Vượt Qua Mười Hai Xứ
vuot qua
Vượt Qua Mười Hai Xứ
Nguyên Giác
Trước tiên, nên thấy rằng Phật giáo là pháp xuất thế gian, pháp để thoát khổ,
pháp để xa lìa ba cõi - không phải pháp thế gian chỉ thuần để thư giãn hay chữa
bệnh, tuy rằng vẫn có vô lượng hiệu ứng phụ giúp người trần nhẹ gánh.
Nói thoát khổ như thế, nghĩa là thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Nghĩa là thoát
ra khỏi những buộc ràng, những phiền trược của tất cả các kinh nghiệm của chúng
ta luân hồi trong ba cõi - tức là sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và
sáu ngoại xứ (cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái
được chạm xúc và cái được tư niệm).
Trong kinh Sabba (kinh Tất cả - SN 35.23), bản Việt dịch của ngài Thích
Minh Châu viết: “…này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và
các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như
vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.”
(1)
Một bài kệ của ngài Bồ Đề Đạt Ma, khi tóm tắt tông chỉ Thiền tông, đã nói tới
mười hai xứ này (nơi đây, chúng ta trích bốn câu, thay vì đầy đủ là tám câu
trong phần Nhị chủng nhập của sách Thiếu Thất lục môn):
Ngoại tức chư duyên,
Nội tâm vô đoan,
Tâm như tường bích,
Khả dĩ nhập đạo.
Có thể dịch là: Bên ngoài dứt bặt muôn duyên, bên trong không còn tư lường tăm
hơi manh mối gì, tâm y hệt như tường vách, mới có thể vào đạo.
Bên ngoài là nói sáu ngoại xứ, bên trong là nói sáu nội xứ. Nếu lúc nào cũng
thấy được tâm như thế, tất nhiên không cần tu gì nữa, làm gì cũng chỉ là thêm
sương trên tuyết.
Đọc tạng Pāli, chúng ta sẽ thấy bốn câu thơ với mười sáu chữ trên là dịch rất
sát nghĩa từ kinh Trung bộ (MN-138, Uddesavibhaṅga
Sutta - kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết), bản Việt dịch của ngài Thích Minh Châu
là, trích:
“Thế Tôn nói như sau: - Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một
cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản
rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo,
nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước
nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về
sanh, già, chết trong tương lai.
Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bước
vào tinh xá.”(2)
Mấy chữ “tâm như tường vách” trong bản Việt dịch là “không bị chấp thủ
quấy rối”, trong bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu là “from lack of
clinging/sustenance he would be unagitated…”
Nếu trực tiếp an tâm được như thế, là xong. Nhưng, giả sử, nếu còn vướng bận,
còn thấy chút tăm hơi manh mối trong tâm, làm sao để tu tập?
Nơi đây, chúng ta nói về hai pháp: hoặc ly tham, hoặc nhận ra tự tánh Không của
các pháp.
Thứ nhất,
nói về pháp ly tham. Trong nhóm kinh Tương ưng, có 3 bản kinh có các đoạn
cuối y hệt nhau về ly tham: kinh SN 22.53, kinh SN 22.54, kinh
SN 22.55.
Nơi đây, chúng ta trích đoạn cuối kinh SN 22.55, bản Việt dịch của ngài
Thích Minh Châu:
“Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn
tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu.
Không có chỗ y chỉ như vậy thức không tăng trưởng, không có hành động, được giải
thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc
nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn
toàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm,
không còn trở lui trạng thái này nữa…”
(3)
Nghĩa là, hễ ly tham được là bên ngoài cắt đứt sở duyên, bên trong thức không
chỗ bám (không chỗ y chỉ) và như thế là kiên trú, tịch tịnh, và giải thoát.
Cũng nên ghi nhận thêm rằng, kinh Itivuttaka-1 trong Tiểu bộ ghi
lời Đức Phật rằng hễ ly tham là chắc chắn đắc quả A-na-hàm (Bất Lai, tức Thánh
quả thứ ba). Học giả John D. Ireland trong tác phẩm “The Udana and the
Itivuttaka” (kinh Cảm hứng ngữ và kinh Phật thuyết như vậy), nơi
phần chú thích ở trang 217 (ấn bản 2007), viết rằng ly tham ái (sensual lust)
sẽ đắc quả Bất lai, nhưng ly được tham hữu (greed for being) mới là
A-la-hán.
Về ly tham, cũng có thể dẫn ra kinh Sn 4.1 (Kama Sutta: Kinh về tham dục)
trong nhóm Kinh Nhật tụng sơ thời (4)
- nơi đây Đức Phật dạy: “...khi xa lìa tham dục, sẽ vượt qua trận lụt, hệt
như ghe được tát nước và qua tới bờ bên kia.”
Thứ hai,
nói về pháp nhận ra tự tánh Không của các pháp. Cũng có nghĩa là nhận ra các
pháp vốn thực là vô ngã.
Thí dụ như âm nhạc làm mê đắm lòng người, nhưng khi chẻ cây đàn ra làm trăm hay
ngàn mảnh, cũng không ai tìm được âm thanh ở đâu. Nghĩa là, các pháp duyên vào
nhau mới hiện ra trước mắt và bên tai chúng ta, nhưng thực tướng chính là rỗng
rang vô tướng.
Kinh Tương ưng (SN 35.242, Dutiyadārukkhandhopama Sutta - kinh Đàn tỳ
bà), bản Việt dịch của ngài Thích Minh Châu viết, trích:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, một vị vua hay đại thần của vua từ trước chưa từng
được nghe tiếng đàn tỳ bà, nay được nghe tiếng đàn tỳ bà, vị ấy nói: “Này Bạn,
tiếng ấy là tiếng gì, khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm
như vậy, hấp dẫn như vậy?” Họ nói với vị ấy: “Thưa Tôn giả, đây là đàn tỳ bà,
với tiếng khả ái như vậy, mê ly như vậy, khả lạc như vậy, say đắm như vậy, hấp
dẫn như vậy”. Vị ấy nói như sau: “Hãy đi và đem đàn tỳ bà ấy về cho ta”. Họ đem
đàn tỳ bà về cho vị ấy, và nói như sau: “Thưa Tôn giả, đàn tỳ bà này với tiếng
khả ái như vậy, khả lạc như vậy, mê ly như vậy, say đắm như vậy, hấp dẫn như
vậy”. Vị ấy bèn nói: “Thôi vừa rồi đối với ta về đàn tỳ bà này. Hãy đem tiếng
lại cho ta”. Họ thưa với vị ấy: “Thưa Tôn giả, cái này được gọi là đàn tỳ bà,
gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành phần. Nhờ nhiều thành phần này nên
đàn phát âm. Như duyên cái bầu, duyên cái da, duyên cái cán, duyên cái đầu,
duyên cái dây, duyên cái cung, duyên nỗ lực thích nghi của người. Như vậy, thưa
Tôn giả, cái này gọi là đàn tỳ bà, gồm có nhiều thành phần, gồm có số lớn thành
phần. Nhờ gồm nhiều thành phần này nên đàn phát âm”. Rồi vua ấy đập đàn tỳ bà ấy
ra thành 10 mảnh, 100 mảnh; sau khi đập bể đàn tỳ bà ấy ra thành 10 mảnh, 100
mảnh, vị ấy chẻ thành từng miếng nhỏ; sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, vị ấy
lấy lửa đốt; sau khi lấy lửa đốt, vị ấy vun lại thành đống tro; sau khi vun lại
thành đống tro, vị ấy đem quạt đống tro lớn ấy trước làn gió mạnh, hay để chúng
trôi theo dòng nước sông chảy mạnh. Rồi vị ấy nói: “Thật là hạ liệt, cái gọi đàn
tỳ bà này, dầu cho tỳ bà là cái gì. Ở đây, đại chúng thường phóng dật, bị hướng
dẫn sai lạc”.(5)
Hễ thấy các pháp rỗng rang không thể nắm bắt như tiếng đàn tỳ bà, lập tức mười
hai xứ sẽ tịch tịnh, không có gì cần phải mài giũa nữa. Một khi đã thấy tự tánh
Không này xong, trọn đời chỉ cần giữ cái nhìn này. Thiền tông gọi là, sau khi
ngộ được thực tướng các pháp là vô tướng, phải bảo nhậm cái nhìn này để tập khí
phiền não nhạt dần.
Trong nhóm kinh được chư Tăng tụng hàng ngày khi Đức Phật sinh tiền, có bản kinh
Sn 5.15 (Mogharaja-manava-puccha) cũng dạy rất cô đọng, rằng hãy luôn
luôn tỉnh thức và nhìn tất cả các pháp rỗng rang như thế, trích:
“Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với
cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không
thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.”(4)
Như thế, chúng ta thấy rằng nhiều kinh trong tạng Pāli là cội nguồn cho các câu
thơ trên của ngài Bồ Đề Đạt Ma, người đã khai sáng ra Thiền tông.
GHI CHÚ:
(1)
Kinh SN 35.23 (Kinh Tất cả):
https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau
(2)
Kinh MN-138 (Kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết):
https://suttacentral.net/mn138/vi/minh_chau
(3)
Kinh SN 22.55 (Kinh Lời cảm hứng):
https://suttacentral.net/sn22.55/vi/minh_chau
(4)
Kinh Nhật tụng sơ thời:
https://thuvienhoasen.org/p15a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi
(5)
Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn tỳ bà)
https://suttacentral.net/sn35.242/vi/minh_chau
.