槃.

[3] Trung bộ kinh, kinh Trạm xe, HT.Thích Minh Châu dịch.

[4] ĐTK/ĐCTT, T.02, n0.125, p. 0734c05. Nguyên văn: 「戒清淨義者,能使心清淨,心清淨義者,能使見清淨,見清淨義者,能使無猶豫清淨,無猶豫清淨義者,能使行跡清淨,行跡清淨義者,能使道清淨,道清淨義者,能使知見清淨,知見清淨義者,能使入涅槃義,是謂於如來所得修梵行。」

[5] Nguyên tác Pāli: bhāvetabba.

[6] Trường bộ kinh, kinh Thập thượng, phần Chín pháp, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

[7] ĐTK/ĐCTT, T.32, n0.1646, p. 253a25.

[8] ĐTK/ĐCTT, T.30, n0.1579, p. 838a09.

[9] ĐTK/ĐCTT, T.31, n0.1602, p. 495c09.

[10] Trung bộ 22, kinh Ví dụ con rắn, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác